Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Chỉ mục bài viết

 85. Những người in lời Di chúc

Đang sôi nổi bước vào đợt thi đua lấy thành tích chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9 thì được tin Bác Hồ yếu mệt, mọi người lo lắng theo dõi các thông báo về tình hình sức khỏe của Người.

Rồi một tin chẳng lành được công  bố: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Toàn nhà máy sửng sốt, bàng hoàng, đau thương vô hạn. Đúng lúc đó những công nhân Nhà máy in Tiến Bộ được giao nhiệm vụ quan trọng: In gấp Lời Di chúc của Bác Hồ và những văn kiện lịch sử quan trọng của Trung ương về tang lễ của Người.

Đây là một vinh dự lớn và cũng là một trách nhiệm nặng nề đối với họ. Vì những văn kiện này ấn hành không những phải trang trọng, đảm bảo kỹ thuật cao mà còn phải hoàn thành nhanh với một số lượng lớn để kịp thời phân phối đến tay bè bạn quốc tế và nhân dân trong nước.

Những người thợ đầu tiên được nâng trên tay bản thảo Lời Di chúc của Bác Hồ không cầm được nước mắt. Bác đã viết những dòng chữ thiêng liêng đó khi sức không được khỏe nên nét chữ run run. Còn giấy viết vẫn theo một thói quen tiết kiệm, Người dùng trang giấy còn một mặt của bản tin Việt Nam Thông tấn xã.

Hai đảng viên trẻ Phạm Quang Hưng và Phạm Ngọc Phú được vinh dự chụp ảnh ốp-xét bản di chúc lịch sử đó. Nhìn bản thảo, các anh bồi hồi xúc động, giữ gìn để không rơi một giọt nước mắt trên trang giấy viết tay của Bác, lo lắng làm sao đảm bảo được kết quả.

Thông thường những bản thảo đưa chụp ốp-xét phải viết bằng mực đậm trên giấy thật trắng mới đảm bảo kỹ thuật. Bản thảo Di chúc của Bác viết trên màu giấy ngà ngà, chữ viết bằng mực xanh, chữa bằng mực đỏ làm thế nào chụp được ảnh lên nền trắng, làm thế nào lấy được thật rõ nét? Phải làm sao cho các thế hệ sau này được nhìn thật rõ ràng từng dòng chữ của Bác. Các anh bàn bạc, suy nghĩ, cặm cụi với kỹ thuật làm đi thử lại nhiều lần. Sau bốn giờ làm việc liên tục, các anh đã hoàn thành tốt công việc, kỹ thuật bảo đảm, ảnh chụp trên nền trắng, lấy được rõ từng nét chữ kể cả những gai nhỏ trong các nét chữ.

Cũng trong những ngày này, cán bộ và công nhân các phân xưởng chữ, in và sách đều làm việc khẩn trương. Hàng ngày khi vào nhà máy, mọi người đều đứng mặc niệm trước bàn thờ Bác rồi vào ca nhận việc. Nhiều công nhân đã làm việc trắng đêm, hoặc làm hai ca liền để sắp chữ, sửa bài, đặt trang, đóng sách. Những bát chữ bằng bốn thứ tiếng Việt, Nga, Anh, Pháp được liên tiếp chuyển đến phân xưởng in sớm hơn thời gian quy định. Công việc lên khuôn in cũng được rút ngắn thời gian như chưa từng thấy, có khi từ 6 giờ xuống còn 90 phút. Mọi người đều cố gắng làm nhanh làm tốt, muốn làm nhanh làm tốt hơn nữa. Trong những ngày đau thương này, họ đều nhớ lại hình ảnh Bác Hồ trong lần đến thăm nhà máy.

Buổi chiều nắng đẹp tháng 5/1959, Bác bất chợt đên thăm nhà máy. Bác vào nhà trẻ, chia kẹo cho các cháu. Bác đến phân xưởng chữ, dừng lại khá lâu trước chiếc máy Toàn Chương đang chạy. Bác chụp ảnh với công nhân. Mọi người vây quanh Bác như quây quần quanh một người Cha hiền hậu. Trên thềm sân nhà phân xưởng, Bác đã nói chuyện với công nhân toàn nhà máy. Bác đi đôi dép cao su, mặc bộ quần áo màu gụ giản dị, đầu trần tóc trắng dưới nắng chiều.

Nhiều năm tháng đã trôi qua nhưng cán bộ và công nhân Nhà máy in Tiến Bộ không bao giờ quên được những ngày lễ tang đau thương này và hình ảnh Bác Hồ càng in đậm nét trong tâm tư, tình cảm của mỗi người. Họ vẫn nhớ từng lời Bác căn dặn: "... Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa... Muốn sản xuất tốt thì phải quản lý tốt, vì cũng máy ấy nếu quản lý không tốt thì sản xuất không tốt. Các cô chú phải cố gắng làm cho Nhà máy in Tiến Bộ thành nhà máy gương mẫu...".

Nhớ lời Bác, cán bộ và công nhân Nhà máy in Tiến Bộ quyết tâm sẽ tiến bộ mãi mãi.

(Theo lời kể của ông Phan Văn Truột, công nhân Nhà máy in Tiến Bộ, trích trong "Bác Hồ với Ba Đình")

86. Hai lớp huấn luyện đặc biệt trong lịch sử công tác tư tưởng của Đảng ta

Suốt quá trình sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của Đảng ta, của nhân dân ta đã luôn luôn quan tâm đến việc huấn luyện cán bộ, đảng viên nhằm tạo nên một đội ngũ cán bộ đảng viên đủ đức, đủ tài để lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Người thường nói cán bộ là khâu quyết định trong việc đưa phong trào cách mạng tiến lên, Người cũng hay nhắc nhở có cán bộ tốt, đảng viên tốt thì mọi việc mới thành công, đảng viên là người tiên phong gương mẫu nói là dân nghe, làm là dân theo.

Những năm 60 của thế kỷ trước, khi Đảng ta thực hiện cuộc vận động xây dựng chi bộ 4 tốt, đảng viên 4 tốt, Người lại nói: Chi bộ tốt là mọi đảng viên đều tốt, ý của Người là tất cả các đảng viên dù ở cương vị nào cũng đều phải tốt theo những tiêu chuẩn của Đảng.

Với tư tưởng đó, năm 1966 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh giải phóng miền Nam gay go quyết liệt và nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc rất phức tạp và nặng nề đòi hỏi Đảng ta phải mạnh hơn nữa, Bác có ý muốn Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội mở một lớp đảng viên dự bị, Bác sẽ đến giảng bài, để toàn Đảng thống nhất những yêu cầu, nội dung cần bồi dưỡng cho đảng viên ngay từ khi họ mới vào Đảng. Lúc đó ai cũng hiểu là nếu Bác trực tiếp giảng bài sẽ thúc đẩy các cấp ủy đảng phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đảng viên.

Năm 1966, tôi là trưởng bộ phận giáo dục đảng viên của Vụ Huấn học, được phân công giúp việc mở lớp này, tôi xin kể lại đôi nét như sau:

Đầu năm 1966, khi đó đồng chí Vũ Tuân là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng truyền đạt ý kiến của Bác cho Ban Tuyên giáo Trung ương thì ai cũng bất ngờ và phấn khởi vì việc này là nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng, Bác bận trăm công nghìn việc của người lãnh đạo cao nhất của Đảng mà lại quan tâm đến một việc cụ thể như thế. Không bất ngờ sao được vì ngay đến việc mời Bác đến thăm một lớp huấn luyện cán bộ sơ cấp cũng không ai dám nghĩ tới, nay Bác lại muốn trực tiếp huấn luyện cho đảng viên dự bị.

Thực hiện chỉ thị của Bác, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Thành ủy Hà Nội mở lớp theo ý định của Bác. Việc chuẩn bị được tiến hành chu đáo, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Ban Tuyên giáo Trung ương, lúc đó đồng chí Đào Duy Tùng, Phó Trưởng ban trực tiếp chuẩn bị kế hoạch và đồng chí Tố  Hữu, Ủy viên Bộ Chính trị là Trưởng ban triệu tập để thảo luận và thống nhất kế hoạch. Tất nhiên kế hoạch này đã được trao đổi với Thành ủy Hà Nội, cụ thể là đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư và đồng chí Nguyễn Bá Đoán, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo.

Trong bản dự thảo kế hoạch có mấy điểm đáng chú ý là đối tượng học viên là đảng viên dự bị và đảng viên mới (đã là đảng viên chính thức) mở một lớp đảng viên công nghiệp và một lớp cho đảng viên nông nghiệp. Chương trình học tập gồm ba bài: Chủ nghĩa cộng sản mục đích, lý tưởng của Đảng ta; đường lối cơ bản của Cách mạng Việt Nam; tổ chức cơ sở Đảng, vai trò nhiệm vụ của đảng viên. Thời gian học tập là 7 ngày, về giảng viên, đề nghị Bác đến thăm lớp thứ nhất có bài nói chuyện mở đầu chương trình. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng đến giảng tất cả các bài khác. Bản dự thảo kế hoạch được gửi sang Văn phòng Trung ương để xin ý kiến Ban Bí thư.

Chỉ vài hôm sau, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận lại Bản kế hoạch, lại một sự bất ngờ nữa đó chính là Bác đã sửa Bản kế hoạch đó rất cụ thể. Bút tích của Bác đã được lưu giữ. Việc Bác sửa Bản kế hoạch càng làm cho Ban Tuyên giáo Trumg ương và Thành ủy Hà Nội phải quan tâm hơn nữa đến việc tổ chức tốt hai lớp này. Về Bản kế hoạch, trong nội dung sửa, Bác ghi rõ lớp này là lớp đảng viên mới, có một điểm chúng tôi nhớ rất rõ, thời gian ấy trong các văn bản của Đảng, danh  từ đảng viên thường là để chỉ đảng viên ở cơ sở không có chức vụ, Bác đã gạch chữ thường đi và sửa là đảng viên cơ sở, thật là sáng suốt, về danh sách giảng viên Bác đồng ý mời các đồng chí: Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính  trị, đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Tố Hữu, Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Hoàng Anh, Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng đến giảng.

Thực ra, trước khi trình kế hoạch sang Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương đã cử cán bộ đến mời, các đồng chí đã vui vẻ nhận lời và cho đó là sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với công tác xây dựng Đảng ở cơ sở.

Thực hiện kế hoạch trên, lớp đầu tiên được tổ chức ở trường Chu Văn An, vì lớp mở trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên việc chuẩn bị phải thật cẩn thận nhất là việc phòng không và phòng gian bảo mật. Lớp học khai giảng sáng 14/5/1966 có 169 học viên ở 20 xí nghiệp Trung ương và địa phương. Đối  tượng là đảng viên mới, những người có thành tích và có triển vọng tiến bộ.

Mỗi xí nghiệp có học viên đi dự phải cử một cấp ủy viên đi theo để hướng dẫn học tập. Lớp học tổ chức trọng thể và trang nghiêm lại có nhiều đồng chí lãnh đạo Thành phố và Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự nên nhiều học viên đã linh cảm thấy sẽ có điều gì đặc biệt, có người đã đoán là Bác sẽ đến. Sau khi đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Thành ủy khai mạc thì Bác xuất hiện trong bộ quần áo lụa màu nâu giản dị và quen thuộc. Cả lớp đứng dậy, rất tưng bừng và phấn khởi, vỗ tay náo nhiệt cả hội trường. Đợi cho lớp học trở lại trật tự, Bác mới ôn tồn nói chuyện. Nội dung bài nói của Bác rất dễ hiểu, đề cập đến những vấn đề rất cơ bản và thiết thực. Trước hết Bác đề cập đến mục đích và động cơ vào Đảng. Bác nói: "Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài? Không phải! Trước đây, khi Đảng hoạt động bí mật, các đồng chí chúng ta vào Đảng chỉ một lòng một dạ làm cách mạng. Bọn đế quốc, phong kiến bắt bớ, cầm tù, xử tử rất nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng, nhưng các đồng chí chúng ta vẫn hăng hái hoạt động. Có những đồng chí như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, và rất nhiều đồng chí khác đã anh dũng hy sinh cho Đảng, cho cách mạng". Bác nhấn mạnh: "Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm tròn nghĩa vụ của người đảng viên".

Sau đó, Bác đề cập đến những nội dung lớn trong chương trình học tập, đó là chủ nghĩa cộng sản mục đích và lý tưởng của Đảng ta, đường lối cơ bản của Đảng và nhiệm vụ trước mắt của Cách mạng Việt Nam. Tổ chức cơ sở Đảng và vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và phương pháp công tác của người đảng viên.

Bác nhấn mạnh đến vấn đề lý tưởng, lẽ sống của người đảng viên.

Bác nói: "Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là suốt đời làm cách mạng, phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới... Chúng ta phải đem hết tinh thần và nghị lực mà phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng hoàn thành thắng lợi".

Bác nhắc đảng viên phải hết sức quan tâm học tập đường lối của Đảng "vì có nắm vững đường lối Cách mạng mới thấy rõ phương hướng tiến lên của Cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng".

Bác phân tích về vai trò, nhiệm vụ của chi bộ, của từng đảng viên, Bác nói: "Phải hiểu rõ quyền hạn, nhiệm vụ của người đảng viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với Đảng. Các cô, các chú còn phải nắm vững công tác Cách mạng của Đảng, ví dụ như cách vận động quần chúng. Không đi theo đường lối quần chúng của Đảng thì sẽ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng".

Bác nhấn mạnh đến việc học  tập của đảng viên: "Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi học tập lý luận và chính trị là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của mình". "Học phải đi đôi với hành chứ  không phải học để nói suông". Về việc tu dưỡng rèn luyện của đảng viên, Bác nói: "Hàng ngày phải tự kiểm điểm để cố gắng làm đúng 10 nhiệm vụ của đảng viên. Người ta, hàng ngày ai cũng phải rửa mặt sạch sẽ. Hàng ngày mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm như rửa mặt. Hàng ngày mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm mình, phải lấy 10 nhiệm vụ của đảng viên mà tự kiểm điểm".

Trong khi Bác nói chuyện các học viên rất chú ý song với lòng kính yêu vô hạn đối với lãnh tụ, học viên chăm chú nhìn Bác hơn là lắng nghe lời Bác. Vì vậy sau đó, Ban phụ trách lớp phải hướng dẫn thật tỉ mỉ nội dung thảo luận và thu hoạch. Sau bài nói chuyện của Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị đã giảng bài chủ nghĩa cộng sản, mục đích, lý tưởng của Đảng ta. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng giảng bài đường lối Cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ phát triển công nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Bộ Chính trị giảng bài tổ chức cơ sở Đảng và vai trò nhiệm vụ của đảng viên. Tất cả các bài đều được giảng viên giảng giải sát với trình độ của đảng viên mới nên rất dễ hiểu.

Tiếp sau lớp học cho đảng viên mới thuộc các ngành công nghiệp, ngày 27/5/1966, lớp thứ hai được mở cho đảng viên mới thuộc khối nông nghiệp của Hà Nội. Lớp học được tổ chức ở đình Quảng An (huyện Từ Liêm) có 164 học viên, chương trình cũng tương tự như lớp trước, song nội dung được soạn thảo phù hợp với tình hình nông thôn lúc bấy giờ. Trong buổi khai mạc các học viên được nghe lại và thảo luận bài nói của Hồ Chủ tịch, nhiều đồng chí tỏ ra tiếc không được dự lớp trước để trực tiếp gặp Bác. Song các đồng chí cũng vô cùng phấn khởi vì được các đồng chí lãnh đạo Đảng trực tiếp giảng bài là đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Hoàng Anh, Bí thư Trung ương Đảng và đồng chí Tố Hữu, Ủy viên Bộ Chính trị. Cả hai lớp học đều được đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Tuân, Phó Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Bá Đoán, Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo chỉ đạo cụ thể và săn sóc. Về phía Ban Tuyên giáo Trung ương thì đồng chí Tố Hữu, Trưởng ban và đồng chí Đào Duy Tùng, Phó Trưởng ban trực tiếp phụ trách. Ban Tuyên giáo Trung ương và Hà Nội đều cử một số cán bộ có kinh nghiệm và năng lực làm công tác giáo vụ và tổ chức.

Ban Tuyên giáo Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch học tập, tổ chức biên soạn và in thành sách bài  nói của Bác và các bài giảng của các đồng chí lãnh đạo Đảng (riêng đồng chí Phạm Văn Đồng cho ý kiến là bài giảng chủ nghĩa cộng sản mục đích và lý tưởng của Đảng ta chỉ in một bài của đồng chí Trường Chinh để cho nội dung được thống nhất). Ngày 15/8/1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tri số 184-TTr/TW về đợt giáo dục chính trị cơ bản cho đảng viên mới.

Thực hiện Thông tri và hướng dẫn của Trung ương, các địa phương, các ngành Trung ương đã tích cực mở lớp huấn luyện đảng viên mới theo kinh nghiệm của Trung ương, hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các cấp ủy tỉnh, thành đều tham gia giảng dạy ở lớp đầu tiên của địa phương. Từ đó, công tác giáo dục đảng viên mới trở thành nề nếp và là nhiệm vụ thường xuyên của các trung tâm giáo dục chính trị quận, huyện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy.

Đối với hai lớp huấn luyện đặc biệt do Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội mở, các học viên đi học về nói chung đều tiến bộ, chỉ gần một năm sau Ban Tuyên giáo Thành ủy mở một đợt kiểm tra cho thấy hầu hết các đồng chí đều phát triển về trình độ công tác và có ý thức giữ gìn phẩm chất. Lớp đảng viên công nghiệp có 169 đồng chí dự thì 82 đồng chí được giao nhiệm vụ quan trọng hơn. Lớp đảng viên nông thôn có 164 đồng chí dự thì 163 đồng chí được giao nhiệm vụ quan trọng hơn. Đồng chí Phạm Lợi đã là Phó Bí thư Thành ủy, hiện nay là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cũng là một học viên của lớp đảng viên công nghiệp.

Theo chúng tôi, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương và chỉ đạo mở lớp huấn luyện đảng viên mới như trên đã trình bày là một sự kiện đặc biệt trong lịch sử công tác tư tưởng của Đảng. Với kết quả thiết thực, to lớn và ảnh hưởng sâu rộng của nó thì rõ ràng đây là một điểm trong nội dung tư tưởng  Hồ Chí Minh  về công tác xây dựng Đảng.

Hơn bao giờ hết, việc giáo dục mục đích, lý tưởng của Đảng, bồi dưỡng lốì sống, phẩm chất chính trị, vai trò tiên phong của người đảng viên là hết sức cấp bách. Việc giáo dục động cơ vào Đảng, đi đôi với việc phê phán những động cơ sai lầm đã xảy ra chẳng những cần thiết đối với người muốn xin vào Đảng, đối với đảng viên mới mà còn quan trọng cả với đảng viên cũ vì việc xác định đúng đắn động cơ vào Đảng, gắn liền với lẽ sống, phẩm chất chính trị đạo đức là một việc phải làm suốt đời của người đảng viên. Có như vậy mới góp phần vào việc chỉnh đốn Đảng theo hướng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng như chủ đề của Đại hội lần thứ 10 của Đảng đã nêu ra.

(Lê Hùng Tâm, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận, Ban Tuyên giáo Trung ương)

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: