Ngày 17/4
“Anh hùng là những người thật cần kiệm liêm chính...”.
Ngày 17/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ theo dõi chặt chẽ tình hình 600 quân Pháp sau khi đụng độ với quân Tưởng đã đổ bộ lên Hải Phòng và xâm nhập vào Hà Nội từ ngày 15/4 và việc lính Pháp đã gây ra những vụ khiêu khích ở ga Hà Nội. Hội đồng cũng bàn đến việc quản lý nấu rượu, đối phó với giấy bạc Đông Dương và ngoại giao với Pháp.
Ngày 17/4/1952, Báo Nhân Dân đăng bài “Ai là anh hùng?” của Bác (ký bút danh C.B). Thông qua câu chuyện trao đổi giữa một nhóm chiến sỹ về câu hỏi này, bài báo kết luận bằng lời giải thích của chính trị viên, cũng là của tác giả bài viết: “Người anh hùng là những người thật cần kiệm liêm chính, hết lòng hết sức phục vụ kháng chiến, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là những người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, của giai cấp”76.
Ngày 17/4/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ và trình bày về tình hình thế giới và trong nước từ cuối tháng 3 đến trung tuần tháng 4/1953 và đưa ra nhận định: “Với những mặt thuận lợi và tiến bộ đó, năm nay chúng ta có thể có sự chuyển hướng khá mạnh về chính trị, quân sự và kinh tế”77.
Ngày 17/4/1959, Bác đến thăm Đại hội Liên hoan chiến sỹ thi đua và lao động xuất sắc năm 1958 của Thủ đô Hà Nội, sau đó tiếp tục dự phiên họp buổi tối của Hội nghị Trung ương 16 bàn về hợp tác hóa. Bác căn dặn hợp tác hóa không tách rời khỏi việc củng cố đê điều, xây dựng trường học và vẫn theo đuổi ý tưởng về một phong trào trồng cây của toàn dân để làm nhà cho nông dân: “Nếu mỗi nhân khẩu trồng 5 cây, có làm được không? Bộ đội ở Hòn Gai mỗi người trồng 10 cây thông, phải trồng xoan… để trong 5 năm nữa có thể thay đổi nhà cho nhân dân. Các địa phương nên chú ý làm việc đó”78.
Ngày 17/4/1962, Bác viết bài “Cần phải ra sức trồng nhiều hoa màu” (với bút danh T.L) đăng trên Báo Nhân Dân để lưu ý tình trạng yếu kém và chậm của một số tỉnh ở miền Bắc, đồng thời, yêu cầu các cấp ủy từ tỉnh đến xã phải cấp tốc đến tận nơi động viên và hướng dẫn đồng bào nông dân và các cơ quan, bộ đội trồng đủ và chăm bón tốt ngô, khoai, sắn, quyết tâm thu một vụ hoa màu thắng lợi.
Ngày 17/4, một năm sau đó (1963), Bác lại dự Hội nghị kiểm điểm công tác chống hạn vụ Đông - Xuân tại tỉnh Hà Đông và tặng nhân dân địa phương bức trướng với lời biểu dương thành tích:
“Hà Đông anh dũng tuyệt vời,
Vắt đất ra nước thay trời làm mưa”79.
Ngày 17/4/1966, tại Trường bắn Hòa Lạc (Hà Tây), Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều cán bộ quân sự cao cấp thăm Tiểu đoàn 99 Pháo phản lực A12 và Trung đoàn 84A Pháo phản lực ĐKB diễn tập bắn đạn thật. Đây là một vũ khí hiện đại được pháo binh Việt Nam cải tiến và sử dụng sáng tạo mang lại hiệu quả rất cao trên chiến trường. Bác nhắc nhở các cấp chỉ huy phải ra mệnh lệnh ngắn gọn, chính xác và căn dặn: “Pháo tốt, đạn tốt còn phải có kỹ thuật tốt và tinh thần tốt nữa”80.
Ngày 18/4
“5 điểm chủ yếu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.
Ngày 18/4/1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng bào người Việt Nam đã đến dự cuộc họp của Liên hiệp Công đoàn quận “Seine”.
Ngày 18/4/1928, tập san “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản, trên các bản in bằng tiếng Pháp, Anh và Đức đăng bài viết “Nông dân Ấn Độ” của Nguyễn Ái Quốc (với bút danh “Wang”) lúc này đang hoạt động tại Trung Quốc. Bài báo khảo sát lực lượng nông dân của một quốc gia đông dân và là thuộc địa của thực dân Anh khiến cho hàng triệu nông dân bị chết đói, tàn phá những làng quê và đẩy họ ra các thành phố thành tầng lớp “vô sản áo rách”. Với cái nhìn của một nhà cách mạng, tác giả vẫn tin tưởng: “Tuy không có tổ chức hoặc tổ chức còn lỏng lẻo, người nông dân - do nghèo khổ thúc bách - thường nổi dậy chống kẻ bóc lột”81.
Tháng 4/1930, từ Hồng Kông, sau khi hoàn thành sứ mệnh hợp nhất các tổ chức cách mạng trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc qua Xiêm (Thái Lan) đẩy mạnh cuộc vận động trong cộng đồng Việt kiều tại vùng Đông Bắc nước này.
Một thập kỷ sau, tháng 4/1940, Nguyễn Ái Quốc lại có mặt tại Xiêm, với bí danh “ông Trần” đã tham gia lễ cầu hồn cho hai chục Việt kiều ở Bích Sắc Trại bị bom Nhật giết hại. Tại buổi lễ, Nguyễn Ái Quốc đã đọc bài sớ:
“Nam mô Phật tổ Như Lai,
Chúng sinh nheo nhóc dưới trời Tây phương,
Trăm tầng áp bức thảm thương,
Thân gầy như củi, xác nhường thây ma,
...
Thù nhà, nợ nước đôi đường
Đã vì người chết, càng thương giống nòi
Đừng tin vào số mệnh trời,
Mà do quân Nhật giết người gây nên
Hồn ơi! Hồn có linh thiêng
Hãy cùng người sống báo đền nước non
Người còn thì nước phải còn”82.
Ngày 18/4/1958, tại Quốc hội Khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp báo cáo trước toàn thể đại biểu quá trình xây dựng “Hiến pháp sửa đổi” và hứa “sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội đã trao cho và làm cho nước ta có một bản Hiến pháp xứng đáng với những thắng lợi và những tiến bộ vẻ vang của nhân dân ta”83.
Tháng 4/1966, Bác viết tài liệu “Nội dung chủ nghĩa anh hùng cách mạng” và khái quát thành 5 điểm chủ yếu:
“1. Trung với nước, hiếu với dân, vì sự nghiệp chống Mỹ, vì chủ nghĩa xã hội, luôn luôn nêu cao tinh thần hy sinh chiến đấu, lao động quên mình.
2. Chấp hành triệt để đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.
3. Quyết tâm đi sâu vào khoa học - kỹ thuật và nghiệp vụ, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ra sức học tập và vận dụng tốt sáng kiến và kinh nghiệm tiên tiến, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả chiến đấu.
4. Nêu cao ý thức tập thể và làm chủ tập thể, ý thức tổ chức và kỷ luật, đoàn kết đồng chí, đoàn kết nhân dân, đi đường lối quần chúng.
5. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn giản dị, gương mẫu về mọi mặt”84.
Ngày 19/4
“Vì nước quên nhà, vì công quên tư”.
Ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về Dự án ngân sách lương thực của quân đội, vấn đề lập Nha Dân tộc Thiểu số và vấn đề tài chính.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Plâycu. Thư có đoạn viết: “… Đồng bào Kinh hay Thổ, Muờng hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”85.
Tháng 4/1949, trong bức thư ký là “Cháu: Hồ Chí Minh” gửi thư cho cậu (Hoàng Phan Kính) và dượng (Trần Lê Hữu), Bác bày tỏ một nỗi niềm: “Tôi chưa về thăm quê được, không phải vì vô tình với quê hương, nhưng vì lẽ này: Trong lúc giặc Pháp đang giày xéo trên đất nước ta, thì phận sự của mọi người Việt Nam là “vì nước quên nhà, vì công quên tư”. Là một người đầy tớ chung của đồng bào, tôi càng phải như thế...”86.
Phân tích những khiếm khuyết của chế độ, thư viết: “Nhân dân ta vừa đánh đổ chế độ phong kiến mấy nghìn năm và phá tan xiềng xích nô lệ gần một thế kỷ để xây dựng một nước Việt Nam mới.
Trong lúc lật đổ những tường vách cũ kỹ và đang xây đắp ngôi lâu đài mới thì chắc chắn không khỏi có những mụn bào, gạch bể và những thứ ghột rác khác. Chúng ta sẽ gột sạch dần dần. Trong lúc kháng chiến và kiến quốc, nhân dân ta có những thành công to lớn, vẻ vang, nhưng cũng không khỏi có nhiều khuyết điểm. Chúng ta sửa chữa những khuyết điểm ấy dần dần. Chúng ta nhất định sửa chữa được vì chúng ta quyết tâm sửa chữa.
Bổn phận của tôi, Chính phủ cùng các cơ quan, đoàn thể địa phương, mà cũng là bổn phận của mỗi người dân là làm những việc có ích cho đồng bào, cho Tổ quốc... Tôi lại mong cậu, dượng cùng các vị đôn đốc, giúp đỡ đồng bào địa phương xung phong thi đua ái quốc, làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc”87.
Ngày 19/4/1959, dự Hội nghị 16 Trung ương Khóa II bàn về hợp tác hóa nông nghiệp, Bác đặc biệt lưu ý mỗi xã phải quan tâm xây dựng nghĩa trang liệt sỹ để làm tốt chính sách và giáo dục truyền thống.
Ngày 19/4/1966, tại Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận về tình hình đấu tranh chính trị ở miền Nam, Bác đề nghị phải chỉ đạo sát sao phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, phải duy trì lâu dài phong trào quần chúng, với mỗi tầng lớp nhân dân phải có khẩu hiệu đấu tranh cụ thể, phải dựa vào chiến thắng quân sự để phát huy uy thế chính trị, đẩy mạnh binh vận với cả lính Mỹ và tay sai.
Ngày 20/4
“Phải coi người bệnh như ruột thịt”.
Ngày 20/4/1931, trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc phê bình cuộc Hội nghị Xứ ủy Trung và Bắc kỳ về “cách khai hội”, “cách thảo luận”, “vấn đề tên Đảng” và xác định “lực lượng của Đảng”. Nguyễn Ái Quốc đề nghị phải sửa chữa những thiếu sót, phải có chương trình hành động cụ thể cho từng huyện, từng tỉnh, cho mỗi đảng viên với yêu cầu “Tất cả mọi đảng viên và tất cả các chi bộ phải thảo luận Chỉ thị của Quốc tế thứ ba và Nghị quyết của Trung ương”88.
Ngày 20/4/1939, từ Quảng Tây (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc viết thư (ký bút danh là “Lin”) gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva. Trong đó, đưa ra những đánh giá về tình hình ở Việt Nam “sự đàn áp xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt là ở Trung Kỳ, chống những… phần tử cánh tả, những công nhân và những nông dân hoạt động... Tôi có cảm tưởng rằng phong trào của mặt trận thống nhất ở xứ này không mạnh lắm. Trái lại, những phần tử cánh tả hoạt động khá mạnh...”89.
Ngày 20/4/1948, trong thư gửi Hội nghị Tổng bộ Việt Minh, người sáng lập ra tổ chức chính trị này đã phân tích những nguyên nhân thành công là: “Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cướp được chính quyền, Việt Minh định tổ chức một Chính phủ rộng rãi, gồm tất cả các nhân tài trong nước để gánh vác việc quốc gia. Lúc đó có người nghĩ rằng các nhân sĩ có danh vọng chưa chắc vui lòng hợp tác với Việt Minh. Song vì Việt Minh đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, và lấy lòng chí công vô tư mà làm việc, cho nên các bậc có tài đức danh vọng đều vui lòng hợp tác trong Chính phủ”90. Bức thư còn đề cập những khuyết điểm do phát triển quá nhanh mà không kịp quan tâm huấn luyện cán bộ dẫn đến việc một số cán bộ thoái hóa làm sai chính sách.
Ngày 20/4/1949, Báo Cứu Quốc đăng nội dung trả lời phỏng vấn báo La Tribune (Diễn đàn). Giải thích câu hỏi “Thi đua ái quốc là gì”, Bác trả lời: “Đặc điểm của Thi đua ái quốc là: Đưa tất cả tinh thần và lực lượng của quân và dân Việt Nam để thực hiện ba mục đích: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”91. Bác cũng bày tỏ “chúng tôi hoan nghênh những đại biểu báo ngoại quốc mà ngôn luận công bằng” đến vùng tự do. Trả lời câu hỏi về thái độ với nước Pháp khi Việt Nam hoàn toàn độc lập, Bác xác nhận: “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn”92.
Ngày 20/4/1963, Bác về thăm bệnh xá Vân Đình, huyện Ứng Hòa (khi đó thuộc tỉnh Hà Đông) và căn dặn: Trong công tác phục vụ, cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần. Có thuốc hay, thức ăn ngon, còn cần phải có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt. Cần đặc biệt chú ý việc phòng bệnh.
Ban biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
76,77. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 184, 312.
78. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 259-260.
79. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sdd, t. 11, tr. 19.
80. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 395.
81. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 331.
82. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 2, tr. 101.
83. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 160.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 90.
85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 217-218.
86. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 305.
87. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 305-306.
88,89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 75, 123-124.
90,91,92. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 412, 586, 587.