Chỉ mục bài viết

Ngày 09/01

“Một dân tộc có con cháu như vậy là một dân tộc chắc thắng lợi”.

Ngày 09/01/1921, Nguyễn Ái Quốc lúc này đã tham gia sáng lập và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nhưng vẫn đi cùng Phan Châu Trinh đến dự một cuộc họp do Chi bộ của Đảng Xã hội lúc này đã tham gia phân bộ Xã hội Cách mạng của Quốc tế III. Điều đó cho thấy sự phân hoá của tổ chức mà trước đó Nguyễn Ái Quốc đã từng tham gia là Đảng Xã hội cũng như mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với những xu hướng tích cực của tổ chức này vẫn được duy trì.

Ngày 09/01/1923, Báo “L’Humanité” (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp đăng bài “Vực thẳm thuộc địa” của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo tố cáo giới thực dân một mặt khai thác thuộc địa và bóc lột dân bản xứ một cách thậm tệ để làm giàu không phải chỉ cho nước Pháp mà cho chính bọn chúng. Trong khi đó thì chúng lại yêu cầu chính quốc phải đầu tư nhiều tỷ đồng cho các thuộc địa. Như vậy, thực chất là chúng bòn rút chính nhân dân Pháp để phục vụ vào những việc làm lãng phí, xa xỉ, nơi bộ máy quan liêu và ăn bám. Tác giả đưa ra nhiều dẫn chứng với những con số thuyết phục trong đó có cuộc Triển lãm Thuộc địa vô cùng tốn kém đang diễn ra ở nước Pháp. Đây là thời điểm Nguyễn Ái Quốc có rất nhiều bài viết đăng trên nhiều tờ báo tố cáo chế độ thực dân mà sau này là chất liệu để sau đó không lâu đã hình thành tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procốs de la Colonisation franônaise) nổi tiếng.

Ba ngày sau cuộc Tổng tuyển cử, ngày 09/01/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 3 về việc triệu tập Quốc hội vào ngày Chủ nhật 03/3/1946. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, một Ủy ban trù bị khai mạc Quốc hội gồm các nhà trí thức có danh tiếng đương thời như Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Dương Đức Hiền…

Hồ sơ trong các cơ quan lưu trữ còn bảo tồn được bức thư Bác viết ngày 09/01/1947 gửi người đồng chí gần gũi trong Văn phòng của mình là Hoàng Hữu Nam tức Phan Bùi trong đó nhắc Bộ Nội vụ cho đăng báo bài “Lời kêu gọi những người có văn hóa đăng ký phục vụ Tổ quốc”30. Rất tiếc văn kiện này đến nay vẫn chưa sưu tầm được, nhưng chủ đề của lời kêu gọi cho thấy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đoàn kết và phát huy đóng góp của tầng lớp trí thức “người có văn hóa” cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, điều mà người đứng đầu nước đó nhiều lần đề cập.

Ngày 09/01/1952, Báo Cứu Quốc dưới bút danh “Đ.X” trong bài viết: “Thanh niên oanh liệt” Bác bày tỏ cảm xúc và ca ngợi tinh thần một học sinh tên là Nguyễn Quốc Ân đã chấp nhận bị tra tấn và hy sinh khi bị buộc phải viết bài văn “So sánh Hồ Chí Minh với Quốc trưởng Bảo Đại” tại một trường ở vùng tạm bị chiếm thuộc tỉnh Hưng Yên, trong đó không chịu bôi nhọ lãnh tụ. Kết luận bài báo tác giả viết: "Một dân tộc có con cháu như vậy là một dân tộc chắc chắn thắng lợi"31.

Ngày 10/01

“Dân chỉ biết giữ của tự do, của độc lập  khi mà dân được ăn no, mặc ấm”.

Từ Quảng Châu (Trung Quốc), ngày 10/01/1923, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản hỏi về việc có thể nhận bao nhiêu sinh viên Việt Nam vào học Trường Đại học Cộng sản Mát-xcơ-va.

23 năm sau, ngày 10/01/1946, tại Hà Nội, trong cương vị là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã tham dự phiên họp đầu tiên của Uỷ ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến quốc là một tổ chức tập hợp đông đảo các nhà chuyên môn, các nhân sỹ để tư vấn kế hoạch xây dựng đất nước. Tại cuộc họp này, Bác Hồ chỉ rõ: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”32.  Có thể nói đây là quan điểm nhất quán đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời triệu tập chỉ một ngày sau Lễ Độc lập (03/9/1945).

Sau đó, Bác lên đường thăm tỉnh Hưng Yên mà không báo trước. Tiếp các vị thân hào tới chào mừng, Bác nói rằng: “... Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân”33. Bác động viên các thân hào có của, người lao động có công cùng nhau tham gia củng cố đê điều. “Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa”34.

Bác đi thăm quãng đê vỡ ở Hưng Nhân cách thị xã 6 km, tự thân lội nước thăm hỏi những người đang tham gia hàn đê rồi lên đường đi Thái Bình tiếp đó là Nam Định nhằm vận động các nguồn lực để củng cố đê điều cho tới khuya mới về đến nhà.

Một năm sau, khi chiến tranh đã lan rộng cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì đấu tranh ngoại giao, tranh thủ mọi cơ hội để đàm phán mong lập lại hòa bình. Nhưng người đứng đầu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam cũng cảnh cáo giới thực dân hiếu chiến trong lá thư đề ngày 10/01/1947 rằng: “Nếu không, chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu đến cùng để giải phóng hoàn toàn đất nước. Nước Việt Nam có thể bị tàn phá, nhưng nước Việt Nam sẽ lại hùng mạnh hơn sau cuộc tàn phá đó. Còn nước Pháp chắc chắn sẽ mất hết và sẽ biến hẳn khỏi cõi Á châu”35. Lời tiên đoán ấy về sau đã thành sự thật.

Ngày 10/01/1960, vị nguyên thủ quốc gia xuống bến Sửu Kho (Hải Phòng) để đón chuyến tàu biển đầu tiên đưa bà con Việt kiều từ Thái Lan trở về nước. Trước đó một ngày, với bí danh V.K, Bác đã viết bài “Kiều bào ta ở Thái Lan luôn luôn hướng về Tổ quốc” đề cập lịch sử di dân, biểu dương truyền thống đoàn kết ủng hộ sự nghiệp cách mạng ở trong nước và khích lệ bằng mấy vần thơ:

Mình tuy nương náu đất người,

Nhưng lòng yêu nước không nguôi bao giờ.

Bấy lâu xa cách nước nhà

Nay về quê cũ thế là vẻ vang.

Ngày 11/01

“Hồ Chí Minh hoàn toàn giống một vị thánh”.

Ngày 11/01/1933, dưới cái tên Tống Văn Sơ, Nguyễn Ái Quốc đang chuẩn bị cho chuyến trở về nước Nga Xô viết. Bị bắt từ ngày 06/6/1931 khi đang hoạt động ở Hồng Kông, qua 9 phiên xét xử, được sự giúp đỡ của một số luật sư tiến bộ người Anh trong đó có ông Lôdơbi, ngày 28/12/1932, Nguyễn Ái Quốc được thả tự do. Lập luận của các luật sư là bộ máy cảnh sát và tư pháp của Hồng Kông đã vi phạm bộ “Luật Bảo thân” (Habeas Corpus). Từ thời điểm đó đến ngày 11/01/1933, được sự giúp đỡ của những luật sư người Anh và một số cơ sở cách mạng của người Việt Nam, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tìm cách rời Hồng Kông tiếp tục hoạt động trong chuyến tàu khởi hành vào ngày hôm sau trên hành trình đến nước Nga, nhưng ghé qua cảng Xingapo.

Ngày 11/01/1946 từ Thái Bình, Bác đi thăm tỉnh Nam Định, 7 giờ sáng, đông đảo nhân dân đã tề tựu trước Ủy ban Hành chính thành phố nghe vị Chủ tịch Nước nói chuyện với đồng bào về những nhiệm vụ kháng chiến, cứu đói. Sau đó, Bác đến thăm và chia quà cho trẻ em ở Trại trẻ mồ côi Nam Định. Tại đây, Bác cảm động nói với bà Phước: “Tôi ghé qua đây thăm bà và các cháu. Tôi thay mặt các cháu không cha, không mẹ đó cảm ơn bà đã trông nom cho chúng như một người mẹ. Chúng tội tình gì mà tội nghiệp quá”36. Rời Nam Định, Bác đi thăm Phủ Lý và nói chuyện với dân chúng đến chào đón vị Chủ tịch Nước.

Theo hồi ký của một sĩ quan Mỹ trong đơn vị thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược của Mỹ (OSS)37 mang bí danh “Con Bê” (The Cown Team) là Gioúcgiơ Úychcơ (Georges Wickes) đang đóng tại Sài Gòn được lệnh ra Hà Nội vào đầu năm 1946 để thực hiện cuộc phỏng vấn người đứng đầu nhà nước Việt Nam. Sau đó, Úychcơ (Wickes) đã viết một bức thư gửi cho mẹ nói về cảm nhận của mình đối với nhân vật lần đầu được tiếp xúc (bức thư về sau được công bố khi tác giả đã trở thành một giáo sư đại học). Thư viết: Ông Hồ mặc quân phục, nhưng một cách giản dị không có bất kỳ phù hiệu nào... Khi hỏi rằng ông có phải là người cộng sản không? Ông Hồ không hề dấu giếm sự thật. Nhưng khi hỏi rằng phải chăng điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ trở thành đất nước cộng sản, ông nói rằng ông không phải là người xác định điều này, bản sắc chính trị của đất nước phải được quyết định bởi nhân dân... Hồ Chí Minh hoàn toàn giống vị thánh tử đạo và trong thực tế ông đã cống hiến hầu như toàn bộ 60 năm kỳ diệu của đời mình cho sự nghiệp của dân tộc nhưng tốt đẹp hơn những kẻ cuồng tín mà như một người ông nhân hậu với đồng bào của mình...

Và khi được hỏi rằng Hồ Chí Minh là một người như thế nào? Con sẽ mô tả ông như sự kết hợp giữa Thánh Francis xứ Assisi và Abraham Lincohn (Thánh Phranxớt (Francis) là vị thánh biểu trưng cho tình nhân ái, chống bạo lực và thân thiện với thiên nhiên; còn A.Lincon (A.Lincohn) là vị Tổng thống đoàn kết toàn dân xây dựng thể chế dân chủ - BT).

Ngày 12/01

 “Tôi sống rất bình yên và giản dị”.

Ngày 12/01/1933, sau khi Tòa án Anh ở Hồng Kông đã ra lệnh thả, Nguyễn Ái Quốc quyết định đi Anh, nhưng tàu vừa cập bến cảng Xingapo thì chính quyền sở tại theo yêu cầu của nhà cầm quyền ở Hồng Kông ra lệnh cho nhà cách mạng Việt Nam phải quay lại nơi xuất phát. Cách đó mới hơn một năm (tháng 6/1931), Bộ Thuộc địa Pháp đó cảnh báo: Việc trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc chỉ có thể làm trầm trọng thêm những hoạt động có hại của phong trào Đông Dương mà các Sở an ninh Đông Dương đều biết là ông ta đã tập trung tất cả trò thông minh, quyền lực và sự nổi tiếng của mình38.

14 năm sau, ngày 12/01/1947, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh đã lan rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời một nhà báo Mỹ trong đó một lần nữa bày tỏ “Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ giúp các dân tộc nhỏ giành độc lập như Tổng thống Rudơven đã thường nói”39 đồng thời sẵn sàng tiếp đón những phóng viên Mỹ muốn đến tìm hiểu tình hình Việt Nam.

Vậy mà 20 năm sau đó, Mỹ chẳng những không ủng hộ nền độc lập của Việt Nam mà còn trở thành kẻ trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh khốc liệt trên cả hai miền Nam và Bắc nước ta. Đó cũng là lúc phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đang dâng cao trên khắp thế giới.

Với một tầm nhìn xa, một mặt Bác cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân dân trên các chiến trường, mặt khác lại rất quan tâm chỉ đạo việc mở ra mặt trận ngoại giao nhân dân. Ngày 12/01/1967, Bác tiếp Giáo sư H.S. Atxmôrơ chủ bút tờ “Nhật báo Acansot” cùng hai nhân vật nữa là những người đã nhận sứ mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ thăm dò khả năng chấm dứt chiến tranh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm hiểu một cách chân tình và thẳng thắn: “Tôi chưa có thời gian nào để lấy vợ và lập gia đình. Tôi nói với thanh niên Việt Nam rằng họ là con cháu tôi, vì vậy tôi rất bình yên và giản dị. Tôi ngủ rất ngon, ngay cả khi có việc ném bom của các ông”.

"Chúng tôi không đánh nước Mỹ. Chúng tôi không phạm một hành động đối địch nào vào lãnh thổ các ông... Trong khi những hành động chiến tranh còn tiếp diễn thì các ông đừng mong đợi chúng tôi đến bàn thương lượng. Làm như vậy không phải là thương lượng một giải pháp mà đó là đi xin hòa bình, là đầu hàng... Khi nào chấm dứt ném bom, cuộc nói chuyện sẽ bắt đầu", "Nhân dân chúng tôi là người có lý trí biết suy nghĩ, yêu hòa bình. Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh này, nhưng nền độc lập, tự do của Việt Nam không bao giờ lại bị đưa ra thương lượng một lần nữa"40.

Cuộc tiếp xúc này là tín hiệu để phía Mỹ nhận thức được thiện chí có nguyên tắc của phía Việt Nam nhằm đi đến bàn hội nghị đó diễn ra tại Pari ngay sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy vào mùa Xuân năm Mậu Thân (1968).

Chú thích
30. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Sdd, 2006, t. 4, tr. 18.
31. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Sdd, 2007, t. 5, tr. 145.
32, 33. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 152, 154.
34. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 154.
35 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 19.
36. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 128.
37. OSS (viết tắt từ “Office of Strategic Services”): Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ - tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ ngày nay (“Central Intelligence Agency” - CIA).
38. Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (1931-1933) tư liệu và hình ảnh, Nxb. Chính trị quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 57.
39. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 20.
40. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 10, tr. 12-13.

Bài viết khác: