Ngày 01/3
“Nông dân có công với Tổ quốc”.
Ngày 01/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì gặp G. Xanhtơni (J.Sainteny) để trao đổi về tương lai quan hệ Việt - Pháp. Cuộc gặp này diễn ra một ngày trước khi khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội (02/3/1946).
Quan sát những cuộc tiếp xúc này, nhà báo và sử gia nổi tiếng của Pháp là P.Đơvinlơ (P.Devillers) viết: Tại Hà Nội, Xanhtơni giờ đây ngày ngày tiếp tục hội đàm với ông Hồ Chí Minh... Ông Hồ từ chối không chấp nhận việc quân đội Pháp đến Hà Nội, cuộc thay quân Pháp và quân Trung Quốc không có giới hạn thời gian. Ông khẳng định Nam bộ là của Việt Nam, là bộ phận máu thịt của Việt Nam. Các đảng phái Việt Nam đều nhất trí về điểm này và người ta không thể chấp nhận bất cứ một điều gì hàm ý tách rời miền Nam.
Ngày 01/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ” xác định: “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả Đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích đánh đuổi thực dân Pháp làm cho nước thống nhất và độc lập. Vì vậy... phải: Sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí”1.
Thư còn yêu cầu “chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm”. Khi phân tích căn bệnh “ích kỷ, hủ hóa”, Bác viết: “Vẫn biết nhà pha đế quốc là nơi huấn luyện, vẫn biết Việt Minh là một đoàn thể gồm những người yêu nước, chăm lo việc cứu nước. Nhưng hẳn rằng ngoài Việt Minh còn biết bao nhiêu người hay, người giỏi mà Việt Minh chưa tổ chức được. Vả lại nếu chính trị phạm, nếu người của Mặt trận là giỏi hơn ai hết thì những người không có hân hạnh ở tù, những người chưa vào Mặt trận đã là vô tài vô dụng cả sao?
Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cao, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta:
Phải học, học nữa, học mãi” (Lê-nin)2.
Còn trong “Thư gửi các đồng chí Trung bộ”, Bác nhấn mạnh:
“Giao thông là mạch máu của mọi việc.
Giao thông tắc thì việc gì cũng khó.
Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng”3.
Ngày 01/3/1950, Bác ra “Lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất”: “Chúng ta quyết thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân canh tác, bốn mùa canh tác” đồng thời phải “thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu.
Làm hai việc trên là góp sức vào công việc chuyển mạnh sang tổng phản công”4.
Ngày 01/3/1953, Báo Nhân Dân đăng bài “Phóng tay phát động quần chúng” của Bác giải thích về chủ trương “triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức”. Bài báo viết: “Đó là một việc rất công bằng và rất hợp lý... Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, nông dân đóng góp nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất, công lao nhiều nhất. Thế mà họ lại nghèo khổ nhất, vì địa tô quá nặng, nợ lại quá cao.
Nông dân ta có công với Tổ quốc, thì triệt để giảm tô, là bù đắp lại một phần nào cho công lao của nông dân”5.
Ngày 02/3
“Học tập để biết yêu nhân dân...”.
Ngày 02/3/1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo việc Đảng Cộng sản Việt Nam và một Ban Chấp hành lâm thời đó được thành lập. Còn thư gửi Lê Hồng Phong thì cho biết Đảng đã “bao gồm trên 500 đồng chí với hơn 40 chi bộ, hơn 3.000 quần chúng”.
16 năm sau, ngày 02/3/1946, khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đây là sự kiện “lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam”... “là cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam...” và đề nghị “mở rộng số đại biểu ra thêm 70 người nữa. 70 người ấy là mời các đồng chí ở hải ngoại về: Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội, và như thế là Quốc hội của ta tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết nhất trí, mà đoàn kết nhất trí thì việc gì cũng thành công”6...
Tiếp đó, thay mặt Chính phủ mới thành lập Bác tuyên thệ: “Thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”7.
Ngày 02/3/1948, Báo Cứu Quốc đăng bài thơ Bác tặng cụ Bùi Bằng Đoàn:
“Khán thư sơn điểu thê song hãn,
Phê trát Xuân hoa chiếu nghiễn trì,
Tiệp báo tần lai lao dịch mã,
Tư công tức cảnh tặng tân thi”8.
Dịch:
Xem sách, chim rừng vào cửa đậu,
Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi.
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,
Nhớ cụ thơ Xuân tặng một bài.
Ngày 02/3/1959, Bác đến thành phố Băngđung của Inđônêxia. Đọc diễn văn tại đây Bác đánh giá “Tinh thần Băngđung đó phát triển mạnh mẽ khắp thế giới làm lay chuyển tận gốc chủ nghĩa thực dân”9 và trong lễ nhận bằng “Tiến sĩ danh dự” của Đại học Patjajahan Bác tâm sự: Tôi không có điều kiện học tập khi còn trẻ, nhưng đã học tập trong xã hội, trong cuộc sống và đã học tập để biết yêu nhân dân, yêu Tổ quốc, yêu hòa bình và ghét chủ nghĩa đế quốc, ghét áp bức và chủ nghĩa vị kỷ. Hướng về nam nữ sinh viên, Bác cổ vũ: “Con người ngày càng làm chủ được thiên nhiên, cũng như làm chủ được vận mệnh của xã hội và của bản thân mình. Thế hệ thanh niên là như mùa Xuân, như vì sao mới mọc...”10.
Ngày 02/3/1961, Bác đăng bài báo “Tếu” phê phán một số người nhân dịp Tết đã in thiếp riêng “rồi gửi đi lung tung, gây lãng phí ” và khuyên:
Có gì tếu bằng tếu này
Cái bệnh hình thức từ nay xin chừa!
Ngày 02/3/1962, đến thăm Đại hội Chiến sĩ thi đua lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Bác tặng thơ:
“Non xanh nước biếc trùng trùng,
Giữ gìn Tổ quốc, ta không ngại ngùng gian lao.
Núi cao, sự nghiệp càng cao,
Biển sâu, chí khí ta soi vào càng sâu
Thi đua ta quyết giật cờ đầu”11.
Ngày 03/3
“Tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
Trong lưu trữ của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam có một bức thư (đề ngày 22/02/1948) gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh của Kỹ sư Nguyễn Xiển, Phó Tổng thư ký Đảng Xã hội phản ánh hiện tượng mất phẩm chất đạo đức của một số cán bộ Việt Minh. Ngày 03/3/1948, Bác đề xuất ý kiến bên lề bức thư, chỉ thị cho đồng chí Hoàng Quốc Việt: “Những điều phê bình trong thư này không phải là quá đáng. Vậy chú và Thọ (Lê Đức Thọ) phải bàn và thực hành sửa chữa ngay”12.
Ngày 03/3/1951, tại “Lễ ra mắt quốc dân” của Đảng Lao động Việt Nam, Bác nhấn mạnh rằng mục đích của Đảng “có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”; nhiệm vụ là “Kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”; chính sách có thể đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta “Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú cường”... "Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân"13.
Cùng ngày, tham dự Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt, Bác tỏ niềm sung sướng khi thấy “rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão” và “chẳng những là toàn dân Việt Nam đại đoàn kết, mà toàn dân hai nước anh em là Cao Miên và Ai Lao cũng đi đến đại đoàn kết”14.
Ngày 03/3/1952, trong bài “Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt” trên Báo Nhân Dân, Bác biểu dương: “Vì lòng yêu mến bộ đội, mà nhân dân nảy ra nhiều sáng kiến, để vượt mọi khó khăn.
Vì lòng yêu mến nhân dân, mà bộ đội càng thêm dũng cảm khi ra trận diệt giặc.
Vì lòng yêu mến lẫn nhau, mà nhân dân càng ra sức thi đua tăng gia sản xuất, bộ đội càng ra sức thi đua diệt giặc lập công... Chính vì tình đoàn kết ấy, mà kháng chiến nhất định thắng lợi hoàn toàn:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Quân dân đoàn kết, là đường thành công”15.
Ngày 03/3/1955, cũng Báo Nhân Dân đăng bài “Người cán bộ cách mạng” trong đó Bác xác định: Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không.
Ngày 03/3/1959, Bác Hồ tiếp tục thăm nhiều danh thắng của Inđônêxia, trong đó có Tháp Bôrôbuđua nổi tiếng.
Ngày 03/3/1960, dự họp Bộ Chính trị chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ III, Bác yêu cầu làm sao “tránh họp nhiều mà kết quả ít”. Còn trong bài viết “Nhiều” của loạt bài về chủ đề “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” trên Báo Nhân Dân, Bác viết: “Dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân, để tiến lên không ngừng, đạt năng suất ngày càng cao. Đó là biểu hiện cao nhất của ý thức làm chủ xã hội của giai cấp công nhân”16.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 71.
2, 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 74, 79.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 18.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 44.
6, 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, tr. 4, tr. 189-190, 195.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.5, tr. 542.
9. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 229.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 355.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 522.
12. Luu trữ tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam.
13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 183, 184, 185.
14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 181.
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 428, 429.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 78.