Chỉ mục bài viết

 Ngày 28/3

“Chi bộ tốt thì mọi công việc đều tốt”.

Ngày 28/3/1947, nhân tròn một trăm ngày kể từ khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bác Hồ gửi điện đến đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ biểu dương: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”103.

Ngày 28/3/1958, Bác gửi thư tới Sư đoàn 335 đang tham gia xây dựng kinh tế và quốc phòng trên Khu Tự trị Tây Bắc, khen ngợi cán bộ và chiến sỹ “đã quyết tâm triệt để chấp hành nhiệm vụ mới, yên tâm và phấn khởi tham gia công cuộc củng cố và xây dựng khu Tây Bắc thành một hậu phương vững chắc của miền Bắc chúng ta... Tinh thần dũng cảm của các chú thật xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quân đội ta, xứng đáng với sự giáo dục và sự tin cậy của Đảng và Chính phủ”104.

Ngày 28/3/1961, Báo Nhân Dân đăng bài Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo “Tin nhanh hàng ngày” của Luân Đôn (Thủ đô nước Anh), vạch trần những luận điệu của Mỹ và chính quyền miền Nam yêu cầu “Việt cộng” rút quân khỏi miền Nam Việt Nam: “Việt Cộng” là một cái tên do Mỹ - Diệm đặt ra và gán cho mọi người yêu nước ở miền Nam Việt Nam để ra tay khủng bố, đàn áp”105... Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9-1955) đã khẳng định: “Về mọi mặt lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và dân tộc, Việt Nam ta là một nước thống nhất, quyết không một lực lượng nào có thể chia cắt được… Việc miền Nam theo một chế độ trung lập hay là một chế độ nào khác là do nhân dân miền Nam quyết định, không ai có thể làm trái nguyện vọng của nhân dân... Trong khi chờ đợi nước nhà thống nhất, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng đề nghị (Công hàm ngày 22-12-1958) với chính quyền miền Nam bình thường hóa quan hệ giữa hai miền về mặt kinh tế và văn hoá, về việc đi lại và thư tín giữa hai miền,... Đó là nguyện vọng thiết tha của toàn dân Việt Nam trong khi chờ đợi Tổ quốc thống nhất bằng phương pháp hòa bình”106.

Ngày 28/3/1962, Báo Nhân Dân đăng bài “Chi bộ tốt, thì mọi việc đều tốt” của Bác (với bút danh T.L) đề cập những chuyện thường ngày như động viên dân đóng góp nghĩa vụ tại một hợp tác xã ở Kiến An và vận động làm nhà trẻ tại một hợp tác xã ở Hà Nam mà ở đó sự gương mẫu của đảng viên và vai trò năng động của chi bộ đóng vai trò quyết định. Bài báo kết luận: “Nội dung hai việc trên đây rất bình thường, nhưng nó chứng tỏ một ý nghĩa rất to lớn: Chi bộ tốt thì mọi công việc đều tốt”108.

Ngày 28/3/1964, Bác Hồ dự bế mạc Hội nghị Chính trị đặc biệt với lời kêu gọi: “Các cụ và các đồng chí sẽ đem tinh thần nhất trí, ý chí cách mạng và lòng tin tưởng quyết tâm của tất cả chúng ta ở Hội nghị này đến nhân dân cả nước ta, biến thành một sức mạnh vĩ đại, một sức phấn khởi mới, hăng hái tiến lên!”108.

Ngày 29/3

"Chính quyền nhân dân phải trong sạch”.

Ngày 29/3/1945, Hồ Chí Minh gặp Tướng Mỹ Sơnnun (Chennault), Tư lệnh Không đoàn số 14 của Mỹ, cũng là người đại diện cao nhất của Đồng minh ở vùng Hoa Nam Trung Quốc để thỏa thuận sự hợp tác chống phát xít Nhật ở Đông Dương. Sơnnun (Chennault) đã cảm ơn việc cứu phi công Mỹ và hỏi Việt Minh có sẵn sàng giúp cứu phi công Đồng Minh bị rơi ở Đông Dương không? Hồ Chí Minh trả lời rằng bổn phận của những người chống phát xít là làm tất cả những việc có thể làm được để giúp đỡ Đồng Minh.

Trước khi chia tay, viên tướng Mỹ đã tặng Hồ Chí Minh một tấm chân dung của mình kèm theo lời đề tặng: Bạn chân thành của ông. Sau cuộc gặp này, nhiều hoạt động chuẩn bị được tiến hành và tháng 5-1945, Hồ Chí Minh về nước đưa theo hai báo vụ viên và một số thiết bị liên lạc về chiến khu Việt Bắc.

Ngày 29/3/1948, qua Báo Cứu Quốc, Bác Hồ gửi thư khen các vị thân hào, thân sĩ và đồng bào thôn Hải Lạng có thành tích tiêu thổ kháng chiến, tổ chức tản cư cho dân. Bức thư viết: “Có nước thì sẽ có nhà, chúng ta kiên quyết phá hoại để đánh giặc. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công, chúng ta sẽ cùng nhau xây đắp nhà cửa, những phố làng đường hoàng và đẹp đẽ hơn, xứng đáng với đời sống mới của nhân dân Việt Nam mới... Chúng ta phá hoại được, chúng ta nhất định kiến thiết được”109.

Ngày 29/3/1952, Báo Cứu Quốc đăng bài của Bác ký bút danh “Đ.X” có nhan đề “Nạn tham ô ở Mỹ” với lời kết: “Khác với chế độ tư bản, chính quyền nhân dân phải tẩy trừ triệt để nạn tham ô, chính quyền nhân dân phải trong sạch”111.

Cũng vào thời điểm phát động cuộc thi đua này, Bác viết một bài dài với nhan đề “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”. Sau khi phân tích bản chất và những biểu hiện của tệ nạn này, tác giả trích dẫn nhiều ý kiến của Lê-nin về chủ đề này: Ngày 02/5/1918, khi thấy Tòa án Mátxcơva xử nhẹ một vụ án hối lộ, Lê-nin viết: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy - đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi đảng”... “Nước nhà mà chúng ta ra sức xây dựng là phải làm sao cho công nhân có thể lãnh đạo nông dân và giữ gìn lòng tin cậy của nông dân. Phải cực kỳ tiết kiệm để tẩy sạch những vết tích lãng phí”... “Cần phải dùng nhiều hình thức và phương pháp kiểm tra từ dưới lên trên... để nhổ đi nhổ lại cho sạch hết những cỏ rác bệnh quan liêu”112.

Ngày 30/3

“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Ngày 30/3/1923, theo báo cáo của mật thám Pháp, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Ban Nghiên cứu thuộc địa để bàn về việc tuyên truyền chủ nghĩa xã hội tại các thuộc địa và vấn đề in tài liệu cho nhóm cách mạng ở Đahumây, một thuộc địa của Pháp ở Châu Phi.

Cùng ngày hôm đó, trên tờ La Vie Ouvrière (Đời sống Công nhân) đăng bài “Khởi nghĩa Đahumây” của Nguyễn Ái Quốc phân tích sự kiện nhân dân xứ sở thuộc địa này “phải chịu cái kiếp lầm than của người dân bản xứ, cái chế độ đó hạ con người xuống hàng con vật và làm điếm nhục cho cái gọi là thế giới văn minh. Dân bản xứ, không nhịn nhục được nữa, vùng lên. Thế là cuộc đàn áp đẫm máu được tiến hành”114. Và tác giả kết luận: “Đấy, đức nhân từ của công cuộc khai hóa như thế đấy!”115.

Ngày 30/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thả 200 tù binh Bắc Phi đã bị quân ta bắt trên các chiến trường để thể hiện thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân các nước thuộc địa của Pháp.

Ngày 30/3/1956, đi thăm khu lao động Lương Yên (Hà Nội) nói với bà con nghèo đang dự lớp Bình dân học vụ, Bác động viên: “Do cái óc, cái tay của mình mà cải thiện đời sống của mình. Đảng và Chính phủ rất mong muốn đời sống của công nhân, công chức và bộ đội càng khá hơn... Đời sống ví như chiếc thuyền. Sản xuất ví như nước. Mực nước lên cao, thì con thuyền càng nổi lên cao. Mình cố gắng còn là mưu đời sống sung sướng cho con, cho cháu mình nữa”115.

Cùng ngày, Báo Nhân Dân còn đăng bài báo có đầu đề là “Hoa Sen” trong đó Bác phân tích hoàn cảnh của một số cán bộ có nguồn gốc xuất thân là địa chủ, vào thời điểm đang diễn ra công việc sửa sai trong Cải cách ruộng đất. Bài báo viết: “Trước khi ra đời, người ta không thể lựa chọn sinh ra ở giai cấp nào, ở gia đình nào. Thành phần giai cấp nhất định có ảnh hưởng đến tư tưởng của con nguời. Nhưng nó không phải là một ảnh hưởng quyết định... điều quyết định vẫn là do bản thân mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ. Nếu người đảng viên và người cán bộ có chí khí kiên cường, tư tưởng vững chắc... thì nhất định đánh tan được ảnh hưởng ấy, và vẫn được Đảng, Chính phủ và nhân dân tin cậy...

Một thí dụ: Gốc rễ cây sen ở dưới đất bùn hôi hám. Nhưng vươn mình lên mặt nước trong trẻo, hấp thụ ánh sáng mặt trời thì, HOA SEN trở nên tươi đẹp, thơm tho.

Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh, hoa đỏ lại xen nhị vàng,

Nhị vàng, hoa đỏ, lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Người ta cũng vậy. Thành phần giai cấp và quan hệ gia đình không thể ảnh hưởng xấu đối với những người thật thà cách mạng”116.

Ngày 30/3/1962, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề lương thực, Bác nhắc nhở: Phải có kế hoạch thu mua tốt. Từ khai hoang tốt, sẽ thu mua tốt. Gốc là cán bộ. Phải cố gắng chỉnh đốn cán bộ, có thái độ dứt khoát, tốt thì khen, không tốt thì cách chức.

Ngày 31/3

“Yêu xe như con, quý xăng như máu”.

Ngày 31/3/1949, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ báo cáo và phân tích tình hình thế giới và nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo về tình hình quân sự và Bộ trưởng Lê Văn Hiến báo cáo về hoạt động của Hội đồng Quốc phòng Tối cao.

Ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và kiểm tra cảng Hải quân Bãi Cháy và lên tàu T.554. Bác đi thăm trận địa pháo của Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng trong vịnh Hạ Long. Núi chuyện với các chiến sỹ, Bác động viên phải cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, an tâm với nhiệm vụ, tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt, đời sống, sẵn sàng chiến đấu. Cũng trong chuyến đi này, Bác giao trách nhiệm cho lãnh đạo Tổng cục Hậu cần phải nghiên cứu, bảo đảm cung cấp sách báo và nước ngọt... Đây chính là địa bàn mà không lực của Mỹ đã ném bom ngay trong ngày đầu tiên khi phát động chiến tranh phá hoại ra miền Bắc và cũng là nơi lập chiến công đầu bắn rơi và bắt sống phi công Mỹ (05-8-1964).

Cũng trong chuyến đi này, Bác đến thăm các đảo Cát Hải và Cát Bà, thăm hỏi cư dân trên đảo, thăm Trường huấn luyện Hải quân. Buổi tối, nói chuyện với cán bộ các ngành quân, dân, chính đảng thành phố Hải Phòng. Bác nhấn mạnh đến những bất cập của một thành phố cảng quan trọng nhất miền Bắc nhưng chưa phát triển đúng với yêu cầu mà mấu chốt là công tác quản lý . Do vậy, “Phải chống tư tưởng bảo thủ, chống chủ quan tếu, đồng thời chống bi quan... Nội bộ Đảng phải đoàn kết nhất trí, đoàn kết không phải ngoài miệng mà phải đoàn kết trong công tác, trong tự phê bình và phê bình giúp nhau tiến bộ.... Kết quả công tác của địa phương là cái thước đo sự lãnh đạo của Đảng”117.

Tháng 3-1951, Bác đến thăm Đoàn xe đầu tiên của quân đội được thành lập từ những chiến lợi phẩm trong Chiến dịch Biên giới và biên chế thành những đơn vị cơ giới vận tải. Nói chuyện với cán bộ và chiến sỹ đơn vị, Bác căn dặn: “Các chú thu được một số xe của địch, thế là tốt, vì các chú đã lấy xe của địch diệt địch, “Gậy ông lại đập lưng ông”. Đấy là cái vốn, các chú phải giữ gìn lấy. Vốn này sẽ phát triển nhiều thêm... các chú phải giữ gìn xe, tiết kiệm xăng để phục vụ bộ đội.

Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu...”118.

Tháng 3-1961, Bác đi thăm tỉnh Hà Giang, nơi có đông đảo đồng bào các dân tộc ít người. Trong bài nói, Bác nhấn mạnh: “Ngày nay, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là tất cả đồng bào các dân tộc đều là người chủ nước nhà. Cán bộ từ trung ương đến khu, đến tỉnh, huyện và xã đều phải một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của nhân dân, chứ không phải là “quan cách mạng”.

Nhân dân đã làm chủ, thì phải làm gì để xứng đáng là người chủ tốt?”119.

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích
103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 116.
104. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 148.
105. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 529.
106. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 530, 531.
107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 533.
108. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 237.
109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 404.
110 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 177.
111. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 180.
112. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 496, 497.
113,114. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 173.
115 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 8, tr. 141.
1 16 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 8, tr. 139, 140.
117 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 400, 401.
118. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 193.
119 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 326.

 

Bài viết khác: