Ngày 11/3
“Thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”.
Ngày 11/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ bàn về công tác ngoại giao để công bố với thế giới nội dung bản Hiệp định Sơ bộ, quyết định sẽ cử một phái đoàn qua Trung Hoa để tỏ rõ thiện chí và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Cùng ngày, Bác ra “Lời kêu gọi sau khi ký Hiệp định Sơ bộ” mở đầu bằng câu: “Đồng bào Việt Nam nghe tôi, tin tôi, vì suốt đời tôi đã tranh đấu chống chế độ thực dân, tranh quyền độc lập cho nước nhà... Đồng bào đã tin tôi và Chính phủ mà tạm hoãn cuộc tranh đấu giành hoàn toàn độc lập, mà nhận chế độ tự chủ, mà bình tĩnh chờ đợi kết quả cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê. Nay vì sự dùng dằng bên phía Pháp mà đồng bào phẫn uất, tôi kêu gọi đồng bào hãy bình tĩnh, sẵn sàng chờ lệnh của Chính phủ”44.
Ngày 11/3/1950, rời Bắc Kinh lên đường trở về Chiến khu Việt Bắc, kết thúc chuyến thăm Liên Xô và Trung Quốc tạo nguồn lực cho cuộc kháng chiến, Bác làm bài thơ chữ Hán “Ly Bắc Kinh”:
“Ký Bắc thiên tâm huyền hạo nguyệt,
Tâm tuỳ hạo nguyệt cộng du du.
Hạo nguyệt thuỳ phân vi lưỡng bán?
Bán tùy cựu hữu, bán chinh phu”.
Bản dịch thơ của Phan Văn Các: Rời Bắc Kinh
Trời Ký Bắc treo vầng trăng rọi,
Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời
Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành45.
Về tới sân bay Gia Lâm, Bác tuyên bố: Cuộc đi thăm của chúng tôi đến nước Cộng hoà Inđônêxia, đất nước xinh tươi “ba nghìn hòn đảo”, với hành trình trên một vạn hai nghìn cây số đường đi, đã kết thúc vô cùng tốt đẹp.
Vào đầu tháng 3/1948 (không xác định được ngày), Bác gửi điện cho Trung tướng Nguyễn Bình chuyển lời khen ngợi bộ đội tham gia một số trận đánh thắng trên mặt trận Sài Gòn - Đà Lạt, Sa Đéc và dặn dò phải “giữ đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc tối cao của chính quyền dân chủ ta: Mọi việc đều đặt lợi quyền của Tổ quốc lên trên để thực hiện đại đoàn kết giữa quân và dân cũng như trong quân đội”46.
Cũng khoảng thời gian này, Bác gửi thư cho Trung đội du kích Kim Thành cảm ơn đã tặng cho Bác một chiếc áo mưa chiến lợi phẩm, khích lệ tinh thần lấy vũ khí của giặc để đánh giặc và nhắc nhở "Du kích là như cá, nhân dân là như nước".
Muốn giết địch thắng trận, thì phải có đồng bào giúp mọi mặt. Muốn được đồng bào vui lòng giúp, thì ta phải giúp đỡ đồng bào, kính trọng đồng bào. Đó là con đường thắng lợi”47.
Cũng tháng 3/1948, trong thư gửi tới Hội nghị Quân y, lần đầu tiên Bác nhắc đến thành ngữ mà về sau trở thành quan điểm về phẩm chất của người cán bộ ngành Y: Khi gặp những khó khăn trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân, Bác viết: “Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động, cảm hóa họ. Nguời ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thày thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”48.
Ngày 12/3
“Chính nghĩa bao giờ cũng thắng”.
Ngày 12/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân thành Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam. Mặc dầu cả nước có chiến tranh nhưng Chủ tịch Nước Việt Nam kháng chiến vẫn chuẩn bị cho tương lai khi ra Sắc lệnh số 29 với 10 chương và 187 điều quy định mối quan hệ giữa chủ người Việt hay nước ngoài với công dân Việt Nam làm việc tại các nhà máy, hầm mỏ, thương điếm và cả các nghề tự do.
Ngày 12/3/1951, trên đường từ Trung Quốc trở về nước, qua tỉnh Hồ Bắc của bạn, Bác làm bài thơ chữ Hán “Quá Hồ Bắc”:
“Ngã khứ điền gian đô bạch tuyết,
Ngã lai điền mạch dĩ thanh thanh.
Minh thiên cơ giới thế mộc giới,
Ức triệu nông gia lạc thái bình”49.
Bản dịch của Phan Văn Các:
Đồng ruộng khi đi đầy tuyết trắng,
Nay về lúa mạch đã xanh xanh,
Ngày mai cày máy thay cày gỗ,
Ức triệu nhà nông hưởng thái bình.
Ngày 12/3/1965, tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về âm mưu của Mỹ và đối sách của ta, Bác đã phát biểu nhiều ý kiến quan trọng (được ghi trong biên bản): Mỹ đã nói đến việc mở rộng chiến tranh từ tháng 02/1964 mà chúng ta nghiên cứu còn yếu. Phải có quyết tâm từ Bắc chí Nam, phải coi là trận sống còn (một là chết hai là thắng lợi). Phải tính đến hoàn cảnh thật gay gắt, địch sẽ dùng cả không quân và hải quân nên phải đề phòng sự dao động nghiêng ngả. Phải tăng cường tổ chức và tiềm lực. Phòng không nhân dân phải chú ý giải quyết đời sống của những gia đình khó khăn. “Các cháu bé quý hơn nhà máy”. Cách sống còn hòa bình, phải chuyển miền Bắc sang “nửa chiến tranh”. Về ngoại giao: Cần nghĩ trước việc vận động mở lại Hội nghị Giơnevơ để tranh thủ dư luận đồng thời nên tổ chức tuyên truyền chống chiến tranh ở nhiều nước, tổ chức quốc tế. Trong chiến tranh chống Mỹ, phải vừa kiên quyết vừa khéo léo. Lúc nào Mỹ muốn đi thì tạo điều kiện cho Mỹ rút.
Chỉ một năm sau, Mỹ đã mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, trực tiếp đưa bộ binh vào tác chiến ở miền Nam, ngày 12/3/1966, Bác họp Hội nghị Bộ Chính trị nghe báo cáo tình hình chiến sự, đồng ý kế hoạch tuyển quân và đề nghị không tuyển người đứng tuổi, con em những gia đình đã có nhiều con vào bộ đội, những người có trình độ cao còn cần cho các ngành kinh tế.
Vào tháng 3/1948, trả lời nhà báo nước ngoài, Bác bày tỏ quan điểm về chiến tranh: “Dù phải hy sinh và cực khổ mấy, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng quyết kháng chiến đến cùng để tranh kỳ được thống nhất và độc lập thực sự... Nhân dân Việt Nam đã nếm đủ sỉ nhục và đau khổ. Nhân dân Việt Nam quyết không chịu làm nô lệ lần nữa... Nếu thực dân Pháp vẫn khư khư giữ chặt tham vọng cũ thì chúng sẽ thất bại. Chính nghĩa bao giờ cũng thắng!”50. Có thể thấy, trong cả hai cuộc kháng chiến, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhất quán!
Ngày 13/3
“Việt - Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Ngày 13/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội đồng Chính phủ họp kiểm điểm tình hình thực hiện Hiệp định 6/3, cử người qua Pháp và Trung Hoa để vận động ngoại giao, quyết định phải ra tuyên bố phê phán phía Pháp đã không thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định và phải chịu trách nhiệm nếu tình hình xấu đi.
Ngày 13/3/1951, tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa II, với cương vị Chủ tịch Đảng, Bác đánh giá: Thuận lợi của ta là căn bản, khó khăn của địch cũng là căn bản và phát biểu những ý kiến được đưa vào nghị quyết: Cuộc kháng chiến của ta là một cuộc đấu tranh trường kỳ và gian khổ. Tư tưởng muốn thắng mau, giải quyết mau là không đúng. Phải nắm vững quan điểm kháng chiến trường kỳ và gian khổ, để vượt mọi khó khăn quyết giành thắng lợi cuối cùng.
Ngày 13/3/1960, Bác lên thăm Thái Nguyên, căn cứ địa cách mạng và “thủ đô kháng chiến” năm xưa, gặp gỡ và nói chuyện với nhân dân thị xã, thăm công trường xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy điện Cao Ngạn, một số trường học và Hội nghị Thanh niên xã hội chủ nghĩa toàn Khu tự trị Việt Bắc.
Trong tháng 3/1962, Bác viết thư gửi bạn đọc Tạp chí “La Nouvell Critique” (Tân phê bình) xuất bản ở Pháp nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến ra số đặc biệt về Việt Nam và “Tôi hy vọng rằng, các bạn sẽ tìm thấy ở đây một dấu hiệu thể hiện sự cố gắng của chúng tôi trong cuộc đấu tranh chung lớn lao cho tất cả các dân tộc, cho hữu nghị, tự do, hòa bình, nhân phẩm và sự hợp tác anh em giữa các dân tộc.
Tôi vui sướng nếu như những vấn đề thảo luận này được công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức Pháp là những người mà tôi vẫn gìn giữ những kỷ niệm tốt đẹp nhất trong lòng, nhiệt liệt tán thưởng”52.
Ngày 13/3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn Đoàn đại biểu cao cấp Vương quốc Lào do Vua Xrivang Votthana và Thủ tướng Xuvana Phuma dẫn đầu kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Trong lời tiễn Bác đã đọc bốn câu thơ:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt - Lào, hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”53.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
44. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 201-202.
45. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 19.
46,47,48. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 398, 400, 395.
49. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 20.
50. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 402, 403.
51 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 21.
52. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 538.
53 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 44.