Chỉ mục bài viết

 Ngày 20-12

“Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn”.

Ngày 20-12-1919, báo cáo mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc tiếp tục thường xuyên đến Thư viện Thánh Gienevievơ, đọc báo “L’ Humanité” (Nhân Đạo) và chơi bida với Phan Chu Trinh.

Ngày 20-12-1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác tiếp Đoàn đại biểu Liên khu IV do Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu IV làm Trưởng đoàn. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh về việc truy tố trước Tòa án Quân sự những kẻ đầu cơ tiền tệ, làm tiền giả và các tội phá hoại nền tài chính quốc gia.

Ngày 20-12-1954, trong bài báo có nhan đề “Từ ngày nhân dân ta bắt đầu kháng chiến, đế quốc Mỹ đã nhúng tay vào chiến tranh xâm lược Đông Dương”, với bút danh “C.B”, Bác khẳng định: “Sự can thiệp của đế quốc Mỹ đã làm cho cuộc chiến đấu của nhân dân Đông Dương kéo dài và gặp thêm nhiều khó khăn, nhưng chúng không thể ngăn cản nổi nhân dân Đông Dương đánh cho bọn xâm lược những đòn chí tử, không ngăn cản nổi nhân dân Đông Dương giành những thắng lợi oanh liệt và nhất định sẽ thu được thắng lợi cuối cùng”111.

Ngày 20-12-1961, Bác đến thăm và nói chuyện với Đại hội lần thứ 2 của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Bài nói tập trung vào chủ đề “Bác rất yêu quý thanh niên... Bác rất yêu mến thanh niên. Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng. Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa... Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong quân đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc. Vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần, thanh niên có; việc gì khó, thanh niên làm”... Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn...”112.

Ngày 20-12-1963, trả lời các nhà báo Xô viết nhân kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bác nêu rõ: “Do sự đoàn kết chặt chẽ và chiến đấu anh dũng của mình và sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng chính nghĩa và hòa bình trên thế giới, nhân dân miền Nam Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi, đế quốc Mỹ và bọn tay sai nhất định sẽ thất bại”113.

Ngày 20-12-1966, trong “Thư khen Hợp tác xã Tân Phong (Thái Bình) đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc”, Bác viết: “Bác nhắc các cô, các chú xã viên và cán bộ Tân Phong không nên chủ quan tự mãn với những thắng lợi bước đầu... Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ và thật sự dân chủ...”114.

Cùng ngày, trong thư cảm ơn một nhóm báo chí Nhật Bản đã gửi thư bày tỏ tình cảm tốt đẹp với nhân dân ta, Bác viết: “Tôi hoan nghênh nhân dân Nhật Bản đã dũng cảm đấu tranh cho độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập của mình. Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi nhờ quý báo chuyển lời cảm ơn nhân dân Nhật Bản đã nghiêm khắc lên án đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam và mạnh mẽ ủng hộ nhân dân Việt Nam chúng tôi trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước”115. Còn trong trả lời phỏng vấn của báo “Acahata”(Cờ Đỏ), cơ quan của Đảng Cộng sản Nhật Bản, Bác khẳng định: “Vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hòa bình ở Châu Á và thế giới, nhân dân Việt Nam không sợ hy sinh gian khổ, quyết đánh, quyết thắng và nhất định sẽ thắng giặc Mỹ xâm lược”116.

Ngày 20-12-1968, trong ngày, Bác tiếp 30 cán bộ và chiến sỹ thuộc Binh chủng Đặc công đến từ Mặt trận miền Nam và các diễn viên đoàn Chèo Nam Định.

Ngày 21-12

“Cơ hội giải phóng đến rồi!

Mau mau đoàn kết lại!!!”

Ngày 21-12-1941, Báo "Việt Nam Độc lập" đăng bài “Thế giới đại chiến và phận sự dân ta” của Nguyễn Ái Quốc. Sau khi phân tích nguy cơ chiến tranh, bài báo nêu câu hỏi “Thế thì dân ta nên làm sao để tránh khỏi cái nạn ấy?” và trả lời: “Dân ta nên làm hai việc: 1 là - Bất kỳ quân đội nào tới gần vùng mình, dân ta phải làm cách “nhà không vườn trống”... Chỉ bao giờ Việt Minh có lệnh giúp cho quân đội nào thì dân ta sẽ giúp cho quân đội ấy. 2 là - Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào “Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào “Thanh niên Cứu quốc hội”. Phụ nữ vào “Phụ nữ Cứu quốc hội”... Các bậc phú hào, văn sĩ vào “Việt Nam Cứu quốc hội”... Hỡi đồng bào! Cơ hội giải phóng đến rồi, mau mau đoàn kết lại!!!”117.

Ngày 21-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ bàn về canh nông, việc Việt Nam Quốc dân đảng tham gia Chính phủ Liên hiệp, vấn đề tuyển chọn thẩm phán... và ký Sắc lệnh thành lập các thành phố trực thuộc Trung ương hoặc các kỳ.

Ngày 21-12-1946, hơn một ngày sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ trên cả nước, Bác viết thư “Gửi dân chúng Việt Nam, dân chúng Pháp, dân chúng các nước Đồng Minh”. Trong đó nêu rõ: “Dân tộc Việt Nam nay bị đặt trước hai đường: Một là khoanh tay, cúi đầu trở lại nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập. Không! Dân tộc Việt Nam không để cho người ta trở lại thống trị nữa. Không! Dân tộc Việt Nam không bao giờ muốn trở lại nô lệ nữa. Dân tộc Việt Nam thà chết chứ không chịu mất độc lập và tự do... Tất cả quốc dân Việt Nam phải đứng dậy bảo vệ Tổ quốc!”118.

Ngày 21-12-1951, Báo Cứu quốc đăng bài “4 thành 0, 6 thành 4” của Bác kêu gọi: “Quân ta hăng hái thi đua giết giặc lập công. Dân ta hăng hái thi đua nộp thuế nông nghiệp để nuôi bộ đội giết giặc. Thì giặc Pháp sẽ hết ngõ, cùng đường”119.

Tháng 12-1951, trong lá thư gửi đồng bào công giáo nhân dịp lễ Nôen, Bác viết: “Một lần nữa chúng ta chúc mừng ngày Sinh nhật Đức Chúa trong khói lửa chiến tranh mà giặc Pháp đã gây ra. Đức Chúa đã giáng thế và đã hy sinh cho tự do và bác ái giữa loài người... Trong ngày lễ Nôen, tôi mong đồng bào nhớ cầu nguyện cho những chiến sỹ giáo và lương đã kháng chiến anh dũng và đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Nhớ cầu nguyện cho những vị giáo sĩ và bà phước từ Bắc đến Nam, đã vì chính nghĩa mà bị giặc Pháp giết hại. Tôi mong đồng bào đoàn kết thêm chặt chẽ trong công cuộc kháng chiến để phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc, và để thực hiện lời Chúa dạy: “Hòa bình cho người lành dưới thế ”120.

Ngày 21-12-1954, Bác viết bài “Đế quốc Mỹ ráo riết phá Hội nghị Giơnevơ nhưng chúng đã thất bại nhục nhã” đăng trên Báo Nhân Dân, khẳng định: “Thành công của Hội nghị Giơnevơ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Đông Dương, nhân dân Pháp và nhân dân thế giới”121.

Ngày 21-12-1960, Báo Nhân Dân đăng bài có nhan đề “Tiết kiệm” của Bác với lời kết luận: “Thực hành tiết kiệm tức là trực tiếp góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đồng bào ta nên luôn luôn ghi nhớ điều đó!”122.

Ngày 22-12

“Quân đội ta anh hùng trong kháng chiến mà cũng anh hùng trong hòa bình”.

Ngày 22-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự cuộc mít tinh do Công đoàn CTG tổ chức và phân phát tại đây một số bản in “Yêu sách của Nhân dân An Nam”.

Ngày 22-12-1924, từ Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc viết thư tới Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản thông báo việc đã tập hợp một số đồng chí từ Đông Dương sang và yêu cầu chỉ thị cho các đồng chí người Nga đang công tác ở Quảng Châu hỗ trợ.

Ngày 22-12-1945, Báo Cứu quốc đăng đoạn thư “Gửi các chiến sỹ miền Nam”, viết: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa rất khen ngợi chiến sỹ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sỹ ở Nha Trang và ở Trà Vinh, đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn”123 và ký tên “Hồ Chí Minh”.

Ngày 22-12-1949, gửi thư cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, Bác xác định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ. Quân đội ta luôn luôn giữ gìn và phát triển truyền thống anh dũng của Quân Giải phóng Việt Nam và đạo đức cách mạng gồm trong 10 điều kỷ luật”124.

Tháng 12-1953, trong thư gửi “Cán bộ và chiến sỹ Mặt trận Điện Biên Phủ”, Bác căn dặn: “Phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch; quyết tâm giữ vững chính sách; quyết tâm tranh nhiều thắng lợi...”125. Với “Thư gửi lớp chỉnh Đảng Liên khu V”, Bác nhấn mạnh: “Mục đích chỉnh Đảng là để dùi mài cán bộ và đảng viên thành những chiến sỹ xứng đáng là người đày tớ của nhân dân... Phải thật sự thi hành dân chủ trong Đảng và trong quần chúng...”126.

Ngày 22-12-1954, trong bài viết “Mừng ngày sinh nhật Quân đội nhân dân” đăng trên Báo Nhân Dân, với bút danh “C.B”, bài báo ôn lại: “10 năm trước đây, quân đội Nhật Pháp tung hoành, nhân dân Việt Nam khốn khổ. Trong lúc đó ở Lạng Sơn, Cao Bằng, vài nhóm du kích bắt đầu tổ chức. Tuy cái gì cũng thiếu nhưng dũng cảm có thừa. Hồi đó có người nói với một giọng thương hại: “Châu chấu sao đấu nổi ông voi!”. Bác trả lời một cách đanh thép: “Bây giờ chúng ta mới có vài chục người du kích, chắc chắn sau này chúng ta sẽ có hàng chục vạn hùng binh”. Rất tin tưởng, đồng bào Cao - Lạng trả lời bằng cách khuyên con em tham gia các đội du kích và hết lòng ủng hộ các chiến sỹ như cha mẹ săn sóc đàn con cưng...”127, và bài báo kết luận bằng câu thơ:

“Quân ta công trạng lớn lao,

Mười năm lịch sử biết bao nhiêu tình!”128.

Ngày 22-12-1958, tại lễ phong quân hàm lần thứ hai trong lịch sử Quân đội nhân dân, Bác căn dặn: “Dù ở cương vị nào, các đồng chí đều phải luôn luôn gương mẫu, luôn luôn xứng đáng là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”129.

Ngày 22-12-1959, tại lễ chiêu đãi nhân Ngày thành lập Quân đội, Bác biểu dương: “Quân đội chúng ta anh hùng trong kháng chiến mà cũng anh hùng trong hòa bình”130.

Ngày 22-12-1968, lần cuối cùng Bác đến Nghĩa trang Liệt sỹ Hà Nội thắp hương tưởng niệm nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam lần thứ 24.

Ngày 23- 12

“Miền Nam tất thắng”.

Ngày 23-12-1923, trên số báo “Ogniok” xuất bản tại nước Nga Xô viết đã đăng bài báo có nhan đề “Thăm một chiến sỹ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” của nhà thơ Xô viết Êxớp Manđenxtam, thuật lại cuộc gặp gỡ giữa tác giả và Nguyễn Ái Quốc trong đó nhà cách mạng Việt Nam đã bày tỏ: “Thật thú vị là chính quyền Pháp đã dạy cho những người nông dân chúng tôi biết những từ “bônsêvích” và “Lênin”. Chúng lùng bắt những người cộng sản trong dân chúng, trong khi chẳng có người cộng sản nào, hoàn toàn không có ngay cả trong ý niệm, và như vậy chính chúng đã tuyên truyền cho chủ nghĩa bônsêvích và Lênin”131 . Còn tác giả bài viết thì đưa ra nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”132.

Ngày 23-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với các đảng phái bàn về việc thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cùng đưa ra “Văn kiện 14 điều thỏa thuận” trong đó nhất trí “Trong Chính phủ liên hiệp chính thức, Hồ Chí Minh tiên sinh làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần tiên sinh làm Phó Chủ tịch...”133 .

Chiều 23-12-1946, Bác thảo văn kiện có nhan đề “Hỏi và trả lời” nhằm giải thích và tuyên truyền cho cuộc kháng chiến toàn quốc mới bùng nổ. Văn kiện viết: “Có người hỏi kháng chiến sẽ bao giờ thắng lợi. Tôi trả lời: Giồng khoai 3 tháng mới có củ, giồng lúa 4 tháng mới được ăn... Thử xem Trung Quốc kháng chiến 8 năm mới thắng lợi... Muốn trị lửa phải dùng nước. Địch muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng...”134. Trả lời nhiều câu hỏi như: “Toàn dân kháng chiến là thế nào?”135, Bác trả lời rồi đưa ra câu thơ:

“Dân ta phải giữ nước ta,

Dân là con nước, nước là Mẹ chung”136.

Trả lời câu hỏi: “Đồng bào ở hậu phương nên làm việc gì?”137, Bác cũng có mấy vần thơ:

“Tiền phương chiến sỹ hy sinh,

Đem xương máu mình giữ nước non ta.

Hậu phương sản xuất tăng gia,

Cũng là kháng chiến, cũng là vẻ vang”138.

Ngày 23-12-1963, trong bài viết có nhan đề “Miền Nam tất thắng”, đăng trên Báo Nhân Dân, bình luận về cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Bác nhận định “chúng sẽ đảo lẫn nhau và cuối cùng nhân dân sẽ đảo cả lũ chúng”139.

Ngày 23-12-1964, Báo Nhân Dân công bố trả lời của Bác với Hãng Thông tấn Côplây (Hồng Kông), trong đó khẳng định: “Nếu Mỹ tiến công Bắc Việt Nam, chúng tôi sẽ kiên quyết đánh lại”140. Để giải quyết vấn đề Việt Nam “chỉ có một cách là Mỹ phải tôn trọng Hiệp định Giơnevơ..., phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam..., chấm dứt những hành động chiến tranh đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”141.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

111. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 548.
112. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 488-489.
113. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 472.
114,115. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 177, 178.
116. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 495.
117. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 152-153.
118. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 483-484.
119,120. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 356, 359.
121 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 409.
122. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 577.
123. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 120.
124 . Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 376.
125,126,127,128. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, 198, 200, 411, 412.
129 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 275.
130. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 600.
131,132. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 479, 478.
133 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 521.
134,135,136,137,138. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 485-486.
139,140,141. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 182, 351.

Bài viết khác: