Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Chỉ mục bài viết

 74. Bác đi chợ Tết

Đầu những năm 1960, Bác Hồ có nguyện vọng đi chợ Tết để xem tình hình đời sống xã hội ở Thủ đô đã có những thay đổi gì.

Thực tiễn công tác cảnh vệ của chúng tôi cho thấy Bác Hồ của chúng ta có sức hút kỳ lạ đối với mọi tầng lớp nhân dân. Bác đi thăm chợ vào ngày 30 Tết là thời điểm đáng lo ngại nhất cho chúng tôi. Người tứ xứ dồn về buôn bán ở chợ Đồng Xuân rất đông, có hàng chục vạn người. Nếu biết tin Bác đến chợ thì lòng khát khao được gặp Bác của họ sẽ trở thành sức mạnh không dễ gì cản nổi. Hậu quả xảy ra về người, về của sẽ khó lường. Làm sao bảo vệ an toàn cho Bác, cho đồng bào và tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Bởi vậy, mấy năm liền, yêu cầu của Bác chưa giải quyết được. Tới ngày 30 Tết năm 1963, phương án đưa Bác đi thăm chợ Đồng Xuân mới được thực hiện. Bác và hai chiến sĩ cảnh vệ chúng tôi phải hóa trang để đảm bảo bí mật. Người đội chiếc mũ cát trắng, đeo kính lão mắt tròn, gọng nhỏ như các cụ đồ nho xưa. Bác mặc chiếc quần gụ đã phai màu, áo đủ ấm, bên ngoài lại khoác chiếc áo mưa vải bạt đã sờn vai, cổ quàng khăn nhiều vòng để che kín bộ râu làm cho khuôn mặt khác đi, chân đi dép cao su. Bác hóa trang rất khéo ngay cảnh vệ chúng tôi cũng khó nhận ra. Tôi đóng vai "con", còn chiến sĩ trẻ là "cháu". Ba ông cháu đi chợ, cháu tay xách làn mây đựng vài củ hành tây, túm cà rốt và ít rau thơm.

Bác rất vui vừa đi vừa nói chuyện tự nhiên.

Theo kế hoạch, tôi đưa Bác theo đường Nguyễn Thiệp để vào cổng sau chợ Đồng Xuân. Đến phố Hàng Khoai, thấy cảnh chợ Bắc Qua đông vui quá, Bác đổi hướng đi ngay vào chợ.

Tuy biết đã có lực lượng bố trí dự phòng tôi cũng lên tiếng thưa với Bác:

- Bố ơi, vào chợ Đồng Xuân đi lối này cơ mà.

Bác nhìn tôi mỉm cười:

- Ừ, nhưng ông cháu mình vào đây xem tí đã!

Chợ Bắc Qua lúc ấy họp ngoài trời, chỉ có vài chiếc lều lá. Hàng hóa chất ngổn ngang, lối đi chật chội vì người đông. Tôi đi trước mở lối, anh cháu đi sau dắt ông thận trọng.

Sang chợ Đồng Xuân, Bác xem không bỏ sót dãy hàng nào. Chúng tôi hoàn toàn bị động theo ý muốn của Bác giữa những dòng người cuồn cuộn, xô đẩy vào nhau. Bác đứng lại các hàng Tết hỏi giá cam, thịt, giá vải hoa. Bác ngắm đọc nơi có bảng giá.

Ra đến đầu chợ hoa, Bác dừng lại ngắm mấy cụ đồ nho ngồi viết câu đối Tết ở ngã ba Hàng Lược. Người xem đứng vòng trong, vòng ngoài bàn tán về những câu đối... Vầng trán Bác hơi nhíu lại, vẻ suy tư... Có lẽ Bác đang nhớ về một kỷ niệm xa xưa... Đến dãy bán hoa đào Bác đi chậm hơn. Gặp một hàng bán hoa huệ, bỗng Bác ngồi xuống chọn một bó và hỏi giá. Bác rất khéo chọn hoa. Bó hoa Bác chọn là một trong những bó đẹp nhất. Chị bán hàng hỏi đòi năm hào. Sợ Bác đứng lâu bị lộ, tôi buột miệng trả luôn hai hào. Hiểu ý tôi trả lời là vì trách nhiệm, Bác đứng dậy đi và nói nhỏ vào tai tôi:

- Trả giá như chú thì đi chợ cả ngày cũng chẳng mua được gì!

Tôi linh cảm thấy Bác như không hài lòng vì không mua được bó hoa huệ. Sau này, tôi hiểu ra Bác vốn thích hoa huệ mà sao lúc đó tôi lại vô tâm không biết. Điều ấy cứ làm tôi ân hận mãi.

(Theo Phan Văn Xoàn, trích trong "Nhớ mãi lời Bác")

75. Đêm Giao thừa Bác đã đến thăm

Chiều ba mươi Tết Tân Sửu (1961), anh Vũ Đình Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội được báo tin sẽ có một cán bộ của Trung ương đến thăm gia đình vào tối giao thừa. Anh đi báo họ hàng thân thiết để vui chung đón giờ phút giao thừa trang trọng đó.

Bà nội của anh Khoa là cụ Phạm Thị Hoan 92 tuổi đã ăn mặc chỉnh tề ngồi ở phòng khách. Cụ là người mẹ đức hạnh, rất giỏi chữ Nho. Mọi người vây quanh cụ để nói chuyện làm ăn một năm qua.

Bỗng cánh cửa rộng mở. Bác Hồ bước vào nhà, cả gia đình bàng hoàng xúc động. Bác Hồ đã đến rồi!

Bác Hồ nhanh nhẹn chủ động, vui vẻ chào mọi người. Bác đi thẳng vào bếp rồi lại nhanh nhẹn lên gác hai. Bác trở xuống phòng khách, cụ Hoan chờ sẵn. Bác nắm chặt tay cụ và mời cụ ngồi. Nhưng cụ không dám ngồi vì Bác vẫn đứng. Anh Khoa mang ghế đến cho Bác, lúc đó bà anh mới ngồi xuống. Thấy Bác hỏi chuyện, anh Khoa vội thưa:

- Thưa, bà cháu hơi nặng tai ạ!

- À, thế thì cho Bác cái gì để Bác viết cho bà xem vậy.

Anh Khoa đưa cho Bác tấm bảng đen để Bác và bà nói chuyện với nhau bằng chữ Nho.

Bác hỏi nghề nghiệp của từng người và nói: "Đây là gia đình nhà giáo".

Sau đó Bác hỏi anh Khoa:

- Còn chú làm nghề gì?

- Thưa Bác cháu không làm nhà giáo, cháu làm công tác văn hóa ạ.

Đột nhiên Bác nói:

- Thế công tác văn hóa không phải là công tác giáo dục à? Cả nhà cùng cười vui vẻ.

Lúc đó, Vũ Chu Hùng, cháu nội anh Khoa xin hát một bài "Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng".

Bác thưởng kẹo cho Hùng và nói: Lần sau phải hát cho hay vào.

Trong giờ phút xúc động, cụ Hoan liên tục lau nước mắt vì niềm hạnh phúc đến với cụ thật bất ngờ và to lớn. Khi Bác bước ra cửa tạm biệt gia đình anh, ở ngoài phố bà con đã hồi hộp vây quanh xe ô tô của Bác chờ được tận mắt trông thấy Bác Hồ kính yêu.

"Bác Hồ muôn năm!"

Bác âu yếm vẫy tay chào mọi người.

(Ghi theo lời kể của đồng chí Vũ Đình Khoa, trích trong "Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội")

76. Là thực hay mơ

Xuân Canh Tý 1960.

Bấy giờ tôi còn đang công tác ở Ủy ban hành chính khu Hoàn Kiếm. Tôi được phụ trách công giáo của năm khối: Nhà Chung, Ấu Triệu, Chân Cầm, Phủ Doãn và Ngô Quyền.

Tối 30 Tết, khoảng 7 giờ 15 phút tôi lững thững đi bộ đến chỗ họp mặt. Nhưng trụ sở vắng ngắt, cuộc họp lưu lại đến 11 giờ đêm mới bắt đầu, để đón giao thừa và nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ luôn.

Tôi bèn quay về. Gần đến nhà, thấy thấp thoáng bóng công an sau các cột đèn và gốc cây ven đường. Gặp trưởng công an khối, tôi hỏi:

- Có việc gì thế đồng chí?

Anh không trả lời vào câu hỏi của tôi, chỉ cười và thay cho lời chào: - Bác đi chơi về đấy à? Tôi trả lời và vào nhà. Tự dưng thấy bồn chồn, bèn lại trở ra đi loanh quanh. Qua số nhà 35 Phủ Doãn, người trong nhà trông thấy mời tôi uống nước. Tôi vừa ngồi xuống ghế, chén nước bưng lên chưa kịp uống thì một anh công an bước vào bảo tôi:

- Mời bác về nhà ngay, có khách!

Tôi vội vàng đứng lên, ra đến cửa nhìn về phía nhà mình thấy có ba xe ô tô không cùng kiểu nhau đỗ từ bao giờ, tôi bước nhanh khi nghe tiếng con trai tôi reo:

- Bác Hồ! Bác đến nhà ta!

Vừa tới cửa tôi đã nghe thấy Bác hỏi:

- Gia đình ta chuẩn bị đón giao thừa chưa?

Không kịp đến gần, bởi lúc này Bác đã đến gần bếp rồi, nhưng tôi cũng nói to lên:

Dạ, thưa Bác chưa ạ!

Bấy giờ ông cụ tôi mới đi từ trên gác xuống. Tôi thấy hai cụ ôm nhau và hôn nhau rất thắm thiết. Tôi rất xúc động, đứng lặng đi một lúc không biết nói và cũng chẳng biết làm gì. Tôi đã từng nhìn thấy Bác và gặp Người đôi lần trong các cuộc họp của mặt trận và Ủy ban thành phố. Nhưng hạnh phúc được Người đến nhà, được nói chuyện với Người thì quả thật tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới, ngay cả trong mơ. Niềm hạnh phúc này lớn quá, đột ngột quá, khiến tôi lúng túng. Người tôi đờ ra, chân tay như bị thừa, lưỡi tôi cứng lại, thậm chí tôi không chào được Bác nữa. Bác từ bếp trở ra. Tôi như chợt tỉnh cơn mê, vội vàng lấy chiếc ghế mây (cả nhà chỉ có một chiếc ghế mà bây giờ tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm) để mời Bác ngồi. Bác không ngồi ngay. Người bê hai cái ghế đẩu kê sát liền nhau và mời:

- Ông cụ ngồi đây!

- Bà cụ ngồi đây!

Đợi khi cả hai cụ tôi ngồi rồi Bác mới chịu ngồi. Tôi định đi pha nước mời Bác thì đồng chí Trần Danh Tuyên, bấy giờ là Bí thư Thành ủy, đi cùng Bác gạt đi:

- Thôi, thôi không phải nước non gì cả, ngồi quây quần lại đây cho ấm cúng để Bác nói chuyện.

Thế là cả gia đình tôi ngồi xung quanh Bác. Bác bế cậu con trai út của tôi cho ngồi vào lòng và hỏi:

- Ông cụ năm nay bẩy chín phải không? Mỗi bữa cụ ăn được mấy bát cơm? Cụ có ngủ được nhiều không?

- Vâng, cảm ơn Cụ hỏi thăm. Tôi ăn được mỗi bữa ba bát cơm và tuy tuổi cao nhưng vẫn ngủ được nhiều. Bác lại hỏi:

- Cụ chuyên chữa về gì?

- Thưa Cụ tôi chuyên trị các bệnh về phụ nữ và trẻ em ạ.

- Cụ làm thuốc thế có châm cứu không?

- Dạ thưa tôi cũng có châm cứu.

- Nghề châm cứu là nghề rất quý. Nghề này đã chữa được nhiều loại bệnh mà lại đỡ tốn thuốc. Và như vậy thì rất tốt.

Quay sang tôi Bác hỏi tiếp:

- Chú là con trưởng à?

Tôi vội vàng thưa:

- Dạ thưa Bác vâng ạ.

- Chú công tác ở Ủy ban hành chính khu Hoàn Kiếm phụ trách một cụm hả? Một cụm thì có mấy khối?

- Vâng ạ, cháu phụ trách một cụm gồm có năm khối.

Tôi trả lời Bác như một cái máy. Bởi vì xúc động đến nghẹn ngào vẫn dâng đầy trong lòng.

... Bác chủ động hỏi thăm tất cả, từng người một trong gia đình, từ lớn đến nhỏ. Ai cũng nhận thấy Bác thật là gần gũi, thân thiết biết bao. Bác như người bà con thân thuộc, không hề có sự cách biệt giữa vị Chủ tịch nước và người dân thường, mà lại là người công giáo. Tôi đang suy nghĩ miên man thì lại nghe Người hỏi:

- Năm nay chú gói được bao nhiêu chiếc bánh chưng? Đã chuẩn bị Tết được những gì?

- Dạ, cháu thực hiện đúng lời Bác dạy: "Tiết kiệm là quốc sách". Mậu dịch đã gói bánh chưng sẵn rồi, ấn chiếc nào ra mua chiếc ấy cho đỡ lãng phí.

Trước khi ra về, nhìn cả gia đình tôi ấm cúng, con cháu quây quần xung quanh cụ tôi, Bác chúc:

- Tôi xin chúc cụ sống một trăm tuổi và chúc "Tứ đại đồng đường".

Người nắm chặt hai bàn tay cụ đưa ra bắt tay. Cả nhà tôi đi theo tiễn Bác. Tôi nhìn rất lâu bóng dáng của người Cha già thân thương của cả dân tộc. Bước lên ô tô rồi, Người vẫn còn vẫy tay. Nhìn theo chiếc ô tô đã khuất ở đầu phố tất cả chúng tôi đều còn bàng hoàng như vừa tỉnh sau một cơn mơ tuyệt đẹp...

(Theo Bùi Xuân Tuân, trích trong "Nơi đây Bác viết Tuyên ngôn")

77. Bao giờ quên được

Tôi xuất thân nghèo khổ, mười hai tuổi đã phải đi học nghề kim hoàn. Từ quê Thạch Thất ra Hà Nội tôi dọn đến ở nhiều phố: Hàng Bạc, Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Hàng Nón. Đến khi làm ăn khấm khá hẳn thì ở Hàng Trống cho đến bây giờ.

Hồi kháng chiến chín năm, tôi không có điều kiện ra ngoài, phải nằm lại thành phố bị tạm chiếm, lòng lúc nào cũng hướng về Chính phủ Cụ Hồ, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Bác và chắc chắn thắng lợi cuối cùng rồi sẽ đến.                                                             

Kế đó vào Ngày sinh nhật của Bác Hồ, năm ấy, tôi lại kính dâng lên Người một món quà nhỏ: Đó là chiếc hộp bạc, khuôn khổ vừa bằng tấm danh thiếp của tôi, mặt nắp có khắc bản đồ Tổ quốc. Người thể hiện là ông Nguyễn Văn Mẫn, một nghệ nhân khắc vững tay nghề, có lòng yêu nước. Ít lâu sau, Ủy ban kháng chiến hành chính Quận nội thành gửi cho tôi một công văn, thông báo đã chuyển ngay chiếc hộp bạc để đệ trình lên Hồ Chủ tịch, và cổ vũ tôi: "Ông đã tỏ ra luôn luôn sốt sắng với cuộc kháng chiến và tin tưởng mãnh liệt vào Hồ Chủ tịch". Công văn đã ký tên Chủ tịch Phan Hữu Huân (bí danh Nguyễn Tiến Đức thời đó).

Sau này ngôi nhà của tôi được chọn làm trụ sở bí mật của Ủy ban kháng chiến hành chính Quận nội thành.

Gian ngoài là cửa hàng vàng bạc, tủ kính bày nhiều đồ trang sức, mỹ nghệ. Chính cái tủ kính cũng là chỗ thông báo các mật hiệu khi có báo dộng. Sau ngày Thủ đô giải phóng, cái đêm ba mươi Tết năm Canh Tý ấy đối với gia đinh tôi thật khó quên. Trời tối một lúc lâu, cả nhà quây quần trong căn phòng lớn rực rỡ cành đào và ngan ngát mùi hương. Bà mẹ tôi tuổi ngoài tám mươi còn minh mẫn, sung sướng nhìn đàn con cháu đoàn tụ đủ mặt dưới mái nhà ấm. Đây là cái Tết thứ sáu cả gia đình được hưởng không khí Tết tự do, sau nhiều Tết lo âu, ngột ngạt của Hà Nội bị tạm chiếm.

Câu chuyện hàn huyên đang đậm đà, sôi nổi thì có tiếng gọi cửa. Một nguồn vui bất ngờ như một nguồn ánh sáng trong trẻo ùa vào khiến mọi người sững sờ, không nói lên lời: Bác Hồ đến thăm!

Bác nhanh nhẹn, tươi cười hỏi chuyện cả nhà. Tôi luýnh quýnh chưa kịp mời Bác ngồi, Bác đã đi thẳng vào bếp.

- Năm nay nhà ta có gói nhiều bánh chưng không?

Mọi người cảm động vì sự chăm sóc tỉ mỉ của Bác. Tôi kính cẩn mời Bác ngồi. Già, trẻ, lớn, bé, hơn mười người vây quanh Bác, đầm ấm thân tình.

Bác hỏi chuyện tôi về chuyến đi thăm nước ngoài của đoàn đại biểu công thương gia và nhân sỹ mà tôi là một thành viên. Tôi báo cáo với Bác những điều tai nghe mắt thấy ở nước bạn. Bác căn dặn: Nên đem những kinh nghiệm của bạn áp dụng vào những hoạt động công thương của nước mình.

Bác Hồ đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho nhân dân ta. Riêng đối với gia đình tôi, tình thương yêu ấy đủ thấm sâu đến cả đàn con cháu. Nay con cháu tôi đều nên người, đứa kỹ sư, đứa bác sĩ, ba người là đảng viên, ân đức Bác muôn thuở chẳng phai. Và chúng tôi bao giờ quên được cái đêm ba mươi Tết năm Tý ấy!...

(Theo Bùi Hưng Gia, trích trong "Nơi đây Bác viết Tuyên ngôn độc lập")

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác: