Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Chỉ mục bài viết

 12. Tượng đồng bia đá cũng không bằng

 Bác hết sức chăm lo đến việc chống giặc dốt. Nạn mù chữ còn là một di sản nặng nề do chế độ thực dân để lại. Theo lời kêu gọi của Bác, gần chục vạn giáo viên bình dân học vụ và hàng triệu đồng bào đang lao vào trận đánh để đẩy lùi giặc dốt.

Bác không những quan tâm một cách đặc biệt đến việc mở mang hiểu biết cho người dân một nước độc lập mà còn đặt vào đó những tình cảm thiết tha. Nha bình dân học vụ gửi tới Bác cuốn "Phương pháp và cách thức dạy vỡ lòng chữ quốc ngữ". Bác xem rồi tự viết vào đầu cuốn sách: "Anh chị em giáo viên bình dân học vụ cố gắng đọc kỹ sách này, rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết. Thế là làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc".

Trong thư gửi giáo viên bình dân học vụ, Người viết: "Tôi mong rằng trong một thời gian rất ngắn, lòng hăng hái và sự nỗ lực của anh chị em sẽ có kết quả vẻ vang: Đồng bào ta ai cũng biết đọc, biết viết. Cái vinh dự đó thì tượng đồng bia đá cũng khồng bằng".

 (Trích từ: Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn hóa, 1997)

13. Ngày ấy Bác về

Mùa Thu năm 1964, nước sông Hồng lên to, đê quai Khuyên Lương có nguy cơ sắp vỡ. Lực lượng chúng tôi thức suốt ba, bốn đêm liền coi bờ, đắp thêm con chạch, quyết giữ không cho nước tràn vào.

Buổi sáng hôm ấy, đang mơ mơ tỉnh tỉnh ở quán canh ven đê, tôi giật mình tỉnh dậy thì Bác đã đến. Chủ tịch Trần Duy Hưng giới thiệu với Bác:

- Thưa Bác, đây là đồng chí Lương Văn Nghĩa, Chủ nhiệm Hợp tác xã.

Người tôi lúc ấy cứ nóng ran lên. Được gặp Bác ngay trong lúc gay go này thật sung sướng và bất ngờ quá.

Bác vỗ vai tôi và hỏi:

- Các chú có mệt không?

- Thưa Bác, không mệt lắm đâu ạ!

Bác liền hỏi gặng:

- Có thật không, làm suốt đêm mà không mệt thì giỏi thật!

Rồi Bác bảo tôi:

- Các chú dẫn Bác ra ngoài đê!

Bác hăng hái xắn quần đi cùng với chúng tôi. Hôm đó trời oi bức nên Bác cũng mệt. Đi đến cái lều ở gốc cây gạo, Bác định vào nghỉ. Lúc ấy, mấy công nhân phụ trách máy phát điện đang ngủ, chúng tôi định gọi anh em dậy, Bác liền xua tay:

- Làm việc cả đêm mệt, để các chú ấy ngủ!

Nói rồi, Bác xắn quần đi trước rất nhanh. Anh em bảo vệ thấy nóng, quạt cho Bác, Bác liền cầm quạt tự quạt lấy. Mặt trời đã lên cao, nắng bắt đầu gay gắt hơn. Bác hỏi chúng tôi:

- Các chú có quyết tâm bảo vệ không?

- Thưa Bác quyết tâm ạ!

Bác vui vẻ hỏi:

- Các chú quyết tâm bảo vệ là rất tốt, nhưng có khi phải hy sinh cái nhỏ để bảo vệ cái lớn!

Bác còn động viên nhân dân đang thường trực chống lụt hồi lâu rồi mới quay về.

Đến gốc gạo, Bác dừng chân vào lều nghỉ. Lúc này công nhân đã thức dậy. Vừa quạt, Bác vừa hỏi anh em:

- Các chú ngủ có ngon không?

- Thưa Bác ngủ ngon ạ!

- Các chú trực đến mấy giờ?

- Thưa Bác đến gần sáng để giải quyết điện cho bà con ạ!

Bác cười hiền từ:

- Các chú tận tình giúp nông dân thế là tốt. Công nông phải đoàn kết để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các đồng chí ở hợp tác xã đã bồi dưỡng gì các chú chưa?

- Thưa Bác, các đồng chí ấy bận chưa kịp bồi dưỡng và đấy cũng là nhiệm vụ của chúng cháu ạ!

Bác quay lại hỏi chúng tôi:

- Sao các chú không bồi dưỡng cho công nhân? '

- Thưa Bác, có ạ!

- Ừ, thế chứ, phải đoàn kết, xây dựng quan hệ công nông cho tốt!

Nói chuyện với anh em công nhân xong, Bác cùng đồng chí Trần Duy Hưng đi bộ ra xe. Chúng tôi trìu mến nhìn theo mãi bóng hình thân thương của Bác.

Và xúc động biết bao sau đó hai tháng, Bác có viết thư cho Thành ủy và hỏi thăm các đồng chí công nhân đã được hợp tác xã chúng tôi bồi dưỡng chưa?

(Theo Anh hùng Lao động Lương Văn Nghĩa: Muôn vàn tình thân yêu, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1969).

14. Bác Hồ nói về làng mỹ nghệ

Tháng 02 năm 1964, nhân dịp Hội nghị Trung ương lần thứ 10, tôi được gọi lên tổ chức trưng bày những mặt hàng do Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp làm ra. Triển lãm trưng bày tương đối đầy đủ các mặt hàng, sản phẩm của học sinh và cán bộ, nghệ nhân trong trường.

Bác xem hàng đồ gốm và khen:

- Nên phát triển cái này, các cụ ta trước đây làm nhiều cái này. Đồ sành, đồ gốm nó chắc bền, nó đẹp và thật quý, chứ ta ít làm đồ sứ quá. Nhưng dù thế nào cũng phải đảm bảo tính dân tộc. Bác nghĩ một chút rồi lại nói tiếp:

- À tính dân tộc. Bác chỉ vào cái chén và bảo:

- Đây này, ta chỉ có cái chén mà không có cái tách, cái tách là ngoại lai, cái tách là LA TASSE, cái chén không có cái tai. Các cụ uống trà, mời nhau thì bưng cái chén bằng hai tay, chứ không xách cái tai tách mà giơ ra mời (Bác vừa cười vừa làm hiệu), có uống cũng nâng chén lên, hai tay xoa xoa rồi mới uống, mà uống rất nóng. Đấy là dân tộc đấy.

Rồi Bác lại nói tiếp:

- Không những thế, nó còn tiện lợi. Chén không có tai, khi xếp chồng lại rất gọn vì không có tai, lại dễ rửa sạch vì cái bẩn thường cáu lại ở góc tai.

Bác lại chỉ vào cái ấm có quai bằng mây mà nói:

- Đây này, nên phát triển cái này mà không nên phát triển cái này (Bác chỉ vào cái ấm có tai). Cái này nó ở cái ấm tích và cái ấm đất của nông dân, cái này là của ta. Phải tìm hiểu phong tục tập quán, cách dùng của ta mà ra kiểu. Đấy là dân tộc ấy.

Sau đó Bác hỏi có phải nhập nguyên liệu của nước ngoài không? Tôi thưa:

- Thưa Bác, đại bộ phận là ở trong nước ạ! 

Bác bảo:

- Tốt, còn lại tí ti bộ phận kia cũng cố gắng giải quyết nốt đi thì tốt hơn. Ta có dùng được tất cả là của ta thì mới rẻ.

Nghĩ một lát, Bác cười bảo:

- Sao chú không nói phần lớn nguyên liệu mà lại là đại bộ phận?

Bác như người cha hiền từ chú ý bảo ban con cái. Bác rất vui và nhắc chúng tôi phải làm thật tốt, nhanh, rẻ, để phục vụ nhân dân.

Đến trước mấy bộ bàn ghế bằng tre, trúc, Bác bảo:

- Thế này tốt, xứ ta là xứ nóng, không nên làm mãi các loại ghế to có đệm, vừa nặng, vừa đắt tiền mà nóng quá không ai muốn ngồi. Nên làm nhiều loại bằng trúc này vì ở nước ta tre trúc rất nhiều, dễ làm, ta khéo tay, có kiểu là có thể tự làm lấy được. Ghế làm bằng tre trúc vừa nhẹ nhàng, rẻ tiền, lại vừa sạch.

Đến trước một số hàng dệt, chủ yếu là hàng thổ cẩm Bác bảo:

- Dân ta chưa mua được những thứ này đâu, nhưng nếu bán ra ngoài được nhiều thì nên bán, tốt hơn là bán tơ cuộn, nhưng cũng phải làm thế nào cho nhanh, cho nhiều vì ta còn cần nhiều máy móc.

Bác luôn tươi cười và đi xem rất tỉ mỉ, chỉ có mấy hôm mà Bác vào phòng trưng bày đến bảy lần.

Có một buổi trưa, tôi đến sớm để dọn dẹp, đã thấy Bác đang xem xét. Bác thân mật hỏi chuyện tôi và bảo:

- Chú đợi đây, Bác về lấy cho xem mấy thứ đồ của bạn tặng Bác.

Một chốc, Bác trở lại với một biển chạm gỗ, một biển chạm nổi bằng ngà voi, một chén sứ đưa cho tôi xem, bảo tôi nhận xét rồi nói:

- Đúng là khéo, thật khéo nhưng không đẹp! Bởi vì tham quá, rườm rà quá. Ta phải thấy cho đúng cái khéo của người ta mà học tập, những cái gì chưa tốt phải nhận ra, đừng có tự ti. Phải thấy rõ cái giỏi, cái quý của mình mà giữ lấy. Đây, cho chú mượn một tuần xem cho kỹ.

Người còn dạy bảo:

- Ta có nhiều nghề quý như khảm trai ốc, chạm gỗ, thêu... Rất nhiều cái quý mà thợ giỏi cũng nhiều, nhưng bây giờ đều già cả rồi, các chú phải tìm lại, tìm những cụ già mà học, làm tốt lên, đừng có để mất đi.

(Theo Nguyễn Khang: Tập sáng tác Hội văn nghệ Hà Nội, tháng 5-1970).

15. "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh"

"Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam...". Đó là bài đồng ca ở đầu buổi biểu diễn báo cáo thành tích học tập với Bác kính yêu, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi của học sinh Trường Âm nhạc Việt Nam tại Phủ Chủ tịch, tối ngày 31-5-1969.

Hôm ấy, chúng tôi đưa các em đến Phủ Chủ tịch khá sớm để chuẩn bị. Tất cả đều hồi hộp chờ Bác đến. Im lặng và ánh nhìn hướng về phía cửa. Bỗng cả hội trường bừng lên náo nhiệt: - Bác đến rồi! Nhìn Bác đi thong thả, chậm rãi, linh cảm lo âu bỗng trào lên: Bác yếu mệt rồi ư? Nhưng rồi điều lo lắng ấy của mọi trái tim tan đi nhanh chóng khi bắt gặp nụ cười ấm áp của Bác và khi Người đưa tay vẫy gọi các cháu. Như đàn chim non, bầy trẻ ào đến quây quần quanh Bác. Bác dẫn các cháu đến chỗ Bác ngồi và bế hai cháu nhỏ nhất vào lòng, kéo các cháu khác đứng bên cạnh. Bác hỏi các cháu chuyện học hành, vui chơi... các cháu tranh đáp lời Bác. Cháu nào cũng muốn kể với Bác thật nhiều. Bác tươi cười chăm chú nghe các cháu kể chuyện như người ông đi xa mới về nghe đàn cháu ríu rít khoe chuyện ở nhà. Trong không khí đầm ấm ấy, các cháu trong hội đồng ca mở đầu buổi diễn. Bác Hồ vỗ tay hòa theo nhịp hát của các cháu. Cả hội trường hưởng ứng. Bài đồng ca biến thành bài hát tập thể sôi nổi, dạt dào... "Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh, Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài. Bác chúng em nước da nâu vì sương gió..." và đến lúc lời ca cuối bài ngân lên "Chúng cháu ước mong Bác Hồ Chí Minh sống... muôn... năm". Cả hội trường trào lên trong tiếng vỗ tay kéo dài.

Sau mỗi tiết mục, Bác lại thưởng các cháu kẹo và ân cần động viên, nhận xét bài các cháu biểu diễn. Đặc biệt, sau khi em Nguyễn Thu Hải độc tấu đàn 36 dây, Bác ôm hôn và đưa em hai cái kẹo. Hải lưỡng lự băn khoăn không biết nên nhận một hay cả hai chiếc, vì em thấy các bạn ai cũng chỉ nhận một chiếc. Thấy vẻ lưỡng lự ấy, Bác hỏi ngay?

- Cháu muốn lấy một hay hai cái kẹo?

- Thưa Bác! Cháu muốn lấy một cái ạ.

Bác Hồ vui vẻ:

- Ừ phải, cháu ăn một cái, còn một cái để phần các bạn Tây Nguyên.

Chả là Hải biểu diễn khá đạt bài "Em nhớ Tây Nguyên". Chi tiết nhỏ bé ấy khiến chúng tôi thấu hiểu lòng Bác chẳng lúc nào nguôi nhớ miền Nam.

Ngay lúc như có điều gì suy nghĩ, Bác gọi em Hải:

- Cháu vừa biểu diễn bằng cây đàn gì vậy?

- Thưa Bác, đấy là cây đàn tam thập lục ạ!

Bác liền bảo:

- Sao cháu không gọi là đàn 36 dây theo tiếng của chúng ta?

Hải lúng túng:

- Thưa Bác, vâng ạ!

- Chúng tôi và các em đâu ngờ đó là buổi biểu diễn cuối cùng để Bác xem trước lúc Người đi xa mãi mãi.

(Trích trong cuốn Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005).

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: