Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Chỉ mục bài viết

8. Chỉ có hạng nhì thôi!...

Năm 1958, Hà Nội thanh toán xong nạn mù chữ, được Bác thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Chủ tịch Trần Duy Hưng và tôi lên xin gặp Bác. Tôi cứ nằn nì xin Bác cho Hà Nội Huân chương Lao động hạng Nhất. Bác nghĩ một chút rồi gọi chúng tôi lại bên bức tường. Bác vạch một giới hạn rồi bảo: "Nam Định được thế này, thì tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Hà Nội cũng được thế này, nhưng chỉ cho hạng Nhì thôi - Thủ đô thì phải cao hơn mới được hạng Nhất!".

Rồi Bác nheo mắt nhìn tôi "Hà Nội có ông Điềm mà không làm được à?" (Chả là lúc bấy giờ, tôi ở trong Ban lãnh đạo Sở Vận động bổ túc văn hóa của Hà Nội).

Chúng tôi không dám nằn nì nữa, nhưng lại thấy tự hào, phấn khởi. Ấy vậy! Bác có cách nói hay như vậy - Vừa là răn vừa là khen, vừa là khích lệ, vừa giản dị, vừa thích hợp với từng cán bộ.

Từ đó, tôi tâm niệm: Quan tâm làm công tác bổ túc văn hóa, làm cho đến khi nào sức khỏe không cho làm nữa thì thôi, để góp phần đưa phong trào bổ túc văn hóa ở Thủ đô đạt kết quả thật tốt, cao hơn các địa phương xứng đáng với lòng mong mỏi của Bác.

(Theo Hồ Đắc Điềm, báo Hà Nội mới, 1980).

9. Mễ Trì ngày ấy

Vụ chiêm Xuân năm ấy (1958), trời nắng hạn kéo dài, ruộng đồng Mễ Trì nứt nẻ chân chim, công việc sản xuất nông nghiệp khó khăn. Chi bộ đảng Mễ Trì đã động viên lực lượng thanh niên và tổ chức nông dân đi đầu trong công tác chống hạn.

Sau hàng tháng trời vất vả, hàng chục giếng đất, hố đấu, ao chuôm mương máng được đào và nạo vét trên khắp cánh đồng thôn Thượng, thôn Hạ và Phú Đô. Dòng nước mát, từ đó chảy theo những con mương nhỏ tưới xanh trở lại 40 mẫu mạ xứ đồng Sung vàng héo hôm nào. Trên đồng ruộng Mễ Trì, từ ruộng thấp đến ruộng cao đã nhộn nhịp tiếng cười của người cày, người cấy.

Mễ Trì trở thành nổi tiếng về chống hạn không những ở Thủ đô mà còn là một trong những điển hình của toàn miền Bắc. Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn theo dõi tình hình chống hạn và quyết định về thăm Mễ Trì.

Hôm ấy, tại đình làng Hạ, trên hai trăm đại biểu đang họp nghe báo cáo thành tích chống hạn thì được tin Bác về thăm.

Từ trên xe ôtô bước xuống, Bác Hồ vào thẳng đình, Bác mặc bộ quần áo kaki xanh bạc màu, đội mũ cát vành to, chân đi đôi dép cao su đã cũ.

Mọi người đứng lên chào Bác, ai cũng muốn đứng gần Bác. Hiểu tâm trạng của mọi người, Bác vẫy tay thân mật ra hiệu cho các đại biểu ngồi xuống trật tự. Bằng giọng nói ấm áp Bác hỏi:

- Chú nào đại diện cho xã đây?

Khi ấy, đồng chí Nguyễn Thanh Lương đang đứng gần Bác, xúc động quá khẽ nói:         

- Dạ thưa Bác, cháu ạ.    

Bác lại hỏi:

- Chú làm gì?

- Thưa Bác, cháu làm Phó Bí thư Chi bộ kiêm Bí thư Nông hội xã ạ.

Bác âu yếm nhìn đồng chí Lương rồi hỏi tiếp:

- Chú bao nhiêu tuổi rồi?

- Thưa Bác cháu 19 tuổi ạ.

Bác cười nắm chặt tay đồng chí Lương:

- 19 tuổi, trẻ quá!

Bác quay sang các đại biểu:

- Nhân dân xã Mễ Trì làm tốt công tác thủy lợi phải không?

Không ai bảo ai, cả hội trường sung sướng đồng thanh nói:

- Thưa Bác, vâng ạ!

Bác nói tiếp:

- Được tin Mễ Trì làm tốt công tác chống hạn, hôm nay Bác về thăm...

Bác khen thành tích chống hạn của cán bộ và nhân dân trong xã, Bác động viên bà con hãy cố gắng chống hạn tốt hơn nữa để làm vụ đông xuân hết diện tích. Bác bảo:

- Đồng bào Mễ Trì phải "vắt đất ra nước thay trời làm mưa" đừng tin vào cầu đảo lễ bái. Hôm nay Bác xuống thăm và có phần thưởng cho Mễ Trì. Bác trao ba huy hiệu này cho xã, ai có thành tích xuất sắc trong công tác chống hạn thì tặng.

Và ba chiếc huy hiệu đó được tặng cho các ông: Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Văn Tú, và bà Lê Thị Tương là những nông dân có thành tích chống hạn xuất sắc nhất.

Sau đó Bác đi thăm đồng, Bác đi thăm giếng nước chống hạn ở cánh đồng Xứ cửa Miếu. Đường bờ ruộng chật hẹp, các em thiếu nhi dẫm lên các trà mạ cạnh đường, thấy thế Bác Hồ liền nhắc:

Các cháu đừng đi xuống đó, dẫm chết hết mạ rồi.

Đến giếng đồng Xứ cửa Miếu, Bác hỏi đồng chí Lương đi bên cạnh:

Giếng này các chú đào bao lâu?

Thưa Bác, chúng cháu đào một tuần ạ.

Lực lượng nào đào?

Thưa Bác, chủ yếu là thanh niên và trung niên ạ.

Các chú đào được bao nhiêu giếng to như thế này rồi?

Thưa Bác, mới 9 chiếc ạ.

Trước khi ra về Bác còn căn dặn mãi chúng tôi cần tiếp tục làm tốt việc chống hạn để lúa đạt năng suất cao cho nhân dân được cơm no, áo ấm và nếu làm tốt Bác sẽ có phần thưởng.

(Theo Nghiêm Thị Hằng: Những lần đón Bác, Nxb. Hà Nội, 1984).

10. Nặn tượng Bác

Tôi quên sao được buổi sáng tháng Năm năm 1946 ấy, một buổi sáng mùa hè rực rỡ, Hà Nội chói lọi màu nắng, màu hoa phượng đỏ. Anh Nguyễn Đình Thi mang tới cho tôi một tin vui bất ngờ: Hội Văn hóa cứu quốc cử tôi cùng hai anh Tô Ngọc Vân và Nguyễn Đỗ Cung vào nặn tượng và vẽ chân dung Bác tại Bắc Bộ phủ. Niềm vui lớn khiến tôi lặng đi một phút.

Trong lúc này, Bác Hồ - người thuyền trưởng thiên tài đang chèo lái con thuyền đất nước qua cơn bão tố hằng ngày phải giải quyết bao công việc phức tạp, vẫn vui lòng dành cho chúng tôi một đặc ấn lớn.

Chúng tôi được phép ghi chép ký họa từ sáu đến tám giờ. Cứ đúng tám giờ là các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam lại tới báo cáo, trao đổi công tác với Bác. Phòng làm việc của Bác thoáng đãng, sàn gỗ đánh xi bóng lộn. Tôi xin mang theo một cái giá khá nặng và một hòm gỗ đựng đất sét. Thấy căn phòng quá sạch sẽ, tôi lúng túng không dám bước vào.

Bác biết ý, cho người kiếm một chiếc chiếu "để cô Kim để giá và hòm đất".

Bác ung dung ngồi đọc báo. Trên chiếc bàn rộng của Bác đặt hàng chồng báo các loại, trong nước, ngoài nước.

Đứng trước Bác, tôi cảm thấy tài năng nghệ thuật của mình nhỏ bé quá. Liệu mình có đủ sức miêu tả một phần nào cái vĩ đại của Bác qua bức tượng bán thân mà mình sắp sửa làm bằng cả tâm huyết và lòng kính yêu lãnh tụ không? Tôi vừa mừng, vừa lo, cứ loay hoay đứng từ xa, đo miệng Bác, tai Bác, râu Bác. Bác rất tinh tế và tế nhị khoát tay cho phép tôi cứ tự nhiên đừng quá dè dặt.

Mỗi ngày hai tiếng, được làm việc cạnh Bác, tôi thấy thì giờ trôi qua rất nhanh.

Thời gian lại rất gấp. Bác sắp lên đường sang Pháp dự Hội nghị Phôngtennơblô, với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp.

Buổi đầu tiên, Bác mời thuốc lá thơm các anh Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung. Bác cười bảo tôi: "Ngày mai, sẽ mời cô ăn kẹo".                                                                                         

Vào ngày thứ mười, trái với thường lệ, ba nghệ sĩ chúng tôi được vượt quy định khoảng 20 phút. Bác cười vui bảo:

- Hôm nay tôi làm thêm giờ, phải có bồi dưỡng đấy nhé!

Sau hơn hai mươi ngày miệt mài lao động, tôi hoàn thành tượng Bác, tác phẩm quan trọng cuộc đời nghệ thuật của tôi.

(Theo nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Thị Kim, Lê Hoàng ghi: Bông hồng của Bác, Nxb. Phụ nữ, 1985).

11. Bác làm văn nghệ

Cuối năm 1962, tôi được đi dự Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba. Ngày 01 tháng 12, ngày cuối cùng của Đại hội, thì có tin Bác đến. Cả hội trường ào lên như sóng. Tiếng hoan hô "Bác Hồ muôn năm" vang lên cho đến lúc Bác giơ tay ra hiệu mới lắng đi. Nhìn chúng tôi lúng túng với những bó hoa trong tay. Bác bảo:

- Tặng hoa à? Tặng hoa thì phải đi nhanh lên chứ!

Không khí Đại hội lại ồn ào, vui vẻ, đầm ấm hẳn lên. Bác nói tiếp:

- Không mấy khi được gặp đông đủ thế này, Bác muốn bắt tay tất cả nhưng không đủ thì giờ. Vậy Bác bắt tay đại biểu thôi. Đại biểu nào cao tuổi nhất nào? - Bác cười: - Cao tuổi nhất, chứ không nói già đâu nhé.

Tiếng cười reo lại vang lên. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh chạy lên. Bác lại hỏi:

- Đại biểu nào ít tuổi nhất?

- Tôi giật thót mình, vì trong Đại hội tôi được coi là người trẻ nhất. Nhà văn Bảo Định Giang dẫn tôi về phía Bác:

- Thưa Bác, cháu Trà Giang, người miền Nam, ít tuổi nhất Đại hội đấy ạ!

Tôi dâng hoa lên Bác mà chân cứ run run. Bác hôn lên trán tôi và bảo:

- Trẻ mà có thành tích thì cháu càng phải chăm học nhất là phải hết sức khiêm tốn.

- Dạ! Tôi đáp lí nhí, nghẹn ngào, nước mắt cứ trào ra.

Sau đó Bác nói chuyện với Đại hội. Bác hỏi:

- Có bao nhiêu bản tham luận tất cả?

- Thưa Bác, chín mươi chín ạ!

Bác cười:                                                                                                                             

- Thế này là vừa đúng một trăm. Nhưng các cô, các chú đừng sợ, có ba trang thôi! Bác cầm tờ giấy giơ lên, cả hội trường lại cười reo vui vẻ.

Bác nói:

Bác nêu một kinh nghiệm cũ. Thời thanh niên - Bác hạ giọng thêm: - Giờ Bác vẫn còn là thanh niên - Bác hoạt động cho Đảng, Bác phải làm nhiều nghề. Làm ảnh, làm bếp. Đây có ai làm bếp không? Cũng có khi Bác làm văn nghệ. Bác có viết một cuốn tiểu thuyết1 về Cách mạng Tháng Mười Nga. Bác viết, đồng chí Hồ Tùng Mậu in. In bằng đất. Rồi phát hành bao nhiêu? Một quyển. Mấy quyển nữa thì cảnh sát Anh tịch thu hết. May mà nó tịch thu tiểu thuyết mà không tịch thu được người viết vì hai anh em đi vắng. Vậy mà một quyển tiểu thuyết phát hành được một quyển, được một người xem. Đó là "thành công" về tiểu thuyết của Bác! Bác lại viết một vở kịch2 đả kích Khải Định, viết bằng chữ Pháp. Thế mới gan chứ! Điếc không sợ súng mà! Viết xong, Bác phải đi. Sau này, "câu lạc bộ ngoại ô" có đem diễn. Thành công, thất bại thế nào. Bác cũng không biết. Đó là "thành tích" Bác viết kịch. Rồi Bác còn diễn kịch nữa đấy! Ở Pháp có nhóm văn nghệ sĩ tiến bộ. Họ viết một vở kịch đả kích thực dân. Bác sắm một vai, ra sân khấu không đầy một phút. Diễn xong anh em bắt tay khen diễn khá. Và thù lao cho một cốc cà phê.

Cả hội trường lại rộ lên tiếng vỗ tay, tiếng cười. Bác nói tiếp:

Kinh nghiệm thế nào? Trước cách mạng, muốn sống phải lao động chân tay, chứ làm văn nghệ thì ba lần làm văn nghệ Bác chỉ được uống một cốc cà phê thôi!

Bác nói chuyện thật giản dị mà rất dễ nhớ. Bác còn nói về sân khấu và điện ảnh dưới thời đất nước bị nô lệ. Bác kết luận:

Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải làm cách mạng. Bác động viên, khuyên nhủ anh chị em làm công tác văn nghệ cố gắng sáng tạo nghệ thuật để có những tác phẩm xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, có tác dụng với chúng ta ngày nay và để giáo dục cho con cháu ta đời sau.

Những lời Bác dạy là bài học rất lớn đối với tôi và với toàn thể giới văn nghệ nước ta.

(Theo nghệ sĩ điện ảnh Trà Giang: Bông hồng của Bác, Nxb. Phụ nữ, 1985).

Thanh Huyền (tổng hợp)

Chú thích:

1. Nhật ký chìm tàu.
2. Con rồng tre.

Bài viết khác: