Ngày 24/5
“Mình chẳng phải thần thánh gì”.
Ngày 24/5/1922, bản Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp Thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc thảo được thông qua. Văn kiện này chỉ ra tôn chỉ, mục đích của Hội và nêu rõ quan điểm: “Anh em phải làm thế nào để được giải phóng? Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em. Hội Liên hiệp Thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy”110. Cuối bản Tuyên ngôn kêu gọi: “Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác: Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”111.
Ngày 24/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo công việc của Đoàn Quốc hội đang ở Pháp; việc dàn xếp xung đột với lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng ở Vĩnh Yên; việc thống nhất quân đội giữa Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội với quân Chính phủ... Cùng ngày, báo Cứu Quốc đăng tiếp bài thứ hai của Bác về “Binh pháp Tôn Tử” với nhan đề: “Muốn biết người phải thế nào?”. Bài viết phân tích vai trò quan trọng của việc sử dụng và các phương thức hoạt động gián điệp để nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của gián điệp thực nặng nề. Làm được nhiệm vụ đó, thắng trận rất dễ dàng”112.
Ngày 24/5/1948, nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại buổi gặp Bác trước ngày họp Hội đồng Chính phủ: “Trời càng về đêm càng mưa lớn. Chúng mình phải ở lại kéo dài câu chuyện với Cụ (Chủ tịch) trong lúc chờ đợi hết mưa. Cụ ân cần thăm hỏi gia đình của mọi người. Đến lúc chúng mình vui câu chuyện nhắc đến gia đình Cụ, Cụ phì cười và nói: “Mình chẳng phải thần thánh gì, cũng người như tất cả mọi người. Nhưng với hoàn cảnh này, còn điều kiện nào nghĩ đến gia đình... Ý kiến các chú thế nào?”. Chúng mình cũng chỉ phì cười mà nói: “Thật là khó”, không thể có ý kiến gì khác. Cụ cười và nói tiếp: “Gia đình nhỏ không thể được thì ta cứ lo gia đình lớn đi vậy”113.
Tháng 5/1953, Bác gửi điện cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Lào Xuphanuvông (Souphanuvong) và Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Cao Miên (Campuchia) Sơn Ngọc Minh đã gửi điện chúc mừng sinh nhật. Trong thư cảm ơn nhân Ngày sinh nhật, Bác viết: “Tôi trân trọng cảm ơn tất cả. Tôi xin báo cáo rằng tôi rất mạnh khỏe và xin hứa với đồng bào, bộ đội và các bạn rằng: Tôi quyết đưa tất cả tinh thần và sức lực để cùng đồng bào và bộ đội đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, đặng góp phần vào công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới”114.
Ngày 24/5/1969, Bác kiểm tra sức khỏe, sau đó họp Bộ Chính trị nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình quân sự và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh báo cáo về công tác đối ngoại. Bình luận về chủ trương 8 điểm liên quan đến việc giải quyết chiến tranh ở Việt Nam của Tổng thống Mỹ R.Níchxơn (R.Nixon), Bác nói: “Níchxơn đã bị động và đó là hành động mị dân của Níchxơn”115.
Ngày 25/5
“Thà chết không làm nô lệ!”.
Ngày 25/5/1922, trên báo L’ Humanité (Nhân Đạo), với tinh thần cộng sản, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa” đóng góp ý kiến cho Đảng Cộng sản Pháp về thái độ đối với vấn đề thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp cho rằng Đảng của mình cần phải có một kế hoạch đúng đắn, có một chính sách thiết thực và có hiệu quả chứ không thể chỉ thỏa mãn với những tuyên ngôn nặng về tình cảm. Bài báo kết luận: Trước những khó khăn đó, Đảng phải làm gì? Tăng cường công tác tuyên truyền của Đảng để khắc phục.
Ngay 25/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và các tổ chức tôn giáo, cơ quan đoàn thể, đồng bào cả nước cùng bè bạn nước ngoài đã chúc mừng nhân Ngày sinh của mình. Thư viết: “Nhân dịp này, tôi xin hứa với đồng bào rằng từ đây về sau, cũng như từ đây về trước, tôi sẽ ra sức phấn đấu để giữ gìn quyền tự chủ của nước nhà, quyền tự do của dân tộc, quyền dân chủ của đồng bào. Tôi xin hứa với bạn hữu các nước rằng tôi sẽ dùng tinh thần lực lượng nhỏ mọn của tôi để giúp vào xây đắp mối tình thân thiện giữa các dân tộc”116.
Ngày 25/5/1947, sau cuộc hội kiến với Pôn Muýt (Paul Mus), phái viên của chính quyền thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước” tố cáo thái độ của giới quân phiệt “quen thói hung tàn, bất nhân, vô lễ” và kêu gọi mọi người dân Việt Nam hãy kiên quyết hy sinh chiến đấu, đánh tan bọn quân phiệt thực dân, giành lấy thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.
Cùng ngày, Bác viết “Thư gửi nhân dân Pháp” nêu rõ: “Bọn quân phiệt thực dân đã bắt buộc chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, chúng tôi lấy câu châm ngôn hiên ngang của các bạn làm châm ngôn của chúng tôi: “Thà chết không làm nô lệ”.
Chúng tôi chiến đấu vì công lý. Chúng tôi sẽ tồn tại; chúng tôi sẽ chiến thắng”116.
Còn trong thư gửi “anh em văn hóa và trí thức Nam bộ”, Bác nhắn nhủ: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sỹ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Nhân dân ta sẵn lòng thân thiện với nhân dân Pháp, nhưng quyết không chịu làm nô lệ cho thực dân phản động. Anh em văn hóa với trí thức là lớp tiên tri tiên giác, càng phải quyết tâm không chịu làm nô lệ”117.
Ngày 25/5/1948, báo Cứu Quốc đăng bài Bác trả lời phỏng vấn của tờ báo Pháp “Frères D’Armes”: “Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Điều ác/ Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Điều thiện/ Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất? Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu/ Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ gì nhất? Trả lời: Chẳng sợ gì cả! Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì”118.
Ngày 25/5/1954, Báo Nhân Dân đăng bài “Tuyên truyền”, trong đó Bác phê phán quan niệm chủ quan coi thường tuyên truyền của địch và nhấn mạnh: “Trách nhiệm của mỗi cán bộ, của mỗi người yêu nước là tìm mọi cơ hội, dùng mọi hình thức, để đập tan tuyên truyền giả dối và thâm độc của địch. Chúng ta phải đánh thắng địch về mặt tuyên truyền, cũng như bộ đội ta đã đánh thắng địch về mặt quân sự!”119.
Ngày 25/5/1962, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về “Quy hoạch Sông Hồng”, Bác nhắc nhở: Việc làm phải tính toán cho tốt.
Ngày 26/5
“Trung với nước, hiếu với dân”.
Ngày 26/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh và Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp dự lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tại Sơn Tây - Trường đào tạo sĩ quan đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong lời chào mừng, vị Chủ tịch Nước căn dặn lớp sĩ quan của quân đội Việt Nam đuợc đào tạo chính quy đầu tiên: “Anh em có nhiều giai cấp, tư tưởng khác nhau, trước hết phải đoàn kết, đoàn kết thật thà. Phải có kỷ luật cả về tinh thần lẫn vật chất. Phải noi gương anh dũng của anh em binh sĩ hồi khởi nghĩa để làm gương cho các lớp về sau. Các anh em cần làm được như lời Tôn Trung Sơn đã nói: “Những người thanh niên tốt muốn làm việc to chứ không muốn làm quan lớn”. Mong rằng anh em ở đây, bao giờ cũng phải làm theo hai khẩu hiệu mà nó là cái mục đích của anh em: Trung với nước, hiếu với dân”120.
Sau khi trao lá cờ thêu hai khẩu hiệu trên cho Hiệu trưởng Hoàng Đạo Thuý, Bác căn dặn: Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, là mục đích của anh em, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sỹ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta. Sau khi thăm hỏi các tầng lớp nhân dân Sơn Tây, Bác về dự khai mạc Đại hội Thanh niên Hà Nội.
Tháng 5/1948, đáp lại tấm lòng của các cụ phụ lão xã Vĩnh Đồng, châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã tặng mật ong, Bác viết thư cảm ơn: “Lòng thân ái của các cụ đối với tôi, khiến tôi rất cảm động. Tôi mong rằng các cụ sẽ cố gắng đốc thúc con cháu hăng hái tham gia cuộc thi đua ái quốc, làm cho mọi người đủ ăn, đủ mặc và sẵn sàng giúp đỡ bộ đội và dân quân. Như thế là các cụ cũng trực tiếp tham gia kháng chiến”121.
Tháng 5/1950, Bác đến thăm “Lớp đào tạo cán bộ mật mã Lê Lai” tại cánh rừng Bản Cọ (Định Hóa, Thái Nguyên) với lời căn dặn: Mật mã là công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang... Mật mã phải bí mật, nhanh chóng, chính xác. Các chú làm mật mã phải bí mật và đoàn kết.
Ngày 26/5/1953, trên Báo Nhân Dân trong bài viết “18 lần rồi” (ký tên C.B) Bác phân tích sự kiện Nội các của nước Pháp thay đổi 18 lần kể từ sau thế chiến II cũng như sự kiện Chính phủ mới đổ ngày 22/5/1953 cho thấy cuộc chiến tranh mà nước Pháp đang tiến hành ở Đông Dương ngày càng trở thành nguyên nhân gây bất ổn trên chính trường Pháp và ngày càng bị lệ thuộc vào Mỹ. Bài báo kết luận: Chỉ điều đó cũng đủ rõ: Thế địch yếu, thế ta mạnh.
Ngày 26/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh T.L) đăng bài “Một cuộc hội nghị rất quan trọng” trên Báo Nhân Dân bình luận kết quả của Hội nghị các vị đứng đầu các quốc gia độc lập ở Châu Phi tổ chức tại Ađi Abêba, thủ đô Êthiôpia, cho rằng đó là “cuộc biến đổi long trời lở đất” và “Hội nghị này đã làm nổi bật sự thất bại nhục nhã và bước đường cuối cùng của chủ nghĩa thực dân. Nó làm nổi bật thắng lợi to lớn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”122. Nhân dân Việt Nam “coi thành công của nhân dân châu Phi anh em cũng như thành công của mình”123.
Ngày 27/5
“Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”.
Ngày 27/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội đồng Chính phủ và quyết định giao quyền Chủ tịch Nước, trong thời gian đi thăm nước Pháp cho Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, người cao niên nhất trong Chính phủ.
Ngày 27/5/1947, Bác viết thư “Gửi nam nữ chiến sỹ, dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc” khẳng định vai trò: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã. Các chiến sỹ dân quân, tự vệ và du kích ở Nam bộ, ở Thủ đô, ở miền duyên hải và ở các nơi, đã chứng tỏ sự thực đó một cách rất anh hùng. Từ đây về sau, lực lượng ta càng ngày càng vững, kinh nghiệm ta càng ngày càng nhiều thì ta càng tỏ cho địch quân biết, tỏ cho thế giới biết rằng dân quân, tự vệ và du kích Việt Nam là những người ái quốc sắt đá, là những chiến sỹ anh hùng...”124.
Cũng trong tháng 5/1947, trả lời Hãng thông tấn “Reuter” đánh giá tình hình sau 5 tháng toàn quốc kháng chiến, Bác đã phê phán ý kiến cho rằng điều đình với Hồ Chí Minh là để nước Nga Xô viết “có một chỗ đặt chân vào Việt Nam”: “Nước Nga Xô viết không có trước năm 1917. Nhưng mà nền đô hộ Pháp ở Việt Nam đã có từ trên 80 năm nay. Hồ Chí Minh có thể theo chủ nghĩa Các Mác hay có thể theo đạo Khổng, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn gồm có đại biểu của mọi đảng phái và có cả những người không đảng phái... Nếu không hòa bình được, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Toàn dân Việt Nam cương quyết tranh đấu cho thống nhất và độc lập... Chúng tôi muốn gửi thế giới lời này: Là ước mong tất cả các người dân chủ trên thế giới đoàn kết với nhau để bảo vệ cho nền dân chủ trong các nước nhỏ cũng như trong các nước lớn...”125.
Ngày 27/5/1959, Bác dự phiên thảo luận về Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình tại Quốc hội: Dự luật hôn nhân và gia đình gọi nôm na là dự luật lấy vợ, lấy chồng, nhằm xây dựng hạnh phúc chung, nhưng trước hết là nhằm giải phóng chị em phụ nữ. Việc nghiên cứu bổ sung cho dự luật được hoàn chỉnh là một nhiệm vụ mà Chính phủ phải làm... Nhưng vấn đề này quan hệ mật thiết đến phụ nữ, cho nên khi giải thích tuyên truyền, chị em phụ nữ phải ra sức hoạt động nhiều để tinh thần luật được thấm nhuần đến tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, đến từng người, từng địa phương...
Ngày 27/5/1965, Bác gửi thư khen quân dân miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 300, cùng lời nhắc nhở phải cảnh giác cao độ trước những bước leo thang chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.
Ngày 27/5/1969, Bác làm việc với Phú Chủ tịch Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng Trung ương về công tác giáo dục và bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em và căn dặn: “Phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để nuôi dạy và giáo dục các cháu. Tất cả mọi người, mọi đoàn thể, mọi ngành, mọi gia đình phải có trách nhiệm chăm sóc các cháu”126.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
110. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 128.
111. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 237.
112. Lê Văn Hiến, Nhật ký của một Bộ trưởng, Sdd, tr. 539.
113. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.7, tr. 78.
114. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 10, tr. 361.
115. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 238.
116,117,118. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 129, 131, 428.
119. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 284.
120. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 239.
121 . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 207.
122,123. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 94.
124. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 132.
125. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 136, 137, 138.
126. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 10, tr. 362.