Chỉ mục bài viết

 Ngày 05-12

“Phải bảo đảm chất lượng sản phẩm của mình”.

Ngày 05-12-1940, trên tờ Cứu vong nhật báo đăng bài “Mắt cá giả ngọc trai” của Nguyễn Ái Quốc kêu gọi cảnh giác trước âm mưu quân Nhật Bản gài người để phá hoại các tổ chức cách mạng. Bài báo chỉ rõ: “Đối với nhân dân Việt Nam, đối với phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, chúng ta phải giúp đỡ bằng mọi khả năng có thể. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải cẩn thận, phải vạch trần cái trò mắt cá giả ngọc trai đó”26.

Tháng 12-1943, trên báo Đồng Minh của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội phát hành ở Liễu Châu, Trung Quốc, đăng bài “Libăng” giới thiệu cuộc đấu tranh của nhân dân Libăng chống thực dân Pháp và đi đến kết luận: “Bất kỳ bọn Pêtanh hay bọn Đờ Gôn cũng vẫn mang tâm lang sói, khư khư trong cái khuôn khổ đế quốc chủ nghĩa, đều là kẻ thù chung của những dân tộc các xứ thuộc địa hay bảo hộ... Việt Nam hiện đang chuẩn bị đánh Nhật, đuổi Pháp để giành lấy sự độc lập tự do, vậy nên vô luận gần hay xa và bất cứ dân tộc nào nổi lên chống với đế quốc xâm lược đều là bạn thân của dân tộc Việt Nam ta vậy”27.

Ngày 05-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Chủ tịch Mao Trạch Đông mừng ngày thành lập Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bức điện có đoạn: “Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài”28 .

Tháng 12-1949, được tin vợ chồng Luật sư Phan Anh có thêm cậu con trai, Bác Hồ mừng một vần thơ: “Chú thím thêm một con/ Các cháu thêm một em/ Bác Hồ thêm một cháu/ Nước nhà thêm một công dân/ Tương lai thêm một chiến sỹ”29. Cùng khoảng thời gian này, nhận được tấm áo do anh chị em thương binh gửi biếu, Bác viết thư cảm ơn, động viên anh chị em thương binh đã có nhiều đóng góp cho kháng chiến và đề nghị: “Các bộ áo anh em gửi biếu, không nhận chúng thì anh em tủi. Nhận chúng thì tôi không yên lòng. Tôi định giải quyết thế này: Nhờ các đoàn thể bán đấu giá bộ áo ấy, được bao nhiêu tiền thì đưa dùng vào việc nghĩa”30.

Tháng 12-1950, Bác gửi thư tới các chiến sỹ và cán bộ tham gia chiến dịch Trung du, căn dặn: “Các chú đã cố gắng. Kết quả sự cố gắng đó là thắng lợi trong chiến dịch giải phóng biên giới vừa rồi. Lần này các chú phải cố gắng hơn nữa, vì chiến dịch này rất là quan trọng. Vả chăng, chiến dịch này là lần đầu tiên ta đánh ở đồng bằng, và địch thì có chuẩn bị. Chính vì lẽ đó mà ta quyết phải thắng... Mỗi một người, mỗi một đơn vị, mỗi một bộ phận đều phải: Bí mật hơn. Nhanh chóng hơn. Kiên quyết hơn. Chiến dịch này, các chú nhất định phải đánh thắng”31.

Ngày 05-12-1962, Báo Nhân Dân đăng bài viết “Cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa”, với bút danh “T.L.”, Bác phê phán nhiều mặt hàng phục vụ sinh hoạt hàng ngày của nhân dân “đã không bảo đảm được chất lượng do một số cán bộ, công nhân kém tinh thần trách nhiệm, làm ẩu, làm dối, chỉ biết chạy theo số lượng... trái hẳn với chính sách của Đảng và Chính phủ, đã làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân”32 và yêu cầu “mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã phải bảo đảm chất lượng những sản phẩm của mình”33.

Ngày 06-12

“Chỉ có Quốc hội ta thực sự đem lại quyền lợi cho nhân dân”.

Ngày 06-12-1945, tại Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ tuyên thệ ủng hộ Chính phủ của Hội Cựu binh sỹ Cứu quốc và dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về quy chế tài chính liên quan đến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam, quy định bầu cử cho những người Cao Miên đã nhập quốc tịch Việt Nam.

Cùng ngày, Bác còn công bố thư gửi hai nhân vật Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh kêu gọi đoàn kết và đưa ra những đề nghị cụ thể: “a) Xin mời các đồng chí Quốc dân đảng tham gia việc Tổng tuyển cử ở các nơi. b) Xin cho chúng tôi biết những đồng chí ra ứng cử ấy muốn ứng cử ở nơi nào để cho tiện việc biên tên vào danh đơn ứng cử. c) Các ông ấy được hoàn toàn tự do hoạt động ứng cử cũng như các đảng phái khác. Chúng tôi xin phụ trách bảo vệ và giúp đỡ các ông ấy. d) Từ ngày nay cho đến ngày Quốc hội khai mạc, hai bên tuân thủ bản điều kiện đã cùng nhau ký tại ngày 24 tháng 11, tức là “không công kích nhau bằng lời nói và hành động"34. Văn kiện cho thấy thiện chí của Việt Minh nhưng phía Quốc dân đảng, ỷ vào thế lực của Trung Hoa Quốc dân đảng vẫn bất hợp tác để cuối cùng 72 đại biểu của tổ chức này được “mời” vào Quốc hội không qua bầu cử.

Ngày 06-12-1946 trên Báo Cứu Quốc đăng bài “Chiến đấu vì chính nghĩa” của Bác nhìn nhận thực tế: “Rõ ràng quân đội Pháp đã thẳng tay tiến công, bất chấp tín nghĩa. Đối với cuộc chiến đấu tự vệ của ta, quốc dân đã theo dõi từng ly từng tý, nhưng không khỏi hoang mang. Vậy đứng về phương diện chiến lược, chúng ta thử xét sau này tình thế sẽ biến chuyển ra sao”35. Bài báo phân tích chiến thuật phòng ngự được coi là phương cách để trừ diệt địch để đi đến nhận định: “Ngoài điều kiện nhân hòa, chúng ta còn có điều kiện địa lợi và thiên thời. Từ hang cùng ngõ hẻm, núi sâu rừng rậm, đâu đâu cũng là đất nước Việt Nam, đâu đâu cũng có dân Việt Nam ở... Có đủ ba điều kiện nhân hòa, địa lợi và thiên thời như trên, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công”36.

Ngày 06-12-1953, Bác cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác đã chỉ thị cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hòan thành cho kỳ được”37. Cùng ngày, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Hội nghị đại biểu toàn quốc “bù nhìn” vạch trần thủ đoạn của thực dân cho thành lập tổ chức “Hội nghị đại biểu toàn quốc” của chính quyền Bảo Đại. Bài báo kết luận: "Chỉ có Quốc hội ta là Quốc hội thực sự đem lại quyền lợi cho nhân dân"38.

Ngày 06-12-1958, đến thăm Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Bác nhấn mạnh: “Phải làm cho tư tưởng chính trị của nhân dân ta chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, có như thế chúng ta mới phát huy được hết thuận lợi, khắc phục được mọi khó khăn, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước ba năm và chuẩn bị tốt cho kế hoạch dài hạn về sau”39.

Ngày 07-12

“Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình”.

Ngày 07-12-1945, trên tờ báo Tấc Đất của Bộ Canh nông, Bác đăng thư “Gửi Nông gia Việt Nam” trong đó chỉ rõ: “Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: Cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam”40 đồng thời kêu gọi nông dân: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”41.

Ngày 07-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra “Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp” khẳng định: "Người Việt Nam và người Pháp đã đổ máu nhiều rồi, đã chịu tai vạ chiến tranh nhiều rồi... Tôi yêu Tổ quốc và đồng bào tôi, tôi cũng yêu nước Pháp và nhân dân Pháp. Vì vậy tôi thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến lợi quyền chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1946, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài”42.

Cùng ngày, “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” của Bác được công bố để đưa ra thông điệp: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước. Đồng thời, trong chính sách đối ngoại của mình, nhân dân Việt Nam sẽ tuân thủ những nguyên tắc dưới đây: 1. Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền. 2. Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực...”43.

Cùng ngày, Bác tiếp Cục trưởng Cục Châu Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới tới Hà Nội. Còn với nhà báo Bécna Đrăngbê (Berna Draber), phóng viên của tờ “Pari - Sài gòn”, Bác đưa ra thông điệp: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách… Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm... Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do... Cả nước Pháp lẫn nước Việt Nam đều không thể phí sức gây một cuộc chiến tranh khốc hại, và nếu phải kiến thiết trên đống hoang tàn thì thật là một điều tai hại”44.

Ngày 07-12-1963, trước cuộc thảo luận gay gắt trong Hội nghị Trung ương lần thứ 9, Bác nhắc nhở: “Người làm chính trị cương vị càng cao thì càng phải bình tĩnh... Mục đích của ta là vì đoàn kết. Vì đoàn kết mà phải tranh đấu. Tranh đấu để đi đến đoàn kết chứ không nói xấu ai... Phải làm sao cho trong Đảng và trong nhân dân giữ được lòng yêu mến và biết ơn các nước bạn anh em..., đó là “thiên kinh địa nghĩa”, đồng thời không nên coi sự bất đồng là chuyện lạ...”45 .

Ngày 08-12

“Trồng cây gây rừng là rất quan trọng”.

Ngày 08-12-1919, báo cáo của mật thám Pháp chuyên theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đang sống ở Pari vừa nhận được một bức thư của Phan Chu Trinh gửi tới. Cũng trong tháng 12-1919, báo cáo của mật thám cho biết Nguyễn Ái Quốc bày tỏ ý muốn lập một Hội tương tế Đông Dương nhằm giúp những người dân thuộc địa đang sống ở Pháp giữ gìn và phát triển tốt những kiến thức thu lượm được ở đây.

Tháng 12-1940, từ Nam Ninh (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đóng vai một nhà báo, cùng Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp đi tìm Vũ Anh từ trong nước sang rồi đi tiếp tới Tĩnh Tây (Trung Quốc). Tại đây, có thêm Võ Nguyên Giáp bàn việc mở lớp huấn luyện, gặp Lê Thiết Hùng giao nhiệm vụ quân sự.

Tháng 12-1943, tại Liễu Châu (Trung Quốc), trong thời gian tham gia Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội với cương vị là Phó Chủ tịch, Hồ Chí Minh dự tiệc do Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục chính trị Đệ tứ chiến khu của Quốc dân đảng Trung Hoa chiêu đãi. Trong bữa tiệc, Nguyễn Hải Thần - Chủ tịch của tổ chức này ra vế thách đối: “Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, lưỡng vị đồng chí, chí giai minh”46 (Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị đồng chí, chí đều sáng), mọi người đang suy nghĩ thì Bác ung dung đối lại: “Nhĩ cách mệnh, ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách”47 (Anh cách mạng, tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách) khiến mọi người khâm phục.

Ngày 08-12-1947, trước tin tức về việc cố vấn Vĩnh Thụy lúc này đang ở Hồng Kông có cuộc gặp gỡ với quan chức cao cấp của Pháp, Bác tuyên bố: “Chính phủ ta và nhân dân ta rất mong cố vấn Vĩnh Thụy không những có hành động trái ngược với những lời cố vấn đã thề trước Tổ quốc và trước đồng bào, trái với nguyện vọng của dân tộc. Dù sao vận mệnh của dân tộc sẽ không vì một người, hoặc một nhóm người mà thay đổi”48. Cùng ngày, Bác viết thư cho Giám mục Lê Hữu Từ: “Nhân dịp Lễ Nôen, tôi kính chúc cụ mọi sự lành để phụng sự Đức Chúa và để lãnh đạo đồng bào công giáo tham gia kháng chiến, đặng tranh lại thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”49.

Ngày 08-12-1961, Bác về thăm quê hương Nam Đàn. Nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bác nhấn mạnh: “Tất cả cái gì về quốc kế dân sinh ở Nghệ An là các cô, các chú phụ trách. Muốn như thế thì phải nắm vững nguyên tắc gì? Một là, nguyên tắc đoàn kết nội bộ. Hai là, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Muốn làm tốt việc ấy, còn phải gì nữa? Phải dân chủ nội bộ. Muốn dân chủ nội bộ tốt thì cần gì nữa? Phải phê bình, tự phê bình. Cái này nó dính cái khác”50. Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề: “Trồng cây gây rừng là rất quan trọng... Bác có kinh nghiệm trồng cây trong 5 năm là có thu hoạch... Nếu trồng cây nào tốt cây ấy thì trong 5 năm lợi rất to... Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao... Dân sinh là cái gì? Là cái ăn, cái mặc, cái ở. Ba cái đó đều quan trọng. Ăn, mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà ở thì sao? Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Nếu bây giờ trở đi không trồng cây cho tốt thì lấy gỗ đâu?”51.

Ngày 09-12

“Con hơn cha là nhà có phúc”.

Ngày 09-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc có 2 lần đến Thư viện Thánh Giơnơvievơ (Sainte Genevieve) ở Pari.

Ngày 09-12-1927, nhận sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có mặt trong ngày khai mạc Đại hội đồng của Liên đoàn chống đế quốc họp tại Brúcxen (thủ đô Vương quốc Bỉ). Cũng tại Hội nghị này, nhà cách mạng Việt Nam đã gặp một số nhân vật như: Môlitan Nêru (thân sinh Thủ tướng Ấn Độ G. Nêru sau này), Xucacnô (sau trở thành Tổng thống Inđônêxia), Tống Khánh Linh (vợ Tôn Trung Sơn), Katayama Xen (chính khách cánh tả Nhật Bản)...

Ngày 09-12-1942, Hồ Chí Minh bị giải đến giam ở Liễu Châu và làm bài thơ chữ Hán “Đáo Liễu Châu” (Đến Liễu Châu) được Nam Trân dịch:

“Muôn cay nghìn đắng đâu vô hạn,

Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu;

Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng,

Tỉnh ra, trên mặt vẫn vương sầu”52.

Ngày 09-12-1958, tại lễ khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội Khóa I, thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp, Bác “hứa với Quốc hội sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao phó cho: dự thảo một bản Hiến pháp xứng đáng với sự tiến bộ của nhân dân ta, của Tổ quốc ta”53 .

Ngày 09-12-1959, chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận về việc soạn thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Bác đã phát biểu Dự luật Hôn nhân gọi nôm na là dự luật lấy vợ lấy chồng, nhằm xây dựng hạnh phúc chung, nhưng trước hết là nhằm giải phóng chị em phụ nữ, cho nên khi giải thích, tuyên truyền, chị em phụ nữ phải ra sức hoạt động nhiều để tinh thần luật được thấm nhuần đến mọi tầng lớp trong xã hội, đến từng người, từng địa phương...

Cùng ngày, Báo Nhân Dân đăng bài “Tiêu chuẩn của người đảng viên”. Trong đó, Bác viết: “Khi phát triển Đảng cần phải chọn lọc rất cẩn thận, phải xem trọng chất lượng quyết không nên làm một cách ồ ạt, không nên tham nhiều... Đảng viên tốt thì Đảng mới mạnh. Đảng mạnh thì mới làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang...”54.

Ngày 09-12-1961, Bác về thăm Nghệ An, tại xã Kim Liên quê nhà, Bác căn dặn: “Nay dân đã là chủ. Nhưng phải cho ra người chủ, chứ không thể phất phơ được. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phòng vững mạnh”55. Tại nhà máy Cơ khí Vinh, Bác nhấn mạnh: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng là lãnh đạo để người ta tin cậy... Công nông liên minh chứ không phải “nông công liên minh”56. Còn tại trường Sư phạm miền núi Nghệ An, Bác nói: “... Bây giờ các dân tộc đều là anh em cả. Dân tộc nào đông hơn, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để đều tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà”57.

Cùng ngày, gặp mặt với cán bộ, đảng viên lâu năm, Bác căn dặn: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ... Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa... Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt… Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”58.

Ngày 10-12

“Đồng bào miền Nam rất anh hùng”.

Từ ngày 10-12-1942, Hồ Chí Minh bắt đầu những ngày bị giam cầm tại Liễu Châu (Trung Quốc). Trong thời gian này, nhiều bài thơ được sáng tác, trong đó có bài “Tứ cá nguyệt liễu” (Bốn tháng rồi) nhìn lại một chặng đường đầy gian khó, được Nam Trân dịch:

"Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài"

Lời nói người xưa đâu có sai;

Sống khác loài người vừa bốn tháng,

Tiều tụy còn hơn mười năm trời.

Bởi vì:

Bốn tháng cơm không no,

Bốn tháng đêm thiếu ngủ,

Bốn tháng áo không thay,

Bốn tháng không giặt giũ.

Cho nên:

Răng rụng mất một chiếc,

Tóc bạc thêm mấy phần,

Gầy đen như quỷ đói,

Ghẻ lở mọc đầy thân.

May mà:

Kiên trì và nhẫn nại,

Không chịu lùi một phân,

Vật chất tuy đau khổ,

Không nao núng tinh thần”59.

Ngày 10-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ bàn về Tổng tuyển cử, đưa ra đề nghị tập trung bàn về các nội dung: Làm thế nào để các ủy ban làng tổ chức cuộc bầu cử cho đúng? Làm thế nào để các cử tri biết cách bỏ phiếu? Làm thế nào để cử tri đi bỏ phiếu thật đông?.

Ngày 10-12-1951, đáp lại thư của các chiến sĩ báo công thắng trận, Bác viết “Thư trả lời chiến sỹ” động viên: “Luôn luôn giữ vững tinh thần khắc khổ, tinh thần quyết chiến quyết thắng. Luôn luôn giúp đỡ nhân dân, đi sát với nhân dân. Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch. Với lính Pháp và ngụy binh ta bắt được, đối đãi họ tử tế và thuyết phục họ. Mong các cháu cố gắng để thắng nhiều trận nữa”60.

Cùng ngày, Bác viết “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa 1951” nêu rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sỹ khác, chiến sỹ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh... Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh, muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh chị em nghệ thuật cần phải dùng phương pháp tự phê bình và phê bình. Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Tiền đồ dân tộc ta rất vẻ vang, tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi. Chúc anh chị em mạnh khỏe, tiến bộ, thành công”61.

Ngày 10-12-1954, dự họp Bộ Chính trị ngay sau ngày Thủ đô giải phóng, bàn về khôi phục kinh tế, Bác phát biểu: “... Mấy năm kháng chiến, ta chỉ có nông thôn, bây giờ mới có thành thị... Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì là chủ quan. Cho nên trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp. Làm trái với Liên Xô, đó cũng là mácxít... Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi tiến đến thủ công nghiệp, sau mới đến công nghiệp nặng”62.

Ngày 10-12-1963, dự họp Bộ Chính trị bàn về tình hình mới sau khi ở miền Nam, Ngô Đình Diệm bị Mỹ lật đổ, Bác nhấn mạnh: “Nói thuận lợi, nhưng đồng thời phải nói rõ khó khăn. Nên thêm về công tác dân vận… Nên nêu khẩu hiệu: “Người Việt không đánh người Việt”. Làm sao động viên tiêu diệt cho được nhiều Mỹ: Mỹ rất sợ chết. Ta vừa tiêu diệt vừa tuyên truyền... Đồng bào miền Nam rất anh hùng, cán bộ, đảng viên rất anh dũng. Phải đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng, dù Mỹ có tăng gấp 10 lần ta cũng thắng!”63.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

 

Chú thích:
26,27. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 189, 443-444.
28. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 717.
29,30. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 383, 380.
31 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 138.
32,33. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 320.
34. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 113.
35,36. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 462, 464.
337,38. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 403.
39. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 266.
40,41,42. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, t. 114, 115, 466.
43,44. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 469-470, 473.
45 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 467-468.
46. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 201-202.
47. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 201-202.
48,49. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 310-312.
50,51. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 443, 446.
52. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 381.
53,54. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 269, 571.
55,56,57. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 455, 459, 460-461.
58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 463-465.
59. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 388.
60,61. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 344, 368-369.
62 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 538-539.
63. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 469.

Bài viết khác: