Ngày 01/4
"Châu chấu đấu voi".
Ngày 01/4/1921, Nguyễn Ái Quốc tố cáo chế độ thực dân bằng bài viết “Mười trường học - 1500 đại lý rượu” đăng trên tờ La Vie Ouvrière (Đời sống công nhân). Bài báo đưa ra những con số thống kê ở Đông Dương về số trường học ít ỏi bao nhiêu thì các đại lý rượu và thuốc phiện lại nhiều gấp bội, mang lại những hậu quả khiến cho người dân bản xứ ngu dốt và nghiện ngập.
Một năm sau, ngày 01/4/1922, số đầu tiên của tờ Le Paria (Người cùng khổ), “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” ra mắt bạn đọc tại Pari. Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí là dân các thuộc địa của Pháp tham gia làm tờ báo lấy mục đích là lên án chủ nghĩa thực dân và giác ngộ nhân dân các nước thuộc địa đoàn kết lại. “Lời kêu gọi” viết: Báo Le Paria là vũ khí để chiến đấu. Sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người!. Trên trang nhất của số báo này cũng đăng thông báo đề tài “Sân khấu Việt Nam” sẽ do Nguyễn Ái Quốc trình bày trong chương trình sinh hoạt của Câu lạc bộ Ngoại ô tháng 4-1922.
Ngày 01/4/1942, Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại Cao Bằng đăng bài “Ca sợi chỉ” gồm 20 câu thơ lục bát của Nguyễn Ái Quốc khích lệ tinh thần yêu nước và cổ động đồng bào tham gia Mặt trận Việt Minh:
"… Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.
Yêu nhau xin nhớ lời nhau,
Việt Minh hội ấy mau mau phải vào”1.
Ngày 01/4/1949, cũng trong một phiên chủ trì Hội đồng Chính phủ họp thảo luận thông qua chương trình kinh tế, kế hoạch quân sự và thay đổi nhân sự. Cùng ngày, Bác viết thư cảm ơn Công đoàn Vận tải Sông Thao (Yên Bái) đã tặng chiếc áo trấn thủ đẹp, trong thư viết: “Cảm ơn các bạn đã biếu tôi một áo trấn thủ rất đẹp. Vận tải là một việc quan trọng cho Chính phủ và nhân dân, tôi rất vui lòng các bạn đã quyết xung phong thi đua ái quốc về ngành ấy và chúc các bạn thành công”2.
Ngày 01/4/1950, để giải thích chính sách xây dựng “Quỹ Công lương” mới được ban hành, với bút danh “T.L”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “… Sắc lệnh lập quỹ Công lương, mục đích để nhân dân góp lương thực vào công quỹ quốc gia, cấp dưỡng bộ đội, công nhân viên chức làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ..., cốt để giải quyết vấn đề tiếp tế khó khăn hiện nay và sau này trong giai đoạn tổng phản công. Cuộc kháng chiến càng gần thắng lợi càng đòi hỏi nhiều hơn công sức của nhân dân. Quỹ Công lương được nhân dân hăng hái đóng góp nhanh chóng sẽ là một sức mạnh mới đẩy nhanh cuộc chuẩn bị tiến sang giai đoạn cuối cùng và bảo đảm cho tổng phản công thắng lợi hoàn toàn”3.
Ngày 01/4/1953, Báo Nhân Dân đăng bài “Con voi với con muỗi” của Bác (ký tên C.B) phê phán ý kiến của một nghị sĩ Pháp đi thăm vùng tạm chiếm, cho rằng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam giống như cuộc chiến tranh giữa con muỗi với con voi. Đảo ngược lại, Bác khẳng định quan điểm của mình bằng một câu ca:
“Nay tuy châu chấu đấu voi,
Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”4.
Ngày 02/4
“Tình hữu ái vô sản”.
Ngày 02/4/1921, tại tư gia của luật sư Phan Văn Trường ở Pari, Nguyễn Ái Quốc đã họp bàn với nhiều Việt kiều đang sống ở Pháp về việc thành lập một tổ chức lấy tên là “Hội Thân ái” để giúp đỡ những đồng bào Việt Nam sống trên đất Pháp. Sau cuộc họp này, Hội đã được thành lập ngay trong tháng 4-1923.
Ngày 02/4/1924, Tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản (bản tiếng Pháp) đăng bài “Chủ nghĩa đế quốc Pháp dám làm những gì?” của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo kết luận bằng câu: “Chủ nghĩa đế quốc Pháp quả là không hề ngần ngại nhúng tay vào những tội ác bỉ ổi nhất"5 sau khi thuật lại sự kiện thực dân Pháp đồng lõa với đế quốc Anh ở Ấn Độ hay chính sách đối với những người dân Tripôli (Libi) đang trốn sang lánh nạn tại Tuynidi vì bị đế quốc Italia lùng bắt.
Cũng trong tháng 4-1924, trên Tạp chí Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Nông dân Bắc Phi” khảo sát nền văn hóa và đời sống của nông dân ở các nước như Tuynidi, Marốc hay Angiêri... đã trở thành thuộc địa của Pháp và tại đó: “Chế độ thuộc địa của Pháp đã phá vỡ tính tập thể của dân bản xứ và thay vào đó bằng sự cướp đoạt trắng trợn... Bọn thực dân, rốt cuộc là kẻ chiến thắng và những người dân bản xứ phải ngoan ngoãn phục tùng chúng và nhường đất cho chúng”6. Bài báo cũng đưa ra câu hỏi “Chế độ thuộc địa ấy đem lại lợi ích gì cho những người nông dân nghèo Pháp? Không! Chỉ có những tên chính khách bẩn thỉu, những bọn con buôn tham lam và tư bản lớn được lợi mà thôi!”7. Từ thực tiễn đó, tác giả liên hệ: “Khó có thể nói được rằng ai trong số họ: Người An Nam ở Đông Dương, người da đen ở Cônggô hay là Xênêgan, hay là người bản xứ ở Bắc Phi - bị bóc lột nhiều hơn”8 để rồi đi đến kết luận: “Người Bắc Phi sẽ biến khỏi mặt đất, nếu giai cấp vô sản giác ngộ không đến cứu họ khỏi nền “văn minh” quái vật”9.
Cũng trong khoảng thời gian này, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Đoàn kết giai cấp” thuật lại một sự kiện diễn ra trong phong trào công nhân ở Braxin, lúc này đang là thuộc địa của Bồ Đào Nha, để đi đến một kết luận quan trọng: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”10.
Ngày 02/4/1960, chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Bác nêu lên tình trạng tham ô lãng phí nhắc từ lâu nhưng lâu nay không ai làm và phân tích tình trạng đó xuất phát từ việc quản lý, kỷ luật tài chính kém, tinh thần trách nhiệm kém, kiểm tra đôn đốc kém và cho rằng bốn cái đó đã mở cửa cho tham ô lãng phí. Bác chỉ thị cho các Bộ phải khắc phục tình trạng trên bằng cuộc vận động kết hợp với phong trào thi đua sản xuất, kết hợp tuyên truyền giáo dục, kỷ luật, thưởng phạt và tăng cường công tác kiểm tra.
Ngày 03/4
“Giúp nhân dân nước bạn cũng là mình tự giúp mình”.
Ngày 03/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo và chỉ đạo đối phó với việc Ngân hàng Đông Dương lúc này Pháp kiểm soát, đã phát hành loại giấy bạc 100 đồng, đồng thời, ra lệnh đình chỉ việc đổi loại giấy bạc 500 đồng, một âm mưu phá hoại nền tài chính của đất nước. Chính phủ cũng bác bỏ việc ký khoản ước tạm thời về thư tín và hàng không giữa Trung Hoa và Việt Nam.
Trong ngày này, Bác ký Sắc lệnh cử nhân sự vào Ban Vận động Trung ương Đời sống mới, trong đó có các vị: Đoàn Tâm Đan, Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Nguyễn Huy Tưởng, Đỗ Đức Dục, Phạm Biểu Tâm... “Đời sống mới” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ cấp bách mà tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời được triệu tập chỉ một ngày sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập (03/9/1945), đã xác định là: Giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Chuẩn bị mở Chiến dịch Thượng Lào, ngày 03/4/1953, Bác viết thư gửi tới các chiến sỹ của 4 Đại đoàn (308, 304, 312, 316) phối hợp với các lực lượng vũ trang của Pathét Lào. Thư nêu rõ: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”. Bác nhắc nhở: “Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân của nước bạn. Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tất cả phải có quyết tâm rất cao, rất bền, tranh nhiều thắng lợi...”11.
Ngày 03/4/1960, Bác gửi thư cảm ơn đồng bào Thủ đô đã đề nghị Chủ tịch Nước ra ứng cử tại Hà Nội trong lần bầu Quốc hội Khóa II và thông báo sẽ ra ứng cử tại quận Ba Đình, đồng thời hô hào bà con cử tri “hăng hái tham gia hoạt động, làm cho cuộc Tổng tuyển cử này đại thắng lợi”12. Cùng ngày, Báo Nhân Dân đăng bài “Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng” của Bác (dưới bút danh Đ.X.). Đây là bước chuẩn bị cho Đại hội lần thứ III của Đảng, trong đó Bác chỉ rõ cuộc thảo luận phải nhằm vào ba mục đích: Nâng cao đạo đức cách mạng của đảng viên; đoàn kết và củng cố tốt chi bộ; đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ của Đảng đề ra.
Ngày 03/4/1965, nhân kỷ niệm 10 năm Hội nghị và Tinh thần Băngđung, Bác gửi điện chúc mừng tới Tổng thống Cộng hòa Inđônêxia Xucácnô là nước đăng cai sự kiện lịch sử này, để khẳng định: “Lịch sử trong mười năm qua đã chứng minh một cách hùng hồn sự đúng đắn, sức mạnh và sức sống của những nguyên tắc đã được nêu ra ở Băngđung... Nhân dân Việt Nam yêu hòa bình nhưng quyết không bao giờ lùi bước trước bất kỳ một sự đe dọa nào của bọn đế quốc...”13.
Ngày 04/4
“Cần phải khôn khéo và cẩn thận từ lời nói đến việc làm”.
Ngày 04/4/1923, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Văn Ái đã họp tại trụ sở Hội Liên hiệp Thuộc địa ở Pari để bàn về tờ báo Le Paria” (Người cùng khổ) lúc này đang gặp khó khăn về tài chính. Nguyễn Ái Quốc nêu ý kiến rằng bằng mọi giá, tờ báo phải sống, vì nếu tờ báo chết trong lúc này thì sẽ làm thiệt hại lớn đến công tác tuyên truyền mà giữa lúc đó hơn lúc nào hết nhân dân vô sản thế giới phải lên tiếng chống lại những kẻ bóc lột.
Ngày 04/4/1926, với bút danh là “Mộng Liên”, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Về sự bất công” đăng trên mục “Dành cho phụ nữ” của tờ báo Thanh Niên xuất bản tại Quảng Châu, Trung Quốc. Bài báo nêu lên những quan niệm khinh rẻ phụ nữ của xã hội cũ: “Đại đức Khổng Tử nói: Chồng phải dạy vợ. Đức Mạnh Tử lại lưu ý rằng: Đàn bà và trẻ con khó dạy bảo... Người Trung Quốc thường so sánh phụ nữ với con gà mái... Ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp”14 rồi nêu vấn đề: “Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?”15.
Ngày 04/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội đồng Chính phủ họp bất thường để thông báo việc mình đã gặp để thảo luận trực tiếp với Đô đốc Đắcgiăngliơ (D’Argenlieu) và sau hai lần sửa chữa, phía Pháp đã phải chấp nhận một thông báo gần đúng với chủ trương của ta, đồng thời, G.Xanhtơni (J.Sainteny) đã phải đưa ra đề nghị tổ chức cuộc hội nghị trù bị họp ở Đà Lạt.
Ngày 04/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Đặc phái viên Chính phủ tại Thanh Hóa là Vũ Đình Huỳnh giao nhiệm vụ cùng Giám mục Lê Hữu Từ “… Dàn xếp việc xích mích giữa đồng bào lương giáo, để thực hiện đoàn kết kháng chiến. Vì vậy, chú cần phải khôn khéo và cẩn thận từ lời nói cho đến việc làm…”16 và bằng mọi cách để giải tỏa những việc hiểu lầm dẫn đến có hại cho đoàn kết. Cùng ngày, Bác ký sắc lệnh thành lập một Ủy ban Hành chính đặc biệt miền thượng du Thanh Hóa để giúp tỉnh giải quyết công việc của địa phương này.
Ngày 04/4/1952, Bác viết bài báo “Có tiền mua tiên cũng được” đăng trên Báo Cứu Quốc (ký tên là Đ.X) bình luận về việc một số nước tẩy chay không nhận các khoản cho vay của Mỹ. Bài báo kết thúc bằng việc liên hệ đến nền tài chính kháng chiến của ta: “Việt Nam ta đang phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm, Chính phủ, đoàn thể và nhân dân đồng tâm nhất trí, thì nhất định thành công:
Không tiền ta tạo ra tiền,
Kháng chiến thắng lợi là tiên trên đời”17.
Ngày 04/4/1963, chuẩn bị cho các cuộc gặp và hội đàm với Trung Quốc và Liên Xô của Đoàn đại biểu Đảng, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: Nói ít mà tốt. Biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 231.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 583.
3, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 35, 36, 164.
5,6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 250, 253.
7,8,9,10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 255, 257, 258, 266.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 64.
12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 120.
13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 420, 421.
14,15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 448.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 119.
17. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 447.
Ngày 05/4
“Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Ngày 05/4/1930, sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, từ Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư đến “đồng chí Zao” (là bí danh của Bùi Công Trừng) và các học sinh Việt Nam đang học ở Liên Xô.
Bức thư báo tin: “Trong nước bây giờ đã có đảng thống nhất vững vàng, không còn những tệ chia lìa ấu trĩ như trước nữa”(18). Đồng thời, cho biết vào dịp Đại hội Quốc tế Lao động sắp tổ chức ở Liên Xô sẽ có một số đại biểu công nhân ở trong nước sang dự. Do đó, phân công đồng chí Zao tổ chức anh em học sinh Việt Nam giúp đỡ các đại biểu trong nước sang để làm sao cho anh em đại biểu hăng hái và yêu mến Xô - Nga, lại có cảm tình với anh em lao động các nước và không để các đại biểu cảm thấy sự phân biệt giữa trí thức và người lao động.
Ngày 05/4/1948, Bác Hồ viết 12 điều răn yêu cầu mọi người phải nhớ và thực hành khi tiếp xúc với dân. Để cổ động, Bác viết bài thơ:
“Mười hai điều trên,
Ai chả làm được.
Hễ người yêu nước,
Nhất quyết không quên.
Tập thành thói quen,
Muôn người như một.
Quân tốt dân tốt,
Muôn sự đều nên.
Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(19).
Ngày 05/4/1958, Bác dự Lễ tốt nghiệp Khóa 10 của Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam ra đời từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và mang tên vị anh hùng dân tộc “Trần Quốc Tuấn”. Khóa 10 cũng là khóa đầu tiên được đào tạo chính quy ở trong nước, vì trong thời gian chiến tranh, Trường đã di chuyển ra ngoài nước. Huấn thị với lãnh đạo và học viên nhà trường, Bác nói: “… Cần mạnh dạn áp dụng những điều đã học được, nhưng cần phải áp dụng một cách thiết thực, thích hợp với hoàn cảnh của ta;... cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật, tích cực chấp hành điều lệnh, chấp hành những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Một điều rất quan trọng nữa, có thể nói là quan trọng bậc nhất, là phải tăng cường đoàn kết”(20).
Sau sự kiện Không quân nhân dân Việt Nam lần đầu xuất kích đánh to và thắng lớn không lực Hoa Kỳ trong các ngày 03 và 04/4/1965, ngày 05/4/1965, Bác gửi thư khen ngợi: “Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu “Đã đánh là thắng”. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta... Chúc các chú lập nhiều chiến công hơn nữa”(21).
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn nhà báo Iuxi Takanu, Báo Akahata của Đảng Cộng sản Nhật Bản, Bác đã đưa ra giải pháp để chấm dứt chiến tranh nếu Mỹ không can thiệp vào miền Nam, chấm dứt ném bom miền Bắc thì “sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đi đến một hội nghị như kiểu Hội nghị Giơnevơ năm 1954. Đó là cách giải quyết hợp tình hợp lý, có lợi cho hòa bình và có lợi cho nhân dân Mỹ”(22). Trong bức điện cảm ơn gửi cùng ngày tới Quốc trưởng Campuchia N.Xihanuc, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Trước sức mạnh đoàn kết của các dân tộc Việt Nam, Khơme và Lào biểu hiện rõ rệt trong Hội nghị nhân dân Đông Dương vừa qua do Ngài triệu tập, mọi âm mưu xâm lược và gây chiến của đế quốc Mỹ đối với các nước Đông Dương nhất định sẽ bị thất bại hoàn toàn”(23).
Ngày 06/4
“Phải nhớ: Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị”.
Ngày 06/4/1949, trong quá trình chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên Chiến khu Việt Bắc, Bác di chuyển địa điểm làm việc từ Lũng Tầu đến Khâu Lấu xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Kể từ đây, Phủ Chủ tịch và các cơ quan của Chính phủ đặt tại Sơn Dương, cùng với các cơ quan của Đảng và Mặt trận... đặt bên Định Hóa (Thái Nguyên) được mệnh danh là “Thủ đô Kháng chiến”.
Ngày 06/4/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự cuộc họp Thường vụ Trung ương sau chuyến đi quan trọng thăm Trung Quốc và Liên Xô. Bác hoan nghênh việc triệu tập Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng và khẳng định rằng: Chúng ta đã thắng trong “cuộc tổng phản công về chính trị” biểu hiện ở sự đồng lòng, dốc sức của nhân dân, thế giới bước đầu thấy cuộc kháng chiến của chúng ta là chính nghĩa. Thắng lợi của “tổng phản công về chính trị” sẽ giúp nhiều cho cuộc “tổng phản công về quân sự” sắp tới. Bác cũng tán thành chủ trương lấy ngày 19-5 hằng năm làm ngày phát động phong trào thi đua yêu nước nhưng căn dặn không được lợi dụng phong trào để gây lãng phí tiền bạc và thì giờ của nhân dân.
Ngày 06/4/1953, trên Báo Nhân Dân Bác viết bài báo “Nhân dịp Hội nghị quốc tế bảo vệ quyền lợi thanh niên” nhân sự kiện thanh niên 70 quốc gia họp mặt ở Viên (Thủ đô của Áo) thảo luận những vấn đề bảo vệ quyền lợi của thanh niên. Bài báo liên hệ: “Thanh niên Việt Nam muốn giữ gìn và bảo vệ quyền của mình phải hăng hái tham gia kháng chiến, ra sức rèn luyện phẩm chất cách mạng, không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh, phải yêu lao động, bảo vệ của công, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, yêu Tổ quốc, dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc. Phải gắn lòng yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế chân chính, trung thành với nhân dân, với Đảng, và Chính phủ”(24).
Ngày 06/4/1954, Bác viết bài “Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan” đăng trên Báo Nhân Dân, nêu lên những nhiệm vụ phát huy vai trò “chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan”(25) để đẩy mạnh kháng chiến và cải cách ruộng đất thắng lợi. Muốn như vậy thì mỗi đảng viên phải xung phong làm guơng mẫu trong mọi việc, đồng thời phải thật thà đoàn kết và giúp đỡ anh em ngoài Đảng. Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em”, ngăn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ... Phải nhớ rằng: Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính.
Ngày 06/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Bắc Giang. Nói chuyện trước ba vạn rưỡi đồng bào các dân tộc, Bác động viên nhân dân trong tỉnh phấn đấu, phát huy truyền thống vẻ vang sẵn có để giành thắng lợi trong cuộc “kháng chiến chống một thứ giặc khác: Giặc lạc hậu và nghèo nàn”(26).
Ngày 07/4
“Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”.
Ngày 07/4/1921, trên tờ La Revue Communiste (Tạp chí “Cộng sản”), Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn phê bình một số đảng cộng sản ở các “cường quốc thực dân” chưa quan tâm nghiên cứu đến vấn đề cách mạng ở các thuộc địa một cách nghiêm túc. Về Đông Dương, bài báo viết: “Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa”(27). Khẳng định rằng, ý chí của người dân Đông Dương chưa hề bị khuất phục, Nguyễn Ái Quốc viết: “Không: Người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi... Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương... Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ... Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi!”(28).
Ngày 07/4/1947, Bác Hồ viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bùi là Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến) nhắc nhở phải thúc đẩy việc di chuyển các Bộ rời khỏi các khu vực nguy hiểm, Bác căn dặn: Phải động viên các vị Bộ trưởng hiểu, chịu khó mấy hôm mà an toàn hơn là cầu yên và nước đến chân mới nhảy và dặn họ giải thích với gia quyến họ... Phải cử người thạo việc đi theo để lúc gặp việc khó khăn biết cách giải quyết và biết nâng đỡ tinh thần của đàn bà, trẻ con. Phải làm cho mọi người ý thức rằng, cuộc kháng chiến là gian khổ và trường kỳ.
Ngày 07/4/1965, với bút danh là Lê Nông, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Chúng ta rất có thể đạt hơn 5 tấn thóc cả năm một hécta” để biểu dương một số hợp tác xã đã đạt chỉ tiêu này và khẳng định có thể đạt năng suất cao hơn nữa nếu quan tâm đến việc cải tiến khoa học - kỹ thuật, thực hành cần kiệm xây dựng và tự lực cánh sinh, chi bộ lãnh đạo chặt chẽ, đảng viên gương mẫu xung phong, xã viên đoàn kết nhất trí. “Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”(29).
Ngày 07/4/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình chiến sự trên cả nước và một số vấn đề về ngoại giao. Bác lưu ý, việc tăng cường công tác vận động ngoại giao nhân dân, cần tuyên truyền về Toà án xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam do Huân tước và triết gia nổi tiếng người Anh Bectơran Rytxen (Bertrand Roussell - năm đó đã 94 tuổi), một người có cảm tình đặc biệt đối với nhân dân ta, đề xướng để tranh thủ dư luận quốc tế.
Ngày 07/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời các vị trong Bộ Chính trị đến họp tại Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch và ở lại dùng bữa với Bác. Đây là lần họp cuối cùng của Bộ Chính trị diễn ra tại địa điểm này, vì sau đó một thời gian, Bác lâm bệnh trước khi qua đời.
Ngày 08/4
“Đãi ngộ thích đáng người lao động”.
Ngày 08/4/1921, tờ báo La Vie Ouvrière (Đời sống Công nhân) đăng bài “Những kẻ bại trận ở Đông Dương” lên án chính sách của đế quốc Pháp đẩy mạnh khai thác, bóc lột các thuộc địa để bù đắp những tổn thất do chiến tranh của “Mẫu quốc”. Bằng một giọng văn châm biếm, bài báo đả kích những lập luận của chính giới thực dân về “công ơn” của chính quốc đối với thuộc địa: “Chiến thắng trên sông Mácnơ đã ngăn cản quân xung kích Đức tiến về sông Mê Kông, để truyền bá trên ruộng đồng chúng tôi chế độ dã man của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc Phổ. Nếu không... chúng tôi sẽ mất cái tự do thân yêu được say sưa bằng rượu cồn và cái bình đẳng quý giá được đầu độc bằng thuốc phiện...”(30).
Ngày 08/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Hội đồng Chính phủ ứng phó với những thủ đoạn lấn lướt của thực dân Pháp đồng thời bàn về việc thương thuyết với Pháp để bảo vệ tính mạng và tài sản của người Việt Nam ở Lào... Bác cũng đọc giấy mời tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ. Vào dịp Lễ Giỗ Tổ năm Độc lập đầu tiên (1946), Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã thay mặt Chủ tịch Nước và Chính phủ đến dâng hương và dâng lễ vật là một tấm bản đồ nước Việt Nam lên Tổ Hùng Vương trên Đền Thượng.
Ngày 08/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị lần thứ 2 Hội đồng Đoàn kết nhân dân Á - Phi họp tại Băngđung (Inđônêxia) trong đó khẳng định: “Chủ nghĩa đế quốc thực dân ngày càng thất bại. Phong trào dân tộc giải phóng ngày càng lên cao. Là một lực lượng rất to lớn, nhân dân Á - Phi đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh thì nhất định sẽ đánh bại mọi âm mưu và hành động của chủ nghĩa đế quốc thực dân, các nước Á - Phi nhất định giành được độc lập hoàn toàn và góp phần đắc lực vào sự nghiệp giữ gìn hòa bình thế giới”(31).
Ngày 08/4/1963, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Khóa III bàn về Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Bác nhắc nhở cần phải quan tâm đến công tác phòng, chữa bệnh, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và đoàn kết nội bộ. Về đường lối hợp tác hóa nông nghiệp, Bác chỉ thị: “Về nông nghiệp, hợp tác xã cao cấp nâng lên nhiều thì tốt, nhưng phải làm tốt, phải vững. Hợp tác xã thủ công nghiệp phải tích cực sửa chữa những thiếu sót, kỷ luật lao động phải nghiêm. Việc hợp tác xã hội chủ nghĩa càng phải làm cho tốt, ký kết phải có hợp đồng, đã ký thì phải làm và phải có chế độ đãi ngộ thích đáng cho người lao động”(32).
Ngày 07/4/1966, Báo Nhân Dân đăng bài “Tâm lý của binh sĩ Mỹ” của Bác (ký tên “Chiến Sĩ”) trong đó trích lại bức thư của một quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam bày tỏ nỗi thất vọng và phản ánh sự hoang mang của binh sĩ Mỹ bị đẩy đến chiến trường Việt Nam. Bài báo kết luận: “Đây là thêm một chứng cớ nói rõ vì sao Mỹ nhất định thua. Ta nhất định thắng”(33).
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
(18). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 39.
(19). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 410.
(20). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 152.
(21), (22). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 423, 429.
(23). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 424.
(24). Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 309-320.
(25). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 268.
(26). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 338.
(27), (28). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 27, 28.
(29. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 224.
(30). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 30.
(31). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 339.
(32). Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 390.
(33). Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sdd, t. 12, tr. 69.
Ngày 09/4
“Một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay”.
Ngày 09/4/1925, Nguyễn Ái Quốc với bút danh L.T viết thư góp ý kiến nhận xét về tập luận văn “Cách mệnh” theo yêu cầu của tác giả H. chính là Nguyễn Thượng Huyền, con trai nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền, lúc này cũng đang hoạt động chính trị ở Trung Quốc.
Trong thư, Nguyễn Ái Quốc đã bày tỏ một số quan niệm sâu sắc về công việc cầm bút: “Dùng điển tích là tốt, nhưng nếu lạm dụng sẽ làm cho độc giả khó chịu. Bởi vì tính chất cao xa, thâm thúy của các điển tích thường cũng hay bao hàm những ý nghĩa mơ hồ có thể làm cho người ta hiểu lầm... Một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt... Một lối hành văn giản dị, chính xác hơn hẳn cái lối hành văn rườm rà, hoa mỹ... Nếu tác phẩm của ông lại định dùng để tuyên truyền thì đó phải là một tác phẩm ai đọc cũng hiểu được. Một tác phẩm hành văn hay mà khó hiểu thì chẳng có ích gì”34.
Về nội dung của luận văn bàn về cách mạng, Nguyễn Ái Quốc góp ý rằng, viết về cách mạng mà “ông không nói: 1. Phải làm cái gì trước cách mệnh, 2. Phải làm gì trong cách mệnh, 3. Phải làm gì sau cách mệnh. Ông chưa bàn đến lực lượng mà người Pháp có thể sử dụng (ở nước ta) và cũng chưa bàn đến lực lượng của ta”35. Cuối thư viết: "Tôi đã nói thẳng những ý kiến của tôi về bài viết của ông; và cũng nhân cơ hội này, nêu lên một số vấn đề để thảo luận mong rằng có thể rút ra từ đó một cái gì để mở rộng thêm kiến thức của tôi. Xin thành thực và nhiệt liệt hoan nghênh tài cao trí lớn của ông. Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không!”36.
Ngày 09/4/1939, tờ Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta) đăng bài “Thư từ Trung Quốc” của PC.Lin, bút danh của Nguyễn Ái Quốc lúc này đang ở Quế Lâm và mang bí danh là Hồ Quang, trong vai một báo vụ viên trong đơn vị “Bát Lộ quân”. Qua tờ báo, Bác liên hệ với nhóm cộng sản đang hoạt động công khai từ thời Mặt trận Bình dân để chuẩn bị đón chờ những cơ hội cách mạng đang đến gần.
Ngày 09/4/1946, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các Khu tự vệ thành Hà Nội. Bác động viên và nhắc nhở cần bình tĩnh, nhấn mạnh đến phương châm: “Một sự nhịn, chín sự lành”37 và xác định những nhiệm vụ trước mắt.
Ngày 09/4/1960, Bác dự họp Bộ Chính trị bàn về việc xây dựng Nhà Quốc hội do Trung Quốc thiết kế. Bác lưu ý, khi tiến hành xây dựng phải cần, kiệm, tránh lãng phí, phối hợp giữa các nhà chuyên môn hai nước. Sau đó, vì nhiều lý do thiết kế này đã không thực hiện được.
Ngày 10/4
“Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo”.
Ngày 10/4/1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo tình hình về những ngày đầu đến Xiêm (Thái Lan) nơi có một cộng đồng đông đảo Việt kiều yêu nước và chống thực dân, về việc lập Hội Thân Ái; về những vấn đề liên quan đến Đảng mới được thành lập.
Ngày 10/4/1946, trên Báo Cứu Quốc, Bác Hồ tặng các cháu nhi đồng toàn quốc với những vần thơ đậm tình yêu thương và giá trị giáo dục:
“Bác mong các cháu “cho ngoan”,
Mai sau gìn giữ giang san Lạc - Hồng.
Sao cho nổi tiếng Tiên - Rồng,
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”38.
Ngày 10/4/1950, nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại một ngày của Bác: “Đảng đoàn tiếp tục cả buổi mai. Hồ Chủ tịch đến nói rõ thêm về vấn đề ngoại giao và viện trợ. Sau mấy tháng vắng mặt, Cụ vẫn khoẻ mạnh, tuy người có gầy hơn một tí. Từ 2 giờ chiều, Hội đồng Chính phủ bắt đầu dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch. Rất nhiều vấn đề, những việc lớn: 1. Ngoại giao: Đặt đại sứ và lãnh sự; 2. Viện trợ: Chuẩn bị phương tiện chuyên chở; 3. Thuế khóa; 4. Chế độ công chức và công nhân; 5. Lương bổng và phí cấp, phụ cấp (tăng cho kịp thời giá); 6. Cải tiến chương trình giáo dục. Hôm nay, Hồ Chủ tịch đón Hoàng thân Lào Souphanouvong (Xuphanuvong - BT) và ông Chủ tịch Đông Lào. Lại có dịp chơi lửa trại, rồi lại hát... Souphanouvong cũng hát. Cuộc đón tiếp vui và thân mật"39.
Ngày 10/4/1953, đến với Lớp chỉnh Đảng Trung ương Khóa III, Bác nói: “Ngày xưa, Khổng Tử có câu: “Ôn việc cũ để biết việc mới”40. Bác phân tích: “Thiện là gì? Là làm đúng chính sách của Đảng, phục vụ quyền lợi đại đa số nhân dân (công nông), thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, để lợi ích cách mạng, nhân dân lên trên hết, trước hết; trái lại là cái ác. Hai cái đó luôn tranh đấu nhau... Khổng tử nói: “Mình phải chính tâm tu thân” nghĩa là việc gì cũng phải làm kiểu mẫu; có thế mới “trị quốc bình thiên hạ“ được. Trị quốc bình thiên hạ đây tức là ta kháng chiến đánh Pháp, kiến quốc xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình thế giới. Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí, muốn cải tạo xã hội làm sao được...”41.
Ngày 10/4/1953, Bác ký các sắc lệnh thành lập Cục Quân huấn trực thuộc Bộ Quốc phòng, bổ nhiệm Thiếu tướng Tổng tham mưu phó Hoàng Văn Thái làm Chủ nhiệm và nguyên Tổng Tham mưu phó Trần Văn Trà giữ chức Phó Chủ nhiệm.
Ngày 10/4/1965, tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, trong phát biểu tổng kết 10 năm đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc (1955 - 1965) Bác khẳng định: “Dù Mỹ đưa thêm mấy chục vạn binh sĩ Mỹ và cố lôi kéo thêm quân đội các nước chư hầu vào cuộc chiến tranh tội ác này, thì quân và dân ta cũng quyết đánh thắng chúng”42. Đồng thời, Bác cũng nhắc lại lập trường: “Lúc này, chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”43.
Ngày 11/4
“Nông dân ta giàu, thì nước ta giàu”.
Ngày 11/4/1924, trong thư Nguyễn Ái Quốc gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đưa ra nhận xét: “Những thuộc địa của Pháp nói chung, và Đông Dương nói riêng ít được biết đến trong giới vô sản và cộng sản. Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp rất ít được thông tin về những gì xảy ra ở những thuộc địa đó”44.
Thư vạch rõ “nếu chúng ta muốn hoạt động một cách có ích về vấn đề thuộc địa thì nhất thiết phải bắt liên lạc với các thuộc địa đó”45 đồng thời cho rằng, chuyến trở về Việt Nam theo dự định “sẽ là một chuyến đi để khảo sát và nghiên cứu”46 với mục tiêu: Thiết lập mối quan hệ giữa Đông Dương và Quốc tế Cộng sản...
Ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho điền chủ và nông gia Việt Nam xác định: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”47. Bức thư kêu gọi thành lập các hợp tác xã nông nghiệp “là một tổ chức có lợi cho nhà nông..., là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng..., giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc, lại lợi dân”48.
16 giờ chiều cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Khu Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách khoa, Hà Nội) dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương do Tổng hội Sinh viên Việt Nam chủ trì tổ chức.
Ngày 11/4/1950, Bác chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Kết thúc phiên họp, Bác nhắc nhở: Chúng ta đang chuẩn bị mọi mặt về quân sự, chính trị, ngoại giao... để chuyển mạnh sang tổng phản công, phải làm tốt công tác động viên nhân dân: “Không động viên được dân thì kế hoạch hay mấy cũng hỏng, lúc nào mọi kế hoạch đến tận dân, dân thực hiện, lúc đó mới thật là tổng động viên”49.
Ngày 11/4/1964, Bác trả lời bạn đọc trên Báo Nhân Dân đặt câu hỏi: “Làm thế nào để thực hiện mỗi người làm việc bằng hai?”. Đây là nội dung Bác phát động từ Hội nghị Chính trị đặc biệt. Bác giải thích rằng, làm việc bằng hai không có nghĩa là kéo dài giờ lao động gấp đôi mà “bất kỳ làm công việc gì đều phải cố gắng nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm, có tinh thần cố gắng gấp bội; ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm mục đích làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ”50.
Ngày 11/4/1966, Bác đến thăm và nói chuyện với Hội nghị tổng kết ba năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “4 tốt”. Sau khi động viên những kết quả tích cực của cuộc vận động, Bác cũng phê phán: “Tệ hơn nữa là trong những chi bộ ấy có một số đảng viên và cán bộ, có cả cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo quan liêu mệnh lệnh nặng. Đảng cần phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ mắc sai lầm đó”51.
Ngày 12/4
“Chi bộ, công đoàn, thanh niên chính là cái gốc”.
Ngày 12/4/1908, phong trào chống sưu cao thuế nặng của nông dân miền Trung lan đến Huế. Nguyễn Tất Thành khi đó đang theo học tại Trường Quốc học đã tham gia vào phong trào học sinh ủng hộ những người nông dân nghèo lên Kinh đô chống thuế. Vì việc này mà học sinh Nguyễn Tất Thành bị đuổi học và bị mật thám theo dõi. Thân sinh là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng bị khiển trách vì để con dính líu đến “quốc sự”.
Ngày 12/4/1928, từ Béclin, thủ đô nước Đức, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản trình bày về hoàn cảnh và đề đạt nguyện vọng: “Vì không thể công tác ở Pháp, ở Đức thì vô ích, nhưng cần thiết ở Đông Dương, nên tôi đã xin lại lên đường về xứ sở này...”52. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện hoạt động nhưng nhà cách mạng Việt Nam quả quyết: “Dù thế nào tôi cũng sẽ đi, bởi vì đã một năm tôi lang thang từ nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương... Vậy tôi xin các đồng chí cho tôi càng sớm càng tốt những chỉ thị chính xác về điều mà tôi phải làm và bao giờ thì tôi có thể lên đường”53.
Ngày 12/4/1948, sau khi chủ trì cuộc họp liên Bộ, Bác Hồ tổ chức một đêm ngâm thơ, các Bộ trưởng thay nhau ngâm những bài thơ trong quyển thơ “Bà mẹ Việt Bắc” của Tố Hữu và tham dự nhiều trò vui khác.
Ngày 12/4/1952, Báo Cứu Quốc đăng bài “Cụ Hồ và cuốc cỏ bỏ phân” của Bác, ký tên Đ.X. Bài báo cho biết, Chủ tịch Nước đã nhận được hàng vạn bức thư của các tầng lớp nhân dân gửi tới thông báo về thành tích tăng gia sản xuất. Kết luận bài báo, tác giả tin tưởng rằng, chính sách tăng gia và tiết kiệm của Chính phủ và Đoàn thể nhất định thành công vì chính sách ấy đã thấm nhuần và đã biến thành chính sách của nhân dân.
Ngày 12/4/1962, Bác tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và phát biểu nhấn mạnh đến vai trò con người là quyết định. Bác cho rằng, mục đích của chủ nghĩa xã hội là nâng cao đời sống của nhân dân, muốn vậy, phải “có kế hoạch giáo dục, củng cố chi bộ, công đoàn, thanh niên. Ba lực lượng ấy mạnh thì mới lớn được. Có người nói máy kéo là gốc, cũng có người nói cái khác là gốc, tôi nói chính cái này là gốc”54.
Ngày 12/4/1965, Bác gửi thư tới các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ ngoài biển Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã kiên cường đương đầu với máy bay và tàu chiến Mỹ bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc, lập được nhiều chiến công và được phong là “Hòn đảo Anh hùng”. Trong thư Bác động viên: “Các chú cần luôn luôn nâng cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, khó không nản, thắng không kiêu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”55.
Ngày 12/4/1966, Báo Nhân Dân công bố trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đài Truyền hình Nhật Bản “Nihon Denpa” lên án Mỹ mở rộng chiến tranh, vạch trần thủ đoạn “tìm kiếm hoà bình” của Tổng thống Mỹ Giônxơn (Johnson) cũng như sự đồng lõa của chính quyền Nhật Bản... và khẳng định “Dù có lâu dài, gian khổ, cuộc đấu tranh chính nghĩa đó nhất định sẽ thắng lợi”56.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
34. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 157, 158
35, 36. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 165.
37. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 196.
38. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 214.
39. Nhật ký của một Bộ trưởng, Sdd, t. 2, tr. 292.
40, 41. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 68, 72.
42, 43. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 432, 434.
44, 45, 46. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 251.
47, 48. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 215.
49. Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 421.
50 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 51.
51 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 79.
52, 53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 325-326.
54. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 220.
55. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sdd, t. 11, tr. 436
Ngày 13/4
“Những chiến sỹ trên mặt trận chống giặc dốt”.
Ngày 13/4/1904 (28/02 năm Giáp Thân) bà ngoại Nguyễn Tất Thành qua đời. Đây là cái tang lớn của gia đình Bác Hồ vì Cụ bà là người đã cưu mang cho con rể là Nguyễn Sinh Sắc học hành, đỗ đạt và chăm sóc anh chị em của Nguyễn Tất Thành khi còn nhỏ.
Ngày 13/4/1923, tờ báo La Vie Ouvriốre (Đời sống công nhân) đăng bài "Chủ nghĩa quân phiệt thực dân" của Nguyễn Ái Quốc tố cáo những chính sách hà khắc của các chính quyền thực dân đối với các thuộc địa. Bài báo viết: “Sự tàn ác của bọn bắt lính ở các thuộc địa tinh vi tới mức thậm chí người Pháp ở chính quốc cũng không thể hình dung được một cái gì giống như thế...”57.
Tối 13/4/1946, Bác đến thăm một lớp học ở phố Hàng Trống (Hà Nội). Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại: “Bàn học là những cánh cửa kê tạm. Giáo viên, một người trẻ tuổi đeo kính trắng đang cầm phấn viết mấy chữ mẫu trên tấm bảng đen. Người học thuộc nhiều lứa tuổi, ăn mặc khác nhau. Những mái đầu cặm cụi. Mái tóc bạc phơ của một cụ già vận áo dài bên bộ tóc đen nháy của một chú bé mặc quần cộc. Bác đứng chống cây gậy tre nhìn quang cảnh này tỏ vẻ rất xúc động. Bác khuyến khích mọi người và nói: Cả người dạy và người học đều là những chiến sỹ trên mặt trận chống giặc dốt”58.
Sau đó, Bác đến thăm một lớp học khác tại Khu 21 Trịnh Hoài Đức và biểu dương đội ngũ các thầy cô giáo là những người tình nguyện dạy học không lương: Anh chị em giáo viên Bình dân học vụ là những người vô danh anh hùng. Anh hùng không tên tuổi, anh hùng không ai biết đến. Để động viên anh chị em giáo viên Bình dân học vụ, Bác tự tay viết vào cuốn “Phương pháp và cách thức dạy học vỡ lòng chữ quốc ngữ” câu: “Anh chị em giáo viên Bình dân học vụ cố gắng đọc kỹ sách này, rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết. Thế là làm tròn một nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc”59.
Ngày 13/4/1959, họp Bộ Chính trị bàn về chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, Bác lưu ý coi trọng việc giáo dục, đả thông tư tưởng đối với các nhà tư sản cho kỹ, mục tiêu cải tạo là vì tương lai của các nhà công thương, không gạt họ ra ngoài nhân dân và khi định thành phần tránh gây căng thẳng.
Ngày 13/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô nhân sự kiện ngày 12/4/1961, Liên Xô phóng thành công con tàu vũ trụ Phương Đông I mang theo nhà du hành vũ trụ đầu tiên của loài người Yuri Gagarin lên quỹ đạo Trái đất.
Ngày 13/4/1967, Bác Hồ gửi thư khen ngợi các chiến sỹ pháo binh với truyền thống “chân đồng vai sắt” nay lại “lập được thành tích mới vẻ vang, bắn trúng nhiều tàu chiến Mỹ, bắn chìm nhiều tàu biệt kích Mỹ và tay sai, đánh trả pháo binh địch, diệt nhiều giặc Mỹ ”60 và căn dặn: “Các đồng chí chớ vì thắng lợi mà chủ quan. Phải ra sức học tập và thi đua với pháo binh Quân Giải phóng miền Nam tài giỏi, anh hùng... lập nhiều chiến công to lớn hơn nữa”61.
Ngày 14/4
“Phải làm cho Thủ đô ta ngày càng sạch sẽ, vui tươi”.
Ngày 14/4/1920, báo cáo mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ với Tổng Thư ký Hội Liên minh nhân quyền. Đây là tổ chức quan tâm đến các thuộc địa và bênh vực dân bản xứ trước những chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân.
Ngày 14/4/1924, Nguyễn Ái Quốc chính thức được nhận vào làm việc ngoài biên chế tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản.
Ngày 14/4/1928, Nguyễn Ái Quốc viết bài báo “Phong trào công nhân ở Ấn Độ” (với bút danh là Wang) gửi đăng trên tờ “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản với nhận định: “Mặc dầu có tình trạng vô tổ chức của thợ thuyền và thái độ hèn nhát của những người theo chủ nghĩa cải lương, sự nghèo khổ làm cho vô sản Ấn Độ cấp tiến hơn”62.
Ngày 14/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Hội đồng Chính phủ và trong ngày đó ký nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có các sắc lệnh phát hành “Công phiếu kháng chiến” trong cả nước (SL 160); tặng thưởng những tấm Huân chương Quân công hạng Nhất đầu tiên cho ba đơn vị là Đội quân Giải phóng, Đội quân Du kích Bắc Sơn và Đội quân Khởi nghĩa Nam bộ (SL 163); đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ thành Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam (SL 165), v.v..
Ngày 14/4/1961, bàn về chính sách thu mua lương thực trong một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác nêu ý kiến các hợp tác xã nên đặt chế độ để thóc nghĩa thương, tức là phát huy một truyền thống vốn có trong nông thôn nước ta là gây quỹ thóc để tương trợ những đồng bào thiếu đói. Bác cũng lưu ý rằng, trong thời điểm còn gặp khó khăn về lương thực hiện nay, việc định mức cho dân phải được nghiên cứu và cũng đưa ra một nhận định là thị trường tự do nên có.
Ngày 14/4/1964, phát biểu với bà con cử tri Hà Nội, Bác bày tỏ rằng, đã tham gia Quốc hội đến nay đã gần 20 năm, nhưng cách mạng đòi hỏi nên còn phải phấn đấu chưa thể hưởng “vui thú thanh nhàn”63, vì nguyện vọng tha thiết vẫn là được chứng kiến niềm vui:
“Bắc Nam sum họp một nhà,
Cho người thấy mặt thì ta vui lòng”64.
Bác góp ý về công tác vệ sinh đô thị của Thủ đô: “Chúng ta ngày nào cũng rửa mặt đánh răng, thì thành phố của chúng ta ngày nào cũng phải quét dọn tươm tất. Chúng ta phải làm cho Thủ đô ta ngày càng sạch sẽ, vui tươi…”65.
Ngày 14/4/1967, Bác lên đường sang Trung Quốc chữa bệnh. Một năm sau, ngày 14/4/1968, cũng từ nơi an dưỡng, Bác làm bài thơ “Mậu Thân Xuân tiết”:
“Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên,
Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên.
Bạch điểu tróc ngư hồ lý khứ,
Hoàng oanh phi thượng thiên.
Thiên thượng nhàn văn lai hựu khứ,
Mang bả Nam phương tiệp báo truyền”66.
(Lời dịch của Phan Văn Các: Tháng Tư hoa nở một vườn đầy/ Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi/ Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá/ Hoàng oanh vút tận chân trời/ Trên trời mây đến rồi đi/ Miền Nam thắng trận mang về tin vui).
Ngày 15/4
“Phải hoan nghênh quần chúng phê bình”.
Ngày 15/4/1945, từ Côn Minh Trung Quốc, Bác Hồ chọn 20 chiến sỹ của Mặt trận Việt Minh hộ tống hai nhân viên phụ trách điện đài của Cơ quan Tình báo chiến luợc Mỹ (OSS) trở về chiến khu của Việt Nam để duy trì liên lạc với đại bản doanh Đồng Minh. Đó là F.Tan và Mc Shin đều gốc Trung Hoa.
Ngày 15/4/1946, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh bận rộn với một chiến dịch ngoại giao nhằm tranh thủ mọi cơ hội để bảo vệ nền độc lập dân tộc còn non trẻ. Buổi sáng, Bác cùng Chính phủ tiếp đoàn Quốc hội sang Pháp do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu, nghe báo cáo về Đoàn của cố vấn Vĩnh Thụy đi Trùng Khánh (Trung Quốc) và buổi chiều gặp Đoàn đi Đà Lạt dự Hội nghị trù bị với Pháp do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam dẫn đầu. Bác cũng nêu rõ mục tiêu: “Cần căn cứ vào Hiệp định sơ bộ để đi đến cộng tác thực thà với Pháp”67.
Ngày 15/4/1949, Báo “Sự Thật” đăng bài “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” của Bác trao đổi về một vũ khí quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức cách mạng. Bác viết: “Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì oai tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao.
Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.
Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”68.
Ngày 15/4/1950, với bài báo “Sinh viên Việt Nam tại Anh với Sắc lệnh Tổng động viên” đăng trên Báo Sự Thật, Bác Hồ đã biểu dương 14 lưu học sinh Việt Nam ở Luân Đôn đã đánh điện về nước ngỏ ý sẵn sàng trở về quê hương nhập ngũ kháng chiến: “... Dù xa xôi, tâm trí chúng tôi vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc và lúc nào cũng sẵn sàng thi hành những huấn lệnh của Chính phủ”69.
Ngày 15/4/1958, ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch được khởi công. Một tháng sau, ngôi nhà hoàn thành và đúng Ngày sinh của Bác năm đó, ngôi nhà sàn được đưa vào sử dụng và đến nay trở thành một di tích lịch sử quý giá.
Ngày 15/4/1960, phát biểu tại buổi bế mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa I (kỳ họp thứ 12), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Quốc hội ta là Quốc hội dân chủ đầu tiên ở vùng Đông - Nam Châu Á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập tự do”70, trong 14 năm qua, “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”71.
Ngày 15/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị nghe Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình chiến trường miền Nam.
Ngày 16/4
“Báo chí phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Ngày 16/4/1915, Nguyễn Tất Thành từ Anh viết thư gửi Toàn quyền Đông Dương qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn nhờ chuyển cho cha mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (hay Huy). Nhưng bức thư (ký tên là “Paul Thành”) đã không đến tay người nhận với lý do là chính quyền không tìm ra địa chỉ.
Ngày 16/4/1923, báo cáo của mật thám cho biết, Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy mời dự Đại hội thường kỳ lần thứ 7 Hội những người bạn phương Đông của Pháp tổ chức vào 14 giờ 30 ngày 22/4/1923 tại Bảo tàng “Guimet” (Musée de l’ Homme) ở Pari.
Ngày 16/4/1939, từ Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Thư từ Trung Quốc” đăng trên tờ báo “Notre Voix”(Tiếng nói của chúng ta) phát hành tại Hà Nội. Bài báo viết về những tổn thất của quân phiệt Nhật Bản trước “mặt trận du kích” của nhân dân Trung Quốc. Những bài báo ký tên “PC.Lin” gửi về nước trong thời gian này cũng là cách Nguyễn Ái Quốc liên hệ với lực lượng của Đảng ở trong nước vào thời điểm thế giới đang có những biến chuyển quan trọng, đại chiến sắp bùng nổ.
Ngày 16/4/1946, tại Bắc Bộ phủ, Bác cùng Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng tiễn đưa Đoàn Quốc hội Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Pháp với lời căn dặn: “Có ba việc cần phải làm là đoàn kết, cẩn thận, làm cho người Pháp hiểu ta để gây tình hữu nghị giữa hai dân tộc”72. Còn với Đoàn tham gia đàm phán với Pháp do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam làm Trưởng đoàn bay đi Đà Lạt, Bác nhắc nhở: Cần đặt vấn đề Nam bộ và vấn đề đình chiến lên đầu chương trình nghị sự.
Ngày 16/4/1953, Báo Nhân Dân đăng bài của Bác (ký tên C.B) “Lực lượng to lớn của quần chúng” chỉ rõ: “Lực lượng của quần chúng là vô cùng to lớn. Quần chúng đã tự giác, tự động thì việc gì to mấy, khó mấy cũng làm được”73.
Ngày 16/4/1958, kết thúc bài diễn văn khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi tin rằng trong khóa họp Quốc hội lần thứ tám này, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, Quốc hội sẽ tập hợp được những ý kiến dồi dào của các đại biểu, của nhân dân, sẽ quyết định một cách sáng suốt các công việc quan hệ tới quốc kế dân sinh mà Chính phủ sẽ trình để Quốc hội xét”74.
Ngày 16/4/1959, đến thăm Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, lấy tư cách “một người có nhiều duyên nợ với báo chí”, Bác có một bài phát biểu dài phân tích bản chất của báo chí cách mạng, những kinh nghiệm viết báo cũng như những căn bệnh thường thấy của người làm báo. Bác nói: “Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai?... Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động... phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu... Tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó… Kinh nghiệm của 40 năm là không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được…”75.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
57 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 174.
58. Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 218.
59. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 234.
60,61. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 256.
62. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 328.
63,64,65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 245, 248.
66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 348.
67. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 200.
68. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 584-585.
69. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 37.
70,71. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 122, 124.
72. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 201.
73. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 311.
74,75. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 158, 414, 419.
Ngày 17/4
“Anh hùng là những người thật cần kiệm liêm chính...”.
Ngày 17/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ theo dõi chặt chẽ tình hình 600 quân Pháp sau khi đụng độ với quân Tưởng đã đổ bộ lên Hải Phòng và xâm nhập vào Hà Nội từ ngày 15/4 và việc lính Pháp đã gây ra những vụ khiêu khích ở ga Hà Nội. Hội đồng cũng bàn đến việc quản lý nấu rượu, đối phó với giấy bạc Đông Dương và ngoại giao với Pháp.
Ngày 17/4/1952, Báo Nhân Dân đăng bài “Ai là anh hùng?” của Bác (ký bút danh C.B). Thông qua câu chuyện trao đổi giữa một nhóm chiến sỹ về câu hỏi này, bài báo kết luận bằng lời giải thích của chính trị viên, cũng là của tác giả bài viết: “Người anh hùng là những người thật cần kiệm liêm chính, hết lòng hết sức phục vụ kháng chiến, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là những người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, của giai cấp”76.
Ngày 17/4/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ và trình bày về tình hình thế giới và trong nước từ cuối tháng 3 đến trung tuần tháng 4/1953 và đưa ra nhận định: “Với những mặt thuận lợi và tiến bộ đó, năm nay chúng ta có thể có sự chuyển hướng khá mạnh về chính trị, quân sự và kinh tế”77.
Ngày 17/4/1959, Bác đến thăm Đại hội Liên hoan chiến sỹ thi đua và lao động xuất sắc năm 1958 của Thủ đô Hà Nội, sau đó tiếp tục dự phiên họp buổi tối của Hội nghị Trung ương 16 bàn về hợp tác hóa. Bác căn dặn hợp tác hóa không tách rời khỏi việc củng cố đê điều, xây dựng trường học và vẫn theo đuổi ý tưởng về một phong trào trồng cây của toàn dân để làm nhà cho nông dân: “Nếu mỗi nhân khẩu trồng 5 cây, có làm được không? Bộ đội ở Hòn Gai mỗi người trồng 10 cây thông, phải trồng xoan… để trong 5 năm nữa có thể thay đổi nhà cho nhân dân. Các địa phương nên chú ý làm việc đó”78.
Ngày 17/4/1962, Bác viết bài “Cần phải ra sức trồng nhiều hoa màu” (với bút danh T.L) đăng trên Báo Nhân Dân để lưu ý tình trạng yếu kém và chậm của một số tỉnh ở miền Bắc, đồng thời, yêu cầu các cấp ủy từ tỉnh đến xã phải cấp tốc đến tận nơi động viên và hướng dẫn đồng bào nông dân và các cơ quan, bộ đội trồng đủ và chăm bón tốt ngô, khoai, sắn, quyết tâm thu một vụ hoa màu thắng lợi.
Ngày 17/4, một năm sau đó (1963), Bác lại dự Hội nghị kiểm điểm công tác chống hạn vụ Đông - Xuân tại tỉnh Hà Đông và tặng nhân dân địa phương bức trướng với lời biểu dương thành tích:
“Hà Đông anh dũng tuyệt vời,
Vắt đất ra nước thay trời làm mưa”79.
Ngày 17/4/1966, tại Trường bắn Hòa Lạc (Hà Tây), Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều cán bộ quân sự cao cấp thăm Tiểu đoàn 99 Pháo phản lực A12 và Trung đoàn 84A Pháo phản lực ĐKB diễn tập bắn đạn thật. Đây là một vũ khí hiện đại được pháo binh Việt Nam cải tiến và sử dụng sáng tạo mang lại hiệu quả rất cao trên chiến trường. Bác nhắc nhở các cấp chỉ huy phải ra mệnh lệnh ngắn gọn, chính xác và căn dặn: “Pháo tốt, đạn tốt còn phải có kỹ thuật tốt và tinh thần tốt nữa”80.
Ngày 18/4
“5 điểm chủ yếu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.
Ngày 18/4/1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng bào người Việt Nam đã đến dự cuộc họp của Liên hiệp Công đoàn quận “Seine”.
Ngày 18/4/1928, tập san “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản, trên các bản in bằng tiếng Pháp, Anh và Đức đăng bài viết “Nông dân Ấn Độ” của Nguyễn Ái Quốc (với bút danh “Wang”) lúc này đang hoạt động tại Trung Quốc. Bài báo khảo sát lực lượng nông dân của một quốc gia đông dân và là thuộc địa của thực dân Anh khiến cho hàng triệu nông dân bị chết đói, tàn phá những làng quê và đẩy họ ra các thành phố thành tầng lớp “vô sản áo rách”. Với cái nhìn của một nhà cách mạng, tác giả vẫn tin tưởng: “Tuy không có tổ chức hoặc tổ chức còn lỏng lẻo, người nông dân - do nghèo khổ thúc bách - thường nổi dậy chống kẻ bóc lột”81.
Tháng 4/1930, từ Hồng Kông, sau khi hoàn thành sứ mệnh hợp nhất các tổ chức cách mạng trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc qua Xiêm (Thái Lan) đẩy mạnh cuộc vận động trong cộng đồng Việt kiều tại vùng Đông Bắc nước này.
Một thập kỷ sau, tháng 4/1940, Nguyễn Ái Quốc lại có mặt tại Xiêm, với bí danh “ông Trần” đã tham gia lễ cầu hồn cho hai chục Việt kiều ở Bích Sắc Trại bị bom Nhật giết hại. Tại buổi lễ, Nguyễn Ái Quốc đã đọc bài sớ:
“Nam mô Phật tổ Như Lai,
Chúng sinh nheo nhóc dưới trời Tây phương,
Trăm tầng áp bức thảm thương,
Thân gầy như củi, xác nhường thây ma,
...
Thù nhà, nợ nước đôi đường
Đã vì người chết, càng thương giống nòi
Đừng tin vào số mệnh trời,
Mà do quân Nhật giết người gây nên
Hồn ơi! Hồn có linh thiêng
Hãy cùng người sống báo đền nước non
Người còn thì nước phải còn”82.
Ngày 18/4/1958, tại Quốc hội Khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp báo cáo trước toàn thể đại biểu quá trình xây dựng “Hiến pháp sửa đổi” và hứa “sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội đã trao cho và làm cho nước ta có một bản Hiến pháp xứng đáng với những thắng lợi và những tiến bộ vẻ vang của nhân dân ta”83.
Tháng 4/1966, Bác viết tài liệu “Nội dung chủ nghĩa anh hùng cách mạng” và khái quát thành 5 điểm chủ yếu:
“1. Trung với nước, hiếu với dân, vì sự nghiệp chống Mỹ, vì chủ nghĩa xã hội, luôn luôn nêu cao tinh thần hy sinh chiến đấu, lao động quên mình.
2. Chấp hành triệt để đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.
3. Quyết tâm đi sâu vào khoa học - kỹ thuật và nghiệp vụ, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ra sức học tập và vận dụng tốt sáng kiến và kinh nghiệm tiên tiến, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả chiến đấu.
4. Nêu cao ý thức tập thể và làm chủ tập thể, ý thức tổ chức và kỷ luật, đoàn kết đồng chí, đoàn kết nhân dân, đi đường lối quần chúng.
5. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn giản dị, gương mẫu về mọi mặt”84.
Ngày 19/4
“Vì nước quên nhà, vì công quên tư”.
Ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về Dự án ngân sách lương thực của quân đội, vấn đề lập Nha Dân tộc Thiểu số và vấn đề tài chính.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Plâycu. Thư có đoạn viết: “… Đồng bào Kinh hay Thổ, Muờng hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”85.
Tháng 4/1949, trong bức thư ký là “Cháu: Hồ Chí Minh” gửi thư cho cậu (Hoàng Phan Kính) và dượng (Trần Lê Hữu), Bác bày tỏ một nỗi niềm: “Tôi chưa về thăm quê được, không phải vì vô tình với quê hương, nhưng vì lẽ này: Trong lúc giặc Pháp đang giày xéo trên đất nước ta, thì phận sự của mọi người Việt Nam là “vì nước quên nhà, vì công quên tư”. Là một người đầy tớ chung của đồng bào, tôi càng phải như thế...”86.
Phân tích những khiếm khuyết của chế độ, thư viết: “Nhân dân ta vừa đánh đổ chế độ phong kiến mấy nghìn năm và phá tan xiềng xích nô lệ gần một thế kỷ để xây dựng một nước Việt Nam mới.
Trong lúc lật đổ những tường vách cũ kỹ và đang xây đắp ngôi lâu đài mới thì chắc chắn không khỏi có những mụn bào, gạch bể và những thứ ghột rác khác. Chúng ta sẽ gột sạch dần dần. Trong lúc kháng chiến và kiến quốc, nhân dân ta có những thành công to lớn, vẻ vang, nhưng cũng không khỏi có nhiều khuyết điểm. Chúng ta sửa chữa những khuyết điểm ấy dần dần. Chúng ta nhất định sửa chữa được vì chúng ta quyết tâm sửa chữa.
Bổn phận của tôi, Chính phủ cùng các cơ quan, đoàn thể địa phương, mà cũng là bổn phận của mỗi người dân là làm những việc có ích cho đồng bào, cho Tổ quốc... Tôi lại mong cậu, dượng cùng các vị đôn đốc, giúp đỡ đồng bào địa phương xung phong thi đua ái quốc, làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc”87.
Ngày 19/4/1959, dự Hội nghị 16 Trung ương Khóa II bàn về hợp tác hóa nông nghiệp, Bác đặc biệt lưu ý mỗi xã phải quan tâm xây dựng nghĩa trang liệt sỹ để làm tốt chính sách và giáo dục truyền thống.
Ngày 19/4/1966, tại Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận về tình hình đấu tranh chính trị ở miền Nam, Bác đề nghị phải chỉ đạo sát sao phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, phải duy trì lâu dài phong trào quần chúng, với mỗi tầng lớp nhân dân phải có khẩu hiệu đấu tranh cụ thể, phải dựa vào chiến thắng quân sự để phát huy uy thế chính trị, đẩy mạnh binh vận với cả lính Mỹ và tay sai.
Ngày 20/4
“Phải coi người bệnh như ruột thịt”.
Ngày 20/4/1931, trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc phê bình cuộc Hội nghị Xứ ủy Trung và Bắc kỳ về “cách khai hội”, “cách thảo luận”, “vấn đề tên Đảng” và xác định “lực lượng của Đảng”. Nguyễn Ái Quốc đề nghị phải sửa chữa những thiếu sót, phải có chương trình hành động cụ thể cho từng huyện, từng tỉnh, cho mỗi đảng viên với yêu cầu “Tất cả mọi đảng viên và tất cả các chi bộ phải thảo luận Chỉ thị của Quốc tế thứ ba và Nghị quyết của Trung ương”88.
Ngày 20/4/1939, từ Quảng Tây (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc viết thư (ký bút danh là “Lin”) gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva. Trong đó, đưa ra những đánh giá về tình hình ở Việt Nam “sự đàn áp xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt là ở Trung Kỳ, chống những… phần tử cánh tả, những công nhân và những nông dân hoạt động... Tôi có cảm tưởng rằng phong trào của mặt trận thống nhất ở xứ này không mạnh lắm. Trái lại, những phần tử cánh tả hoạt động khá mạnh...”89.
Ngày 20/4/1948, trong thư gửi Hội nghị Tổng bộ Việt Minh, người sáng lập ra tổ chức chính trị này đã phân tích những nguyên nhân thành công là: “Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cướp được chính quyền, Việt Minh định tổ chức một Chính phủ rộng rãi, gồm tất cả các nhân tài trong nước để gánh vác việc quốc gia. Lúc đó có người nghĩ rằng các nhân sĩ có danh vọng chưa chắc vui lòng hợp tác với Việt Minh. Song vì Việt Minh đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, và lấy lòng chí công vô tư mà làm việc, cho nên các bậc có tài đức danh vọng đều vui lòng hợp tác trong Chính phủ”90. Bức thư còn đề cập những khuyết điểm do phát triển quá nhanh mà không kịp quan tâm huấn luyện cán bộ dẫn đến việc một số cán bộ thoái hóa làm sai chính sách.
Ngày 20/4/1949, Báo Cứu Quốc đăng nội dung trả lời phỏng vấn báo La Tribune (Diễn đàn). Giải thích câu hỏi “Thi đua ái quốc là gì”, Bác trả lời: “Đặc điểm của Thi đua ái quốc là: Đưa tất cả tinh thần và lực lượng của quân và dân Việt Nam để thực hiện ba mục đích: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”91. Bác cũng bày tỏ “chúng tôi hoan nghênh những đại biểu báo ngoại quốc mà ngôn luận công bằng” đến vùng tự do. Trả lời câu hỏi về thái độ với nước Pháp khi Việt Nam hoàn toàn độc lập, Bác xác nhận: “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn”92.
Ngày 20/4/1963, Bác về thăm bệnh xá Vân Đình, huyện Ứng Hòa (khi đó thuộc tỉnh Hà Đông) và căn dặn: Trong công tác phục vụ, cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần. Có thuốc hay, thức ăn ngon, còn cần phải có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt. Cần đặc biệt chú ý việc phòng bệnh.
Ban biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
76,77. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 184, 312.
78. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 259-260.
79. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sdd, t. 11, tr. 19.
80. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 395.
81. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 331.
82. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 2, tr. 101.
83. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 160.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 90.
85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 217-218.
86. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 305.
87. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 305-306.
88,89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 75, 123-124.
90,91,92. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 412, 586, 587.
Ngày 21/4
“Ngày vẻ vang sẽ không xa nữa”.
Ngày 21/4/1942, Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại chiến khu Cao Bằng đăng bài thơ “Hòn đá” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Với thể thơ ba chữ, bài thơ dễ nhớ để phổ biến cho đồng bào bài học về đoàn kết làm nên sức mạnh, trong đó có đoạn:
“Đánh Nhật, Pháp,
Giành tự do,
Là việc khó,
Là việc to.
Nếu chúng ta
Biết đồng lòng
Thì việc đó
Quyết thành công”93.
Cũng trong tháng 4/1948, trên số báo ra mắt, “Quân Sự Tập san” đăng thư của Bác với lời căn dặn: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm. Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong Quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì mỗi chiến sỹ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ. Còn những người viết thì cần phải viết một cách phổ thông, dễ hiểu, giản đơn mà rõ ràng”94.
Ngày 21/4/1949, Báo Cứu Quốc đăng thư của Bác gửi Nhà in “Vui Sống” kèm theo một cuốn lịch với nội dung: “Lịch này là thắng lợi phẩm của anh em du kích Thủ đô biếu tôi. Tôi gửi tặng anh em. Giải thưởng này rất có ý nghĩa: Mỗi ngày, anh em nhớ đến chiến sỹ đang xung phong giết giặc trước mặt trận. Mỗi ngày, anh em phải tiến bộ, phải tranh cho được một thắng lợi để góp vào thắng lợi chung của kháng chiến và kiến quốc”95.
Trên số ra mắt của “Quân Nhân Học báo” đăng bức thư của Bác ký vào tháng 4/1949 với nội dung: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”96.
Cũng vào thời điểm tháng 4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới “Đồng bào vùng Hà Nội” lúc này địch đã tạm chiếm, biểu dương: “Đồng bào trong và ngoài Hà Nội đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết. Vì vậy, mà hy sinh, đau đớn, cực khổ nhiều hơn hết. Mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết. Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc. Ngày nay chịu đựng càng nhiều, mai sau kết quả càng to. Tôi và Chính phủ cùng toàn thể bộ đội, toàn thể đồng bào, luôn luôn nhớ đến anh em ruột thịt đang tranh đấu hết sức gay go ở vùng Hà Nội... Tôi khuyên đồng bào vùng Hà Nội - trước đó cố gắng, nay cố gắng thêm; trước đó đoàn kết, nay đoàn kết hơn; tìm đủ mọi cách để phá hoại giặc, để giúp chiến sỹ ta. Chúng ta chắc thắng, vì chúng ta quyết thắng. Tôi viết thư này với tất cả tấm lòng thương xót, yêu mến và chắc chắn. Đồng bào cố tiến lên. Ngày vẻ vang sẽ không xa nữa”97.
Ngày 22/4
“Chúng tôi đã làm đúng những điều Lê-nin đã dạy”.
Ngày 22/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về các các vấn đề cấp bách về an ninh và ngoại giao trong đó có diễn biến cuộc Hội nghị Việt - Pháp đang diễn ra tại Đà Lạt, ban hành Sắc lệnh về tổ chức Quân sự ủy viên hội, bên cạnh Bộ Quốc phòng. Cũng trong ngày, Bác ký Sắc lệnh quy định thể thức lập hội theo đó thì mọi công dân được lập hội nếu như không có mục tiêu lợi nhuận, làm đồi bại phong tục, hại đến trật tự chung và sự an toàn của quốc gia.
Ngày 22/4/1951, Báo Nhân Dân đăng bài “Hũ gạo kháng chiến của phụ nữ Ngân Sơn” do Bác viết (bút danh C.B) biểu dương sáng kiến của phụ nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn) và khích lệ: “Ý nghĩa của hũ gạo kháng chiến. Đó là một cách thực hiện chữ Kiệm...”98. "Việc làm hũ gạo kháng chiến rất giản đơn mà ích lợi thì to lớn”99.
Ngày 22/4/1952, Bác tham dự và khai mạc Hội nghị Trung ương 3 Khóa II của Đảng. Kết luận báo cáo “Tình hình và nhiệm vụ”, Bác khẳng định: “Chúng ta có đủ những điều kiện thắng lợi… Như thế là chúng ta làm đúng đường lối trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, thiết thực chuẩn bị tổng phản công để giành thắng lợi cuối cùng”100.
Ngày 22/4/1960, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Lê-nin, Báo Nhân Dân đăng bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động yêu nước và cách mạng của mình, tác giả khẳng định: “Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”101.
Hai năm sau, ngày 22/4/1962, cũng trên Báo Nhân Dân đăng hai bài viết về Lê-nin. Trong bài viết “Lê-nin, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam” viết cho Báo Sự Thật (Liên Xô), Bác nêu rõ: “Được nghiên cứu sách vở Lê-nin về vấn đề dân tộc, vấn đề thuộc địa, vấn đề nông dân... những người cách mạng Việt Nam thấy rõ đó là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ... Chúng tôi đã cố gắng làm đúng như Lê-nin dạy”102. Còn trong bài “Chủ nghĩa Lê-nin vĩ đại muôn năm!” (ký tên T.L) tác giả đi đến kết luận: “Chủ nghĩa Lê-nin vĩ đại đã đưa lịch sử loài người lên giai đoạn mới - giai đoạn chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”103.
Ngày 22/4/1966, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình, nhưng phải có độc lập, tự do thật sự mới có hòa bình chân chính. Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng, chúng ta quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn để giành lấy hòa bình, độc lập, tự do thật sự”104.
Ngày 22/4/1968, Bác tham dự họp Bộ Chính trị đánh giá cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, Bác nêu một số ý kiến trong đó đưa ra yêu cầu “Chuẩn bị các việc cho thời bình, phải viết lịch sử chống Pháp, lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng phải làm dần đi”105.
Ngày 23/4
“Vấn đề nhà ở tại thôn quê”.
Ngày 23/4/1931, Nguyễn Ái Quốc viết “Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” thông báo về những cán bộ được cử về nước theo đường dây liên lạc, nhắc nhở công tác bảo vệ Đảng, giữ gìn bí mật, duy trì chế độ báo cáo của Đảng với Quốc tế Cộng sản và đề nghị Trung ương ghi nhận nhiệm vụ mình được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản phân công.
Tháng 4/1948, nhân giới kiến trúc sư trong vùng kháng chiến họp Đại hội thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư chào mừng, trong thư nêu rõ: "Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, kiến trúc là một việc rất quan hệ. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện nay và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai... đặc biệt là vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”106.
Tháng 4/1950, vào thời điểm những thắng lớn trên chiến trường đã đưa đến việc nhiều tù binh địch trong đó có những tù binh Pháp bị quân dân ta bắt giữ, khi tiếp xúc với Lêo Phigơrét (Leo Figuores), đại diện Đảng Cộng sản Pháp đang thăm vùng kháng chiến của ta, để bác bỏ luận điệu cho rằng tù binh bị ngược đãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đã đối xử tốt nhất với tù binh Pháp trong điều kiện có thể có. Bữa ăn của họ khá hơn bữa ăn của chiến sỹ chúng tôi. Chúng tôi rất hiểu nỗi đau khổ của các bà mẹ, các gia đình người Pháp có con em bị bắt làm tù binh...”107.
Ngày 23/4/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chào mừng Hội nghị các nhà báo Á - Phi và chào mừng Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới nhân ngày Thanh niên thế giới chống chủ nghĩa thực dân và đấu tranh chung sống hoà bình. Trong thư gửi tổ chức nhà báo, Bác viết: “Trong lúc các dân tộc Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ la-tinh đang anh dũng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, để bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình, các nhà báo Á - Phi đoàn kết chặt chẽ, dùng ngòi bút chính nghĩa của mình phục vụ cuộc đấu tranh cho tự do, cho chân lý, cho tương lai tươi sáng của loài người, là một nhiệm vụ cực kỳ vẻ vang”108.
Còn trong điện gửi cho Liên đoàn Thanh niên Dân chủ được ký là “Bác Hồ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “Chúc các bạn đạt được nhiều thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, để giành lấy và giữ gìn độc lập dân tộc và hòa bình thế giới, để thực hiện sự hợp tác anh em giữa tất cả các dân tộc. Các bạn hãy tăng cường thống nhất, đoàn kết để bảo đảm thắng lợi và tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ”109.
Ngày 24/4
“Cái bút là vũ khí, bài báo là tờ hịch cách mạng”.
Ngày 24/4/1967, Bác gửi thư tới đồng bào, cán bộ và bộ đội Hải Phòng khen ngợi: “Ngày 20/4/1967, quân và dân Hải Phòng đã đánh thắng vẻ vang, trừng trị đích đáng bước leo thang mới đầy tội ác của giặc Mỹ”110. Và căn dặn “phải nâng cao cảnh giác, làm tốt công tác phòng không nhân dân, đánh giỏi, thắng lớn hơn nữa”111.
Ngày 24/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ nhằm ứng phó với việc thực dân Pháp khiêu khích bắt bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là thành viên phía Việt Nam tham gia Hội nghị trù bị Việt - Pháp đang họp tại Đà Lạt cũng như việc quân Pháp định tiến đóng Điện Biên Phủ và việc quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng thỏa thuận tỷ giá giữa đồng Quan kim đang mất giá để đổi lấy tiền Đông Dương nhằm phá hoại nền tài chính của nước ta... Cùng ngày, Bác ký một sắc lệnh cho phép phát hành con tem in hình Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu kèm theo dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Dân sinh” để tạo nguồn phụ thu nộp cho “Quỹ cứu tế Quốc gia”.
Ngày 24/4/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Bác đến thăm và nói chuyện với học viên Khóa II Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và đưa ra những quan điểm về phương pháp và mục tiêu học tập lý luận. Bác nói: “Việc học không phải chỉ xem sách nhiều là được. Như vậy là lý luận suông. Phải kết hợp thực tiễn với lý luận, học đi đôi với trao đổi kinh nghiệm thực tế. Học phải tự giác và tự động...”. Bác đặc biệt đề cao: “Cần, kiệm, liêm, chính và gần gũi quần chúng, hai điểm ấy các đồng chí phải làm cho được. Như thế mới xứng đáng là người đảng viên, là người cách mạng”112.
Cũng trên mặt trận giáo dục, tháng 4/1952, Bác gửi thư cho các giáo sư và sinh viên Trường dự bị đại học ở Thanh Hóa cảm ơn lời thăm hỏi đã gửi cho Bác và nhắc nhở: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc. Vậy giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân”113.
Ngày 24/4/1960, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trước đông đảo bà con cử tri, Bác Hồ với tư cách là một ứng cử viên cuộc bầu cử Quốc hội Khóa II đã ra mắt đồng bào và bày tỏ sự tin tưởng rằng: “Quốc hội Khóa I là Quốc hội chiến đấu… Quốc hội Khóa II phải là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà...”114. “Những người được cử vào Quốc hội Khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”115.
Ngày 24/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh thăng cấp từ Đại tá lên Thiếu tướng cho các vị Phạm Kiệt, Phạm Ngọc Mậu, Lê Trọng Tấn, Tạ Xuân Thu, những tướng lĩnh sau đó đều trở thành những vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Ngày 24/4/1965, là một nhà báo cách mạng lão luyện, trong điện chúc mừng ngày Nhà báo Á - Phi gửi Hội Nhà báo Á - Phi, Bác viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”116.
Ban biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
93. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 233.
94,95,97. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 417, 588, 589.
96. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 300.
98, 99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 195-196.
100. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 465-466.
101, 102, 103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 128, 549-550, 553.
104. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 83.
105. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 10, tr. 194.
106. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 185.
107 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 424.
108, 109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 52-53.
110, 111. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 261.
112. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 424.
113. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 467.
114, 115. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 130, 131-132.
116. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 441.
Ngày 25/4
“Trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận”.
Ngày 25/4/1928, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ra quyết định để Nguyễn Ái Quốc trở về nước hoạt động. Biên bản của Ban Thư ký Quốc tế Cộng sản ghi rõ: “Theo nguyện vọng của đồng chí, đồng chí có thể trở về Đông Dương; chi phí chuyến đi cũng như thời gian ba tháng lưu do Đảng Cộng sản Pháp chịu”117.
Ngày 25/4/1959, sau khi dự phiên họp của Hội nghị Trung ương 16 Khóa II bàn về hợp tác hóa ở miền núi, Bác đến thăm Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội và nói: “… Nhân danh là một đảng viên ở Hà Nội, tôi phát biểu một số ý kiến với Hội nghị: Thủ đô Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa... Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”118.
Cũng trong tháng 4/1959, Bác đến thăm Triển lãm Hậu cần của quân đội và ghi vào sổ cảm tưởng: “Đó là một bước tiến đầu tiên trên con đường muôn dặm của cách mạng kỹ thuật, như một đóa hoa báo hiệu mùa Xuân. Nhưng nó đã chứng tỏ rằng trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận. Cấp lãnh đạo phải khéo khuyến khích, giúp đỡ, hướng dẫn, vun trồng thì trí tuệ và sáng kiến ấy sẽ không ngừng nở hoa, kết quả ...”119.
Ngày 25/4/1961, phát biểu tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc lần thứ II, Bác chỉ rõ: “Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, mọi người hiểu rõ mình là người chủ nước nhà và quyết tâm làm trọn nghĩa vụ người chủ thì khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được và chúng ta nhất định sẽ giành được thắng lợi nhiều hơn nữa và to lớn hơn nữa”120. Kết thúc bài nói, Bác cũng nhắc lại câu khẩu hiệu mà lần đầu đã phát biểu cách đó 10 năm (1951) tại Đại hội hợp nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”.
Ngày 25/4/1963, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về lương thực và khắc phục tình trạng thiếu đói của nông dân, Bác chỉ thị: “Phải có kế hoạch giải quyết tạm thời, trước mắt và kế hoạch dài hạn. Năm nào cũng khó khăn, bấp bênh về lương thực. Bằng cách nào thì ta phải bàn, nhưng xã hội chủ nghĩa mà như thế này thì không được, không làm cho dân phấn khởi... Cho nên làm lâu dài chỉ có hai cách là tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”121. Chính tại cuộc họp này, Bác đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm “Tổng Tư lệnh cứu đói’ và “có quyền động viên bất kỳ ai, từ tôi trở đi”.
Ngày 25/4/1964, Báo Nhân Dân công bố bài phỏng vấn của Bác trả lời nhà báo Ôxtrâylia U.Bớcxét trong đó khẳng định: “Nếu Chính phủ Mỹ đã tôn trọng điều cam kết của mình là sẽ không “dùng sức mạnh hay đe dọa dựng sức mạnh” thì đã không có chiến tranh ở miền Nam Việt Nam... Nhưng, chúng tôi phân biệt nhân dân Mỹ với đế quốc Mỹ. Chúng tôi muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng vì nhân dân Mỹ là một dân tộc tài năng, đã có nhiều cống hiến cho khoa học và nhất là gần đây đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam”122.
Ngày 26/4
“Dân như nước, quân như cá”.
Ngày 26/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo với Hội đồng Chính phủ về cuộc tiếp xúc với Tướng Giuanh (Juin), Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp vừa từ Trung Quốc đến Việt Nam nhằm tiếp tục gây sức ép buộc quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng phải nhanh chóng rút quân và trao lại quyền kiểm soát cho Pháp ở Hà Nội. Ngoài ra, Bác còn thông báo tin tức về Đoàn Quốc hội ta mới đến Pháp và cuộc Hội nghị trù bị đã bắt đầu ở Đà Lạt.
Ngày 26/4/1951, Bác đến dự Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, một chiến dịch quân sự diễn ra dọc đường 18 (Phả Lại - Uông Bí) đạt hiệu quả không cao, Bác nhắc nhở: “Tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Tư tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc... Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được… Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng.
Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân... Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội... Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc... Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí giúp cho quân đội ta trở nên quân đội tất thắng”123.
Trước đó, khi cùng Bộ Chính trị nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch kiểm thảo và tự phê bình về Chiến dịch này, Bác căn dặn: “Tự phê bình là cần, nhưng tự phê bình phải tăng cường đoàn kết, rút ra được bài học kinh nghiệm, xây dựng được lòng tin vào chiến dịch sau”124.
Tháng 4/1952, Bác đến thăm và giải đáp thắc mắc cho cán bộ lớp đảng ủy, liên chi về vấn đề quan hệ trong và ngoài Đảng. Kết luận, Bác nhắc nhở: “Đảng viên lập trường phải vững. Lập trường giúp thành tâm, thành ý phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Tư tưởng trong sạch. Tất cả đều giải quyết được, đó là chìa khóa”125.
Ngày 26/4/1960, nhận được bức thư của một nữ công dân Liên Xô, chị Ácatờrina Iuxipđôpna chúc mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 gửi tới “vợ đồng chí Hồ Chí Minh”, Bác đã thân mật viết thư cảm ơn, trong đó có đoạn: “Tôi chưa có gia đình riêng, gia đình của tôi là đại gia đình các dân tộc Việt Nam”126.
Ngày 26/4/1962, nhân dự phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa II, Bác gặp đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang và nhờ chuyển lụa tặng tới cụ Thào Mì Chúa, người Mông thọ tới 150 tuổi.
Ngày 26/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị bàn về Đại hội tuyên dương anh hùng chiến sỹ thi đua và bàn về cách đánh Mỹ, đã đưa ra quan điểm: “Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ sẽ bị thua thiệt nhiều và phải rút hết quân, ta sẵn sàng cho họ rút có thể diện”127.
Ngày 27/4
“Đạo đức của quân nhân là: Trí, nhân, tín, dũng, liêm”.
Tối ngày 27/4/1945, Hồ Chí Minh gặp Thiếu tá Acsimét Patti (Archimed Patty), người đứng đầu đơn vị tình báo chiến lược Mỹ OSS tại Côn Minh (Trung Quốc). Cuộc gặp diễn ra tại một quán trà trong một ngôi làng gần Tĩnh Tây. Bác đã cung cấp cho phía Mỹ tình hình về nạn đói đang diễn ra ở miền Bắc Việt Nam, về ý đồ của Pháp và Trung Quốc đối với Đông Dương, bày tỏ rằng: Việt Minh sẵn sàng hợp tác với người Mỹ khi nào thấy thích hợp và thông báo đang chuẩn bị thành lập một Chính phủ Việt Nam dân chủ độc lập. Những ấn tượng đầu tiên về Hồ Chí Minh được A.Patti viết lại trong hồi ức: “Con người mảnh khảnh, nhỏ bé và kỳ lạ ấy gặp tôi với nụ cười niềm nở. Ông Hồ không yêu cầu gì cả, ông chỉ trình bày cho tôi nghe giá trị tiềm tàng của tổ chức quân sự, chính trị của mình”128.
Chỉ một năm sau, ngày 27/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phái viên của Đài Vô tuyến điện Pari đến xin được thu thanh ý kiến và ba bài hát: “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít” và “Hồ Chí Minh muôn năm” để gửi về Pháp. Lúc chia tay, Bác nói: “Tôi gửi lời chào thân ái dân tộc Pháp. Mặc dù có những trở lực hiện thời, tôi tin rằng sự hợp tác dân tộc Pháp và Việt sẽ đi đến kết quả vì hai dân tộc cùng theo đuổi lý tưởng chung: Tự do, bình đẳng, bác ái”129.
Ngày 27/4/1949, Bác viết thư gửi Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân lễ tốt nghiệp khoá 4, căn dặn: “Các chú học rồi. Bây giờ phải hành. Trong lúc hành, phải học thêm mãi. Nhiệm vụ của các chú là: Giúp đẩy mạnh cuộc cầm cự và chuẩn bị tổng phản công. Mong các chú hăng hái thi đua làm tròn nhiệm vụ. Và muốn làm tròn nhiệm vụ thì ngoài kỹ thuật, còn phải giữ vững đạo đức của quân nhân là: Trí, nhân, tín, dũng, liêm”130.
Ngày 27/4/1962, đến thăm Trường Mẫu giáo Sao Sáng ở phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) Bác động viên: “Công tác mẫu giáo còn mới mẻ và nhiều khó khăn... Sau này lớn lên, các cháu trở thành người như thế nào đều có công của các cô mẫu giáo dạy cháu đầu tiên”131.
Ngày 27/4/1964, trong thư gửi cho giáo viên và học sinh Trường Phổ thông cấp III Đức Thọ, Hà Tĩnh nhân dịp nhà trường được mang tên “Trần Phú”, Bác động viên: “Đó là một vinh dự lớn cho nhà trường. Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”132. Trong sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” (ký T.Lan), Bác viết: Đồng chí Trần Phú là một trong những thanh niên đầu tiên sang học ở Ban Huấn luyện chính trị tại Quảng Châu rồi tham gia Hội Thanh niên cách mạng đồng chí và được giới thiệu đi học ở Mátxcơva một thời gian. Vào khoảng tháng 4 năm 1930, đồng chí Trần Phú trở lại Trung Quốc gặp Bác bàn bạc công việc Đảng rồi về nước hoạt động. Tháng 10/1930, Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất chính thức bầu đồng chí làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Là người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng, tuy chỉ hoạt động được non một năm".
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
117. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 1, tr. 390.
118,119. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 420-421, 427.
120 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 349.
121. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 378.
122. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 252-253.
123. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 206-207.
124,125. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 36, 197.
126. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 460.
127. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 10, tr. 345.
128 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 2, tr. 237.
129. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 205-206.
130. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 302.
131 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 224.
132. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 255.
Ngày 28/4
“Đã bầu thì phải thật xứng đáng”.
Ngày 28/4/1928, Nguyễn Ái Quốc nhận được hồi âm lá thư ngày 17/4 báo tin rằng Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản đã chấp nhận đề nghị trở về nước và quyết định gửi một số tiền đi đường cùng trợ cấp ba tháng đầu tiên.
Ngày 28/4/1946, Bác cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến cùng một số vị trong Chính phủ về thị sát đê điều vùng Thái Bình và dự Lễ khánh thành đê Mỹ Lộc và Hưng Nhân.
Ngày 28/4/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội nghị kinh tế và Hội đồng Chính phủ bàn về ngân sách trên tinh thần biên chế mới. Nhật ký Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi chép: “Hồ Chủ tịch động viên tinh thần đồng thời đả thông tư tưởng ráo riết thì ngân sách mới được thông qua… Đồng thời với việc xét ngân sách 1951, còn trình bày chính sách thuế nông nghiệp mới, tuyên bố bỏ chế độ thuế cũ, thủ tiêu tất cả các loại đóng góp lẻ tẻ, lặt vặt ở địa phương, thống nhất tập trung vào một thứ thuế: Nông nghiệp”133.
Ngày 28/4/1959, dự Hội nghị 16 Ban Chấp hành Trung ương bàn về hợp tác hóa miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu nhấn mạnh phải chú trọng vấn đề dân chủ, trình độ văn hóa ở mỗi nơi sao cho hợp lý và vấn đề chính là phải củng cố chính quyền và tổ chức Đảng ở cơ sở cho mạnh..., phải có chính sách ưu tiên đối với cán bộ Đảng, Đoàn, quân sự và các ngành đang công tác ở miền núi.
Ngày 28/4/1960, Bác họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề lương bổng và thảo luận về thiết kế Nhà Quốc hội (do Trung Quốc thực hiện, vì nhiều lý do, công trình này sau đó không thực hiện). Cùng ngày, Bác đến nói chuyện với Hội nghị bàn về công tác vùng cao do Ủy ban Dân tộc Trung ương triệu tập với lời căn dặn: “Phải làm tốt công tác vận động định canh định cư ở vùng cao, phải nắm nguyên tắc tự nguyện, không gò ép, không tham nhiều, không nóng vội, làm nơi nào phải tốt nơi đó”134. Cũng trong ngày 28/4/1960, Bác ký Lệnh ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự.
Ngày 28/4/1961, Báo Nhân Dân đăng bài “Guồng máy nông nghiệp” của Bác (ký tên T.L) trong đó đưa ra quan điểm: “Nông nghiệp cũng có guồng máy của nó. Từ lúc chọn giống đến ngày đưa thóc vào kho, mọi công việc phải ăn khớp, nhịp nhàng với nhau… Muốn cho guồng máy chạy thật đều, thật tốt, chúng ta phải thực hiện ba điều sau đây: Cán bộ quản trị phải thật sự dân chủ và chí công vô tư. Đảng viên và đoàn viên thanh niên phải gương mẫu trong mọi công việc. Tất cả xã viên phải đoàn kết nhất trí, phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ, làm đúng khẩu hiệu “Cần kiệm xây dựng hợp tác xã”135.
Ngày 28/4/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về chuẩn bị Đại hội Liên hoan Anh hùng chiến sỹ thi đua. Bàn về tiêu chuẩn anh hùng, Bác đưa ra ý kiến để thảo luận: “Trước hết, quân đội nhất định phải có anh hùng. Lúc kháng chiến có anh hùng, sao nay lại không có anh hùng?... Có phải không có chiến tranh thì quân đội không có anh hùng?”136.
Ngày 29/4
“Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ”.
Ngày 29/4/1946, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc được “Hội giúp Binh sĩ bị nạn” tại Huế mời ra làm Chủ tịch Danh dự và các Bộ trưởng làm Hội viên Danh dự và đề nghị Chính phủ nên đáp lại bằng việc ra thông tư cho các địa phương nên có hình thức tỏ lòng biết ơn đối với các chiến sỹ. Hội đồng Chính phủ còn bàn đến vấn đề tha chính trị phạm, việc thu hoạch vụ chiêm, chống phá rừng và đề nghị Chủ tịch Nước ra lời kêu gọi công nhân Việt Nam nhân ngày Quốc tế Lao động. Cùng ngày, Bác đã ký Sắc lệnh về ngày 01-5 nghỉ có lương đối với tất cả công nhân làm việc trong các doanh nghiệp công và tư.
Ngày 29/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến đồng bào cả nước sau ngày cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế với lời đánh giá: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập... Chúng ta thương tiếc cụ Huỳnh vô cùng. Nhưng chúng ta không nên thương tiếc bằng cách than khóc rầu rĩ. Chúng ta thương tiếc cụ bằng cách: Càng đoàn kết chặt chẽ, càng hăng hái kháng chiến; bằng cách: Theo gương dũng cảm, nối chí quật cuờng của cụ; bằng cách: Hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân mà cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời. Chúng ta phải đồng thanh thề trước tiên linh của cụ Huỳnh rằng: Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên quyết của cụ. Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ...”137.
Ngày 29/4/1952, với bút danh Đ.X, Bác viết bài “Bọn đế quốc đường cùng” đăng trên Báo Cứu Quốc điểm lại các cuộc chiến đấu chống đế quốc trên thế giới để đi đến nhận định: “Mấy năm trước đây, các ông đế quốc Mỹ, Anh, Pháp đều “thở ra sét, hét ra lửa”, ai dám động đến. Song các dân tộc xưa kia chịu làm trâu ngựa, nay đã hóa ra sư tử, hùm thiêng”138.
Ngày 29/4/1961, Bác Hồ được Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ II bầu làm Chủ tịch Danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 29/4/1966, chiếc máy bay thứ 1.000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc thuộc về chiến công của quân dân tỉnh Bắc Thái. Cũng vào dịp này, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Ôxtrâylia là U.Bớcxét: Người Mỹ nói họ sẽ thắng trong cuộc chiến tranh ở miền Nam bằng cuộc chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc?, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Không bao giờ! Chúng tôi sẽ chiến đấu 10, 15, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa, chúng tôi có sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Chúng tôi sẽ thắng lợi!.
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị thảo luận về tình hình cách mạng miền Nam, Bác đưa ra nhận định: “Nửa nước nông nghiệp lạc hậu mà thắng tên đế quốc mạnh nhất thì ta thật là tự hào, tương lai ta thật sáng sủa”139.
Ngày 30/4
“Tăng gia là tay phải, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”.
Ngày 30/4/1921, báo cáo mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc nhận được nhiều bản của tờ báo cánh tả “Libertaire” và tờ La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản). Cũng theo báo cáo của mật thám, ngày 30/4/1922, Nguyễn Ái Quốc tham dự một cuộc biểu tình cộng sản tại vùng “Clichy” (Pháp).
Ngày 30/4/1947, trên chiến khu Việt Bắc, Bác tham dự một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại: “Gần tối, lúc chúng mình đang ăn cơm thì Hồ Chủ tịch đến trong bộ áo quần bí mật của Cụ. Lần này thì lưng mang một gùi, vai mang súng, mình mặc bộ quần áo màu nâu, đội mũ như bộ đội, mặt che đậy hết nửa, mới trông như người đi săn trong rừng sâu, không ai tài nào nhận ra được. Bắt tay vui vẻ với tất cả mọi người, rồi giản dị hơn ai hết, Cụ bảo thêm một chén một đũa để Cụ cùng ngồi ăn trong lúc mâm cơm đã gần tàn... 7 giờ tối, bắt đầu Hội đồng. Ai nấy ngồi xếp ve quanh mấy chiếc chiếu trải dài... Hội đồng hôm nay có 2 tin buồn, cái chết của Cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) và Nam (Hoàng Hữu Nam). Cụ nói qua lịch sử chiến đấu của hai chiến sỹ trong Chính phủ sau khi tất cả đều mặc niệm một phút... Cụ Chủ tịch nói với một giọng đau đớn như Cụ đã mất một người anh và một người con... Sau đó, Cụ báo cáo tình hình chính trị chung ngoài nước và trong nước...”140. Đến 3 giờ khuya cuộc họp mới kết thúc.
Ngày 30/4/1949, một ngày trước ngày Quốc tế Lao động, Bác viết thư chào mừng với đầu đề “Nhiệm vụ chính trong giai đoạn mới” trong đó xác định: “Ở các nước, ngày này là ngày riêng của lao động, kiểm điểm lực lượng của mình, để đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp. Ở nước ta, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, sĩ, nông, công, thương, binh, toàn dân đều đoàn kết thành một khối, toàn dân đều ra sức lao động, nhằm một mục đích: Giết giặc cứu nước. Ngày 01-5 là ngày lễ của toàn thể đồng bào ta”141.
Ngày 30/4/1964, nói chuyện với Đại hội liên hoan Phụ nữ “5 tốt”, Bác khẳng định: “Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”142. Phân tích những nội dung của “5 tốt”, Bác nhấn mạnh: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”143.
Về nội dung “gia đình”, Bác đưa ra quan niệm: “Gia” là nhà. “Đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình… Ta có câu hát:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”144.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Chú thích:
133. Lê Văn Hiến, Nhật ký của một Bộ trưởng, Sdd, t. 2, tr. 550-551.
134. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 461.
135 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 352-353.
136. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 225.
137 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 121-122.
138. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 194.
139. Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 399.
140. Lê Văn Hiến, Sdd, t. 1, tr. 139.
141. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 590.
142, 143, 144. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 256, 257, 258.