Ngày 24/3
“Giao thông vận tải là một mặt trận”.
Ngày 24/3/1946, đã diễn ra cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) trên tuần dương hạm “Emile Bertin” đậu trên Vịnh Hạ Long. Cuộc thảo luận xoay quanh việc thúc đẩy những cuộc tiếp xúc cao cấp giữa hai bên trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh mà vị Chủ tịch Nước Việt Nam yêu cầu sẽ phải được diễn ra tại nước Pháp nhằm ngăn chặn những mưu đồ của các phần tử thực dân muốn phá hoại những nỗ lực hòa bình. Tháp tùng Bác còn có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam và Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám.
Sau khi chứng kiến cuộc diễu binh thị uy lực lượng quân sự trên biển của Pháp, Bác nói với Tướng Raun Xalăng (Raoul Salan): “Nếu đô đốc (D’Argenlieu) muốn đem tàu bè ra lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi!”88.
Nhận xét sau cuộc hội kiến này, chính Đô đốc Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) cũng thừa nhận: Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bản lĩnh vững vàng. Ông biết mình muốn điều gì và chỉ đạo hoạt động của mình một cách kiên nhẫn... Chủ tịch có được cái kỹ thuật của một lãnh tụ cách mạng, cũng là cái kỹ thuật của Đảng đã đào tạo nên ông.
Ngày 24/3/1958, nhân dịp Phó Thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Tây Bắc, Bác Hồ viết thư thăm hỏi và động viên đồng bào các dân tộc bước vào kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế và văn hóa để Khu Tự trị Tây Bắc nhất định sẽ ngày càng giàu có, đời sống nhân dân sẽ ngày càng đầy đủ.
Ngày 24/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn Tổng thống Ấn Độ Praxát (Prassad) thăm một số địa điểm tại Hà Nội trong đó có chùa Quán Sứ và chùa Một Cột, nơi trồng cây Bồ Đề mà Bác mang từ Ấn Độ về trong chuyến đi thăm nước bạn. Buổi tối, trong buổi đáp từ tại bữa tiệc do Tổng thống Ấn Độ chiêu đãi, Bác đánh giá: “Tổng thống là người đã suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Ấn Độ. Ngài lại là một vị chiến sỹ lão thành luôn luôn đấu tranh cho hòa bình thế giới và hữu nghị giữa các dân tộc. Ngài là một người đạo cao đức trọng, nêu gương sáng cho mọi người chúng ta noi theo...”89.
Ngày 24/3/1961, đến với Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác Hồ tâm sự: “Từ chỗ chỉ có một Lý Tự Trọng đến ngày nay chúng ta có 78 vạn đoàn viên... Tiến bộ đó làm cho Bác rất vui sướng và trẻ lại. Nó làm cho lòng Bác phơi phới như hoa nở trong mùa Xuân...”90.
Ngày 24/3/1966, đến thăm và nói chuyện với Đại hội thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác nói: “Bây giờ, chiến tranh của ta là chiến tranh gì? Đó là chiến tranh nhân dân. Vì vậy, giao thông vận tải cũng là giao thông vận tải nhân dân"91. Người căn dặn: "Giao thông vận tải là một mặt trận. Vì vậy, mỗi công nhân, thanh niên trong ngành Giao thông vận tải phải là một chiến sỹ. Phải quyết tâm làm cho giao thông vận tải thắng lợi. Giao thông vận tải thắng lợi tức là chiến tranh đã thắng lợi phần lớn rồi”92.
Ngày 25/3
“Vì vận mệnh muôn đời của con cháu nên phải quyết chiến đấu đến cùng".
Ngày 25/3/1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã nhận được phác thảo về cuốn “Những người bị áp bức” (Les Opprimés) do một họa sỹ trẻ là đảng viên Đảng Xã hội vẽ giúp.
Ngày 25/3/1933, thực dân Pháp phát lệnh truy nã Nguyễn Ái Quốc sau khi phát hiện đối thủ nguy hiểm này đã bí mật thoát khỏi Hồng Kông nhờ sự giúp đỡ của vị luật sư người Anh Lôdơbi sau khi ông đã tung tin nhà cách mạng Việt Nam đã chết vì lao.
Ngày 25/3/1944, tham dự Đại hội đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài họp tại Bộ Tư lệnh Chiến khu IV ở Liễu Châu (Trung Quốc), là người tham gia triệu tập, Hồ Chí Minh đọc báo cáo của Phân hội Việt Nam thuộc Hội Quốc tế chống xâm lược trong đó nêu rõ: “Trong lịch sử 80 năm mất nước đau khổ và đen tối, chúng ta đã không ngừng làm rạng rỡ ngọn cờ nghĩa cứu nước vẻ vang”93 và quả quyết: “Sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ sớm thành công”94.
Cũng tại Đại hội, Bác trình bày “Báo cáo về tình hình các đảng phái trong nước” trong đó khẳng định rằng, trong nhiều đảng phái “nổi bật nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam” với nhiệm vụ “mở rộng khối đoàn kết đến toàn dân để đạt tới mục đích: Bên trong có lực lượng của mình, bên ngoài tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước Đồng minh, trước hết là của Trung Quốc, đặng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”95.
Báo cáo viên đặt câu hỏi: “Người Việt Nam có sợ cộng sản không?” và tự trả lời: “Không. Cả nước Việt Nam chúng ta, không có một nhà băng nào là của người Việt Nam, không có một người Việt Nam nào là nhà tư bản lớn… Người có học thức lại càng không sợ... Đó là trào lưu tư tưởng của thời đại, sợ nó thì thật không đúng... Hiện nay ở trong nước không cần nêu khẩu hiệu “Đoàn kết các đảng phái”, vì điều này đã trở thành hiện thực, mà cần phải mở rộng khối đoàn kết đến toàn dân để đạt tới mục đích… hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”96.
Ngày 25/3/1947, Bác tiếp các nhà báo và trả lời phỏng vấn về cuộc tranh luận về vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Pháp: Các ông nghị và Chính phủ Pháp chỉ bàn đến nửa vấn đề thôi, còn nửa vấn đề phải do dân ta quyết định... Nếu nước Pháp không ưng thuận (để nước ta độc lập và thống nhất) và cứ mong đặt lại chế độ thuộc địa thì dân ta cương quyết trường kỳ kháng chiến cho đến ngày hoàn toàn thống nhất và độc lập. Dân ta rất muốn hòa bình, nhưng vì vận mệnh của con cháu muôn đời nên phải quyết kháng chiến đến cùng.
Ngày 25/3/1951, sau khi Đảng ra hoạt động công khai, Bác Hồ viết bài “Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải thế nào?” đăng trên Báo Nhân Dân, trong đó xác định đã là những người công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mệnh nhất, những người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động, những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Ngày 26/3
“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi những người có quan hệ trong Bộ Tư lệnh Quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng trước khi hoàn tất việc rút quân ra khỏi Việt Nam.
Ngày 26/3/1953, Báo Nhân Dân đăng một bài báo nhỏ của Bác (ký tên C.B) có tên là “Cột dây thép” phản ảnh sự việc có một cột dây thép bị mối ăn, ngả xuống cạnh một làng. Thanh niên, phụ lão làng ấy xung phong ra trồng lại. Qua bài báo, tác giả biểu dương và nhắc nhở ý thức bảo vệ của công là bổn phận của mọi công dân.
Ngày 26/3/1964, Báo Nhân Dân đăng bài báo về “Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng”. Tác giả ký tên là “Chiến Sĩ” nhưng đó chỉ là bút danh của Bác Hồ. Viết bài báo vào dịp kỷ niệm thành lập Đoàn, Bác vừa nêu một tấm gương sáng của thanh niên trong cuộc đấu tranh chống thực dân giành độc lập nhưng cũng để kể lại những chi tiết như một nhân chứng lịch sử nhằm đính chính một số điều mà sách báo viết không chính xác về nhân vật lịch sử này.
Bài báo cho biết, chính Nguyễn Ái Quốc (khi đó mang bí danh Lý Thụy) là người đã tham gia đào tạo Lý Tự Trọng và một thế hệ những chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi mà kiên cường này: “Năm 1925, “Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” thành lập ở Quảng Châu. Mục đích của Hội là chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản.
Hội đã quyết định bồi dưỡng một nhóm trẻ em làm hạt nhân cho phong trào nhi đồng cách mạng sau này. Lúc đó không thể đưa trẻ em trong nước ra. Hội bèn chọn lấy 10 em gái và trai, con Việt kiều ở Xiêm đưa đến Quảng Châu, trong đó có em Trọng 11 tuổi.
Em tên thật là Lê Văn Trọng. Để giới thiệu các em vào trường tiểu học (thuộc Trường Đại học Tôn Trung Sơn), đồng chí Lý Thụy nhận các em là họ hàng thân thích. Vì vậy em Trọng cũng như các em khác đều đổi thành họ Lý.
Để nuôi các em ăn học, một phần do đồng chí Lý Thụy phụ trách, một phần do các đồng chí Trung Quốc giúp đỡ. Các em không phải đi bán báo để lấy tiền nuôi mình, như có người đã nói sai.
Em Trọng thông minh, vui tính, siêng học, siêng làm; vóc người thấp nhỏ nhưng cứng cáp nên anh em quen gọi là “Trọng Con”97.
Sau khi thuật lại việc Lý Tự Trọng đã bị thực dân bắt và kiên cường trước mọi ngón đòn tra tấn của kẻ thù, bài báo nhắc lại câu chuyện nhà báo Ăngđrô Viônlít (Andro Viollis) thuật lại: “Khi dẫn bà đến thăm đồng chí Trọng ở xà lim những người bị án tử hình, người Pháp gác ngục ngậm ngùi nói với bà rằng: Y không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Trọng... Sau gần 10 tháng vô cùng đau khổ, ngày 21 tháng 11 năm 1931, Lý Tự Trọng, người thanh niên anh hùng 17 tuổi, bị lũ thực dân Pháp đưa lên máy chém!... Đồng chí Lý Tự Trọng đã nêu gương chân chính cách mạng cho chúng ta noi theo. Ngày nay, được Đảng giáo dục, có Đoàn dìu dắt, thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động; phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”98...
Ngày 27/3
“Dân cường thì quốc thịnh”.
Ngày 27/3/1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã thuyết trình về chủ nghĩa xã hội với một số thanh niên tại Quận 13 ở Pari.
Ngày 27/3/1935, Đại hội lần thứ Nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập tại Ma Cao (Trung Quốc) cử Nguyễn Ái Quốc làm Đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ bàn về nhiều nội dung quan trọng: Tổ chức các bộ như Bộ Xã hội, Bộ Ngoại giao; Sắc lệnh tự do cá nhân, Sắc lệnh tạm thời về tự do báo chí, tình hình tài chính, việc Trung Hoa muốn mua và mượn đường sắt của Việt Nam. Cùng ngày, Báo Cứu Quốc đăng bài “Sức khỏe và Thể dục” trong đó, Bác Hồ kêu gọi đồng bào cả nước tập thể dục.
Bài báo viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước... Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”99. Cũng trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập trong Bộ quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục, đến nay, ngày 27/3 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Thể dục, Thể thao nước ta.
Ngày 27/3/1947, Bác Hồ gửi thư tới Báo Vệ Quốc quân nêu rõ: “Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc. Báo Vệ Quốc quân là cốt để nâng cao tinh thần và kỷ luật của bộ đội”100. Bài báo nêu 12 điều kỷ luật: “1. Mỗi việc đều phải theo mệnh lệnh cấp trên; 2. Tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư; 3. Không động đến một cái kim, một sợi chỉ của dân; 4. Khi đến đóng, lúc kéo đi, phải giữ gìn nhà, vườn của dân cho sạch sẽ; 5. Nói năng cử động phải giữ lễ phép, phải kính người già, yêu trẻ con; 6. Mua bán phải công bình; 7. Mượn cái gì phải trả tử tế; 8. Hỏng cái gì phải bồi thường; 9. Phải giúp đỡ dân bất kỳ việc to, việc nhỏ; 10. Trong bộ đội từ trên đến dưới phải đồng cam cộng khổ; 11. Chớ ve gái, say sưa, cờ bạc, hút xách; 12. Phải giúp đỡ gia đình chiến sỹ tại nơi mình đóng, phải giúp đỡ việc tăng gia sản xuất”101.
Ngày 27/3/1964, Bác Hồ chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt được triệu tập tại Hà Nội theo quy định của Hiến pháp. Trong lời khai mạc, Bác điểm lại những thay đổi to lớn của đất nước và thế giới sau 10 năm kể từ khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhưng cũng đặt dân tộc ta trước những thử thách to. Và cũng tại sự kiện này, Bác đó kêu gọi “Toàn Đảng, toàn dân ta hãy phấn khởi tiến lên”102.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
88. Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 206.
89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 383.
90. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 304, 305.
91, 92 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 451, 461.
93, 94. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 59, 61-62.
95. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3. tr. 465.
96. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 464, 465.
97, 98. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 217, 219.
99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 212.
100,101. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 115.
102. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 235.