Chỉ mục bài viết

 Ngày 04/3

“Dân chủ là phê bình thật thà”.

Ngày 04/3/1928, Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Béclin - Thủ đô nước Đức đã được cơ quan giao thông bí mật của Quốc tế Cộng sản bố trí gặp một số đồng bào tại trụ sở Liên minh Phản đế trên đường từ Pháp qua Liên Xô.

18 năm sau, Chủ tịch Chính phủ Kháng chiến mới được thành lập sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I chủ trì phiên họp đầu tiên để soạn thảo Tuyên ngôn của Chính phủ, xác định chính sách ngoại giao và quyết định lập một tiểu ban soạn thảo đối sách trong đàm phán với Pháp do Chủ tịch Nước đứng đầu. Ngay buổi chiều hôm đó, Bác cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam đã thông báo với Chính phủ kết quả thăm dò đại diện Trung Hoa và Hoa Kỳ về chủ trương đàm phán với Pháp. Cũng trong ngày, Bác còn tiến hành các cuộc tiếp xúc với đại diện Pháp G.Xanhtơni và với giới báo chí.

Đó là một ngày với những nỗ lực ngoại giao phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm điều hòa những quyền lợi của các thế lực trong nước cũng như quốc tế có liên quan, để tìm một giải pháp hòa bình tránh bùng nổ xung đột bảo đảm cho nền độc lập của quốc gia non trẻ. Về đêm, rạng ngày 05/3/1946, tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi nguy cơ đụng độ quân sự giữa Pháp và Tưởng tại Hải Phòng đang trở thành điều khó tránh. Bác và Thường vụ Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình và bàn việc ứng phó một khi xung đột quân sự giữa các thế lực nước ngoài bùng nổ.

Nhưng chỉ một năm sau, ngày 04/3/1947, vị Chủ tịch Chính phủ Kháng chiến đã trên đường hành quân rời vùng đất Sơn Tây qua bến phà Trung Hà để di chuyển căn cứ địa sang đất Phú Thọ. Ngày 04/3/1950, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân tới Bắc Kinh để tiếp xúc với các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ngày 04/3/1952, Bác Hồ gặp gỡ các chiến sỹ thi đua công nông binh toàn quốc họp đại hội và căn dặn: “Các cô, các chú cũng như Bác không phải làm quan mà là làm đầy tớ cho dân. Đầy tớ làm sai thì phải phê bình. Như thế là dân chủ. Dân chủ là phê bình thật thà”17. Trên Báo Cứu Quốc ra cùng ngày, với bút danh “Đ.X”, Bác viết bài “Kính chúc các cụ nghìn tuổi” giới thiệu chính sách quan tâm đến người cao tuổi ở Liên Xô và đề nghị các địa phương nào có các cụ thọ trên dưới 90 tuổi thì qua tờ báo của Mặt trận báo cho người đứng đầu Chính phủ biết.

Ngày 04/3/1969, Bác gửi điện tới Luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đánh giá: “Dân tộc ta có thể tự hào là một dân tộc anh hùng, trước hết là do toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược... Sự ra đời và những hoạt động tích cực của Liên minh... do Chủ tịch lãnh đạo là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”18.

Ngày 05/3

"Kế tục truyền thống anh dũng đời trước”.

Ngày 05/3/1930, Nguyễn Ái Quốc viết “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam” (viết bằng tiếng Anh) trình bày theo quan điểm lịch sử phong trào chống thực dân Pháp qua những thời kỳ. Sau khi điểm lại các phong trào kể từ trước 1905 là “một hỗn hợp giữa chủ nghĩa phản đế, chống công giáo và Cần Vương”... cho đến sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên... Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh đến một bước chuyển mạnh mẽ: "Ngày nay các nhóm cộng sản đã thống nhất vào một đảng, hoạt động nhất định sẽ tốt hơn trước nhiều... Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng với kinh nghiệm và lòng hy sinh, với quần chúng ở bên cạnh, những người cộng sản nhất định sẽ chiến thắng”19.

Một năm sau, ngày 05/3/1931, Nguyễn Ái Quốc viết bài lên án chiến dịch khủng bố của đế quốc và biểu dương ý chí kiên cường của quần chúng cách mạng không có lưỡi lê, bom đạn và súng máy nào có thể dập tắt được tinh thần đó.

Ngày 05/3/1946, nguy cơ cuộc xung đột Pháp - Tưởng đó gần kề khi hạm đội của Pháp đã tiến gần vào Cảng Hải Phòng. Ủy ban Kháng chiến toàn quốc vừa được thành lập đã ra lời hiệu triệu: “Đồng bào hãy đứng dậy chống giặc! Giờ nghiêm trọng của Tổ quốc đã đến!...”. Theo dõi tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: Điều mà chúng ta chú trọng nhất là chuẩn bị, bình tĩnh, giữ vững tinh thần. Trong ngày 05/3/1946, Bác vẫn ở Vân Canh (Hoài Đức, Hà Đông) dự Hội nghị bất thường của Trung ương sẵn sàng ứng phó với tình hình.

Một năm sau, ngày 05/3/1947, trước tình hình quân Pháp từ Hà Nội đang âm mưu chiếm tỉnh lỵ Hà Đông, Bác viết thư kêu gọi đồng bào: “Chúng ta không hoang mang. Chúng ta phải nhẫn nại, phải cương quyết. Thắng lợi cuối cùng nhất định về tay ta”20. Với đồng bào hậu phương Bác mong mỏi: “Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên”21.

Bác viết thư gửi Quốc hội và nhân dân Pháp nêu rõ: “Máu Pháp và Việt chảy đã nhiều. Chiến tranh không nên kéo dài nữa. Chiến tranh không đưa đến đâu cả. Chúng tôi sẵn sàng lập lại hoà bình. Chỉ cần Quốc hội và nhân dân Pháp có một cử chỉ thân thiện”22.

Ngày 05/3/1951, nói chuyện với Hội nghị của Bộ Tổng tư lệnh họp tại Điếm Mạc (Định Hoá - Thái Nguyên) triển khai chiến dịch Trung Du, Bác động viên: “Các đồng chí sẽ đi qua dải đất lịch sử Bạch Đằng - Vạn Kiếp là dịp để các đồng chí tưởng nhớ lại tấm gương oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc ta, để cùng nỗ lực tiêu diệt được nhiều giặc, giành toàn thắng cho chiến dịch, kế tục truyền thống anh dũng đời trước, tiếp tục chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc”23.

Ngày 05/3/1960, Bác dự Hội nghị cán bộ Thanh tra và một lần nữa vạch rõ: “Nếu không kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô, thì nó sẽ cản trở, phá hoại ta tiến lên chủ nghĩa xã hội... nhiệm vụ các Ban Thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, cho kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy”24.

Ngày 06/3

“Tự hào vì miền Nam Thành đồng Tổ quốc

Ngày 06/3/1946 là một thời điểm nghiêm trọng. Buổi sáng, đụng độ đã nổ ra giữa quân Pháp và quân Tưởng tại cảng biển Hải Phòng. Ngoại giao con thoi giữa tất cả các bên đều diễn ra khẩn trương để tháo ngòi nổ. Tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội đồng Chính phủ họp để hoàn chỉnh dự thảo một văn bản để ký kết với Pháp. Toàn thể hội đồng đã nhất trí và ký vào biên bản tán thành.

Và 16h30 phút, Hiệp định Sơ bộ đã được ký kết tại số nhà 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội với những điều khoản khẳng định nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội và tài chính của mình; việc hợp nhất ba kỳ do nhân dân Việt Nam tự giải quyết... và nằm trong Liên bang Đông Dương cũng như trong Khối Liên hiệp Pháp. Phát biểu sau lễ ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi không thoả mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn”25.

Một năm sau, ngày 06/3/1947, cuộc kháng chiến toàn quốc đó bước qua tháng thứ ba, gặp gỡ những người làm việc gần mình, Bác giải thích: Sức ta bây giờ như chàng trai mười sáu mà sức giặc bây giờ như một lão già quỷ quyệt, độc ác. Nếu ta cậy sức đánh bừa thì sao chắc thắng được. Phải vừa đánh vừa nuôi sức mình cho khỏe lên... Khi sức ta đã khoẻ, giặc suy yếu dần, ta mới lừa thế quật ngã nó, như vậy mới chắc thắng. Cho nên kháng chiến trường kỳ mới nhất định thắng lợi. Và những người giúp việc gần Bác nhất từ đó, mang các tên: Kháng, Chiến, Trường, Kỳ, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

Ngày 06/3/1948, Bác gửi thư tới Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ hai nêu tầm quan trọng của công tác chính trị và phẩm chất của người chính trị viên: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn... Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc”26.

Ngày 06/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Inđônêxia Xucácnô đến thăm làng Ubut, một căn cứ kháng chiến chống Nhật của Inđônêxia và thăm thủ phủ Bali.

Ngày 06/3/1967, Bác Hồ gửi thư khen quân dân Thanh Hóa bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.700 và 1.701 của Mỹ. Cùng ngày, Bác viết thư gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ hoan nghênh cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhấn mạnh: Tổ quốc và nhân dân Việt Nam rất tự hào vì miền Nam thành đồng Tổ quốc.

Tháng 3/1948 (không đề ngày) nội dung trong lá thư Bác gửi Giám đốc Sở Công an khu 12 ngày nay đó trở thành “6 điều Bác Hồ dạy” của Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam: “Tư cách người công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tuỵ.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”27.

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích

 17. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 171-172.
18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 448.
19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 37-38.
20,21,22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.5, tr. 80, 81, 84.
2 3. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 26.
24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 81.
25. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 172.
26, 27. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 392-393, 406.

Bài viết khác: