Ngày 01-12
“Khen hay chê đều phải đúng mức”.
Ngày 01-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết có một cuộc tụ họp người Việt Nam tại nơi cư trú của Nguyễn Ái Quốc ở Pari.
Ngày 01-12-1922, tham dự cuộc họp của Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thuộc địa kiểm điểm hoạt động của tổ chức này, Nguyễn Ái Quốc đề nghị nên lập một tổ chức trong hội chuyên lo tìm công ăn việc làm cho những người dân các xứ thuộc địa đang sinh sống trên nước Pháp.
Ngày 01-12-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, đơn kháng án của Tống Văn Sơ (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) gửi lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh được Tòa án Tối cao Hồng Kông chấp thuận.
Ngày 01-12-1940, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Bịa đặt” đăng trên tờ Cứu vong nhật báo tố cáo thủ đoạn chiến tranh tâm lý của phát xít Nhật. Bài báo viết: "... Dù bịa đặt về phương diện nào thì cũng không ngoài mục đích gây chia rẽ. Kết luận của chúng ta là: Điều bịa đặt còn độc hại hơn cả hơi độc. Chúng ta phải đề cao cảnh giác, chỗ nào cũng phải đề phòng, đừng bị mê hoặc bởi những lời bịa đặt”1.
Ngày 01-12-1942, Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Thiên Giang (Quảng Tây - Trung Quốc). Tại đây, Bác viết bài thơ “Thiên Giang ngục" (Nhà lao Thiên Giang). Bài thơ được Băng Thanh dịch:
“Ngoài lao sáu chín chiếc ang người,
Chồng chất trong lao biết mấy mươi;
Nhà ngục mà như nhà chế thuốc,
Gọi là hàng chĩnh cũng không sai”2.
Ngày 01-12-1949, báo Vệ Quốc quân đăng bài “Giải thưởng cháu Bác Hồ” của Bác, cho biết nhi đồng tại một địa phương đã gửi tới Bác một tấm áo và một món tiền tiết kiệm để tặng “đơn vị nào giết được nhiều Tây nhất. Vậy tôi để cả áo lẫn tiền - tôi thêm 600 đồng nữa cho đầy 2.000 đồng - làm giải thưởng gọi là “Giải thưởng cháu Bác Hồ” cho bộ đội Vệ Quốc quân và dân quân du kích nào... giết nhiều giặc, cướp nhiều súng, lập nhiều công nhất ở mặt trận Trung du. Các em nhi đồng đang mong đợi. Các anh lớn càng phải cố gắng thi đua lập nhiều công”3.
Ngày 01-12-1953, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày báo cáo “Tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất”.
Ngày 01-12-1954, Bác viết bài “Nam bộ anh hùng” đăng trên Báo Nhân Dân biểu dương nữ liệt sỹ Võ Thị Sáu của Nam bộ, coi đó là tấm gương cho thanh thiếu niên cả nước học tập.
Ngày 01-12-1962, nói chuyện với Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, Bác nêu rõ: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng... Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau... Khen hay là chê đều phải đúng mức. Khen quá lời thì người được khen cũng hổ ngươi. Mà chê quá đáng thì người bị chê cũng khó tiếp thu... Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm Xuân”4.
Ngày 02-12
“Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”.
Ngày 02-12-1920, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc vừa nhận được tờ La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản).
Ngày 02-12-1940, “Cứu vong Nhật báo” đăng bài “Nhân dân Việt Nam và báo chí Trung Quốc” của Nguyễn Ái Quốc, trong đó, tác giả vạch rõ: “Phong trào giải phóng của Việt Nam là đội quân đồng minh trong cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc. Về tinh thần cũng như về vật chất, chúng ta đều cần phải cổ vũ và giúp đỡ. Quốc phụ (chỉ Tôn Trung Sơn) từng dạy chúng ta: Giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu, cùng nhau phấn đấu giành lấy tự do độc lập. Cơ hội để thực hiện lời di huấn đó đã đến”5.
Ngày 02-12-1942, từ nhà ngục Thiên Giang (Quảng Tây - Trung Quốc), Hồ Chí Minh bị giải đi Liễu Châu rồi tới Lai Tân trên một toa xe lửa chở than. Tình cảnh gian khó này được tả lại trong bài thơ “Tháp hỏa xa võng lai tân” (Đáp xe lửa đi Lai Tân) được Đỗ Văn Hỷ và Huệ Chi dịch:
“Cuốc bộ mấy mươi ngày vất vả,
Hôm nay được bước lên xe hỏa;
Dù rằng chỉ ngồi trên đống than,
Sang gấp mấy lần khi cuốc bộ”6.
Tháng 12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu mới thành lập với những lời động viên và căn dặn: Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan cơ mật giúp Trung ương và Chính phủ xây dựng và điều chỉnh bộ đội, bày mưu tính kế để đánh thắng kẻ thù. Muốn thắng địch phải biết địch biết ta, nắm chắc ý định cấp trên, có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể... Vừa kháng chiến lại vừa phải kiến quốc, nhiệm vụ chính của quân đội là chống giặc ngoại xâm, song không được coi nhẹ các việc khác như: Công tác vận động quần chúng, tổ chức quần chúng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Ngày 02-12-1948, Bác viết thư gửi Bộ trưởng Canh nông Cù Huy Cận, góp ý kiến rất cụ thể và chi tiết về bản “Nội quy kiểu mẫu Quỹ nghĩa thương”7 (một hình thức tương trợ luơng thực ở nông thôn) và căn dặn: “Nói tóm lại: Phải làm Nội quy giản đơn hơn, thì dân mới dễ hiểu, dễ làm hơn”8.
Ngày 02-12-1961, Bác dự Hội nghị Trung ương lần thứ 6 thảo luận một số vấn đề của Đại hội XXII Đảng Cộng sản Liên Xô và bàn việc đưa Đảng bộ miền Nam ra công khai. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình cách mạng, Bác căn dặn: “Trong lời nói cũng như bài viết, trước hết là của các đồng chí Trung ương phải hết sức cẩn thận. Lúc này, một cái gì không thận trọng thì sẽ bị hiểu lầm ngay”9.
Ngày 02-12-1965, phát biểu tại Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô, Bác biểu dương: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây, ta có các nữ anh hùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống giặc Pháp trước kia và trong kháng chiến chống giặc Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng Tư lệnh như ở miền Nam nước ta... Khó khăn đến mấy chúng ta cũng vượt qua được và nhất định chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược”10.
Ngày 03-12
“Hòa bình phải do đấu tranh gian khổ mới giành được”.
Ngày 03-12-1925, từ Quảng Châu, với bí danh “Nilovski”, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân báo cáo về việc thực thi nhiệm vụ thu thập thông tin về nông dân Trung Quốc và về số bán nguyệt san về nông dân đang được thực hiện.
Đầu tháng 12-1944, Hồ Chí Minh triệu tập Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh đến Pác Bó (Cao Bằng) nghe báo cáo về tình hình phong trào cách mạng ở 3 tỉnh Cao -Bắc - Lạng và chủ trương phát động chiến tranh du kích đồng thời phân công Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Khi tiễn Võ Nguyên Giáp trở về tổng Hoàng Hoa Thám thực hiện nhiệm vụ, Bác căn dặn: “Nhớ bí mật: Ta ở Đông, địch tưởng ta ở Tây. Lai vô ảnh, khứ vô hình”11.
Ngày 03-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”12. Về nhiệm vụ của Chính phủ, Bác nhấn mạnh: “Anh em thiểu số chúng ta sẽ được: 1. Dân tộc bình đẳng: Chính phủ sẽ bãi bỏ hết những điều hủ tệ cũ, bao nhiêu bất bình (đẳng) trước sẽ sửa chữa đi. 2. Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt: a) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng. b) Về văn hóa, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc. Các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình”13. Cũng trong một bức thư viết cùng ngày gửi đồng bào thiểu số, Bác thông báo rằng ngày 03 tháng 12 năm nay (1945) “là một ngày rất vẻ vang cho nước Việt Nam... Hơn 20 dân tộc, họp lại một nhà, tay bắt mặt mừng, rất là thân ái. Đó là một cuộc Đại hội xưa nay chưa từng có, một cuộc thân thiện làm cho cả nước vui mừng”14.
Ngày 03-12-1953, Bác dự kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa I, khi trình bày về chính sách đối ngoại đã nhắc lại câu trả lời phỏng vấn của một nhà báo Thụy Điển: “Chúng ta ủng hộ phong trào hòa bình thế giới. Nhưng chúng ta tuyệt đối chớ có ảo tưởng rằng hòa bình là một việc dễ dàng. Hòa bình phải do đấu tranh gian khổ mới giành được”15.
Ngày 03-12-1954, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh nhằm thi hành Hiệp định Giơnevơ, Bác phát biểu: “Chính sách của ta bây giờ là chĩa mũi nhọn vào Mỹ. Đối với Pháp, ta cố gắng gây không khí hòa dịu, nhất là các báo, đài phát thanh phải chú ý khi nào cần nói hãy nói... Về đối nội, nhiệm vụ quan trọng là giải quyết vấn đề lương thực, việc làm và thuế. Người lưu ý hoạt động của các ngành văn hóa, nghệ thuật cũng phải phục vụ nhiệm vụ chống Mỹ”16.
Ngày 03-12-1961, Bác tiếp tục dự Hội nghị Trung ương lần thứ 6 bàn về việc Đảng bộ miền Nam ra công khai và đưa ra quan điểm: “Miền Nam đã có Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì cũng cần có chính đảng cách mạng của mình”17.
Ngày 04-12
“Người mà quyết chí thì trời phải thua”.
Ngày 04-12-1922, báo L’Humanité (Nhân Đạo) đăng bài “Những quan tòa thuộc địa tốt bụng của chúng ta” của Nguyễn Ái Quốc bình luận về những nhân vật bất hảo vừa được Chính phủ Pháp bổ nhiệm làm quan tòa ở các thuộc địa để đi đến một kết luận mỉa mai: “... Có thể nói rằng vận mệnh của nền văn minh tối cao, cũng như số phận của dân bản xứ ở các thuộc địa đều nằm trong những bàn tay đáng tin cậy”18.
Ngày 04-12-1923, cũng trên báo L’Humanité, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Tình hình ở Trung Quốc” trong đó nêu rõ: “Rất may mắn là tiếng vang của Cách mạng Nga hình như đã thức tỉnh thế hệ mới của Trung Quốc. Lực lượng trẻ mới ra đời có đầy nhiệt tình và sức sống. Điều này thể hiện đặc biệt rõ rệt nhất là Hội sinh viên cách mạng”19.
Tháng 12-1923, trên tờ Le Paria (Người cùng khổ) Nguyễn Ái Quốc viết bài: “Tình cảnh nông dân An Nam” tố cáo: “Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: Là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản... Phác qua như thế, chúng ta thấy rằng dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa,...”20.
Ngày 04-12-1940, trên tờ “Cứu vong nhật báo”, với bút danh “Bình Sơn”, Hồ Chí Minh viết bài “Ca dao Việt Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc” nêu rõ: “Đại đa số nhân dân Việt Nam đều hết sức đồng tình với cuộc kháng chiến của Trung Quốc”21 và dẫn ra một bài ca dao lưu hành ở Việt Nam có nhan đề là “Cứu Trung Quốc là tự cứu mình” trong đó có đoạn:
“... Giặc Nhật tấn công cả thế giới,
Là kẻ thù chung toàn nhân loại.
Mau đứng lên giúp đỡ Trung Hoa,
Anh chị em Việt Nam ta hỡi!”...22.
Ngày 04-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho chiến sỹ cùng đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ động viên cuộc kháng chiến tuy có khó khăn nhưng nhất định thắng lợi. Cùng ngày, Bác tham dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc mời các thân sĩ ra ứng cử Quốc hội, lập ra Ban Báo chí và ấn định tạm thời chế độ kiểm duyệt, quyết định trợ cấp cho các bà vợ của các cựu hoàng Thành Thái và Duy Tân...
Tháng 12-1948, Bác viết thư gửi Trại dinh điền Sông Soi ở Liên khu I với nội dung: “Cảm ơn các bạn đã gửi cam biếu tôi. Mong các bạn đều xung phong thi đua ái quốc, khai khẩn cho nhiều đất ruộng, và làm cho tốt, để giúp cho kinh tế Chính phủ, và làm kiểu mẫu cho đồng bào. Các bạn phải gắng làm tròn nhiệm vụ của chiến sỹ trên mặt trận kinh tế ”23.
Ngày 04-12-1959, Báo Nhân Dân đăng bài “Phải ra sức chống hạn” với bút danh “Trần Lực”, Bác biểu dương thắng lợi của vụ mùa vừa qua:
“Dù cho hạn hán khắp nơi,
Người mà quyết chí, thì trời phải thua.
Không mưa mà vẫn được mùa”24.
Bác đã động viên quyết tâm chống hạn để vụ chiêm sắp tới cũng được mùa.
Ngày 04-12-1962, trong bài báo “Ủng hộ Cuba chống đế quốc Mỹ” đăng trên Báo Nhân Dân, Bác kết luận: “Khi phải đương đầu với kẻ địch hung ác, một dân tộc dù bé nhỏ, nếu luôn luôn cảnh giác, đoàn kết nhất trí, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh, thì cuối cùng nhất định thắng lợi”25.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 183.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 377.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 714.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 646-647.
5,6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 185, 378.
7,8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 528-529.
9 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 159.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 621.
11. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 2, tr. 223.
12,13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 110, 110-111.
14 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 92-93.
15 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 175.
16 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 534.
17. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 159.
18,19,20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 127, 222, 227-229.
21.22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 186, 187.
23. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 539.
24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 568.
25. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 652.