Ngày 24-12
“Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết”.
Ngày 24-12-1919, báo cáo của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc vẫn thường xuyên đến thư viện và đọc các tờ báo cánh tả như L’Humanité (Nhân Đạo) và “Le Libertaire” (Người Tự Do).
Ngày 24-12-1926, bài thứ 4 trong loạt bài chung nhan đề “Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi” của Nguyễn Ái Quốc được gửi về trong nước tiếp tục phản ánh các biến cố chính trị của một quốc gia có mối quan hệ lịch sử lâu dài với Việt Nam.
Ngày 24-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thủ lĩnh các đảng phái khác cùng ký tên công nhận các thỏa thuận nhằm “độc lập trên hết, đoàn kết trên hết”, “đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội và kháng chiến” và “đôi bên đều đình chỉ hết thảy những việc công kích nhau”142.
Ngày 24-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi đồng bào nhân Ngày lễ Thiên Chúa Giáng sinh”, bày tỏ: “Gần 20 thế kỷ trước, một vị thánh nhân đã ra đời. Cả đời Ngài chỉ lo cứu thế độ dân, hy sinh cho tự do, bình đẳng. Trong lúc này, thực dân Pháp gây cuộc chiến tranh, chúng mong cướp nước ta lần nữa. Chúng làm trái hẳn với lòng bác ái của Đức Giêsu. Toàn thể đồng bào ta, không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do. Nhân dịp này, tôi thay mặt Chính phủ và quốc dân trân trọng chúc phúc toàn thể đồng bào công giáo. Đồng thời tôi kính cẩn cầu Đức Thượng đế phù hộ dân tộc Việt Nam và giúp cho Việt Nam đi đến cuộc thắng lợi cuối cùng. Thượng đế và Tổ quốc muôn năm!”143.
Cùng ngày, Bác cũng viết hai lá thư “gửi các tù binh Pháp” và “gửi các kiều dân Pháp” đều toát lên tinh thần: “Tôi mong một ngày rất gần đây, hai dân tộc Pháp - Việt có thể cùng cộng tác trong vòng hòa bình và thân ái để mưu hạnh phúc chung cho hai dân tộc”, “Tôi biết không phải là lỗi tại các bạn, song cũng như chúng tôi, các bạn là nạn nhân của bọn thực dân phản động, chúng chỉ vì quyền lợi cá nhân ích kỷ mà gây ra chiến tranh xâm lược”… “Trong khi chờ đợi, chúng tôi không hề coi các bạn là tù nhân. Các bạn hãy yên tâm ở dưới sự che chở của chúng tôi cho đến hết chiến tranh. Khi đó các bạn sẽ được tự do”144...
Nhân ngày Nôen năm 1947, trong thư gửi đồng bào theo Đạo Thiên Chúa, Bác viết: “Chúng ta toàn dân, giáo cũng như lương, đoàn kết kháng chiến để Tổ quốc được độc lập, tôn giáo được tự do. Đức Chúa phù hộ chúng ta, chúng ta chắc sẽ thắng lợi”145.
Ngày 24-12-1949, Bác viết thư gửi nhân dân Pháp khẳng định: “Các bạn thiết tha mong đợi hòa bình. Chúng tôi cũng muốn hòa bình. Vậy chúng ta hãy hợp sức lại... Thực dân phản động sẽ bị thất bại. Lúc đó hai dân tộc chúng ta sẽ có thể bắt tay nhau trong hòa bình và nhất trí”146.
Tháng 12-1953, Bác gửi thư mừng lễ Noen tới đồng bào theo Đạo Thiên Chúa: “Phúc âm dạy chúng ta rằng: Chúa Cơ Đốc sinh ra làm gương mọi giống phúc đức như: Hy sinh vì nước vì dân, làm gương lao động, công bằng ruộng đất, tin thờ Chúa bằng tinh thần. Chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm”147.
Ngày 25-12
“Đã nói thì phải làm, nói ít mà làm nhiều, đừng nói nhiều mà làm ít”.
Ngày 25-12-1920, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp với tư cách là đại biểu Đông Dương và là đại biểu thuộc địa duy nhất có mặt tại Đại hội. Chính tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định sự lựa chọn chính trị của mình: Đi theo con đường của Lênin.
Ngày 25-1-1921, Nguyễn Ái Quốc được bầu làm đại biểu chính thức tham dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Pháp họp tại Mácxây, một thành phố cảng ở miền Nam nước Pháp và được cử vào Ban Nghiên cứu thuộc địa.
Ngày 25-12-1945, nhân ngày Thiên Chúa Giáng sinh đầu tiên kể từ khi nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư mừng tới các chức sắc và bà con tín đồ Công giáo: “Cách một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị thánh nhân là đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời Ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2000 năm, nhưng tinh thần thân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tỏa ra đã khắp, thấm vào đã sâu... Tinh thần hy sinh phấn đấu tức là noi theo tinh thần cao thượng của đức Chúa Giêsu. Trong lịch sử Việt Nam ta, lần này là lần đầu mà đồng bào công giáo ta làm lễ Nôen một cách vui vẻ sung sướng trong nước Việt Nam độc lập tự do”148.
Ngày 25-12-1946, trong bối cảnh chiến tranh mới bùng nổ, Bác viết thư tới đồng bào Công giáo nhân lễ Nôen: “Trong lúc này, thực dân Pháp gây cuộc chiến tranh, chúng mong cướp nước ta lần nữa. Chúng làm trái hẳn với lòng bác ái của Đức Giêsu. Toàn thể đồng bào ta, không chia lương, giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do... Thượng đế và Tổ quốc muôn năm!”149.
Ngày 25-12-1948, trong thư mừng Thiên Chúa giáng sinh, Bác viết: “Hôm nay, đồng bào lễ Chúa trong một bầu không khí chiến tranh, vì giặc Pháp còn đang giày xéo trên đất nước ta. Song rồi đây, thắng lợi sẽ cho chúng ta lễ Chúa long trọng hơn, trong một bầu không khí vui vẻ và tươi sáng của một nước hoàn toàn thống nhất và độc lập. Vậy đồng bào hãy cùng tôi cầu nguyện Chúa cho ngày thắng lợi sắp tới của dân tộc. Tôi cầu nguyện Chúa luôn luôn ban phúc lành cho đồng bào”150.
Ngày 25-12-1958, Bác về thăm công trường xây dựng công trình thuỷ lợi Bắc - Hưng - Hải và Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Nói chuyện với cán bộ và công nhân nhà máy, Bác phân tích rằng mọi thành công đều do tư tưởng thông, do Đảng lãnh đạo tốt, do đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động gương mẫu.
Ngày 25-12-1961, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về kế hoạch nhà nước năm 1962, Bác yêu cầu: “Ta đã nói thì phải làm, nói ít làm nhiều, đừng nói nhiều làm ít. Tập trung lực lượng vào làm cho được những cái chính... Xây dựng phải bảo đảm chất lượng. Phải có chính sách nhưng đồng thời phải có biện pháp và không nên có biện pháp nửa vời... Trong công tác xây dựng Đảng, cái gốc là chi bộ...”151.
Ngày 25-12-1967, tại lễ kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến và thành lập quân đội, Bác khẳng định: “31 triệu đồng bào ta ở cả hai miền, bất kỳ già trẻ, gái trai, phải là 31 triệu chiến sỹ anh dũng diệt Mỹ, cứu nước, quyết giành thắng lợi cuối cùng”152.
Ngày 26-12
“Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng”.
Ngày 26-12-1920, tại phiên họp buổi chiều ngày khai mạc Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII, Nguyễn Ái Quốc phát biểu khẳng định mục đích: “Tôi đến đây với tư cách là đảng viên xã hội, để phản kháng những tội ác ghê tởm trên quê hương tôi... Chủ nghĩa tư bản Pháp... đã dùng lưỡi lê để chinh phục đất nước chúng tôi... Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức... Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa... đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa... Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: “Các đồng chí hãy cứu chúng tôi!”153. Đáp lại, Chủ tịch phiên họp đã lên tiếng: “... Toàn thể Đảng Xã hội đều đứng về phía đồng chí để phản đối những tội ác của giai cấp tư sản”154.
Ngày 26-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của các tờ báo liên quan đến việc thành lập Chính phủ Liên hiệp. Trả lời câu hỏi vì sao dành 70 ghế Quốc hội cho Việt Quốc và Việt Cách có phải là không dân chủ hay không?, Bác trả lời: “Muốn đi tới dân chủ nhiều khi phải làm trái lại. Thí dụ, muốn đi tới hòa bình có khi phải chiến tranh”155. Trả lời câu hỏi vì sao không tự chỉ định mình làm Chủ tịch, Bác trả lời “Vì tôi không muốn làm như Vua Lu-i thập tứ”156 (Vua Pháp Lui XIV điển hình cho một vua chuyên quyền độc đoán). Về công tác ngoại giao, Bác nói: “Thực lực như là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn... Nhìn qua lịch sử thế giới thì rõ. Muốn được các nước công nhận phải qua một thời gian khá lâu”157.
Ngày 26-12-1963, Bác thăm và chúc Tết Hội đồng Chính phủ đang họp phiên cuối năm và nhắc nhở: "Hiện nay, chúng ta làm 3 xây, 3 chống còn kém. Anh chị em công nhân và nhân viên ở cơ sở thì rất hăng hái, nhưng từ cấp giám đốc lên đến bộ trưởng, thứ trưởng thì còn nhiều người chưa chuyển, cho nên có chỗ cuộc vận động bị tắc lại. Bây giờ phải làm 3 xây, 3 chống cả hai chiều, từ dưới lên và từ trên xuống. Bản thân các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng, các cán bộ lãnh đạo phải 3 xây, 3 chống. Hơn ai hết, người lãnh đạo phải nhận rõ cuộc vận động 3 xây, 3 chống này rất quan trọng để làm cho tốt... Phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần kiệm liêm, chính, chí công vô tư... Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng... Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”158.
Ngày 26-12-1965, tiếp tục dự họp Hội nghị Trung ương lần thứ 12, Bác khẳng định nhân dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhưng vẫn sẵn sàng giải quyết cuộc chiến tranh bằng thương lượng hòa bình, “nếu Mỹ thực sự xin ra thì ta còn tặng hoa cho họ nữa”159. Cùng ngày, trong bài báo có nhan đề “Kẻ cướp nói chuyện hòa bình” với bút danh “Chiến Sĩ”, Bác khẳng định: “Với tinh thần gang thép, chúng ta vừa dũng cảm chiến đấu, vừa ra sức sản xuất và tiết kiệm, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh thì chắc chắn là Mỹ nhất định thua. Ta nhất định thắng!”160.
Ngày 27-12
“Mong cho ai cũng đua nhau làm việc nghĩa”.
Ngày 27-12-1919, báo cáo của mật thám Pháp theo sát mọi hành trạng của Nguyễn Ái Quốc cho thấy trong ngày, nhà cách mạng trẻ đi rất nhiều nơi và luôn làm cho mật thám săn đuổi bị mất dấu tích.
Trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Pháp, họp tại Mácxây tháng 12-1921, đại biểu thuộc địa Nguyễn Ái Quốc đã tham gia dự thảo “Nghị quyết về chủ nghĩa cộng sản và các thuộc địa”, trong đó khẳng định: “Bằng bất cứ cách nào những khó khăn đó cũng không thể biện minh cho việc Đảng Cộng sản từ bỏ một chính sách thuộc địa thực tế và có kết quả”161. Dự thảo cũng đề cập tới việc phát động “một phong trào đối kháng mang tinh thần Cộng sản, chống chủ nghĩa tư bản”162, thành lập cơ quan đặc biệt chuyên nghiên cứu và sưu tập tài liệu, tích cực công tác tuyên truyền và dành một mục riêng về thuộc địa trên báo Đảng và các ấn phẩm của Đảng...
Cũng trong ngày, Đại hội ra “Lời kêu gọi” có sự tham gia soạn thảo của Nguyễn Ái Quốc: “Nếu câu phương ngôn “Đoàn kết làm ra sức mạnh” không phải là một câu nói suông. Nếu đồng bào muốn giúp đỡ lẫn nhau. Nếu đồng bào muốn bênh vực cho quyền lợi của bản thân mình, cũng như quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa. Hãy gia nhập Hội Liên hiệp thuộc địa!”163.
Ngày 27-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn một số nhà hữu sản có tâm đức đã đi đầu trong việc đóng góp cho phong trào nhường cơm sẻ áo cứu giúp đồng bào đói khổ. Thư có đoạn: “Trong sự sẻ áo nhường cơm cứu giúp nạn đói, người có nhiều giúp nhiều, người có ít giúp ít. Tuy có người ít, người nhiều, nhưng ai cũng sẵn sàng giúp đỡ những đồng bào đói khổ... Ngoài sự tỏ rõ tấm lòng bác ái, sự giúp quyên của các ngài và các bà lại còn có ý nghĩa khác: 1) Là làm gương cho các nhà phú hộ khác, mong cho ai cũng đua nhau làm việc nghĩa, 2) Là tỏ rõ rằng các phú hộ tiên tiến Việt Nam ta đã thực hành câu: “Cứu một người hơn mười đám cháy”, 3) Là chứng tỏ rằng toàn quốc đồng bào ta, từng lớp nào cũng sẵn lòng giúp Chính phủ; vì trách nhiệm của Chính phủ là phải giúp dân, các ngài, các bà giúp đồng bào tức là giúp Chính phủ. Vì vậy, tôi xin thay mặt Chính phủ và các đồng bào đói khổ mà cảm tạ tấm lòng vàng ngọc của các ngài và các bà”164.
Ngày 27-12-1946, trong bài viết “Một vài ý kiến về các Ủy ban Kiến thiết, động viên dân chúng, tăng gia sản xuất, Ủy ban tản cư”, Bác đưa ra khẩu hiệu:
“Tiền phương ra sức chiến đấu,
Hậu phương tăng gia sản xuất,
Tiền hậu phương đều kháng chiến.
Thì kháng chiến quyết thắng lợi!”165.
Ngày 27-12-1951, Báo Nhân Dân đăng “Thư gửi toàn thể chiến sỹ và cán bộ nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân Giải phóng Việt Nam” Bác nhắc nhở “cần phải phát huy tinh thần anh dũng của Quân Giải phóng, cần phải thấm nhuần tư tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng phải trường kỳ và gian khổ, cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và đi sát với nhân dân, để thắng nhiều trận to hơn nữa, để tiêu diệt sinh lực địch, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”166.
Ngày 27-12-1967, Bác gửi thư khen đồng bào và chiến sỹ Quân khu IV dũng cảm, kiên cường, đánh giỏi, thắng lớn đã bắn rơi 1.000 máy bay trong đó có 2 pháo đài bay B.52 và bắn chìm nhiều tàu chiến của địch.
Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
142. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3. tr. 107.
143,144. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 490, 488-489.
145 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 333.
146 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 377.
147. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 197.
148. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 121-122.
149. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 490.
150. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 5, tr. 538.
151. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 170-171.
152. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 323.
153,154. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 22-24.
155. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 125.
156,157. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 125, 126.
158,160. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 185, 570.
159 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 338.
161,162,163. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 444, 445, 447.
164, 165. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 123, 495.
166. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 357.