Ngày 25/4
“Trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận”.
Ngày 25/4/1928, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ra quyết định để Nguyễn Ái Quốc trở về nước hoạt động. Biên bản của Ban Thư ký Quốc tế Cộng sản ghi rõ: “Theo nguyện vọng của đồng chí, đồng chí có thể trở về Đông Dương; chi phí chuyến đi cũng như thời gian ba tháng lưu do Đảng Cộng sản Pháp chịu”117.
Ngày 25/4/1959, sau khi dự phiên họp của Hội nghị Trung ương 16 Khóa II bàn về hợp tác hóa ở miền núi, Bác đến thăm Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội và nói: “… Nhân danh là một đảng viên ở Hà Nội, tôi phát biểu một số ý kiến với Hội nghị: Thủ đô Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa... Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”118.
Cũng trong tháng 4/1959, Bác đến thăm Triển lãm Hậu cần của quân đội và ghi vào sổ cảm tưởng: “Đó là một bước tiến đầu tiên trên con đường muôn dặm của cách mạng kỹ thuật, như một đóa hoa báo hiệu mùa Xuân. Nhưng nó đã chứng tỏ rằng trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận. Cấp lãnh đạo phải khéo khuyến khích, giúp đỡ, hướng dẫn, vun trồng thì trí tuệ và sáng kiến ấy sẽ không ngừng nở hoa, kết quả ...”119.
Ngày 25/4/1961, phát biểu tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc lần thứ II, Bác chỉ rõ: “Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, mọi người hiểu rõ mình là người chủ nước nhà và quyết tâm làm trọn nghĩa vụ người chủ thì khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được và chúng ta nhất định sẽ giành được thắng lợi nhiều hơn nữa và to lớn hơn nữa”120. Kết thúc bài nói, Bác cũng nhắc lại câu khẩu hiệu mà lần đầu đã phát biểu cách đó 10 năm (1951) tại Đại hội hợp nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”.
Ngày 25/4/1963, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về lương thực và khắc phục tình trạng thiếu đói của nông dân, Bác chỉ thị: “Phải có kế hoạch giải quyết tạm thời, trước mắt và kế hoạch dài hạn. Năm nào cũng khó khăn, bấp bênh về lương thực. Bằng cách nào thì ta phải bàn, nhưng xã hội chủ nghĩa mà như thế này thì không được, không làm cho dân phấn khởi... Cho nên làm lâu dài chỉ có hai cách là tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”121. Chính tại cuộc họp này, Bác đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm “Tổng Tư lệnh cứu đói’ và “có quyền động viên bất kỳ ai, từ tôi trở đi”.
Ngày 25/4/1964, Báo Nhân Dân công bố bài phỏng vấn của Bác trả lời nhà báo Ôxtrâylia U.Bớcxét trong đó khẳng định: “Nếu Chính phủ Mỹ đã tôn trọng điều cam kết của mình là sẽ không “dùng sức mạnh hay đe dọa dựng sức mạnh” thì đã không có chiến tranh ở miền Nam Việt Nam... Nhưng, chúng tôi phân biệt nhân dân Mỹ với đế quốc Mỹ. Chúng tôi muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng vì nhân dân Mỹ là một dân tộc tài năng, đã có nhiều cống hiến cho khoa học và nhất là gần đây đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam”122.
Ngày 26/4
“Dân như nước, quân như cá”.
Ngày 26/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo với Hội đồng Chính phủ về cuộc tiếp xúc với Tướng Giuanh (Juin), Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp vừa từ Trung Quốc đến Việt Nam nhằm tiếp tục gây sức ép buộc quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng phải nhanh chóng rút quân và trao lại quyền kiểm soát cho Pháp ở Hà Nội. Ngoài ra, Bác còn thông báo tin tức về Đoàn Quốc hội ta mới đến Pháp và cuộc Hội nghị trù bị đã bắt đầu ở Đà Lạt.
Ngày 26/4/1951, Bác đến dự Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, một chiến dịch quân sự diễn ra dọc đường 18 (Phả Lại - Uông Bí) đạt hiệu quả không cao, Bác nhắc nhở: “Tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Tư tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc... Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được… Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng.
Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân... Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội... Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc... Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí giúp cho quân đội ta trở nên quân đội tất thắng”123.
Trước đó, khi cùng Bộ Chính trị nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch kiểm thảo và tự phê bình về Chiến dịch này, Bác căn dặn: “Tự phê bình là cần, nhưng tự phê bình phải tăng cường đoàn kết, rút ra được bài học kinh nghiệm, xây dựng được lòng tin vào chiến dịch sau”124.
Tháng 4/1952, Bác đến thăm và giải đáp thắc mắc cho cán bộ lớp đảng ủy, liên chi về vấn đề quan hệ trong và ngoài Đảng. Kết luận, Bác nhắc nhở: “Đảng viên lập trường phải vững. Lập trường giúp thành tâm, thành ý phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Tư tưởng trong sạch. Tất cả đều giải quyết được, đó là chìa khóa”125.
Ngày 26/4/1960, nhận được bức thư của một nữ công dân Liên Xô, chị Ácatờrina Iuxipđôpna chúc mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 gửi tới “vợ đồng chí Hồ Chí Minh”, Bác đã thân mật viết thư cảm ơn, trong đó có đoạn: “Tôi chưa có gia đình riêng, gia đình của tôi là đại gia đình các dân tộc Việt Nam”126.
Ngày 26/4/1962, nhân dự phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa II, Bác gặp đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang và nhờ chuyển lụa tặng tới cụ Thào Mì Chúa, người Mông thọ tới 150 tuổi.
Ngày 26/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị bàn về Đại hội tuyên dương anh hùng chiến sỹ thi đua và bàn về cách đánh Mỹ, đã đưa ra quan điểm: “Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ sẽ bị thua thiệt nhiều và phải rút hết quân, ta sẵn sàng cho họ rút có thể diện”127.
Ngày 27/4
“Đạo đức của quân nhân là: Trí, nhân, tín, dũng, liêm”.
Tối ngày 27/4/1945, Hồ Chí Minh gặp Thiếu tá Acsimét Patti (Archimed Patty), người đứng đầu đơn vị tình báo chiến lược Mỹ OSS tại Côn Minh (Trung Quốc). Cuộc gặp diễn ra tại một quán trà trong một ngôi làng gần Tĩnh Tây. Bác đã cung cấp cho phía Mỹ tình hình về nạn đói đang diễn ra ở miền Bắc Việt Nam, về ý đồ của Pháp và Trung Quốc đối với Đông Dương, bày tỏ rằng: Việt Minh sẵn sàng hợp tác với người Mỹ khi nào thấy thích hợp và thông báo đang chuẩn bị thành lập một Chính phủ Việt Nam dân chủ độc lập. Những ấn tượng đầu tiên về Hồ Chí Minh được A.Patti viết lại trong hồi ức: “Con người mảnh khảnh, nhỏ bé và kỳ lạ ấy gặp tôi với nụ cười niềm nở. Ông Hồ không yêu cầu gì cả, ông chỉ trình bày cho tôi nghe giá trị tiềm tàng của tổ chức quân sự, chính trị của mình”128.
Chỉ một năm sau, ngày 27/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phái viên của Đài Vô tuyến điện Pari đến xin được thu thanh ý kiến và ba bài hát: “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít” và “Hồ Chí Minh muôn năm” để gửi về Pháp. Lúc chia tay, Bác nói: “Tôi gửi lời chào thân ái dân tộc Pháp. Mặc dù có những trở lực hiện thời, tôi tin rằng sự hợp tác dân tộc Pháp và Việt sẽ đi đến kết quả vì hai dân tộc cùng theo đuổi lý tưởng chung: Tự do, bình đẳng, bác ái”129.
Ngày 27/4/1949, Bác viết thư gửi Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân lễ tốt nghiệp khoá 4, căn dặn: “Các chú học rồi. Bây giờ phải hành. Trong lúc hành, phải học thêm mãi. Nhiệm vụ của các chú là: Giúp đẩy mạnh cuộc cầm cự và chuẩn bị tổng phản công. Mong các chú hăng hái thi đua làm tròn nhiệm vụ. Và muốn làm tròn nhiệm vụ thì ngoài kỹ thuật, còn phải giữ vững đạo đức của quân nhân là: Trí, nhân, tín, dũng, liêm”130.
Ngày 27/4/1962, đến thăm Trường Mẫu giáo Sao Sáng ở phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) Bác động viên: “Công tác mẫu giáo còn mới mẻ và nhiều khó khăn... Sau này lớn lên, các cháu trở thành người như thế nào đều có công của các cô mẫu giáo dạy cháu đầu tiên”131.
Ngày 27/4/1964, trong thư gửi cho giáo viên và học sinh Trường Phổ thông cấp III Đức Thọ, Hà Tĩnh nhân dịp nhà trường được mang tên “Trần Phú”, Bác động viên: “Đó là một vinh dự lớn cho nhà trường. Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”132. Trong sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” (ký T.Lan), Bác viết: Đồng chí Trần Phú là một trong những thanh niên đầu tiên sang học ở Ban Huấn luyện chính trị tại Quảng Châu rồi tham gia Hội Thanh niên cách mạng đồng chí và được giới thiệu đi học ở Mátxcơva một thời gian. Vào khoảng tháng 4 năm 1930, đồng chí Trần Phú trở lại Trung Quốc gặp Bác bàn bạc công việc Đảng rồi về nước hoạt động. Tháng 10/1930, Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất chính thức bầu đồng chí làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Là người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng, tuy chỉ hoạt động được non một năm".
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
117. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 1, tr. 390.
118,119. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 420-421, 427.
120 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 349.
121. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 378.
122. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 252-253.
123. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 206-207.
124,125. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 36, 197.
126. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 460.
127. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 10, tr. 345.
128 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 2, tr. 237.
129. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 205-206.
130. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 302.
131 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 224.
132. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 255.