Chỉ mục bài viết

 Ngày 20/5

“78 tuổi chưa già lắm...

Tiến bước ta cùng con em ta”.

Ngày 20/5/1924, Nguyễn Ái Quốc gửi thư tới Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản bàn về việc thúc đẩy phong trào cách mạng ở các nước phương Đông và cho rằng: “Nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là SỰ BIỆT LẬP... Sẽ rất có ích cho người An Nam biết bao, nếu họ được biết những người anh em Ấn Độ của họ tự tổ chức như thế nào để đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Anh, hoặc biết công nhân Nhật Bản đoàn kết nhau lại như thế nào để chống lại ách bóc lột của chủ nghĩa tư bản, hoặc biết người Ai Cập đã phải hy sinh cao cả như thế nào để đòi lại quyền tự do của mình? Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”95.

Ngày 20/5/1946, để động viên phong trào Bình dân học vụ, Bác viết vào trang đầu cuốn sách “Phương pháp và cách thức dạy học vỡ lòng chữ Quốc ngữ” câu “Anh chị em giáo viên bình dân học vụ cố gắng đọc kỹ sách này, rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết. Thế là làm tròn một nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc”96.

Ngày 20/5/1951, trong thư cảm ơn gửi tới các cơ quan, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã chúc mừng sinh nhật, Bác bày tỏ: “Tuổi tuy hơi già, nhưng vì nước ta trẻ, dân ta trẻ, cho nên tinh thần và lực lượng tôi vẫn trẻ. Để báo đáp lòng yêu mến của đồng bào, tôi xin hứa rằng: Với sự giúp đỡ của Quốc hội và Chính phủ, với sự đôn đốc và ủng hộ của toàn dân, với chí kiên quyết thi hành mệnh lệnh của cán bộ và bộ đội, tôi quyết đưa cả tinh thần và lực lượng để phụng sự Tổ quốc, và hướng dẫn đồng bào cùng bộ đội đi đến: Kháng chiến thắng lợi, Kiến quốc thành công. Và góp phần vào sự nghiệp giữ gìn dân chủ, hòa bình thế giới”97.

Cùng ngày, Bác viết trên Báo Nhân Dân bài “Tự phê bình” (bút danh C.B) mở đầu bằng câu:

“Dao có mài, mới sắc.

Vàng có thôi, mới trong.

Nước có lọc, mới sạch.

Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế”98.

Bài báo dài với nhiều điều sâu sắc: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn. Những người cách mạng càng phải kiên quyết thực hành tự phê bình. Không thực hành tự phê bình, thì không xứng đáng là người cách mạng...”99.

Ngày 20/5/1968, Bác dự lễ khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Khóa III. Sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng chúc thọ nhân sinh nhật lần thứ 78, Bác Hồ đáp lại: “... Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sỹ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy, tôi có bài thơ thế này:

Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,

Vẫn vững hai vai việc nước nhà.

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,

Tiến bước! Ta cùng con em ta”100.

Ngày 20/5/1969, từ 09 đến 10 giờ, lần cuối cùng Bác Hồ sửa và xem lại bản Di chúc, sau đó, xếp vào phong bì cất đi.

Ngày 21/5

“Nhân dân Mỹ rất trọng chính nghĩa và có nhiều tài năng”.

Ngày 21/5/1928, từ Thủ đô nước Đức, Nguyễn Ái Quốc gửi thư về Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản đóng góp ý kiến cho hoạt động của Ban Thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp, nhờ chăm sóc các đồng chí Đông Dương đang học ở Nga và cho biết đã sẵn sàng lên đường tới nơi cần đến. Cũng trong thời gian này (5/1928), tập san “Inprekorr” bản tiếng Pháp của Quốc tế Cộng sản đăng các bài “Phong trào công nhân và nông dân mới đây ở Ấn Độ” khảo sát những biến đổi to lớn đang diễn ra tại quốc gia rộng lớn này và bài “Chủ nghĩa đế quốc, kẻ tiêu diệt nòi giống bản xứ” để đi đến kết luận: “Lịch sử của nhiều chế độ thực dân đã cho thấy rằng nhiều dân tộc bản xứ bị tiêu diệt hoàn toàn khi tiếp xúc với nền văn minh của người da trắng... và muốn cứu vãn những nòi giống này, ta phải lật đổ chủ nghĩa đế quốc!”101.

Ngày 21/5/1939, Nguyễn Ái Quốc đã có mặt tại Quế Lâm (Trung Quốc) và tìm cách liên hệ với phong trào trong nước bằng cách gửi loạt bài “Thư từ Trung Quốc” về đăng trên tờ “Notre Voix” (Tiếng nói của chúng ta) của những người cộng sản hoạt động công khai tại Hà Nội. Bài “Những khó khăn của quân đội Nhật” phản ánh những vấn đề thời sự đang diễn ra trong đạo quân Nhật tại Trung Quốc và phân tích nguy cơ của chủ nghĩa phát xít đang ở rất gần Đông Dương.

Ngày 21/5/1964, tờ Tạp chí “Minority of One” của một nhóm nhân sĩ trí thức tiến bộ xuất bản tại Mỹ đăng bài phỏng vấn nhân Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài trả lời, Bác bày tỏ: “Từ nước Việt Nam, cách xa nước Hoa Kỳ hàng vạn cây số, tôi gửi đến các bạn Mỹ lời chào hữu nghị và lời kêu gọi thiết tha này. Tôi mong các bạn sẽ hiểu rõ hơn sự thật cay đắng ngày nay ở miền Nam Việt Nam, một nửa Tổ quốc chúng tôi. Ở đây đang diễn ra một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc, một cuộc chiến tranh lớn nhất, dai dẳng nhất, đẫm máu nhất hiện nay trên trái đất này... Nhân dân Việt Nam hiểu rõ rằng nhân dân Mỹ muốn sống hòa bình và hữu nghị với các dân tộc khác. Tôi đã đến nước Mỹ, tôi hiểu nhân dân Mỹ rất trọng chính nghĩa và có nhiều tài năng... Chính những kẻ đang phá hoại nền độc lập, tự do của dân tộc chúng tôi, cũng là những kẻ đã phản bội bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, trong đó nêu cao chân lý “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng” và nêu cao những quyền bất khả xâm phạm của con người: “Quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”... Chẳng những chúng tôi đau xót vì đồng bào miền Nam chúng tôi phải gian khổ, hy sinh, mà chúng tôi cũng thương xót cho các bà mẹ và các người vợ Mỹ đã mất con, mất chồng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam do bọn quân phiệt Mỹ tiến hành... Tôi mong lời kêu gọi khẩn thiết này sẽ đến tai nhân dân Mỹ”102.

Ngày 22/5

" Không nên xem nhẹ việc giáo dục đạo đức”.

Ngày 22/5/1893, ông ngoại của Bác Hồ qua đời (ngày 07/4 năm Quý Tỵ). Tháng 5/1901, thân phụ của Bác là Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng. Sinh năm Nhâm Tuất (1862), cụ Nguyễn Sinh Sắc (còn có tên là Nguyễn Sinh Huy) đỗ cử nhân năm 40 tuổi (Giáp Ngọ, 1894). Kỳ thi Hội năm Tân Sửu, Thành Thái thứ 13 (1901) có 13 người trúng “Phó bảng” (trong đó có Phan Châu Trinh). Cuối tháng 5/1906, Bác cùng anh trai là Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế để nhận chức Thừa biện Bộ Lễ.

Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là thành lập một “Ủy ban nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Pari” để chuẩn bị cho chuyến sang thăm chính thức nước Pháp của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam độc lập. Tham gia Ủy ban này ngoài Bác còn có các vị: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tường Tam, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh.

Cũng trong ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có các sắc lệnh thành lập tại Bắc bộ một “Ủy ban hộ đê Trung ương” quy định chức năng, phương thức hoạt động và các chính sách để bảo vệ đê điều, chống lũ lụt; Sắc lệnh về Quân đội của nước Việt Nam là một Quân đội quốc gia được chỉnh đốn theo một quy tắc được ban hành gồm 2 tiết, 6 chương với 62 điều.

Tháng 5/1952, Bác viết một tài liệu nhan đề “Cách xem xét việc đời và tu dưỡng của người cách mạng” trong đó xác định: “Đảng cách mạng là một đảng phấn đấu để giải phóng dân tộc, giải phóng loài người, giải phóng giai cấp cần lao. Vì vậy, mỗi đảng viên chẳng những cần phải phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng mà còn phải phấn đấu cho cách xem xét việc đời của chủ nghĩa cách mạng”103.

Tháng 5/1954, tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về chủ trương đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: “Ta kháng chiến, ta đàm phán cũng đều nhằm một mục đích giành độc lập, thống nhất thật sự cho dân tộc. Hiện nay, súng ở trên mặt trận bắn càng nhiều, càng trúng địch chừng nào thì trên bàn họp Giơnevơ ta lại càng thêm lợi thế chính trị chừng ấy. Giải quyết vấn đề theo nguyên tắc có lợi cho ta và địch có thể thừa nhận, nhưng trước hết là có lợi cho ta. Giải quyết vấn đề là phải có quan điểm toàn cục. Trong Hội nghị Giơnevơ ít nhất phải tranh thủ được thắng lợi chính trị”104.

Ngày 22/5/1968, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác đối ngoại. Về các động thái chính trị đang diễn ra ở Đông Âu, Bác phát biểu: “Tình hình xảy ra ở Tiệp Khắc cũng có thể bùng ra ở một số nước khác. Sinh hoạt xa xỉ, những sự bất mãn, trình độ giác ngộ không nâng cao thì sinh chuyện ra. Đó cũng là bài học, không nên xem nhẹ việc giáo dục đạo đức”105.

Tháng 5/1969, mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng Bác vẫn quan tâm gửi thư cho lớp học chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp toàn quân được triệu tập tại Hà Nội với lời căn dặn: “Vấn đề số một là phải không ngừng nâng cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đánh cho đến thắng lợi cuối cùng. Phải có quyết tâm cao để vượt mọi khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Quyết tâm phải biến thành hành động dũng cảm, chiến đấu kiên quyết, không sợ hy sinh gian khổ...”106.

Ngày 23/5

“Một con người tượng trưng cho cả một dân tộc”.

Ngày 23/5/1923, hồ sơ mật thám Pháp ghi nhận việc Nguyễn Ái Quốc tham gia cuộc họp chi bộ 5 Quận “Seine” ở Pari.

Ngày 23/5/1958, Bác đến dự và nói chuyện với Đại hội Liên hoan chiến sỹ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III. Bác nêu lên những thay đổi to lớn của nông thôn nước ta và phân tích muốn phát triển tốt hơn thì phải quan tâm đến thủy lợi, sản xuất tập thể, cải tiến kỹ thuật và thi đua yêu nước. Riêng với thủy lợi, Bác đọc câu thơ:

“Ơn Đảng như mẹ như cha,

Mở mang thủy lợi, nhà nhà ấm no.

Ấm no không đợi trời cho,

Người làm ra nước, sức to hơn trời”107.

Ngày 23/5/1962, trong thư đăng trên Báo Nhân Dân, Bác cảm ơn đồng bào trong nước, kiều bào và bạn bè quốc tế chúc mừng nhân sinh nhật. Thư viết: “Những món quà rất quý báu làm tôi rất vui lòng là trong thư và điện chúc thọ, nhiều đơn vị và cá nhân đã báo cáo những thành tích tốt đẹp trong đợt thi đua vừa qua và đã hứa hẹn đẩy mạnh thi đua hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay và chuẩn bị tốt cho kế hoạch năm sau”109.

Ngày 23/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Xanvađo Agienđê (Salvador Agende), Tổng Bí thư Đảng Xã hội, Chủ tịch Thượng Nghị viện Chilê. Cuộc hội kiến diễn ra trước khi Bác qua đời không lâu đã để lại một ấn tượng rất sâu sắc với vị khách Chilê, người sau đó đã trở thành vị Tổng thống của nước Cộng hòa Chilê vào năm 1970, rồi anh dũng hy sinh khi bị bọn phát xít Pinôchê (Pinoche) sát hại ngày 11/9/1973.

Sau chuyến đi, X.Agienđê viết: Ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng tôi đã được nghe, được thấy và được học tập nhiều bài học về con người và cách mạng. Song, chúng tôi vẫn cảm thấy thiếu nếu như không được gặp một người tượng trưng cho cả dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh... Chủ tịch Hồ Chí Minh là lịch sử, là người Con và người Cha của cách mạng. Cuộc đời gương mẫu và nếp sống giản dị của Chủ tịch đã khắc sâu vào tâm trí của chúng tôi... Không có vẻ kiêu kỳ, không có gì ngạo mạn trong lời nói mà chỉ thấy niềm tin mãnh liệt vào nhân dân... Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy sự giản dị và vĩ đại lại đi liền với nhau như vậy. Chưa bao giờ một người khi nói với chúng tôi về các em nhỏ lại giáo dục chúng tôi nhiều như vậy. Tư tưởng và lời nói của Chủ tịch chứa đựng sự đau thương và anh dũng của cả một dân tộc đã làm nên lịch sử của mình. Nhưng sự dịu hiền tỏa ra từ những lời nói chỉ có ở Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

 

Chú thích
95. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 263.
96. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 234.
97,98,99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 6, tr. 213-214, 209.
100. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 356.
101. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 340.
102. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 271-276.
103,104. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 205, 455.
105. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 10, tr. 215.
106. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 465.
107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 9, tr. 184.
108. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 565.
109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 2, tr. 128.

Bài viết khác: