Ngày 24/01
Bác Hồ “vi hành” thăm chợ Tết.
Ngày 24/01/1931, giữa lúc cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang dâng cao ở Việt Nam, thì ở nước Nga, Nguyễn Ái Quốc viết văn kiện “Phong trào cách mạng ở Đông Dương”. Bài viết biểu dương cao trào đấu tranh của công, nông, lên án tội ác thực dân, phong kiến và kêu gọi: “Nhiệm vụ cấp thiết của giai cấp vô sản thế giới - đặc biệt là giai cấp vô sản Pháp - là chìa bàn tay hữu nghị anh em và giúp đỡ tới Đông Dương, để chứng tỏ tình đoàn kết thực sự và tích cực của họ, Đông Dương bị áp bức và cách mạng cần điều ấy!”76.
16 năm sau, ngày 24/01/1947, tức là 30 Tết Âm lịch, Bác viết riêng một bức “Thư chúc Tết đồng bào và chiến sỹ Nam bộ”. Để đả phá luận điệu tuyên truyền của thực dân rằng nếu thống nhất thì những người theo Pháp sẽ bị khủng bố; người Nam sẽ bị người Bắc cai trị; Chính phủ chỉ toàn Việt Minh, bức thư nêu rõ: “... Một dân tộc đã tự cường, tự lập, dân chủ cộng hòa thì không làm những việc nhỏ nhen, báo thù báo oán... Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ làng xã đến toàn quốc những người chức trách đều do dân cử ra. Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đầy tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài... Trong Chính phủ có đủ những người các đảng phái, như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, Đảng Quốc dân, Đồng minh hội, lại có những người không thuộc đảng phái nào. 5 vị Bộ trưởng và Thứ trưởng là những người quê quán ở Nam bộ... Sự thật là rất giản đơn như thế, mong đồng bào hiểu rõ, chớ mắc lừa bọn thực dân”77.
Ngày 24/01/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Nha Bình dân học vụ, thông báo việc Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến cho phong trào xóa nạn mù chữ. Trong thư, Bác biểu dương: “Từ ngày nhân dân ta nắm chính quyền đến nay, 13 triệu nam, nữ đồng bào đã được học, đã biết chữ. Đó là một thắng lợi vẻ vang, to lớn.
Nhưng chúng ta phải cố gắng nữa, phải làm thế nào cho trong một thời gian gần đây, tất cả đồng bào Việt Nam từ 8 tuổi trở lên đều biết đọc biết viết. Ngày ấy mới là hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận diệt giặc dốt”78 .
Ngày 24/01/1963, là ngày 29 Tết Quý Mão, buổi sáng vị nguyên thủ quốc gia đã “vi hành” thăm chợ Đồng Xuân. Trong bộ quần áo gụ đã bạc màu, ngoài khoác áo mưa vải bạt, cổ quàng khăn len, mắt đeo kính trắng và chân đi dép cao su, Bác cùng 2 cảnh vệ đi thăm cảnh đồng bào sắm Tết. Tối hôm ấy, Bác lại đi thăm và chúc Tết một số nơi trong đó có gia đình Bác sĩ Hồ Đắc Di.
Ngày 24/01/1966, Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh ngoại giao và các phương án chọn nơi tiến hành đàm phán Việt - Mỹ. Tại cuộc họp này, Bác tiên liệu: “Mỹ có thể sẽ lại ném bom miền Bắc, thậm chí cả Hà Nội, Hải Phòng. Vì vậy không được chủ quan”79. Dự báo sớm ấy đó giúp quân dân ta chủ động phòng chống giặc thắng lợi.
Ngày 25/01
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Ngày 25/01/1924, báo “Đời sống thợ thuyền” (La Vie Ouvrière) đăng bài báo của Nguyễn Ái Quốc có nhan đề là “Phong trào công nhân Viễn Đông”. Bài báo nhắc đến phong trào công nhân Nhật Bản tại thành phố Ôsaka một trung tâm công nghiệp lớn ở Nhật Bản mà ở đó sức mạnh đoàn kết giai cấp đã buộc giới chủ phải hoảng sợ. Đó là những nét mới trong phong trào công nhân ở Viễn Đông, xứ sở gần gũi với Đông Dương.
9 năm sau đó, ngày 25/01/1933 là ngày 30 Tết Quý Dậu, Nguyễn Ái Quốc trên đường từ Hồng Kông cập bến Hạ Môn và lưu lại qua Tết tại đây để tìm cách liên lạc với tổ chức và tránh bị màng lưới mật thám theo dõi.
Cả hai ngày 25/01 ứng vào ngày Tết Nguyên đán, đó là vào năm Giáp Thân (1944) và Quý Mão (1963). Ngày 25/01/1944 là ngày đầu năm Giáp Thân, trong khi đang tiến hành vận động quốc tế, từ Liễu Châu (Trung Quốc) Bác gửi lời chúc qua tờ “Đồng Minh” với nhan đề “Chào Xuân”:
“… Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng.
Viết bài chào Tết, chúc thành công!”80.
20 năm sau, ngày mồng Một Tết Quý Mão (25/01/1963), trong “Lời chúc mừng năm mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Càng thương đồng bào miền Nam, chúng ta càng phải lao động cần cù, phấn đấu hăng hái hơn nữa cho Bắc Nam mau được sum họp một nhà”81 và nhắc lại cái chân lý mà cách đó 17 năm (1946) Bác đó từng nêu lên:
”Nước Việt Nam ta là một,
Dân tộc Việt Nam ta là một.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”82.
Ngày 25/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thông tư cho Ủy ban Trung bộ chỉ đạo việc đối xử đối với một số quan lại trong chế độ cũ đã tham gia các vụ đàn áp phong trào cách mạng. Thông tư yêu cầu “các Ủy ban địa phương cần phải tỏ rõ thái độ rộng lượng với các cựu công chức và quan lại ấy. Nếu không thấy nhân dân oán hờn thì cứ để họ sống yên ổn” vì “Chính phủ muốn để cho họ cơ hội được giác ngộ khiến họ tự ý tham gia vào phong trào kháng chiến kiến quốc một cách thành thực và mong chuộc lại những lỗi lầm”83.
Ngày 25/01/1948, Bác gửi tới cụ Ưng Úy, một cựu quan lại cao cấp và là người của Hoàng tộc nhà Nguyễn cũ, thân sinh ra nhà bác học Bửu Hội đang sống tại Huế một bức thư “… Xin mời cụ tham gia kháng chiến để chúng ta tiếp tục sự nghiệp bỏ dở của các vị tiền bối Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân là đánh đuổi thực dân Pháp để giành độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc”84. Đáp lại, cụ Ưng Úy đã lên chiến khu và ra lời tuyên bố: Tôi vốn là cựu quan chức Nam triều và là người trong Hoàng gia. Nay thực dân Pháp thực hiện mưu mô lấy người Việt trị người Việt, tôi phẫn uất quá nên tôi phải dời nhà lên chiến khu, nguyện theo Chính phủ để giúp một phần hiểu biết vào công cuộc kháng chiến cho đỡ nỗi phẫn uất trong lúc tuổi già...
Ngày 26/01
“Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh”.
Ngày 26/01/1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự phiên họp đặc biệt của Đại hội Xô viết Toàn Nga lần thứ 11 làm Lễ truy điệu V.I.Lê-nin tại Nhà Hát lớn Mátxcơva. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc được nghe những nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô như Kalinin và Xtalin đọc lời điếu và lời tuyên thệ vĩnh biệt V.I.Lê-nin.
Liên quan đến vụ án “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, sau 9 phiên xử, Tòa án của thành phố nhượng địa này vẫn chưa đủ căn cứ kết án Tống Văn Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc), phải chấp nhận đương sự được kháng án sang tận nước Anh. Ngày 26/01/1931, Hội đồng Cơ mật của Hoàng gia Anh đó nhận được đơn kháng án của “nhà yêu nước người An Nam” mở đầu cho hơn một năm đấu tranh pháp lý để cuối cùng Nguyễn Ái Quốc thoát hiểm với sự giúp đỡ của những luật sư tiến bộ của nước Anh.
Ngày 26/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký một văn kiện quan trọng. Đó là Quốc lệnh quy định những trường hợp thưởng và phạt. Quan điểm cơ bản của văn kiện này được nêu rõ: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”85. Quốc lệnh quy định 10 trường hợp thưởng (như nhà có 3 người tòng quân, vì nước hy sinh, làm việc công một cách trong sạch ngay thẳng, bỏ tiền xây công trình công cộng, v.v.) và 10 trường hợp phạt đến mức xử tử (tư thông với giặc, phản quốc, trái quân lệnh, phá hoại giao thông, huỷ hoại quân khí, để bộ đội hại dân, v.v.).
Ngày 26/01/1949, cũng là ngày 28 Tết Canh Dần, kết thúc kỳ họp của Chính phủ, Bác tham dự đêm lửa trại trước khi chia tay. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại: “Đêm nay, một bữa tiệc nhỏ long trọng để đưa các đại biểu Nam bộ, đồng thời là bữa “ăn Tết” của Chính phủ. Bữa tiệc vừa vui vừa cảm động. Sau bữa tiệc có buổi lửa trại. Nhiều trò vui đã được diễn và Hồ Chủ tịch đã có lúc phải cười nhiều nhưng vừa cười vừa chảy nước mắt. Anh em diễn ngày kháng chiến thắng lợi Hồ Chủ tịch vào thăm “Thành phố Hồ Chí Minh”(Sài Gòn) và trước máy truyền thanh chào mừng đồng bào Nam bộ”86.
Ngày 26/01/1956, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài báo có nhan đề “Các cụ già nhiều tuổi nhất của nước ta”. Bài báo đưa ra một danh sách 12 cụ tuổi từ 81 tuổi cho đến cao nhất là 123 tuổi, trong đó có 10 cụ là phụ nữ và nêu lên một vài tấm gương tuổi già nhưng vẫn sống khoẻ, sống có ích. Bài báo kết bằng lời đề nghị các cụ ngoài 80 tuổi hãy viết thư cho báo để Nhà nước nắm được.
Ngày 26/01/1965, Bác Hồ đến phát biểu tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập, nhấn mạnh: “Muốn giữ gìn sự trong sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin thì trước hết tự mình phải trong sáng. Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”87.
Ngày 27/01
“Các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”
Ngày 27/01/1924, Nguyễn Ái Quốc có mặt tại Hồng trường Mátxcơva dự Lễ tang V.I.Lê-nin. Cùng ngày hôm đó trên tờ báo Sự Thật, cơ quan của Đảng Cộng sản Liên Xô, đăng bài viết “Lê-nin và các dân tộc thuộc địa” của Nguyễn Ái Quốc. Bằng lời lẽ chân thành và thống thiết, Bác viết: “Người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa. Người đã kêu gọi các dân tộc da trắng giúp đỡ các dân tộc da vàng và da đen thoát khỏi ách áp bức của bọn rumi, của tất cả bọn rumi: Toàn quyền, công sứ v.v... Và để thực hiện mục đích ấy, Người đã vạch ra một cương lĩnh cụ thể...
... Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội.
Lê-nin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”88.
Ngày 27/01/1931, trong khi đang ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản về việc đón nhận 11 đồng chí bị Chính phủ Xiêm (Thái Lan) trục xuất về Sơn Đầu, để chăm sóc và tiếp tục huấn luyện cho họ.
10 năm sau đó, ngày 27/01/1941 là ngày 29 Tết, tại một khu rừng bên rìa làng Nậm Quang, bên kia biên giới (thuộc Tĩnh Tây), lớp huấn luyện đầu tiên cho 43 học viên đã diễn ra. Trong lễ bế giảng, Bác Hồ với bí danh là Hồ Quang cùng các trợ giảng của mình như Phùng Chí Kiên, Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp), v.v... đã phân công các lực lượng triển khai ở trong và ngoài nước để chuẩn bị cho cơ hội đang đến gần.
Ngày 27/01/1947, Bác viết thư động viên những chiến sỹ quyết tử đang anh dũng chiến đấu trong lòng Thủ đô Hà Nội giữa những ngày Tết cổ truyền: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”89. Bức thư còn báo tin: Bản thân Bác và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến... Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em.
Ngày 27/01/1952 là ngày mồng Một Tết Nhâm Thân, Báo Nhân Dân đăng bài thơ Bác chúc Tết:
“Xuân này, Xuân năm Thân
Kháng chiến vừa 6 năm
Trường kỳ và gian khổ
Chắc thắng trăm phần trăm.
Chiến sỹ thi giết giặc
Đồng bào thi tăng gia
Năm mới thi đua mới
Thắng lợi ắt về ta.
Mấy câu thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”90.
Chú thích:
76. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 60.
77. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 30-31.
78. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 147-148.
79. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 362.
80. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 449.
81, 82. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 10.
83. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 141.
84. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 153.
85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 163.
86. Lê Văn Hiến, Nhật ký của một bộ trưởng, Nxb. Đà Nẵng, 2004, tr. 16.
87. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 373.
88. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 236-237.
89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 35.
90. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 390.