Ngày 16/01
“Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải lấy cần làm gốc”.
Ngày 16/01/1935, Nguyễn Ái Quốc lúc này đang ở Liên Xô đã viết “Thư gửi Ban Phương Đông” của Quốc tế Cộng sản nêu lên tình trạng thiếu lý luận cách mạng của đa số cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương, Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, v.v. và cho rằng nhiều vấp váp sai lầm hay bế tắc của phong trào cộng sản ở đây đều bắt nguồn từ “trình độ lý luận rất thấp” và yêu cầu “phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thụ được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sỹ đều phải có”49.
Nguyễn Ái Quốc còn nêu tên các tài liệu cần được xuất bản dưới dạng các cuốn sách nhỏ như Tuyên ngôn Cộng sản, Lịch sử Quốc tế cộng sản, Luận cương và nghị quyết về vấn đề thuộc địa. Bức thư kết luận rằng đó là những “biện pháp duy nhất có hiệu quả” để chấm dứt tình trạng lạc hậu về lý luận cách mạng ở các nước thuộc địa như Đông Dương nơi mà Đảng phải hoạt động bất hợp pháp và trình độ văn hóa của người lao động còn thấp.
12 năm sau, ngày 16/01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo “Lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến”.
Sau “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946 thì đây là một văn kiện quan trọng kêu gọi toàn dân tiếp tục cuộc kháng chiến bằng những việc làm cụ thể. Văn kiện viết: “Vì sao ta phải kháng chiến? Vì không kháng chiến, thì Pháp sẽ cướp nước ta lần nữa. Chúng sẽ bắt dân ta làm nô lệ lần nữa... Vì ta không chịu làm trâu ngựa cho Pháp, vì ta phải giữ gìn non sông đất nước ta, cho nên ta phải đánh bọn thực dân Pháp. Đánh thì phải phá hoại... Ta vì nước hy sinh, chịu khổ một lúc. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, ta sẽ cùng nhau kiến thiết sửa sang lại, nào có khó gì”50.
Trên Báo Nhân Dân ra ngày 16/01/1960, Bác viết bài báo “Lấy Cần làm gốc” phân tích những cách nhìn nhận phiến diện về chủ nghĩa xã hội và cho rằng: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải lấy cần làm gốc, cần là lao động: Lao động cần cù và sáng tạo. Năng suất lao động ngày càng tăng là nguồn no ấm của chúng ta”51.
Ngày 16/01/1961, Bác đến thăm Viện Đông y và căn dặn: “Thầy thuốc cắt thuốc mà sắc không tốt thì chữa bệnh cũng chưa tốt. Thầy thuốc cắt thuốc tốt và sắc thuốc tốt, nhưng nấu ăn không tốt, để giường có rệp, muỗi cắn hút máu của người bệnh thì chữa bệnh cũng không tốt. Cho nên phải đoàn kết trên dưới thành một khối như chiếc máy đồng hồ”52.
Ngày 16/01/1966, Bác nói chuyện với Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị 12 của Trung ương Đảng. Phân tích sự can thiệp và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ, Bác khẳng định: "Bây giờ Mỹ có 20 vạn quân ở miền Nam, nó có thể đưa thêm vào hơn nữa đến 30, 40, 50 vạn quân. Ta vẫn thắng, nhất định ta thắng"53 . Lịch sử đã chứng minh nhận định trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành hiện thực.
Ngày 17/01
“Đánh kẻng còn hơn gảy đàn!”
Ngày 17/01/1926, trên Báo Thanh niên xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc viết bài “Báo chí bình dân” đưa ra một quan niệm về báo chí cách mạng. Bài báo viết: “Chúng tôi bất chấp (xem thường) việc sử dụng những từ mỹ miều, văn phong lịch lỡm, câu chữ đong đưa, nhịp câu đăng đối song hành, những sự tô vẽ văn chương mà các nhà nho ham chuộng. Nhưng ngược lại chúng tôi gắng sức, vì lợi ích của tất cả mọi người, dùng một văn phong sáng sủa, chính xác và dễ hiểu.
Vì mục đích của chúng tôi là: 1- Đánh trả sự tàn bạo của người Pháp, 2- khích lệ dân tộc An Nam kết liên lại, 3- Làm cho họ thấy được nguyên nhân những đau khổ, đói nghèo của họ và chỉ ra cho họ làm cách nào để tránh được những điều đó, nên bản báo chúng tôi làm trên nhiệm vụ là hồi kẻng báo động... Tiếng đàn cầm chắc chắn hay hơn tiếng kẻng; nhưng trước mối họa đang đe dọa chúng ta, tốt nhất là đánh kẻng còn hơn gẩy đàn”54.
20 năm sau sự kiện trên, ngày 17/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn tới Bộ trưởng Ngoại giao các nước Liên Xô, Hoa Kỳ và đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc thiết tha yêu cầu công nhận nền độc lập và nhận Việt Nam vào Hội đồng Liên hợp quốc. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam gửi một văn bản chính thức đặt vấn đề với ba quốc gia sáng lập Liên hợp quốc: Sự có mặt của chúng tôi trong Hội nghị sẽ có ích nhiều trong việc giải quyết một cách nhanh chúng và hòa bình các vấn đề ở Đông Nam Châu Á hiện nay. Lịch sử cho thấy, phải bằng một cuộc đấu tranh lâu dài tới 31 năm sau đó (20/9/1977) Việt Nam mới chính thức gia nhập Liên hợp quốc với tư thế của một quốc gia độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Cùng ngày, tham dự cuộc họp Giám đốc và Chủ tịch các ủy ban công sở ở Hà Nội, Bác có “Lời khuyên anh em viên chức” (về sau đăng thành một bài báo) trong đó nhấn mạnh đến bốn đức tính là: “Cần, kiệm, liêm, chính. Cần, anh em viên chức phải tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người. Và phải tôn trọng kỷ luật. Anh em phải theo nguyên tắc là có việc mới cần đến người, chứ không phải là có sẵn người nên phải tìm việc cho làm. Kiệm, phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong các sở. Giảm bớt hết những gì không cần thiết, chớ hao phí giấy tờ và các thứ của công. Hao phí những thứ đó tức là hao phí mồ hôi nước mắt của dân nghèo. Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đó bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra. Có cần, có kiệm, không tiêu đến nhiều tiền, anh em viên chức mới có thể trở nên liêm, chính để cho người ngoài kính nể được”55.
Ngày 18/01
“Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân!”
Ngày 18/01/1923, hồ sơ mật thám của Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc tham dự kỳ họp hàng tháng của Hội Liên hiệp Thuộc địa. Đây là tổ chức được thành lập từ năm 1921 tập hợp đông đảo thành viên là người dân các thuộc địa đang sống ở nước Pháp. Tại kỳ họp này cùng với Nguyễn Ái Quốc là người tham gia sáng lập còn có Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Ái, Trần Tiến Nam, và một người tên là Toàn Hải (có tài liệu cho đó là con trai của nhà báo cấp tiến Nguyễn Văn Vĩnh?) cùng nhiều bạn đồng chí các nước khác.
23 năm sau, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh đang chèo chống con thuyền cách mạng và bảo vệ nền độc lập của nước Việt Nam trước mối đe dọa của chủ nghĩa thực dân. Ngày 18/01/1946, nhân dịp Liên Hợp quốc họp ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ H.Truman lên án hành động chiến tranh của thực dân Pháp đồng thời yêu cầu người đứng đầu Nhà nước Mỹ hãy “can thiệp ngay lập tức và có giải pháp để nhân dân Việt Nam thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đó”. Người nêu rõ: “Sự giúp đỡ to lớn của Cộng hòa Mỹ, của Trung Quốc và Liên Hợp quốc về tài chính và kỹ thuật, Cộng hòa Việt Nam chúng tôi sẽ có đủ khả năng góp phần xây dựng nền hòa bình và thịnh vượng chung trên thế giới”56.
Miền Bắc giờ đây đã bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu xây dựng con người mới, lối sống mới trở thành mối quan tâm của Bác Hồ. Thời gian này trên nhiều tờ báo, Bác thường viết những bài báo nhỏ đề cập những vấn đề đời thường và thời sự.
10 ngày trước Tết Canh Tý, ngày 18/01/1960, Bác Hồ đó viết bài “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?” đăng trên Báo Nhân Dân nêu những điều đáng khen, đáng chê trong việc ăn Tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn Tết vui vẻ, tiết kiệm và kết luận bằng câu thơ:
“Trăm năm trong cõi người ta,
Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan.
Mừng Xuân, Xuân cả thế gian,
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”57.
Cũng trong ngày bài báo được đăng, Bác đi thăm tỉnh Kiến An (nay là huyện thuộc thành phố Hải Phòng) gặp gỡ cán bộ và nhân dân tỉnh, Bác nhắc nhở đảng viên phải “thường thường ôn lại, tự liên hệ và giữ đúng những tiêu chuẩn của người đảng viên”58. Cùng ngày Bác thăm và nói chuyện với học sinh Trường miền Nam số 12, Hải Phòng.
Một năm sau, ngày 18/01/1961, cũng trên tờ báo của Đảng, Bác Hồ đó viết bài “Một lòng một dạ phục vụ nhân dân” để phê phán một số hiện tượng tiêu cực, cửa quyền của những cán bộ ngành Thương nghiệp quốc doanh. Bài báo có đoạn: “Đảng và Chính phủ dạy chúng ta phải kính trọng nhân dân, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Không thể tha thứ những thái độ khinh miệt nhân dân, những việc làm dối trá với nhân dân...”59.
Ngày 19/01
“Khi đặt kế hoạch thì phải nhìn xa, trông rộng”.
Tối ngày 19/01/1920, Nguyễn Ái Quốc đi cùng một đồng bào người Việt xem tại Nhà hát “Nouveau Lirique” ở Pari. Trong khi theo dõi sự kiện này viên mật thám đó phát hiện ý định của Nguyễn Ái Quốc đang viết một cuốn sách dự kiến mang tên là “Les Opprimés” (Những kẻ bị áp bức). Nguyễn Ái Quốc tỏ ra quyết tâm thực hiện bằng được. Khi được hỏi lấy tiền đâu để in, Nguyễn Ái Quốc đã trả lời: Khi nào tôi hoàn thành xong quyển sách ấy, tôi sẽ đem bản thảo đến một đảng viên xã hội hay bất cứ ai khác. Sau khi biết tiền để in, tôi sẽ bán thân tôi cho họ như một người đầy tớ. Chả nhẽ tôi không biết đánh giày hay dọn nhà hay sao? và thổ lộ mối quan tâm lớn nhất là: Làm sao để đưa cuốn sách về trong nước60.
8 năm sau đó, ngày 19/01/1933 từ con tàu “Ho Sang” mới cập bến, Nguyễn Ái Quốc một lần nữa lại bị cảnh sát Hồng Kông bắt lại. Thêm một lần nữa, Bác lại thoát hiểm sau khi viết một bức thư gửi luật sư Lôdơbi và nhờ sự can thiệp của vị luật sư này, Nguyễn Ái Quốc lập tức được thả ngay trong ngày bị bắt.
Ngày 19/01/1946, tại Bắc bộ phủ, Bác tiếp các phóng viên khẳng định rằng quyết tâm bảo vệ nền độc lập là một quyền chính đáng “cũng như dân Pháp mong muốn độc lập khi bị Đức chiếm đóng”61 và tỏ rõ quan điểm “nước Pháp không thể nào trở lại thống trị nước Việt Nam một lần nữa, vì nước Pháp ngày nay không như xưa, cũng như nước Việt Nam bây giờ không phải là nước Việt Nam ngày trước”62.
Ngày 19/01/1955, Bác Hồ đến dự lễ khai giảng khóa I của Trường Đại học Nhân dân. Tại buổi lễ, Bác nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đó cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn?”63.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào dịp Tết Kỷ Hợi (1959), Bác Hồ phát động Tết trồng cây, ngày 19/01/1960, Báo Nhân Dân đăng bài “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu”. Bài báo nêu gương một số địa phương và nhắc nhở phải “xem trọng chất lượng, nghĩa là trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng quá nhiều mà không ra sức bảo vệ và trông nom cây” và “thực hiện Tết trồng cây cùng với kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc”64.
Ngày 19/01/1965, bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ hai giữa lúc đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, Bác Hồ nói chuyện với Hội nghị phổ biến kế hoạch nhà nước năm 1965, đề cập một số tư tưởng trong chỉ đạo thực hiện kế hoạch: “Đặt ra kế hoạch thật tốt, thật sát là rất cần, nhưng đó chỉ là bước đầu. Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành tốt kế hoạch. Khi đặt kế hoạch phải nhìn xa. Có nhìn xa mới quyết định đúng đắn thời kỳ nào phải làm công việc gì là chính. Phải thấy rộng. Có thấy rộng mới sắp đặt các ngành hoạt động một cách cân đối. Khi đi vào thực hiện thì mỗi ngành, mỗi nghề phải rất tỉ mỉ, chu đáo, thật sát với mỗi cơ sở. Đó là “một bộ ba” để hoàn thành tốt kế hoạch”65.
Chú thích:
49. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 84-85.
50 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 25.
51. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 405.
52. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 8.
53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 15.
54. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 446.
55 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 158.
56 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 3, tr. 135.
57. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 39.
58. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 406.
59. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 10.
60. Thu Trang, Nguyễn Ái Quốc tại Pari (1917-1923), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 137.
61, 62. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 136.
63. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 455.
64. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 408.
65 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 366, 367.