Chỉ mục bài viết

Ngày 01/3

“Nông dân có công với Tổ quốc”.

Ngày 01/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì gặp G. Xanhtơni (J.Sainteny) để trao đổi về tương lai quan hệ Việt - Pháp. Cuộc gặp này diễn ra một ngày trước khi khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội (02/3/1946).

Quan sát những cuộc tiếp xúc này, nhà báo và sử gia nổi tiếng của Pháp là P.Đơvinlơ (P.Devillers) viết: Tại Hà Nội, Xanhtơni giờ đây ngày ngày tiếp tục hội đàm với ông Hồ Chí Minh... Ông Hồ từ chối không chấp nhận việc quân đội Pháp đến Hà Nội, cuộc thay quân Pháp và quân Trung Quốc không có giới hạn thời gian. Ông khẳng định Nam bộ là của Việt Nam, là bộ phận máu thịt của Việt Nam. Các đảng phái Việt Nam đều nhất trí về điểm này và người ta không thể chấp nhận bất cứ một điều gì hàm ý tách rời miền Nam.

Ngày 01/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ” xác định: “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả Đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích đánh đuổi thực dân Pháp làm cho nước thống nhất và độc lập. Vì vậy... phải: Sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí”1.

Thư còn yêu cầu “chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm”. Khi phân tích căn bệnh “ích kỷ, hủ hóa”, Bác viết: “Vẫn biết nhà pha đế quốc là nơi huấn luyện, vẫn biết Việt Minh là một đoàn thể gồm những người yêu nước, chăm lo việc cứu nước. Nhưng hẳn rằng ngoài Việt Minh còn biết bao nhiêu người hay, người giỏi mà Việt Minh chưa tổ chức được. Vả lại nếu chính trị phạm, nếu người của Mặt trận là giỏi hơn ai hết thì những người không có hân hạnh ở tù, những người chưa vào Mặt trận đã là vô tài vô dụng cả sao?

Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cao, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta:

Phải học, học nữa, học mãi” (Lê-nin)2.

Còn trong “Thư gửi các đồng chí Trung bộ”, Bác nhấn mạnh:

“Giao thông là mạch máu của mọi việc.

Giao thông tắc thì việc gì cũng khó.

Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng”3.

Ngày 01/3/1950, Bác ra “Lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất”: “Chúng ta quyết thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân canh tác, bốn mùa canh tác” đồng thời phải “thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu.

Làm hai việc trên là góp sức vào công việc chuyển mạnh sang tổng phản công”4.

Ngày 01/3/1953, Báo Nhân Dân đăng bài “Phóng tay phát động quần chúng” của Bác giải thích về chủ trương “triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức”. Bài báo viết: “Đó là một việc rất công bằng và rất hợp lý... Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, nông dân đóng góp nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất, công lao nhiều nhất. Thế mà họ lại nghèo khổ nhất, vì địa tô quá nặng, nợ lại quá cao.

Nông dân ta có công với Tổ quốc, thì triệt để giảm tô, là bù đắp lại một phần nào cho công lao của nông dân”5.

Ngày 02/3

“Học tập để biết yêu nhân dân...”.

Ngày 02/3/1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo việc Đảng Cộng sản Việt Nam và một Ban Chấp hành lâm thời đó được thành lập. Còn thư gửi Lê Hồng Phong thì cho biết Đảng đã “bao gồm trên 500 đồng chí với hơn 40 chi bộ, hơn 3.000 quần chúng”.

16 năm sau, ngày 02/3/1946, khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đây là sự kiện “lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam”... “là cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam...” và đề nghị “mở rộng số đại biểu ra thêm 70 người nữa. 70 người ấy là mời các đồng chí ở hải ngoại về: Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội, và như thế là Quốc hội của ta tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết nhất trí, mà đoàn kết nhất trí thì việc gì cũng thành công”6...

Tiếp đó, thay mặt Chính phủ mới thành lập Bác tuyên thệ: “Thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”7.

Ngày 02/3/1948, Báo Cứu Quốc đăng bài thơ Bác tặng cụ Bùi Bằng Đoàn:

“Khán thư sơn điểu thê song hãn,

Phê trát Xuân hoa chiếu nghiễn trì,

Tiệp báo tần lai lao dịch mã,

Tư công tức cảnh tặng tân thi”8.  

Dịch:

Xem sách, chim rừng vào cửa đậu,

Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi.

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,

Nhớ cụ thơ Xuân tặng một bài.

Ngày 02/3/1959, Bác đến thành phố Băngđung của Inđônêxia. Đọc diễn văn tại đây Bác đánh giá “Tinh thần Băngđung đó phát triển mạnh mẽ khắp thế giới làm lay chuyển tận gốc chủ nghĩa thực dân”9 và trong lễ nhận bằng “Tiến sĩ danh dự” của Đại học Patjajahan Bác tâm sự: Tôi không có điều kiện học tập khi còn trẻ, nhưng đã học tập trong xã hội, trong cuộc sống và đã học tập để biết yêu nhân dân, yêu Tổ quốc, yêu hòa bình và ghét chủ nghĩa đế quốc, ghét áp bức và chủ nghĩa vị kỷ. Hướng về nam nữ sinh viên, Bác cổ vũ: “Con người ngày càng làm chủ được thiên nhiên, cũng như làm chủ được vận mệnh của xã hội và của bản thân mình. Thế hệ thanh niên là như mùa Xuân, như vì sao mới mọc...”10.

Ngày 02/3/1961, Bác đăng bài báo “Tếu” phê phán một số người nhân dịp Tết đã in thiếp riêng “rồi gửi đi lung tung, gây lãng phí ” và khuyên:

Có gì tếu bằng tếu này

Cái bệnh hình thức từ nay xin chừa!

Ngày 02/3/1962, đến thăm Đại hội Chiến sĩ thi đua lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Bác tặng thơ:

“Non xanh nước biếc trùng trùng,

Giữ gìn Tổ quốc, ta không ngại ngùng gian lao.

Núi cao, sự nghiệp càng cao,

Biển sâu, chí khí ta soi vào càng sâu

Thi đua ta quyết giật cờ đầu”11.

 Ngày 03/3

 “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Trong lưu trữ của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam có một bức thư (đề ngày 22/02/1948) gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh của Kỹ sư Nguyễn Xiển, Phó Tổng thư ký Đảng Xã hội phản ánh hiện tượng mất phẩm chất đạo đức của một số cán bộ Việt Minh. Ngày 03/3/1948, Bác đề xuất ý kiến bên lề bức thư, chỉ thị cho đồng chí Hoàng Quốc Việt: “Những điều phê bình trong thư này không phải là quá đáng. Vậy chú và Thọ (Lê Đức Thọ) phải bàn và thực hành sửa chữa ngay”12.

Ngày 03/3/1951, tại “Lễ ra mắt quốc dân” của Đảng Lao động Việt Nam, Bác nhấn mạnh rằng mục đích của Đảng “có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”; nhiệm vụ là “Kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”; chính sách có thể đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta “Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú cường”... "Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân"13.

Cùng ngày, tham dự Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt, Bác tỏ niềm sung sướng khi thấy “rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão” và “chẳng những là toàn dân Việt Nam đại đoàn kết, mà toàn dân hai nước anh em là Cao Miên và Ai Lao cũng đi đến đại đoàn kết”14.

Ngày 03/3/1952, trong bài “Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt” trên Báo Nhân Dân, Bác biểu dương: “Vì lòng yêu mến bộ đội, mà nhân dân nảy ra nhiều sáng kiến, để vượt mọi khó khăn.

Vì lòng yêu mến nhân dân, mà bộ đội càng thêm dũng cảm khi ra trận diệt giặc.

Vì lòng yêu mến lẫn nhau, mà nhân dân càng ra sức thi đua tăng gia sản xuất, bộ đội càng ra sức thi đua diệt giặc lập công... Chính vì tình đoàn kết ấy, mà kháng chiến nhất định thắng lợi hoàn toàn:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Quân dân đoàn kết, là đường thành công”15.

Ngày 03/3/1955, cũng Báo Nhân Dân đăng bài “Người cán bộ cách mạng” trong đó Bác xác định: Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không.

Ngày 03/3/1959, Bác Hồ tiếp tục thăm nhiều danh thắng của Inđônêxia, trong đó có Tháp Bôrôbuđua nổi tiếng.

Ngày 03/3/1960, dự họp Bộ Chính trị chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ III, Bác yêu cầu làm sao “tránh họp nhiều mà kết quả ít”. Còn trong bài viết “Nhiều” của loạt bài về chủ đề “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” trên Báo Nhân Dân, Bác viết: “Dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân, để tiến lên không ngừng, đạt năng suất ngày càng cao. Đó là biểu hiện cao nhất của ý thức làm chủ xã hội của giai cấp công nhân”16.

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 71.
2, 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 74, 79.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 18.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 44.
6, 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, tr. 4, tr. 189-190, 195.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.5, tr. 542.
9. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 229.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 355.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 522.
12. Luu trữ tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam.
13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 183, 184, 185.
14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 181.
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 428, 429.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 78.


 Ngày 04/3

“Dân chủ là phê bình thật thà”.

Ngày 04/3/1928, Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Béclin - Thủ đô nước Đức đã được cơ quan giao thông bí mật của Quốc tế Cộng sản bố trí gặp một số đồng bào tại trụ sở Liên minh Phản đế trên đường từ Pháp qua Liên Xô.

18 năm sau, Chủ tịch Chính phủ Kháng chiến mới được thành lập sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I chủ trì phiên họp đầu tiên để soạn thảo Tuyên ngôn của Chính phủ, xác định chính sách ngoại giao và quyết định lập một tiểu ban soạn thảo đối sách trong đàm phán với Pháp do Chủ tịch Nước đứng đầu. Ngay buổi chiều hôm đó, Bác cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam đã thông báo với Chính phủ kết quả thăm dò đại diện Trung Hoa và Hoa Kỳ về chủ trương đàm phán với Pháp. Cũng trong ngày, Bác còn tiến hành các cuộc tiếp xúc với đại diện Pháp G.Xanhtơni và với giới báo chí.

Đó là một ngày với những nỗ lực ngoại giao phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm điều hòa những quyền lợi của các thế lực trong nước cũng như quốc tế có liên quan, để tìm một giải pháp hòa bình tránh bùng nổ xung đột bảo đảm cho nền độc lập của quốc gia non trẻ. Về đêm, rạng ngày 05/3/1946, tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi nguy cơ đụng độ quân sự giữa Pháp và Tưởng tại Hải Phòng đang trở thành điều khó tránh. Bác và Thường vụ Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình và bàn việc ứng phó một khi xung đột quân sự giữa các thế lực nước ngoài bùng nổ.

Nhưng chỉ một năm sau, ngày 04/3/1947, vị Chủ tịch Chính phủ Kháng chiến đã trên đường hành quân rời vùng đất Sơn Tây qua bến phà Trung Hà để di chuyển căn cứ địa sang đất Phú Thọ. Ngày 04/3/1950, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân tới Bắc Kinh để tiếp xúc với các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ngày 04/3/1952, Bác Hồ gặp gỡ các chiến sỹ thi đua công nông binh toàn quốc họp đại hội và căn dặn: “Các cô, các chú cũng như Bác không phải làm quan mà là làm đầy tớ cho dân. Đầy tớ làm sai thì phải phê bình. Như thế là dân chủ. Dân chủ là phê bình thật thà”17. Trên Báo Cứu Quốc ra cùng ngày, với bút danh “Đ.X”, Bác viết bài “Kính chúc các cụ nghìn tuổi” giới thiệu chính sách quan tâm đến người cao tuổi ở Liên Xô và đề nghị các địa phương nào có các cụ thọ trên dưới 90 tuổi thì qua tờ báo của Mặt trận báo cho người đứng đầu Chính phủ biết.

Ngày 04/3/1969, Bác gửi điện tới Luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đánh giá: “Dân tộc ta có thể tự hào là một dân tộc anh hùng, trước hết là do toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược... Sự ra đời và những hoạt động tích cực của Liên minh... do Chủ tịch lãnh đạo là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”18.

Ngày 05/3

"Kế tục truyền thống anh dũng đời trước”.

Ngày 05/3/1930, Nguyễn Ái Quốc viết “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam” (viết bằng tiếng Anh) trình bày theo quan điểm lịch sử phong trào chống thực dân Pháp qua những thời kỳ. Sau khi điểm lại các phong trào kể từ trước 1905 là “một hỗn hợp giữa chủ nghĩa phản đế, chống công giáo và Cần Vương”... cho đến sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên... Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh đến một bước chuyển mạnh mẽ: "Ngày nay các nhóm cộng sản đã thống nhất vào một đảng, hoạt động nhất định sẽ tốt hơn trước nhiều... Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng với kinh nghiệm và lòng hy sinh, với quần chúng ở bên cạnh, những người cộng sản nhất định sẽ chiến thắng”19.

Một năm sau, ngày 05/3/1931, Nguyễn Ái Quốc viết bài lên án chiến dịch khủng bố của đế quốc và biểu dương ý chí kiên cường của quần chúng cách mạng không có lưỡi lê, bom đạn và súng máy nào có thể dập tắt được tinh thần đó.

Ngày 05/3/1946, nguy cơ cuộc xung đột Pháp - Tưởng đó gần kề khi hạm đội của Pháp đã tiến gần vào Cảng Hải Phòng. Ủy ban Kháng chiến toàn quốc vừa được thành lập đã ra lời hiệu triệu: “Đồng bào hãy đứng dậy chống giặc! Giờ nghiêm trọng của Tổ quốc đã đến!...”. Theo dõi tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: Điều mà chúng ta chú trọng nhất là chuẩn bị, bình tĩnh, giữ vững tinh thần. Trong ngày 05/3/1946, Bác vẫn ở Vân Canh (Hoài Đức, Hà Đông) dự Hội nghị bất thường của Trung ương sẵn sàng ứng phó với tình hình.

Một năm sau, ngày 05/3/1947, trước tình hình quân Pháp từ Hà Nội đang âm mưu chiếm tỉnh lỵ Hà Đông, Bác viết thư kêu gọi đồng bào: “Chúng ta không hoang mang. Chúng ta phải nhẫn nại, phải cương quyết. Thắng lợi cuối cùng nhất định về tay ta”20. Với đồng bào hậu phương Bác mong mỏi: “Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên”21.

Bác viết thư gửi Quốc hội và nhân dân Pháp nêu rõ: “Máu Pháp và Việt chảy đã nhiều. Chiến tranh không nên kéo dài nữa. Chiến tranh không đưa đến đâu cả. Chúng tôi sẵn sàng lập lại hoà bình. Chỉ cần Quốc hội và nhân dân Pháp có một cử chỉ thân thiện”22.

Ngày 05/3/1951, nói chuyện với Hội nghị của Bộ Tổng tư lệnh họp tại Điếm Mạc (Định Hoá - Thái Nguyên) triển khai chiến dịch Trung Du, Bác động viên: “Các đồng chí sẽ đi qua dải đất lịch sử Bạch Đằng - Vạn Kiếp là dịp để các đồng chí tưởng nhớ lại tấm gương oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc ta, để cùng nỗ lực tiêu diệt được nhiều giặc, giành toàn thắng cho chiến dịch, kế tục truyền thống anh dũng đời trước, tiếp tục chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc”23.

Ngày 05/3/1960, Bác dự Hội nghị cán bộ Thanh tra và một lần nữa vạch rõ: “Nếu không kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô, thì nó sẽ cản trở, phá hoại ta tiến lên chủ nghĩa xã hội... nhiệm vụ các Ban Thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, cho kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy”24.

Ngày 06/3

“Tự hào vì miền Nam Thành đồng Tổ quốc

Ngày 06/3/1946 là một thời điểm nghiêm trọng. Buổi sáng, đụng độ đã nổ ra giữa quân Pháp và quân Tưởng tại cảng biển Hải Phòng. Ngoại giao con thoi giữa tất cả các bên đều diễn ra khẩn trương để tháo ngòi nổ. Tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội đồng Chính phủ họp để hoàn chỉnh dự thảo một văn bản để ký kết với Pháp. Toàn thể hội đồng đã nhất trí và ký vào biên bản tán thành.

Và 16h30 phút, Hiệp định Sơ bộ đã được ký kết tại số nhà 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội với những điều khoản khẳng định nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội và tài chính của mình; việc hợp nhất ba kỳ do nhân dân Việt Nam tự giải quyết... và nằm trong Liên bang Đông Dương cũng như trong Khối Liên hiệp Pháp. Phát biểu sau lễ ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi không thoả mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn”25.

Một năm sau, ngày 06/3/1947, cuộc kháng chiến toàn quốc đó bước qua tháng thứ ba, gặp gỡ những người làm việc gần mình, Bác giải thích: Sức ta bây giờ như chàng trai mười sáu mà sức giặc bây giờ như một lão già quỷ quyệt, độc ác. Nếu ta cậy sức đánh bừa thì sao chắc thắng được. Phải vừa đánh vừa nuôi sức mình cho khỏe lên... Khi sức ta đã khoẻ, giặc suy yếu dần, ta mới lừa thế quật ngã nó, như vậy mới chắc thắng. Cho nên kháng chiến trường kỳ mới nhất định thắng lợi. Và những người giúp việc gần Bác nhất từ đó, mang các tên: Kháng, Chiến, Trường, Kỳ, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

Ngày 06/3/1948, Bác gửi thư tới Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ hai nêu tầm quan trọng của công tác chính trị và phẩm chất của người chính trị viên: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn... Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc”26.

Ngày 06/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Inđônêxia Xucácnô đến thăm làng Ubut, một căn cứ kháng chiến chống Nhật của Inđônêxia và thăm thủ phủ Bali.

Ngày 06/3/1967, Bác Hồ gửi thư khen quân dân Thanh Hóa bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.700 và 1.701 của Mỹ. Cùng ngày, Bác viết thư gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ hoan nghênh cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhấn mạnh: Tổ quốc và nhân dân Việt Nam rất tự hào vì miền Nam thành đồng Tổ quốc.

Tháng 3/1948 (không đề ngày) nội dung trong lá thư Bác gửi Giám đốc Sở Công an khu 12 ngày nay đó trở thành “6 điều Bác Hồ dạy” của Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam: “Tư cách người công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tuỵ.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”27.

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích

 17. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 171-172.
18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 448.
19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 37-38.
20,21,22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.5, tr. 80, 81, 84.
2 3. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 26.
24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 81.
25. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 172.
26, 27. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 392-393, 406.


 Ngày 07/3

“Tôi thà chết chứ không bán nước!”.

Ngày 07/3/1946, tại Bắc bộ phủ, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại diện của Pháp để bàn việc triển khai bản Hiệp định Sơ bộ vừa ký ngày hôm trước, đặt vấn đề cuộc hội đàm chính thức được tổ chức tại Pari và đến đầu giờ buổi chiều đó đạt được thỏa thuận với G.Xanhtơni sẽ cùng ký dưới một thông báo chung để bố cáo rộng rãi nội dung bản hiệp định và nêu rõ: Việc đầu tiên thực hiện Hiệp định sơ bộ là chấm dứt mọi cuộc xung đột trên lãnh thổ Đông Dương, 24 giờ sau khi bản thông báo này được phát đi trên các làn sóng Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Phát thanh Sài Gòn.

16 giờ cùng ngày hôm đó, Bác dự cuộc mít tinh lớn của đông đảo nhân dân Hà Nội để giải thích về bản hiệp định vừa ký kết. 

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tiếng: “Nước ta đã độc lập thực sự từ tháng Tám năm 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị. Đồng bào hãy nên bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật ”28. Cuối cùng, vị Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố: Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bán nước!. Cùng ngày, Bác ký giấy ủy nhiệm cho các phái viên đặc biệt của Chính phủ vào Nam bộ để giải thích và thi hành Hiệp định Sơ bộ 6-3.

Ngày 07/3/1947, trong thư gửi các ông Phạm Văn Bạch và Nguyễn Văn Tây phụ trách Phòng Nam Bộ (trực thuộc Chính phủ), Bác viết: “Dù gay go mấy, chúng ta cũng không sợ, không hoang mang, vì chúng ta đã biết trước những sự gay go khốn nạn đó. Vì chúng ta tự tin đủ sức khắc phục nó. Và vì chúng ta chắc thắng lợi cuối cùng sẽ về tay ta”29.

Ngày 07/3/1951, tại phiên bế mạc Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt, Bác được bầu làm Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam.

Ngày 07/3/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Tổng thống Cộng hòa Pháp yêu cầu hủy bản án tử hình đối với nữ thanh niên yêu nước Angiêri, Giamila Buhiret. Điện viết: “Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi đề nghị Ngài có biện pháp phù hợp với truyền thống yêu chuộng công lý và nhân đạo của nhân dân Pháp để cứu sống tính mạng của chị Giamila...”30.

Ngày 07/3/1959, tại thủ đô Giacácta, Bác đón nhận từ Tổng thống Inđônêxia tấm “Huân chương Du kích” với lời đáp từ: “Hai dân tộc chúng ta đã làm cho thế giới thấy rằng với lực lượng đoàn kết của toàn dân, thì dù với vũ khí thô sơ, chúng ta cũng đánh thắng thực dân đế quốc”31.

Ngày 08/3

“Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà”.

Ngày 08/3/1926, từ Quảng Châu, với bí danh “Nilovski”, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản đặt vấn đề muốn biết vì sao không nhận được những tài liệu tuyên truyền mà mình đã gửi thư yêu cầu, báo cáo những việc đã hoàn thành và tiếp tục chuyển cho Quốc tế Cộng sản những tài liệu liên quan đến phong trào nông dân ở Trung Quốc.

Ngày 08/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Chính phủ thông báo tình hình xung đột Pháp - Hoa tại Hải Phòng và một số triển khai chuẩn bị cho khả năng đàm phán tại Pari. Buổi chiều, Bác triệu tập 50 cán bộ chỉ huy tự vệ thành Hà Nội nhắc nhở nhiệm vụ tuyên truyền cho dân chúng và cảnh giác với những âm mưu của quân Pháp, phải nhã nhặn nhưng không nhu nhược, phải chuẩn bị chủ động và liên tục. Cũng ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Nghiêm lệnh” với nội dung “Chính phủ hạ lệnh cho toàn thể nhân dân và bộ đội phải giúp đỡ cho quân đội Trung Hoa, trong lúc Quân đội Trung Hoa thoái triệt...”32.

Ngày 08/3/1952, lần đầu kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Bác viết thư động viên: “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến... Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ.

Nhân dịp 08/3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc... Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sỹ... Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”33.

Cùng ngày, Bác viết bài “Nam nữ bình quyền” với những lập luận sâu sắc: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to!

Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó.

Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội.

Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu...

Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”34.

Ngày 08/3/1965, Bác Hồ đến thăm Nhà máy Dệt 8/3 là công trình xây dựng có phần vốn đóng góp của phụ nữ và hiện đại nhất miền Bắc vào thời điểm đó. Cùng ngày, trong bài “Sách trắng của Mỹ” trên Báo Nhân Dân, Bác vạch rõ bản chất và kết cục tất yếu của cuộc chiến tranh Việt Nam: “Đế quốc Mỹ chỉ có thể chọn một trong hai con đường: Hoặc là chuẩn bị tinh thần chờ đón một trận Điện Biên Phủ, hoặc là thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954, tức là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược... Nếu đế quốc Mỹ khôn hồn theo con đường thứ hai, nhân dân Việt Nam sẽ sẵn sàng hoan tống họ một cách lịch sự”35.

Ngày 09/3

“Non nước này vẫn là non nước Việt Nam”.

Ngày 09/3/1923, Nguyễn Ái Quốc dự họp của Ủy ban Hành động chống chiến tranh và chủ nghĩa đế quốc của Quận 14 thành phố Pari tổ chức tại Nhà Công đoàn.

Ngày 09/3/1946, Báo Cứu Quốc đăng “Tuyên cáo dân chúng Pháp và Việt Nam” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Lơcléc (Leclerc) đồng ký tên nêu rõ chủ trương quân Pháp sẽ trở lại khu vực phía Bắc vĩ tuyến 16 và kêu gọi người Pháp và người Việt Nam hãy tuân lệnh những người lãnh đạo của 2 nước, thi hành các mệnh lệnh một cách triệt để để cùng nhau xây dựng kinh tế và kiến thiết.

Ngày 09/3/1946, tiếp và trả lời phỏng vấn của báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán chính giới Pháp chưa thực sự tôn trọng nền thống nhất của Việt Nam và khẳng định: “Nếu chiến tranh kéo dài, thì khối Liên hiệp Pháp cũng hỏng, lợi quyền Pháp ở Á Đông cũng mất, nước ta sẽ bị tàn phá tiêu điều. Nhưng dù tiêu điều đến đâu, non nước này vẫn là non nước Việt Nam. Trên đống xương máu, trên đống tro tàn, thanh niên ta, con cháu ta, sẽ xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”36.

Ngày 09/3/1953, Bác viết bài “Giai cấp nông dân” đăng trên Báo Cứu Quốc nêu rõ: Giai cấp nông dân là quân chủ lực của cách mạng đóng góp cũng như hy sinh nhiều nhất cho cách mạng. Tuy nhiên giai cấp này vì hoàn cảnh kinh tế lạc hậu mà nông dân thường có tính thủ cựu, rời rạc, tư hữu. Do vậy giai cấp công nhân phải đoàn kết họ, giúp đỡ họ, và lãnh đạo họ vì họ là lực lượng rất to lớn vững chắc. Thế là công nông liên minh.

Ngày 09/3/1959, Bác Hồ kết thúc chuyến thăm hữu nghị Inđônêxia, trên đường về nước quá cảnh tại Rangun, Thủ đô Miến Điện và hạ cánh xuống sân bay Côn Minh trước khi về nước.

Ngày 09/3/1960, Báo Nhân Dân đăng bài “Tốt” trong loạt bài bình luận về “Nhanh - nhiều - tốt - rẻ”. Phân tích yếu tố “Tốt”, Bác nhấn mạnh đến chất lượng sản phẩm và kết thúc bằng mấy câu văn vần dễ nhớ:

“Làm nhanh mà không tốt,

Có gì là vẻ vang?

Đó là người làm chủ,

Tính toán phải đàng hoàng:

Nhiều, nhanh, tốt, rẻ rõ ràng

Lợi dân, lợi nước đôi đàng vẹn đôi”37.

Ngày 09/3/1961, Bác đến thăm Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III và căn dặn: “… Phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật... Chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới...”38.

Ngày 09/3/1967, Bác viết bài “Đáng khen và đáng chê” đăng trên Báo Nhân Dân. Đưa ra tấm gương một Chủ tịch Ủy ban xã vừa công tác tốt vừa nuôi lợn giỏi và tình trạng “mổ lợn bừa bãi” của một cửa hàng thực phẩm cũng trong tỉnh Thái Bình, dưới bút danh “Chiến Sỹ” Bác yêu cầu những cơ quan có trách nhiệm kịp thời khen chê để làm gương cho mọi người.

Ngày 10/3

“Cần phải gìn giữ từng giọt máu của đồng bào”.

Ngày 10/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào Nam bộ, các chiến sỹ ở tiền tuyến và Ủy ban Hành chính Nam bộ để thông báo về việc chính phủ đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3 và khẳng định: “Đối với nước Việt Nam ta, sự ký kết đó có một kết quả hay là nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam là một nước tự chủ... Trong giờ phút này, tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng... Chúng ta cần phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc”39.

Ngày 10/3/1958, đến thăm Sư đoàn 316 thực hiện chủ trương tham gia xây dựng kinh tế chuẩn bị lên Tây Bắc, Bác căn dặn: “Đánh đế quốc thì có một thứ giặc trước mắt, nhưng trong nông nghiệp thì có nhiều kẻ thù: Nào trời không mưa thuận gió hòa, nào sâu bọ phá hoại. Đánh giặc trong nông nghiệp phức tạp hơn đánh giặc thực dân...”40. Trước khi chia tay, Bác ứng khẩu tặng bài thơ:

Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá

Núi cao, chí khí ta còn cao hơn

Khó khăn ta quyết vượt cho kỳ được

Gian khổ không làm lòng ta sờn

Đảng phái ta lên mặt trận sản xuất

Nhiệm vụ ấy ta quyết làm cho tròn

Đội ơn đào tạo người, quân đội

Quyết chí đền bù, nghĩa nước non.

Ngày 10/3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay Gia Lâm đón Vua Lào Xrixavang Votthana, Thủ tướng Hoàng thân Xuvana Phuma sang thăm hữu nghị Việt Nam. Phát biểu tại các sự kiện đón tiếp phái đoàn, Bác dành những lời tốt đẹp nhất: “Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”, “Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chân thành ủng hộ chính sách hòa bình trung lập của Vương quốc Lào, sẽ hết lòng ủng hộ mọi cố gắng của Nhà vua và của Hoàng thân Thủ tướng nhằm xây dựng một nước Lào giàu mạnh”41 và đánh giá ý nghĩa của chuyến thăm bằng câu thơ:

“Bấy lâu cách trở quan hà

Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau”.

Ngày 10/3/1966, Bác Hồ gửi thư khen ngợi quân dân Nghệ An: “Ngày 07/3 vừa qua, tỉnh ta đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 900 của giặc Mỹ trên miền Bắc. Thế là tính đến nay Nghệ An đó bắn rơi hơn 150 máy bay Mỹ... Nhân dịp này, Bác nhắc đồng bào và cán bộ chớ vì thắng lợi mà chủ quan…”42.

Ngày 10/3/1968, Bác viết thư gửi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn: “Nhớ lại hồi Nôen năm ngoái, Chú có ý khuyên B.(Bác) đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, B. rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn... Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em... Có lẽ Chú và đồng chí khác e rằng sức khoẻ của B. không cho phép B. đi chơi xa. Nhưng, thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khoẻ tiến bộ mau hơn”43. Rất tiếc, đúng vì lý do sức khoẻ mà nguyện vọng đó chưa kịp thực hiện...

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích

28. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 173.
29. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 85.
30, 31. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 135, 367.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 198.
33 , 34. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 431-432, 433.
35. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 405.
36. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 86.
37,38. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 91, 295-296.
39. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 199-200.
40. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 55.
41. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 37-38.
42, 43. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 51, 337.


 Ngày 11/3

“Thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”.

Ngày 11/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ bàn về công tác ngoại giao để công bố với thế giới nội dung bản Hiệp định Sơ bộ, quyết định sẽ cử một phái đoàn qua Trung Hoa để tỏ rõ thiện chí và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Cùng ngày, Bác ra “Lời kêu gọi sau khi ký Hiệp định Sơ bộ” mở đầu bằng câu: “Đồng bào Việt Nam nghe tôi, tin tôi, vì suốt đời tôi đã tranh đấu chống chế độ thực dân, tranh quyền độc lập cho nước nhà... Đồng bào đã tin tôi và Chính phủ mà tạm hoãn cuộc tranh đấu giành hoàn toàn độc lập, mà nhận chế độ tự chủ, mà bình tĩnh chờ đợi kết quả cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê. Nay vì sự dùng dằng bên phía Pháp mà đồng bào phẫn uất, tôi kêu gọi đồng bào hãy bình tĩnh, sẵn sàng chờ lệnh của Chính phủ”44.

Ngày 11/3/1950, rời Bắc Kinh lên đường trở về Chiến khu Việt Bắc, kết thúc chuyến thăm Liên Xô và Trung Quốc tạo nguồn lực cho cuộc kháng chiến, Bác làm bài thơ chữ Hán “Ly Bắc Kinh”:

“Ký Bắc thiên tâm huyền hạo nguyệt,

Tâm tuỳ hạo nguyệt cộng du du.

Hạo nguyệt thuỳ phân vi lưỡng bán?

Bán tùy cựu hữu, bán chinh phu”.

Bản dịch thơ của Phan Văn Các: Rời Bắc Kinh

Trời Ký Bắc treo vầng trăng rọi,

Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời

Vầng trăng ai xẻ làm đôi?

Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành45.

Về tới sân bay Gia Lâm, Bác tuyên bố: Cuộc đi thăm của chúng tôi đến nước Cộng hoà Inđônêxia, đất nước xinh tươi “ba nghìn hòn đảo”, với hành trình trên một vạn hai nghìn cây số đường đi, đã kết thúc vô cùng tốt đẹp.

Vào đầu tháng 3/1948 (không xác định được ngày), Bác gửi điện cho Trung tướng Nguyễn Bình chuyển lời khen ngợi bộ đội tham gia một số trận đánh thắng trên mặt trận Sài Gòn - Đà Lạt, Sa Đéc và dặn dò phải “giữ đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc tối cao của chính quyền dân chủ ta: Mọi việc đều đặt lợi quyền của Tổ quốc lên trên để thực hiện đại đoàn kết giữa quân và dân cũng như trong quân đội”46.

Cũng khoảng thời gian này, Bác gửi thư cho Trung đội du kích Kim Thành cảm ơn đã tặng cho Bác một chiếc áo mưa chiến lợi phẩm, khích lệ tinh thần lấy vũ khí của giặc để đánh giặc và nhắc nhở "Du kích là như cá, nhân dân là như nước".

Muốn giết địch thắng trận, thì phải có đồng bào giúp mọi mặt. Muốn được đồng bào vui lòng giúp, thì ta phải giúp đỡ đồng bào, kính trọng đồng bào. Đó là con đường thắng lợi”47.

Cũng tháng 3/1948, trong thư gửi tới Hội nghị Quân y, lần đầu tiên Bác nhắc đến thành ngữ mà về sau trở thành quan điểm về phẩm chất của người cán bộ ngành Y: Khi gặp những khó khăn trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân, Bác viết: “Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động, cảm hóa họ. Nguời ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thày thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”48.

Ngày 12/3

“Chính nghĩa bao giờ cũng thắng”.

Ngày 12/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân thành Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam. Mặc dầu cả nước có chiến tranh nhưng Chủ tịch Nước Việt Nam kháng chiến vẫn chuẩn bị cho tương lai khi ra Sắc lệnh số 29 với 10 chương và 187 điều quy định mối quan hệ giữa chủ người Việt hay nước ngoài với công dân Việt Nam làm việc tại các nhà máy, hầm mỏ, thương điếm và cả các nghề tự do.

Ngày 12/3/1951, trên đường từ Trung Quốc trở về nước, qua tỉnh Hồ Bắc của bạn, Bác làm bài thơ chữ Hán “Quá Hồ Bắc”:

“Ngã khứ điền gian đô bạch tuyết,

Ngã lai điền mạch dĩ thanh thanh.

Minh thiên cơ giới thế mộc giới,

Ức triệu nông gia lạc thái bình”49.

Bản dịch của Phan Văn Các:

Đồng ruộng khi đi đầy tuyết trắng,

Nay về lúa mạch đã xanh xanh,

Ngày mai cày máy thay cày gỗ,

Ức triệu nhà nông hưởng thái bình.

Ngày 12/3/1965, tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về âm mưu của Mỹ và đối sách của ta, Bác đã phát biểu nhiều ý kiến quan trọng (được ghi trong biên bản): Mỹ đã nói đến việc mở rộng chiến tranh từ tháng 02/1964 mà chúng ta nghiên cứu còn yếu. Phải có quyết tâm từ Bắc chí Nam, phải coi là trận sống còn (một là chết hai là thắng lợi). Phải tính đến hoàn cảnh thật gay gắt, địch sẽ dùng cả không quân và hải quân nên phải đề phòng sự dao động nghiêng ngả. Phải tăng cường tổ chức và tiềm lực. Phòng không nhân dân phải chú ý giải quyết đời sống của những gia đình khó khăn. “Các cháu bé quý hơn nhà máy”. Cách sống còn hòa bình, phải chuyển miền Bắc sang “nửa chiến tranh”. Về ngoại giao: Cần nghĩ trước việc vận động mở lại Hội nghị Giơnevơ để tranh thủ dư luận đồng thời nên tổ chức tuyên truyền chống chiến tranh ở nhiều nước, tổ chức quốc tế. Trong chiến tranh chống Mỹ, phải vừa kiên quyết vừa khéo léo. Lúc nào Mỹ muốn đi thì tạo điều kiện cho Mỹ rút.

Chỉ một năm sau, Mỹ đã mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, trực tiếp đưa bộ binh vào tác chiến ở miền Nam, ngày 12/3/1966, Bác họp Hội nghị Bộ Chính trị nghe báo cáo tình hình chiến sự, đồng ý kế hoạch tuyển quân và đề nghị không tuyển người đứng tuổi, con em những gia đình đã có nhiều con vào bộ đội, những người có trình độ cao còn cần cho các ngành kinh tế.

Vào tháng 3/1948, trả lời nhà báo nước ngoài, Bác bày tỏ quan điểm về chiến tranh: “Dù phải hy sinh và cực khổ mấy, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng quyết kháng chiến đến cùng để tranh kỳ được thống nhất và độc lập thực sự... Nhân dân Việt Nam đã nếm đủ sỉ nhục và đau khổ. Nhân dân Việt Nam quyết không chịu làm nô lệ lần nữa... Nếu thực dân Pháp vẫn khư khư giữ chặt tham vọng cũ thì chúng sẽ thất bại. Chính nghĩa bao giờ cũng thắng!”50. Có thể thấy, trong cả hai cuộc kháng chiến, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhất quán!

Ngày 13/3

“Việt - Lào hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Ngày 13/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội đồng Chính phủ họp kiểm điểm tình hình thực hiện Hiệp định 6/3, cử người qua Pháp và Trung Hoa để vận động ngoại giao, quyết định phải ra tuyên bố phê phán phía Pháp đã không thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định và phải chịu trách nhiệm nếu tình hình xấu đi.

Ngày 13/3/1951, tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa II, với cương vị Chủ tịch Đảng, Bác đánh giá: Thuận lợi của ta là căn bản, khó khăn của địch cũng là căn bản và phát biểu những ý kiến được đưa vào nghị quyết: Cuộc kháng chiến của ta là một cuộc đấu tranh trường kỳ và gian khổ. Tư tưởng muốn thắng mau, giải quyết mau là không đúng. Phải nắm vững quan điểm kháng chiến trường kỳ và gian khổ, để vượt mọi khó khăn quyết giành thắng lợi cuối cùng.

Ngày 13/3/1960, Bác lên thăm Thái Nguyên, căn cứ địa cách mạng và “thủ đô kháng chiến” năm xưa, gặp gỡ và nói chuyện với nhân dân thị xã, thăm công trường xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy điện Cao Ngạn, một số trường học và Hội nghị Thanh niên xã hội chủ nghĩa toàn Khu tự trị Việt Bắc.

Trong tháng 3/1962, Bác viết thư gửi bạn đọc Tạp chí “La Nouvell Critique” (Tân phê bình) xuất bản ở Pháp nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến ra số đặc biệt về Việt Nam và “Tôi hy vọng rằng, các bạn sẽ tìm thấy ở đây một dấu hiệu thể hiện sự cố gắng của chúng tôi trong cuộc đấu tranh chung lớn lao cho tất cả các dân tộc, cho hữu nghị, tự do, hòa bình, nhân phẩm và sự hợp tác anh em giữa các dân tộc.

Tôi vui sướng nếu như những vấn đề thảo luận này được công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức Pháp là những người mà tôi vẫn gìn giữ những kỷ niệm tốt đẹp nhất trong lòng, nhiệt liệt tán thưởng”52.

Ngày 13/3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn Đoàn đại biểu cao cấp Vương quốc Lào do Vua Xrivang Votthana và Thủ tướng Xuvana Phuma dẫn đầu kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Trong lời tiễn Bác đã đọc bốn câu thơ:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt - Lào, hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”53.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích

44. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 201-202.
45. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 19.
46,47,48. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 398, 400, 395.
49. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 20.
50. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 402, 403.
51 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 21.
52. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 538.
53 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 44.


                Ngày 14/3

“Phải học, học nữa, học mãi” như Lê-nin đã dạy.

Nguyễn Ái Quốc chuyển nơi cư trú từ số 9 ngõ Compoint đến số 3 phố Marches de Patriarches là Trụ sở của Hội Liên hiệp các Thuộc địa và Tòa soạn báo Le Paria (Người Cùng Khổ). Quan sát của mật thám cho biết khi ra đi nhà ái quốc Việt Nam chỉ mang theo tài sản duy nhất là “cái giường xếp”.

Ngày 14/3/1948, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ gửi thư cho một bạn cũ người Italia tham gia Đảng Xã hội Pháp tên là Misen Decchini (Michele Zecchini) đã từng giúp đỡ Bác thời gian mới từ Anh trở lại Pháp hoạt động. Trong thư, Bác viết về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, thể hiện quyết tâm giành độc lập của dân tộc ta và về bệnh phổi cùng những khó khăn khi phải chống chọi với khí hậu ẩm ướt trên rừng núi chiến khu.

Ngày 14/3/1959, Bác thăm Hội nghị cán bộ Công đoàn. Phát biểu trước đội ngũ cán bộ công đoàn, Bác nêu rõ những nhiệm vụ chính trị của Công đoàn nhưng: “Phải chú ý hơn nữa đến đời sống vật chất và văn hóa của công nhân” và kết luận: “Nói tóm lại, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có người xã hội chủ nghĩa. Công nhân phải thành người xã hội chủ nghĩa, cán bộ công đoàn trước hết phải là người xã hội chủ nghĩa. Muốn thành người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước, chống tư tưởng làm thuê làm mướn ngày trước, vì bây giờ mình làm cho giai cấp mình, cho con cháu mình. Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bè, ích kỷ. Phải có lề lối làm việc xã hội chủ nghĩa tức là siêng năng, khẩn trương, khiêm tốn, luôn luôn cố gắng tiến bộ... ”54.

Ngày 14/3/1960, Bác viết bài “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng” đăng trên Báo Nhân Dân phân tích: “Chúng ta là những người lao động làm chủ nước nhà. Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới… Bởi vậy, ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”. “Cho nên, phải “học, học nữa, học mãi” như Lê-nin đã dạy”55.

Ngày 14/3/1962, Báo Nhân Dân đăng bài “Làm thế nào cho lạc thêm vui” dưới bút danh “T.L”, Bác đề cập tới một hiện tượng diễn ra ở quê Bác:

“Dân Nghệ nhà choa,

Mỗi năm ăn quà,

Hết chín nghìn bảy (9.720) tấn gang!”56 để phân tích về chính sách “thắt lưng buộc bụng” để công nghiệp hóa đất nước.

Hiện tượng lãng phí trong việc sản xuất kẹo mỗi năm riêng Nghệ An cũng sử dụng đến 650 tấn lạc, nếu xuất khẩu có thể mua về 9.720 tấn gang. Bài báo nhắc nhở cán bộ phải khéo léo giải thích để “đồng bào ta sẽ vui lòng tiết kiệm lạc và các thứ nông sản khác để bán cho Nhà nước xuất khẩu đổi lấy máy móc và nguyên liệu. Vậy có thơ rằng:

“Làm thế nào cho “lạc” thêm vui?

Đổi lấy máy móc thì bày tôi quyết làm!”57.

Ngày 15/3

“Nên đặt lý trí lên trên tình cảm”.

Ngày 14/3/1924, trả lời phỏng vấn nhà báo Giôvanni Giôcmanettu (báo “L’ Unita” - “Đoàn kết” của Đảng Cộng sản Italia) Nguyễn Ái Quốc tự giới thiệu về mình, tôi là người An Nam, bị Pháp cai trị, học sinh Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Người được phỏng vấn cho biết chính những tờ báo có nội dung chống đối Chính phủ thực dân xuất bản ở Pháp đọc được ở Việt Nam đã khiến tôi nảy ra ý muốn sang xem mẫu quốc ra sao? Và bày tỏ niềm hy vọng vào nước Nga Xô viết: “Nhiều người đã hiểu tình trạng kém cỏi của chúng tôi nhưng chưa có ai, trừ những người làm cách mạng Nga, chỉ cho chúng tôi con đường đi đến giải phóng... Chính Lê-nin, đồng chí Ilớtsơ thân mến của chúng tôi, đã nêu lên những đề án và hướng dẫn chúng tôi đi những bước đầu để làm cho chúng tôi có khả năng cùng tiến bước với giai cấp vô sản thế giới”58.

Cũng trong ngày hôm ấy, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Chủ tịch Quốc tế Cộng sản Dinuviôp (Zinoviev) đề nghị cho được gặp để thảo luận với đồng chí về tình cảnh những thuộc địa của Pháp.

Ngày 14/3/1946, là ngày quân Pháp được phép tiến vào Hà Nội nhưng ở nhiều nơi đã diễn ra các hoạt động quân sự của quân Pháp trái với Hiệp định sơ bộ đã ký kết. Ngày 14/3/1946, với bút danh “Q.T”, Bác viết bài “Phải đình chỉ ngay những cuộc đánh úp tại Nam bộ và Nam Trung bộ” đăng trên Báo Cứu Quốc. Bài báo viết: “Muốn Việt - Pháp đi tới chỗ thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên, người Pháp phải thành thực từ lời nói cho chí hành động, theo đúng bản Hiệp định đã ký”59, kêu gọi quân Pháp ngừng bắn và các chiến sỹ Việt Nam phải sẵn sàng và quyết tâm chiến đấu cho giang sơn Việt Nam.

Cùng ngày, sau khi chủ trì họp Hội đồng Chính phủ, Bác gặp các Ủy viên tuyên truyền các tỉnh Bắc bộ: “Bình tĩnh không phải là nhu nhược, cũng không phải là nhượng bộ, nhưng để tỏ ra rằng dân chúng có kỷ luật, dân chúng cũng như một đội quân, binh sỹ không biết trọng kỷ luật, tất nhiên đội quân không thành; dân chúng không có kỷ luật, việc làm khó thành công. Muốn đi cho đúng với thời cuộc, chúng ta nên đặt lý trí lên trên tình cảm. Và muốn nhận định thời cuộc, chúng ta không thể không đứng ở địa vị khách quan”60.

Ngày 15/3/1952, Bác viết bài “Vì ai nên nỗi này?” đăng trên Báo Cứu Quốc bình luận về tình hình tài chính kiệt quệ của nước Pháp khiến nhiều nội các vừa dựng lên đã đổ và vạch rõ nguyên nhân là do tiêu tốn vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và kết luận: Thế là nhân dân Pháp đóng thuế, thanh niên Pháp hy sinh để cho thực dân Pháp hưởng lợi. Ngày này một năm sau đó, 15/3/1953, Bác Hồ ký sắc lệnh cho ra đời Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, ngày nay trở thành ngày sinh của hai loại hình nghệ thuật này.

Ngày 15/3/1967, Bác viết thư trả lời các cháu học sinh xã Nam Liêm ở quê nhà Nghệ An biểu dương thành tích thi đua học tập tốt, lao động tốt đồng thời hoan nghênh nhà trường chăm lo việc dạy học và phòng không tốt, bảo đảm an toàn cho học sinh và các thầy cô giáo.

Ngày 16/3

“Dân ta yêu tự do, độc lập, trọng hòa bình, tín nghĩa”.

Ngày 16/3/1920, mật thám Pháp ghi nhận được thông tin về việc Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành bản thảo sách mang tên “Những người bị áp bức” (Les Opprimés) đang có ý định gặp hai chính khách cánh tả nổi tiếng là Mácxen Casanh (Marcel Cachin) và Giăng Lunggơ (Jean Longuet) đề nghị viết lời tựa cho sách, cho biết đã dành được 300 quan tiền Pháp để in và sẽ đến vùng Pons làm nghề nhiếp ảnh để kiếm thêm kinh phí tái bản cuốn sách đó.

Ngày 16/3/1923, Báo La Vie Ouvrière (Đời sống công nhân) đăng bài “Những người làm công tổ chức lại, chống bóc lột của chủ tư bản” của Nguyễn Ái Quốc phản ánh bước trưởng thành của phong trào công nhân Trung Quốc và đi đến nhận định: Mặc dầu bọn tư bản nước ngoài và tư bản bản xứ cố hết sức dập tắt hoặc ngăn cản mọi phong trào giải phóng, nhưng những người công nhân Trung Quốc được sự giúp đỡ mạnh mẽ của những người trí thức tận tụy, đã tổ chức lại một cách nhanh chóng và hành động tốt đẹp.

26 năm sau, ngày 16/3/946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi nhân dân thi hành đúng Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp” với lòng mong muốn: “… Quốc dân giữ lòng kiên quyết nhưng bình tĩnh, các báo thì bình luận một cách chính đáng, những lời lẽ nên cân nhắc... Chúng ta phải tỏ cho họ biết rằng dân ta yêu tự do, độc lập, trọng hòa bình, tín nghĩa…”61. Vào thời điểm quân Pháp đang triển khai việc thay thế quân Tưởng, vị Chủ tịch Nước cũng ban hành “Nghiêm lệnh” quy định tuyệt đối cấm chỉ mọi sự khiêu khích đối với quân đội và kiều dân Pháp.

Ngày 16/3/1951, kết thúc Hội nghị Trung ương lần thứ nhất Khóa II, Bác tham gia Bộ Chính trị cùng với các vị Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh và Ủy viên dự khuyết Lê Văn Lương.

Ngày 16/3/1961, khi thăm Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) lá cờ đầu của công nghiệp miền Bắc, nói chuyện với cán bộ, công nhân, Bác phân tích: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội để cho đời sống toàn dân được ấm no, hạnh phúc. Muốn no thì phải sản xuất nhiều gạo. Muốn ấm thì phải sản xuất nhiều vải. Muốn có gạo, có vải thì nông nghiệp không thể để mãi như hiện nay mà phải có máy móc. Máy móc là do các chú làm. Phải có nhiều máy và máy tốt”62.

Ngày 16/3/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Thái tử Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Nôrôđôm Xihanúc chào mừng thắng lợi của Hội nghị Nhân dân Đông Dương vừa kết thúc thắng lợi tại Phnôm Pênh. Thư viết: “Hội nghị Nhân dân Đông Dương được triệu tập theo sáng kiến của Ngài đã thành công tốt đẹp, đánh dấu một bước tiến lớn trong sự nghiệp đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào, chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược”63.

Ngày 16/3/1969, Bác Hồ gửi điện khen ngợi đồng bào và chiến sỹ miền Nam đánh giỏi, thắng to trong dịp Xuân Kỷ Dậu: “Giặc Mỹ đã thua nặng. Nhưng chúng vẫn chưa bỏ dã tâm xâm lược, chưa chịu rút quân ra khỏi nước ta.

Vậy ta phải tiếp tục đánh mạnh, đánh đau, đánh cho đến khi Mỹ, ngụy thất bại hoàn toàn, cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng”64.

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích
54. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 375.
55,56,57. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.10, tr. 103, 525, 526.
58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 481.
59,60. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 204, 205.
61. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 206, 207.
62. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 298.
63. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 412.
64. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 450.

 


Ngày 17/3

“Bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở”.

Ngày 17/3/1928, Tập san “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Thư từ Ấn Độ” của Nguyễn Ái Quốc (bút danh “Wang”) viết về phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Ấn Độ chống chính sách chia rẽ của đế quốc Anh với lời đánh giá: Chưa bao giờ, ngay cả trong thời kỳ mà phong trào bất hợp tác theo chủ trương của Găngđi lên tới tột đỉnh, tinh thần của đất nước lại sôi động đến mức đó.

Ngày 17/3/1945, Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn của Việt Minh họp mặt với Cơ quan Không trợ mặt đất (AGAS) của Mỹ đóng tại Côn Minh (Trung Quốc) để bàn về sự hợp tác chống phát xít Nhật trên chiến trường Đông Dương. Trước đó, cuối năm 1944, Trung úy Uyliam Sao (Shaw) của Mỹ lái máy bay bị Nhật bắn rơi ở nước ta được Hồ Chí Minh đưa sang trao trả cho quân Mỹ ở Trung Quốc. Phía Mỹ đã cử Trung úy S. Phennơ (Ch. Fenn) tiếp xúc với Hồ Chí Minh.

Trong hồi ức của mình, S. Phennơ kể: Tôi hỏi là ông muốn gì ở người Mỹ? Ông nói: Chỉ muốn họ công nhận tổ chức của ông. Tôi đã nghe phong thanh nhân vật này là cộng sản và tôi đã hỏi về điều đó. Ông Hồ nói rằng: Người Pháp gọi tất cả người Việt Nam mong muốn độc lập đều là cộng sản... Cuộc gặp đã dẫn đến thỏa thuận hợp tác cụ thể giữa hai bên trong mục tiêu chống phát xít Nhật ở Đông Dương.

Ngày 17/3/1950, trên đường từ Trung Quốc trở về nước, qua Thiên Giang, Bác Hồ làm bài thơ “Ngọ quá Thiên Giang” (Buổi trưa qua Thiên Giang):

“Đáo Thiên Giang, thuyết Thiên Giang,

Thiên Giang giang ngạn mãn xuân sương.

Thiên lưỡng địch xa thành hắc tận,

Hồng quân trực đáo Trấn Nam Quan”65.

Phan Văn Các dịch:

Đến Thiên Giang kể chuyện Thiên Giang,

Xuân tới bờ sông bát ngát sương.

Xe thù ngàn cỗ thành tro xám,

Hồng quân thẳng đến Trấn Nam Quan.

Ngày 17/3/1952, Bác Hồ có bài nói chuyện tại buổi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm, Bác nhấn mạnh: “Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là một kế hoạch dân chủ, nghĩa là từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên... Muốn thành công cần ba điều kiện: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa và nhân hòa là chính..”66. Bài nói cũng đề cập bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở được... Vậy bất kỳ ngành nào, địa phương nào cũng phải giáo dục cho cán bộ, nhân dân, chiến sỹ ghét nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu.

Tối ngày 17/3/1958, Bác đi thăm các lớp bình dân học vụ ở phố Hàng Quạt và bãi Phúc Tân, Hà Nội, thăm hỏi và động viên những học viên là lớp người lao động nghèo cũng như các giáo viên đều là những người tình nguyện.

Ngày 17/3/1963, đến thăm Nhà ăn tập thể Kim Liên (Hà Nội), trong lời căn dặn cán bộ, nhân viên cửa hàng, Bác nói: Kim Liên nghĩa là “hoa sen vàng”. Đã là hoa sen thì phải thơm, thơm mãi và thơm thật xa. Phải làm sao ngày càng có nhiều lời khen và ít tiếng chê. Phải cố gắng bảo đảm sức khoẻ của công nhân, cán bộ.

Ngày 18/3

"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi của mình”.

Ngày 18/3/1922, báo L’ Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp đăng truyện ngắn có tên là “Rủi Ro - hay Cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An Nam” của Nguyễn Ái Quốc ký duới bút danh “Cu Li Xe”. Câu chuyện kể về thân phận khốn khổ của một người phu kéo xe bản xứ luôn bị những vị khách của mình là những nguời thực dân trong vai một cha đạo hay thủy thủ đối đãi một cách khinh miệt và bất công bằng những hành vi thô bạo như đá đít, quỵt tiền hay dùng vũ khí đe dọa.

Một năm sau, cũng trên tờ báo này, ngày 18/3/1923, đăng bài “Cuộc bạo động ở Đahômây”. Sau khi mô tả những diễn biến của các biến động chính trị tại thành phố Poúctô Nuvu (Porto Nouvo), thủ phủ thuộc địa này của Pháp ở Châu Phi, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng ta phải rút ra những kết luận nghiêm túc từ những sự kiện này, cụ thể là: Trong các thuộc địa, công nhân đã bắt đầu hiểu thế nào là đấu tranh giai cấp. Cần phải làm thế nào để cho công nhân da đen và da vàng cũng hiểu rằng: Kẻ thù duy nhất của họ nằm ngay trong bản thân cái chế độ này, chế độ đang dẫn đến một chế độ nô lệ tinh vi hơn, nặng nề hơn và vô nhân đạo hơn chế độ trước đây. Và chỉ với sự giúp đỡ của những người anh em bị áp bức của mình ở các nước Châu Âu, họ mới sẽ có thể tự giải phóng được mình”67.

Ngày 18/3/1946, đúng vào ngày các đơn vị quân Pháp kéo vào Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Lơcléc (Leclerc), người đứng đầu lực lượng quân sự của Pháp ở Đông Dương để bày tỏ quan điểm: “Tôi hết lòng hy vọng rằng toàn thể nước Pháp mới và nước Việt Nam mới sẽ nêu ra trước hoàn cầu một cái gương sáng: Cái gương hai nước biết cùng nhau giải quyết được hết các vấn đề khó khăn gai góc ngay sau cuộc tổng đảo lộn của hoàn cầu, bằng cách liên hiệp với nhau và hiểu biết lẫn nhau... để mưu hạnh phúc cho cả hai dân tộc và để mưu hòa bình cho thế giới”68.

Ngày 18/3/1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức phát động phong trào “Phụ nữ Ba đảm đang” theo gợi ý của Bác Hồ. Phong trào đã thu hút hàng triệu phụ nữ tham gia với nội dung: Đảm đang sản xuất thay cho nam giới ra tiền tuyến; đảm đang việc nhà cho người thân yên tâm ngoài chiến trường; trực tiếp tham gia chiến đấu trong các lực luợng dân quân, du kích, tự vệ.

Tháng 3/1967, Bác viết hai bức thư gửi tới nhân dân Thụy Điển và Italia là những nơi đang diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Trong bức thư có đoạn: “Chúng tôi ở trên đất nước chúng tôi. Chúng tôi không làm điều gì tổn hại cho nước Mỹ. Đế quốc Mỹ hãy chấm dứt sự xâm luợc của chúng và cuốn gói thì lập tức hòa bình sẽ được lập lại ở Việt Nam... Đế quốc Mỹ dù điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh đến mức nào, chúng tôi cũng quyết tâm đánh bại chúng. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi của mình, vì sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa!...”69.

Ngày 19/3

“Đoàn kết thực sự nghĩa là mục đích phải nhất trí”.

Ngày 19/3/1924, trên Tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đăng bài “Đông Dương và Thái Bình Dương” phân tích mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc lôi cuốn giai cấp vô sản vào những xung đột dưới danh nghĩa lợi ích quốc gia. Vì thế, đây là “vấn đề mà tất cả mọi người vô sản nói chung đều phải quan tâm đến” và đưa ra dự báo: “Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh... Những cuộc chiến tranh khác sẽ nổ ra vì vấn đề Thái Bình Dương, nếu giai cấp vô sản không cảnh giác”70.

Ngày 19/3/1950, trên đường từ Trung Quốc trở về Việt Bắc, Bác Hồ làm bài thơ chữ Hán “Cận Long Châu” (Đến gần Long Châu):

          Viễn cách Long Châu tam thập lý

          Dĩ văn pháo hưởng dữ cơ thanh

          Việt Nam dân chúng chân anh dũng

          Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành.

          Bản dịch của Phan Văn Các:

          Còn cách Long Châu ba chục dặm

          Nghe tàu bay rú, pháo gầm rung

          Nhân dân nước Việt anh hùng thật

          Diệt thù dựng nước ắt thành công.

Ngày 19/3/1951, trong thư khen ngợi quân dân Bình - Trị Thiên chống càn thắng lợi, Bác căn dặn: “Chúng ta phải cố gắng hơn nữa và phải nhớ rằng, ở Liên khu IV du kích là chính, vận động là phụ. Kháng chiến là trường kỳ gian khổ, rồi mới đến thắng lợi hoàn toàn”71.

 Ngày 19/3/1955, nhân ngày khai giảng, Bác Hồ viết thư gửi Trường Sư phạm Miền núi Trung ương: “Các cháu thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều địa phương. Nhưng các cháu đều là con em của đại gia đình chung: Là gia đình Việt Nam; đều có một Tổ quốc chung: Là Tổ quốc Việt Nam".

 Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”72.

Ngày 19/3/1958, nói chuyện với Hội nghị mở rộng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác nêu ra: “… Đoàn kết thật sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”73.

 Ngày 19/3/1967, Bác cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Binh chủng Đặc công và huấn thị với những chiến sỹ đặc biệt tinh nhuệ: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt.

Các chiến sỹ đặc công được tin tưởng đặc biệt...

Cái gì cũng đặc biệt đối với đặc công. Chữ đặc biệt quán xuyến tất cả...

Mưu trí phải đặc biệt linh hoạt.

Kỹ thuật phải đặc biệt huấn luyện thuần thục.

Lập trường chính trị phải đặc biệt vững chắc.

Ở đây Bác thấy một loạt chữ đặc biệt, đặc biệt tất cả.

Kỷ luật phải đặc biệt nghiêm minh.

Quyết tâm thắng địch, quyết tâm tiêu diệt địch cũng phải đặc biệt cao.

Đối với Đảng phải đặc biệt trung thành.

Đối với dân phải đặc biệt thân ái...”74.

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

          Chú thích

      65, 66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 22, 434.

  1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 170-171.
  2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 208, 209.
  3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 251.
  4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 243-244, 247.
  5. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 30-31.
  6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 496.
  7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 137.
  8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 243, 244.

Ngày 20/3

“Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên”.

Ngày 20/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội đồng Chính phủ để theo dõi chặt chẽ việc quân đội Pháp thay quân Tưởng. Về việc xảy ra đụng độ vũ trang giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc dân Đảng, Bác chỉ đạo: Quân ủy và Bộ Quốc phòng phải lo giải quyết, miễn là dàn xếp sao cho đại sự thì thành tiểu sự, tiểu sự thì thành vụ sự. Vị Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng chấp thuận đề nghị của Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu) về thể thức một cuộc gặp gỡ chính thức.

Cùng ngày, trong thư cảm ơn trả lời chung các bức thư của đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Đông, Bác viết: “… Tuy hiện nay tôi ở Hà Nội, xa cách với đồng bào nhưng không bao giờ tôi quên các đồng bào...

Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy có xa cách nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn gần gũi anh em. Tôi chắc rằng cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt”75.

Ngày 20/3/1947, dưới bút danh Tân Sinh, Bác hoàn thành viết cuốn sách “Đời sống mới” và giao cho Ủy ban Trung ương Vận động đời sống mới xuất bản rộng rãi. Trong lời tựa, Bác viết: “Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc... Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm... Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới”76.

Ngày 20/3/1961, Bác trở lại thăm Tuyên Quang, căn cứ kháng chiến xưa. Trở lại mái đình Tân Trào, nói chuyện với đồng bào, Bác chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng”77.

Chiều ngày 20/3/1967, trước phút nổ súng vào căn cứ Dốc Miếu (Gio Linh, Quảng Trị), các chiến sỹ pháo binh nhận được điện của Bác Hồ khích lệ: Các chú đại diện cho lực lượng pháo binh miền Bắc xã hội chủ nghĩa đánh trả hành động leo thang phá hoại của pháo binh địch ở bờ Nam. Vì vậy, trận đầu các chú phải đánh thắng. Trả lời thư của Ủy ban Mêhicô đoàn kết với Việt Nam, Bác viết: “Vì độc lập của Tổ quốc chúng tôi, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh chống đế quốc Mỹ, chúng tôi không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng”78.

Ngày 21/3

“Quyết không phụ lòng trông cậy của quốc dân”.

Ngày 21/3/1925, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Nông dân Trung Quốc”. Đây là một chủ đề được nhà cách mạng Việt Nam rất quan tâm vì nó liên quan đến một lực lượng khổng lồ của nước Trung Hoa rộng lớn, nhưng đó cũng là một vấn đề rất sát với mục tiêu vận động cách mạng ở Việt Nam.

Ngày 21/3/1947, trong “Lời cảm ơn đồng bào”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Khắp mọi nơi, các đoàn thể, các bộ đội, các hội tôn giáo, các cháu thiếu nhi, đều có gửi thư hứa với tôi:

- Kiên quyết ủng hộ trường kỳ kháng chiến,

- Ra sức thực hành tăng gia sản xuất,

- Hết lòng giúp đỡ đồng bào tản cư,

- Cố gắng phát triển bình dân học vụ.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào và trịnh trọng hứa với đồng bào rằng Chính phủ quyết làm trọn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc, quyết không phụ lòng trông cậy của quốc dân, và quyết tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”79.

Nhằm tăng cường cho Mặt trận Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các sắc lệnh bổ nhiệm Trung tướng Nguyễn Bình giữ chức Tổng Tư lệnh, ông Trần Văn Trà giữ chức Phó Tư lệnh và ông Phạm Ngọc Thuần làm Chính trị ủy viên Bộ Tư lệnh Nam bộ.

Tháng 3/1953, tại Việt Bắc, trong Hội nghị cán bộ phụ nữ về vấn đề phát động quần chúng nông dân, trong nhiều vấn đề được trình bày, Bác nêu rõ thái độ đối với giai cấp địa chủ: “Phải hiểu rằng phong kiến cũng là một bước tiến tất nhiên của xã hội. Xã hội từ chỗ ăn lông ở lỗ, tiến đến xã hội nô lệ, tiến đến chế độ phong kiến, tiến đến xã hội tư bản, rồi tiến đến xã hội chủ nghĩa. Nếu gia đình là địa chủ cũng không có gì đáng xấu hổ. Đáng xấu hổ là khi nhân dân đã tiến bộ, xã hội đã tiến bộ, mà mình cứ khư khư giữ lấy tư tưởng địa chủ, chỉ biết lợi ích riêng của mình, không biết đến quyền lợi dân tộc, quyền lợi xã hội.

Ăngghen dù là con nhà tư bản ông đã trở nên một người thầy dạy chủ nghĩa cộng sản cho chúng ta. Ở nước ta có vài đồng chí xuất thân là địa chủ nhưng họ tự nguyện hiến hết ruộng đất để chia cho nông dân; như thế thì không có gì đáng xấu hổ. Dù mọc ở bùn thối lên nhưng hoa sen vẫn thơm đẹp. Địa chủ mà thật thà tiến bộ thì cũng như hoa sen vậy”80.

Ngày 21/3/1962, cũng trong một phiên họp Bộ Chính trị bàn về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương về công nghiệp, Bác phát biểu: “Phần nói nông nghiệp còn nhẹ quá. Công nghiệp nặng phải có, nhưng 8 năm thiếu gang thép ta vẫn xoay xở được, còn mất mùa một năm thì chúng ta méo mặt, mất mùa thì gang thép cũng không làm được”. Bác cũng phê bình: “Ta có họp, có nghị, có quyết rồi giao cho ai phải giao trách nhiệm cho rõ ràng, ai làm được thì khen nhưng thấy ai làm sai thì lại không có thái độ rõ ràng. Làm không được thì cách chức ngay (tỉnh Thái Bình được thưởng hơn 700 Huân chương, Huy chương mà không thấy phạt một ai), ý tôi là ta còn nhu nhược đối với vấn đề này”81.

Ngày 22/3

Điện Biên Phủ - “Stalingrad ở Đông Dương”.

Ngày 22/3/1946, Hội đồng Chính phủ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về việc xác lập mối liên hệ giữa Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội, chuẩn bị kỷ niệm ngày mất của nhà yêu nước Phan Chu Trinh (24/3) và nghe báo cáo về cuộc duyệt binh chung Việt - Pháp, những địa điểm Pháp sẽ đóng quân và tình hình tài chính.

Buổi tối cùng ngày, Bác cùng với tướng Lơcléc (Leclerc), người đứng đầu các lực lượng vũ trang Pháp ở Đông Dương và đại diện các nước Mỹ, Anh tham dự bữa tiệc chia tay của Lư Hán trước khi rút về nước. Như thế cũng có nghĩa là cáo chung âm mưu “Hoa quân nhập Việt”. Về việc này, nhà nghiên cứu Đài Loan là King Chen đánh giá: Trong thời kỳ khó khăn nhất này của cách mạng Việt Nam, Cụ Hồ Chí Minh đã xử sự linh hoạt, khéo léo, biết vận dụng những mâu thuẫn của kẻ thù. Cuối cùng, quân đội của Quốc dân Đảng Trung Hoa đã phải rút khỏi Việt Nam. Các lực lượng Việt Quốc và Việt Nam Đồng minh hội cũng đã bị thanh toán. Vấn đề duy nhất còn lại chỉ là tập trung vào việc chống Pháp mà thôi.

Ngày 22/3/1950, từ chiến khu, Bác viết bài “Nước Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập của mình” (bằng tiếng Pháp), ký bút danh là DIN - Thư ký Mặt trận Liên - Việt gửi cho Bộ Biên tập tuần báo “Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân” là cơ quan ngôn luận của Cục Thông tin Quốc tế Cộng sản. Bài viết giới thiệu tổng quát lịch sử cách mạng Việt Nam để khẳng định “Việt Nam sẽ thắng lợi..: Để giành lại nền độc lập dân tộc và sự thống nhất đất nước của mình, nhân dân Việt Nam sẵn sàng đấu tranh 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc hơn nữa, nếu cần thiết!”82.

Giữa tháng 3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mở màn, nhà báo Ôxtrâylia Uynphơrét Bơcxet (Wilfrred Burchett) đã đến chiến khu Việt Bắc và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hồi ức của mình, nhà báo Ôxtrâylia đã thuật lại câu chuyện Bác Hồ đặt ngửa chiếc mũ trên bàn, đưa những ngón tay gầy guộc theo vành chiếc mũ và nói: Tình hình thế này, đây là những ngọn núi mà lực lượng chúng tôi đang chiếm giữ. Dưới kia là thung lũng Điện Biên Phủ. Đó là nơi đóng quân của người Pháp với những đội quân thiện nghệ nhất mà họ có tại Đông Dương. Và họ sẽ không bao giờ rút ra được. Vậy đây chính là “Stalingrad ở Đông Dương?” (Bơcxét hỏi). Bác trả lời: Căn cứ vào điều kiện ở đây thì đúng như vậy. Nói khiêm tốn thì đó là một điều gì đó giống như thế.

U.Bơcxet sau này nhiều lần đến Việt Nam đưa tin về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nhưng vẫn giữ nguyên ấn tượng ban đầu: Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo với nhân cách vĩ đại này, sự ấm áp, giản dị, cách thể hiện rõ ràng xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp và sự thấu hiểu trọn vẹn chủ đề khiến ta có ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Ngày 23/3

“Tôi luôn là người yêu nước”.

Tháng 3/1942, Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Tỉnh ủy Cao Bằng phải mở rộng căn cứ nối liền Cao Bằng với căn cứ địa Võ Nhai và Bắc Sơn, xây dựng một hành lang chính trị vững chắc từ chiến khu về miền xuôi. Bác chỉ thị: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”83. Đó chính là tư tưởng khởi động cho phong trào “Nam tiến” ra đời và phát triển mạnh mẽ.

Ngày 23/3/1945, tại Côn Minh, Trung Quốc, Hồ Chí Minh lại tiếp xúc với S.Phennơ (Ch.Fenn), sĩ quan tình báo trong đơn vị AGAS (Cơ quan hỗ trợ mặt đất) của không quân Mỹ. Cùng đi còn có Frank Tan, một sĩ quan tình báo gốc Hoa từng hoạt động ở Việt Nam, người được phân công sẽ giữ vai trò liên lạc bằng vô tuyến điện để giữ liên hệ với đại bản doanh cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ đặt tại Côn Minh (Trung Quốc).

Ngày 23/3/1949, Báo Cứu Quốc đăng nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Oantơ Braigơ (Walter Briggs). Trả lời câu hỏi điều kiện nào thì Việt Nam chấp nhận sự can thiệp của Liên hợp quốc, Bác trả lời: “Độc lập và thống nhất thật sự của Việt Nam”; hỏi “Cụ có phải là một người cộng sản nữa không?”, trả lời: “Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi”; hỏi: “Việt Nam công khai tuyên bố rằng trong 24 vị trong Chính phủ, 4 vị là cộng sản. Thế thì 4 vị ấy có ảnh hưởng đặc biệt, hay là cũng như các vị khác”, trả lời: “Tất cả các Bộ trưởng Chính phủ Việt Nam đều cộng đồng phụ trách và ảnh hưởng quân bình”; hỏi: “Một khi độc lập đã thành công, về mặt quốc tế, Cụ sẽ đưa Việt Nam đứng với Nga và các nước đồng minh của Nga hay là với dân chủ phương Tây…?”, trả lời: “Một khi đã độc lập, Việt Nam sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn”84.

Tháng 3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hội nghị Nông dân cứu quốc toàn quốc lần thứ hai nêu rõ nhiệm vụ chính của nông dân trong lúc này là “thi đua tăng gia sản xuất nhiều lương thực để quân và dân no ấm đánh giặc”85; muốn vậy thì “Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng”86.

Ngày 23/3/1963, Bác họp Bộ Chính trị bàn về việc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và phát biểu nhiều ý kiến (được ghi trong biên bản): “Làm kế hoạch phải can đảm nhưng phải cẩn thận, chỉ đạo phải tập trung vào trọng điểm. Cần nói rõ thắng lợi và cả khó khăn để quyết tâm tự lực cánh sinh; dĩ nhiên không quên sự giúp đỡ của bạn. Cần phải chú ý hơn công tác giáo dục tư tưởng... Nông nghiệp ta còn nhiều khó khăn... Ta có người, có đất thì có của... Dân ta rất tốt... Phải có chính sách hợp tình hợp lý để người già sẵn sàng nhường chỗ cho người trẻ tiến lên...”87.

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích
75. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 210.
76. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 93, 94, 95.
77. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 317.
78. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 245.
79 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 111.
80 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 54.
81 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 211.
82. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 32-33.
83. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 2, tr. 164.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 575-576.
85,86. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 191.
87. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 366-367.


Ngày 24/3

“Giao thông vận tải là một mặt trận”.

Ngày 24/3/1946, đã diễn ra cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) trên tuần dương hạm “Emile Bertin” đậu trên Vịnh Hạ Long. Cuộc thảo luận xoay quanh việc thúc đẩy những cuộc tiếp xúc cao cấp giữa hai bên trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh mà vị Chủ tịch Nước Việt Nam yêu cầu sẽ phải được diễn ra tại nước Pháp nhằm ngăn chặn những mưu đồ của các phần tử thực dân muốn phá hoại những nỗ lực hòa bình. Tháp tùng Bác còn có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam và Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám.

Sau khi chứng kiến cuộc diễu binh thị uy lực lượng quân sự trên biển của Pháp, Bác nói với Tướng Raun Xalăng (Raoul Salan): “Nếu đô đốc (D’Argenlieu) muốn đem tàu bè ra lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi!”88.

Nhận xét sau cuộc hội kiến này, chính Đô đốc Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) cũng thừa nhận: Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bản lĩnh vững vàng. Ông biết mình muốn điều gì và chỉ đạo hoạt động của mình một cách kiên nhẫn... Chủ tịch có được cái kỹ thuật của một lãnh tụ cách mạng, cũng là cái kỹ thuật của Đảng đã đào tạo nên ông.

Ngày 24/3/1958, nhân dịp Phó Thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Tây Bắc, Bác Hồ viết thư thăm hỏi và động viên đồng bào các dân tộc bước vào kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế và văn hóa để Khu Tự trị Tây Bắc nhất định sẽ ngày càng giàu có, đời sống nhân dân sẽ ngày càng đầy đủ.

Ngày 24/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn Tổng thống Ấn Độ Praxát (Prassad) thăm một số địa điểm tại Hà Nội trong đó có chùa Quán Sứ và chùa Một Cột, nơi trồng cây Bồ Đề mà Bác mang từ Ấn Độ về trong chuyến đi thăm nước bạn. Buổi tối, trong buổi đáp từ tại bữa tiệc do Tổng thống Ấn Độ chiêu đãi, Bác đánh giá: “Tổng thống là người đã suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Ấn Độ. Ngài lại là một vị chiến sỹ lão thành luôn luôn đấu tranh cho hòa bình thế giới và hữu nghị giữa các dân tộc. Ngài là một người đạo cao đức trọng, nêu gương sáng cho mọi người chúng ta noi theo...”89.

Ngày 24/3/1961, đến với Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác Hồ tâm sự: “Từ chỗ chỉ có một Lý Tự Trọng đến ngày nay chúng ta có 78 vạn đoàn viên... Tiến bộ đó làm cho Bác rất vui sướng và trẻ lại. Nó làm cho lòng Bác phơi phới như hoa nở trong mùa Xuân...”90.

Ngày 24/3/1966, đến thăm và nói chuyện với Đại hội thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác nói: “Bây giờ, chiến tranh của ta là chiến tranh gì? Đó là chiến tranh nhân dân. Vì vậy, giao thông vận tải cũng là giao thông vận tải nhân dân"91. Người căn dặn: "Giao thông vận tải là một mặt trận. Vì vậy, mỗi công nhân, thanh niên trong ngành Giao thông vận tải phải là một chiến sỹ. Phải quyết tâm làm cho giao thông vận tải thắng lợi. Giao thông vận tải thắng lợi tức là chiến tranh đã thắng lợi phần lớn rồi”92.

Ngày 25/3

“Vì vận mệnh muôn đời của con cháu nên phải quyết chiến đấu đến cùng".

Ngày 25/3/1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã nhận được phác thảo về cuốn “Những người bị áp bức” (Les Opprimés) do một họa sỹ trẻ là đảng viên Đảng Xã hội vẽ giúp.

Ngày 25/3/1933, thực dân Pháp phát lệnh truy nã Nguyễn Ái Quốc sau khi phát hiện đối thủ nguy hiểm này đã bí mật thoát khỏi Hồng Kông nhờ sự giúp đỡ của vị luật sư người Anh Lôdơbi sau khi ông đã tung tin nhà cách mạng Việt Nam đã chết vì lao.

Ngày 25/3/1944, tham dự Đại hội đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài họp tại Bộ Tư lệnh Chiến khu IV ở Liễu Châu (Trung Quốc), là người tham gia triệu tập, Hồ Chí Minh đọc báo cáo của Phân hội Việt Nam thuộc Hội Quốc tế chống xâm lược trong đó nêu rõ: “Trong lịch sử 80 năm mất nước đau khổ và đen tối, chúng ta đã không ngừng làm rạng rỡ ngọn cờ nghĩa cứu nước vẻ vang”93 và quả quyết: “Sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ sớm thành công”94.

Cũng tại Đại hội, Bác trình bày “Báo cáo về tình hình các đảng phái trong nước” trong đó khẳng định rằng, trong nhiều đảng phái “nổi bật nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam” với nhiệm vụ “mở rộng khối đoàn kết đến toàn dân để đạt tới mục đích: Bên trong có lực lượng của mình, bên ngoài tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước Đồng minh, trước hết là của Trung Quốc, đặng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”95.

Báo cáo viên đặt câu hỏi: “Người Việt Nam có sợ cộng sản không?” và tự trả lời: “Không. Cả nước Việt Nam chúng ta, không có một nhà băng nào là của người Việt Nam, không có một người Việt Nam nào là nhà tư bản lớn… Người có học thức lại càng không sợ... Đó là trào lưu tư tưởng của thời đại, sợ nó thì thật không đúng... Hiện nay ở trong nước không cần nêu khẩu hiệu “Đoàn kết các đảng phái”, vì điều này đã trở thành hiện thực, mà cần phải mở rộng khối đoàn kết đến toàn dân để đạt tới mục đích… hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”96.

Ngày 25/3/1947, Bác tiếp các nhà báo và trả lời phỏng vấn về cuộc tranh luận về vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Pháp: Các ông nghị và Chính phủ Pháp chỉ bàn đến nửa vấn đề thôi, còn nửa vấn đề phải do dân ta quyết định... Nếu nước Pháp không ưng thuận (để nước ta độc lập và thống nhất) và cứ mong đặt lại chế độ thuộc địa thì dân ta cương quyết trường kỳ kháng chiến cho đến ngày hoàn toàn thống nhất và độc lập. Dân ta rất muốn hòa bình, nhưng vì vận mệnh của con cháu muôn đời nên phải quyết kháng chiến đến cùng.

Ngày 25/3/1951, sau khi Đảng ra hoạt động công khai, Bác Hồ viết bài “Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải thế nào?” đăng trên Báo Nhân Dân, trong đó xác định đã là những người công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mệnh nhất, những người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động, những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Ngày 26/3

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi những người có quan hệ trong Bộ Tư lệnh Quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng trước khi hoàn tất việc rút quân ra khỏi Việt Nam.

Ngày 26/3/1953, Báo Nhân Dân đăng một bài báo nhỏ của Bác (ký tên C.B) có tên là “Cột dây thép” phản ảnh sự việc có một cột dây thép bị mối ăn, ngả xuống cạnh một làng. Thanh niên, phụ lão làng ấy xung phong ra trồng lại. Qua bài báo, tác giả biểu dương và nhắc nhở ý thức bảo vệ của công là bổn phận của mọi công dân.

Ngày 26/3/1964, Báo Nhân Dân đăng bài báo về “Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng”. Tác giả ký tên là “Chiến Sĩ” nhưng đó chỉ là bút danh của Bác Hồ. Viết bài báo vào dịp kỷ niệm thành lập Đoàn, Bác vừa nêu một tấm gương sáng của thanh niên trong cuộc đấu tranh chống thực dân giành độc lập nhưng cũng để kể lại những chi tiết như một nhân chứng lịch sử nhằm đính chính một số điều mà sách báo viết không chính xác về nhân vật lịch sử này.

Bài báo cho biết, chính Nguyễn Ái Quốc (khi đó mang bí danh Lý Thụy) là người đã tham gia đào tạo Lý Tự Trọng và một thế hệ những chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi mà kiên cường này: “Năm 1925, “Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” thành lập ở Quảng Châu. Mục đích của Hội là chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản.

Hội đã quyết định bồi dưỡng một nhóm trẻ em làm hạt nhân cho phong trào nhi đồng cách mạng sau này. Lúc đó không thể đưa trẻ em trong nước ra. Hội bèn chọn lấy 10 em gái và trai, con Việt kiều ở Xiêm đưa đến Quảng Châu, trong đó có em Trọng 11 tuổi.

Em tên thật là Lê Văn Trọng. Để giới thiệu các em vào trường tiểu học (thuộc Trường Đại học Tôn Trung Sơn), đồng chí Lý Thụy nhận các em là họ hàng thân thích. Vì vậy em Trọng cũng như các em khác đều đổi thành họ Lý.

Để nuôi các em ăn học, một phần do đồng chí Lý Thụy phụ trách, một phần do các đồng chí Trung Quốc giúp đỡ. Các em không phải đi bán báo để lấy tiền nuôi mình, như có người đã nói sai.

Em Trọng thông minh, vui tính, siêng học, siêng làm; vóc người thấp nhỏ nhưng cứng cáp nên anh em quen gọi là “Trọng Con”97.

Sau khi thuật lại việc Lý Tự Trọng đã bị thực dân bắt và kiên cường trước mọi ngón đòn tra tấn của kẻ thù, bài báo nhắc lại câu chuyện nhà báo Ăngđrô Viônlít (Andro Viollis) thuật lại: “Khi dẫn bà đến thăm đồng chí Trọng ở xà lim những người bị án tử hình, người Pháp gác ngục ngậm ngùi nói với bà rằng: Y không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Trọng... Sau gần 10 tháng vô cùng đau khổ, ngày 21 tháng 11 năm 1931, Lý Tự Trọng, người thanh niên anh hùng 17 tuổi, bị lũ thực dân Pháp đưa lên máy chém!... Đồng chí Lý Tự Trọng đã nêu gương chân chính cách mạng cho chúng ta noi theo. Ngày nay, được Đảng giáo dục, có Đoàn dìu dắt, thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động; phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”98...

Ngày 27/3

“Dân cường thì quốc thịnh”.

Ngày 27/3/1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã thuyết trình về chủ nghĩa xã hội với một số thanh niên tại Quận 13 ở Pari.

 Ngày 27/3/1935, Đại hội lần thứ Nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập tại Ma Cao (Trung Quốc) cử Nguyễn Ái Quốc làm Đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.

Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ bàn về nhiều nội dung quan trọng: Tổ chức các bộ như Bộ Xã hội, Bộ Ngoại giao; Sắc lệnh tự do cá nhân, Sắc lệnh tạm thời về tự do báo chí, tình hình tài chính, việc Trung Hoa muốn mua và mượn đường sắt của Việt Nam. Cùng ngày, Báo Cứu Quốc đăng bài “Sức khỏe và Thể dục” trong đó, Bác Hồ kêu gọi đồng bào cả nước tập thể dục.

Bài báo viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe.

Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước... Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”99. Cũng trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập trong Bộ quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục, đến nay, ngày 27/3 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Thể dục, Thể thao nước ta.

Ngày 27/3/1947, Bác Hồ gửi thư tới Báo Vệ Quốc quân nêu rõ: “Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc. Báo Vệ Quốc quân là cốt để nâng cao tinh thần và kỷ luật của bộ đội”100. Bài báo nêu 12 điều kỷ luật: “1. Mỗi việc đều phải theo mệnh lệnh cấp trên; 2. Tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư; 3. Không động đến một cái kim, một sợi chỉ của dân; 4. Khi đến đóng, lúc kéo đi, phải giữ gìn nhà, vườn của dân cho sạch sẽ; 5. Nói năng cử động phải giữ lễ phép, phải kính người già, yêu trẻ con; 6. Mua bán phải công bình; 7. Mượn cái gì phải trả tử tế; 8. Hỏng cái gì phải bồi thường; 9. Phải giúp đỡ dân bất kỳ việc to, việc nhỏ; 10. Trong bộ đội từ trên đến dưới phải đồng cam cộng khổ; 11. Chớ ve gái, say sưa, cờ bạc, hút xách; 12. Phải giúp đỡ gia đình chiến sỹ tại nơi mình đóng, phải giúp đỡ việc tăng gia sản xuất”101.

Ngày 27/3/1964, Bác Hồ chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt được triệu tập tại Hà Nội theo quy định của Hiến pháp. Trong lời khai mạc, Bác điểm lại những thay đổi to lớn của đất nước và thế giới sau 10 năm kể từ khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhưng cũng đặt dân tộc ta trước những thử thách to. Và cũng tại sự kiện này, Bác đó kêu gọi “Toàn Đảng, toàn dân ta hãy phấn khởi tiến lên”102.

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích
88. Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 206.
89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 383.
90. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 304, 305.
91, 92 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 451, 461.
93, 94. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 59, 61-62.
95. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3. tr. 465.
96. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 464, 465.
97, 98. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 217, 219.
99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 212.
100,101. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 115.
102. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 235.


 Ngày 28/3

“Chi bộ tốt thì mọi công việc đều tốt”.

Ngày 28/3/1947, nhân tròn một trăm ngày kể từ khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bác Hồ gửi điện đến đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ biểu dương: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”103.

Ngày 28/3/1958, Bác gửi thư tới Sư đoàn 335 đang tham gia xây dựng kinh tế và quốc phòng trên Khu Tự trị Tây Bắc, khen ngợi cán bộ và chiến sỹ “đã quyết tâm triệt để chấp hành nhiệm vụ mới, yên tâm và phấn khởi tham gia công cuộc củng cố và xây dựng khu Tây Bắc thành một hậu phương vững chắc của miền Bắc chúng ta... Tinh thần dũng cảm của các chú thật xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quân đội ta, xứng đáng với sự giáo dục và sự tin cậy của Đảng và Chính phủ”104.

Ngày 28/3/1961, Báo Nhân Dân đăng bài Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo “Tin nhanh hàng ngày” của Luân Đôn (Thủ đô nước Anh), vạch trần những luận điệu của Mỹ và chính quyền miền Nam yêu cầu “Việt cộng” rút quân khỏi miền Nam Việt Nam: “Việt Cộng” là một cái tên do Mỹ - Diệm đặt ra và gán cho mọi người yêu nước ở miền Nam Việt Nam để ra tay khủng bố, đàn áp”105... Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9-1955) đã khẳng định: “Về mọi mặt lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và dân tộc, Việt Nam ta là một nước thống nhất, quyết không một lực lượng nào có thể chia cắt được… Việc miền Nam theo một chế độ trung lập hay là một chế độ nào khác là do nhân dân miền Nam quyết định, không ai có thể làm trái nguyện vọng của nhân dân... Trong khi chờ đợi nước nhà thống nhất, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng đề nghị (Công hàm ngày 22-12-1958) với chính quyền miền Nam bình thường hóa quan hệ giữa hai miền về mặt kinh tế và văn hoá, về việc đi lại và thư tín giữa hai miền,... Đó là nguyện vọng thiết tha của toàn dân Việt Nam trong khi chờ đợi Tổ quốc thống nhất bằng phương pháp hòa bình”106.

Ngày 28/3/1962, Báo Nhân Dân đăng bài “Chi bộ tốt, thì mọi việc đều tốt” của Bác (với bút danh T.L) đề cập những chuyện thường ngày như động viên dân đóng góp nghĩa vụ tại một hợp tác xã ở Kiến An và vận động làm nhà trẻ tại một hợp tác xã ở Hà Nam mà ở đó sự gương mẫu của đảng viên và vai trò năng động của chi bộ đóng vai trò quyết định. Bài báo kết luận: “Nội dung hai việc trên đây rất bình thường, nhưng nó chứng tỏ một ý nghĩa rất to lớn: Chi bộ tốt thì mọi công việc đều tốt”108.

Ngày 28/3/1964, Bác Hồ dự bế mạc Hội nghị Chính trị đặc biệt với lời kêu gọi: “Các cụ và các đồng chí sẽ đem tinh thần nhất trí, ý chí cách mạng và lòng tin tưởng quyết tâm của tất cả chúng ta ở Hội nghị này đến nhân dân cả nước ta, biến thành một sức mạnh vĩ đại, một sức phấn khởi mới, hăng hái tiến lên!”108.

Ngày 29/3

"Chính quyền nhân dân phải trong sạch”.

Ngày 29/3/1945, Hồ Chí Minh gặp Tướng Mỹ Sơnnun (Chennault), Tư lệnh Không đoàn số 14 của Mỹ, cũng là người đại diện cao nhất của Đồng minh ở vùng Hoa Nam Trung Quốc để thỏa thuận sự hợp tác chống phát xít Nhật ở Đông Dương. Sơnnun (Chennault) đã cảm ơn việc cứu phi công Mỹ và hỏi Việt Minh có sẵn sàng giúp cứu phi công Đồng Minh bị rơi ở Đông Dương không? Hồ Chí Minh trả lời rằng bổn phận của những người chống phát xít là làm tất cả những việc có thể làm được để giúp đỡ Đồng Minh.

Trước khi chia tay, viên tướng Mỹ đã tặng Hồ Chí Minh một tấm chân dung của mình kèm theo lời đề tặng: Bạn chân thành của ông. Sau cuộc gặp này, nhiều hoạt động chuẩn bị được tiến hành và tháng 5-1945, Hồ Chí Minh về nước đưa theo hai báo vụ viên và một số thiết bị liên lạc về chiến khu Việt Bắc.

Ngày 29/3/1948, qua Báo Cứu Quốc, Bác Hồ gửi thư khen các vị thân hào, thân sĩ và đồng bào thôn Hải Lạng có thành tích tiêu thổ kháng chiến, tổ chức tản cư cho dân. Bức thư viết: “Có nước thì sẽ có nhà, chúng ta kiên quyết phá hoại để đánh giặc. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công, chúng ta sẽ cùng nhau xây đắp nhà cửa, những phố làng đường hoàng và đẹp đẽ hơn, xứng đáng với đời sống mới của nhân dân Việt Nam mới... Chúng ta phá hoại được, chúng ta nhất định kiến thiết được”109.

Ngày 29/3/1952, Báo Cứu Quốc đăng bài của Bác ký bút danh “Đ.X” có nhan đề “Nạn tham ô ở Mỹ” với lời kết: “Khác với chế độ tư bản, chính quyền nhân dân phải tẩy trừ triệt để nạn tham ô, chính quyền nhân dân phải trong sạch”111.

Cũng vào thời điểm phát động cuộc thi đua này, Bác viết một bài dài với nhan đề “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”. Sau khi phân tích bản chất và những biểu hiện của tệ nạn này, tác giả trích dẫn nhiều ý kiến của Lê-nin về chủ đề này: Ngày 02/5/1918, khi thấy Tòa án Mátxcơva xử nhẹ một vụ án hối lộ, Lê-nin viết: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy - đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi đảng”... “Nước nhà mà chúng ta ra sức xây dựng là phải làm sao cho công nhân có thể lãnh đạo nông dân và giữ gìn lòng tin cậy của nông dân. Phải cực kỳ tiết kiệm để tẩy sạch những vết tích lãng phí”... “Cần phải dùng nhiều hình thức và phương pháp kiểm tra từ dưới lên trên... để nhổ đi nhổ lại cho sạch hết những cỏ rác bệnh quan liêu”112.

Ngày 30/3

“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Ngày 30/3/1923, theo báo cáo của mật thám Pháp, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Ban Nghiên cứu thuộc địa để bàn về việc tuyên truyền chủ nghĩa xã hội tại các thuộc địa và vấn đề in tài liệu cho nhóm cách mạng ở Đahumây, một thuộc địa của Pháp ở Châu Phi.

Cùng ngày hôm đó, trên tờ La Vie Ouvrière (Đời sống Công nhân) đăng bài “Khởi nghĩa Đahumây” của Nguyễn Ái Quốc phân tích sự kiện nhân dân xứ sở thuộc địa này “phải chịu cái kiếp lầm than của người dân bản xứ, cái chế độ đó hạ con người xuống hàng con vật và làm điếm nhục cho cái gọi là thế giới văn minh. Dân bản xứ, không nhịn nhục được nữa, vùng lên. Thế là cuộc đàn áp đẫm máu được tiến hành”114. Và tác giả kết luận: “Đấy, đức nhân từ của công cuộc khai hóa như thế đấy!”115.

Ngày 30/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thả 200 tù binh Bắc Phi đã bị quân ta bắt trên các chiến trường để thể hiện thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân các nước thuộc địa của Pháp.

Ngày 30/3/1956, đi thăm khu lao động Lương Yên (Hà Nội) nói với bà con nghèo đang dự lớp Bình dân học vụ, Bác động viên: “Do cái óc, cái tay của mình mà cải thiện đời sống của mình. Đảng và Chính phủ rất mong muốn đời sống của công nhân, công chức và bộ đội càng khá hơn... Đời sống ví như chiếc thuyền. Sản xuất ví như nước. Mực nước lên cao, thì con thuyền càng nổi lên cao. Mình cố gắng còn là mưu đời sống sung sướng cho con, cho cháu mình nữa”115.

Cùng ngày, Báo Nhân Dân còn đăng bài báo có đầu đề là “Hoa Sen” trong đó Bác phân tích hoàn cảnh của một số cán bộ có nguồn gốc xuất thân là địa chủ, vào thời điểm đang diễn ra công việc sửa sai trong Cải cách ruộng đất. Bài báo viết: “Trước khi ra đời, người ta không thể lựa chọn sinh ra ở giai cấp nào, ở gia đình nào. Thành phần giai cấp nhất định có ảnh hưởng đến tư tưởng của con nguời. Nhưng nó không phải là một ảnh hưởng quyết định... điều quyết định vẫn là do bản thân mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ. Nếu người đảng viên và người cán bộ có chí khí kiên cường, tư tưởng vững chắc... thì nhất định đánh tan được ảnh hưởng ấy, và vẫn được Đảng, Chính phủ và nhân dân tin cậy...

Một thí dụ: Gốc rễ cây sen ở dưới đất bùn hôi hám. Nhưng vươn mình lên mặt nước trong trẻo, hấp thụ ánh sáng mặt trời thì, HOA SEN trở nên tươi đẹp, thơm tho.

Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh, hoa đỏ lại xen nhị vàng,

Nhị vàng, hoa đỏ, lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Người ta cũng vậy. Thành phần giai cấp và quan hệ gia đình không thể ảnh hưởng xấu đối với những người thật thà cách mạng”116.

Ngày 30/3/1962, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề lương thực, Bác nhắc nhở: Phải có kế hoạch thu mua tốt. Từ khai hoang tốt, sẽ thu mua tốt. Gốc là cán bộ. Phải cố gắng chỉnh đốn cán bộ, có thái độ dứt khoát, tốt thì khen, không tốt thì cách chức.

Ngày 31/3

“Yêu xe như con, quý xăng như máu”.

Ngày 31/3/1949, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ báo cáo và phân tích tình hình thế giới và nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo về tình hình quân sự và Bộ trưởng Lê Văn Hiến báo cáo về hoạt động của Hội đồng Quốc phòng Tối cao.

Ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và kiểm tra cảng Hải quân Bãi Cháy và lên tàu T.554. Bác đi thăm trận địa pháo của Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng trong vịnh Hạ Long. Núi chuyện với các chiến sỹ, Bác động viên phải cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, an tâm với nhiệm vụ, tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt, đời sống, sẵn sàng chiến đấu. Cũng trong chuyến đi này, Bác giao trách nhiệm cho lãnh đạo Tổng cục Hậu cần phải nghiên cứu, bảo đảm cung cấp sách báo và nước ngọt... Đây chính là địa bàn mà không lực của Mỹ đã ném bom ngay trong ngày đầu tiên khi phát động chiến tranh phá hoại ra miền Bắc và cũng là nơi lập chiến công đầu bắn rơi và bắt sống phi công Mỹ (05-8-1964).

Cũng trong chuyến đi này, Bác đến thăm các đảo Cát Hải và Cát Bà, thăm hỏi cư dân trên đảo, thăm Trường huấn luyện Hải quân. Buổi tối, nói chuyện với cán bộ các ngành quân, dân, chính đảng thành phố Hải Phòng. Bác nhấn mạnh đến những bất cập của một thành phố cảng quan trọng nhất miền Bắc nhưng chưa phát triển đúng với yêu cầu mà mấu chốt là công tác quản lý . Do vậy, “Phải chống tư tưởng bảo thủ, chống chủ quan tếu, đồng thời chống bi quan... Nội bộ Đảng phải đoàn kết nhất trí, đoàn kết không phải ngoài miệng mà phải đoàn kết trong công tác, trong tự phê bình và phê bình giúp nhau tiến bộ.... Kết quả công tác của địa phương là cái thước đo sự lãnh đạo của Đảng”117.

Tháng 3-1951, Bác đến thăm Đoàn xe đầu tiên của quân đội được thành lập từ những chiến lợi phẩm trong Chiến dịch Biên giới và biên chế thành những đơn vị cơ giới vận tải. Nói chuyện với cán bộ và chiến sỹ đơn vị, Bác căn dặn: “Các chú thu được một số xe của địch, thế là tốt, vì các chú đã lấy xe của địch diệt địch, “Gậy ông lại đập lưng ông”. Đấy là cái vốn, các chú phải giữ gìn lấy. Vốn này sẽ phát triển nhiều thêm... các chú phải giữ gìn xe, tiết kiệm xăng để phục vụ bộ đội.

Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu...”118.

Tháng 3-1961, Bác đi thăm tỉnh Hà Giang, nơi có đông đảo đồng bào các dân tộc ít người. Trong bài nói, Bác nhấn mạnh: “Ngày nay, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là tất cả đồng bào các dân tộc đều là người chủ nước nhà. Cán bộ từ trung ương đến khu, đến tỉnh, huyện và xã đều phải một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của nhân dân, chứ không phải là “quan cách mạng”.

Nhân dân đã làm chủ, thì phải làm gì để xứng đáng là người chủ tốt?”119.

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích
103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 116.
104. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 148.
105. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 529.
106. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 530, 531.
107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 533.
108. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 237.
109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 404.
110 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 177.
111. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 180.
112. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 496, 497.
113,114. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 173.
115 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 8, tr. 141.
1 16 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 8, tr. 139, 140.
117 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 400, 401.
118. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 193.
119 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 326.

 

Bài viết khác: