Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Chỉ mục bài viết

 

  1. Bác Hồ đến thăm lớp vỡ lòng đình Thạch Khôi, hàng Than

          Sáng thứ Tư, ngày 31-12-1959, trời hửng nắng, thời tiết ấm áp. Khoảng 10 giờ 20 phút khi lớp học buổi sáng ở đình Thạch Khôi sắp kết thúc thì bỗng có hai chiếc ôtô con lướt tới đỗ ngay trước cổng đình. Cửa xe mở. Một cụ già mặc quần áo kaki đã bạc màu, chân đi dép cao su giản dị, bước ra.

- Bác Hồ! Bác Hồ đến!

Đoàn người ùa ra, reo lên sung sướng. Bác tươi cười giơ tay chào bà con khối phố và bước nhanh vào đình. Cùng đi với Bác có đồng chí Trần Danh Tuyên, Bí thư Thành ủy và một số cán bộ khác.

Khi Bác vào lớp, các cháu reo mừng vây lấy Bác. Bác ân cần bảo các cháu về chỗ ngồi để Bác nói chuyện.

Bác hỏi thầy giáo chủ nhiệm lớp Phan Thành:

- Các cháu học có ngoan không, chú?

Cảm động và vui sướng, đồng chí Thành trả lời:

- Dạ, thưa Bác, các em ngoan ạ.

Bác hỏi tiếp:

- Các cô chú chăm sóc các cháu như thế nào?

- Dạ thưa Bác, chúng cháu chăm sóc các em chu đáo, dạy các em học tập, biết giữ gìn vệ sinh, lại dạy các em cả múa hát nữa.

Bác quay lại nói với các cháu:

- Các cháu học có giỏi không, có vâng lời các thầy cô giáo không?

Các em vui sướng cùng đáp:

- Thưa Bác có ạ!

Bác xem sách một số em, khen các em viết chữ sạch đẹp.

Bác nói với đồng chí Thành:

- Bây giờ chú gọi một cháu lên bảng tập đọc cho Bác nghe.

Thầy Thành gọi một em trai, lên bảng, đưa thước kẻ và bảo em tập đọc bài "Ông Tý có một quả ớt đỏ". Em đọc bài xong, Bác xoa đầu và khen:

- Cháu học giỏi, Bác rất vui lòng.

Sau đó, Bác hỏi cả lớp:

- Các cháu có thích ăn kẹo không nào?

- Thưa Bác, có ạ!

Bác gọi các đồng chí đi theo lấy kẹo phân phát cho các cháu. Trong lúc các cháu ăn kẹo, Bác dặn dò các thầy, cô giáo:

- Đây là mầm non của đất nước, các cô chú phải dạy cho các cháu thật ngoan để sau này xây dựng đất nước được tốt.

Sau đó Bác căn dặn các cháu:

- Các cháu phải học hành thật tốt, vâng lời thầy giáo, cô giáo, về nhà vâng lời bố mẹ, không đánh cãi nhau và giữ gìn vệ sinh cho sạch sẽ. Bác mong các cháu đều trở thành cháu ngoan của Bác Hồ.

Bác bảo các cháu hát cho Bác nghe. Các cháu cùng nhau hát bài "Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh".

Các cháu hát xong, Bác vỗ tay khen, mong các cháu học giỏi, hát hay, múa khéo cho vui lòng các thầy, các cô. Sau khi thăm lớp, Bác bảo các thầy giáo đưa Bác đi xem chỗ uống nước và nơi đi vệ sinh của các cháu.

Bác ân cần dặn dò:

- Các cô chú phải cho các cháu uống nước nóng để giữ gìn sức khỏe. Chỗ đi vệ sinh phải luôn luôn sạch sẽ để các cháu khỏi bị trơn ngã.

Bác đi quanh hết khu vực đình Thạch Khôi, ân cần chỉ dẫn từng việc như một người ông hiền từ đang dạy bảo cháu con.

Thời gian trôi đi rất nhanh. Bác đã ra về mà mọi người vẫn chưa hết cảm động bồi hồi.

(Trích trong cuốn Bác Hồ với Hà Nội và những năm tháng không thể nào quên, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2005)

  1. Các cháu gái làm việc thế này là giỏi

Kỷ niệm những lần gặp Bác vẫn còn đậm in trong ký ức cô thợ điện Bùi Thị Trần Chúc, kỹ sư Nhà máy Cơ khí Hà Nội.

Lần đầu tiên gặp Bác, khi ấy Chúc còn học ở Trường Trung cấp Kỹ thuật, Bác đến thăm trường. Học sinh đang thực tập ở xưởng thì Bác vào một cách bất ngờ. Nhiều bạn chạy ùa ra. Chúc đang đứng máy nên không dám bỏ máy. Bác đến bên, bảo Chúc: - Cháu làm cho Bác xem.

Bác chăm chú nhìn Chúc thao tác mở máy nên Chúc hồi hộp và cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh cho máy chạy đều. Sau khi thăm xưởng, Bác dặn dò học sinh. Chúc còn nhớ đại ý: Các cháu học phải đi đôi với hành, không lý thuyết suông, phải tiết kiệm.

Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật, Chúc về công tác tại Nhà máy cơ khí Hà Nội. Một hôm, đang đứng máy thì Bác đến. Bác dừng bên máy, đứng đối diện với Chúc, xem Chúc làm việc. Sau đó Bác âu yếm hỏi: - Các cháu gái làm việc được thế này là giỏi, có vất vả lắm không? Các cháu phải cố gắng làm việc cho tốt hơn nữa...

Chúc giữ mãi trong tâm trí hình ảnh Bác, lời Bác. Tấm ảnh Bác chụp xem Chúc làm việc được Chúc giữ gìn như một kỷ vật thiêng liêng.

Mặc dù ba con nhỏ, chồng đi bộ đội, Chúc vẫn phấn đấu tu dưỡng tốt. Năm 1963 Chúc được kết nạp Đảng. Vừa làm việc, vừa nuôi con, vừa học tập, cô thợ điện Bùi Thị Trần Chúc đã tốt nghiệp kỹ sư năm 1974. Người thợ ấy vẫn liên tục phấn đấu làm theo lời Bác.

(Theo Vĩnh Yên, báo Hà Nội mới, ngày 19-5-1976)

  1. Bông hồng Bác cho

Vào lúc máy bay Mỹ điên cuồng ném bom đánh phá Thủ đô, hai con tàu "ba đảm đang" số một và số hai của Công ty Vận tải đường sông chúng tôi đang chạy đường dài, được điều về làm nhiệm vụ đưa nhân dân qua sông Hồng. Sông rộng, người đông, liên tiếp lại có báo động. Ngày đầu, chỉ đưa được trên dưới một vạn người qua sông. Bảy ngày sau, do sắp xếp lại phương tiện, tổ chức tốt bến bãi và nâng cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, chúng tôi đã chở được tầm vạn người cùng với bốn vạn xe đạp qua sông.

Chiều ngày 08-8-1967, tàu chúng tôi vừa cặp bến, buông neo thì có lệnh:

Các cô lên bờ ngay đi gặp đoàn nhà báo quốc tế. Chiếc xe commăngca đợi sẵn đưa chúng tôi vào thẳng Phủ Chủ tịch mới đỗ lại. Lúc này, đồng chí đến đón mới nói:

- Bác cho đón các đồng chí lên gặp Bác!

Ôi, còn sung sướng nào bằng! Chúng tôi sinh ra và lớn lên trên sông, lênh đênh trên con thuyền nát của cha mẹ, ăn đây, ngủ đây, quần áo, nồi niêu cũng ở đấy. Ngày nắng đã vậy, ngày mưa gió rét cứ khoác áo tơi mà ngồi tùm lum. Nay được lên bờ, được học hành, lại được đi lái tàu. Đó là nhờ Đảng, nhờ Bác... Bác đón chúng tôi trong phòng khách. Người mặc bộ quần áo nâu, vai vắt chiếc khăn mặt trắng, tay cầm chiếc quạt giây. Bác ra hiệu cho chúng tôi ngồi rồi ấm áp hỏi:

- Cháu nào là thuyền trưởng? Cháu nào là máy trưởng?

Đồng chí giúp việc giới thiệu với Bác các thuyền trưởng Nguyễn Thị Đông, Nguyễn Thị Lan, các máy trưởng Nguyễn Thị Thục, Trương Thị Xuyên và một số nữ thủy thủ. Bác quay sang hỏi đồng chí Nghiêm:

- “Chú làm gì?

- Thưa Bác cháu là Bí thư Đảng ủy Công ty ạ.

Bác đưa cho chúng tôi mỗi người một mảnh giấy và nói:

- Các cháu viết đi, viết họ tên, bố mẹ làm gì, học lớp mấy. Chúng tôi cắm cúi viết theo lời Bác. Thầy đồng chí Nghiêm cũng cầm mảnh giấy hý hoáy ghi. Bác cười nói vui: Chú không có "tiêu chuẩn" viết!

Xem những miếng giấy chúng tôi đã ghi, Bác bảo:

- Bố mẹ là dân thuyền. Con cũng là dân thuyền. Bố mẹ làm nghề nào con nối nghề ấy. Thế là tốt lắm.

Rồi Bác kể chuyện: Ngày xưa, Bác thường qua đò. Ồng lái đò chỉ nghĩ sao thu tiền cho nhiều, đủ khách mới dời bến. Khách ngồi ở bến chờ hàng buổi, mưa cũng mặc, nắng cũng mặc. Bây giờ các cháu phải phục vụ nhân dân cho tốt, đừng như ông lái đò ngày xưa. Địch tàn ác đánh phá Thủ đô, đồng bào đi sơ tán có nhiều khó khăn, các cháu phải làm sao cho đồng bào đi lại dễ dàng thuận tiện. Đất nước đang có chiến tranh. Các cháu phải tích cực, dũng cảm phục vụ nhân dân đánh thắng giặc Mỹ. Phải vừa làm việc, vừa chiến đâu, lại phải học văn hóa như các cháu hiện nay, không thạo nghề thì không lái được nổi...                                                            

Lúc ra về, Bác cho kẹo. Chúng tôi lưu luyến mãi chẳng ai muốn rời Bác. Cô Đông mạnh dạn xin Bác mấy đĩa hoa hồng trên bàn để về tặng cho anh chị em ở nhà. Bác vui vẻ gật đầu. Chúng tôi sung sướng chia nhau hoa Bác cho. Người cài lên tóc một bông hồng đẹp, người nâng niu gói lại đem về...

(Trích trong cuốn Bông hồng của Bác, Nxb. Phụ nữ, 1985).

  1. Bác đến thăm Văn Miếu

Tôi nhớ mãi chiều Tết Nguyên đán năm Nhâm Dậu (ngày 05-02-1962) một ngày nắng ấm đẹp nhất của những ngày Tết ở Thủ đô ta.

Khoảng 11 giờ trưa, tôi vừa xuất hành sang Văn Miếu về được mấy phút thì có tiếng gõ cửa.

Tôi ra đón: Người đầu tiên đến xông nhà tôi năm ấy lại là một đồng chí công an chưa hề quen biết. Sau những lời chúc mừng theo phong tục của chủ và khách, câu chuyện đầu Xuân bên chén trà thơm trở nên thân mật, xoay quanh nội dung chương trình văn nghệ tại Văn Miếu sẽ khai mạc vào mười bốn giờ. Đồng chí công an nói nhỏ, báo trước một tin vui là Trung ương sẽ đến dự, rồi bắt tay tôi ra về.

Tôi thầm nghĩ miên man. Biết đâu đây, Bác sẽ đến cũng nên. Tôi đoán rằng Bác thấy báo đăng tại Văn Miếu có ngâm thơ và hát ca trù mừng Đảng, mừng Xuân, mà Bác thì chắc chắn chưa được nghe hát ca trù vì thuở thiếu thời Bác ở Huế và Sài Gòn là những nơi không có ả đào, nay Bác sẽ đến Văn Miếu để chúc Tết đồng bào và thưởng thức di sản tinh thần độc đáo của dân tộc. Và tôi cứ khấp khởi mừng thầm điều mình vừa dự đoán.

Mới hơn 13 giờ một chút, các nghệ nhân, diễn viên và nhạc công đã có mặt đông đủ tại phòng khách đặt trong hai gian của dãy Hữu Vu. Sau lời chúc Tết, tôi báo tin vui đột xuất và yêu cầu mọi người sẽ biểu diễn hết sức mình cho thật kết quả trước Trung ương Đảng. Ai nấy đều phấn khởi, nét mặt rạng rỡ thêm. Như linh tính báo, tôi ra Khuê Văn Các đón.

Một lát sau, có tiếng còi ô tô. Tôi ngoảnh nhìn, chạy vội ra thì thấy Bác, đúng Bác rồi. Chao ôi sung sướng! Bác đương ung dung bước qua cổng lớn, bước chân thoăn thoắt đi giữa hai hàng hoa tươi vào cửa Đại Trung.

- Bác, Bác ạ! Tôi xúc động chào Bác không rõ lời và đi theo sau chân Bác, bên cạnh đồng chí bảo vệ. Đằng sau có mấy cháu nhỏ lon ton chạy theo vui vẻ lạ thường. Qua gác Khuê Văn, vòng một bên giếng Thiên Quang, Bác hỏi có bao nhiêu bia, dựng từ bao giờ?

- Thưa Bác, bia dựng từ năm Hồng Đức thứ 15 (1484) còn 82 tấm bia ghi tên những người đỗ tiến sĩ trở lên. Đáng lẽ ra phải có 116 bia, vì mỗi khoa thì dựng một bia. Các bia này có khắc tên nhiều danh nhân lịch sử như Ngô Sĩ Liên, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Thậm...

Bác dừng lại nhìn bao quát cả hai dãy bia một lượt rồi bước qua cửa Đại Thành vào khu chính tẩm có nhà Đại Bái và Hậu Cung.

Khi Bác bước xuống sân Văn Miếu, các cụ phụ lão và nhân dân đương ngồi các dãy ghế sát thềm Bái Đường mới biết Bác đến, tất cả mọi người đứng dạy ùa ra đón Bác, tíu tít vây quanh Bác, mừng vui khôn xiết.

Bác vẫy tay mời các cụ phụ lão và đồng bào cùng ngồi.

Bác nhìn khắp lượt, ra hiệu cho các cháu thiếu nhi cũng ngồi xuống.

Tôi kính cẩn đưa Bác bản chương trình các tiết mục ngâm thơ và hát ca trù mừng Bác, mừng Đảng, mừng Xuân mới, có ghĩ rõ nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc gần 60 tuổi, Quách Thị Hồ ngoài 50 và giới thiệu với Bác hai bà đang ngồi gần micro, Bác gật gù tán thưởng. Tôi liếc nhìn hai bà thật xúc động được vinh dự đặc biệt, lần đầu tiên trong đời hát trực tiếp cho Bác nghe.

Ông Vũ Đình Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội điều khiển chương trình biểu diễn.

Các nghệ nhân hào hứng vô cùng, diễn xuất đạt hơn hẳn mọi lần trước.

Đến tiết mục thứ 6, hay thứ 7 gì đó, sau khi ông Khoa vừa dứt lời giới thiệu "Bà Hồ hát ca trù” thì Bác giơ tay đính chính một cách rất vui và dí dỏm "Phải nói rõ thế này cho đúng: "Bà Quách Thị Hồ hát ca trù" kẻo các cụ phụ lão cười cho. Bác Hồ đã không có vợ thì lấy đâu ra Bác gái".

Mọi người cười sảng khoái, phục tài Bác ứng xử, rất mau lẹ, sắc sảo, và thoải mái hồn nhiên. Hôm ấy Bác rất vui, ngồi xem từ đầu đến cuối. Trước khi đứng lên, Bác còn ứng khẩu đọc hai câu thơ tặng các cụ phụ lão Thủ đô:

"Tuổi già nhưng chí không già

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh".

Sau đó Bác còn đi xem mấy di vật quý giá trong Bái Đường như bức hoành phi "Cổ kim nhật nguyệt" và quả chuông có khắc tên Nguyễn Nghiễm (thân phụ thi hào Nguyễn Du) và cái trắc tải bằng gỗ chạm trổ rất tinh vi, mặt trước có năm chữ Hán xếp chéo nhau, đọc thành "chiêm tại tiền, hốt tại hậu" (nhìn thấy đằng trước, thoắt ra đằng sau), mặt sau cũng có năm chữ Hán xếp chéo nhau "ngưỡng di cao, toản di kiên" (ngửa trông càng cao, càng mài càng rắn).

Rồi Bác ung dung sang cổng bên, phía phố Văn Miếu, lên xe về Phủ Chủ tịch, như minh họa ý nghĩa mười chữ Hán khắc nổi công phu trong trắc tải mà Bác vừa ngắm nghía rất tâm đắc.

(Trích trong cuốn Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005).

Khánh Linh (tổng hợp

Bài viết khác: