Ngày 20/01
“Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”.
Vào dịp Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ gửi thư tới thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến. Bức thư khởi đầu bằng những lời lẽ hết sức sâu sắc nhằm động viên giới trẻ bước vào cuộc vận động “Đời sống mới” mà người đứng đầu Nhà nước phát động và đặt nhiều kỳ vọng:
“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội. Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”. Đời sống mới là: - Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ - Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm - Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ - Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa.
Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”66.
Một năm sau đó, Toàn quốc kháng chiến đó bùng nổ được gần một tháng, ngày 20/01/1947, Bác còn không quên viết thư cho người chuyển vào thành phố nơi chiến sự đương diễn ra ác liệt để khuyên sư cụ chùa Ngũ Xá nên tản cư. Chiều hôm đó, con đường đến Hà Đông lầy lội đến mức các đại biểu, kể cả vị Chủ tịch Nước không đến nổi địa điểm cuộc họp đầu tiên của Chính phủ dự kiến triệu tập vào buổi chiều hôm đó chỉ cách Hà Nội hơn một chục cây số.
Một năm tiếp sau, Bác và đầu não của cuộc kháng chiến đã xây dựng căn cứ vững chắc trên chiến khu Việt Bắc, ngày 20/01/1948, Bác ký nhiều sắc lệnh quan trọng trong đó có việc phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Võ Nguyên Giáp (số 109), phong quân hàm cấp Thiếu tướng cho một loạt các nhà lãnh đạo quân sự sau này trở thành những tướng lĩnh nổi tiếng như Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm, Chu Văn Tấn, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai, v.v.. Đây là một sự kiện lịch sử đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ sau một năm đã vượt qua những thử thách vô cùng khắc nghiệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được và quyết tâm thực hiện mục tiêu thống nhất nước nhà.
Ngày 20/01/1962, tại Hà Nội, Bác dự họp Bộ Chính trị bàn vấn đề chống tham ô lãng phí. Tại đây, Bác phát biểu: “Quan liêu, lãng phí tham ô làm hại cho dân. Phải hiểu vì dân mà chống tham ô lãng phí. Tham ô lãng phí là một tội đối với nhân dân. Ai cũng phải chống... Phong trào phải làm từ trên xuống, dưới lên, dân chủ và phải trường kỳ... Trung ương có hội, có nghị, có quyết mà không hành là do mình không cương quyết... Không gấp nhưng phải làm cho kỳ được”67.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh phong danh hiệu Anh hùng Lao động cho Thiếu tá Gherman Titov, phi công vũ trụ Liên Xô đã thực hiện chuyến bay quanh Trái đất trong nhiều ngày trên con tàu vũ trụ “Phương Đông II”.
Ngày 21/01
“Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý...”.
Ngày 21/01/1926, nhân hai năm ngày V.I.Lê-nin mất, Nguyễn Ái Quốc, lúc này đang hoạt động ở Trung Quốc đã viết bài báo “Lê-nin và phương Đông” đăng trên tờ “Tiếng Còi”(Liên Xô) trong đó khẳng định: “Lê-nin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa… Đối với tất cả các dân tộc bị áp bức và bị nô dịch, Lênin đã thể hiện một bước ngoặt trong lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của họ, là tượng trưng cho một tương lai mới, xán lạn”68.
Hai thập kỷ sau, ngày 21/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài và công bố rộng rãi như một tuyên ngôn cá nhân vào thời điểm cuộc Tổng tuyển cử đã thành công: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận... Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với danh lợi... Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của Đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài"69.
Ngày 21/01/1947, ứng với ngày 30 Tết Đinh Hợi, cái Tết kháng chiến đầu tiên nhưng Bác vẫn chủ trì Chính phủ họp tại Phủ Quốc Oai bàn về vấn đề tản cư dân, động viên dân chúng và tăng gia sản xuất.
19 năm sau, ngày 21/01/1966, cũng lại là ngày mồng Một Tết Bính Ngọ, cả nước đón thơ chúc mừng năm mới của Bác Hồ. Vẫn là những vần thơ mang tính thời sự nóng bỏng:
“Mừng miền Nam rực rỡ chiến công,
Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây Me, Đà Nẵng...
Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng,
Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng.
Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng,
Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng.
Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong,
Chống Mỹ, cứu nước, ta nhất định thắng”70.
Ngày 21/01/1966, Bác Hồ về thăm Trại Kim Đồng (Hà Tây) nhân Tết Bính Ngọ.
Ngày 22/01
“Công nông ở tất cả các nước đoàn kết lại!”
Ngày 22/01/1924, Nguyễn Ái Quốc đang học và làm việc tại Liên Xô thì nhận được tin V.I.Lê-nin đó từ trần vào đêm hôm trước (21/01/1924). Nguyễn Ái Quốc đã tới trụ sở Quốc tế Nông dân ở Mátxcơva để dự phiên họp bất thường. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc được phân công cùng một số đồng chí khác viết “Lời kêu gọi của Quốc tế Nông dân”. Văn kiện kêu gọi: “Nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta là thực hiện những lời khuyên quan trọng nhất của Lê-nin. Điểm quan trọng nhất trong di huấn chính trị của Người là thực hiện liên minh công nông, củng cố khối đoàn kết nông dân ở nông thôn và công nhân ở thành thị... Hãy cất lên thật to, thật mạnh giữa quần chúng nông dân lời kêu gọi: Nông dân và công nhân ở tất cả các nước hãy đoàn kết lại!”.
9 năm sau, ngày 22/01/1933, lúc 5 giờ chiều, Tống Văn Sơ (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) trong bộ cánh cải trang một thương nhân giàu có bí mật cùng thư ký riêng của Luật sư Lôdơbi rời bến bằng một chiếc thuyền riêng do Thống đốc Hồng Kông bố trí để lên con tàu “An Huy” đỗ sẵn ở ngoài khơi lên đường đi Hạ Môn, từ đó đến Thượng Hải và sang Nga, kết thúc “Vụ án Hồng Kông” phá âm mưu trục xuất Nguyễn Ái Quốc để giao cho mật thám Pháp ở Đông Dương thực hiện bản án tử hình vắng mặt của Tòa án Nam triều đã tuyên từ năm 1929. Theo dõi rất sát vụ án này, nhưng phải đến hơn hai tháng sau (25/3) Pháp mới biết Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi Hồng Kông và phát lệnh truy nã!
Tết Đinh Hợi nhằm đúng ngày 22/01/1947, Tết cả nước kháng chiến. Mặt trận Hà Nội vẫn đang rền tiếng súng xen lẫn pháo đón giao thừa của các chiến sĩ quyết tử. Bài thơ “Chúc Tết” của vị Chủ tịch Nước Việt Nam độc lập thực sự là một hiệu kèn xung trận:
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”71
Nhật ký của thư ký Vũ Kỳ cho biết, ngày hôm ấy Bác dậy sớm như thường lệ đi thăm và chúc Tết các nhà hàng xóm... Bác viết lên tấm giấy điều hàng chữ Hán “Cung hỷ tân Xuân” mừng gia đình chủ nhà rồi cùng các đồng chí thân thiết ngồi bàn việc nước bên bếp lửa hồng cho đến 1 giờ sáng hôm sau, ngày Tết, vị Chủ tịch “khai bút” bằng Sắc lệnh cử cụ Bùi Bằng Đoàn làm Chủ tịch Ủy ban Tản cư và di cư để lo an toàn cho dân ở các vùng chiến sự.
Ngày 22/01/1952, được tin Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính, kỹ sư Đặng Phúc Thông qua đời, Bác gửi điện chia buồn: “Tôi rất thương tiếc, vì chú Thông là một cán bộ cao cấp xuất sắc của Chính phủ, một chiến sỹ trung thành của dân tộc và một người bạn tốt của tôi”72.
Ngày 23/01
“Tất cả các thanh niên Việt Nam là con cháu tôi”.
Ngày 23/01/1924 vẫn là những ngày lễ tang V.I.Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc cùng các bạn học của Trường Đại học Phương Đông có mặt trong đám đông đứng đón linh cữu của Lê-nin từ Gorơki theo đường sắt đến ga Pavilexki ở Thủ đô Mat-xcơ-va để chuyển tới đặt tại Hội trường Nhà Công đoàn ngay tại Hồng trường để dân chúng đến viếng. Xếp trong hàng người dài dằng dặc dưới giá lạnh âm 30 độ của mùa Đông nước Nga, cuối cùng nhà cách mạng trẻ tuổi đến từ đất nước Việt Nam xa xôi với lòng mong muốn đến quê hương của cuộc Cách mạng Tháng Mười để được gặp V.I.Lê-nin đó chỉ có cơ hội được đứng trước linh cữu của người thầy vĩ đại ấy.
Trở về nơi cư trú là khách sạn Lux chân tay đã tê cúng, trời đã khuya, tại căn buồng số 176, Nguyễn Ái Quốc ngồi viết bài báo: “Lê-nin và các dân tộc thuộc địa” với câu kết thúc: “Lê-nin sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.
Ngày 23/01/1947, Bác Hồ đã gửi thư và giao cho người mang vào Phát Diệm trao tận tay Giám mục Lê Hữu Từ chân thành đề nghị tiếp tục ủng hộ Chính phủ kháng chiến cũng như đã từng giúp trong các thương thảo ngoại giao và: “Nhờ cụ cầu Đức Chúa ban phúc cho Tổ quốc...”73 . Sau đó, Bác còn viết nhiều lá thư để kiên trì giải thích: “Trong Hiến pháp ta đã định rõ: Tín ngưỡng tự do. Nếu ai làm sai Hiến pháp, khiêu khích Công giáo thì sẽ bị phạt... Việt Nam độc lập đồng minh là cốt đoàn kết tất cả đồng bào để làm cho Tổ quốc độc lập, chứ không phải để chia rẽ, phản đối tôn giáo... hơn ai hết, đồng bào Công giáo càng mong cho Tổ quốc độc lập, cho tôn giáo được hoàn toàn tự do; và tôi chắc ai cũng tuân theo khẩu hiệu: Phụng sự Thượng đế và Tổ quốc...”74.
Đây cũng là lúc thực dân Pháp đang tìm mọi thủ đoạn chia rẽ lương - giáo và lôi kéo nhân vật này để rồi sau đó không lâu, Giám mục Lê Hữu Từ đó từ bỏ hàng ngũ kháng chiến theo giặc Pháp chống phá quyết liệt cách mạng. Tuy vậy, trước sau Bác vẫn giữ vào lòng tin đối với các chức sắc và bà con giáo dân. Cũng trong những ngày cuối tháng Giêng năm đó, Bác nhận được tin con trai duy nhất của Bác sĩ Vũ Đình Tụng, một trí thức theo đạo Thiên Chúa, lúc đó đang đảm trách là Hội trưởng Hội Hồng Thập tự Việt Nam, vừa hy sinh ngoài mặt trận. Bác đã viết lá thư chia buồn với những lời lẽ thống thiết và sâu sắc:
“Thưa ngài,
Tôi được báo cáo rằng: Con trai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.
Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột...
Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng...”75.
Chú thích
66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 167.
67. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008 , t. 8, tr. 181.
68. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 219, 220.
69. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 161-162.
70. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 1.
71. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 25.
72. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 384.
73. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 27.
74,75. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 44, 40.