Chỉ mục bài viết

 Ngày 11-12

“Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng”.

Ngày 11-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên đến thư viện Thánh Geneviève và gặp nhiều người Việt đang sống ở Pari.

Ngày 11-12-1920, mật thám Pháp ghi nhận Nguyễn Ái Quốc đã dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội Pháp.

Ngày 11-12-1923, Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Mátxcơva tạm thời được biên chế vào Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và tạm trú tại Khách sạn Lux.

Ngày 11-12-1953, với bút danh “C.B.”, Bác viết bài báo có nhan đề “Một phút đồng hồ” đăng trên Báo Nhân Dân nhắc nhở: Muốn tiết kiệm thời giờ, mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ và phải có tinh thần phụ trách và phải coi “Một phút đồng hồ, một nén vàng”64.

Tháng 12-1958, nói chuyện với Lớp nghiên cứu Khóa I và Lớp bổ túc văn hoá Khóa VI Trường Công an Trung ương, Bác căn dặn: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy, phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy được. Phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp công an và công an mới thành công được. Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành khác thì công việc mới thắng lợi”65.

Cũng trong tháng 12-1958, trên Tạp chí Học tập cơ quan lý luận của Đảng, với bút danh “Trần Lực”, Bác viết bài “Đạo đức cách mạng” trình bày hệ thống quan điểm của mình về một vấn đề được coi là “nền tảng” của sự nghiệp cách mạng. Bài báo có đoạn viết: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen... Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân... Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng”66.

Ngày 11-12-1965, Bác dự họp của Bộ Chính trị thảo luận về tính chất cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Trong ý kiến trao đổi, Bác giải thích về những thuật ngữ như “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh đặc biệt”: “Đó là cách nói chữ của Mỹ. Còn ta cứ nói là “chiến tranh xâm lược”... Dù với hình thức chiến tranh nào, nhân dân ta cũng quyết đánh, quyết thắng”67 và dự đoán: “Thời gian đến khi bầu cử Tổng thống, nội bộ chúng sẽ mâu thuẫn”68 nhưng cũng nhắc nhở phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với việc Mỹ có thể ném bom Hà Nội, Hải Phòng (điều mà sau đó không lâu đã trở thành hiện thực).

Ngày 12-12

“Mau mau đoàn kết lại!”

Ngày 12-12-1919, báo cáo của mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đến Thư viện Thánh Geneviève và Văn phòng Hội Liên minh Nhân quyền và một vài người Việt Nam đang sống ở Pari.

Ngày 12-12-1921, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Ủy ban Liên Công đoàn quốc tế quận 17 ở Pari.

Ngày 12-12-1926, trên báo Thanh Niên xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc viết bài báo có nhan đề là “Trưng Trắc” (ký bút danh H.T). Sau khi thuật lại tiểu sử và hành trang của Bà, tác giả ca ngợi: “Can đảm thay! Phận thuyền quyên vì nước quên mình! Tuy chỉ trong 3, 4 năm nhưng cũng đủ làm cho bọn tu mi quân giặc mất vía. Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết K.m. (cách mạng). Huống chi bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!”69.

Ngày 12-12-1945, tại Tòa Thị chính Thành phố, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp mặt của các vị ứng cử đại biểu Quốc hội ở Hà Nội. Các ứng cử viên cùng thảo luận hai vấn đề chính: Lập một ban liên lạc trung gian và lập một chương trình của Mặt trận Liên hiệp Quốc dân với nguyên tắc chung là: Thống nhất, kháng chiến, độc lập hoàn toàn, tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế.

Ngày 12-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời trên Báo Cứu quốc về chính kiến của lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp Lêông Blum khi cho rằng phương pháp duy nhất để giữ ảnh hưởng và lợi ích của Pháp là “hợp tác thật thà trên nền tảng độc lập, tức là lòng tin nhau và nghĩa thân thiện”70. Tán thành quan điểm ấy, Bác bày tỏ: “Việt Nam quyết lòng thật thà cộng tác với nhân dân Pháp như anh em, trên nền tảng độc lập, bình đẳng, quyết lòng tôn trọng lợi ích văn hóa và vật chất của nước Pháp ở đây. Nhưng Việt Nam cũng quyết lòng không để cho ai chinh phục bằng âm mưu hoặc bằng vũ lực”71.

Ngày 12-12-1947, Bác viết thư “Gửi Chính phủ Cao Miên giải phóng”, nhiệt liệt hoan nghênh việc thành lập Ủy ban Giải phóng Việt - Miên - Lào nhằm đoàn kết ba dân tộc trong cuộc chiến đấu chung: “Tôi tin chắc rằng các dân tộc ta, đã có sẵn một tinh thần đấu tranh cao, lại gắng đi tới một sự cộng tác chặt chẽ thì thắng lợi thế nào cũng về ta, và chúng ta nhất định sẽ giành được độc lập cho đất nước”72.

Ngày 12-12-1953, trong thư gửi cho đồng bào và cán bộ tỉnh Lai Châu miền Tây Bắc, nơi đã được chọn làm hướng tiến công chiến lược, Bác căn dặn: “1. Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau. 2. Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự. 3. Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no. 4. Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng”73.

Tháng 12-1953, Bác gửi thư động viên cán bộ, chiến sỹ Mặt trận Điện Biên Phủ: “... Năm nay, sau những cuộc chỉnh huấn chính trị và quân sự, các chú đã tiến bộ hơn. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch, Quyết tâm giữ vững chính sách, Quyết tâm tranh nhiều thắng lợi!”74.

Ngày 13-12

“Phải dựa vào dân, không được xa rời dân”.

Ngày 13-12-1919, báo cáo của mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc sau khi đến Thư viện Thánh Geneviève đã đến Vườn hoa Luýchxămbua ở Pari.

Ngày 13-12-1946, Báo Cứu quốc đăng hai bài viết của Bác. Trong bài “Chiến lược của quân ta và của quân Pháp” nêu rõ: "Chiến lược của chúng là chiến lược tiến công, đánh chớp nhoáng”75, còn “chiến lược của ta là chiến lược phòng ngự. Về phương pháp tác chiến, chúng ta áp dụng vận động chiến song song với du kích chiến”76, vì vậy, ta phải kháng chiến lâu dài mà “kháng chiến lâu dài cần phải chuẩn bị đầy đủ và tất nhiên phải qua nhiều giai đoạn khổ sở, gian lao... chúng ta nhất định sẽ thắng trong cuộc chiến đấu tự vệ của chúng ta”77.

Còn trong bài “Động viên kinh tế” đưa ra những quan điểm về nguồn lực của cuộc kháng chiến và kết luận: “Cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta được thắng lợi là do nơi chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực của chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ. Rất mong toàn thể quốc dân gắng gỏi trong công việc này”78.

Ngày 13-12-1951, Bác viết bài “Tinh thần trách nhiệm” đăng trên Báo Nhân Dân với lời kết luận: “... Với lòng kiên quyết dùi mài tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chúng ta nhất định chiến thắng khuyết điểm cũng như nhất định chiến thắng thực dân”79.

Tháng 12-1951, Bác viết “Thư gửi toàn thể chiến sĩ và cán bộ Đại đoàn 312”, biểu dương những thành tích đạt được trong Chiến dịch mang tên Lý Thường Kiệt và “Bác mong các chú thật thà tự kiểm thảo lại, kiểm thảo theo đúng dân chủ từ trên xuống và từ dưới lên, để rút kinh nghiệm, để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm”80.

Năm 1951, Bác có cuộc nói chuyện tại Trường Công an trung cấp Khóa 2, trong đó, đưa ra những quan điểm: “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa... Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân... Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân...”81.

Ngày 13-12-1958, tiếp các đại biểu Quốc hội nhân kết thúc kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa I, Bác động viên: “Nếu toàn dân cố gắng, toàn Đảng cố gắng, Chính phủ cố gắng, ta sẽ có dịp ăn mừng những thắng lợi to lớn hơn nữa”82.

Ngày 13-12-1960, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về kế hoạch nhà nước, Bác nói: “Ta muốn làm nhiều việc nhưng phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Hiện nay nhân hòa còn kém, phải làm sao giữa nông dân và Nhà nước ăn khớp... phải làm sao cho mỗi người từ trên xuống dưới, phải có trách nhiệm thực hiện kế hoạch… phải chú trọng tới chi bộ, công đoàn; hợp tác xã phải củng cố cho vững mạnh hơn nữa và chú ý cải tạo con người”83.

Ngày 14-12

“Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Ngày 14-12-1919, báo cáo của mật thám Pháp theo dõi ghi nhận Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Toà soạn tờ L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp, đến toà soạn tờ “La Dépêche Coloniale”(Tin điện Thuộc địa) và gặp gỡ một số người...

Tháng 12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các chiến sỹ Nam bộ và Nam phần Trung bộ biểu dương: “Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi, và tất cả đồng bào ở Bắc Bộ, và phía Bắc Trung Bộ, đã bao nhiêu lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại nòi giống ta. Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao nhiêu lần hồi hộp cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu của Tổ quốc. Do đó, tôi càng tin chắc rằng: Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không bị mất lại một lần nữa... Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”84.

Ngày 14-12-1954, Báo Nhân Dân đăng trả lời phỏng vấn qua thư của Bác cho phóng viên báo “Regards” thêm một lần khẳng định: “Chúng tôi hết sức làm việc để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam... Chúng tôi muốn lập với nước Pháp những mối quan hệ kinh tế và văn hóa trên cơ sở bình đẳng, hai bên đều có lợi và cộng tác thẳng thắn và tin cậy nhau”85.

Ngày 14-12-1958, Bác tiếp tục dự kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa I, đã thông qua nghị quyết: Giao cho Chính phủ nghiên cứu thảo một đạo luật về hôn nhân và gia đình để trình Quốc hội... Trước khi có đạo luật hoàn chỉnh, Chính phủ nên có những biện pháp thích đáng nhằm ngăn chặn những việc không hợp lý còn tồn tại trong xã hội ta về hôn nhân và gia đình.

Cũng trong tháng 12-1958, trong bài “Đạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập của Bác, có đoạn viết: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn. Nhưng có đồng chí học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ tự cho mình là hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lênin hơn ai hết. Song khi gặp việc thực tế, thì họ hoặc là máy móc, hoặc là lúng túng. Lời nói và việc làm của họ không nhất trí. Họ học sách vở Mác - Lênin, nhưng không học tinh thần Mác - Lênin. Học để trang sức, chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng. Đó cũng là chủ nghĩa cá nhân... Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”86.

Ngày 15-12

“Đã là người tự do thì phải làm thế nào cho xứng đáng”.

Ngày 15-12-1912, với tên ký là “Paul Tất Thành”, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ tìm người cha là Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Đáng chú ý là, thư được gửi từ thành phố Niu Oóc. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành còn gửi thư cho người anh trai là ông Nguyễn Sinh Khiêm đang làm việc tại Tòa Khâm sứ Trung Kỳ đặt vấn đề xin vào học Trường Thuộc địa ở Pari.

Ngày 15-12-1919, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc vẫn quan hệ với báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội, vẫn đều đặn đến Thư viện Thánh Geneviève và tiếp xúc với nhiều người Pháp. Ngày 15-12-1921, Nguyễn Ái Quốc dự họp với Đoàn Thanh niên Cộng sản quận 13, ở Pari.

Khoảng giữa tháng 12-1944, Nguyễn Ái Quốc gửi một bức thư nhỏ đặt trong bao thuốc lá cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đó là bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ba nội dung chính: “1. Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền… có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”. 2. Đối với các đội vũ trang địa phương: tập trung huấn luyện… trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến. 3. Về chiến thuật: “vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông, mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô hình”87. Chỉ thị khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”88. Từ Chỉ thị này, ngày 22-12-1944, lực lượng vũ trang chính quy của cách mạng đã ra đời và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Ngày 15-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới đồng bào ngoại thành Hà Nội với nội dung: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở Thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội”89.

Ngày 15-12-1954, Bác đến thăm Bệnh viện Bạch Mai căn dặn cán bộ và nhân viên y tế mới tiếp quản bệnh viện từ phía ban điều hành của Pháp: “Đã là người tự do, người chủ trì thì phải làm thế nào cho xứng đáng. Từ công việc, tư tưởng đến thái độ đều phải có tư cách người chủ”90.

Ngày 15-12-1966, Bác gửi thư khen ngợi quân dân Thủ đô đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.600 trên miền Bắc và tặng Hà Nội lá cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”91.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

 

 Chú thích:
64. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 189.
65, 66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 280, 283-284.
67, 68. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 327, 328.
69. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 457.
70, 71. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 472.
72. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 139.
73, 74. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 406, 413.
75, 76, 77, 78. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 474, 475, 476, 479.
79. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 347.
80, 81. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 364, 365-366.
82, 83. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 185, 574-575.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 134.
85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 385-386.
86. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 292-293.
87, 88. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 223-224.
89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 116.
90. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 542.
91. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 175.

Bài viết khác: