Ngày 05/5
“Chủ nghĩa Mác rất cao, rất rộng”.
Ngày 05/5/1920, báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp đăng bài “Tại Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo thuật lại một cuộc đấu tranh của thủy thủ trên những chiếc tàu xuất phát từ Cảng Hải Phòng chở lính thợ Việt Nam sang Xiri để tố cáo: “Nước Pháp đã để hàng ngàn đồng bào chúng tôi chết đói, và hàng ngàn người bị làm bia thịt cho đạn đại bác ở vùng Trung Đông. Đó là cách nước Pháp đã bảo hộ chúng tôi!”17.
Ngày 05/5/1948, Bác Hồ viết “Thư gửi Đội lão du kích huyện Yên Dũng, Bắc Giang” bày tỏ lòng tiếc thương đối với 7 vị lão du kích đã hy sinh vì nước. Thay mặt Chính phủ, Bác viết: “Các cụ ấy đã hy sinh, nhưng lòng yêu nước, chí quật cường, tinh thần dũng cảm của các cụ sẽ ở trong lòng tất cả đồng bào, tất cả mọi người du kích. Và tiếng thơm của các cụ sẽ giai truyền với non sông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất và độc lập”18.
Ngày 05/5/1953, đóng góp ý kiến cho văn bản “Đề nghị về chế độ làm việc của cố vấn và cán bộ Việt Nam với Chính phủ và cán bộ Lào”, Bác ghi bên lề văn bản lời căn dặn: “Thật thà đoàn kết về tinh thần và trong công tác. Thật thà tự phê bình và phê bình lẫn nhau. Cán bộ Việt tuyệt đối tránh bao biện. Cán bộ Lào thì nên tránh khách khí”19.
Ngày 05/5/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức cho các thành viên mới của Chính phủ. Bác nói: “... Như các vị vừa mới tuyên thệ, chúng ta phải hết sức phục vụ nhân dân, chí công vô tư; làm gương về mặt đức - tài. Đó là đạo đức cách mạng. Ta có thêm lực lượng mới trong Chính phủ thì phải có tác phong mới và lề lối làm việc mới, tránh quan liêu để công việc không bị bê trễ, cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó. Nhân dân đã cố gắng, chúng ta cũng cố gắng, lại được các nước bạn giúp đỡ, nhất định chủ nghĩa xã hội sẽ được thực hiện và sự nghiệp thống nhất đất nước sẽ thành công”20.
Ngày 05/5/1968, Bác Hồ tiếp Hồ Văn Mên, thiếu niên dũng sỹ diệt Mỹ ra thăm miền Bắc và mời cơm thân mẫu cùng vợ của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cùng ngày, trên Báo Nhân Dân đăng bài báo “Vừa đi đường vừa nói chuyện về Các Mác” (ký bút danh Việt Hồng). Sau khi kể nhiều mẩu chuyện sinh động từ cuộc đời của mình noi theo tấm gương của “ông thầy chủ nghĩa cộng sản của chúng ta”, Bác kết luận: “Chủ nghĩa Mác rất cao, rất rộng. Những người cách mạng phải học tập chủ nghĩa Mác. Nhưng có thể nói một cách tóm tắt là chủ nghĩa Mác dạy chúng ta phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải hết lòng hết sức phục vụ giai cấp công nhân. Mác dạy chúng ta: Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại! Lê-nin người học trò thiên tài của Mác bổ sung thêm: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! Hai câu khẩu hiệu đó là những ngọn cờ vĩ đại dẫn giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đến thắng lợi hoàn toàn”21.
Ngày 06/5
“Làm ít, nhưng làm cho hẳn hoi”.
Ngày 06/5/1945, tại vùng núi đá Lam Sơn (xã Hồng Việt, huyện Hòa An, Cao Bằng), Bác làm việc với một số cán bộ Trung ương như Hoàng Quốc Việt, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Đặng Văn Cáp, Đặng Việt Châu cùng cán bộ của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng bàn về một số công việc chuẩn bị khởi nghĩa.
Ngày 06/5/1950, Bác đến thăm Hội nghị toàn quốc lần thứ I về công tác huấn luyện và học tập. Bằng kinh nghiệm của một nhà tổ chức tuyên truyền cách mạng lão luyện bài nói của Bác đề cập tới nhiều vấn đề cơ bản. Về người cán bộ huấn luyện, Bác yêu cầu: “Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Người huấn luyện phải học thêm mới thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Lê-nin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết. Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất. Khẩu hiệu: "Học không biết chán, dạy không biết mỏi" treo trong phòng họp chính là của Khổng Tử… “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”. Lê-nin dạy chúng ta như vậy”22.
Bác cũng nhắc nhở vai trò của báo chí: “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể thì cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc”23.
Ngày 06/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh thành lập và quy định nhiệm vụ tổ chức Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Lương Bằng làm Tổng Giám đốc.
Ngày 06/5/1961, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa III, Bác nghiêm khắc vạch ra những khuyết điểm (được ghi trong biên bản): Chúng ta chậm không phải vì chúng ta không nhận thấy khuyết điểm, mà là do chúng ta không chịu sửa. Ở một số bộ... Chính phủ đã nhắc kiểm tra, nhưng không làm; có làm thì lề mề, nói nhiều hơn làm. Tác phong lề mề trở thành phổ biến: Học tập lề mề, khai hội lề mề, sản xuất lề mề. Chúng ta phải chuyển, chuyển thực sự, phải nắm điểm chính mà chuyển. Các nơi, các ngành cần phải rút kinh nghiệm. Trước hết là phải có quyết tâm.
Ngày 06/5/1962, trong diễn văn bế mạc Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ III, Bác cho rằng: “Trong Đại hội này, chưa nêu rõ vai trò quan trọng của những người cán bộ làm báo và cán bộ nghệ thuật... Các báo chí phải khuyến khích những người tốt, việc tốt và thẳng thắn phê bình những điều xấu như: Lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu. Đó là một việc rất cần thiết... Miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn những người, những việc ấy, bằng văn, bằng thơ, bằng vẽ và bằng các nghệ thuật khác, v.v.. Đó cũng là một trách nhiệm của các cán bộ văn nghệ ...”24.
Ngày 07/5
“Cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”.
Ngày 07/5/1921, báo La Vie Ouvrière (Đời sống Công nhân) đăng bài “Quyền những người lính chiến” của Nguyễn Ái Quốc lên án cuộc chiến tranh đế quốc và những quan điểm mị dân của Chính phủ thực dân và vạch rõ bản chất của cái gọi là “quyền của những người lính chiến chỉ là quyền tự do giết hại đồng loại để bảo vệ những két bạc kếch sù của giai cấp tư sản đã được tạo ra bằng mồ hôi của giai cấp công nhân và chứa đầy xương máu của binh lính Pháp và binh lính bản xứ. Đó cũng là quyền tự do tàn sát nhân dân các nước thuộc địa để mang lại lợi nhuận cao nhất cho bọn tư bản”25.
Ngày 07/5/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Hội nghị Trung ương mở rộng. Buổi tối tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của cụ Tôn Đức Thắng, nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại: “Đêm nay làm lễ chúc thọ anh Tôn Đức Thắng, Hồ Chủ tịch nhân dịp này tặng cho anh Thắng một tên mới: “Tôn Tất Thắng”. Chúng mình mỗi người hoặc nói chuyện vui hoặc ngâm thơ, hoặc hát để chúc mừng anh Thắng. Buổi lễ đơn sơ nhưng vui và cảm động”26.
Ngày 07/5/1959, Bác thăm Sơn La thuộc Khu tự trị Thái - Mèo và gặp gỡ, động viên đồng bào Thuận Châu: “Đồng bào Khu tự trị đã từng cùng bộ đội ta đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi hết giặc Tây, giải phóng đất nước. Ngày nay đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui”27.
Ngày 07/5/1963. Bác viết bài báo “Kỷ niệm thắng lợi Điện Biên Phủ” (ký bút danh T.L) đăng trên Báo Nhân Dân nhấn mạnh ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này: “Nhân dân ta có thể tự hào là người đầu tiên đã đập tan lực lượng hùng mạnh và uy tín giả tạo của bọn thực dân và do đó mà thúc đẩy các dân tộc thuộc địa anh em vùng lên giành tự do độc lập. Thắng lợi Điện Biên là thắng lợi chung của nhân dân ta, của phe xã hội chủ nghĩa và của các dân tộc chống đế quốc thực dân”28. Bài viết cũng cảnh báo rằng, đế quốc Mỹ đang đi theo vết xe cũ và sẽ chịu thất bại nhục nhã như thực dân Pháp.
Ngày 07/5/1964, kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Bác viết vào Sổ cảm tưởng của Bảo tàng Điện Biên Phủ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”29. Còn trong bài báo “Nhân ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ” (với bút danh Chiến Sĩ) đăng trên tờ Nhân Dân, Bác viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”30... “Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ, từ nay về sau nhân dân miền Nam chắc sẽ thắng lợi hơn nữa. Muốn tránh một thất bại như ở Điện Biên Phủ và muốn khỏi mất thể diện, thì đế quốc Mỹ chỉ có một cách là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược, rút ngay quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết lấy vấn đề nội bộ của mình…”31.
Cũng vào thời điểm này, nhân trả lời phỏng vấn của Truyền hình Pháp RTF, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nói về mình: “Trước đây tôi hoạt động cách mạng, bây giờ tôi vẫn phục vụ cách mạng và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Nguyện vọng của tôi cũng như nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, tăng cường đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa và giữ gìn hòa bình lâu dài trên thế giới”32.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
17. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 423, 424.
18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 559.
19. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 318.
20. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 83-84.
21. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 10, tr. 202.
22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 46.
23. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 52-53.
24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 560-561.
25. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 1, tr. 125.
26. Lê Văn Hiến, Sdd, t. 2, tr. 67.
27. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 437.
28,29,30. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 60, 266, 261.
31. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 265.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 270.