Chỉ mục bài viết

Ngày 01/4

"Châu chấu đấu voi".

Ngày 01/4/1921, Nguyễn Ái Quốc tố cáo chế độ thực dân bằng bài viết “Mười trường học - 1500 đại lý rượu” đăng trên tờ La Vie Ouvrière (Đời sống công nhân). Bài báo đưa ra những con số thống kê ở Đông Dương về số trường học ít ỏi bao nhiêu thì các đại lý rượu và thuốc phiện lại nhiều gấp bội, mang lại những hậu quả khiến cho người dân bản xứ ngu dốt và nghiện ngập.

Một năm sau, ngày 01/4/1922, số đầu tiên của tờ Le Paria (Người cùng khổ), “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” ra mắt bạn đọc tại Pari. Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí là dân các thuộc địa của Pháp tham gia làm tờ báo lấy mục đích là lên án chủ nghĩa thực dân và giác ngộ nhân dân các nước thuộc địa đoàn kết lại. “Lời kêu gọi” viết: Báo Le Paria là vũ khí để chiến đấu. Sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người!. Trên trang nhất của số báo này cũng đăng thông báo đề tài “Sân khấu Việt Nam” sẽ do Nguyễn Ái Quốc trình bày trong chương trình sinh hoạt của Câu lạc bộ Ngoại ô tháng 4-1922.

Ngày 01/4/1942, Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại Cao Bằng đăng bài “Ca sợi chỉ” gồm 20 câu thơ lục bát của Nguyễn Ái Quốc khích lệ tinh thần yêu nước và cổ động đồng bào tham gia Mặt trận Việt Minh:

"… Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,

Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.

Yêu nhau xin nhớ lời nhau,

Việt Minh hội ấy mau mau phải vào”1.

Ngày 01/4/1949, cũng trong một phiên chủ trì Hội đồng Chính phủ họp thảo luận thông qua chương trình kinh tế, kế hoạch quân sự và thay đổi nhân sự. Cùng ngày, Bác viết thư cảm ơn Công đoàn Vận tải Sông Thao (Yên Bái) đã tặng chiếc áo trấn thủ đẹp, trong thư viết: “Cảm ơn các bạn đã biếu tôi một áo trấn thủ rất đẹp. Vận tải là một việc quan trọng cho Chính phủ và nhân dân, tôi rất vui lòng các bạn đã quyết xung phong thi đua ái quốc về ngành ấy và chúc các bạn thành công”2.

Ngày 01/4/1950, để giải thích chính sách xây dựng “Quỹ Công lương” mới được ban hành, với bút danh “T.L”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “… Sắc lệnh lập quỹ Công lương, mục đích để nhân dân góp lương thực vào công quỹ quốc gia, cấp dưỡng bộ đội, công nhân viên chức làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ..., cốt để giải quyết vấn đề tiếp tế khó khăn hiện nay và sau này trong giai đoạn tổng phản công. Cuộc kháng chiến càng gần thắng lợi càng đòi hỏi nhiều hơn công sức của nhân dân. Quỹ Công lương được nhân dân hăng hái đóng góp nhanh chóng sẽ là một sức mạnh mới đẩy nhanh cuộc chuẩn bị tiến sang giai đoạn cuối cùng và bảo đảm cho tổng phản công thắng lợi hoàn toàn”3.

Ngày 01/4/1953, Báo Nhân Dân đăng bài “Con voi với con muỗi” của Bác (ký tên C.B) phê phán ý kiến của một nghị sĩ Pháp đi thăm vùng tạm chiếm, cho rằng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam giống như cuộc chiến tranh giữa con muỗi với con voi. Đảo ngược lại, Bác khẳng định quan điểm của mình bằng một câu ca:

“Nay tuy châu chấu đấu voi,

Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”4.

Ngày 02/4

“Tình hữu ái vô sản”.

Ngày 02/4/1921, tại tư gia của luật sư Phan Văn Trường ở Pari, Nguyễn Ái Quốc đã họp bàn với nhiều Việt kiều đang sống ở Pháp về việc thành lập một tổ chức lấy tên là “Hội Thân ái” để giúp đỡ những đồng bào Việt Nam sống trên đất Pháp. Sau cuộc họp này, Hội đã được thành lập ngay trong tháng 4-1923.

Ngày 02/4/1924, Tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản (bản tiếng Pháp) đăng bài “Chủ nghĩa đế quốc Pháp dám làm những gì?” của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo kết luận bằng câu: “Chủ nghĩa đế quốc Pháp quả là không hề ngần ngại nhúng tay vào những tội ác bỉ ổi nhất"5 sau khi thuật lại sự kiện thực dân Pháp đồng lõa với đế quốc Anh ở Ấn Độ hay chính sách đối với những người dân Tripôli (Libi) đang trốn sang lánh nạn tại Tuynidi vì bị đế quốc Italia lùng bắt.

Cũng trong tháng 4-1924, trên Tạp chí Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Nông dân Bắc Phi” khảo sát nền văn hóa và đời sống của nông dân ở các nước như Tuynidi, Marốc hay Angiêri... đã trở thành thuộc địa của Pháp và tại đó: “Chế độ thuộc địa của Pháp đã phá vỡ tính tập thể của dân bản xứ và thay vào đó bằng sự cướp đoạt trắng trợn... Bọn thực dân, rốt cuộc là kẻ chiến thắng và những người dân bản xứ phải ngoan ngoãn phục tùng chúng và nhường đất cho chúng”6. Bài báo cũng đưa ra câu hỏi “Chế độ thuộc địa ấy đem lại lợi ích gì cho những người nông dân nghèo Pháp? Không! Chỉ có những tên chính khách bẩn thỉu, những bọn con buôn tham lam và tư bản lớn được lợi mà thôi!”7. Từ thực tiễn đó, tác giả liên hệ: “Khó có thể nói được rằng ai trong số họ: Người An Nam ở Đông Dương, người da đen ở Cônggô hay là Xênêgan, hay là người bản xứ ở Bắc Phi - bị bóc lột nhiều hơn”8 để rồi đi đến kết luận: “Người Bắc Phi sẽ biến khỏi mặt đất, nếu giai cấp vô sản giác ngộ không đến cứu họ khỏi nền “văn minh” quái vật”9.

Cũng trong khoảng thời gian này, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Đoàn kết giai cấp” thuật lại một sự kiện diễn ra trong phong trào công nhân ở Braxin, lúc này đang là thuộc địa của Bồ Đào Nha, để đi đến một kết luận quan trọng: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”10.

Ngày 02/4/1960, chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Bác nêu lên tình trạng tham ô lãng phí nhắc từ lâu nhưng lâu nay không ai làm và phân tích tình trạng đó xuất phát từ việc quản lý, kỷ luật tài chính kém, tinh thần trách nhiệm kém, kiểm tra đôn đốc kém và cho rằng bốn cái đó đã mở cửa cho tham ô lãng phí. Bác chỉ thị cho các Bộ phải khắc phục tình trạng trên bằng cuộc vận động kết hợp với phong trào thi đua sản xuất, kết hợp tuyên truyền giáo dục, kỷ luật, thưởng phạt và tăng cường công tác kiểm tra.

Ngày 03/4

“Giúp nhân dân nước bạn cũng là mình tự giúp mình”.

Ngày 03/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo và chỉ đạo đối phó với việc Ngân hàng Đông Dương lúc này Pháp kiểm soát, đã phát hành loại giấy bạc 100 đồng, đồng thời, ra lệnh đình chỉ việc đổi loại giấy bạc 500 đồng, một âm mưu phá hoại nền tài chính của đất nước. Chính phủ cũng bác bỏ việc ký khoản ước tạm thời về thư tín và hàng không giữa Trung Hoa và Việt Nam.

Trong ngày này, Bác ký Sắc lệnh cử nhân sự vào Ban Vận động Trung ương Đời sống mới, trong đó có các vị: Đoàn Tâm Đan, Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Nguyễn Huy Tưởng, Đỗ Đức Dục, Phạm Biểu Tâm... “Đời sống mới” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ cấp bách mà tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời được triệu tập chỉ một ngày sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập (03/9/1945), đã xác định là: Giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.

Chuẩn bị mở Chiến dịch Thượng Lào, ngày 03/4/1953, Bác viết thư gửi tới các chiến sỹ của 4 Đại đoàn (308, 304, 312, 316) phối hợp với các lực lượng vũ trang của Pathét Lào. Thư nêu rõ: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”. Bác nhắc nhở: “Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân của nước bạn. Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tất cả phải có quyết tâm rất cao, rất bền, tranh nhiều thắng lợi...”11.

Ngày 03/4/1960, Bác gửi thư cảm ơn đồng bào Thủ đô đã đề nghị Chủ tịch Nước ra ứng cử tại Hà Nội trong lần bầu Quốc hội Khóa II và thông báo sẽ ra ứng cử tại quận Ba Đình, đồng thời hô hào bà con cử tri “hăng hái tham gia hoạt động, làm cho cuộc Tổng tuyển cử này đại thắng lợi”12. Cùng ngày, Báo Nhân Dân đăng bài “Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng” của Bác (dưới bút danh Đ.X.). Đây là bước chuẩn bị cho Đại hội lần thứ III của Đảng, trong đó Bác chỉ rõ cuộc thảo luận phải nhằm vào ba mục đích: Nâng cao đạo đức cách mạng của đảng viên; đoàn kết và củng cố tốt chi bộ; đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ của Đảng đề ra.

Ngày 03/4/1965, nhân kỷ niệm 10 năm Hội nghị và Tinh thần Băngđung, Bác gửi điện chúc mừng tới Tổng thống Cộng hòa Inđônêxia Xucácnô là nước đăng cai sự kiện lịch sử này, để khẳng định: “Lịch sử trong mười năm qua đã chứng minh một cách hùng hồn sự đúng đắn, sức mạnh và sức sống của những nguyên tắc đã được nêu ra ở Băngđung... Nhân dân Việt Nam yêu hòa bình nhưng quyết không bao giờ lùi bước trước bất kỳ một sự đe dọa nào của bọn đế quốc...”13.

Ngày 04/4

 “Cần phải khôn khéo và cẩn thận từ lời nói đến việc làm”.

Ngày 04/4/1923, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Văn Ái đã họp tại trụ sở Hội Liên hiệp Thuộc địa ở Pari để bàn về tờ báo Le Paria” (Người cùng khổ) lúc này đang gặp khó khăn về tài chính. Nguyễn Ái Quốc nêu ý kiến rằng bằng mọi giá, tờ báo phải sống, vì nếu tờ báo chết trong lúc này thì sẽ làm thiệt hại lớn đến công tác tuyên truyền mà giữa lúc đó hơn lúc nào hết nhân dân vô sản thế giới phải lên tiếng chống lại những kẻ bóc lột.

Ngày 04/4/1926, với bút danh là “Mộng Liên”, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Về sự bất công” đăng trên mục “Dành cho phụ nữ” của tờ báo Thanh Niên xuất bản tại Quảng Châu, Trung Quốc. Bài báo nêu lên những quan niệm khinh rẻ phụ nữ của xã hội cũ: “Đại đức Khổng Tử nói: Chồng phải dạy vợ. Đức Mạnh Tử lại lưu ý rằng: Đàn bà và trẻ con khó dạy bảo... Người Trung Quốc thường so sánh phụ nữ với con gà mái... Ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp”14 rồi nêu vấn đề: “Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?”15.

Ngày 04/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội đồng Chính phủ họp bất thường để thông báo việc mình đã gặp để thảo luận trực tiếp với Đô đốc Đắcgiăngliơ (D’Argenlieu) và sau hai lần sửa chữa, phía Pháp đã phải chấp nhận một thông báo gần đúng với chủ trương của ta, đồng thời, G.Xanhtơni (J.Sainteny) đã phải đưa ra đề nghị tổ chức cuộc hội nghị trù bị họp ở Đà Lạt.

Ngày 04/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Đặc phái viên Chính phủ tại Thanh Hóa là Vũ Đình Huỳnh giao nhiệm vụ cùng Giám mục Lê Hữu Từ “… Dàn xếp việc xích mích giữa đồng bào lương giáo, để thực hiện đoàn kết kháng chiến. Vì vậy, chú cần phải khôn khéo và cẩn thận từ lời nói cho đến việc làm…”16 và bằng mọi cách để giải tỏa những việc hiểu lầm dẫn đến có hại cho đoàn kết. Cùng ngày, Bác ký sắc lệnh thành lập một Ủy ban Hành chính đặc biệt miền thượng du Thanh Hóa để giúp tỉnh giải quyết công việc của địa phương này.

Ngày 04/4/1952, Bác viết bài báo “Có tiền mua tiên cũng được” đăng trên Báo Cứu Quốc (ký tên là Đ.X) bình luận về việc một số nước tẩy chay không nhận các khoản cho vay của Mỹ. Bài báo kết thúc bằng việc liên hệ đến nền tài chính kháng chiến của ta: “Việt Nam ta đang phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm, Chính phủ, đoàn thể và nhân dân đồng tâm nhất trí, thì nhất định thành công:

            Không tiền ta tạo ra tiền,

            Kháng chiến thắng lợi là tiên trên đời”17.

Ngày 04/4/1963, chuẩn bị cho các cuộc gặp và hội đàm với Trung Quốc và Liên Xô của Đoàn đại biểu Đảng, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: Nói ít mà tốt. Biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 231.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 583.
3, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 35, 36, 164.
5,6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 250, 253.
7,8,9,10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 255, 257, 258, 266.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 64.
12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 120.
13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 420, 421.
14,15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 448.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 119.
17. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 447.

Bài viết khác: