Chỉ mục bài viết

 Ngày 12/5

“Đầu tiên là công việc đối với con người”.

22 giờ ngày 12/5/1947, tại một khu vực trong thị xã Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Pôn Muýt (Paul Mus) một đảng viên Đảng Xã hội Pháp nhận làm đại diện của Cao ủy Pháp Bônlaéc (Bollaert) chuyển những điều kiện của phía Pháp đề nghị về một cuộc ngừng bắn. Xuất phát từ thiện chí hòa bình, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận cuộc gặp gỡ này.

Tuy nhiên, thông điệp của Cao ủy Pháp với 4 điểm đòi Quân đội Việt Nam nộp vũ khí; quân đội Pháp được tự do đi lại; Chính phủ Việt Nam phải thả những người bị bắt và trao tất cả người nước ngoài đang tham gia kháng chiến cho phía Pháp đã khiến người đứng đầu cuộc kháng chiến Việt Nam thẳng thừng bác bỏ.

Cũng trong tháng 5/1947, trả lời câu hỏi của Thông tấn viên Hãng Roitơ (Reuter), Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp rõ ràng: “Nếu Chính phủ Pháp có một chính sách rõ rệt đối với Việt Nam thì có thể làm cho dễ dàng việc trở lại điều đình”53. “Tuy chúng tôi rất có cảm tình với dân Pháp, nhưng nước Việt Nam không phải đày tớ của Pháp, vậy vấn đề Việt Nam không phải là một việc nhà của Pháp”54.

Ngày 12/5/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Đoàn đại biểu Chính phủ Trung Quốc do Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu thăm Việt Nam. Ba năm sau, ngày 12/5/1963, Bác Hồ tham dự cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô Hà Nội, trọng thể chào mừng Đoàn đại biểu Nhà nước Trung Quốc do Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu thăm nước ta.

Ngày 12/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới Đại hội Đoàn kết nhân dân Á - Phi lần thứ IV họp tại Cộng hòa Gana, trong đó biểu dương: “… Đại hội lần này họp sẽ góp phần to lớn vào việc đẩy mạnh phong trào đoàn kết nhân dân Á - Phi chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới”55.

Ngày 12/5/1967, Bác gửi thư khen ngợi quân và dân Vĩnh Linh đã có thành tích bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 trên bầu trời của tỉnh nhà và động viên: “Hãy luôn luôn nâng cao cảnh giác, chiến đấu và sản xuất giỏi hơn nữa, giành thắng lợi to lớn hơn nữa, xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa”56.

Ngày 12/5/1968, Bác tiếp tục sửa Di chúc và viết thêm đoạn: "Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”..."57.

Cũng ngày hôm đó, Bác tiếp đạo diễn nổi tiếng người Hà Lan Giôrớt Ivenxơ (Joris Ivens), là nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng mà Bác đã quen biết từ hồi đang hoạt động tại Pháp, lần này ông sang làm phim tài liệu về cuộc chiến đấu giành tự do của nhân dân Việt Nam (phim “Bầu trời và Mặt đất”).

Ngày 13/5

“Miễn thuế để cho đồng bào hỉ hả, mát lòng, mát dạ...”.

Ngày 13/5/1920, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc đưa bản thảo sách “Những người bị áp bức” (Les Opprimos) cho Mácxen Casanh (Marcel Cachin - người sau này trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản Pháp) để viết lời tựa và cho biết báo “L’ Humanité”(Nhân Đạo) của Đảng Xã hội sẽ giúp việc in ấn tác phẩm này.

Tháng 5/1924, báo “Le Paria” (Người Cùng khổ) đăng bài “Đoàn kết giai cấp” của Nguyễn Ái Quốc thuật lại một cuộc đấu tranh thành công của công nhân Braxin chống lại Tòa án của chủ tư bản để biểu dương sức mạnh giai cấp với lời đánh giá sâu sắc: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”58. Cùng vào thời điểm này, trên Tạp chí Nga “Nữ Công Nhân” (Rabotnhitxa), Nguyễn Ái Quốc viết bài “Phụ nữ phương Đông” để đi đến kết luận: “… Đã có một bước ngoặt lớn ở các nước phương Đông từ khi ngọn cờ đỏ in hình búa liềm tung bay trên nước Nga Sa hoàng”59.

Ngày 13/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về tình hình quân Pháp đang khủng bố ở miền Nam Trung bộ và chính sách đối với một số doanh nghiệp (như Hãng SIFA ở Vinh và Hãng Xi măng ở Huế), đồng thời, nhắc nhở Bộ Canh nông chú ý đến vấn đề nhân lực nông thôn để gặt lúa.

Bác cũng dành buổi trưa để tiếp Đoàn đàm phán của Chính phủ vừa từ Đà Lạt trở về. Bác đánh giá: “… Tuy kết quả chưa đủ, nhưng phái bộ đã làm cho nước Pháp và ngoại quốc biết rõ rằng người nước ta biết tranh đấu, biết công tác và biết đoàn kết... Phải tiếp tục tranh đấu tại Hội nghị Pari!”60.

Ngày 13/5/1959, Bác đến thăm Nhà máy in Tiến Bộ ở Hà Nội. Sau khi thăm nơi sản xuất, đến thăm nhà giữ trẻ cho cán bộ và công nhân, Bác căn dặn: “Cần trông nom đến nhà giữ trẻ, chăm sóc chu đáo các cháu, vì các cháu có ngoan, khoẻ mạnh thì bố mẹ các cháu mới yên tâm sản xuất tốt”61.

Ngày 13/5/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội chào mừng chuyến sang thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Nói chuyện với đồng bào, Bác “tiết lộ” rằng “Thủ tướng Chu Ân Lai vốn là bạn cũ của Bác. Hai người quen biết nhau đến nay đã hơn 40 năm rồi”62. Đó là thời gian cả hai nguời đang hoạt động tại Pháp.

Ngày 13/5/1968, đã thành lệ, vào những ngày trước dịp sinh nhật mỗi năm (kể từ 1965), Bác lại bổ sung và sửa bản thảo “Di chúc”. Lần này, Bác viết thêm phần chăm lo đời sống con người: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp… để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”63.

Ngày 14/5

“Con người ta trước hết phải có đạo đức”.

Ngày 14/5/1922, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc biểu tình phản đối chiến tranh do Đảng Cộng sản Pháp và Công đoàn Cách mạng quận “Seine” tổ chức tại Pari.

Ngày 14/5/1924, tập san “Inprekor” của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Sự phá sản của chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc. Nhân việc Anbe Xaru (Albert Sarraut), nguyên Toàn quyền Đông Dương và từng là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa phải rời khỏi Chính phủ Pháp, bài viết đưa ra lời bình luận: “Việc cách chức này một lần nữa lại chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng chế độ thực dân Pháp đã phá sản”64, đồng thời lên án: “… Chế độ thực dân Pháp chỉ làm lợi cho một bọn đầu cơ, cho những tên chính khách bất lương và vô tài ở chính quốc, cho bọn buôn rượu và thuốc phiện, cho lũ con buôn vô liêm sỉ và bọn lý tài xấu xa”65.

Ngày 14/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Hội đồng Chính phủ tiếp tục nghe phái đoàn Chính phủ từ Hội nghị trù bị ở Đà Lạt trở về báo cáo tình hình và bàn về một số vấn đề ngoại giao. Trong ngày, Bác còn gửi điện đến Cao ủy Đô đốc Pháp Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu) cảm ơn việc Chính phủ và Quốc hội Pháp đã đón tiếp trọng thị Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã đến nước Pháp và bày tỏ: “Ao ước rằng những cuộc thương thuyết sau này tại Pari cũng sẽ thân mật như thế để mưu sự thịnh vượng chung cho cả hai dân tộc”66.

Ngày 14/5/1954, Bác trả lời các câu hỏi của Hãng Thông tấn Nam Dương Antara (Inđônêxia) phỏng vấn một tuần sau Chiến thắng Điện Biên Phủ và vào thời điểm Hội nghị Giơnevơ đang họp. Bác nêu rõ quan điểm “Nhân dân Việt Nam anh dũng chiến đấu mục đích là thực hiện một nước hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do... Nhân dân Việt Nam luôn luôn muốn giành độc lập và giải phóng nước Việt Nam bằng con đường hòa bình... Lập trường của chúng tôi để thương thuyết với Pháp đặng ngừng bắn, đình chiến và lập lại hoà bình ở Đông Dương là: Thật sự độc lập, thống nhất và dân chủ tự do... Thế giới hòa bình có thể thực hiện nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giải quyết những xích mích giữa các nước bằng cách thương lượng và nếu nhân dân thế giới không chịu để bọn gây chiến lừa phỉnh, mà tự nhận lấy trách nhiệm bảo vệ hòa bình thế giới... Tất cả các nước Á châu đã bị hoặc đang bị ngoại quốc nô dịch và biến thành thuộc địa phải cùng nhau đoàn kết để đấu tranh chống lại chính sách nô lệ và xâm lược ấy”67.

Ngày 14/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi thăm và nghỉ ở Quế Lâm (Trung Quốc) nơi mà 20 năm trước Bác đã từng hoạt động sôi nổi nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa - Cách mạng Tháng Tám 1945.

Ngày 14/5/1966, Bác đến thăm và nói chuyện với lớp huấn luyện đảng viên mới tổ chức tại Hà Nội xác định phẩm chất của đảng viên trong thời kỳ cách mạng này và kết luận: “Con người ta trước hết phải có đạo đức, sống với nhau phải có tình, có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà sống với nhau không có tình, có nghĩa, thì chỉ là giáo điều, sách vở”68.

Ngày 15/5

“Người cách mạng phải học suốt đời”.

Ngày 15/5/1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết suốt cả ngày hôm đó, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp Hội đồng toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp ở Pari.

Ngày 15/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc. Hồi ức của bà Nguyễn Thị Định một thành viên của đoàn kể lại rằng khi được biết Nam bộ đang rất cần súng đạn, Bác nói: "Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi về Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô các chú về, phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó dùng thì cái vốn đó mới nhiều”. Với bà Nguyễn Thị Định, Bác khuyên: “Cô ở ngoài này học tập một thời gian rồi lại về tiếp tục kháng chiến với bà con. Người cách mạng phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế. Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy, dễ vấp té, có phải thế không?”69.

Ngày 15/5/1948, Bác gửi thư cho Lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh tổ chức tại Định Hóa (Thái Nguyên), trong đó viết: “Học cốt để mà hành... Mỗi người cán bộ tốt, phải thực hành mấy điều:

  1. Đối với mình: Phải làm đúng cần, kiệm, liêm, chính. Mọi việc đều phải làm kiểu mẫu cho nhân dân. Phải luôn luôn cầu tiến bộ.
  2. Đối với công việc: Phải cẩn thận, phải có kế hoạch kỹ lưỡng. Phải có ngăn nắp, chớ bao biện, chớ hiếu danh, tự đắc.
  3. Đối với dân chúng: Phải tôn trọng dân chúng, học hỏi dân chúng. Phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Luôn luôn gần gũi dân chúng.
  4. Đối với đoàn thể: Phải tuyệt đối trung thành. Phải đặt lợi ích của đoàn thể (tức là lợi ích của Tổ quốc) lên trên hết, trước hết.

Mỗi ngày phải tự hỏi: Ta đã làm được việc gì có ích cho đoàn thể, chưa làm thì phải gắng làm đi.

Người cán bộ phải có tinh thần chịu khổ, chịu khó. Phải luôn luôn giữ tấm lòng chí công vô tư...”70.

Ngày 15/5/1953, trong bài viết (với bút danh Đ.X) “Nhiệm vụ của Nhà nước dân chủ mới” trên tờ Cứu Quốc, Bác nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của Nhà nước dân chủ mới là: Xây dựng chính quyền, quân đội, kinh tế, văn hóa; giáo dục đạo đức công dân với lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, bảo vệ của công…”71.

Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong 15/5/1961, Bác viết thư gửi cho các cháu với câu kết luận: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ nay, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”72. Lá thư cũng nêu những nội dung mà sau đó trở thành một cuộc vận động “5 điều Bác Hồ dạy”, đó là:

“- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

- Học tập tốt, lao động tốt.

- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

- Giữ gìn vệ sinh.

- Thật thà, dũng cảm”73.

Ngày 15/5/1965, Bác hoàn thành bản thảo đầu tiên của “Di chúc” đuợc viết từ ngày 10/5/1965. Kể từ đó, trở thành nếp hàng năm vào những ngày trước sinh nhật, Bác đều ngồi đọc và sửa lại “Di chúc” của mình.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

53,54. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 5, tr. 135, 137.
55. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 11, tr. 447.
56,57. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 12, tr. 265, 503.
58,59. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 266, 268.
60. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 215.
61,62. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2009, t. 7, tr. 275, 467.
63. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.12, tr. 504.
64,65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 259, 261.
66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 4, tr. 226.
67. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 7, tr. 280-282.
68. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2008, t. 9, tr. 408.
69. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 3, tr. 217.
70. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 192.
71. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 319-320.
72,73. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t. 10, tr. 356-357.

Bài viết khác: