Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) là người con ưu tú của dân tộc và là một vĩ nhân của thời đại. Người là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim, khối óc của Người luôn dành cho dân tộc Việt Nam cũng như giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới một tình yêu bao la.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người mà tên tuổi và sự nghiệp gắn bó với vận mệnh của cả dân tộc, cả đất nước. Hồ Chí Minh với 79 mùa Xuân của cuộc đời mình đã để lại dấu ấn đậm nét không chỉ trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà đối với cả lịch sử thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi trọn 79 mùa Xuân, đi trọn vào lòng đồng bào, sống mãi trong trái tim nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Đối với dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người anh hùng của sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi chế độ thực dân Pháp, chấm dứt chế độ quân chủ từng tồn tại ngàn năm, xác lập nền Độc lập và thể chế Dân chủ Cộng hòa trên đất nước ta. Bao trùm lên tất cả, Hồ Chí Minh là một phần của lịch sử dân tộc Việt Nam, là con người để lại nhiều dấu ấn trong lòng các tầng lớp nhân dân thuộc thế hệ đương thời và một tấm gương cùng nhiều bài học sâu sắc như một giá trị di sản của ký ức dân tộc.
Đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nhiều chuyên đề có nội dung phong phú do các tác giả trong và ngoài nước viết. Với một cách tiếp cận mới, định vị theo thời gian mỗi ngày trong năm, xuyên suốt “79 mùa Xuân” của cuộc đời Bác Hồ, cuốn sách này hy vọng mang lại một cảm xúc và một công dụng mới đối với người đọc. Đây là sự tập hợp theo một hệ thống về thời gian của từng ngày trong một năm (có lựa chọn cho phù hợp với khuôn khổ của sách) những hoạt động, những câu chuyện, những câu nói hay đoạn viết hay của Bác Hồ, có giá trị đọng lại lâu dài trong ký ức nhân dân. Cuốn sách này, thừa hưởng những người đi trước trong công việc sưu tập, nghiên cứu hay sáng tác liên quan đến nhân vật lịch sử này, nhưng nó được trình bày, dẫn dắt theo cách sắp đặt “ngày này năm xưa” nay cũng khá quen thuộc trong các xuất bản phẩm và truyền thông (Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc).
Để giúp bạn đọc hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp, những giá trị lâu dài đó, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngày này năm xưa” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay, báo Sài Gòn Giải phóng, đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai biên soạn, phát hành.
Phần 1
Ngày 01/01
“Năm nay là rất vẻ vang”
Ngay đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc từ Tĩnh Tây (Trung Quốc) quay lại Cao Bằng để chuẩn bị tập hợp lực lượng và soạn thảo đường lối cứu nước. Tháng 5 năm đó, tổ chức Mặt trận và Cương lĩnh Việt Minh ra đời. Phấn khởi trước tiền đồ dân tộc, ngày 01/01/1942, Nguyễn Ái Quốc làm bài thơ “Chúc năm mới” đầu tiên đăng trên báo “Việt Nam độc lập” với những lời cổ vũ đầy hào khí:
“Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!
Chúc toàn quốc ta trong năm này,
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Năm này là năm rất vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới”1.
Kể từ năm ấy, hàng năm vào ngày đầu tiên của dương lịch hay ngày Tết âm lịch, Bác Hồ đều có lời chúc Tết. Với vị Chủ tịch Nước, thơ chúc Tết chỉ là một tình cảm khiêm nhường:
“Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”2 .
Từ mùa Xuân năm Nhâm Ngọ (1942) đến năm Kỷ Dậu (1969), chỉ trừ 3 năm 1955, 1957 và 1958, còn năm nào vị Chủ tịch Nước cũng có lời chúc Tết ngay cả khi không có mặt ở trong nước như Tết dương lịch 1952 đang thăm Nam Ninh (Trung Quốc).
Ngày 01/01/1969, vào mùa Xuân thứ 79 của Bác, thư chúc mừng năm mới Xuân Kỷ Dậu đó trở thành lời chúc lần cuối nhưng vẫn hừng hực khí thế cổ vũ con đường đi đến toàn thắng của sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”3
Có ba ngày đầu năm dương lịch để lại dấu ấn trong cuộc đời của Bác như những sự kiện lịch sử trọng đại. Đó là ngày Tết dương lịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, 01/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chính phủ Liên hiệp lâm thời bao gồm nhiều nhân sĩ thuộc nhiều đảng phái, khuynh hướng chính trị biểu thị khối đại đoàn kết dân tộc đó ra mắt tại quảng trường Nhà Hát lớn Hà Nội làm lễ tuyên thệ trước quốc dân.
Đó cũng là ngày đầu năm của năm 1954, Bộ Chính trị họp để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ định cơ quan lãnh đạo mặt trận. Chính tại cuộc họp này, Bác đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”4 .
Và đúng một năm sau đó, ngày 01/01/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mặt trên lễ đài tại Quảng trường Ba Đình lịch sử trong ngày lễ ra mắt đồng bào Thủ đô sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 02/01
“Kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến thắng lợi”
Ngày 02/01/1946, Báo “Cứu Quốc” - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh đăng “Lời cảm ơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội của một số quan lại cũ được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám 1945 nhằm động viên tầng lớp này ủng hộ chính sách của Chính phủ cách mạng. Bằng những lời lẽ chân tình, Bác viết:
“Tôi trân trọng cảm ơn quý Hội đã quyên nhà, quyên tiền giúp cho quỹ Cứu tế, quỹ Kháng chiến và quỹ Độc lập.
Có người nói: “Hồ Chí Minh không biết làm gì, chỉ nay cảm ơn người này, mai cảm ơn người khác”. Vâng! Tôi vui lòng nhận lời phê bình ấy! Hơn nữa, tôi mong rằng ngày nào tôi cũng phải viết nhiều thư cảm ơn, vì như thế chứng minh rằng đồng bào ta đã sốt sắng thực hành cái khẩu hiệu:
“Ai có tiền giúp tiền, ai có sức giúp sức”.
Quốc dân ta đã hiệp lực đồng tâm, đã đoàn kết chặt chẽ, thề kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công...”5.
Kết thúc bức thư, người đứng đầu nhà nước chân thành bày tỏ “Tiếc vì bận quá, tôi không cảm ơn khắp được. Vậy tôi xin các đồng bào tha lỗi cho”6 .
Vào thời điểm đất nước mới thoát khỏi chế độ thuộc địa và phong kiến, ứng xử của vị nguyên thủ quốc gia thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ đối với nhân dân đang chứng kiến những đổi thay của đất nước theo tinh thần dân chủ.
Ngày 02/01/1947, nhân dịp Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mariút Mutờ (Marius Moutet), người đã ký kết Tạm ước 14/9/1946 sang Đông Dương, qua một cuộc phỏng vấn báo chí, Bác Hồ đã đưa ra những thông điệp: "Việt Nam không chiến tranh chống nước Pháp và dân Pháp và ta muốn hai dân tộc Việt - Pháp cộng tác thật thà.
Nhưng tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc... Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ. Dân Việt Nam muốn hòa bình, nhưng vì vận mệnh của Tổ quốc, của giống nòi, thì sẽ kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến thắng lợi”7 .
Trước đó một ngày, Bác đã gửi thư đến Chính phủ và nhân dân Pháp: “Tôi kêu gọi nhân dân Pháp để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và năm 1947 mang lại nền hòa bình và tình hữu nghị giữa nước Pháp và nước Việt Nam”8 . Đó là những bằng chứng khẳng định trách nhiệm của chủ nghĩa thực dân đã đi ngược lại khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam mà Hồ Chí Minh là hiện thân.
Tuy nhiên, thực dân Pháp vẫn điên cuồng tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược. Trước tình hình ấy, ngày 02/01/1950, Bác Hồ rời Tân Trào đi Trùng Khánh bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc và Liên Xô nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.
Cách mạng Cuba thành công ngày 01/01/1959, ta lập quan hệ ngoại giao với Cuba từ năm 1960. Kể từ đó, vào ngày 02/01 hàng năm cho đến trước khi qua đời, Bác thường đến Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội để bày tỏ tình cảm đoàn kết của nhân dân Việt Nam.
Ngày 03/01
“Những công việc cấp bách”
Ngày 03/01/1946, Bác Hồ chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ bàn những công việc cấp bách và kết luận: “Chính phủ đã phải đối phó với hai sự khó khăn, trong Nam: Họa ngoại xâm; ngoài Bắc: Nạn đói. Nhờ sự ủng hộ của quốc dân, công việc đã có kết quả khả quan”9.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Thông đạt” gửi tới các Bộ trưởng liên quan đến quy định bảo quản tài liệu lưu trữ. Đây là một văn kiện lịch sử của ngành Lưu trữ nước ta, nó cho thấy tầm nhìn xa của người đứng đầu một quốc gia non trẻ chưa có kinh nghiệm hành chính.
Bản Thông đạt viết: "Xét rằng một vài công sở đã tự tiện huỷ bỏ hay bán các công văn và hồ sơ cũ. Hành động ấy có tính cách phá hoại, vì sẽ làm mất những tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia.
Vậy yêu cầu các ông Bộ trưởng ban chỉ thị cho nhân viên các sở phải gìn giữ tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được huỷ những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép huỷ bỏ... Những viên chức không tuân lệnh này sẽ bị nghiêm trị”10.
Chỉ một năm sau đó, ngày 03/01/1947, Chính phủ của nước Việt Nam độc lập đã phải di chuyển lên Việt Bắc, Hà Nội đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Vào thời điểm ấy, Mariút Mutờ (Marius Moutet) là người Bác từng quen biết trong Đảng Xã hội Pháp, lúc này lại đang là Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại đang có mặt tại Hà Nội. Hy vọng tranh thủ được ông Mutờ (Moutet), Bác Hồ viết một lá thư trong đó có đoạn:
“Tôi lấy làm vui mừng được biết ngài tới Hà Nội. Xin có lời chào mừng ngài, vì ngài vừa là bạn cũ, vừa là đại diện cho nước Pháp mới, vừa là sứ giả của hòa bình.
Tôi rất mong và rất sung sướng được hội kiến với ngài lâu một chút để tỏ rõ ý muốn thành thực hòa bình và cộng tác của chúng tôi, và để chuyển đến với ngài những đề nghị của chúng tôi về việc lập lại sự giao hảo giữa hai nước chúng ta”11.
Bức thư đó không được hồi âm. Mutờ (Moutet) đến Hà Nội giữa cảnh đổ nát và trong vùng vẫy của giới thực dân mà đầu xỏ là Đô đốc Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu). Ngày 08/01, Mutờ (Moutet) về nước mà không tìm ra giải pháp nào.
40 năm sau (1988), nhà sử học Pháp Philớp Đờvinlơ (Philippe Devillers) đã chứng minh rằng toàn bộ những thông điệp của Hồ Chí Minh trong thời gian này đều bị Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) phong tỏa, kể cả một “gói hàng” mà ngày 03/01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho người chuyển tới phía Pháp để trao tận tay vị Bộ trưởng. Trong một bức thư gửi tướng Đờ Gôn (De Gaulle), viên Đô đốc “diều hâu” này hí hửng: Nhờ ơn Chúa, Mutờ đã không có một cuộc tiếp xúc cá nhân nào với nhóm ông Hồ Chí Minh. Đó là một điểm thắng lợi đầu tiên.
Nhưng cái mà Đácgiăngliơ cho là thắng lợi đầu tiên ấy thì cũng khởi đầu cho một thảm bại cuối cùng khi quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ sau đó 7 năm!
Ngày 04/01
"Chúng thiếu một vũ khí khá quan trọng nhất: Tinh thần”
Ngày 04/01/1920, Nguyễn Ái Quốc đi xem một cuộc triển lãm hàng không tại Pari cùng với một người tên là Giăng (Jean). Nhưng Giăng (Jean) lại chính là một viên mật thám nên trong báo cáo gửi cấp trên y cho biết: Ông Quốc đã ở 6 năm tại Mỹ, 4 năm ở bên Anh, ông đã làm bất cứ nghề gì để sống và để học hỏi. Ông đã để ý đặc biệt vấn đề chính trị thuộc địa của người Anh và Mỹ, Tây Ban Nha cùng Italia. Ông nói và viết được tiếng Anh, đọc được tiếng Italia và Tây Ban Nha12 ...
Ngày 04/01/1924, Tờ “La Vie d’ Ouvrière” (Đời sống công nhân) ở Pháp đăng một lúc 2 bài báo của Nguyễn Ái Quốc lúc này đang ở Liên Xô, viết về “Tình cảnh của người nông dân An Nam” và “Tình cảnh của người nông dân Trung Quốc”.
Khi đề cập tình cảnh người nông dân trên Tổ quốc của mình, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “... Là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản. Chính họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch. Chính họ làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hóa và những bọn khác hưởng mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thói; hễ mất mùa thì họ chết đói... Đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa...”13.
Còn tình cảnh của người nông dân Trung Quốc cũng chịu hậu quả bởi chế độ quân phiệt, ách bóc lột địa tô của chế độ cũ cộng với sự bóc lột của chế độ tư bản cũng như bộ máy quan liêu. Bài báo kết luận rằng: “Muốn xóa bỏ tất cả những điều đó, các đồng chí Trung Quốc của chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng, làm cho quần chúng thấy thật rõ sức mạnh của mình, quyền lợi của mình, và có đủ khả năng thực hiện được khẩu hiệu: “Tất cả ruộng đất về tay nông dân!”14.
Có thể nói rằng, vấn đề nông dân và giải phóng người nông dân là mối quan tâm hàng đầu của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian học tập lý luận tại nước Nga Xô viết cũng như trong thực tiễn vận động cách mạng sau này.
22 năm sau, ngày 04/01/1946, Bác Hồ viết thư yêu cầu và khích lệ các ứng cử viên ra mắt tiếp xúc với cử tri tại nơi công cộng và gặp một số nhân vật của Bộ Ngoại giao Chính phủ Trung Hoa Dân quốc tại Hà Nội nhằm tranh thủ sự ủng hộ nền độc lập của Việt Nam trong bối cảnh Pháp và Trung Hoa đang mặc cả với nhau về lợi ích ở Đông Dương.
20 năm tiếp sau, ngày 04/01/1966, Báo Nhân Dân đăng bài “Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười”. Bằng cách viết hài hước nhưng căn cứ vào những số liệu và dẫn liệu rất cụ thể, Bác phân tích thế của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đang xuống vì “chúng thiếu một thứ vũ khí quan trọng nhất, chúng thiếu tinh thần”15.
Ngày 04/01/1967, Bác Hồ đến dự và nói chuyện với Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước và chụp ảnh với các cháu học sinh xuất sắc.
Chú thích
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 3, tr. 210.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 187.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.12, tr. 426.
4. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 5, tr. 416.
5,6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 143.
7,8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 3, 7.
9. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 117.
10 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 144.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 9.
12. Thu Trang, Nguyễn Ái Quốc tại Pari (1917-1923), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 121.
13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 227-229, 232.
14,15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 8.