Ngày 01/5
“Nhân dân ta thật anh hùng”.
Ngày 01/5/1920, báo cáo của mật thám Pháp ghi nhận, Nguyễn Ái Quốc tham dự mít tinh kỷ niệm ngày Lao động Quốc tế cùng nhóm đảng viên Xã hội và tham luận trên diễn đàn đòi ngưng gửi người sang thuộc địa.
Ngày 01/5/1924, Nguyễn Ái Quốc có mặt trong ngày Quốc tế Lao động diễn ra trên Hồng trường theo lời mời của Thành ủy Mátxcơva và Ban Thư ký của Quốc tế Cộng sản.
Ngày 01/5/1925, cùng với những nhà cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tham gia tổ chức Đại hội lần thứ nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông tiến tới thành lập Hội Nông dân.
Ngày 01/5/1943, trên Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại Cao Bằng đăng bài “Kỷ niệm Trần Hưng Đạo” của Bác với lời kết: Chuyện Trần Hưng Đạo để lại cho ta một bài học: Muốn đánh quân xâm lấn nước ta cần 2 điều: Một là toàn dân đoàn kết, hai là khéo dùng lối du kích.
Ngày 01/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: "Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 01 tháng 5... Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”1.
Ngày 01/5/1948, Bác ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”, trong đó có đoạn: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất”2.
Ngày 01/5/1951, trong lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động, Bác Hồ xác định “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công, công nhân thi đua tăng gia sản xuất, nông dân thi đua sản xuất lương thực, trí thức thi đua sáng tác, phát minh, cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính, toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến”3. Cùng ngày, Báo Nhân Dân đăng bài “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc” với bút danh C.B., Bác nêu rõ: “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng”. “... Trí thức ta cần cải tạo tư tưởng, sửa đổi lề lối làm việc”4.
Ngày 01/5/1954, Báo Nhân Dân đăng bài của Bác “Mấy khuyết điểm của báo chí ta” để đi đến kết luận: “Nói tóm lại: Để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa”5.
Tối ngày 01/5/1966, sau buổi xem Đoàn văn công tỉnh Quảng Bình từ tuyến lửa về biểu diễn trong Phủ Chủ tịch, Bác bày tỏ cảm tưởng: Nhân dân ta thật anh hùng. Chiến đấu ác liệt như thế, gian khổ như thế mà vẫn lạc quan ca hát. Một dân tộc như thế thì không một thế lực hung bạo nào có thể khuất phục được.
Ngày 02/5
“Phải làm cho đời sống ngày càng no ấm hơn”.
Báo cáo của mật thám Pháp cho biết, ngày 02/5/1920, Nguyễn Ái Quốc đến Bệnh viện Val de Grace ở Pari để thăm một người bạn bị phạt vì đã tham gia đình công nhân ngày Quốc tế Lao động.
Một ngày đầu tháng 5/1921, Nguyễn Ái Quốc đem số “Le Paria” mới ra đến tặng nhà văn Hungri Bacbútxơ (Henri Barbusse) và gặp cả danh họa Pablô Picátxô (Pablo Picasso). Cả ba người đã đi xem bộ phim “Chủ nghĩa Tư bản và Tôn giáo” của đạo diễn Hà Lan Giôrít Ivenxơ (Joris Ivens). Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã có bài giới thiệu bộ phim nổi tiếng đó trên tờ “L’ Humanité” (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp.
Ngày 02/5/1923, cũng báo cáo của mật thám cho biết Nguyễn Ái Quốc nhận đơn của một người làm công ở Khách sạn “Bretagne”, quận 14, Pari xin được gia nhập Hội Liên hiệp Thuộc địa. Hội này được thành lập từ tháng 7/1921 do Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhân vật người các nước thuộc địa đang sống ở Pháp chủ trương, trong đó có hai tổ chức là “Hội những người Việt Nam yêu nước” và “Hội Đấu tranh cho quyền công dân” của người Mađagaxca. Chính Hội này đã ra tờ báo “Le Paria”(Người cùng khổ)...
Ngày 02/5/1925, từ Quảng Châu, với bí danh là “Howang T.S”, Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Quốc tế Công hội Đỏ về ngày làm việc đầu tiên của Đại hội lần thứ I của Nông dân tỉnh Quảng Đông và Đại hội lần thứ II của công nhân toàn Trung Quốc. Báo cáo tường thuật diễn biến của sự kiện và nêu bật một đặc thù là Chính phủ Quốc dân Đảng ở Quảng Đông đang thực hiện chính sách “Liên Nga - dung Cộng - ủng hộ công nông” lại hậu thuẫn cho Công hội Đỏ và đã “thực hiện một mặt trận thống nhất giữa những người bị bóc lột ở các thành phố với những người bị bóc lột ở nông thôn, những người lãnh đạo đã triệu tập đồng thời vào một lúc hai Đại hội họp ở cùng một địa điểm”6 .
Ngày 02/5/1959, Bác gặp Đoàn đại biểu các dân tộc ít người về dự lễ kỷ niệm ngày 01/5 ở Thủ đô với lời căn dặn: “Ngày nay, đồng bào không còn bị bọn đế quốc áp bức khổ sở như trước, phải làm cho đời sống ngày càng no ấm hơn. Muốn thế, đồng bào phải tăng gia sản xuất. Muốn có nhiều lúa, ngô, khoai, sắn, bông, v.v.. thì phải đoàn kết, thương yêu nhau, tổ chức nhau lại. Ví dụ: Như muốn nhấc một hòn đá nặng, một người, hai người không thể làm được, nhưng 20, 30 người xúm xít nhau lại thì nhất định sẽ nhấc được hòn đá... Đảng và Chính phủ lúc nào cũng chú ý đến đồng bào vùng cao và càng ngày càng hết sức chú ý giúp đỡ đồng bào nhiều hơn nữa”7.
Ngày 02/5/1967, tại Thủ đô Xtốckhôm của Vương quốc Thụy Điển, hai nhà trí thức lớn Giăng Pun Sác (Jean Paul Sartre - nhà văn Pháp) và Bêctơran Rôtxen (Bertrand Roussel - triết gia Anh) đã mở phiên đầu tiên của Tòa án quốc tế xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Nhân sự kiện này, Bác Hồ gửi điện bày tỏ: “Việc Tòa án quốc tế mở phiên chính thức đầu tiên, nhất là trong lúc Mỹ đang điên cuồng leo thang, đánh phá Cảng Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội, có ý nghĩa rất lớn. Đó là một sự cổ vũ mạnh mẽ không những đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi mà đối với tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập dân tộc và hòa bình”8.
Ngày 03/5
“Đội xung phong của dân tộc”.
Ngày 03/5/1946, trên Báo Cứu Quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Hồng quân với Liên Xô” (ký bút danh là Q.Th.) phân tích những bước trưởng thành và tính ưu việt của đạo quân ra đời cùng Cách mạng Tháng Mười Nga và chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại: “Hồng quân Liên Xô biết phép chiến đấu:… Đã được hưởng thụ một nền văn hóa và giáo dục tốt đẹp… Quân dân nhất trí… Quân đội Liên Xô có những vị chỉ huy tối cao sáng suốt và đủ tài đức”9. Từ đó, bài báo đi đến kết luận: “Chúng ta đương tổ chức quân đội quốc gia, chúng ta phải rút kinh nghiệm quý báu trong lịch sử kiến thiết quân đội của Liên Xô”10.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về việc bảo vệ tự do cá nhân và Sắc lệnh bổ nhiệm một số trí thức lớn được đào tạo dưới chế độ cũ như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Vũ Trọng Khánh vào Hội đồng Phúc thẩm đặt tại Bộ Nội vụ. Cũng trong một ngày đầu tháng 5-1946, Bác ngồi đọc báo trong Bắc Bộ phủ để các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác.
Ngày 03/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số nhà báo nhân đi thị sát mặt trận. Trả lời những câu hỏi về một số sự kiện quốc tế, Bác lạc quan đánh giá: “Các nước dân chủ nhờ đoàn kết mà đánh tan phát xít, nay đã thắng lợi cũng nên đoàn kết để giữ gìn hoà bình... Theo ý tôi, thì mặt trận dân chủ thế giới vẫn luôn luôn lạc quan"11. Đánh giá về những khó khăn của nước Pháp, quan điểm của Bác vẫn đầy thiện chí: “Chính trị, kinh tế, tài chính của Pháp đều gay go. Nhưng dân Pháp là một dân quật cường, tôi chắc họ sẽ cố gắng giải quyết những sự khó khăn đó... Nếu nước Pháp muốn phục hưng và muốn giải quyết mọi vấn đề khó khăn thì không gì bằng cộng tác một cách thật thà và bình đẳng với các dân tộc hải ngoại… Nhân dân ta và Chính phủ ta, bao giờ cũng rất hoan nghênh những người Pháp dân chủ”12.
Nói về tinh thần binh sĩ của ta, Bác biểu dương: “Mặc dầu dầm mưa dãi nắng, khi đói, khi no, bom nổ tứ tung, đạn kêu váng óc, mà tướng sĩ vui vẻ kiên quyết, tinh thần rất cao. Họ rất xứng cái tên: Đội xung phong của dân tộc”13.
Ngày 03/5/1952, Bác tiếp các chiến sỹ nông nghiệp, bộ đội tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất. Nói chuyện với các đại biểu, Bác phân tích: “So sánh với địch về vật chất và trang bị, cái gì ta cũng kém. Thế mà chúng ta dám quyết kháng chiến và nhất định thắng lợi. Đó là tinh thần của nhân dân ta rất anh dũng, có lòng yêu nước nồng nàn... các chiến sỹ thi đua là gần gũi quần chúng, thương yêu quần chúng, giúp đỡ, học hỏi, đoàn kết với quần chúng”14.
Ngày 03/5/1959, Bác viết bài “Cần phải tiếp tục chống hạn” đăng trên Báo Nhân Dân động viên cuộc đấu tranh rất gian khổ của bà con nông dân miền Bắc và kết luận bằng câu thơ:
“Muốn cho đời sống vui tươi
Lúa đủ nước uống thì người thừa ăn”.
Ngày 04/5
“Những người vô danh anh hùng”.
Ngày 04/5/1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình từ Pác Bó về Tân Trào. Cùng hành quân với tiểu đội tự vệ theo Bác còn có hai báo vụ viên Mắc Sin (Mc Shin) và P.Tan (F.Tan) đều gốc Hoa, biên chế của đơn vị tình báo chiến lược Mỹ (OSS) từ Côn Minh theo Bác về Việt Nam. Đoàn bắt đầu từ Khuổi Nậm, dọc theo suối Lê-nin qua các bản thuộc địa phận Cao Bằng rồi về Tân Trào (Tuyên Quang), tức là xa dần vùng biên giới Việt - Trung để mở rộng khu căn cứ địa Việt Bắc.
Ngày 04/5/1946, Bác viết thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ thể hiện rõ quan điểm của chế độ mới: “Chương trình của Chính phủ ta là làm thế nào cho toàn quốc đồng bào ai cũng có ăn, có mặc, có học. Vậy nên khẩu hiệu của chúng ta là: 1. Tăng gia sản xuất. 2. Chống nạn mù chữ. Anh chị em là đội tiên phong trong sự nghiệp số 2 đó. Anh chị em chịu cực khổ, khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc.
Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em... Cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng”15.
Ngày 04/5/1952, Bác dự Hội nghị của Bộ Chính trị bàn về vấn đề quân sự và ngân sách phục vụ kháng chiến. Sau những thử nghiệm thành công về việc cải tiến loại đại bác không giật DKZ của Công trình sư Trần Đại Nghĩa và các cộng sự, theo yêu cầu của Bác, việc nghiên cứu chế tạo và lắp ráp sẽ thực hiện tại Vân Nam (Trung Quốc) rồi chuyển về nước để bảo đảm an toàn.
Ngày 04/5/1962, Bác đọc diễn văn khai mạc Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ III. Sau khi biểu dương kết quả của 14 năm kể từ lần phát động đầu tiên (6-1948), Bác nhấn mạnh: “Anh hùng chiến sỹ thi đua và lao động tiên tiến phải làm đầu tàu lôi cuốn người khác cùng tiến bộ; đồng thời phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng học hỏi thêm để tiến bộ không ngừng... Như vậy thì đội ngũ lao động to lớn của chúng ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn, đánh thắng sự bần cùng và lạc hậu, xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội..., Nam Bắc mau sum họp một nhà”16.
Ngày 04/5/1965, Bác tiếp tục tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về chuyển hướng sản xuất công nghiệp trong bối cảnh chiến tranh phá hoại của Mỹ đã tấn công ra miền Bắc. Phát biểu tại Hội nghị (theo biên bản của phiên họp), Bác chỉ rõ một mặt phải chuẩn bị những khả năng xấu nhất nhưng cũng phải chuẩn bị khả năng để xây dựng tương lai. Khẩu hiệu trước mắt là tất cả để thắng Mỹ. Chúng ta quyết tâm không sợ tổn thất. Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Thắng được Mỹ sẽ làm được tất cả. Bác phê bình tác phong làm việc luộm thuộm, thưởng phạt thiếu nghiêm minh và đề nghị phải chú trọng vấn đề con người, nhất là thanh niên. Phải thấy hết khó khăn và dự báo mùa mưa tới, địch có thể phá đê...
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 219.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 419.
3,4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 200, 202, 203.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 271.
6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, 2006, t. 1, tr. 322.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 431-432.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 262-263.
9 ,10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4. tr. 221-223.
11, 12, 13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 123-124.
1 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 624.
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 220.
16 . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 1, tr. 97.