Ngày 28-12
“Cán bộ phải thật gương mẫu”
Ngày 28-12-1919, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc vẫn thường xuyên mua các tờ báo cánh tả như “L’Humanité” (Nhân Đạo) và “Journal du Peuple” (Nhật báo Dân chúng) và luôn sử dụng tàu điện ngầm để thoát ra khỏi sự bám đuổi của mật thám.
Ngày 28-12-1922, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã gặp Uylixơ Lơrisơ (Ulisse Leriche) là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp trong Ban Biên tập tờ “L’Humanité” và là Trưởng ban Nghiên cứu Thuộc địa của Đảng.
Ngày 28-12-1932, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ được đưa ra khỏi bệnh viện và được tự do theo sự phán xét của Tòa án, tuy nhiên thực dân Pháp vẫn bám sát theo dõi. Chỉ nhờ sự giúp đỡ tận tình của gia đình Luật sư Lôdơbi, nhà cách mạng Việt Nam mới thoát.
Ngày 28-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc lập Tòa án ở các cấp địa phương và bàn vấn đề can thiệp để Chính phủ Xiêm (Thái Lan) thả chính trị phạm Việt Nam về nước.
Ngày 28-12-1946, Bác viết “Thư gửi anh em Hoa kiều” nhằm bày tỏ sự thông cảm đối với tầng lớp xã hội này trong thời thuộc địa đồng thời biểu dương: “Trong cơn hoạn nạn, Hoa - Việt, anh em cảm tình càng nồng, đoàn kết càng chặt”167.
Trong “Nhật ký của một bộ trưởng”, ông Lê Văn Hiến chép: Ngày 28-12-1946... Được thư Cụ dặn cho Vũ Đình Huỳnh ra phụ trách chăm sóc tù binh Pháp, trong thư dặn kỹ về sự đối đãi tù binh và thường dân. Theo ý Cụ phải chăm sóc hết sức chu đáo và đối đãi thật nhã nhặn để tỏ sự ân cần của ta đối với người Pháp, và cũng để cho họ thấy rõ sở dĩ ta chiến đấu là vì tiền đồ của quốc gia và dân tộc Việt Nam, chớ vốn không có ý ghét bỏ người Pháp... Ta có thể chịu kham khổ được nhưng đối với họ phải rộng rãi hơn. Còn trong thư gửi Chánh Văn phòng Hoàng Hữu Nam, Bác nhắc: Cần có sự giúp đỡ để Hội nghị trí thức và quan lại cũ thành công.
Ngày 28-12-1951, trong bài báo “Nhi đồng xã Hiệp Hòa” đăng trên Báo “Cứu Quốc”, Bác kết luận: “Nếu được cán bộ, thanh niên và phụ nữ khéo tổ chức và hướng dẫn phong trào Trần Quốc Toản chắc sẽ lan rộng và lên cao”168.
Ngày 28-12-1954, Bác viết bài “Thuần phong mỹ tục” đăng trên Báo Nhân Dân nêu vấn đề: Cần phải giữ gìn nền nếp, khuyên dân ta ăn nói cho đúng với thuần phong mỹ tục, bỏ lối xưng hô coi rẻ như thời đế quốc, phong kiến.
Ngày 28-12-1959, Bác tiếp tục dự phiên họp toàn thể của Quốc hội. Sau khi nghe Thư ký đoàn đọc lá thư của một công nhân Sài Gòn gửi Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Bác cho rằng: “Có thể nói đồng bào miền Nam thông qua bản Hiến pháp mới của chúng ta”169.
Ngày 28-12-1962, Bác viết bài “Phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ” đăng trên Báo Nhân Dân nhấn mạnh: “Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình”170.
Ngày 28-12-1967, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị quyết định chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Bác chỉ thị: “Kế hoạch phải thật tỉ mỉ. Hợp đồng phải thật khớp. Bí mật phải thật tuyệt đối. Hành động phải thật kiên quyết. Cán bộ phải thật gương mẫu”171.
Ngày 29-12
“Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”
Ngày 29-12-1920, Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tiến hành bỏ phiếu lựa chọn con đường giữa Quốc tế II và Quốc tế III, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đứng vào hàng ngũ những người tiên phong gia nhập Quốc tế Cộng sản. Giải thích với nữ đồng chí ghi biên bản cho cuộc họp về sự lựa chọn này, người đại biểu thuộc địa trả lời: "Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa... Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu"172.
Phát biểu tại Đại hội, Nguyễn Ái Quốc bày tỏ: Tôi vui sướng biết chừng nào khi được dự đại hội đầu tiên của những người cộng sản. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của chủ nghĩa xã hội Pháp, một đồng chí bản xứ thực sự tham gia vào công việc của đại hội. Tôi cũng phải nói đó là dấu hiệu tốt, bởi điều đó xác nhận rằng, chỉ có trong chủ nghĩa cộng sản người ta mới thấy tình hữu ái thực sự và quyền bình đẳng, và cũng chỉ có nó chúng ta mới có thể thực hiện được sự hòa hợp và hạnh phúc ở chính quốc và ở các thuộc địa.
Ngày 29-12-1952, chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ tổng kết tình hình và thảo luận kế hoạch năm 1953, Bác kết luận: Khuyết điểm còn tồn tại trong năm 1952 là lãnh đạo không sát dẫn đến tội quan liêu, tham ô, lãng phí, (ý nói đến vụ án Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu phải lãnh án tử hình) và đưa ra chủ trương: “Chúng ta đã bắt đầu tiến hành ba chống (chống tham ô, lãng phí, quan liêu). Năm 1953, phải cố gắng làm ba chống triệt để - cán bộ lãnh đạo phải xung phong gương mẫu đi đầu trong phong trào... Phải có chính sách cán bộ: Cải tiến sinh hoạt, cất nhắc khen thưởng, giáo dục đào tạo, mạnh dạn cất nhắc cán bộ mới, cân nhắc đức, tài173.
Ngày 29-12-1959, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình, Bác phát biểu: Đây là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử. Thi hành tốt Luật hôn nhân và gia đình là nhiệm vụ của toàn dân.
Ngày 29-12-1960, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng Cộng sản Pháp, Bác viết bài trên Báo Nhân Dân trong đó có đoạn: “Riêng về cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sỹ xã hội chủ nghĩa”174.
Ngày 29-12-1965, Bác Hồ gửi tặng Binh chủng Công binh Bằng khen và dòng chữ: Binh chủng Công binh Quân đội nhân dân Việt Nam đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dũng cảm vượt mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ, công tác, phục vụ kịp thời chiến đấu, góp phần vào chiến thắng chung của toàn quân, toàn dân.
Ngày 29-12-1966, phát biểu tại phiên họp cuối năm của Chính phủ, khi nói đến công tác lưu thông phân phối, Bác nhắc nhở phải nhớ hai điều quan trọng là: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”175.
Ngày 30-12
“Phải thực hiện dân chủ rộng rãi với nhân dân”
Ngày 30-12-1920, tại phiên họp cuối cùng của Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc quyết định sự lựa chọn chính trị bằng việc biểu quyết tán thành Quốc tế III và tham gia vào tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản, tiền đề cho sự ra đời Đảng Cộng sản Pháp. Kể từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã đứng vào hàng ngũ những chiến sỹ cộng sản quốc tế và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Ngày 30-12-1951, trên đường sang gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên Xô để tranh thủ sự ủng hộ cho nhân dân Việt Nam kháng chiến, Bác đến chúc Tết lãnh đạo tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Ngày 30-12-1954, Báo Nhân Dân đăng bài “Tên các đường phố” trong đó Bác đặt vấn đề cần xóa tên những người nước ngoài đi ngược lại nền độc lập dân tộc đặt tên cho các đường phố và thay bằng các danh nhân của dân tộc.
Ngày 30-12-1961, Bác viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân nhắc đến khẩu hiệu “Yêu cây như yêu con” và nhắc nhở: “Tết Trồng cây cũng như mọi việc khác, các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo cụ thể và chặt chẽ thì sẽ thành công”176.
Ngày 30-12-1965, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Bác phân tích thái độ của ta đối với những tuyên bố của Chính phủ Mỹ về vấn đề thương lượng hòa bình, Bác đề nghị “Ta phải đánh thật mạnh để cho phe chủ hòa ở Mỹ thắng thế… nên đưa “Tuyên bố bốn điểm” của Chính phủ ta trả lời trước dư luận Mỹ và thế giới thì tự nhiên tuyên bố của Mỹ sẽ như ném hạt cát vào mắt người ta”177.
Ngày 30-12-1967, phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Bác đề cập sự hài hòa giữa các thế hệ: “Chúng ta là những người đã từng tham gia cách mạng lâu, đã chống Pháp thắng lợi, cứ tưởng là chúng ta có nhiều kinh nghiệm rồi, nhưng bây giờ phải học tập các chiến sỹ, học tập thanh niên. Có một số đồng chí tự cho mình là đã cống hiến nhiều rồi, bây giờ sinh ra lề mề, không có khí thế vươn lên như các cháu thanh niên xung phong, như các chiến sỹ. Thanh niên ta bây giờ rất hăng say làm việc, không kể giờ giấc, ngày đêm, dám đánh giặc không sợ chết. Một người đã không sợ chết, một dân tộc đã không sợ hy sinh gian khổ thì nhất định sẽ chiến thắng”178. Bác cũng thẳng thắn đề nghị: “Tôi đề nghị các vị Bộ trưởng nên luyện cho mình có đôi chân hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ, không nên chỉ ngồi ở bàn giấy, theo kiểu “đạo nhân phòng thủ”179. Đồng thời, Bác chỉ thị: “Chúng ta phải gương mẫu trong quản lý và bảo vệ của công, chống lại sự phá hoại của địch, chống việc tham ô”180 và phê phán “có tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm”181.
Ngày 30-12-1968, làm việc với Đoàn cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bác động viên “Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã chiến đấu tốt. Cả tỉnh bắn rơi 297 máy bay giặc Mỹ. Riêng Hàm Rồng bắn rơi 99 chiếc...”182 nhưng căn dặn: “Để phát triển ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng bàn với dân, dân sẽ cho ý kiến hay... Thanh Hóa dân đông, đất rộng, rừng vàng, biển bạc, đủ điều kiện để trở thành một tỉnh giàu đẹp và kiểu mẫu. Để tiến lên, các cấp và cán bộ Thanh Hóa phải thực hiện dân chủ rộng rãi với nhân dân; đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu với nhân dân”183.
Ngày 31-12
“Tiếng thơm của các liệt sỹ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”
Ngày 31-12-1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản thông báo một số động thái của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam và báo tin đã viết nhiều bài báo nhưng chưa thấy được đăng trên cơ quan lý luận của Quốc tế Cộng sản.
Ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” đăng trên Báo Cứu Quốc nêu rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết… Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này”184.
Cùng ngày, Bác viết bài “Thế giới với Việt Nam” điểm lại quan điểm của các nước lớn đối với cuộc vận động cách mạng của Việt Nam như Trung Hoa, Hoa Kỳ, Nga Xôviết, Anh, với các nước nhỏ yếu và Hội nghị Tam cường (Liên Xô, Mỹ, Anh) về vấn đề Viễn Đông để đi đến kết luận: “Chúng ta cứ bền gan, vững chí xây đắp thực lực để kiên quyết chiến đấu, sức chiến đấu ấy sẽ làm cho hoàn cầu thừa nhận nền độc lập hoàn toàn của chúng ta”185.
Cũng trong ngày này, Bác ký nhiều sắc lệnh quan trọng trong đó có việc thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết và sắc lệnh cử hai ông Bùi Bằng Đoàn nguyên Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội và Bộ trưởng Canh nông Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt có trách nhiệm chuyên xử lý các quan chức làm sai pháp luật.
Ngày 31-12-1954, nhân ngày cuối năm của năm đầu Thủ đô Giải phóng, Bác đến đặt hoa tại Đài liệt sỹ, trong diễn từ do Bác viết có đoạn: “Hỡi các liệt sỹ! Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc... Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”186.
Ngày 31-12-1958, nói chuyện với thầy và trò Trường Chu Văn An, Hà Nội, Bác dạy: “Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường: Học đi với lao động. Lý luận đi với thực hành. Cần cù đi với tiết kiệm. Muốn xã hội chủ nghĩa, phải có: Người xã hội chủ nghĩa. Muốn có người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa trái hẳn với cá nhân chủ nghĩa. Cái gì không phải xã hội chủ nghĩa là cá nhân chủ nghĩa”187.
Ngày 31-12-1959, kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội Khóa I thông qua Bản Hiến pháp sửa đổi. Phát biểu về sự kiện trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp kết luận: “Ngày mai là năm mới, nhân dân ta có bản Hiến pháp mới, đó là một kỷ nguyên mới, đẩy mạnh tiến bộ mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà...”188. Tiếp đó, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng phát biểu: Ngày mai đây, ngày mở đầu năm 1960 là năm Hồ Chủ tịch sẽ công bố Hiến pháp mới. Năm 1960 là năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 15 tuổi. Năm 1960 lại là năm kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng và năm mà vị lãnh tụ yêu mến của chúng ta là Hồ Chủ tịch lên 70 tuổi. Lịch sử Đảng và lịch sử Hồ Chủ tịch không thể tách rời nhau./.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Chú thích
167. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 496.
168. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 362.
169. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 388.
170. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 662.
171. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 10, tr. 155.
172. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 111-112.
173. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 269-270.
174. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 241.
175. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 185.
176. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 178.
177. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 343.
178,179,180, 181. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 10, tr. 156, 157.
182. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 419.
183. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 420-422.
184. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 133.
185. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 132.
186. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 427.
187,188. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 295-296, 605.