Ngày 13/4
“Những chiến sỹ trên mặt trận chống giặc dốt”.
Ngày 13/4/1904 (28/02 năm Giáp Thân) bà ngoại Nguyễn Tất Thành qua đời. Đây là cái tang lớn của gia đình Bác Hồ vì Cụ bà là người đã cưu mang cho con rể là Nguyễn Sinh Sắc học hành, đỗ đạt và chăm sóc anh chị em của Nguyễn Tất Thành khi còn nhỏ.
Ngày 13/4/1923, tờ báo La Vie Ouvriốre (Đời sống công nhân) đăng bài "Chủ nghĩa quân phiệt thực dân" của Nguyễn Ái Quốc tố cáo những chính sách hà khắc của các chính quyền thực dân đối với các thuộc địa. Bài báo viết: “Sự tàn ác của bọn bắt lính ở các thuộc địa tinh vi tới mức thậm chí người Pháp ở chính quốc cũng không thể hình dung được một cái gì giống như thế...”57.
Tối 13/4/1946, Bác đến thăm một lớp học ở phố Hàng Trống (Hà Nội). Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại: “Bàn học là những cánh cửa kê tạm. Giáo viên, một người trẻ tuổi đeo kính trắng đang cầm phấn viết mấy chữ mẫu trên tấm bảng đen. Người học thuộc nhiều lứa tuổi, ăn mặc khác nhau. Những mái đầu cặm cụi. Mái tóc bạc phơ của một cụ già vận áo dài bên bộ tóc đen nháy của một chú bé mặc quần cộc. Bác đứng chống cây gậy tre nhìn quang cảnh này tỏ vẻ rất xúc động. Bác khuyến khích mọi người và nói: Cả người dạy và người học đều là những chiến sỹ trên mặt trận chống giặc dốt”58.
Sau đó, Bác đến thăm một lớp học khác tại Khu 21 Trịnh Hoài Đức và biểu dương đội ngũ các thầy cô giáo là những người tình nguyện dạy học không lương: Anh chị em giáo viên Bình dân học vụ là những người vô danh anh hùng. Anh hùng không tên tuổi, anh hùng không ai biết đến. Để động viên anh chị em giáo viên Bình dân học vụ, Bác tự tay viết vào cuốn “Phương pháp và cách thức dạy học vỡ lòng chữ quốc ngữ” câu: “Anh chị em giáo viên Bình dân học vụ cố gắng đọc kỹ sách này, rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết. Thế là làm tròn một nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc”59.
Ngày 13/4/1959, họp Bộ Chính trị bàn về chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, Bác lưu ý coi trọng việc giáo dục, đả thông tư tưởng đối với các nhà tư sản cho kỹ, mục tiêu cải tạo là vì tương lai của các nhà công thương, không gạt họ ra ngoài nhân dân và khi định thành phần tránh gây căng thẳng.
Ngày 13/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô nhân sự kiện ngày 12/4/1961, Liên Xô phóng thành công con tàu vũ trụ Phương Đông I mang theo nhà du hành vũ trụ đầu tiên của loài người Yuri Gagarin lên quỹ đạo Trái đất.
Ngày 13/4/1967, Bác Hồ gửi thư khen ngợi các chiến sỹ pháo binh với truyền thống “chân đồng vai sắt” nay lại “lập được thành tích mới vẻ vang, bắn trúng nhiều tàu chiến Mỹ, bắn chìm nhiều tàu biệt kích Mỹ và tay sai, đánh trả pháo binh địch, diệt nhiều giặc Mỹ ”60 và căn dặn: “Các đồng chí chớ vì thắng lợi mà chủ quan. Phải ra sức học tập và thi đua với pháo binh Quân Giải phóng miền Nam tài giỏi, anh hùng... lập nhiều chiến công to lớn hơn nữa”61.
Ngày 14/4
“Phải làm cho Thủ đô ta ngày càng sạch sẽ, vui tươi”.
Ngày 14/4/1920, báo cáo mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ với Tổng Thư ký Hội Liên minh nhân quyền. Đây là tổ chức quan tâm đến các thuộc địa và bênh vực dân bản xứ trước những chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân.
Ngày 14/4/1924, Nguyễn Ái Quốc chính thức được nhận vào làm việc ngoài biên chế tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản.
Ngày 14/4/1928, Nguyễn Ái Quốc viết bài báo “Phong trào công nhân ở Ấn Độ” (với bút danh là Wang) gửi đăng trên tờ “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản với nhận định: “Mặc dầu có tình trạng vô tổ chức của thợ thuyền và thái độ hèn nhát của những người theo chủ nghĩa cải lương, sự nghèo khổ làm cho vô sản Ấn Độ cấp tiến hơn”62.
Ngày 14/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Hội đồng Chính phủ và trong ngày đó ký nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có các sắc lệnh phát hành “Công phiếu kháng chiến” trong cả nước (SL 160); tặng thưởng những tấm Huân chương Quân công hạng Nhất đầu tiên cho ba đơn vị là Đội quân Giải phóng, Đội quân Du kích Bắc Sơn và Đội quân Khởi nghĩa Nam bộ (SL 163); đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ thành Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam (SL 165), v.v..
Ngày 14/4/1961, bàn về chính sách thu mua lương thực trong một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác nêu ý kiến các hợp tác xã nên đặt chế độ để thóc nghĩa thương, tức là phát huy một truyền thống vốn có trong nông thôn nước ta là gây quỹ thóc để tương trợ những đồng bào thiếu đói. Bác cũng lưu ý rằng, trong thời điểm còn gặp khó khăn về lương thực hiện nay, việc định mức cho dân phải được nghiên cứu và cũng đưa ra một nhận định là thị trường tự do nên có.
Ngày 14/4/1964, phát biểu với bà con cử tri Hà Nội, Bác bày tỏ rằng, đã tham gia Quốc hội đến nay đã gần 20 năm, nhưng cách mạng đòi hỏi nên còn phải phấn đấu chưa thể hưởng “vui thú thanh nhàn”63, vì nguyện vọng tha thiết vẫn là được chứng kiến niềm vui:
“Bắc Nam sum họp một nhà,
Cho người thấy mặt thì ta vui lòng”64.
Bác góp ý về công tác vệ sinh đô thị của Thủ đô: “Chúng ta ngày nào cũng rửa mặt đánh răng, thì thành phố của chúng ta ngày nào cũng phải quét dọn tươm tất. Chúng ta phải làm cho Thủ đô ta ngày càng sạch sẽ, vui tươi…”65.
Ngày 14/4/1967, Bác lên đường sang Trung Quốc chữa bệnh. Một năm sau, ngày 14/4/1968, cũng từ nơi an dưỡng, Bác làm bài thơ “Mậu Thân Xuân tiết”:
“Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên,
Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên.
Bạch điểu tróc ngư hồ lý khứ,
Hoàng oanh phi thượng thiên.
Thiên thượng nhàn văn lai hựu khứ,
Mang bả Nam phương tiệp báo truyền”66.
(Lời dịch của Phan Văn Các: Tháng Tư hoa nở một vườn đầy/ Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi/ Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá/ Hoàng oanh vút tận chân trời/ Trên trời mây đến rồi đi/ Miền Nam thắng trận mang về tin vui).
Ngày 15/4
“Phải hoan nghênh quần chúng phê bình”.
Ngày 15/4/1945, từ Côn Minh Trung Quốc, Bác Hồ chọn 20 chiến sỹ của Mặt trận Việt Minh hộ tống hai nhân viên phụ trách điện đài của Cơ quan Tình báo chiến luợc Mỹ (OSS) trở về chiến khu của Việt Nam để duy trì liên lạc với đại bản doanh Đồng Minh. Đó là F.Tan và Mc Shin đều gốc Trung Hoa.
Ngày 15/4/1946, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh bận rộn với một chiến dịch ngoại giao nhằm tranh thủ mọi cơ hội để bảo vệ nền độc lập dân tộc còn non trẻ. Buổi sáng, Bác cùng Chính phủ tiếp đoàn Quốc hội sang Pháp do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu, nghe báo cáo về Đoàn của cố vấn Vĩnh Thụy đi Trùng Khánh (Trung Quốc) và buổi chiều gặp Đoàn đi Đà Lạt dự Hội nghị trù bị với Pháp do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam dẫn đầu. Bác cũng nêu rõ mục tiêu: “Cần căn cứ vào Hiệp định sơ bộ để đi đến cộng tác thực thà với Pháp”67.
Ngày 15/4/1949, Báo “Sự Thật” đăng bài “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” của Bác trao đổi về một vũ khí quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức cách mạng. Bác viết: “Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì oai tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao.
Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.
Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”68.
Ngày 15/4/1950, với bài báo “Sinh viên Việt Nam tại Anh với Sắc lệnh Tổng động viên” đăng trên Báo Sự Thật, Bác Hồ đã biểu dương 14 lưu học sinh Việt Nam ở Luân Đôn đã đánh điện về nước ngỏ ý sẵn sàng trở về quê hương nhập ngũ kháng chiến: “... Dù xa xôi, tâm trí chúng tôi vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc và lúc nào cũng sẵn sàng thi hành những huấn lệnh của Chính phủ”69.
Ngày 15/4/1958, ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch được khởi công. Một tháng sau, ngôi nhà hoàn thành và đúng Ngày sinh của Bác năm đó, ngôi nhà sàn được đưa vào sử dụng và đến nay trở thành một di tích lịch sử quý giá.
Ngày 15/4/1960, phát biểu tại buổi bế mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa I (kỳ họp thứ 12), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Quốc hội ta là Quốc hội dân chủ đầu tiên ở vùng Đông - Nam Châu Á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập tự do”70, trong 14 năm qua, “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”71.
Ngày 15/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị nghe Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình chiến trường miền Nam.
Ngày 16/4
“Báo chí phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Ngày 16/4/1915, Nguyễn Tất Thành từ Anh viết thư gửi Toàn quyền Đông Dương qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn nhờ chuyển cho cha mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (hay Huy). Nhưng bức thư (ký tên là “Paul Thành”) đã không đến tay người nhận với lý do là chính quyền không tìm ra địa chỉ.
Ngày 16/4/1923, báo cáo của mật thám cho biết, Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy mời dự Đại hội thường kỳ lần thứ 7 Hội những người bạn phương Đông của Pháp tổ chức vào 14 giờ 30 ngày 22/4/1923 tại Bảo tàng “Guimet” (Musée de l’ Homme) ở Pari.
Ngày 16/4/1939, từ Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Thư từ Trung Quốc” đăng trên tờ báo “Notre Voix”(Tiếng nói của chúng ta) phát hành tại Hà Nội. Bài báo viết về những tổn thất của quân phiệt Nhật Bản trước “mặt trận du kích” của nhân dân Trung Quốc. Những bài báo ký tên “PC.Lin” gửi về nước trong thời gian này cũng là cách Nguyễn Ái Quốc liên hệ với lực lượng của Đảng ở trong nước vào thời điểm thế giới đang có những biến chuyển quan trọng, đại chiến sắp bùng nổ.
Ngày 16/4/1946, tại Bắc Bộ phủ, Bác cùng Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng tiễn đưa Đoàn Quốc hội Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Pháp với lời căn dặn: “Có ba việc cần phải làm là đoàn kết, cẩn thận, làm cho người Pháp hiểu ta để gây tình hữu nghị giữa hai dân tộc”72. Còn với Đoàn tham gia đàm phán với Pháp do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam làm Trưởng đoàn bay đi Đà Lạt, Bác nhắc nhở: Cần đặt vấn đề Nam bộ và vấn đề đình chiến lên đầu chương trình nghị sự.
Ngày 16/4/1953, Báo Nhân Dân đăng bài của Bác (ký tên C.B) “Lực lượng to lớn của quần chúng” chỉ rõ: “Lực lượng của quần chúng là vô cùng to lớn. Quần chúng đã tự giác, tự động thì việc gì to mấy, khó mấy cũng làm được”73.
Ngày 16/4/1958, kết thúc bài diễn văn khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi tin rằng trong khóa họp Quốc hội lần thứ tám này, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, Quốc hội sẽ tập hợp được những ý kiến dồi dào của các đại biểu, của nhân dân, sẽ quyết định một cách sáng suốt các công việc quan hệ tới quốc kế dân sinh mà Chính phủ sẽ trình để Quốc hội xét”74.
Ngày 16/4/1959, đến thăm Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, lấy tư cách “một người có nhiều duyên nợ với báo chí”, Bác có một bài phát biểu dài phân tích bản chất của báo chí cách mạng, những kinh nghiệm viết báo cũng như những căn bệnh thường thấy của người làm báo. Bác nói: “Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai?... Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động... phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu... Tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó… Kinh nghiệm của 40 năm là không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được…”75.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
57 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 174.
58. Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 218.
59. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 234.
60,61. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 256.
62. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 328.
63,64,65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 245, 248.
66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 348.
67. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 200.
68. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 584-585.
69. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 37.
70,71. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 122, 124.
72. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 201.
73. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 311.
74,75. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 158, 414, 419.