Ngày 13/01
“Thủ đô phải là thành phố gương mẫu của cả nước”.
Hồ sơ mật thám của Pháp cho biết, ngày 13/01/1923, Nguyễn Ái Quốc nhận được tập “Kỷ yếu nhân quyền” và tham dự một buổi họp của chi bộ cộng sản vùng Xen (Seine) tại trụ sở số 100 đường “Cardinet” (Pari). Cũng bản báo cáo này cho biết trong thời gian đó, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên đến nhà của Luật sư Phan Văn Trường, trong ngày hôm ấy đã dùng cơm trưa với Nguyễn Thế Truyền và Phạm Cao Lục. Nguyễn Thế Truyền vào thời điểm này đang cộng tác với Bác để làm tờ “Việt Nam Hồn”. Cũng trong ngày 13/01, Nguyễn còn tham gia sinh hoạt “Hội của những người An Nam làm nghề nấu bếp và giúp việc nhà”.
Thời gian này, Nguyễn Ái Quốc càng quan tâm đến vấn đề nông dân nên ngày 13/01/1926, Nguyễn Ái Quốc viết thư tới Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân tha thiết đề nghị cung cấp tài liệu về nông dân để “có thể dịch sang tiếng Trung Quốc dùng cho việc tuyên truyền...”41.
Năm 1947, chiến tranh đã lan rộng trên cả nước, bên cạnh việc chỉ đạo cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nỗ lực thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nhằm tranh thủ hòa bình, đặc biệt là hướng về các nước láng giềng Châu Á, ngày 13/01/1947, Chủ tịch Nước Việt Nam viết “Thư gửi lãnh tụ và nhân dân các nước” trong đó nêu rõ: Việt Nam chỉ muốn hòa bình và độc lập để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới, trước là với dân tộc anh em Á Đông và dân tộc Pháp... Vì Tổ quốc, vì tự do, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng. Vì nhân đạo vì chính nghĩa, vì hòa bình chung và lợi ích chung, nhân dân Việt Nam mong các vị giúp đỡ mọi phương diện.
Ngày 13/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ban bố Luật Hôn nhân gia đình. Trong bài nói tại Đại hội đại biểu nhân dân Hà Nội diễn ra vào buổi tối cùng ngày ký sắc lệnh, Bác Hồ nêu rõ ý nghĩa lịch sử của đạo Luật này: “Có quan hệ mật thiết đến mọi người dân trong nước, đến cả nòi giống Việt Nam ta. Đạo luật ấy làm cho gái trai thật sự bình quyền, gia đình thật sự hạnh phúc. Toàn thể đồng bào ta đều nhiệt liệt hoan nghênh đạo luật chí tình chí lý ấy”42.
Cũng trong bài phát biểu này, người đứng đầu Nhà nước chỉ thị: “Đồng bào Thủ đô phải thật gương mẫu trong mọi công tác. Thủ đô phải là thành phố gương mẫu cho cả nước”43.
2 năm sau, trong phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị (ngày 13/01/1962) khi bàn về ngân sách nhà nước, Bác nhấn mạnh đến nguyên tắc “khai nguyên tiết lưu”. “Cái gì cần tập trung thì tập trung, cái gì giảm được thì kiên quyết giảm. Làm sao cho dưới thông, dân thông... Chống lãng phí tham ô cần có biện pháp...”44.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho Thiếu tá Iuri Gagarin, phi công vũ trụ Liên Xô, con người đầu tiên được phóng lên vũ trụ trên con tàu “Phương Đông I” ngày 12/4/1961.
Ngày 14/01
“Tôi chẳng sợ chết cũng chẳng sợ tù đầy”.
Ngày 14/01/1920, Nguyễn Ái Quốc lúc này là Thư ký “Nhóm người cách mạng An Nam” tại Pháp có một cuộc diễn thuyết vào 20h30 tại số 3 đường Chateau, Pari với đề tài: “Sự tiến triển trong xã hội của những dân tộc vùng Châu Á và những lời yêu cầu của xứ An Nam”45. Theo báo cáo của mật thám Pháp, vài ngày hôm sau (19/01), trả lời câu hỏi của một người đồng bào tên là Lâm e ngại việc làm của Nguyễn Ái Quốc là quá mạnh, nhà cách mạng trẻ thẳng thắn trả lời: Nếu ai hỏi tôi là “Nhóm người cách mạng An Nam” ở đâu, tôi sẽ trả lời là 20 triệu người ở trong nước, họ đã phản đối hàng ngày, nhưng bị đàn áp, bị dìm đi. Nói cho cùng, ai làm gì tôi? Lưu đầy tôi ư? Hoặc cắt đầu tôi? Điều ấy có xẩy đến tôi cũng bất cần!.
Một năm sau, ngày 14/01/1921, Nguyễn Ái Quốc vào bệnh viện Côsanh ở Pari để mổ áp xe vai. Ca mổ thực hiện vào ngày 19/01 và phải điều trị tại đó cho đến 25/3/1921. Trong thời gian này mật thám Pháp luôn theo dõi sát sao những tiếp xúc của nhân vật trong Đại hội Tua (Tours) cuối năm trước đã bỏ phiếu theo Quốc tế III. Dưới đây là đoạn trích trong đối thoại của Nguyễn Ái Quốc với viên mật thám giả là khách đến thăm:
... Tại sao ông lại thích làm chính trị? Ông không sợ bị theo dõi, ông không sợ người ta làm hại ông?
(Nguyễn Ái Quốc): Chẳng hề chi, tôi thích làm chính trị thì tôi chẳng sợ chết cũng chẳng sợ tù đầy. Trong đời này, chúng ta chỉ chết có một lần, tại sao lại sợ? ... Tôi vẫn luôn luôn có ý thành lập một tổ chức dưới hình thức một hội thân hữu để tất cả những người Đông Dương tại Pháp gặp gỡ nhau, học hỏi về chính trị. Không cần đông lắm. Để thành một lực lượng mạnh mẽ, điều cần thiết là phải đồng ý với nhau về quan điểm và có tinh thần yêu nước...
5 năm sau, 14/01/1926, Nguyễn Ái Quốc đã ở Trung Quốc với bí danh là Vương Văn Đạt được mời đến phát biểu tại Đại hội lần thứ II của Quốc dân Đảng Trung Hoa. Kết thúc bài phát biểu, đại biểu Vương kêu gọi: “Tất cả các dân tộc bị áp bức nào, hễ cùng bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, thì phải cùng nhau liên hiệp lại. Đả đảo đế quốc Pháp! Đả đảo chủ nghĩa đế quốc trên thế giới!... Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của chúng ta!”46.
10 năm tiếp theo, ngày 14/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 4 về việc cử người vào Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch và kiến thiết, một cơ quan tư vấn được thành lập từ cuối năm 1945. Trong danh sách bổ sung có nhiều nhà trí thức lớn như Đào Duy Anh, Đặng Văn Hưởng, Nguyễn Cao Luyện, Bùi Công Trừng, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa, Trường Chinh, Nguyễn Thiệu Lâu, Hoàng Văn Đức...
Sức thu hút nhân tài của Bác Hồ không chỉ mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân mà thực sự đã quy tụ được trí tuệ của dân tộc.
Ngày 15/01
“Lê-nin dạy chúng ta chống quan liêu, tham ô, lãng phí!.
Ngày 15/01/1923, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là một đảng viên thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp tích cực hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của chính giới đối với vấn đề thuộc địa nói chung, xứ sở Đông Dương của mình núi riêng. Vào ngày 15/01/1923, bài báo “Những người bản xứ được ưa chuộng” đăng trên tờ báo “Người Cùng khổ”(Le Paria). Bằng một giọng văn hài hước sắc sảo và sâu cay, tác giả lấy tích truyện “Ôtenlô” của đại văn hào Xếchxpia để liên tưởng đến thân phận những người da màu trên nước Pháp hiện đại, bóc trần những thủ đoạn và sự tuyên truyền lừa bịp về nền dân chủ và công lý...
23 năm sau, ngày 15/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 5, huỷ bỏ quyền quản lý và sử dụng đường sắt Hải Phòng - Vân Nam của Công ty Hoả xa Vân Nam. Đây là một trong những thế lực mạnh của nền kinh tế thuộc địa. Nó độc quyền khai thác con đường huyết mạch nối vùng Tây Nam Trung Quốc thông ra biển ra cảng Hải Phòng. Không chỉ người Pháp mà lúc này Trung Hoa Quốc dân Đảng cũng muốn nắm. Theo Sắc lệnh này thì toàn bộ tài sản của Công ty nay thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Nhà nước Việt Nam.
Để ổn định trị an, Bác cũng ký Sắc lệnh số 6 về hình phạt đối với tội trộm cắp, tự ý phá hủy, cắt dây điện thoại hoặc tàng trữ các loại vật tư có liên quan; và sắc lệnh bổ sung về chức năng của Toà án quân sự. Trong lưu trữ hiện còn một lá thư đề ngày này năm 1947, yêu cầu Văn phòng Chính phủ chuẩn bị soạn thảo sắc lệnh lưu ý trong các văn bản của nhà nước nên viết ngắn gọn, dễ hiểu và “không dùng tiếng Tây”.
Ngày 15/01/1950, trong thư viết cho Hội nghị Công an toàn quốc (lần thứ 5) Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Xây dựng bộ máy Công an nhân dân. Tức là công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân... Tổ chức công an phải giản đơn, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má. Lề lối làm việc phải dân chủ. Phải hoan nghênh nhân dân phê bình công an, để đi đến hiểu công an, yêu công an, và giúp đỡ công an"47.
Ngày 15/01/1952, Bác Hồ ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho nữ Anh hùng dân quân Bùi Thị Cúc, quê ở Hưng Yên đã giữ vững khí tiết người chiến sỹ cách mạng khi bị giặc Pháp bắt và giết hại một cách dã man.
Ngày này một năm sau đó (1953) chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 30 ngày V.I.Lê-nin mất (21/01/1924 - 21/01/1954), Bác viết bài “Kỷ niệm Lê-nin” đăng trên Báo Nhân Dân. Bài báo nêu lên những bài học sâu sắc: “Lê-nin dạy chúng ta phải ra sức chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Dù vô tình hay là cố ý, duy trì 3 bệnh ấy tức là giúp sức cho kẻ địch và làm hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho Đảng... Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lê-nin, thương nhớ đồng chí Lê-nin thì càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đó là con đường duy nhất cho chúng ta đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công”48.
Chú thích:
41. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 1, tr. 346.
42. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 29, 30.
43,44. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 180.
45. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 1, tr. 88.
46. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 217.
47 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 9-10.
48. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 4.