Chỉ mục bài viết

Ngày 05/01

“Nếu cần, hy sinh cả tính mạng tôi cũng không từ”.

Ngày 05/01/1925, từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang làm phiên dịch cho Bôrôđin, cố vấn của Liên Xô bên cạnh Chính phủ của Tôn Trung Sơn, đã gửi một bức thư cho Quốc tế Cộng sản báo tin rằng “Quốc dân đảng Đông Dương vừa được thành lập vào ngày 03 tháng này”16.

Đây là nhóm chiến sỹ trẻ yêu nước chịu ảnh hưởng của Phan Bội Châu sang Trung Quốc hoạt động.

16 năm sau đó, cũng ngày này năm 1941, Nguyễn Ái Quốc lại có mặt ở Tĩnh Tây (Trung Quốc) đã gặp Hoàng Văn Thụ được Thường vụ Đảng Cộng sản Đông Dương cử sang báo cáo công việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 8 để quyết định những vấn đề trọng đại cho công cuộc giải phóng.

Và cũng chỉ 5 năm sau đó, ngày 05/01/1946, nước Việt Nam độc lập đó bước vào ngày hôm trước của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Sáng hôm đó, báo chí nhất loạt đăng “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó viết: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”17.

Chiều hôm đó, tiếp xúc với 2 vạn cử tri tại khu Việt Nam học (nay thuộc khu vực Đại học Bách khoa - Hà Nội), ứng cử viên Hồ Chí Minh tuyên bố: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai bán, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”18.

Rời cuộc tiếp xúc, Bác đến thăm chùa Bà Đá và trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc đặt tại chùa Quán Sứ và trịnh trọng tuyên bố: “Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”19.

Ngày 05/01/1958, “Lời kêu gọi nông dân và cán bộ quyết tâm chống hạn, đẩy mạnh sản xuất vụ Đông Xuân”20 được đăng trên các báo và trong ngày hôm đó Bác Hồ về Hưng Yên động viên nhân dân đang chống hạn và tặng bức trướng thêu 4 chữ: Chống hạn giỏi nhất.

Ngày 05/01/1959, Bác đến khánh thành Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, viết lời đề từ: Viện Bảo tàng là một trường học tốt về lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam ta, và tặng bảo tàng một kỷ vật riêng của mình: Một chiếc lược làm bằng đồi mồi cất trong một túi vải.

Ngày 05/01/1960, tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (thời đó xác định là ngày 06/01/1930), Bác đã đọc lời khai mạc và kết thúc bằng lời thơ: Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho sử vàng.

Ngày 06/01

“Ngày tổng tuyển cử tưng bừng và vui vẻ”.

Một sự kiện quan trọng sau lễ Tuyên ngôn Độc lập diễn ra vào ngày 02/9/1945 chỉ hơn 4 tháng là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội diễn ra trên cả nước vào ngày 06/01/1946. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: Đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam được thể hiện quyền làm chủ của mình trong một quốc gia theo chính thể Cộng hòa - Dân chủ.

Theo những số liệu được công bố ngày hôm đó, một cuộc phổ thông đầu phiếu diễn ra trên cả nước đã bầu chọn 333 đại biểu Quốc hội đại diện cho nhiều địa phương, đảng phái chính trị, tầng lớp xã hội. Ngày hôm đó, hòa theo những người dân tham gia bầu cử, ứng cử viên Hồ Chí Minh đến phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10 phố Hàng Vôi, Hà Nội để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Sau đó, vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã thăm các địa điểm bỏ phiếu tại các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đống Mác.

Bác cũng không quên đến thăm và động viên các cháu thiếu nhi đang đi cổ động cho bầu cử tại khu vực Lò Đúc, và viết thư gửi Ban âm nhạc Vệ Quốc quân lời cảm ơn và khen ngợi: Anh em đã náo nức đi cổ động khắp Thủ đô từ sáng đến chiều làm cho ngày Tổng tuyển cử được tưng bừng vui vẻ và kết quả.

Cũng trong ngày bận rộn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành cơ hội trả lời phóng viên tờ báo cánh tả của Pháp “Kháng chiến” (La Resistance) để một lần nữa khẳng định rằng nước Việt Nam độc lập không đi ngược lại với lợi ích và mong muốn hợp tác với nước Pháp một cách trung thực và “cùng nhau dàn xếp”.

Trước đó chỉ 5 năm, ngày 06/01/1941, với bí danh Đồng chí Vương, Nguyễn Ái Quốc đó cùng các đồng chí hoạt động ở trong nước như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp do Hoàng Sâm dẫn đường đã đến một ngôi làng bên kia biên giới Việt - Trung để chuẩn bị cho chuyến trở về nước của nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Cách cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946) đúng 14 năm, cuộc bầu cử Quốc hội Khóa II diễn ra ngày 06/01/1960. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một địa điểm niêm yết danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu tại đơn vị bầu cử đặt tại đình Ngõ Phát Lộc, Hà Nội. Buổi tối, Bác thăm các đại biểu phụ nữ theo Đạo Thiên Chúa toàn miền Bắc đang họp tại Hà Nội. Cũng trong ngày hôm đó, báo chí đăng “Lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây” lấy thành tích chào mừng 30 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam.

Ngày 06/01/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với Hội nghị trí thức Việt Nam chống Mỹ cứu nước do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Ngày này ba năm sau đó, 06/01/1969, Chủ tịch Nước dự phiên họp đầu năm của Hội đồng Chính phủ và đây cũng là lần cuối cùng Bác có cơ hội chúc Tết những người đồng chí thân thiết của mình trong Chính phủ.

Ngày 07/01

“Muốn làm được ta phải: Quyết tâm, tận tâm, đồng tâm”.

Ngày 07/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Chính phủ để nghe báo cáo của các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Canh nông sau chuyến kinh lý tại Ninh Bình và Thanh Hóa, Nghệ An và bàn việc động viên nhân dân cả nước hướng về và chi viện cho Nam bộ. Tại cuộc họp này, người đứng đầu nhà nước đã vạch ra một nhiệm vụ cấp bách là cần phải thống nhất quân đội ngay để có thể tiếp viện cho Nam bộ.

Cùng ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ khai giảng Trường Cán bộ Tự vệ Hồ Chí Minh. Trước 75 học viên của khoá cán bộ đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Bác căn dặn: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đó. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”21. Phân tích yếu tố tinh thần, Bác Hồ đưa ra một nguyên lý sáng suốt: “Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, tận tâm và đồng tâm”22.

Những thiện chí của chúng ta không ngăn được chiến tranh đã lan rộng ra cả nước. Ngày 07/01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp nêu rõ lập trường rất mềm mỏng: "Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này; hòa bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc. Dân tộc Việt Nam đang chờ đợi cử chỉ đó"23.

12 năm sau sự kiện trên, mục tiêu thống nhất vẫn chưa hoàn thành, ngày 07/01/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị để bàn về “Đường lối Cách mạng miền Nam” và đưa ra ý kiến chỉ đạo: “Phải lấy chính trị, lực lượng quần chúng là chính. Phải đoàn kết toàn dân, trừ bọn phản dân. Đề án viết phải có lý, có tình. Cũng có thể nói: Giải phóng miền Nam là nhiệm vụ thần thánh của nhân dân ta"24.

Nửa thập kỷ sau đó đó diễn ra một cao trào từ phong trào Đồng Khởi đến cuộc đương đầu chống “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là hai chiến thắng vang dội từ Ấp Bắc (1963) đến Bình Gió (cuối 1964). Với bút danh “Chiến Sĩ”, Bác viết bài đăng báo “Quân đội nhân dân” ngày 07/01/1965 với đầu đề “Điện Biên Phủ nhỏ và Nhịp cầu vàng”. Bài báo một mặt vinh danh hai trận thắng trên là “Điện Biên Phủ nhỏ” nhưng để đi đến thắng lợi hoàn toàn còn cần bắc một “Nhịp cầu vàng” để nước Mỹ rút lui khỏi cuộc chiến tranh mà không bị mất mặt”.

Thực tiễn cho thấy, sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân (1968), Mỹ đã phải bước vào bàn đàm phán tại Pari và 5 năm sau đó (1973) “Nhịp cầu vàng” đã tạo cơ hội cho Mỹ “rút lui mà không bị mất mặt”... Để rồi không đầy hai năm sau (1975), miền Nam hoàn toàn giải phóng...

Ngày 08/01

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Ngày 08/01/1920, Nguyễn Ái Quốc cùng một số trí thức Việt Nam đang ở Pari tham dự một cuộc thảo luận tại Hội Địa dư Pháp về quyền tự quyết của người Triều Tiên, cũng nhằm tranh thủ nêu vấn đề về quyền tự quyết của người Đông Dương.

26 năm sau, ngày 08/01/1946, chỉ hai ngày sau cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đi thăm Trại giam Hỏa Lò ở Hà Nội. Báo chí mô tả người đứng đầu Nhà nước đã thăm khu nhà giam, nhà tắm, lớp học, buồng làm việc, trạm xá, nhà bếp và lắng nghe các phạm nhân phân trần, rồi Người khuyên họ “gắng sửa tội lỗi để xứng đáng là công dân của một nước độc lập”25. Chủ tịch nhắc Giám đốc trại giam xem xét lại các án tù và xin cơ quan thẩm quyền tha bớt những người nhẹ tội.

Sau đó, Chủ tịch thăm Sở Cảnh sát Trung ương đóng ở phố Hàng Trống và căn dặn: Ngoài việc giữ trật tự còn phải tuyên truyền, phải đoàn kết và hợp tác với tự vệ và nhân dân thành phố. Đến Bộ Tuyên truyền, Chủ tịch nhắc nhở phải giữ thái độ khoan dung với kiều dân Pháp và trong việc tuyên truyền phải tôn trọng sự thật, có vậy mới có nhiều người nghe.

Cũng trong ngày hôm đó, đáp lại việc nữ sĩ Hằng Phương gửi tặng cam cho Chủ tịch Nước, trên tờ “Tiếng gọi Phụ nữ” (số 11) Bác đăng bài thơ “Cảm ơn người tặng cam” bằng những câu thơ ý nhị và sâu sắc:

“Cảm ơn bà biếu gói cam,

Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai!”26

Một năm sau, ngày 08/01/1947, Bác lại đăng một bài thơ gửi tặng Báo “Độc Lập” cơ quan ngôn luận của giới trí thức và công thương mang tinh thần cổ vũ cho một năm mới đầu tiên cả nước bước vào cuộc kháng chiến gian khổ:

“Năm mới thế cho năm đã cũ.

Báo “Độc lập” của Đảng Dân chủ.

Kêu gọi toàn thể dân Việt Nam,

Đoàn kết và thắt chặt hàng ngũ,

Kiên quyết kháng chiến đến kỳ cùng,

Để giữ chủ quyền và lãnh thổ.

Chờ ngày độc lập đó thành công.

Tết ấy tha hồ bàn với cỗ”27.

Cũng nhân dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi hô hào đồng bào phải hết sức tiết kiệm, để dành tiền bạc, cơm gạo cho cuộc kháng chiến lâu dài..., ra sức thi đua tăng gia sản xuất và quan tâm đến các chiến sỹ ngoài chiến trường. Cùng ngày, Bác Hồ còn viết thư khen ngợi các chiến sỹ bị thương xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế…, đồng thời khích lệ các thầy thuốc và khán hộ đã hết lòng chăm sóc thương binh: “Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc”28.

Ngày 08/01/1959, Xưởng may 10 của Tổng cục Hậu cần có vinh dự được Bác Hồ đến thăm. Từ đó đến nay, nhà máy này29 không ngừng trưởng thành đến nay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong ngành May mặc nước ta.

Chú thích:

16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 18.
17,18,19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 145, 147, 148.
20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 5.
21, 22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 150.
23. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 12.
24. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 203.
25. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 124.
26. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 125
27,28. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 14, 13.
29. Hiện nay là Công ty may 10 (BT)

Bài viết khác: