Chỉ mục bài viết

                Ngày 14/3

“Phải học, học nữa, học mãi” như Lê-nin đã dạy.

Nguyễn Ái Quốc chuyển nơi cư trú từ số 9 ngõ Compoint đến số 3 phố Marches de Patriarches là Trụ sở của Hội Liên hiệp các Thuộc địa và Tòa soạn báo Le Paria (Người Cùng Khổ). Quan sát của mật thám cho biết khi ra đi nhà ái quốc Việt Nam chỉ mang theo tài sản duy nhất là “cái giường xếp”.

Ngày 14/3/1948, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ gửi thư cho một bạn cũ người Italia tham gia Đảng Xã hội Pháp tên là Misen Decchini (Michele Zecchini) đã từng giúp đỡ Bác thời gian mới từ Anh trở lại Pháp hoạt động. Trong thư, Bác viết về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, thể hiện quyết tâm giành độc lập của dân tộc ta và về bệnh phổi cùng những khó khăn khi phải chống chọi với khí hậu ẩm ướt trên rừng núi chiến khu.

Ngày 14/3/1959, Bác thăm Hội nghị cán bộ Công đoàn. Phát biểu trước đội ngũ cán bộ công đoàn, Bác nêu rõ những nhiệm vụ chính trị của Công đoàn nhưng: “Phải chú ý hơn nữa đến đời sống vật chất và văn hóa của công nhân” và kết luận: “Nói tóm lại, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có người xã hội chủ nghĩa. Công nhân phải thành người xã hội chủ nghĩa, cán bộ công đoàn trước hết phải là người xã hội chủ nghĩa. Muốn thành người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước, chống tư tưởng làm thuê làm mướn ngày trước, vì bây giờ mình làm cho giai cấp mình, cho con cháu mình. Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bè, ích kỷ. Phải có lề lối làm việc xã hội chủ nghĩa tức là siêng năng, khẩn trương, khiêm tốn, luôn luôn cố gắng tiến bộ... ”54.

Ngày 14/3/1960, Bác viết bài “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng” đăng trên Báo Nhân Dân phân tích: “Chúng ta là những người lao động làm chủ nước nhà. Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới… Bởi vậy, ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”. “Cho nên, phải “học, học nữa, học mãi” như Lê-nin đã dạy”55.

Ngày 14/3/1962, Báo Nhân Dân đăng bài “Làm thế nào cho lạc thêm vui” dưới bút danh “T.L”, Bác đề cập tới một hiện tượng diễn ra ở quê Bác:

“Dân Nghệ nhà choa,

Mỗi năm ăn quà,

Hết chín nghìn bảy (9.720) tấn gang!”56 để phân tích về chính sách “thắt lưng buộc bụng” để công nghiệp hóa đất nước.

Hiện tượng lãng phí trong việc sản xuất kẹo mỗi năm riêng Nghệ An cũng sử dụng đến 650 tấn lạc, nếu xuất khẩu có thể mua về 9.720 tấn gang. Bài báo nhắc nhở cán bộ phải khéo léo giải thích để “đồng bào ta sẽ vui lòng tiết kiệm lạc và các thứ nông sản khác để bán cho Nhà nước xuất khẩu đổi lấy máy móc và nguyên liệu. Vậy có thơ rằng:

“Làm thế nào cho “lạc” thêm vui?

Đổi lấy máy móc thì bày tôi quyết làm!”57.

Ngày 15/3

“Nên đặt lý trí lên trên tình cảm”.

Ngày 14/3/1924, trả lời phỏng vấn nhà báo Giôvanni Giôcmanettu (báo “L’ Unita” - “Đoàn kết” của Đảng Cộng sản Italia) Nguyễn Ái Quốc tự giới thiệu về mình, tôi là người An Nam, bị Pháp cai trị, học sinh Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Người được phỏng vấn cho biết chính những tờ báo có nội dung chống đối Chính phủ thực dân xuất bản ở Pháp đọc được ở Việt Nam đã khiến tôi nảy ra ý muốn sang xem mẫu quốc ra sao? Và bày tỏ niềm hy vọng vào nước Nga Xô viết: “Nhiều người đã hiểu tình trạng kém cỏi của chúng tôi nhưng chưa có ai, trừ những người làm cách mạng Nga, chỉ cho chúng tôi con đường đi đến giải phóng... Chính Lê-nin, đồng chí Ilớtsơ thân mến của chúng tôi, đã nêu lên những đề án và hướng dẫn chúng tôi đi những bước đầu để làm cho chúng tôi có khả năng cùng tiến bước với giai cấp vô sản thế giới”58.

Cũng trong ngày hôm ấy, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Chủ tịch Quốc tế Cộng sản Dinuviôp (Zinoviev) đề nghị cho được gặp để thảo luận với đồng chí về tình cảnh những thuộc địa của Pháp.

Ngày 14/3/1946, là ngày quân Pháp được phép tiến vào Hà Nội nhưng ở nhiều nơi đã diễn ra các hoạt động quân sự của quân Pháp trái với Hiệp định sơ bộ đã ký kết. Ngày 14/3/1946, với bút danh “Q.T”, Bác viết bài “Phải đình chỉ ngay những cuộc đánh úp tại Nam bộ và Nam Trung bộ” đăng trên Báo Cứu Quốc. Bài báo viết: “Muốn Việt - Pháp đi tới chỗ thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên, người Pháp phải thành thực từ lời nói cho chí hành động, theo đúng bản Hiệp định đã ký”59, kêu gọi quân Pháp ngừng bắn và các chiến sỹ Việt Nam phải sẵn sàng và quyết tâm chiến đấu cho giang sơn Việt Nam.

Cùng ngày, sau khi chủ trì họp Hội đồng Chính phủ, Bác gặp các Ủy viên tuyên truyền các tỉnh Bắc bộ: “Bình tĩnh không phải là nhu nhược, cũng không phải là nhượng bộ, nhưng để tỏ ra rằng dân chúng có kỷ luật, dân chúng cũng như một đội quân, binh sỹ không biết trọng kỷ luật, tất nhiên đội quân không thành; dân chúng không có kỷ luật, việc làm khó thành công. Muốn đi cho đúng với thời cuộc, chúng ta nên đặt lý trí lên trên tình cảm. Và muốn nhận định thời cuộc, chúng ta không thể không đứng ở địa vị khách quan”60.

Ngày 15/3/1952, Bác viết bài “Vì ai nên nỗi này?” đăng trên Báo Cứu Quốc bình luận về tình hình tài chính kiệt quệ của nước Pháp khiến nhiều nội các vừa dựng lên đã đổ và vạch rõ nguyên nhân là do tiêu tốn vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và kết luận: Thế là nhân dân Pháp đóng thuế, thanh niên Pháp hy sinh để cho thực dân Pháp hưởng lợi. Ngày này một năm sau đó, 15/3/1953, Bác Hồ ký sắc lệnh cho ra đời Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, ngày nay trở thành ngày sinh của hai loại hình nghệ thuật này.

Ngày 15/3/1967, Bác viết thư trả lời các cháu học sinh xã Nam Liêm ở quê nhà Nghệ An biểu dương thành tích thi đua học tập tốt, lao động tốt đồng thời hoan nghênh nhà trường chăm lo việc dạy học và phòng không tốt, bảo đảm an toàn cho học sinh và các thầy cô giáo.

Ngày 16/3

“Dân ta yêu tự do, độc lập, trọng hòa bình, tín nghĩa”.

Ngày 16/3/1920, mật thám Pháp ghi nhận được thông tin về việc Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành bản thảo sách mang tên “Những người bị áp bức” (Les Opprimés) đang có ý định gặp hai chính khách cánh tả nổi tiếng là Mácxen Casanh (Marcel Cachin) và Giăng Lunggơ (Jean Longuet) đề nghị viết lời tựa cho sách, cho biết đã dành được 300 quan tiền Pháp để in và sẽ đến vùng Pons làm nghề nhiếp ảnh để kiếm thêm kinh phí tái bản cuốn sách đó.

Ngày 16/3/1923, Báo La Vie Ouvrière (Đời sống công nhân) đăng bài “Những người làm công tổ chức lại, chống bóc lột của chủ tư bản” của Nguyễn Ái Quốc phản ánh bước trưởng thành của phong trào công nhân Trung Quốc và đi đến nhận định: Mặc dầu bọn tư bản nước ngoài và tư bản bản xứ cố hết sức dập tắt hoặc ngăn cản mọi phong trào giải phóng, nhưng những người công nhân Trung Quốc được sự giúp đỡ mạnh mẽ của những người trí thức tận tụy, đã tổ chức lại một cách nhanh chóng và hành động tốt đẹp.

26 năm sau, ngày 16/3/946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi nhân dân thi hành đúng Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp” với lòng mong muốn: “… Quốc dân giữ lòng kiên quyết nhưng bình tĩnh, các báo thì bình luận một cách chính đáng, những lời lẽ nên cân nhắc... Chúng ta phải tỏ cho họ biết rằng dân ta yêu tự do, độc lập, trọng hòa bình, tín nghĩa…”61. Vào thời điểm quân Pháp đang triển khai việc thay thế quân Tưởng, vị Chủ tịch Nước cũng ban hành “Nghiêm lệnh” quy định tuyệt đối cấm chỉ mọi sự khiêu khích đối với quân đội và kiều dân Pháp.

Ngày 16/3/1951, kết thúc Hội nghị Trung ương lần thứ nhất Khóa II, Bác tham gia Bộ Chính trị cùng với các vị Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh và Ủy viên dự khuyết Lê Văn Lương.

Ngày 16/3/1961, khi thăm Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) lá cờ đầu của công nghiệp miền Bắc, nói chuyện với cán bộ, công nhân, Bác phân tích: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội để cho đời sống toàn dân được ấm no, hạnh phúc. Muốn no thì phải sản xuất nhiều gạo. Muốn ấm thì phải sản xuất nhiều vải. Muốn có gạo, có vải thì nông nghiệp không thể để mãi như hiện nay mà phải có máy móc. Máy móc là do các chú làm. Phải có nhiều máy và máy tốt”62.

Ngày 16/3/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Thái tử Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Nôrôđôm Xihanúc chào mừng thắng lợi của Hội nghị Nhân dân Đông Dương vừa kết thúc thắng lợi tại Phnôm Pênh. Thư viết: “Hội nghị Nhân dân Đông Dương được triệu tập theo sáng kiến của Ngài đã thành công tốt đẹp, đánh dấu một bước tiến lớn trong sự nghiệp đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào, chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược”63.

Ngày 16/3/1969, Bác Hồ gửi điện khen ngợi đồng bào và chiến sỹ miền Nam đánh giỏi, thắng to trong dịp Xuân Kỷ Dậu: “Giặc Mỹ đã thua nặng. Nhưng chúng vẫn chưa bỏ dã tâm xâm lược, chưa chịu rút quân ra khỏi nước ta.

Vậy ta phải tiếp tục đánh mạnh, đánh đau, đánh cho đến khi Mỹ, ngụy thất bại hoàn toàn, cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng”64.

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích
54. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 375.
55,56,57. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.10, tr. 103, 525, 526.
58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 481.
59,60. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 204, 205.
61. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 206, 207.
62. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 298.
63. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 412.
64. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 450.

 

Bài viết khác: