Ngày 21/4
“Ngày vẻ vang sẽ không xa nữa”.
Ngày 21/4/1942, Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại chiến khu Cao Bằng đăng bài thơ “Hòn đá” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Với thể thơ ba chữ, bài thơ dễ nhớ để phổ biến cho đồng bào bài học về đoàn kết làm nên sức mạnh, trong đó có đoạn:
“Đánh Nhật, Pháp,
Giành tự do,
Là việc khó,
Là việc to.
Nếu chúng ta
Biết đồng lòng
Thì việc đó
Quyết thành công”93.
Cũng trong tháng 4/1948, trên số báo ra mắt, “Quân Sự Tập san” đăng thư của Bác với lời căn dặn: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm. Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong Quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì mỗi chiến sỹ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ. Còn những người viết thì cần phải viết một cách phổ thông, dễ hiểu, giản đơn mà rõ ràng”94.
Ngày 21/4/1949, Báo Cứu Quốc đăng thư của Bác gửi Nhà in “Vui Sống” kèm theo một cuốn lịch với nội dung: “Lịch này là thắng lợi phẩm của anh em du kích Thủ đô biếu tôi. Tôi gửi tặng anh em. Giải thưởng này rất có ý nghĩa: Mỗi ngày, anh em nhớ đến chiến sỹ đang xung phong giết giặc trước mặt trận. Mỗi ngày, anh em phải tiến bộ, phải tranh cho được một thắng lợi để góp vào thắng lợi chung của kháng chiến và kiến quốc”95.
Trên số ra mắt của “Quân Nhân Học báo” đăng bức thư của Bác ký vào tháng 4/1949 với nội dung: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”96.
Cũng vào thời điểm tháng 4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới “Đồng bào vùng Hà Nội” lúc này địch đã tạm chiếm, biểu dương: “Đồng bào trong và ngoài Hà Nội đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết. Vì vậy, mà hy sinh, đau đớn, cực khổ nhiều hơn hết. Mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết. Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc. Ngày nay chịu đựng càng nhiều, mai sau kết quả càng to. Tôi và Chính phủ cùng toàn thể bộ đội, toàn thể đồng bào, luôn luôn nhớ đến anh em ruột thịt đang tranh đấu hết sức gay go ở vùng Hà Nội... Tôi khuyên đồng bào vùng Hà Nội - trước đó cố gắng, nay cố gắng thêm; trước đó đoàn kết, nay đoàn kết hơn; tìm đủ mọi cách để phá hoại giặc, để giúp chiến sỹ ta. Chúng ta chắc thắng, vì chúng ta quyết thắng. Tôi viết thư này với tất cả tấm lòng thương xót, yêu mến và chắc chắn. Đồng bào cố tiến lên. Ngày vẻ vang sẽ không xa nữa”97.
Ngày 22/4
“Chúng tôi đã làm đúng những điều Lê-nin đã dạy”.
Ngày 22/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về các các vấn đề cấp bách về an ninh và ngoại giao trong đó có diễn biến cuộc Hội nghị Việt - Pháp đang diễn ra tại Đà Lạt, ban hành Sắc lệnh về tổ chức Quân sự ủy viên hội, bên cạnh Bộ Quốc phòng. Cũng trong ngày, Bác ký Sắc lệnh quy định thể thức lập hội theo đó thì mọi công dân được lập hội nếu như không có mục tiêu lợi nhuận, làm đồi bại phong tục, hại đến trật tự chung và sự an toàn của quốc gia.
Ngày 22/4/1951, Báo Nhân Dân đăng bài “Hũ gạo kháng chiến của phụ nữ Ngân Sơn” do Bác viết (bút danh C.B) biểu dương sáng kiến của phụ nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn) và khích lệ: “Ý nghĩa của hũ gạo kháng chiến. Đó là một cách thực hiện chữ Kiệm...”98. "Việc làm hũ gạo kháng chiến rất giản đơn mà ích lợi thì to lớn”99.
Ngày 22/4/1952, Bác tham dự và khai mạc Hội nghị Trung ương 3 Khóa II của Đảng. Kết luận báo cáo “Tình hình và nhiệm vụ”, Bác khẳng định: “Chúng ta có đủ những điều kiện thắng lợi… Như thế là chúng ta làm đúng đường lối trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, thiết thực chuẩn bị tổng phản công để giành thắng lợi cuối cùng”100.
Ngày 22/4/1960, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Lê-nin, Báo Nhân Dân đăng bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động yêu nước và cách mạng của mình, tác giả khẳng định: “Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”101.
Hai năm sau, ngày 22/4/1962, cũng trên Báo Nhân Dân đăng hai bài viết về Lê-nin. Trong bài viết “Lê-nin, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam” viết cho Báo Sự Thật (Liên Xô), Bác nêu rõ: “Được nghiên cứu sách vở Lê-nin về vấn đề dân tộc, vấn đề thuộc địa, vấn đề nông dân... những người cách mạng Việt Nam thấy rõ đó là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ... Chúng tôi đã cố gắng làm đúng như Lê-nin dạy”102. Còn trong bài “Chủ nghĩa Lê-nin vĩ đại muôn năm!” (ký tên T.L) tác giả đi đến kết luận: “Chủ nghĩa Lê-nin vĩ đại đã đưa lịch sử loài người lên giai đoạn mới - giai đoạn chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”103.
Ngày 22/4/1966, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình, nhưng phải có độc lập, tự do thật sự mới có hòa bình chân chính. Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng, chúng ta quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn để giành lấy hòa bình, độc lập, tự do thật sự”104.
Ngày 22/4/1968, Bác tham dự họp Bộ Chính trị đánh giá cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, Bác nêu một số ý kiến trong đó đưa ra yêu cầu “Chuẩn bị các việc cho thời bình, phải viết lịch sử chống Pháp, lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng phải làm dần đi”105.
Ngày 23/4
“Vấn đề nhà ở tại thôn quê”.
Ngày 23/4/1931, Nguyễn Ái Quốc viết “Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” thông báo về những cán bộ được cử về nước theo đường dây liên lạc, nhắc nhở công tác bảo vệ Đảng, giữ gìn bí mật, duy trì chế độ báo cáo của Đảng với Quốc tế Cộng sản và đề nghị Trung ương ghi nhận nhiệm vụ mình được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản phân công.
Tháng 4/1948, nhân giới kiến trúc sư trong vùng kháng chiến họp Đại hội thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư chào mừng, trong thư nêu rõ: "Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, kiến trúc là một việc rất quan hệ. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện nay và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai... đặc biệt là vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”106.
Tháng 4/1950, vào thời điểm những thắng lớn trên chiến trường đã đưa đến việc nhiều tù binh địch trong đó có những tù binh Pháp bị quân dân ta bắt giữ, khi tiếp xúc với Lêo Phigơrét (Leo Figuores), đại diện Đảng Cộng sản Pháp đang thăm vùng kháng chiến của ta, để bác bỏ luận điệu cho rằng tù binh bị ngược đãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đã đối xử tốt nhất với tù binh Pháp trong điều kiện có thể có. Bữa ăn của họ khá hơn bữa ăn của chiến sỹ chúng tôi. Chúng tôi rất hiểu nỗi đau khổ của các bà mẹ, các gia đình người Pháp có con em bị bắt làm tù binh...”107.
Ngày 23/4/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chào mừng Hội nghị các nhà báo Á - Phi và chào mừng Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới nhân ngày Thanh niên thế giới chống chủ nghĩa thực dân và đấu tranh chung sống hoà bình. Trong thư gửi tổ chức nhà báo, Bác viết: “Trong lúc các dân tộc Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ la-tinh đang anh dũng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, để bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình, các nhà báo Á - Phi đoàn kết chặt chẽ, dùng ngòi bút chính nghĩa của mình phục vụ cuộc đấu tranh cho tự do, cho chân lý, cho tương lai tươi sáng của loài người, là một nhiệm vụ cực kỳ vẻ vang”108.
Còn trong điện gửi cho Liên đoàn Thanh niên Dân chủ được ký là “Bác Hồ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “Chúc các bạn đạt được nhiều thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, để giành lấy và giữ gìn độc lập dân tộc và hòa bình thế giới, để thực hiện sự hợp tác anh em giữa tất cả các dân tộc. Các bạn hãy tăng cường thống nhất, đoàn kết để bảo đảm thắng lợi và tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ”109.
Ngày 24/4
“Cái bút là vũ khí, bài báo là tờ hịch cách mạng”.
Ngày 24/4/1967, Bác gửi thư tới đồng bào, cán bộ và bộ đội Hải Phòng khen ngợi: “Ngày 20/4/1967, quân và dân Hải Phòng đã đánh thắng vẻ vang, trừng trị đích đáng bước leo thang mới đầy tội ác của giặc Mỹ”110. Và căn dặn “phải nâng cao cảnh giác, làm tốt công tác phòng không nhân dân, đánh giỏi, thắng lớn hơn nữa”111.
Ngày 24/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ nhằm ứng phó với việc thực dân Pháp khiêu khích bắt bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là thành viên phía Việt Nam tham gia Hội nghị trù bị Việt - Pháp đang họp tại Đà Lạt cũng như việc quân Pháp định tiến đóng Điện Biên Phủ và việc quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng thỏa thuận tỷ giá giữa đồng Quan kim đang mất giá để đổi lấy tiền Đông Dương nhằm phá hoại nền tài chính của nước ta... Cùng ngày, Bác ký một sắc lệnh cho phép phát hành con tem in hình Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu kèm theo dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Dân sinh” để tạo nguồn phụ thu nộp cho “Quỹ cứu tế Quốc gia”.
Ngày 24/4/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Bác đến thăm và nói chuyện với học viên Khóa II Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và đưa ra những quan điểm về phương pháp và mục tiêu học tập lý luận. Bác nói: “Việc học không phải chỉ xem sách nhiều là được. Như vậy là lý luận suông. Phải kết hợp thực tiễn với lý luận, học đi đôi với trao đổi kinh nghiệm thực tế. Học phải tự giác và tự động...”. Bác đặc biệt đề cao: “Cần, kiệm, liêm, chính và gần gũi quần chúng, hai điểm ấy các đồng chí phải làm cho được. Như thế mới xứng đáng là người đảng viên, là người cách mạng”112.
Cũng trên mặt trận giáo dục, tháng 4/1952, Bác gửi thư cho các giáo sư và sinh viên Trường dự bị đại học ở Thanh Hóa cảm ơn lời thăm hỏi đã gửi cho Bác và nhắc nhở: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc. Vậy giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân”113.
Ngày 24/4/1960, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trước đông đảo bà con cử tri, Bác Hồ với tư cách là một ứng cử viên cuộc bầu cử Quốc hội Khóa II đã ra mắt đồng bào và bày tỏ sự tin tưởng rằng: “Quốc hội Khóa I là Quốc hội chiến đấu… Quốc hội Khóa II phải là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà...”114. “Những người được cử vào Quốc hội Khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”115.
Ngày 24/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh thăng cấp từ Đại tá lên Thiếu tướng cho các vị Phạm Kiệt, Phạm Ngọc Mậu, Lê Trọng Tấn, Tạ Xuân Thu, những tướng lĩnh sau đó đều trở thành những vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Ngày 24/4/1965, là một nhà báo cách mạng lão luyện, trong điện chúc mừng ngày Nhà báo Á - Phi gửi Hội Nhà báo Á - Phi, Bác viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”116.
Ban biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
93. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 233.
94,95,97. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 417, 588, 589.
96. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 300.
98, 99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 195-196.
100. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 465-466.
101, 102, 103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 128, 549-550, 553.
104. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 83.
105. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 10, tr. 194.
106. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 185.
107 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 424.
108, 109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 52-53.
110, 111. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 261.
112. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 424.
113. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 467.
114, 115. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 130, 131-132.
116. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 441.