Ngày 20/3
“Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên”.
Ngày 20/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội đồng Chính phủ để theo dõi chặt chẽ việc quân đội Pháp thay quân Tưởng. Về việc xảy ra đụng độ vũ trang giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc dân Đảng, Bác chỉ đạo: Quân ủy và Bộ Quốc phòng phải lo giải quyết, miễn là dàn xếp sao cho đại sự thì thành tiểu sự, tiểu sự thì thành vụ sự. Vị Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng chấp thuận đề nghị của Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu) về thể thức một cuộc gặp gỡ chính thức.
Cùng ngày, trong thư cảm ơn trả lời chung các bức thư của đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Đông, Bác viết: “… Tuy hiện nay tôi ở Hà Nội, xa cách với đồng bào nhưng không bao giờ tôi quên các đồng bào...
Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy có xa cách nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn gần gũi anh em. Tôi chắc rằng cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt”75.
Ngày 20/3/1947, dưới bút danh Tân Sinh, Bác hoàn thành viết cuốn sách “Đời sống mới” và giao cho Ủy ban Trung ương Vận động đời sống mới xuất bản rộng rãi. Trong lời tựa, Bác viết: “Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc... Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm... Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới”76.
Ngày 20/3/1961, Bác trở lại thăm Tuyên Quang, căn cứ kháng chiến xưa. Trở lại mái đình Tân Trào, nói chuyện với đồng bào, Bác chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng”77.
Chiều ngày 20/3/1967, trước phút nổ súng vào căn cứ Dốc Miếu (Gio Linh, Quảng Trị), các chiến sỹ pháo binh nhận được điện của Bác Hồ khích lệ: Các chú đại diện cho lực lượng pháo binh miền Bắc xã hội chủ nghĩa đánh trả hành động leo thang phá hoại của pháo binh địch ở bờ Nam. Vì vậy, trận đầu các chú phải đánh thắng. Trả lời thư của Ủy ban Mêhicô đoàn kết với Việt Nam, Bác viết: “Vì độc lập của Tổ quốc chúng tôi, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh chống đế quốc Mỹ, chúng tôi không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng”78.
Ngày 21/3
“Quyết không phụ lòng trông cậy của quốc dân”.
Ngày 21/3/1925, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Nông dân Trung Quốc”. Đây là một chủ đề được nhà cách mạng Việt Nam rất quan tâm vì nó liên quan đến một lực lượng khổng lồ của nước Trung Hoa rộng lớn, nhưng đó cũng là một vấn đề rất sát với mục tiêu vận động cách mạng ở Việt Nam.
Ngày 21/3/1947, trong “Lời cảm ơn đồng bào”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Khắp mọi nơi, các đoàn thể, các bộ đội, các hội tôn giáo, các cháu thiếu nhi, đều có gửi thư hứa với tôi:
- Kiên quyết ủng hộ trường kỳ kháng chiến,
- Ra sức thực hành tăng gia sản xuất,
- Hết lòng giúp đỡ đồng bào tản cư,
- Cố gắng phát triển bình dân học vụ.
Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào và trịnh trọng hứa với đồng bào rằng Chính phủ quyết làm trọn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc, quyết không phụ lòng trông cậy của quốc dân, và quyết tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”79.
Nhằm tăng cường cho Mặt trận Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các sắc lệnh bổ nhiệm Trung tướng Nguyễn Bình giữ chức Tổng Tư lệnh, ông Trần Văn Trà giữ chức Phó Tư lệnh và ông Phạm Ngọc Thuần làm Chính trị ủy viên Bộ Tư lệnh Nam bộ.
Tháng 3/1953, tại Việt Bắc, trong Hội nghị cán bộ phụ nữ về vấn đề phát động quần chúng nông dân, trong nhiều vấn đề được trình bày, Bác nêu rõ thái độ đối với giai cấp địa chủ: “Phải hiểu rằng phong kiến cũng là một bước tiến tất nhiên của xã hội. Xã hội từ chỗ ăn lông ở lỗ, tiến đến xã hội nô lệ, tiến đến chế độ phong kiến, tiến đến xã hội tư bản, rồi tiến đến xã hội chủ nghĩa. Nếu gia đình là địa chủ cũng không có gì đáng xấu hổ. Đáng xấu hổ là khi nhân dân đã tiến bộ, xã hội đã tiến bộ, mà mình cứ khư khư giữ lấy tư tưởng địa chủ, chỉ biết lợi ích riêng của mình, không biết đến quyền lợi dân tộc, quyền lợi xã hội.
Ăngghen dù là con nhà tư bản ông đã trở nên một người thầy dạy chủ nghĩa cộng sản cho chúng ta. Ở nước ta có vài đồng chí xuất thân là địa chủ nhưng họ tự nguyện hiến hết ruộng đất để chia cho nông dân; như thế thì không có gì đáng xấu hổ. Dù mọc ở bùn thối lên nhưng hoa sen vẫn thơm đẹp. Địa chủ mà thật thà tiến bộ thì cũng như hoa sen vậy”80.
Ngày 21/3/1962, cũng trong một phiên họp Bộ Chính trị bàn về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương về công nghiệp, Bác phát biểu: “Phần nói nông nghiệp còn nhẹ quá. Công nghiệp nặng phải có, nhưng 8 năm thiếu gang thép ta vẫn xoay xở được, còn mất mùa một năm thì chúng ta méo mặt, mất mùa thì gang thép cũng không làm được”. Bác cũng phê bình: “Ta có họp, có nghị, có quyết rồi giao cho ai phải giao trách nhiệm cho rõ ràng, ai làm được thì khen nhưng thấy ai làm sai thì lại không có thái độ rõ ràng. Làm không được thì cách chức ngay (tỉnh Thái Bình được thưởng hơn 700 Huân chương, Huy chương mà không thấy phạt một ai), ý tôi là ta còn nhu nhược đối với vấn đề này”81.
Ngày 22/3
Điện Biên Phủ - “Stalingrad ở Đông Dương”.
Ngày 22/3/1946, Hội đồng Chính phủ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về việc xác lập mối liên hệ giữa Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội, chuẩn bị kỷ niệm ngày mất của nhà yêu nước Phan Chu Trinh (24/3) và nghe báo cáo về cuộc duyệt binh chung Việt - Pháp, những địa điểm Pháp sẽ đóng quân và tình hình tài chính.
Buổi tối cùng ngày, Bác cùng với tướng Lơcléc (Leclerc), người đứng đầu các lực lượng vũ trang Pháp ở Đông Dương và đại diện các nước Mỹ, Anh tham dự bữa tiệc chia tay của Lư Hán trước khi rút về nước. Như thế cũng có nghĩa là cáo chung âm mưu “Hoa quân nhập Việt”. Về việc này, nhà nghiên cứu Đài Loan là King Chen đánh giá: Trong thời kỳ khó khăn nhất này của cách mạng Việt Nam, Cụ Hồ Chí Minh đã xử sự linh hoạt, khéo léo, biết vận dụng những mâu thuẫn của kẻ thù. Cuối cùng, quân đội của Quốc dân Đảng Trung Hoa đã phải rút khỏi Việt Nam. Các lực lượng Việt Quốc và Việt Nam Đồng minh hội cũng đã bị thanh toán. Vấn đề duy nhất còn lại chỉ là tập trung vào việc chống Pháp mà thôi.
Ngày 22/3/1950, từ chiến khu, Bác viết bài “Nước Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập của mình” (bằng tiếng Pháp), ký bút danh là DIN - Thư ký Mặt trận Liên - Việt gửi cho Bộ Biên tập tuần báo “Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân” là cơ quan ngôn luận của Cục Thông tin Quốc tế Cộng sản. Bài viết giới thiệu tổng quát lịch sử cách mạng Việt Nam để khẳng định “Việt Nam sẽ thắng lợi..: Để giành lại nền độc lập dân tộc và sự thống nhất đất nước của mình, nhân dân Việt Nam sẵn sàng đấu tranh 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc hơn nữa, nếu cần thiết!”82.
Giữa tháng 3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mở màn, nhà báo Ôxtrâylia Uynphơrét Bơcxet (Wilfrred Burchett) đã đến chiến khu Việt Bắc và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hồi ức của mình, nhà báo Ôxtrâylia đã thuật lại câu chuyện Bác Hồ đặt ngửa chiếc mũ trên bàn, đưa những ngón tay gầy guộc theo vành chiếc mũ và nói: Tình hình thế này, đây là những ngọn núi mà lực lượng chúng tôi đang chiếm giữ. Dưới kia là thung lũng Điện Biên Phủ. Đó là nơi đóng quân của người Pháp với những đội quân thiện nghệ nhất mà họ có tại Đông Dương. Và họ sẽ không bao giờ rút ra được. Vậy đây chính là “Stalingrad ở Đông Dương?” (Bơcxét hỏi). Bác trả lời: Căn cứ vào điều kiện ở đây thì đúng như vậy. Nói khiêm tốn thì đó là một điều gì đó giống như thế.
U.Bơcxet sau này nhiều lần đến Việt Nam đưa tin về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nhưng vẫn giữ nguyên ấn tượng ban đầu: Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo với nhân cách vĩ đại này, sự ấm áp, giản dị, cách thể hiện rõ ràng xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp và sự thấu hiểu trọn vẹn chủ đề khiến ta có ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Ngày 23/3
“Tôi luôn là người yêu nước”.
Tháng 3/1942, Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Tỉnh ủy Cao Bằng phải mở rộng căn cứ nối liền Cao Bằng với căn cứ địa Võ Nhai và Bắc Sơn, xây dựng một hành lang chính trị vững chắc từ chiến khu về miền xuôi. Bác chỉ thị: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”83. Đó chính là tư tưởng khởi động cho phong trào “Nam tiến” ra đời và phát triển mạnh mẽ.
Ngày 23/3/1945, tại Côn Minh, Trung Quốc, Hồ Chí Minh lại tiếp xúc với S.Phennơ (Ch.Fenn), sĩ quan tình báo trong đơn vị AGAS (Cơ quan hỗ trợ mặt đất) của không quân Mỹ. Cùng đi còn có Frank Tan, một sĩ quan tình báo gốc Hoa từng hoạt động ở Việt Nam, người được phân công sẽ giữ vai trò liên lạc bằng vô tuyến điện để giữ liên hệ với đại bản doanh cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ đặt tại Côn Minh (Trung Quốc).
Ngày 23/3/1949, Báo Cứu Quốc đăng nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Oantơ Braigơ (Walter Briggs). Trả lời câu hỏi điều kiện nào thì Việt Nam chấp nhận sự can thiệp của Liên hợp quốc, Bác trả lời: “Độc lập và thống nhất thật sự của Việt Nam”; hỏi “Cụ có phải là một người cộng sản nữa không?”, trả lời: “Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi”; hỏi: “Việt Nam công khai tuyên bố rằng trong 24 vị trong Chính phủ, 4 vị là cộng sản. Thế thì 4 vị ấy có ảnh hưởng đặc biệt, hay là cũng như các vị khác”, trả lời: “Tất cả các Bộ trưởng Chính phủ Việt Nam đều cộng đồng phụ trách và ảnh hưởng quân bình”; hỏi: “Một khi độc lập đã thành công, về mặt quốc tế, Cụ sẽ đưa Việt Nam đứng với Nga và các nước đồng minh của Nga hay là với dân chủ phương Tây…?”, trả lời: “Một khi đã độc lập, Việt Nam sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn”84.
Tháng 3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hội nghị Nông dân cứu quốc toàn quốc lần thứ hai nêu rõ nhiệm vụ chính của nông dân trong lúc này là “thi đua tăng gia sản xuất nhiều lương thực để quân và dân no ấm đánh giặc”85; muốn vậy thì “Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng”86.
Ngày 23/3/1963, Bác họp Bộ Chính trị bàn về việc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và phát biểu nhiều ý kiến (được ghi trong biên bản): “Làm kế hoạch phải can đảm nhưng phải cẩn thận, chỉ đạo phải tập trung vào trọng điểm. Cần nói rõ thắng lợi và cả khó khăn để quyết tâm tự lực cánh sinh; dĩ nhiên không quên sự giúp đỡ của bạn. Cần phải chú ý hơn công tác giáo dục tư tưởng... Nông nghiệp ta còn nhiều khó khăn... Ta có người, có đất thì có của... Dân ta rất tốt... Phải có chính sách hợp tình hợp lý để người già sẵn sàng nhường chỗ cho người trẻ tiến lên...”87.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
75. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 210.
76. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 93, 94, 95.
77. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 317.
78. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 245.
79 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 111.
80 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 54.
81 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 211.
82. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 32-33.
83. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 2, tr. 164.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 575-576.
85,86. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 191.
87. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 366-367.