Ngày 28/4
“Đã bầu thì phải thật xứng đáng”.
Ngày 28/4/1928, Nguyễn Ái Quốc nhận được hồi âm lá thư ngày 17/4 báo tin rằng Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản đã chấp nhận đề nghị trở về nước và quyết định gửi một số tiền đi đường cùng trợ cấp ba tháng đầu tiên.
Ngày 28/4/1946, Bác cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến cùng một số vị trong Chính phủ về thị sát đê điều vùng Thái Bình và dự Lễ khánh thành đê Mỹ Lộc và Hưng Nhân.
Ngày 28/4/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội nghị kinh tế và Hội đồng Chính phủ bàn về ngân sách trên tinh thần biên chế mới. Nhật ký Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi chép: “Hồ Chủ tịch động viên tinh thần đồng thời đả thông tư tưởng ráo riết thì ngân sách mới được thông qua… Đồng thời với việc xét ngân sách 1951, còn trình bày chính sách thuế nông nghiệp mới, tuyên bố bỏ chế độ thuế cũ, thủ tiêu tất cả các loại đóng góp lẻ tẻ, lặt vặt ở địa phương, thống nhất tập trung vào một thứ thuế: Nông nghiệp”133.
Ngày 28/4/1959, dự Hội nghị 16 Ban Chấp hành Trung ương bàn về hợp tác hóa miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu nhấn mạnh phải chú trọng vấn đề dân chủ, trình độ văn hóa ở mỗi nơi sao cho hợp lý và vấn đề chính là phải củng cố chính quyền và tổ chức Đảng ở cơ sở cho mạnh..., phải có chính sách ưu tiên đối với cán bộ Đảng, Đoàn, quân sự và các ngành đang công tác ở miền núi.
Ngày 28/4/1960, Bác họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề lương bổng và thảo luận về thiết kế Nhà Quốc hội (do Trung Quốc thực hiện, vì nhiều lý do, công trình này sau đó không thực hiện). Cùng ngày, Bác đến nói chuyện với Hội nghị bàn về công tác vùng cao do Ủy ban Dân tộc Trung ương triệu tập với lời căn dặn: “Phải làm tốt công tác vận động định canh định cư ở vùng cao, phải nắm nguyên tắc tự nguyện, không gò ép, không tham nhiều, không nóng vội, làm nơi nào phải tốt nơi đó”134. Cũng trong ngày 28/4/1960, Bác ký Lệnh ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự.
Ngày 28/4/1961, Báo Nhân Dân đăng bài “Guồng máy nông nghiệp” của Bác (ký tên T.L) trong đó đưa ra quan điểm: “Nông nghiệp cũng có guồng máy của nó. Từ lúc chọn giống đến ngày đưa thóc vào kho, mọi công việc phải ăn khớp, nhịp nhàng với nhau… Muốn cho guồng máy chạy thật đều, thật tốt, chúng ta phải thực hiện ba điều sau đây: Cán bộ quản trị phải thật sự dân chủ và chí công vô tư. Đảng viên và đoàn viên thanh niên phải gương mẫu trong mọi công việc. Tất cả xã viên phải đoàn kết nhất trí, phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ, làm đúng khẩu hiệu “Cần kiệm xây dựng hợp tác xã”135.
Ngày 28/4/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về chuẩn bị Đại hội Liên hoan Anh hùng chiến sỹ thi đua. Bàn về tiêu chuẩn anh hùng, Bác đưa ra ý kiến để thảo luận: “Trước hết, quân đội nhất định phải có anh hùng. Lúc kháng chiến có anh hùng, sao nay lại không có anh hùng?... Có phải không có chiến tranh thì quân đội không có anh hùng?”136.
Ngày 29/4
“Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ”.
Ngày 29/4/1946, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc được “Hội giúp Binh sĩ bị nạn” tại Huế mời ra làm Chủ tịch Danh dự và các Bộ trưởng làm Hội viên Danh dự và đề nghị Chính phủ nên đáp lại bằng việc ra thông tư cho các địa phương nên có hình thức tỏ lòng biết ơn đối với các chiến sỹ. Hội đồng Chính phủ còn bàn đến vấn đề tha chính trị phạm, việc thu hoạch vụ chiêm, chống phá rừng và đề nghị Chủ tịch Nước ra lời kêu gọi công nhân Việt Nam nhân ngày Quốc tế Lao động. Cùng ngày, Bác đã ký Sắc lệnh về ngày 01-5 nghỉ có lương đối với tất cả công nhân làm việc trong các doanh nghiệp công và tư.
Ngày 29/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến đồng bào cả nước sau ngày cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế với lời đánh giá: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập... Chúng ta thương tiếc cụ Huỳnh vô cùng. Nhưng chúng ta không nên thương tiếc bằng cách than khóc rầu rĩ. Chúng ta thương tiếc cụ bằng cách: Càng đoàn kết chặt chẽ, càng hăng hái kháng chiến; bằng cách: Theo gương dũng cảm, nối chí quật cuờng của cụ; bằng cách: Hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân mà cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời. Chúng ta phải đồng thanh thề trước tiên linh của cụ Huỳnh rằng: Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên quyết của cụ. Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ...”137.
Ngày 29/4/1952, với bút danh Đ.X, Bác viết bài “Bọn đế quốc đường cùng” đăng trên Báo Cứu Quốc điểm lại các cuộc chiến đấu chống đế quốc trên thế giới để đi đến nhận định: “Mấy năm trước đây, các ông đế quốc Mỹ, Anh, Pháp đều “thở ra sét, hét ra lửa”, ai dám động đến. Song các dân tộc xưa kia chịu làm trâu ngựa, nay đã hóa ra sư tử, hùm thiêng”138.
Ngày 29/4/1961, Bác Hồ được Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ II bầu làm Chủ tịch Danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 29/4/1966, chiếc máy bay thứ 1.000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc thuộc về chiến công của quân dân tỉnh Bắc Thái. Cũng vào dịp này, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Ôxtrâylia là U.Bớcxét: Người Mỹ nói họ sẽ thắng trong cuộc chiến tranh ở miền Nam bằng cuộc chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc?, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Không bao giờ! Chúng tôi sẽ chiến đấu 10, 15, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa, chúng tôi có sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Chúng tôi sẽ thắng lợi!.
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị thảo luận về tình hình cách mạng miền Nam, Bác đưa ra nhận định: “Nửa nước nông nghiệp lạc hậu mà thắng tên đế quốc mạnh nhất thì ta thật là tự hào, tương lai ta thật sáng sủa”139.
Ngày 30/4
“Tăng gia là tay phải, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”.
Ngày 30/4/1921, báo cáo mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc nhận được nhiều bản của tờ báo cánh tả “Libertaire” và tờ La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản). Cũng theo báo cáo của mật thám, ngày 30/4/1922, Nguyễn Ái Quốc tham dự một cuộc biểu tình cộng sản tại vùng “Clichy” (Pháp).
Ngày 30/4/1947, trên chiến khu Việt Bắc, Bác tham dự một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại: “Gần tối, lúc chúng mình đang ăn cơm thì Hồ Chủ tịch đến trong bộ áo quần bí mật của Cụ. Lần này thì lưng mang một gùi, vai mang súng, mình mặc bộ quần áo màu nâu, đội mũ như bộ đội, mặt che đậy hết nửa, mới trông như người đi săn trong rừng sâu, không ai tài nào nhận ra được. Bắt tay vui vẻ với tất cả mọi người, rồi giản dị hơn ai hết, Cụ bảo thêm một chén một đũa để Cụ cùng ngồi ăn trong lúc mâm cơm đã gần tàn... 7 giờ tối, bắt đầu Hội đồng. Ai nấy ngồi xếp ve quanh mấy chiếc chiếu trải dài... Hội đồng hôm nay có 2 tin buồn, cái chết của Cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) và Nam (Hoàng Hữu Nam). Cụ nói qua lịch sử chiến đấu của hai chiến sỹ trong Chính phủ sau khi tất cả đều mặc niệm một phút... Cụ Chủ tịch nói với một giọng đau đớn như Cụ đã mất một người anh và một người con... Sau đó, Cụ báo cáo tình hình chính trị chung ngoài nước và trong nước...”140. Đến 3 giờ khuya cuộc họp mới kết thúc.
Ngày 30/4/1949, một ngày trước ngày Quốc tế Lao động, Bác viết thư chào mừng với đầu đề “Nhiệm vụ chính trong giai đoạn mới” trong đó xác định: “Ở các nước, ngày này là ngày riêng của lao động, kiểm điểm lực lượng của mình, để đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp. Ở nước ta, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, sĩ, nông, công, thương, binh, toàn dân đều đoàn kết thành một khối, toàn dân đều ra sức lao động, nhằm một mục đích: Giết giặc cứu nước. Ngày 01-5 là ngày lễ của toàn thể đồng bào ta”141.
Ngày 30/4/1964, nói chuyện với Đại hội liên hoan Phụ nữ “5 tốt”, Bác khẳng định: “Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”142. Phân tích những nội dung của “5 tốt”, Bác nhấn mạnh: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”143.
Về nội dung “gia đình”, Bác đưa ra quan niệm: “Gia” là nhà. “Đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình… Ta có câu hát:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”144.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Chú thích:
133. Lê Văn Hiến, Nhật ký của một Bộ trưởng, Sdd, t. 2, tr. 550-551.
134. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 461.
135 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 352-353.
136. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 225.
137 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 121-122.
138. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 194.
139. Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 399.
140. Lê Văn Hiến, Sdd, t. 1, tr. 139.
141. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 590.
142, 143, 144. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 256, 257, 258.