Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Chỉ mục bài viết

 78. Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Hợp tác xã Tiền Phong cá rô phi, xã Liên Sở giàu lên từ cá giống ao cá Bác Hồ

Yên Sở là xã có nhiều diện tích hồ, ao, ruộng trũng hơn các địa phương khác trong huyện Thanh Trì - thường được  gọi  là "rốn" chứa nước của thành phố. Trước năm  1958, hồ ao chưa được công hữu hóa, các gia đình chỉ dùng ao thả ít cá cải thiện bữa ăn gia đình và chủ yếu là thả bèo nuôi lợn. Do làm ăn riêng lẻ nhà nào biết nhà nấy, gặp khi mưa to, lũ lớn nước tràn không giữ nổi mất cả cá, lẫn bèo. Khi đó, Yên Sở nhiều người có kinh nghiệm vớt cá giống ở sông Hồng chuyên bán cho nơi khác. Vì thế, tuy nhiều hồ, ao nhưng sản lượng cá thương phẩm không đáng kể.

Từ năm 1958, thực hiện chủ trương của Đảng, nhân dân Yên Sở nô nức vào tổ đổi công. Trên cơ sở đó tiến lên thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Đến năm 1959, toàn xã đã thành lập 12 hợp tác xã. Dựa vào thế mạnh có nhiều hồ, ao, chi bộ Đảng đã lãnh đạo các hợp tác xã quy hoạch mở rộng các hồ, ao, đắp bờ vùng, bờ thửa. Đội nuôi cá được thành lập gồm những người có kinh nghiệm. Trong số các hợp tác xã nổi lên hợp tác xã Tiền Phong, khá nhất về nuôi cá.

Biết được thế mạnh của Yên Sở, cấp trên chủ trương cung cấp cá giống có chất lượng cao để Yên Sở phát triển nhân rộng cung cấp cho các nơi khác.

Tháng 5/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã gửi tặng Hợp tác xã Tiền Phong, thôn Yên Duyên, xã Yên Sở 96 con cá rô phi. Đây là cá giống mới nhập từ nước ngoài vào, được Bác nuôi trong ao cá ở Phủ Chủ tịch.

Vinh dự, tự hào cũng là trách nhiệm lớn đặt ra đốì với cán bộ, đảng viên và nhân dân Yên Sở. Bằng những kinh nghiệm chưa đủ, với quyết tâm vươn lên, hợp tác xã mạnh dạn cử người đi học kỹ thuật nuôi cá ở các lớp do thành phố tổ chức. Từ đây Hợp tác xã Tiền Phong đã cung cấp cá giống cho các hợp tác xã trong xã, các hợp tác xã trong huyện và nhiều nơi khác. Sẵn có nguồn cá giống tại chỗ, Yên Sở tiếp tục cải tạo hàng chục mẫu hồ, ao. Năng suất cá cũng tăng từ 50kg/sào năm 1961 lên gần l00kg/sào năm 1964. Những năm sau năng suất càng cao hơn.

Ngành nuôi cá của Yên Sở đã mang lại nguồn lợi lớn cho bà con xã viên. Nhận thấy ngành Nuôi cá của hợp tác xã có thu nhập cao, được sự gợi ý của huyện và thành phố, Yên Sở đã đầu tư hàng vạn ngày công lao động để biến những ruộng trũng trước đây cấy hai vụ không ăn chắc sang vừa cấy được một vụ lúa, vừa nuôi được một vụ cá. Và như vậy, Yên Sở có gần 450 mẫu nuôi cá ở vùng trũng. Kinh nghiệm đó được nhiều hợp tác xã áp dụng. Cùng với tăng diện tích nuôi cá, Yên Sở đã áp dụng kỹ thuật "đánh tỉa, thả bù". Khi cá đến kỳ thu hoạch chỉ vớt những con cá to, để lại những con cá nhỏ. Cơ cấu giống cá cũng được thay đổi thường xuyên đưa thêm những giống cá có năng suất cao vào sản xuất.

Ngoài cá rô phi, Yên Sở còn nuôi cá mè hoa, trắm cỏ, trôi Ấn Độ... Thực  hiện chủ trương của thành phố, lấy phát triển sản xuất thực phẩm là chính, nhân dân Yên Sở càng gắng sức phát triển nuôi cá và trở thành địa phương nuôi cá giỏi của thành phố và miền Bắc. Sản lượng cá hàng năm tăng lên nhanh chóng từ 50 tấn lên 100 tấn, 200 tấn rồi 400 tấn trong một năm. Năm 1968, Yên Sở được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích sản xuất. Năm 1976 hợp tác xã Yên Duyên được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích bán nhiều cá cho Nhà nước.

Năm 1977, Yên Sở tiến hành tổ chức lại sản xuất theo Chỉ thị 208 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Hai hợp tác xã toàn thôn: Yên Duyên và Sở Thượng được hợp nhất lại thành hợp tác xã quy mô toàn xã. Yên Sở có thêm điều kiện thuận lợi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật vào nghề nuôi cá. Một trạm bơm lớn được xây dựng. Với sức mạnh tập thể, liên tục trong nhiều năm, Yên Sở đã đào đắp tới 1 triệu mét khối đất. Riêng năm 1978, đã đào đến 7 vạn mét khối. Hàng năm mỗi xã viên bỏ ra trên dưới 1 tháng lao động để kiến thiết đồng ruộng, ao, hồ. Do những cố gắng đó mà toàn bộ bờ vùng của hợp tác xã đều rộng và chắc (trong điều kiện ruộng trũng). Xe ôtô của Công ty thực phẩm có thể đi trên bờ đến nhận hàng tại ruộng. Trên 50km bờ ao, bờ mương của hợp tác xã luôn được tu bổ vững chắc đảm bảo giữ nước nuôi cá. Nhờ vậy, những năm 1978 - 1979, mưa lũ úng lớn nhưng không gây thiệt hại gì đáng kể. Phát huy thế mạnh, năm 1977, Yên Sở đã bán cho Nhà nước 565 tấn cá, vượt kế hoạch giao 11 tấn. Năm 1978, Yên Sở lại đạt sản lượng cá cao hơn, bán cho Nhà nước 610 tấn. Do có nhiều thành tích, năm 1981, Hợp tác xã nông nghiệp được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Cùng với phát triển nghề cá, sản xuất lương thực và rau ở Yên Sở cũng thu được nhiều kết quả. Năng suất lúa bình quân đạt 6,8 tấn/ha. Năm 1982 sản lượng lúa tăng hơn 1980 là 239 tấn. Sản lượng rau của hợp tác xã đạt từ 3.500 đến 4.000 tấn.

Từ đàn cá giống, Bác Hồ đã cho Yên Sở cách làm giàu - một phương thức làm ăn mới. Nhìn vào cơ ngơi nhà cửa, điện, đường, trường, trạm như hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Yên Sở mãi mãi biết ơn Đảng, Chính phủ, biết ơn Bác Hồ đã chỉ lối đưa đường, hướng cho Yên Sở phát triển sản xuất, trong đó có nghề cá là mũi nhọn. Trong công cuộc đổi mới hôm nay đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Đảng bộ và nhân dân Yên Sở nguyện đời đời đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

 (Hoàng Lân, trích trong "Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân Thanh Trì")

79. Bác Hồ thăm Khu tập thể Nhà máy Cao su - Xà phòng

Ngày 22/12/1958, Bộ Công nghiệp khởi công xây dựng khu công nghiệp Cao - Xà - Lá (Nhà máy Xà phòng, Cao su Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long). Cùng với việc thi công xây dựng các nhà máy, công trường triển khai xây dựng khu tập thể cho cán bộ, công nhân.

Ngày 23/5/1960, Nhà nước đã cắt băng khánh thành 3 nhà máy: Cao su, Xà phòng và Thuốc lá Thăng Long. Tiếp theo đó là các ngôi nhà cao tầng ở khu tập thể Cao su - Xà phòng lần lượt được đưa vào sử dụng. Trong khu tập thể, ngoài các ngôi nhà ở cao tầng còn có sân bóng, nhà ăn tập thể v.v...

9 giờ 45 phút ngày 16/01/1961, trong khi các cán bộ nhà ăn tập thể đang chuẩn bị cơm trưa cho công nhân thì ở sân bóng chuyền xuất hiện một chiếc xe Vonga màu đen cũ và một chiếc xe Commăngca.

Hồi đó khu tập thể chưa có tường chắn ngoài mà chỉ có hàng rào bằng tre nứa. Sau khi xe dừng lại ngoài hàng rào, Bác cho anh em cảnh vệ ra dỡ rào chắn  cho xe vào, Bác tự mở cửa và xuống xe, bác Phạm Văn Nam và một số anh chị em trong khu tập thể nhìn thấy Bác bước ra khỏi xe và reo lên:

- Bác Hồ! Bác Hồ về anh em ơi!

Công nhân trong khu tập thể chạy ùa ra đón Bác. Mọi người đồng thanh:

- Chào Bác ạ!

Bác vẫy tay, chào các cô, các chú và hỏi:

- Nhà ăn tập thể ở đâu? Dẫn Bác xuống thăm trước.

Bác Phạm Văn Nam và một số cán bộ, công nhân hướng dẫn Bác đến thăm nhà ăn tập thể.

Bác đi một vòng quanh các bàn ăn rồi đến chỗ cô Liên - nhân viên nhà ăn - đang chia cơm cho công nhân đến ăn trưa.

Bác chỉ vào đĩa thức ăn và hỏi:

- Các cô, các chú nấu cơm cho ai ăn trước?

Cô Liên bình tĩnh trả lời:

- Dạ thưa Bác, anh em công nhân ăn trước ạ!

- Thế cái gì đây? Bác chỉ vào đĩa thức ăn và hỏi tiếp.

- Thưa Bác, đây là đĩa thức ăn ạ! Cô Liên trả lời.

Bác lắc đầu và nói:

- Không, đây là con ruồi ăn trước. Thằng Tây nó to lớn, chúng ta còn đánh đuổi nó được; thế mà con ruồi nhỏ thế này mà các cô, các chú không tổ chức diệt nó để đảm bảo vệ sinh bữa ăn cho công nhân.

Cô Liên lúng túng chưa kịp trả lời thì Bác hỏi tiếp:

- Thế đĩa thức ăn này bao nhiêu tiền?

- Thưa Bác, 2 hào ạ!

- Đĩa rau và canh bao nhiêu tiền?

- Thưa Bác, 5 xu ạ! 

- Thế người công nhân ăn có đủ no không? Cô đong thử Bác xem nào?

Cô Liên lần lượt đong cả ba tiêu chuẩn khác nhau để Bác xem.

Xong rồi Bác hỏi:

- Thế bao nhiêu tiền một đĩa cơm?

Cô Liên trả lời Bác:

- Dạ thưa Bác, 18kg là 1 hào 2 xu, 15kg là 1 hào và 13,5kg là 9 xu ạ!

Bác gật đầu và nói:

- Như thế là tốt. Các cô, các chú phải nấu cho anh em công nhân ăn thật tốt thì mới đảm bảo được sức khỏe để sản xuất. Sau đó Bác đi đến đầu nhà F2, anh em công nhân chạy ùa theo Bác. Bác bảo: Các cô, các chú ngồi xuống để Bác nói chuyện.

Đại ý Bác nói:

- Bây giờ Đảng và Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng xây cho các cô, các chú những ngôi nhà 3, 4 tầng. Các cô, các chú ở phải đảm bảo vệ sinh, trật tự ngăn nắp và bảo vệ của công cho tốt.

Bác chỉ tay xuống những đống rác bên cạnh và hỏi tiếp:

- Các cô, các chú nhìn xem, để bẩn thế này thì không đảm bảo sức khỏe đâu. Nhân đây Bác kể cho các cô, các chú nghe câu chuyện: Cách đây vài tháng nhân dịp hai nghị sĩ nước Anh sang thăm Việt Nam, Bác mời khách đến thăm Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Nước ta là một nước nghèo nàn, lạc hậu, từ cái kim sợi chỉ còn phải nhập của nước ngoài, nhưng đã đánh thắng đế quốc Pháp, nay trong công cuộc xây dựng đất nước đã sản xuất được những cỗ máy lớn nên người ta tham quan rất chăm chú và tỏ lòng khâm phục nhân dân Việt Nam. Sau khi tham quan xong, Bác và khách cùng lên phòng tiếp khách của nhà máy. Ít phút sau, Bác đi một mình sang khu tập thể. Bác đi trên hành lang thấy chỗ nào cũng có rác, quần áo thì phơi lung tung. Bác chỉ tay lên trán và nói:

- Bác hú hồn, may mà một mình Bác sang khu tập thể chứ Bác mời cả 2 người khách cùng đi thì họ sẽ có ấn tượng công nhân Việt Nam vì sản xuất thì tốt nhưng ăn ở thì luộm thuộm quá. Kể xong câu chuyện, Bác nói tiếp:

- Bây giờ Bác về. Các cô, các chú phải có ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Lần sau Bác xuống kiểm tra hoặc cử cán bộ xuống, nếu còn bẩn thỉu, mất vệ sinh thì Giám đốc, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên phải chịu trách nhiệm với Bác.

Mọi người cùng đồng thanh trả lời Bác: Vâng ạ!

Khi Bác lên xe ra về, bác Phạm Văn Nam hỏi đồng chí cán bộ đi cùng với Bác mới biết: Hôm trước Bác đọc báo Nhân Dân trong đó có bài ca ngợi nhà ăn của khu tập thể trong việc phục vụ bữa ăn cho công nhân, nên hôm nay Bác muốn xuống kiểm tra tại chỗ.

(Phạm Văn Nam, trích trong "Bác Hồ với Đống Đa")

80. Khắc sâu lời Bác dạy

Cho đến nay và mãi mãi về sau gia đình ông Nguyễn Văn Tá và nhân dân khối 30 (Hàng Bột) không thể nào quên được hình ảnh và những lời căn dặn ân cần của Bác Hồ về thăm vào đêm 30 tháng Chạp năm ấy.

Tối hôm đó, tại gia đình ông Nguyễn Văn Tá có ông Cồ Văn Đáp, Phó ban bảo vệ khối phố và bà Lê Thúy Hạnh, Bí thư Đảng ủy đang hội ý trao đổi kế hoạch bảo đảm an toàn trong dịp tết, thì đúng lúc 18 giờ 45 phút có 2 chiếc xe con từ từ dừng bánh trước cửa nhà, mọi người nhìn ra thì thấy Bác Hồ mở cửa xe và bước ra.

Ông Tá reo lên:

- Bác Hồ về! Bác Hồ về!

Với dáng ung dung và giản dị, Bác bước vào nhà và hỏi:

- Đây là chú nào? Cô nào?

- Dạ thưa Bác, đây là chú Cồ Văn Đáp, Phó ban Bảo vệ khối phố, ông Tá vội trả lời, còn đây là cô Lê Thúy Hạnh, Bí thư Đảng ủy ạ!

- Thế các cô, các chú đang chuyện trò gì?

- Thưa Bác, chúng cháu đang trao đổi kế hoạch bảo vệ an toàn khu phố trong những ngày Tết ạ!

- Như vậy là rất tốt. Hôm nay Bác đến chúc Tết gia đình. Thế gia đình đi đâu vắng cả? Bác vừa nói, vừa quay sang đưa cho cháu trai một gói kẹo vừng.

- Dạ thưa Bác, nhà cháu và các cháu đi chợ ạ!

Bác lại hỏi:

- Đi chợ nào? Sao 30 Tết rồi còn đi chợ?

- Thưa Bác, chiều nay nhà cháu còn đi làm nên tối mới đi chợ mua hàng ạ!

- Thế chú có mấy người con?

- Dạ thưa Bác, cháu có 4 con rồi ạ!

- Các cháu có đi học cả không?

- Dạ, nhà túng lắm, chỉ có một mình cháu trai đi học để về dạy chị, dạy em thôi ạ, nhưng cả 4 cháu đều biết chữ ạ!

- Thế gia đình chú chuẩn bị Tết như thế nào?

- Thưa Bác, cháu đã mua đủ tiêu chuẩn rồi ạ!

Bác nhìn quanh nhà một lượt rồi hỏi:

- Thế chú nằm chỗ nào?

Ông Tá chỉ vào chiếc giường gỗ rồi trả lời Bác:

- Cháu nằm chỗ kia ạ!

Nhìn thấy có cửa sau, Bác đi ra và hỏi:

- Nhà này chú dùng làm gì?

- Dạ, cháu dùng làm nhà bếp và đây là nhà tắm ạ! Bác nhìn xung quanh một lát rồi bước vào nhà và ngồi xuống chiếc ghế tựa (chiếc ghế này ông Tá còn giữ lại làm kỷ niệm) và nói:

- Cô chú ở chỗ này chật hẹp quá.

- Thưa Bác, nhờ có cách mạng, có Đảng, có Bác chúng cháu mới được ở thế này là tốt rồi ạ!

- Chú làm vệ sinh chưa tốt. Chú quét sạch nhà phải quét sạch cửa, quét sạch cửa phải quét sạch vỉa hè và đường phố nữa thế mới là vệ sinh sạch sẽ. Mình làm tốt rồi phải thuyết phục nhân dân trong khu phố làm tốt nữa.

- Thưa Bác, cháu xin hứa là thực hiện tốt lời căn dặn của Bác và cháu sẽ tuyên truyền để nhân dân trong khu phố cùng làm ạ!

Bác mỉm cười tỏ ý hài lòng và nhìn lên bàn thờ thấy có nắm đất đề chữ "đất quê hương Bác" và hỏi:

- Chú vào Nghệ An - Hà Tĩnh làm gì?

- Thưa Bác, Đảng ủy và cấp trên cho phép chúng cháu vào kết nghĩa với khu phố  I, thành phố Vinh. Thành ủy Vinh đã tổ chức cho chúng cháu đi thăm quê Bác và cháu đã xin được mang miếng đất này về làm kỷ niệm.

- Thế chú lấy đất có phải nộp thuế cho người ta không?

- Dạ, đất này bây giờ trong tay Đảng, trong tay Bác rồi nên không ai đánh thuế cả.

Bác mỉm cười và nói: Hôm nay Bác đến chúc Tết gia đình. Bác mong chú cố gắng công tác tốt hơn nữa. Cho Bác gửi lời chúc mừng năm mới tới từng gia đình một trong khu phố. Bác mong nhân dân trong khu phố cố gắng nhiều hơn nữa, chú nhớ nhé.

- Vâng! Ngày mai cháu sẽ chuyển lời chúc của Bác tới tận từng gia đình trong khu phố ạ!

(Nguyễn Văn Tá, Trưởng ban Bảo vệ khu phố, ở tại số nhà 224 Hàng Bột)

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: