Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngày này năm xưa: Tháng 01, phần 8
Ngày 28/01
“Mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm”.
Ngày 28/01/1941, trên đường về nước, Bác dừng lại bên cột mốc biên giới Việt - Trung số 108 tại xóm Trường Hà (Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Như thế là đúng 30 năm kể từ mùa Hè năm 1911 xuống Bến cảng Nhà Rồng ở phương Nam để rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, nay, Bác lại trở về từ một địa đầu phương Bắc, khởi động cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bước vào một thời kỳ quyết định.
Chỉ 5 năm sau, ông Ké trên chiến khu năm nào nay đã trở thành vị nguyên thủ quốc gia. Ngày 28/01/1946, trên Báo Cứu Quốc đăng bài báo ký tên “Hồ Chí Minh” có tựa đề là “Tự phê bình” kiểm điểm lại tình hình đất nước sau bốn tháng phấn đấu không biết mệt mỏi của nhân dân và Chính phủ. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng trong văn kiện này, người đứng đầu Chính phủ tự nhận: “Trước hoàn cảnh khó khăn đó, đồng bào đã cố gắng, người giúp sức, kẻ giúp tiền. Còn tôi thì lo lắng đêm ngày để làm tròn nhiệm vụ của mình, sao cho khỏi phụ lòng đồng bào toàn quốc. Chỉ vì tôi tài hèn, đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào... Chính phủ do tôi đứng đầu, chưa làm việc gì đáng kể cho nhân dân ”…
“Có thể nói rằng: Những khuyết điểm đó là vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này, lẽ khác. Nhưng không, tôi phải nói thật: Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi. Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ.
Vận mệnh nước ta ở trong tay ta. Chúng ta đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, thì chúng ta nhất định thắng lợi”91.
Ngày 28/01/1958, Bác đến thăm và nói chuyện tại Trường Công an Trung ương: "Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: Sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích không làm... Muốn phục vụ nhân dân tốt phải đi đường lối quần chúng. Được nhân dân tin, yêu, phục thì việc gì cũng làm được..."92 và tặng mấy câu văn vần:
”Đoàn kết, cảnh giác,
Liêm, chính, kiệm, cần.
Hoàn thành nhiệm vụ,
Khắc phục khó khăn,
Dũng cảm trước địch,
Vì nước quên thân,
Trung thành với Đảng,
Tận tuỵ với dân”93.
Ngày 28/01/1960 là mồng Một Tết Canh Tý, Bác Hồ có “Thơ mừng năm mới”:
"Mừng Nhà nước ta 15 Xuân xanh!
Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!
Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua,
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.
Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên,
Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!"94.
Ngày 29/01
“Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”.
Ngày 29/01, ứng với hai ngày mồng Một Tết Nguyên đán năm Kỷ Sửu (1949) và Mậu Thân (1968). Tết Kỷ Sửu vào thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã vượt qua thử thách của thời kỳ cầm cự, bài “Thơ chúc Tết” mang đầy tinh thần khích lệ:
“Kháng chiến lại thêm một năm mới,
Thi đua ái quốc thêm tiến tới.
Động viên lực lượng và tinh thần.
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.
Người người thi đua.
Ngành ngành thi đua.
Ngày ngày thi đua.
Ta nhất định thắng.
Địch nhất định thua”95.
Ngày 29/01/1960, Bác đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám và đặc biệt quan tâm đến những tấm bia Tiến sĩ và gặp gỡ các học sinh Trường Phan Châu Trinh.
Ngày 29/01/1968, chính là ngày “Tết Mậu Thân” gắn liền với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn bộ chiến trường miền Nam. Theo thư ký thân cận là Vũ Kỳ thì vào thời điểm giao thừa Bác không có mặt ở trong nước. Ông viết: “Tối nay từ Bắc Kinh xa xôi, hai bác cháu lại ngồi im lặng bên nhau nghe tin tức, ca nhạc và nghe ngâm thơ Tết, chờ đón giao thừa. Chắc Bác đang nhớ về đất nước, nhớ chiến sỹ và đồng bào, nhớ các cháu thiếu nhi... Chỉ có mùa Xuân này Bác phải xa Tổ quốc... Có tiếng pháo nổ ran tiễn Đinh Mùi và đón Mậu Thân. Cùng lúc, từ chiếc đài bán dẫn, lời chúc Tết của Bác Hồ vang lên sang sảng:
“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên toàn thắng ắt về ta”.
Trong căn phòng chỉ có 2 người, khi đài phát xong câu cuối của bài thơ, tôi bỗng nghe Bác nói khẽ: “Giờ này, miền Nam đang nổ súng...”96. Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân dù phải chịu đựng nhiều hy sinh nhưng nó đã tạo nên một bước ngoặt chiến lược đánh bại ý chí xâm lược và buộc Mỹ phải bước vào cuộc đàm phán ở Pari.
Vào tháng 01/1923, Nguyễn Ái Quốc dốc toàn tâm vào việc cổ động cho hai tờ báo do mình sáng lập. Đó là tờ Le Paria (Người cùng khổ) ra bằng tiếng Pháp và tờ báo quốc ngữ Việt Nam Hồn...
Trong tờ truyền đơn được Nguyễn Ái Quốc soạn và phân phát nêu rõ mục đích của báo Le Paria là: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”97.
Còn với tờ Việt Nam Hồn phát hành chủ yếu trong giới lao động người Việt nên Nguyễn Ái Quốc sử dụng một ngôn ngữ bình dân:
... Cũng vì nghĩ thế, tôi muốn làm ra
Một báo tiếng ta, cho đồng bào đọc
Chẳng nói khó nhọc, dám kể công trình
Mong mỏi người mình, mở mày mở mặt.
Báo này sẽ đặt, tên “Việt Nam Hồn”
Mỗi tháng hai lần, một lần trăm bản...
Đó là hai tờ báo tiên phong trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày 30/01
“Đời sống mới không phải là phá đình, phá chùa...”.
Ngày 30/01/1919, Văn phòng Tổng Giám đốc Sở An ninh Pháp viết một bản báo cáo về phong trào đòi độc lập của người Đông Dương đang cư ngụ ở Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dùng tiền riêng của mình thuê in 6.000 bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” để phân phát trong các cuộc mít tinh ở Pari và một số thành phố khác.
Ngày 30/01/1946, để kiện toàn bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các sắc lệnh thành lập Nha Thể dục Trung ương (số 15), bãi bỏ thuế thổ trạch tại thôn quê (kể từ 01/01/1946) và thành lập Phòng Canh nông Bắc bộ V (số 16). Cũng trong ngày, tại Bắc bộ phủ, Bác tiếp đại biểu của thanh thiếu niên, nhi đồng Trung bộ đến chúc Tết. Trong câu chuyện, Bác căn dặn: “Năm mới phải có đời sống mới. Mới đây không phải là phá đình, phá chùa, không tôn giáo”98.
Vào tháng 01/1947, nhân danh Chính phủ, Bác viết thư cho các chiến sỹ Vệ quốc Đoàn, Tự vệ và Dân quân toàn quốc. Tựa như một bài hịch động viên binh sỹ, bức thư viết: “Từ 19 tháng Chạp, thực dân Pháp đánh úp ta, các anh em là những người đầu tiên, lập tức đứng lên chiến đấu.
Sau 85 năm nước ta bị chiếm, các anh em là những người đầu tiên đứng lên đánh thực dân Pháp, một cách nhất trí, khắp Bắc, Trung, Nam.
Vẻ vang thay! Cái nhiệm vụ của anh em. Ăn gió nằm sương, xung phong ham trận, các anh em không quản gian lao. Máu trôi lửa cháy, mưa đạn rừng bom, các anh em không quản nguy hiểm. Các anh em chỉ biết đua nhau giết giặc.
Oanh liệt thay! Cái trọng chí của anh em. Càng đánh càng mạnh, kinh nghiệm càng nhiều. Khi thắng không kiêu, khi lui không nản! Các anh em quyết kháng chiến cho đến thắng lợi.
Mặc kệ tàu bay, thiết giáp, các anh cứ tiến lên, cứ xông vào! Anh dũng thay! Lòng quyết thắng của anh em. Các chiến sĩ là đàn con anh hùng của Tổ quốc. Các chiến sĩ quyết đem xương máu để giữ vững non nước Lạc Hồng!
Các chiến sỹ cứ tiến lên! 20 triệu đồng bào đang hoan hô anh em và quyết làm hậu thuẫn cho anh em. Chính phủ luôn nhớ đến anh em...”99.
Năm 1963 là năm miền Bắc bị hạn hán nặng nề. Ngày 30/01/1963, Bác Hồ đến thăm tỉnh Hà Đông là một tỉnh có tới 21.000 ha bị hạn nặng. Bác đã đi đến các trạm bơm ở huyện Ứng Hòa, xắn quần cùng tát nước với người dân trên một cánh đồng ở huyện Thường Tín... Và trước một vạn người dân tề tựu tại xã Quyết Tiến, Bác căn dặn: “Chống hạn cũng như đánh giặc. Phải hết sức cố gắng, phải đồng tâm hiệp lực đánh cho kỳ thắng giặc hạn".
Trong kháng chiến, vì chúng ta đoàn kết mà thắng lợi. Bây giờ chống hạn, chúng ta đồng tâm hiệp lực thì nhất định cũng thắng lợi. Bác có một câu thơ để tặng cho tỉnh Hà Đông, mong đồng bào tỉnh nhà ra sức chống hạn thắng lợi để xứng đáng với vinh dự ấy:
“Hà Đông anh dũng tuyệt vời
Vắt đất ra nước thay trời làm mưa”100.
Ngày 31/01
“Tại sao dưới động, trên không động, nhỏ động, lớn không động?”.
Ngày 31/01/1927, dưới bút danh là “X.” Nguyễn Ái Quốc viết bài cuối cùng trong loạt 6 bài đăng trên tờ L, Annam (An Nam) với chung một đầu đề là “Các sự biến ở Trung Quốc”. Bài báo đầu tiên viết ngày 13/11/1926 đăng trên số báo ra ngày 02/12/1926, còn bài báo này viết ngày 31/01/1927 và đăng trên số báo ra ngày 14/3/1927.
Đây là thời điểm mà chính trường Trung Quốc đang diễn ra những biến cố sôi động do ảnh hưởng đường lối cách mạng của vị lãnh tụ của nền dân chủ Trung Hoa là Tôn Trung Sơn mới tạ thế (1925), đặc biệt là ở vùng phía Nam Trung Hoa. Chủ nghĩa dân tộc, chống những hiệp ước bất bình đẳng ký với các nước thực dân phương Tây đang dâng cao, đồng thời nguy cơ của một cuộc nội chiến cũng đang đe doạ... Tình hình ấy sẽ có những tác động mạnh mẽ vào Đông Dương.
Đáng lưu ý là người chủ trương tờ L, Annam lại là một người đồng chí cũ của Bác đã từng gắn bó trong những hoạt động của “Nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pháp”. Đó là luật sư Phan Văn Trường. Chính trên tờ báo này và trước đó là tờ La Cloche Felée (Tiếng chuông rè) một số bài viết về Cách mạng Nga và toàn văn Tuyên ngôn Cộng sản đã đăng tải giữa Sài Gòn.
7 năm sau, ngày 31/01/1933, kết thúc Vụ án Hồng Kông, Thống đốc Hồng Kông Uyliam Pin đã gửi văn bản tới Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh báo cáo lại toàn bộ những giải pháp mà chính quyền “buộc phải giúp đỡ để đưa Nguyễn Ái Quốc trở về với nước Nga” vào một tuần trước đó (22/01), sau khi Tòa án Hoàng gia đã phán quyết phải trả tự do cho nhân vật mà bộ máy mật thám của Pháp đang truy nã.
Ngày 31/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để ứng phó với sức ép của Việt Nam Quốc dân Đảng đòi nhanh chóng thành lập ngay một Chính phủ chính thức thay thế Chính phủ lâm thời theo thỏa thuận đã ký kết với Việt Minh hồi cuối năm trước. Quan điểm nhất quán của vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời là một Chính phủ chính thức chỉ có thể bầu ra khi Quốc hội đã được triệu tập.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 31/01/1964, bàn về cuộc vận động “Ba xây, Ba chống”, Bác phát biểu: “Tại sao dưới động, trên không động, nhỏ động, to không động?”101. Về những việc đó làm được chỉ nên nói là kết quả bước đầu... Bác phê bình những cán bộ làm việc không hết lòng hết sức, sợ quần chúng, không dám phát động phong trào và đề nghị phát hành loại sách nhỏ, bài ngắn để tuyên truyền giải thích cho quần chúng...
Đã thành tập quán, vào dịp giáp Tết, Chủ tịch Nước tham gia Tết trồng cây. Ngày 31/01/1965, Bác đến Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) cùng 1.500 cán bộ và đồng bào địa phương trồng cây tại vùng cố đô xưa. Sau đó, Bác tham gia trồng cây tại Hợp tác xã Phù Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), thăm nơi ở của dân, khuyên và hướng dẫn dân cách đào giếng, xây các công trình vệ sinh cho bà con nông dân./.
91. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 165-166.
92, 93. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 31, 33.
94. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 1.
95. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 557.
96. Vũ Kỳ, Càng nhớ Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr. 102-103.
97. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 461.
98 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 142.
99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 42, 43.
100. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 18-19.
101. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 15.
Ban Biên tập
Còn nữa