Ngày 28/5
Tấn phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngày 28/5/1923, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc mít tinh kỷ niệm Công xã Pari tổ chức tại Nghĩa trang Pốre Lachaise và phát truyền đơn cho các thành viên Câu lạc bộ Ngoại ô (Club de Faubourg).
Trong tháng 5/1945, từ chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh tiếp tục những tiếp xúc với Cơ quan Tình báo Chiến lược của Mỹ (OSS) đóng tại Côn Minh. Đầu tháng, Bác gửi cho A.Pôtti, người đứng đầu cơ quan này một bức thư cùng với 2 tài liệu khác đề nghị chuyển cho phái đoàn Mỹ đang tham gia vận động thành lập Liên hợp quốc tại Xan Phranxítcô (San Francisco) kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam; giữa tháng, gửi tiếp “Bản sách đen” thông báo về nạn đói khủng khiếp đang diễn ra ở Bắc kỳ và yêu cầu OSS thả dù cho mình một bản “Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ”. Cuối tháng 5, chuyển tới A.Pôtti thông báo về tình hình quân Nhật đang xây dựng công sự ở Cao Bằng và trên tuyến đường về Hà Nội.
Ngày 28/5/1948, Bác chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ và lễ tấn phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp. Trong ký ức của Bộ trưởng Lê Văn Hiến nhớ lại:
Trong một căn nhà dựng bên cạnh suối lớn, dựa một bên núi, cây cối che phủ kín... Một phòng trưng bày đặc biệt. Có bàn thờ Tổ quốc, xung quanh băng đỏ ghi các khẩu hiệu: "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Sự trưng bày đơn giản mà trang nghiêm. Đến giờ làm lễ, Hồ Chủ tịch và cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội lên đứng 2 bên bàn thờ, toàn thể nhân viên Chính phủ đứng sắp hàng trước bàn thờ. Hồ Chủ tịch tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên truớc bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt mà không nói được tiếng gì... Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sỹ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”. Võ Nguyên Giáp nhận sắc lệnh... Cụ Trưởng ban Thường trực thay mặt Quốc hội tuyên bố mấy lời, ông Phan Anh thay mặt Chính phủ nói mấy câu chúc mừng. Cuối cùng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhân danh bộ đội tỏ lời mừng của toàn thể bộ đội.... Sau cùng, Võ Nguyên Giáp đứng lên cảm ơn Hồ Chủ tịch, Quốc hội, Chính phủ và tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ để đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước... Sau khi hết lễ, ai nấy ngồi xung quanh Hồ Chủ tịch và nghe Cụ nói sự xúc cảm của Cụ trong buổi lễ.
Ngày 28/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo Cờ Đỏ, lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tàn bạo đồng bào theo đạo Phật ở miền Nam và yêu cầu: “Đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc của mình, theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ”127.
Ngày 28/5/1969, Bác viết thư cảm ơn đồng bào, chiến sỹ cả nước, bạn bè quốc tế đã chúc mừng sinh nhật và đây cũng là lời chúc cuối cùng Bác để lại: “Chúc đồng bào, chiến sỹ, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên nhi đồng và bà con Hoa kiều cả hai miền Nam Bắc, đoàn kết chặt chẽ, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, công tác tốt, học tập tốt, giành thêm nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước... Chúc tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bạn, ngày càng củng cố và phát triển”128.
Ngày 29/5
“Cán bộ cần phải chí công vô tư”.
Ngày 29/5/1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia cuộc biểu tình do Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại Nghĩa trang “Pôre Lachaise” ở Pari để tưởng niệm “Tuần lễ Đẫm máu” (tức là tuần lễ mà thợ thuyền và nhân dân Pari bị lực lượng phản động Vécxây (Versailles) tàn sát đẫm máu khi đứng lên chiến đấu bảo vệ thành quả của Công xã Pari năm 1871).
Ngày 29/5/1922, báo La Vie Ouvrière (Đời sống công nhân) đăng bài “Dưới cuộc khai hóa cao cả” của Nguyễn Ái Quốc tố cáo những chính sách cai trị và thủ đoạn bóc lột tinh vi của thực dân đối với dân thuộc địa để công kích ý kiến của Bộ trưởng Thuộc địa tại Hạ nghị viện.
Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) và được bầu làm Hội trưởng danh dự.
Cùng ngày, Bác họp Hội đồng Chính phủ chuẩn bị cho chuyến đi thăm Pháp dài ngày, phân công trách nhiệm cho những thành viên Chính phủ ở nhà. Về việc bổ nhiệm ông Vũ Đình Huỳnh làm Thư ký riêng kiêm cận vệ đặc biệt (aide camp particulier), Bác nói: “Trước đây ta phong cho Huỳnh chức Đại úy, đi đường gặp quan tư của Pháp phải chào, nay tôi nhân danh Chính phủ phong cho anh Huỳnh chức Đại tá (colonel) như thế anh Huỳnh chỉ phải chào có một Xalăng thôi”129. Cũng trong ngày, Bác cùng tướng Xalăng đến thăm Sư đoàn Thiết giáp số 2 của quân đội viễn chinh Pháp và phát biểu: Tôi đi Pháp, tới đất nước tươi đẹp, Tổ quốc của các bạn. Tôi sẽ nói với các bà mẹ, các chị, các em và những người yêu của các bạn rằng, các bạn đều khỏe mạnh, đều là những người lính xứng đáng với danh dự của nước Pháp.
Ngày 29/5/1952, Bác gửi thư cho đồng bào các tỉnh có đê nêu rõ: “Mấy năm liền, ta đã tránh được nạn lụt, do đó mà tránh khỏi nạn đói. Thành công đó là nhờ sự cố gắng chung của toàn thể đồng bào... Năm nay, mực nước có thể to hơn... Mấy năm trước, ta đã thắng giặc lụt. Năm nay, ta cũng quyết thắng. Đồng bào hãy xung phong thi đua góp công, góp của, đắp đê, giữ đê”130.
Cùng ngày, Báo Nhân Dân đăng bài: “Giữ bí mật bảo vệ cán bộ” với bút danh C.B, Bác đã biểu dương tấm gương của em Dĩnh ở Tiên Lãng, Hải Phòng mới 10 tuổi đã làm liên lạc, bảo vệ cán bộ, góp phần đánh giặc cứu nước. Kết luận bài báo, Bác viết:
“Cháu Bác Hồ thật là oanh liệt
Giữ bí mật, dù chết không khai
Cứu cán bộ khỏi giặc Tây
Các em kháng chiến càng ngày càng hăng”131.
Ngày 29/5/1960, trong bài “Những bước tiến của các hợp tác xã thủ công nghiệp” đăng trên Báo Nhân Dân, Bác chỉ rõ những điều kiện rất quan trọng để củng cố và phát triển hợp tác xã là: “Cán bộ cần phải chí công vô tư; lãnh đạo phải dân chủ; quản lý phải chặt chẽ và toàn diện; phân phối phải công bằng… các hợp tác xã phải giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau”132.
Ngày 30/5
“Phải ra sức trồng cây”.
Ngày 30/5/1922, truyện ngắn đầu tiên viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc có nhan đề “Paris” được đăng trên tờ “L’Humanité (Nhân Đạo) kéo dài 2 số. Cùng trong ngày, Nguyễn Ái Quốc còn dự cuộc mít tinh của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức để phản đối chiến tranh.
Ngày 30/5/1946, nói chuyện tại cuộc mít tinh của nhân dân tổ chức tại Việt Nam Học xá (nay là Khu Đại học Bách khoa, Hà Nội) để tiễn đưa phái đoàn sang thăm nước Pháp khởi hành vào hôm sau, Bác thổ lộ: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân”133. Bác cũng căn dặn đồng bào ở nhà 1) Đoàn kết chặt chẽ, tránh mọi sự chia rẽ. 2) Ra sức cần kiệm cho khỏi nạn đói khó. 3) Ra sức gìn giữ trật tự, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ. 4) Đối với các kiều dân hữu bang, phải tử tế ôn hòa”134 và để lại câu “Tứ hải giai huynh đệ” (bốn bể đều là anh em - BT). Tiếp các nhà báo, Bác dặn phải làm tròn nhiệm vụ tranh đấu cho nước nhà, nhưng ngôn luận phải ôn hòa, đúng đắn.
Ngày 30/5/1949, trên Báo Cứu Quốc với bút danh Lê Quyết Thắng, Bác viết bài bình luận về chữ “Cần”:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người”135.
Ngày 30/5/1957, nói chuyện với cán bộ, đảng viên và thanh niên lao động Hải Phòng, Bác Hồ đã thân tình trao đổi: “Sáng hôm nay, Bác có đến thăm mấy chiếc tàu của nước bạn, Bác lấy ngay đó làm ví dụ. Nếu chiếc tàu chạy nhanh thì tất cả cái gì trên tàu cũng đều nhanh, nếu tàu chạy chậm thì tất cả đều chậm cả, chiếc tàu là tiền đồ chung của cả nước, cả nhân dân, còn tiền đồ cá nhân như cái máy, hàng hóa, thủy thủ v.v.. Nếu muốn tách tiền đồ của mình ra khỏi tiền đồ của nhân dân, thì chỉ có nhảy xuống bể mà bơi... Muốn tiền đồ mình vẻ vang, nhất định vẻ vang thì phải làm cho tiền đồ của Tổ quốc, của dân tộc vẻ vang, phải gắn liền tiền đồ của mình với tiền đồ dân tộc, tiền đồ giai cấp, không thể tách riêng được”136.
Ngày 30/5/1959, Bác viết bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” đăng trên Báo Nhân Dân đưa ra một ý tưởng là ngay từ bây giờ nếu có kế hoạch và phấn đấu để mỗi người, mỗi nhà trồng cây theo một định mức thích hợp thì chẳng lâu nữa chúng ta sẽ thực hiện được việc cải thiện nhà ở của đại đa số nông dân. Bài báo kết luận:
"Muốn làm nhà cửa tốt,
Phải ra sức trồng cây.
Chúng ta chuẩn bị từ rày,
Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”137.
Và cũng chính từ ý tưởng này mà hình thành phong trào “Tết trồng cây” do Bác phát động sau đó ít lâu.
Ngày 31/5
“Yêu nước phải thi đua thực hành tiết kiệm”.
Ngày 31/5/1946, trước lúc lên đường đi thăm nước Pháp, Bác viết “Thư gửi đồng bào Nam bộ” khuyên đồng bào bình tĩnh, cam kết rằng: “Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”138 và khẳng định: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”139. Bác cũng viết thư gửi Hội Hướng đạo Việt Nam nhận lời làm Hội trưởng Danh dự và chúc Hội luôn sẵn sàng “phụng sự cho Tổ quốc”.
Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm Pháp, chia tay với đông đảo thành viên Chính phủ và đại diện các tầng lớp nhân dân ra tiễn tại sân bay Gia Lâm. Bác cũng chân thành nói với quyền Chủ tịch Nước Huỳnh Thúc Kháng: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến (lấy cái không thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi). Cùng đi với Bác có tướng Xalăng. Chặng bay đầu tiên dài gần 1400km hạ cánh xuống sân bay “Pegou” (Miến Điện).
Báo Nhân Dân phát hành cùng ngày hôm đó đã đăng bài “Phương pháp gián điệp” trong loạt bài “Binh pháp Tôn Tử” của Bác với nguyên lý: “Đặt được kế hoạch xác đáng tức là biết mình, biết người, đánh trăm trận được trăm trận”140.
Ngày 31/5/1949, Báo Cứu Quốc đăng bài “Kiệm” của Bác dưới bút danh Lê Quyết Thắng: “Kết quả Cần cộng với Kiệm là bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới… Cho nên người yêu nước phải thi đua thực hành tiết kiệm”141.
Ngày 31/5/1949, Báo “Quân Du kích” đăng “Thư gửi Hội nghị cán bộ dân quân”. Trong đó, Bác khẳng định: “Kháng chiến của ta là nhân dân chiến tranh. Vì vậy dân quân du kích cần phải hoạt động mạnh, phát triển mạnh và phối hợp chặt chẽ với Vệ quốc quân... Trong giai đoạn tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công này, du kích chiến là chính”142.
Ngày 31/5/1954, Bác viết bài “Pháp vỡ đầu, Mỹ càng méo mặt” phân tích tình hình sau thất bại của Pháp trên chiến trường Đông Dương với lời kết luận quan trọng: “Thế là Mỹ dần dần trở nên kẻ địch chính của quân đội và nhân dân ta”143.
Ngày 31/5/1966, Bác gửi điện tới nhà bác học người Anh Béctơran Rôtxen (Bertrand Roussel) hoan nghênh sáng kiến yêu cầu Phong trào Đoàn kết với nhân dân Việt Nam triệu tập một cuộc hội nghị quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam và đòi chấm dứt chiến tranh.
Ngày 31/5/1968, Bác làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội về tình hình phòng không sơ tán của Thủ đô.
Ngày 31/5/1969, Bác Hồ đón mừng ngày Thiếu nhi Quốc tế với các cháu thiếu nhi Thủ đô Hà Nội ngay trong Phủ Chủ tịch, bắt nhịp cho các cháu hát vang bài ca “Kết đoàn” và “Giải phóng miền Nam”.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
127. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 174-175.
128. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 464.
129. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 228.
130. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 600.
131. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 204.
132. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 139.
133,134. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.4, tr. 240-241.
135. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 631.
136. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 8, tr. 380-381.
137. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 453.
138,139,140. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 246, 244.
141. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 314.
142. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 598.
143. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 288.