Ngày 16-12
“Muốn ăn quả thì phải trồng cây”.
Ngày 16-12-1927, từ Béclin (Đức), Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân báo tin dự định trở về đất nước và đề nghị được giúp đỡ.
Ngày 16-12-1945, báo Chiến Thắng của Vệ Quốc đoàn đã đăng bài “Hồ Chủ tịch khuyên răn bộ đội”, trong đó, nêu rõ những khuyết điểm mà bộ đội phải sửa ngay: “1. Ham hình thức mà không chú ý đến những điều thiết thực... 2. Không bí mật: Phải làm sao cho mình biết địch mà địch không biết mình. 3. Cẩu thả... 4. Công tác chính trị đối với dân chúng rất kém; có đồng chí cố ý tỏ ra là quan, là lính cho dân sợ. 5. Hiểu nhầm chữ “tự do”: Quân đội không thể vô chính phủ được, phải có kỷ luật. 6. Làm việc không có kế hoạch...”92 . Để khắc phục, Bác yêu cầu: “1. Phải gắng sức học tập. 2. Kỷ luật nghiêm: Ai nấy đều phải tuân theo kỷ luật; không thể trì hoãn, phải làm kiên quyết và mau mắn. 3. Chịu khó chịu khổ… Phải tham gia sản xuất...”93.
Ngày 16-12-1949, Bác chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, biên bản ghi nhận: “Sang năm mới, nhân dân Việt Nam, mọi người, mọi ngành, mọi nơi đều phải ra sức thi đua chuẩn bị đầy đủ, để mau chuyển sang tổng phản công, để chơi cho giặc Pháp một nước pháo trùng, thì giặc Pháp nhất định sẽ hoàn toàn thất bại, kháng chiến nhất định sẽ hoàn toàn thành công”94.
Ngày 16-12-1954, Bác viết “Thư gửi các đơn vị miền Nam tập kết”, thăm hỏi và căn dặn: “Các chú cần phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết chặt chẽ giữa chiến sỹ với nhau, giữa cán bộ với nhau, giữa chiến sỹ và cán bộ, giữa quân và dân. Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Cần phải giữ vững truyền thống anh dũng, tác phong đúng đắn, tinh thần chịu đựng gian khổ, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Nói tóm lại: Giữ vững và phát triển đạo đức cách mạng của Quân đội nhân dân...”95.
Ngày 16-12-1961, về thăm và nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Bác nêu vấn đề: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống no ấm và hạnh phúc cho nhân dân. Muốn ăn quả thì phải trồng cây. Muốn có quả ngon thì phải ra sức săn sóc cho cây tốt. Muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì nhân dân ta phải nâng cao tinh thần làm chủ. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của người chủ: Cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội...”96 .
Ngày 16-12-1965, Bác dự họp của Bộ Chính trị trao đổi ý kiến về việc Mỹ tuyên bố ngừng tạm thời việc ném bom miền Bắc nước ta. Bác đề nghị: “Ta nên có tuyên bố trả lời Mỹ. Nói thế nào cho cứng cỏi nhưng dễ nghe, trong đó nêu rõ ra là nhân dân Việt Nam muốn hòa bình, cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ kết cục cả hai bên đều thiệt hại... Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố rằng: Chỉ khi nào Chính phủ Mỹ chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện các cuộc ném bom... công nhận lập trường 4 điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chứng tỏ bằng việc làm thì mới có thể tính đến một giải pháp chính trị về vấn đề Việt Nam”97.
Ngày 16-12-1968, Bác đến Hội trường Ba Đình, Hà Nội dự lễ truy điệu Bác sĩ Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch hy sinh trong khi thực hành nhiệm vụ tại mặt trận phía Nam.
Ngày 17-12
“Làm cho mọi người dân hiểu chính sách của Chính phủ”.
Ngày 17-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã đến Thư viện Thánh Gienevieve, đến trụ sở Hạ viện Pháp gặp Mácxen Casanh và đến văn phòng các tờ báo cánh tả là “L’Humanité” (Nhân Đạo) và “Le Populaire” (Dân Chúng).
Ngày 17-12-1921, mật thám Pháp bám sát mọi hành trang của Nguyễn Ái Quốc, cho biết đảng viên thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp mới thành lập này đã dự cuộc họp Chi bộ quận 17 và phát biểu về nguồn gốc chiến tranh và phê phán Thủ tướng Pháp Poanhcarê đã bỏ trách nhiệm trước những động thái của quân Đức.
Ngày 17-12-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Thái tử Cường Để dưới cái tên “Phúc Dân” đã gửi thư tới Tống Văn Sơ lúc này đang bị chính quyền Hồng Kông quản thúc vì liên quan đến một vụ án đang trong quá trình xét xử. Bức thư với lời lẽ: Gửi đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tôi vừa được biết đồng chí đang ốm nặng tại Hồng Kông và tin này làm tôi vô cùng lo lắng. Cho phép tôi gửi đồng chí kèm theo đây 300 yên để đồng chí mua thuốc men. Mong đồng chí tích cực chữa bệnh. Điều đó cần cho sự nghiệp của Tổ quốc. Chúc đồng chí sớm bình phục - Phúc Dân. Nội dung thư cho thấy mối quan hệ giữa hai nhân vật lịch sử vào thời điểm này. Bức thư khiến cho giới thực dân Pháp giận dữ và lo ngại.
Ngày 17-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội đồng Chính phủ về những yêu sách của Việt Nam Quốc dân đảng liên quan đến Tổng tuyển cử và quyết định hoãn cuộc tuyển cử đến ngày 06-01-1946.
Ngày 17-12-1949, Bác điều khiển cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, khi tổng kết phiên họp đã chỉ thị: “1. Cần hợp lý hóa việc họp hành; 2. Chính quyền và đoàn thể nhân dân phải liên lạc mật thiết và thiết thực hơn nữa. Làm cho mọi người dân đều hiểu về chính sách của Chính phủ; 3. Hoạt động của các bộ phải ăn khớp với nhau; 4. Tổ chức thi đua ái quốc giữa các bộ”98. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh thành lập Cơ quan Thanh tra Chính phủ cử Hồ Tùng Mậu làm Tổng Thanh tra và Trần Đăng Ninh làm Phó Tổng Thanh tra.
Ngày 17-12-1951, trong bài viết “Mình làm mình chịu” của Bác đăng trên Báo Cứu Quốc, sau khi phân tích chính sách gây chiến của Mỹ, bài báo kết luận: “Mỹ gieo hạt chiến tranh thì được hứng chiến tranh”99.
Ngày 17-12-1960, dưới bút danh “T.L”, Bác viết bài “Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đoàn kết, đấu tranh, thắng lợi” đăng trên Báo Nhân Dân giới thiệu nội dung của Bản Tuyên bố chung của 81 Đảng Cộng sản và công nhân vừa họp tại Mátxcơva (Liên Xô). Bài báo đưa ra những đánh giá: “Nhiệm vụ của những người cộng sản chẳng những là tiêu diệt nạn bóc lột và nghèo nàn và vĩnh viễn tiêu diệt mọi loại chiến tranh, mà còn phải ra sức phấn đấu cho loài người trong thời đại này tránh khỏi tai họa chiến tranh thế giới... Muốn thắng lợi, các dân tộc thuộc địa cần phải đoàn kết mọi lực lượng chống đế quốc thành một mặt trận thống nhất rộng rãi lấy liên minh công nông làm nền tảng và có cả tầng lớp tư sản yêu nước... Tình hình và thời gian có lợi cho ta... Chúng ta nhất định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình thế giới, cho độc lập dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội...”100.
Ngày 18-12
“Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc”.
Ngày 18-12-1919, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc gặp Khánh Ký, một người Việt Nam làm nghề nhiếp ảnh hoạt động trong “Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp”. Tại cuộc gặp này, Nguyễn Ái Quốc cho biết đã tiếp cận với các tờ báo “L’Humanité” (Nhân Đạo) và “Le Populaire” (Dân Chúng) để tìm việc cho Phan Chu Trinh.
Ngày 18-12-1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc tham gia buổi thảo luận của Thư ký Liên đoàn công nhân xe lửa về chủ đề: Quyền bãi công.
Ngày 18-12-1924, từ Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo tới Quốc tế Cộng sản cho biết đã triển khai những nhiệm vụ được trao, yêu cầu các đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Trung Quốc cần quan tâm đến Đông Dương, đồng thời, cũng cho biết lúc này đang đóng vai một người Trung Hoa với bí danh là “Lý Thụy”.
Ngày 18-12-1940, trên tờ “Cứu vong nhật báo”, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Việt Nam “phục quốc quân” hay “mại quốc quân” tố cáo âm mưu của phát xít Nhật sử dụng một số tay sai người Việt xây dựng nhóm vũ trang mang tên “Phục quốc quân” để gây sức ép với đế quốc Pháp cũng như hướng phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam phục vụ cho mưu đồ của Nhật Bản. Bài báo cảnh tỉnh: “Chúng ta cần phân biệt rõ các đoàn thể chính trị và vũ trang của Việt Nam, không nên nhầm các tổ chức Việt gian thành “phong trào dân tộc”, càng không nên nhầm phong trào dân tộc chân chính của Việt Nam là “bọn thổ phỉ” hoặc “bị kẻ địch xúi giục”101.
Ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Trần Tư Hòa, đại diện Bộ Tư lệnh quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng tại Việt Nam yêu cầu lùi thời gian tiến hành Tổng tuyển cử và có đại biểu đảng phái chính trị tham gia thành lập Chính phủ Liên hiệp. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh lùi ngày Tổng tuyển cử tới ngày 06-01-1946.
Ngày 18-12-1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Bác đã quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Cùng ngày, Bác vẫn gửi tiếp một bức điện cho Thủ tướng Pháp Lêông Blum nhằm cứu vãn tình hình bằng việc hoan nghênh ý tưởng cử “một phái đoàn Quốc hội Pháp sang Việt Nam mang tinh thần hữu nghị của nhân dân Pháp tới nhân dân Việt Nam và để nắm bắt tình hình”102.
Ngày 18-12-1954, tại Thủ đô mới giải phóng, Bác đến thăm và nói chuyện với thầy trò các trường phổ thông: Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Trưng Vương. Bác nói: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc… Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ thì phải: Học tập... Học phải đi đôi với hành...”103.
Ngày 18-12-1964, đến thăm và nói chuyện với Hội nghị sơ kết cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ “Bốn tốt” ở khu vực ngoại thành Hà Nội, Bác căn dặn: “... Cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa”104.
Ngày 19-12
“Giờ cứu nước đã đến!”
Ngày 19-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám cho biết trong ngày Nguyễn Ái Quốc có nhiều hành trạng: Đến thư viện, hiệu sách, đến Hạ viện gặp Nghị sĩ Mácxen Casanh (sau này trở thành một lãnh tụ cộng sản), Bảo tàng Luvơrơ và buổi tối đến nhà số 6 phố “Vila đê Gôbơlanh” tranh luận cùng Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường.
Ngày 19-12-1924, từ Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản bản báo cáo về “Tình hình Đông Dương” tháng 11 và 12-1924, trong đó đặc biệt lưu ý đến sự xuất hiện các tổ chức chính trị mới và cho biết: “Hai trăm học sinh trẻ tuổi của tỉnh ở Nam Kỳ đã biểu tình trước đồn cảnh sát đòi thả hai người bạn của họ bị bắt giữ… Đấy là lần đầu tiên, ở Đông Dương xảy ra một việc như vậy. Đó là một dấu hiệu của thời đại”105.
Ngày 19-12-1946, trước việc không thể cứu vãn được một cuộc chiến tranh sẽ bùng nổ do sự cố tình của giới thực dân Pháp, đêm hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” và công bố vào rạng sáng hôm sau. Lời kêu gọi viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước... Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!...”106.
Ngày 19-12-1947, kỷ niệm tròn một năm Toàn quốc Kháng chiến, trả lời báo chí, Bác khẳng định: “... Kết quả địch sẽ thất bại, vì: a) ... chúng hết thiên thời; b) ... quân địch không có địa lợi; c) ... địch không có nhân hòa”107.
Cùng ngày, trong bài viết “Kỷ niệm ngày thành lập Giải phóng quân”, Bác căn dặn: “Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: Trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân”108.
Ngày 19-12-1950, Bác gửi thư tới Quân đội quốc gia, bộ đội địa phương và dân quân Việt Nam nêu rõ: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân nên hy sinh kham khổ... Với quân đội ấy, kháng chiến nhất định thắng lợi”109. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp Huân chương Hồ Chí Minh hạng Ba.
Ngày 19-12-1954, trong lời kêu gọi, Bác nhấn mạnh: “So với đấu tranh vũ trang trong kháng chiến, thì đấu tranh chính trị trong hòa bình cũng phải trường kỳ và gian khổ và còn gay go, phức tạp hơn...”110. Cùng ngày, Bác chuyển chỗ ở từ khu vực Đồn Thủy về căn nhà nhỏ của người thợ chữa điện nước của Phủ Toàn quyền cũ nay dùng làm Phủ Chủ tịch.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
92,93. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 101-102.
94 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 372.
95. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 396-397.
96. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 484-485.
97. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 9, tr. 330.
98. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 372.
99. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 127.
100. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 232-236.
1 01. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 194.
102. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 394.
103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 398-399.
104. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 163-164.
105. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 300.
106. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 480.
107,108,109. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 141, 140, 490.
110. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 400.