Ngày 16/5
“Nhân dân có hàng triệu tai mắt ...”.
Ngày 16/5/1924, trong bài báo “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa” đăng trên tờ “La Vie Ouvrière” (Đời sống Công nhân), Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra một hình tượng chính xác về chủ nghĩa tư bản khi viết: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”74.
Tác giả còn khẳng định rằng, Cách mạng Nga đã dạy cho các dân tộc bị áp bức biết đấu tranh và “giúp đỡ họ về tinh thần và vật chất như Lê-nin đã viết trong luận cương của Người về vấn đề thuộc địa”75. Nguyễn Ái Quốc cũng đánh giá về “Trường Đại học phương Đông” mà mình đang theo học là nơi “ôm ấp dưới mái trường mình tất cả tương lai của các dân tộc thuộc địa”76.
Ngày 16/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ tiếp tục phân tích kết quả cuộc họp trù bị của phái đoàn Việt Nam tại Đà Lạt trở về. Trong ngày, Bác ký Sắc lệnh ấn định mức thuế điền thổ ở Bắc bộ.
Ngày 16/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ chuẩn bị báo cáo đệ trình kỳ họp thứ 10 chuẩn bị kết thúc Quốc hội Khóa I. Cùng ngày, Bác đến thăm lớp chỉnh huấn Khóa II ngành Công an. Nói chuyện với các học viên, Bác nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng con người mới: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ... Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân”77.
Ngày 16/5/1960, Bác Hồ tặng các cháu thiếu nhi Hà Nội con nai do Nông trường Mộc Châu biếu, để nuôi trong vườn Bách thú Hà Nội.
Ngày 16/5/1963, tại lễ tiễn đưa Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Bác nhấn mạnh rằng tình hữu nghị Việt - Trung cũng như tinh thần đoàn kết của phe xã hội chủ nghĩa, cũng như giữa các Đảng Cộng sản anh em “là của quý vô giá của chúng ta, nó bảo đảm chắc chắn nhất cho mọi thắng lợi của cách mạng”78, và cũng nhờ Chủ tịch chuyển đến nhân dân Trung Quốc anh em, Đảng Cộng sản, Chính phủ Trung Quốc và đồng chí Mao Trạch Đông lời chào nhiệt liệt nhất, thân thiết nhất.
Ngày 16/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thành phố Trường Sa, thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội kiến tại quê hương của người đứng đầu Nhà nước Trung Hoa.
Ngày 16/5/1968, sau khi đọc lại và sửa bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Hà Huy Giáp về việc xây dựng điển hình và tuyên truyền “Người tốt, việc tốt”...
Ngày 17/5
“Phải biết xét đoán trước, phải biết mình”.
Ngày 17/5/1921, tài liệu của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự họp Chi bộ Đảng Xã hội Pháp quận 13 ở Pari.
Cũng trong tháng 5/1921, tờ “La Revue Communiste” (Tạp chí Cộng sản) đăng bài “Phong trào cộng sản quốc tế - Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc nhằm trả lời câu hỏi: “Chế độ cộng sản có áp dụng được ở Châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không?”79. Phân tích những đặc trưng lịch sử mà các nước Châu Á và Đông Dương đã trải qua trong đó có sự hình thành những tư tưởng gần gũi với tư tưởng cộng sản, bài viết nhấn mạnh: “Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản, là những điều kiện cơ bản nhất để hành động:
Tự do báo chí;
Tự do du lịch;
Tự do dạy và học.
Tự do hội họp (tất cả những cái này đều bị những kẻ khai hóa thuộc địa ngăn cấm chúng tôi một cách dã man). Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân Châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”80.
Ngày 17/5/1946, tiếp tục cuộc hành trình rời cơ quan đầu não của cách mạng về phía Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đến Chợ Đồn (Bắc Cạn) và tại đây gặp Võ Nguyên Giáp từ dưới xuôi lên đón.
Cùng ngày, Báo Cứu Quốc bắt đầu đăng tải loạt bài “Binh pháp Tôn Tử”, ký bút danh là “Q,Th”. Đề cập nguyên lý thứ nhất của Binh pháp Tôn Tử là “phải biết xét đoán trước”. Tác giả nhấn mạnh đến việc dùng binh phải xem xét 5 điều kiện là: Đạo nghĩa, thiên thời, địa lợi, tướng và pháp để kết luận rằng: “Năm điều nói trên, người làm tướng tất phải biết rõ. Thế tức là biết mình. Nhưng biết phải có làm. Làm được thời sẽ có đủ nhân hòa, địa lợi, thiên thời, tướng giỏi, quân nhu đầy đủ để nắm chắc được phần thắng trong lúc chiến tranh”81.
Ngày 17/5/1958, Bác bắt đầu chuyển qua ở và làm việc tại ngôi Nhà sàn trong khu vườn Phủ Chủ tịch. Ngày 17/5/1959, Bác thăm Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội) khi đó là “con chim đầu đàn” của ngành Công nghiệp cơ khí non trẻ của miền Bắc nước ta.
Ngày 17/5/1961, đang ở thăm Trung Quốc, từ Quế Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Nam Kinh viếng lăng mộ Tôn Trung Sơn, nhà cách mạng dân chủ Trung Hoa.
Các ngày 17/5 của hai năm cuối đời (1968 và 1969) Bác đều dành khoảng thời gian từ 9 đến 10 giờ sáng để xem lại và sửa “Di chúc”.
Ngày 18/5
“Bao giờ cũng là bạn của nhân dân Pháp”.
Ngày 18/5/1946, tờ Cứu Quốc, cơ quan của Mặt trận Việt Minh đăng bài báo “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”, trong đó, lần đầu tiên công bố Ngày sinh của vị Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Ngày 19 tháng Năm này, năm mươi sáu năm trước đây (1890) đã ra đời một người: Hồ Chí Minh. Bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam. Tinh thần hoạt động của hầu hết các chiến sỹ Việt Nam đều do bàn tay tài tình của ông hun đúc...”82.
Ngày hôm đó, cũng là ngày Đô đốc Đácgiăngliơ (D’Argenlieu), nhân vật “diều hâu” trong chính giới Pháp tới Hà Nội và đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì cuộc gặp mặt lại diễn ra trước ngày sinh nhật của vị nguyên thủ nước chủ nhà nên theo phép lịch sự, viên Đô đốc thực dân phải dành những lời lẽ thiện chí: Ngày mai là lễ sinh nhật của Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch trường thọ... Bác Hồ cũng đáp lại bằng những lời lẽ thân thiện: Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới lấy làm sung sướng được đón tiếp người thay mặt nước Pháp...
Tháng 5/1948, trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn “International News Service” của Mỹ, Bác khẳng định: “Chiến tranh sẽ chấm dứt ngay khi nào nước Việt Nam được độc lập và thống nhất thực sự... Chúng tôi bao giờ cũng trông cậy vào chúng tôi và vào cái cảm tình tích cực của các người dân chủ thế giới, trước hết của các người dân chủ Pháp… Chúng tôi chiến đấu chống thực dân Pháp nhưng bao giờ cũng là bạn của nước Pháp dân chủ”83.
Ngày 18/5/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương Cao Miên (Campuchia) Sơn Ngọc Minh nhân kỷ niệm Ngày tuyên bố Độc lập của nước Cao Miên tự do, trong đó khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân Miên cũng là những thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam và của khối liên minh Việt - Miên - Lào đoàn kết chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ”84.
Ngày 18/5/1963, Bác đến thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam. Bác vạch rõ: “Chúng ta biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân...”85.
Ngày 18/5/1965, Bác đang ở thăm Trung Quốc đã từ chối việc các bạn tổ chức chúc thọ. Bác nói với Nguyên soái Trung Quốc Diệp Kiếm Anh: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ ở trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ”86.
Còn ngày 18/5 của các năm cuối cùng (1968 và 1969), Bác đều dành thời gian từ 9 đến 10 giờ sáng để xem lại và sửa “Di chúc”.
Ngày 19/5
“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà”.
Theo tiểu sử chính thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 tại quê mẹ là làng Hoàng Trù (Trùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh (nay là xã Kim Liên hay làng Sen), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cha là Nguyễn Sinh Sắc (Huy) và mẹ là Hoàng Thị Loan, được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung, là thứ ba trong gia đình có bốn con.
Lần đầu tiên, sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố vào năm 1946, do vậy, ngày 19/5/1946 cũng là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật được tổ chức dường như để biểu thị khối đoàn kết của nhân dân quanh vị nguyên thủ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia hơn là một sự sùng bái đối với một lãnh tụ.
Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại hình ảnh các cháu thiếu nhi nội ngoại thành Thủ đô Hà Nội vốn là trẻ bán báo hay trẻ mồ côi tại ngôi trường Bác đã từng đến thăm... đánh trống ếch mang theo những huy hiệu là các con chữ “i tờ” của phong trào diệt dốt đến tặng cho Chủ tịch Nước và hát những bài ca cách mạng. Tiếp đó là đoàn đại biểu các chiến sỹ Nam bộ từ chiến trường ra công tác và Đoàn đại biểu Văn hóa Cứu Quốc đến chúc thọ Người khởi xướng và lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói với các chiến sỹ Nam bộ: Thật ra, các báo ở đây làm to cái ngày sinh của tôi, chứ tuổi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình. Còn với các chiến sỹ văn hóa đến xin khẩu hiệu cho phong trào “Đời sống mới” thì Bác đề xuất câu “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và giải thích: “Hàng ngày ta phải ăn cơm, uống nước, phải thở khí trời mà sống. Những việc đó ngày xưa ông cha ta phải làm, bây giờ chúng ta phải làm, con cháu ta sau này cũng phải làm. Vậy ăn cơm, uống nước và thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì đó là những việc không khi nào trở thành cũ cả. “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” đối với Đời sống mới cũng vậy”87.
Đáp lại những lời chúc mừng sinh nhật vào năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Thư có đoạn: “Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, quyết cùng đồng bào tranh lại thống nhất và độc lập thật sự cho Tổ quốc, quyết cùng đồng bào ra sức làm thế nào cho con cháu chúng ta bây giờ và muôn đời về sau được sung sướng và tự do”88.
Ngày 19/5/1947, giữa lúc chiến tranh lan rộng ra cả nước, ngày sinh nhật diễn ra tại một địa điểm bí mật trên chiến khu ở Sơn Dương (Tuyên Quang), chỉ là một bó hoa rừng của những người thân cận đang bảo vệ người đứng đầu cuộc kháng chiến, Bác đã dành bó hoa ấy để đi viếng người cấp dưỡng của mình vừa qua đời vì sốt rét.
Vào dịp 19/5/1949, đáp lại đề nghị tổ chức lễ sinh nhật, Bác làm bài thơ “Không đề”:
“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”89.
Sau ngày 19/5/1949, Bác gửi thư cảm ơn các tầng lớp nhân dân đã mừng thọ và hẹn: “… Đến ngày toàn quốc ăn mừng hoàn toàn thắng lợi, trong cuộc kỷ niệm to ấy, tôi sẽ vui vẻ tiếp đồng bào và chiến sỹ, kèm thêm một kỷ niệm nhỏ là Ngày sinh nhật của tôi”90.
Vào dịp 19/5/1950, trong một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở Thác Dẫng (Tuyên Quang), đáp lại tình cảm của mọi người, Bác làm một bài thơ tự cảm về tuổi tác của mình:
“Sáu mươi tuổi hãy còn Xuân chán,
So với ông Bành91 vẫn thiếu niên.
Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ,
Trần mà như thế kém gì tiên!”92.
Vào dịp tròn 63 tuổi (19/5/1953), Bác làm bài thơ chữ Hán “Thất cửu”:
“Nhân vị ngũ tuần thường thán lão,
Ngũ kim thất cửu chính khang cường.
Tự cung thanh đạm tinh thần sảng,
Tố sự thung dung nhật nguyệt trường”93.
Nhà thơ Xuân Thuỷ dịch:
“Chưa năm mươi đã kêu già,
Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai.
Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”94.
Ngày 19/5/1954, Lễ mừng sinh nhật hòa chung với không khí đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ bằng cuộc gặp gỡ của Bác đối với những đại biểu chiến sỹ có thành tích tiêu biểu từ chiến trường trở về chiến khu. Bác đã gắn Huy hiệu cho chiến sỹ trẻ bắt sống tướng Đờ Cáttơri (De Castries). Và trong cuộc gặp còn có một vị khách đặc biệt là nhà điện ảnh Xô viết Rôman Cácmen, người đang thực hiện những bộ phim về Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Sau ngày hòa bình, Bác thường vắng mặt ở nhà để tránh những cuộc tiếp mừng sinh nhật. Ngày 19/5/1958, Bác đi thăm chùa Hương; năm 1959, Bác đi thăm chùa Tây Phương.
Từ năm 1960 đến 1967, vào trung tuần tháng 5, Bác thường sang Trung Quốc để làm công tác ngoại giao tranh thủ nước bạn ủng hộ cuộc kháng chiến đang diễn ra ngày càng ác liệt ở trong nước. Riêng ngày 19/5/1965, trong dịp thăm Trung Quốc Bác thăm Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử và làm bài thơ “Phỏng Khúc Phụ”:
Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ
Cổ tùng cổ miếu lưỡng y hy
Khổng gia thế lực kim hà tại
Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi.
Đặng Thai Mai dịch:
Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.
Ngày 19/5 của hai năm cuối cùng 1968 và 1969, vào khoảng thời gian từ 9 đến 10 giờ, Bác đều dành để xem và sửa lại “Di chúc”, sau đó, tiếp chị Phan Thị Quyên, vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi và chị Nguyễn Thị Châu, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Dường như vào thời điểm chiến tranh còn gian khổ và nước nhà chưa thống nhất, những tình cảm sâu nặng nhất Bác luôn muốn dành cho miền Nam ruột thịt.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
74,75. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2. tr. 120.
7 6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 301.
77. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 448-449.
78 . Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sdd, t. 11, tr. 75.
79,80. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 33, 36.
81. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 229.
82. Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nôi, 2001, tr. 237.
83. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 429-430.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 74.
85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 77, 78.
86. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 243.
87 . Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nôi, 2001, tr. 241.
88 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 437.
89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 597.
90. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 601.
91. Theo truyền thuyết Trung Hoa, ông Bành Tổ là bậc tổ tiên của loài người.
92. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 55.
93, 94. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 77.