Chỉ mục bài viết

 Ngày 07/3

“Tôi thà chết chứ không bán nước!”.

Ngày 07/3/1946, tại Bắc bộ phủ, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại diện của Pháp để bàn việc triển khai bản Hiệp định Sơ bộ vừa ký ngày hôm trước, đặt vấn đề cuộc hội đàm chính thức được tổ chức tại Pari và đến đầu giờ buổi chiều đó đạt được thỏa thuận với G.Xanhtơni sẽ cùng ký dưới một thông báo chung để bố cáo rộng rãi nội dung bản hiệp định và nêu rõ: Việc đầu tiên thực hiện Hiệp định sơ bộ là chấm dứt mọi cuộc xung đột trên lãnh thổ Đông Dương, 24 giờ sau khi bản thông báo này được phát đi trên các làn sóng Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Phát thanh Sài Gòn.

16 giờ cùng ngày hôm đó, Bác dự cuộc mít tinh lớn của đông đảo nhân dân Hà Nội để giải thích về bản hiệp định vừa ký kết. 

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tiếng: “Nước ta đã độc lập thực sự từ tháng Tám năm 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị. Đồng bào hãy nên bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật ”28. Cuối cùng, vị Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố: Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bán nước!. Cùng ngày, Bác ký giấy ủy nhiệm cho các phái viên đặc biệt của Chính phủ vào Nam bộ để giải thích và thi hành Hiệp định Sơ bộ 6-3.

Ngày 07/3/1947, trong thư gửi các ông Phạm Văn Bạch và Nguyễn Văn Tây phụ trách Phòng Nam Bộ (trực thuộc Chính phủ), Bác viết: “Dù gay go mấy, chúng ta cũng không sợ, không hoang mang, vì chúng ta đã biết trước những sự gay go khốn nạn đó. Vì chúng ta tự tin đủ sức khắc phục nó. Và vì chúng ta chắc thắng lợi cuối cùng sẽ về tay ta”29.

Ngày 07/3/1951, tại phiên bế mạc Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt, Bác được bầu làm Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam.

Ngày 07/3/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Tổng thống Cộng hòa Pháp yêu cầu hủy bản án tử hình đối với nữ thanh niên yêu nước Angiêri, Giamila Buhiret. Điện viết: “Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi đề nghị Ngài có biện pháp phù hợp với truyền thống yêu chuộng công lý và nhân đạo của nhân dân Pháp để cứu sống tính mạng của chị Giamila...”30.

Ngày 07/3/1959, tại thủ đô Giacácta, Bác đón nhận từ Tổng thống Inđônêxia tấm “Huân chương Du kích” với lời đáp từ: “Hai dân tộc chúng ta đã làm cho thế giới thấy rằng với lực lượng đoàn kết của toàn dân, thì dù với vũ khí thô sơ, chúng ta cũng đánh thắng thực dân đế quốc”31.

Ngày 08/3

“Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà”.

Ngày 08/3/1926, từ Quảng Châu, với bí danh “Nilovski”, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản đặt vấn đề muốn biết vì sao không nhận được những tài liệu tuyên truyền mà mình đã gửi thư yêu cầu, báo cáo những việc đã hoàn thành và tiếp tục chuyển cho Quốc tế Cộng sản những tài liệu liên quan đến phong trào nông dân ở Trung Quốc.

Ngày 08/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Chính phủ thông báo tình hình xung đột Pháp - Hoa tại Hải Phòng và một số triển khai chuẩn bị cho khả năng đàm phán tại Pari. Buổi chiều, Bác triệu tập 50 cán bộ chỉ huy tự vệ thành Hà Nội nhắc nhở nhiệm vụ tuyên truyền cho dân chúng và cảnh giác với những âm mưu của quân Pháp, phải nhã nhặn nhưng không nhu nhược, phải chuẩn bị chủ động và liên tục. Cũng ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Nghiêm lệnh” với nội dung “Chính phủ hạ lệnh cho toàn thể nhân dân và bộ đội phải giúp đỡ cho quân đội Trung Hoa, trong lúc Quân đội Trung Hoa thoái triệt...”32.

Ngày 08/3/1952, lần đầu kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Bác viết thư động viên: “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến... Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ.

Nhân dịp 08/3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc... Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sỹ... Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”33.

Cùng ngày, Bác viết bài “Nam nữ bình quyền” với những lập luận sâu sắc: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to!

Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó.

Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội.

Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu...

Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”34.

Ngày 08/3/1965, Bác Hồ đến thăm Nhà máy Dệt 8/3 là công trình xây dựng có phần vốn đóng góp của phụ nữ và hiện đại nhất miền Bắc vào thời điểm đó. Cùng ngày, trong bài “Sách trắng của Mỹ” trên Báo Nhân Dân, Bác vạch rõ bản chất và kết cục tất yếu của cuộc chiến tranh Việt Nam: “Đế quốc Mỹ chỉ có thể chọn một trong hai con đường: Hoặc là chuẩn bị tinh thần chờ đón một trận Điện Biên Phủ, hoặc là thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954, tức là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược... Nếu đế quốc Mỹ khôn hồn theo con đường thứ hai, nhân dân Việt Nam sẽ sẵn sàng hoan tống họ một cách lịch sự”35.

Ngày 09/3

“Non nước này vẫn là non nước Việt Nam”.

Ngày 09/3/1923, Nguyễn Ái Quốc dự họp của Ủy ban Hành động chống chiến tranh và chủ nghĩa đế quốc của Quận 14 thành phố Pari tổ chức tại Nhà Công đoàn.

Ngày 09/3/1946, Báo Cứu Quốc đăng “Tuyên cáo dân chúng Pháp và Việt Nam” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Lơcléc (Leclerc) đồng ký tên nêu rõ chủ trương quân Pháp sẽ trở lại khu vực phía Bắc vĩ tuyến 16 và kêu gọi người Pháp và người Việt Nam hãy tuân lệnh những người lãnh đạo của 2 nước, thi hành các mệnh lệnh một cách triệt để để cùng nhau xây dựng kinh tế và kiến thiết.

Ngày 09/3/1946, tiếp và trả lời phỏng vấn của báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán chính giới Pháp chưa thực sự tôn trọng nền thống nhất của Việt Nam và khẳng định: “Nếu chiến tranh kéo dài, thì khối Liên hiệp Pháp cũng hỏng, lợi quyền Pháp ở Á Đông cũng mất, nước ta sẽ bị tàn phá tiêu điều. Nhưng dù tiêu điều đến đâu, non nước này vẫn là non nước Việt Nam. Trên đống xương máu, trên đống tro tàn, thanh niên ta, con cháu ta, sẽ xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”36.

Ngày 09/3/1953, Bác viết bài “Giai cấp nông dân” đăng trên Báo Cứu Quốc nêu rõ: Giai cấp nông dân là quân chủ lực của cách mạng đóng góp cũng như hy sinh nhiều nhất cho cách mạng. Tuy nhiên giai cấp này vì hoàn cảnh kinh tế lạc hậu mà nông dân thường có tính thủ cựu, rời rạc, tư hữu. Do vậy giai cấp công nhân phải đoàn kết họ, giúp đỡ họ, và lãnh đạo họ vì họ là lực lượng rất to lớn vững chắc. Thế là công nông liên minh.

Ngày 09/3/1959, Bác Hồ kết thúc chuyến thăm hữu nghị Inđônêxia, trên đường về nước quá cảnh tại Rangun, Thủ đô Miến Điện và hạ cánh xuống sân bay Côn Minh trước khi về nước.

Ngày 09/3/1960, Báo Nhân Dân đăng bài “Tốt” trong loạt bài bình luận về “Nhanh - nhiều - tốt - rẻ”. Phân tích yếu tố “Tốt”, Bác nhấn mạnh đến chất lượng sản phẩm và kết thúc bằng mấy câu văn vần dễ nhớ:

“Làm nhanh mà không tốt,

Có gì là vẻ vang?

Đó là người làm chủ,

Tính toán phải đàng hoàng:

Nhiều, nhanh, tốt, rẻ rõ ràng

Lợi dân, lợi nước đôi đàng vẹn đôi”37.

Ngày 09/3/1961, Bác đến thăm Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III và căn dặn: “… Phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật... Chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới...”38.

Ngày 09/3/1967, Bác viết bài “Đáng khen và đáng chê” đăng trên Báo Nhân Dân. Đưa ra tấm gương một Chủ tịch Ủy ban xã vừa công tác tốt vừa nuôi lợn giỏi và tình trạng “mổ lợn bừa bãi” của một cửa hàng thực phẩm cũng trong tỉnh Thái Bình, dưới bút danh “Chiến Sỹ” Bác yêu cầu những cơ quan có trách nhiệm kịp thời khen chê để làm gương cho mọi người.

Ngày 10/3

“Cần phải gìn giữ từng giọt máu của đồng bào”.

Ngày 10/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào Nam bộ, các chiến sỹ ở tiền tuyến và Ủy ban Hành chính Nam bộ để thông báo về việc chính phủ đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3 và khẳng định: “Đối với nước Việt Nam ta, sự ký kết đó có một kết quả hay là nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam là một nước tự chủ... Trong giờ phút này, tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng... Chúng ta cần phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc”39.

Ngày 10/3/1958, đến thăm Sư đoàn 316 thực hiện chủ trương tham gia xây dựng kinh tế chuẩn bị lên Tây Bắc, Bác căn dặn: “Đánh đế quốc thì có một thứ giặc trước mắt, nhưng trong nông nghiệp thì có nhiều kẻ thù: Nào trời không mưa thuận gió hòa, nào sâu bọ phá hoại. Đánh giặc trong nông nghiệp phức tạp hơn đánh giặc thực dân...”40. Trước khi chia tay, Bác ứng khẩu tặng bài thơ:

Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá

Núi cao, chí khí ta còn cao hơn

Khó khăn ta quyết vượt cho kỳ được

Gian khổ không làm lòng ta sờn

Đảng phái ta lên mặt trận sản xuất

Nhiệm vụ ấy ta quyết làm cho tròn

Đội ơn đào tạo người, quân đội

Quyết chí đền bù, nghĩa nước non.

Ngày 10/3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay Gia Lâm đón Vua Lào Xrixavang Votthana, Thủ tướng Hoàng thân Xuvana Phuma sang thăm hữu nghị Việt Nam. Phát biểu tại các sự kiện đón tiếp phái đoàn, Bác dành những lời tốt đẹp nhất: “Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”, “Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chân thành ủng hộ chính sách hòa bình trung lập của Vương quốc Lào, sẽ hết lòng ủng hộ mọi cố gắng của Nhà vua và của Hoàng thân Thủ tướng nhằm xây dựng một nước Lào giàu mạnh”41 và đánh giá ý nghĩa của chuyến thăm bằng câu thơ:

“Bấy lâu cách trở quan hà

Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau”.

Ngày 10/3/1966, Bác Hồ gửi thư khen ngợi quân dân Nghệ An: “Ngày 07/3 vừa qua, tỉnh ta đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 900 của giặc Mỹ trên miền Bắc. Thế là tính đến nay Nghệ An đó bắn rơi hơn 150 máy bay Mỹ... Nhân dịp này, Bác nhắc đồng bào và cán bộ chớ vì thắng lợi mà chủ quan…”42.

Ngày 10/3/1968, Bác viết thư gửi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn: “Nhớ lại hồi Nôen năm ngoái, Chú có ý khuyên B.(Bác) đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, B. rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn... Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em... Có lẽ Chú và đồng chí khác e rằng sức khoẻ của B. không cho phép B. đi chơi xa. Nhưng, thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khoẻ tiến bộ mau hơn”43. Rất tiếc, đúng vì lý do sức khoẻ mà nguyện vọng đó chưa kịp thực hiện...

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích

28. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 173.
29. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 85.
30, 31. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 135, 367.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 198.
33 , 34. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 431-432, 433.
35. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 405.
36. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 86.
37,38. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 91, 295-296.
39. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 199-200.
40. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 55.
41. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 37-38.
42, 43. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 51, 337.

Bài viết khác: