Chỉ mục bài viết

 Ngày 05/4

“Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Ngày 05/4/1930, sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, từ Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư đến “đồng chí Zao” (là bí danh của Bùi Công Trừng) và các học sinh Việt Nam đang học ở Liên Xô.

Bức thư báo tin: “Trong nước bây giờ đã có đảng thống nhất vững vàng, không còn những tệ chia lìa ấu trĩ như trước nữa”(18). Đồng thời, cho biết vào dịp Đại hội Quốc tế Lao động sắp tổ chức ở Liên Xô sẽ có một số đại biểu công nhân ở trong nước sang dự. Do đó, phân công đồng chí Zao tổ chức anh em học sinh Việt Nam giúp đỡ các đại biểu trong nước sang để làm sao cho anh em đại biểu hăng hái và yêu mến Xô - Nga, lại có cảm tình với anh em lao động các nước và không để các đại biểu cảm thấy sự phân biệt giữa trí thức và người lao động.

Ngày 05/4/1948, Bác Hồ viết 12 điều răn yêu cầu mọi người phải nhớ và thực hành khi tiếp xúc với dân. Để cổ động, Bác viết bài thơ:

“Mười hai điều trên,

Ai chả làm được.

Hễ người yêu nước,

Nhất quyết không quên.

Tập thành thói quen,

Muôn người như một.

Quân tốt dân tốt,

Muôn sự đều nên.

Gốc có vững cây mới bền,

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(19).

Ngày 05/4/1958, Bác dự Lễ tốt nghiệp Khóa 10 của Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam ra đời từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và mang tên vị anh hùng dân tộc “Trần Quốc Tuấn”. Khóa 10 cũng là khóa đầu tiên được đào tạo chính quy ở trong nước, vì trong thời gian chiến tranh, Trường đã di chuyển ra ngoài nước. Huấn thị với lãnh đạo và học viên nhà trường, Bác nói: “… Cần mạnh dạn áp dụng những điều đã học được, nhưng cần phải áp dụng một cách thiết thực, thích hợp với hoàn cảnh của ta;... cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật, tích cực chấp hành điều lệnh, chấp hành những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Một điều rất quan trọng nữa, có thể nói là quan trọng bậc nhất, là phải tăng cường đoàn kết”(20).

Sau sự kiện Không quân nhân dân Việt Nam lần đầu xuất kích đánh to và thắng lớn không lực Hoa Kỳ trong các ngày 03 và 04/4/1965, ngày 05/4/1965, Bác gửi thư khen ngợi: “Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu “Đã đánh là thắng”. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta... Chúc các chú lập nhiều chiến công hơn nữa”(21).

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn nhà báo Iuxi Takanu, Báo Akahata của Đảng Cộng sản Nhật Bản, Bác đã đưa ra giải pháp để chấm dứt chiến tranh nếu Mỹ không can thiệp vào miền Nam, chấm dứt ném bom miền Bắc thì “sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đi đến một hội nghị như kiểu Hội nghị Giơnevơ năm 1954. Đó là cách giải quyết hợp tình hợp lý, có lợi cho hòa bình và có lợi cho nhân dân Mỹ”(22). Trong bức điện cảm ơn gửi cùng ngày tới Quốc trưởng Campuchia N.Xihanuc, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Trước sức mạnh đoàn kết của các dân tộc Việt Nam, Khơme và Lào biểu hiện rõ rệt trong Hội nghị nhân dân Đông Dương vừa qua do Ngài triệu tập, mọi âm mưu xâm lược và gây chiến của đế quốc Mỹ đối với các nước Đông Dương nhất định sẽ bị thất bại hoàn toàn”(23).

Ngày 06/4

“Phải nhớ: Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị”.

Ngày 06/4/1949, trong quá trình chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên Chiến khu Việt Bắc, Bác di chuyển địa điểm làm việc từ Lũng Tầu đến Khâu Lấu xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Kể từ đây, Phủ Chủ tịch và các cơ quan của Chính phủ đặt tại Sơn Dương, cùng với các cơ quan của Đảng và Mặt trận... đặt bên Định Hóa (Thái Nguyên) được mệnh danh là “Thủ đô Kháng chiến”.

Ngày 06/4/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự cuộc họp Thường vụ Trung ương sau chuyến đi quan trọng thăm Trung Quốc và Liên Xô. Bác hoan nghênh việc triệu tập Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng và khẳng định rằng: Chúng ta đã thắng trong “cuộc tổng phản công về chính trị” biểu hiện ở sự đồng lòng, dốc sức của nhân dân, thế giới bước đầu thấy cuộc kháng chiến của chúng ta là chính nghĩa. Thắng lợi của “tổng phản công về chính trị” sẽ giúp nhiều cho cuộc “tổng phản công về quân sự” sắp tới. Bác cũng tán thành chủ trương lấy ngày 19-5 hằng năm làm ngày phát động phong trào thi đua yêu nước nhưng căn dặn không được lợi dụng phong trào để gây lãng phí tiền bạc và thì giờ của nhân dân.

Ngày 06/4/1953, trên Báo Nhân Dân Bác viết bài báo “Nhân dịp Hội nghị quốc tế bảo vệ quyền lợi thanh niên” nhân sự kiện thanh niên 70 quốc gia họp mặt ở Viên (Thủ đô của Áo) thảo luận những vấn đề bảo vệ quyền lợi của thanh niên. Bài báo liên hệ: “Thanh niên Việt Nam muốn giữ gìn và bảo vệ quyền của mình phải hăng hái tham gia kháng chiến, ra sức rèn luyện phẩm chất cách mạng, không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh, phải yêu lao động, bảo vệ của công, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, yêu Tổ quốc, dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc. Phải gắn lòng yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế chân chính, trung thành với nhân dân, với Đảng, và Chính phủ”(24).

Ngày 06/4/1954, Bác viết bài “Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan” đăng trên Báo Nhân Dân, nêu lên những nhiệm vụ phát huy vai trò “chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan”(25) để đẩy mạnh kháng chiến và cải cách ruộng đất thắng lợi. Muốn như vậy thì mỗi đảng viên phải xung phong làm guơng mẫu trong mọi việc, đồng thời phải thật thà đoàn kết và giúp đỡ anh em ngoài Đảng. Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em”, ngăn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ... Phải nhớ rằng: Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính.

Ngày 06/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Bắc Giang. Nói chuyện trước ba vạn rưỡi đồng bào các dân tộc, Bác động viên nhân dân trong tỉnh phấn đấu, phát huy truyền thống vẻ vang sẵn có để giành thắng lợi trong cuộc “kháng chiến chống một thứ giặc khác: Giặc lạc hậu và nghèo nàn”(26).

Ngày 07/4

“Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”.

Ngày 07/4/1921, trên tờ La Revue Communiste (Tạp chí “Cộng sản”), Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn phê bình một số đảng cộng sản ở các “cường quốc thực dân” chưa quan tâm nghiên cứu đến vấn đề cách mạng ở các thuộc địa một cách nghiêm túc. Về Đông Dương, bài báo viết: “Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa”(27). Khẳng định rằng, ý chí của người dân Đông Dương chưa hề bị khuất phục, Nguyễn Ái Quốc viết: “Không: Người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi... Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương... Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ... Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi!”(28).

Ngày 07/4/1947, Bác Hồ viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bùi là Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến) nhắc nhở phải thúc đẩy việc di chuyển các Bộ rời khỏi các khu vực nguy hiểm, Bác căn dặn: Phải động viên các vị Bộ trưởng hiểu, chịu khó mấy hôm mà an toàn hơn là cầu yên và nước đến chân mới nhảy và dặn họ giải thích với gia quyến họ... Phải cử người thạo việc đi theo để lúc gặp việc khó khăn biết cách giải quyết và biết nâng đỡ tinh thần của đàn bà, trẻ con. Phải làm cho mọi người ý thức rằng, cuộc kháng chiến là gian khổ và trường kỳ.

Ngày 07/4/1965, với bút danh là Lê Nông, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Chúng ta rất có thể đạt hơn 5 tấn thóc cả năm một hécta” để biểu dương một số hợp tác xã đã đạt chỉ tiêu này và khẳng định có thể đạt năng suất cao hơn nữa nếu quan tâm đến việc cải tiến khoa học - kỹ thuật, thực hành cần kiệm xây dựng và tự lực cánh sinh, chi bộ lãnh đạo chặt chẽ, đảng viên gương mẫu xung phong, xã viên đoàn kết nhất trí. “Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”(29).

Ngày 07/4/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình chiến sự trên cả nước và một số vấn đề về ngoại giao. Bác lưu ý, việc tăng cường công tác vận động ngoại giao nhân dân, cần tuyên truyền về Toà án xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam do Huân tước và triết gia nổi tiếng người Anh Bectơran Rytxen (Bertrand Roussell - năm đó đã 94 tuổi), một người có cảm tình đặc biệt đối với nhân dân ta, đề xướng để tranh thủ dư luận quốc tế.

Ngày 07/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời các vị trong Bộ Chính trị đến họp tại Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch và ở lại dùng bữa với Bác. Đây là lần họp cuối cùng của Bộ Chính trị diễn ra tại địa điểm này, vì sau đó một thời gian, Bác lâm bệnh trước khi qua đời.

Ngày 08/4

“Đãi ngộ thích đáng người lao động”.

Ngày 08/4/1921, tờ báo La Vie Ouvrière (Đời sống Công nhân) đăng bài “Những kẻ bại trận ở Đông Dương” lên án chính sách của đế quốc Pháp đẩy mạnh khai thác, bóc lột các thuộc địa để bù đắp những tổn thất do chiến tranh của “Mẫu quốc”. Bằng một giọng văn châm biếm, bài báo đả kích những lập luận của chính giới thực dân về “công ơn” của chính quốc đối với thuộc địa: “Chiến thắng trên sông Mácnơ đã ngăn cản quân xung kích Đức tiến về sông Mê Kông, để truyền bá trên ruộng đồng chúng tôi chế độ dã man của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc Phổ. Nếu không... chúng tôi sẽ mất cái tự do thân yêu được say sưa bằng rượu cồn và cái bình đẳng quý giá được đầu độc bằng thuốc phiện...”(30).

Ngày 08/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Hội đồng Chính phủ ứng phó với những thủ đoạn lấn lướt của thực dân Pháp đồng thời bàn về việc thương thuyết với Pháp để bảo vệ tính mạng và tài sản của người Việt Nam ở Lào... Bác cũng đọc giấy mời tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ. Vào dịp Lễ Giỗ Tổ năm Độc lập đầu tiên (1946), Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã thay mặt Chủ tịch Nước và Chính phủ đến dâng hương và dâng lễ vật là một tấm bản đồ nước Việt Nam lên Tổ Hùng Vương trên Đền Thượng.

Ngày 08/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị lần thứ 2 Hội đồng Đoàn kết nhân dân Á - Phi họp tại Băngđung (Inđônêxia) trong đó khẳng định: “Chủ nghĩa đế quốc thực dân ngày càng thất bại. Phong trào dân tộc giải phóng ngày càng lên cao. Là một lực lượng rất to lớn, nhân dân Á - Phi đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh thì nhất định sẽ đánh bại mọi âm mưu và hành động của chủ nghĩa đế quốc thực dân, các nước Á - Phi nhất định giành được độc lập hoàn toàn và góp phần đắc lực vào sự nghiệp giữ gìn hòa bình thế giới”(31).

Ngày 08/4/1963, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Khóa III bàn về Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Bác nhắc nhở cần phải quan tâm đến công tác phòng, chữa bệnh, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và đoàn kết nội bộ. Về đường lối hợp tác hóa nông nghiệp, Bác chỉ thị: “Về nông nghiệp, hợp tác xã cao cấp nâng lên nhiều thì tốt, nhưng phải làm tốt, phải vững. Hợp tác xã thủ công nghiệp phải tích cực sửa chữa những thiếu sót, kỷ luật lao động phải nghiêm. Việc hợp tác xã hội chủ nghĩa càng phải làm cho tốt, ký kết phải có hợp đồng, đã ký thì phải làm và phải có chế độ đãi ngộ thích đáng cho người lao động”(32).

Ngày 07/4/1966, Báo Nhân Dân đăng bài “Tâm lý của binh sĩ Mỹ” của Bác (ký tên “Chiến Sĩ”) trong đó trích lại bức thư của một quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam bày tỏ nỗi thất vọng và phản ánh sự hoang mang của binh sĩ Mỹ bị đẩy đến chiến trường Việt Nam. Bài báo kết luận: “Đây là thêm một chứng cớ nói rõ vì sao Mỹ nhất định thua. Ta nhất định thắng”(33).

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:
(18). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 39.
(19). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 410.
(20). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 152.
(21), (22). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 423, 429.
(23). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 424.
(24). Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 309-320.
(25). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 268.
(26). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 338.
(27), (28). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 27, 28.
(29. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 224.
(30). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 30.
(31). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 339.
(32). Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 390.
(33). Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sdd, t. 12, tr. 69.

Bài viết khác: