Chỉ mục bài viết

 Ngày 09/4

“Một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay”.

Ngày 09/4/1925, Nguyễn Ái Quốc với bút danh L.T viết thư góp ý kiến nhận xét về tập luận văn “Cách mệnh” theo yêu cầu của tác giả H. chính là Nguyễn Thượng Huyền, con trai nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền, lúc này cũng đang hoạt động chính trị ở Trung Quốc.

Trong thư, Nguyễn Ái Quốc đã bày tỏ một số quan niệm sâu sắc về công việc cầm bút: “Dùng điển tích là tốt, nhưng nếu lạm dụng sẽ làm cho độc giả khó chịu. Bởi vì tính chất cao xa, thâm thúy của các điển tích thường cũng hay bao hàm những ý nghĩa mơ hồ có thể làm cho người ta hiểu lầm... Một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt... Một lối hành văn giản dị, chính xác hơn hẳn cái lối hành văn rườm rà, hoa mỹ... Nếu tác phẩm của ông lại định dùng để tuyên truyền thì đó phải là một tác phẩm ai đọc cũng hiểu được. Một tác phẩm hành văn hay mà khó hiểu thì chẳng có ích gì”34.

Về nội dung của luận văn bàn về cách mạng, Nguyễn Ái Quốc góp ý rằng, viết về cách mạng mà “ông không nói: 1. Phải làm cái gì trước cách mệnh, 2. Phải làm gì trong cách mệnh, 3. Phải làm gì sau cách mệnh. Ông chưa bàn đến lực lượng mà người Pháp có thể sử dụng (ở nước ta) và cũng chưa bàn đến lực lượng của ta”35. Cuối thư viết: "Tôi đã nói thẳng những ý kiến của tôi về bài viết của ông; và cũng nhân cơ hội này, nêu lên một số vấn đề để thảo luận mong rằng có thể rút ra từ đó một cái gì để mở rộng thêm kiến thức của tôi. Xin thành thực và nhiệt liệt hoan nghênh tài cao trí lớn của ông. Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không!”36.

Ngày 09/4/1939, tờ Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta) đăng bài “Thư từ Trung Quốc” của PC.Lin, bút danh của Nguyễn Ái Quốc lúc này đang ở Quế Lâm và mang bí danh là Hồ Quang, trong vai một báo vụ viên trong đơn vị “Bát Lộ quân”. Qua tờ báo, Bác liên hệ với nhóm cộng sản đang hoạt động công khai từ thời Mặt trận Bình dân để chuẩn bị đón chờ những cơ hội cách mạng đang đến gần.

Ngày 09/4/1946, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các Khu tự vệ thành Hà Nội. Bác động viên và nhắc nhở cần bình tĩnh, nhấn mạnh đến phương châm: “Một sự nhịn, chín sự lành”37 và xác định những nhiệm vụ trước mắt.

Ngày 09/4/1960, Bác dự họp Bộ Chính trị bàn về việc xây dựng Nhà Quốc hội do Trung Quốc thiết kế. Bác lưu ý, khi tiến hành xây dựng phải cần, kiệm, tránh lãng phí, phối hợp giữa các nhà chuyên môn hai nước. Sau đó, vì nhiều lý do thiết kế này đã không thực hiện được.

Ngày 10/4

“Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo”.

Ngày 10/4/1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo tình hình về những ngày đầu đến Xiêm (Thái Lan) nơi có một cộng đồng đông đảo Việt kiều yêu nước và chống thực dân, về việc lập Hội Thân Ái; về những vấn đề liên quan đến Đảng mới được thành lập.

Ngày 10/4/1946, trên Báo Cứu Quốc, Bác Hồ tặng các cháu nhi đồng toàn quốc với những vần thơ đậm tình yêu thương và giá trị giáo dục:

“Bác mong các cháu “cho ngoan”,

Mai sau gìn giữ giang san Lạc - Hồng.

Sao cho nổi tiếng Tiên - Rồng,

Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”38.

Ngày 10/4/1950, nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại một ngày của Bác: “Đảng đoàn tiếp tục cả buổi mai. Hồ Chủ tịch đến nói rõ thêm về vấn đề ngoại giao và viện trợ. Sau mấy tháng vắng mặt, Cụ vẫn khoẻ mạnh, tuy người có gầy hơn một tí. Từ 2 giờ chiều, Hội đồng Chính phủ bắt đầu dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch. Rất nhiều vấn đề, những việc lớn: 1. Ngoại giao: Đặt đại sứ và lãnh sự; 2. Viện trợ: Chuẩn bị phương tiện chuyên chở; 3. Thuế khóa; 4. Chế độ công chức và công nhân; 5. Lương bổng và phí cấp, phụ cấp (tăng cho kịp thời giá); 6. Cải tiến chương trình giáo dục. Hôm nay, Hồ Chủ tịch đón Hoàng thân Lào Souphanouvong (Xuphanuvong - BT) và ông Chủ tịch Đông Lào. Lại có dịp chơi lửa trại, rồi lại hát... Souphanouvong cũng hát. Cuộc đón tiếp vui và thân mật"39.

Ngày 10/4/1953, đến với Lớp chỉnh Đảng Trung ương Khóa III, Bác nói: “Ngày xưa, Khổng Tử có câu: “Ôn việc cũ để biết việc mới”40. Bác phân tích: “Thiện là gì? Là làm đúng chính sách của Đảng, phục vụ quyền lợi đại đa số nhân dân (công nông), thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, để lợi ích cách mạng, nhân dân lên trên hết, trước hết; trái lại là cái ác. Hai cái đó luôn tranh đấu nhau... Khổng tử nói: “Mình phải chính tâm tu thân” nghĩa là việc gì cũng phải làm kiểu mẫu; có thế mới “trị quốc bình thiên hạ“ được. Trị quốc bình thiên hạ đây tức là ta kháng chiến đánh Pháp, kiến quốc xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình thế giới. Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí, muốn cải tạo xã hội làm sao được...”41.

Ngày 10/4/1953, Bác ký các sắc lệnh thành lập Cục Quân huấn trực thuộc Bộ Quốc phòng, bổ nhiệm Thiếu tướng Tổng tham mưu phó Hoàng Văn Thái làm Chủ nhiệm và nguyên Tổng Tham mưu phó Trần Văn Trà giữ chức Phó Chủ nhiệm.

Ngày 10/4/1965, tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, trong phát biểu tổng kết 10 năm đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc (1955 - 1965) Bác khẳng định: “Dù Mỹ đưa thêm mấy chục vạn binh sĩ Mỹ và cố lôi kéo thêm quân đội các nước chư hầu vào cuộc chiến tranh tội ác này, thì quân và dân ta cũng quyết đánh thắng chúng”42. Đồng thời, Bác cũng nhắc lại lập trường: “Lúc này, chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”43.

Ngày 11/4

“Nông dân ta giàu, thì nước ta giàu”.

Ngày 11/4/1924, trong thư Nguyễn Ái Quốc gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đưa ra nhận xét: “Những thuộc địa của Pháp nói chung, và Đông Dương nói riêng ít được biết đến trong giới vô sản và cộng sản. Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp rất ít được thông tin về những gì xảy ra ở những thuộc địa đó”44.

Thư vạch rõ “nếu chúng ta muốn hoạt động một cách có ích về vấn đề thuộc địa thì nhất thiết phải bắt liên lạc với các thuộc địa đó”45 đồng thời cho rằng, chuyến trở về Việt Nam theo dự định “sẽ là một chuyến đi để khảo sát và nghiên cứu”46 với mục tiêu: Thiết lập mối quan hệ giữa Đông Dương và Quốc tế Cộng sản...

Ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho điền chủ và nông gia Việt Nam xác định: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”47. Bức thư kêu gọi thành lập các hợp tác xã nông nghiệp “là một tổ chức có lợi cho nhà nông..., là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng..., giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc, lại lợi dân”48.

16 giờ chiều cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Khu Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách khoa, Hà Nội) dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương do Tổng hội Sinh viên Việt Nam chủ trì tổ chức.

Ngày 11/4/1950, Bác chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Kết thúc phiên họp, Bác nhắc nhở: Chúng ta đang chuẩn bị mọi mặt về quân sự, chính trị, ngoại giao... để chuyển mạnh sang tổng phản công, phải làm tốt công tác động viên nhân dân: “Không động viên được dân thì kế hoạch hay mấy cũng hỏng, lúc nào mọi kế hoạch đến tận dân, dân thực hiện, lúc đó mới thật là tổng động viên”49.

Ngày 11/4/1964, Bác trả lời bạn đọc trên Báo Nhân Dân đặt câu hỏi: “Làm thế nào để thực hiện mỗi người làm việc bằng hai?”. Đây là nội dung Bác phát động từ Hội nghị Chính trị đặc biệt. Bác giải thích rằng, làm việc bằng hai không có nghĩa là kéo dài giờ lao động gấp đôi mà “bất kỳ làm công việc gì đều phải cố gắng nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm, có tinh thần cố gắng gấp bội; ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm mục đích làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ”50.

Ngày 11/4/1966, Bác đến thăm và nói chuyện với Hội nghị tổng kết ba năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “4 tốt”. Sau khi động viên những kết quả tích cực của cuộc vận động, Bác cũng phê phán: “Tệ hơn nữa là trong những chi bộ ấy có một số đảng viên và cán bộ, có cả cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo quan liêu mệnh lệnh nặng. Đảng cần phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ mắc sai lầm đó”51.

Ngày 12/4

“Chi bộ, công đoàn, thanh niên chính là cái gốc”.

Ngày 12/4/1908, phong trào chống sưu cao thuế nặng của nông dân miền Trung lan đến Huế. Nguyễn Tất Thành khi đó đang theo học tại Trường Quốc học đã tham gia vào phong trào học sinh ủng hộ những người nông dân nghèo lên Kinh đô chống thuế. Vì việc này mà học sinh Nguyễn Tất Thành bị đuổi học và bị mật thám theo dõi. Thân sinh là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng bị khiển trách vì để con dính líu đến “quốc sự”.

Ngày 12/4/1928, từ Béclin, thủ đô nước Đức, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản trình bày về hoàn cảnh và đề đạt nguyện vọng: “Vì không thể công tác ở Pháp, ở Đức thì vô ích, nhưng cần thiết ở Đông Dương, nên tôi đã xin lại lên đường về xứ sở này...”52. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện hoạt động nhưng nhà cách mạng Việt Nam quả quyết: “Dù thế nào tôi cũng sẽ đi, bởi vì đã một năm tôi lang thang từ nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương... Vậy tôi xin các đồng chí cho tôi càng sớm càng tốt những chỉ thị chính xác về điều mà tôi phải làm và bao giờ thì tôi có thể lên đường”53.

Ngày 12/4/1948, sau khi chủ trì cuộc họp liên Bộ, Bác Hồ tổ chức một đêm ngâm thơ, các Bộ trưởng thay nhau ngâm những bài thơ trong quyển thơ “Bà mẹ Việt Bắc” của Tố Hữu và tham dự nhiều trò vui khác.

Ngày 12/4/1952, Báo Cứu Quốc đăng bài “Cụ Hồ và cuốc cỏ bỏ phân” của Bác, ký tên Đ.X. Bài báo cho biết, Chủ tịch Nước đã nhận được hàng vạn bức thư của các tầng lớp nhân dân gửi tới thông báo về thành tích tăng gia sản xuất. Kết luận bài báo, tác giả tin tưởng rằng, chính sách tăng gia và tiết kiệm của Chính phủ và Đoàn thể nhất định thành công vì chính sách ấy đã thấm nhuần và đã biến thành chính sách của nhân dân.

Ngày 12/4/1962, Bác tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và phát biểu nhấn mạnh đến vai trò con người là quyết định. Bác cho rằng, mục đích của chủ nghĩa xã hội là nâng cao đời sống của nhân dân, muốn vậy, phải “có kế hoạch giáo dục, củng cố chi bộ, công đoàn, thanh niên. Ba lực lượng ấy mạnh thì mới lớn được. Có người nói máy kéo là gốc, cũng có người nói cái khác là gốc, tôi nói chính cái này là gốc”54.

Ngày 12/4/1965, Bác gửi thư tới các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ ngoài biển Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã kiên cường đương đầu với máy bay và tàu chiến Mỹ bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc, lập được nhiều chiến công và được phong là “Hòn đảo Anh hùng”. Trong thư Bác động viên: “Các chú cần luôn luôn nâng cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, khó không nản, thắng không kiêu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”55.

Ngày 12/4/1966, Báo Nhân Dân công bố trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đài Truyền hình Nhật Bản “Nihon Denpa” lên án Mỹ mở rộng chiến tranh, vạch trần thủ đoạn “tìm kiếm hoà bình” của Tổng thống Mỹ Giônxơn (Johnson) cũng như sự đồng lõa của chính quyền Nhật Bản... và khẳng định “Dù có lâu dài, gian khổ, cuộc đấu tranh chính nghĩa đó nhất định sẽ thắng lợi”56.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích
34. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 157, 158
35, 36. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 165.
37. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 196.
38. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 214.
39. Nhật ký của một Bộ trưởng, Sdd, t. 2, tr. 292.
40, 41. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 68, 72.
42, 43. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 432, 434.
44, 45, 46. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 251.
47, 48. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 215.
49. Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 421.
50 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 51.
51 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 79.
52, 53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 325-326.
54. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 220.
55. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sdd, t. 11, tr. 436

Bài viết khác: