Ngày 08/5
“Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương”.
Ngày 08/5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ nghe thông báo về vấn đề tài chính trong đó có việc tướng Quốc dân Đảng Trung Hoa Lư Hán gửi tới Bác hai “sổ quyên góp” cho Trung Hoa. Bác và các Bộ trưởng cũng phải đóng góp để tránh những hành động khiêu khích của đạo quân đang chuẩn bị rút khỏi miền Bắc nước ta theo Hiệp ước đã ký với Pháp.
Ngày 08/5/1954, nhận được tin Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi “Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ”. Thư viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ... Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn...”33.
Ngày 08/5/1959, trong chuyến đi thăm Khu tự trị Tây Bắc, Bác dừng lại ở Yên Châu (Sơn La). Trong bài nói với đồng bào các dân tộc, Bác đề cập nhiều việc phải làm để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; nói về tài nguyên rừng, Bác căn dặn: “… Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao, chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông... Đồng bào có nên giữ gìn rừng, giữ gìn gỗ không? Có nên đốt bừa đi không? Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả”34. Với cán bộ, Bác dặn dò: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đày tớ của nhân dân, không phải là vua, là quan như ngày trước mà đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Tức là cán bộ phải chăm lo cho đời sống của nhân dân...”35.
Ngày 08/5/1963, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Khóa II, biết tin Quốc hội dự kiến tặng Bác tấm Huân chương Sao vàng, Bác phát biểu: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội... Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”36.
Nhân đó, Bác phê phán chính sách của Hoa Kỳ: “Tổng thống Kennơđi phải hiểu lịch sử. Lịch sử đã chứng tỏ rằng: Khi một dân tộc đã đoàn kết nhất trí, đấu tranh giành độc lập tự do (như tổ tiên Tổng thống ngày trước và nhân dân miền Nam Việt Nam hiện nay), thì nhất định họ sẽ thắng lợi. Cho nên chắc chắn rằng: Đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng. Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Tổ quốc yêu dấu của chúng ta nhất định sẽ hòa bình thống nhất”37.
Ngày 09/5
“Bí quyết để giành được thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 09/5/1945 (đúng vào ngày phát xít Đức ở Châu Âu ký kết văn bản đầu hàng quân Đồng Minh không điều kiện), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên với Cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ ở Côn Minh trong việc thực hiện cam kết chung chống phát xít Nhật. Bác đã viết thư gửi Sáclơ Phennơ (Charles Fenn), người đại diện của OSS, trong đó thông báo: “Tôi mong muốn là các bạn của chúng tôi sẽ học được vô tuyến điện và những thứ cần thiết khác cho cuộc đấu tranh chung chống Nhật của chúng ta. Tôi hy vọng một ngày gần đây nhất sẽ hân hạnh được đón tiếp các ông tại khu căn cứ của chúng tôi. Nếu được thế thì thật là tuyệt...”38.
Chỉ một năm sau, ngày 09/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tiếp đoàn đại biểu đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang và Hà Giang về thăm Thủ đô. Cũng trong ngày hôm đó, Bác chuyển chè của đồng bào tặng mình cho Đội Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu.
Ngày 09/5/1950, Bác dự Hội nghị Trung ương thảo luận về công tác chuẩn bị triệu tập Đại hội II. Phát biểu về vấn đề “đổi tên Đảng”, Bác cho rằng: “Đó là điều cần thiết..., bởi vì có như thế mới tập hợp được tất cả các phần tử tiên tiến trong công, nông, trí thức vào Đảng... dễ kêu gọi dân tộc hơn, vì ta đang cần đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp”39.
Ngày 09/5/1961, Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô, một hòn đảo ngoài khơi xa (Quảng Ninh). Nói chuyện với cán bộ và bà con trên đảo, Bác động viên: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ...”40.
Ngày 09/5/1965, kỷ niệm 20 năm ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít, Bác viết bài “Hai ngày kỷ niệm vẻ vang” với bút danh “Chiến Sĩ” đăng trên Báo Nhân Dân liên hệ với Chiến thắng Điện Biên Phủ để đi đến một kết luận mang tính thời sự: “Trước mắt đế quốc Mỹ chỉ có hai con đường: Một là tự động chấm dứt ngay chiến tranh và rút khỏi miền Nam một cách “lịch sự”. Hai là ngoan cố bị động chờ quân và dân miền Nam tống cổ chúng về nước mẹ Hoa Kỳ”41.
Chiều 09/5/1966, tiếp Đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn Tự do Đức (FDGB), Bác bày tỏ: “Những món quà mà các đồng chí mang sang không chỉ có giá trị vật chất mà trước hết là biểu hiện của tư tưởng và càng quý báu. Trước kia, khi nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên thế giới cũng đã có sự đồng tình ủng hộ, nhưng chưa thành một phong trào rộng lớn. Không chỉ người lớn tuổi mà ngay cả các cháu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng ở các nước cũng đều hiểu và bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. Đó là một yếu tố quan trọng, một trong những bí quyết để nhân dân chúng tôi giành được thắng lợi hoàn toàn”42.
Ngày 09/5/1968, tại Nhà sàn Phủ Chủ tịch, Bác tiếp và ăn cơm thân mật với chị Tạ Thị Kiều và cháu Hồ Văn Mên là các dũng sỹ diệt Mỹ từ chiến trường miền Nam ra thăm Thủ đô Hà Nội.
Ngày 10/5
“Mỗi người chúng ta có hai gia đình...”.
Ngày 10/5/1941, là ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc họp tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị này kéo dài tới 19/5/1941 đã đưa ra nhiều quyết sách cực kỳ quan trọng với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh và một cương lĩnh chính trị xác định nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng. Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Hội nghị cũng bầu đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng.
Ngày 10/5/1958, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với các vị lão thành tại Khu điều dưỡng và an dưỡng cán bộ miền Nam ra miền Bắc tập kết. Bác chia sẻ tình cảm: “Cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc tập kết, hẳn ai cũng nhớ tới quê hương. Tình cảm ấy rất chính đáng. Nhưng mỗi người chúng ta có hai gia đình: Gia đình riêng, nhỏ và đại gia đình là Tổ quốc. Cuộc đấu tranh giành thống nhất đất nước hiện nay của đồng bào miền Nam và miền Bắc cũng là để cho gia đình chúng ta sum họp”43.
Cùng ngày, Bác tham gia tiếp xúc cử tri Hà Nội tại Nhà hát Nhân dân (Hà Nội) và trả lời nhiều câu hỏi của đồng bào. Về chính sách “thắt lưng buộc bụng”, Bác nói: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như làm ruộng. Trước phải khó nhọc cày bừa, chân bùn tay lấm, làm cho lúa tốt thì mới có gạo ăn...”44; về “thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội là mấy năm?”, Bác trả lời: “Trước kia cũng có người hỏi: Trường kỳ kháng chiến là mấy năm? Đảng và Chính phủ đã trả lời: Trường kỳ có thể là năm năm, mười năm hoặc mười lăm năm. Chúng ta đoàn kết quyết tâm kháng chiến, đến chín năm ta đã thắng lợi. Việt Nam ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, công cuộc đổi xã hội cũ thành xã hội mới gian nan, phức tạp hơn việc đánh giặc... Nếu nhân dân ta mọi người cố gắng, phấn khởi thi đua xây dựng, thì thời kỳ quá độ có thể rút ngắn hơn...”45.
Ngày 10/5/1961, Báo Nhân Dân bắt đầu công bố (trong 12 số liên tục) tài liệu “Vừa đi đường vừa kể chuyện” với bút danh “T.Lan” đưa ra những tư liệu liên quan đến cuộc đời và hoạt động của Bác từ những năm 20 thế kỷ XX cho đến khi trở về Tổ quốc (1941). Cuối loạt bài có lời kết luận “Chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thực hiện khắp thế giới: Điều đó cũng rõ rệt và chắc chắn như mặt trời mọc từ phương Đông”46.
Ngày 10/5/1965, Bác Hồ bắt đầu khởi thảo tài liệu được ghi chú “Tuyệt đối bí mật”. Đó là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ đó, mỗi năm, vào khoảng thời gian trước sinh nhật, văn kiện này được Bác đem ra xem lại và hoàn thiện như một sự chủ động chuẩn bị một cách thanh thản và cẩn trọng.
Ngày 11/5
“Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”.
Ngày 11/5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh tiếp tục hành trình từ biên giới Cao Bằng xuống vùng đồng bằng chờ đón thời cơ. Dừng lại tại xã Minh Khai, huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn), Bác ghé thăm lớp học bình dân và kể tiểu sử liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai cho đồng bào của xã mang tên nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng.
Tháng 5/1948, trong lá thư gửi Giám đốc Tư pháp Liên khu X Vũ Trọng Khánh để chia buồn việc thân mẫu của ông qua đời, Bác động viên: “Ai chẳng muốn no cơm ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, còn truyền đến ngàn đời sau... Chúng ta có tinh thần vững vàng, tin tưởng chắc chắn thì “phú quý không dụ dỗ được ta, oai lực không dọa nạt được ta”. Mà khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì chúng ta cũng làm được”47.
Cũng trong tháng 5/1948, để chuẩn bị làm lễ truy điệu nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố bị giặc Pháp bắn chết, Bác tự soạn bài văn điếu và gửi thư nhờ cụ Bùi Bằng Đoàn góp ý kiến với những lời lẽ rất khiêm nhường: “… Tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình cụ xem. Nếu có thể sửa được thì xin cụ sửa giùm... Vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt, cho nên cứ gửi để cụ xem”48.
Ngày 11/5/1949, Bác gửi thư thân mật khen ngợi và động viên “các đơn vị bộ đội và dân quân vừa mới thắng địch trên mặt trận Lạng Sơn: Tiêu diệt đồn Kỳ Cùng, Đèo Khách, Ba Sơn, phá cầu Bản Trại, tiêu huỷ đoàn vận tải của địch trong trận Thất Khê. Trong công việc đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, các chú bắt đầu như thế là rất tốt, các chú cố gắng cứ theo đà này mà tiến lên, để tranh lấy thắng lợi to hơn nữa”49.
Ngày 11/5/1952, Bác đến dự lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương. Trả lời vấn đề: “Vì sao ta phải chỉnh Đảng?”, Bác xác định: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm trọn nhiệm vụ của Đảng... Cán bộ quyết định mọi việc. Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”50.
Ngày 11/5/1968, Bác tiếp tục đem “Di chúc” ra sửa chữa và hoàn chỉnh đoạn viết về công tác chỉnh đốn Đảng: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình...”51.
Ngày 11/5/1969, sau khi ngồi sửa Di chúc, Bác gặp và trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nội dung sẽ nói với Hội nghị đại biểu cao cấp toàn quân. Trong bài nói của mình, Bác nhắc đến cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 và nhận định: “Thế giặc Mỹ thua đã rõ ràng, nhất định chúng sẽ hoàn toàn thất bại… Phải xây dựng lực lượng thật tốt, chất lượng thật cao… Phải cố gắng học tập và luôn luôn gương mẫu về đạo đức cách mạng”52.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
33. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 272.
34,35. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 441, 443.
36,37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 61-63.
38. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 3, tr. 547.
39. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 428.
40. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 355.
41. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 444.
42. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 404-405.
43 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 180.
44,45. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 175-176.
46. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 8, tr. 74-75.
47. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 204.
48. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 433.
49. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 595.
50. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 480.
51,52. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 503, 455-456.