Chỉ mục bài viết

Ngày 01/9

“Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng”.

Ngày 01-9-1941, trên báo Việt Nam Độc Lập đăng bài ca “phụ nữ” của Nguyễn Ái Quốc, nhắc lại những tấm gương trong lịch sử của phụ nữ Việt Nam kể từ Hai Bà Trưng cho tới Nguyễn Thị Minh Khai để kêu gọi:

“... Chị em cả trẻ đến già

Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.

Đua nhau vào hội Việt Minh

Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.

Làm cho thiên hạ biết tên

Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng”1.

Ngày 01-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời A.Pátti, chỉ huy Cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ đang ở Hà Nội, đến Bắc bộ phủ để dự bữa cơm trước ngày Lễ Độc lập. Hồi ức của Pátti ghi lại: Ông Hồ giữ vững quan điểm là trong thời điểm đặc biệt này, Việt Minh là một phong trào dân tộc, bao gồm một cách dân chủ tất cả các đảng phái cách mạng Việt Nam. Tất nhiên ông công nhận, Đảng Cộng sản Đông Dương là một nhân tố lãnh đạo trong phong trào giành độc lập dân tộc, nhưng các đảng viên của họ trước hết phải là người dân tộc chủ nghĩa, sau đó mới là đảng viên của đảng... Ông Hồ muốn được các chuyên gia kỹ thuật Mỹ giúp thiết lập một số công nghiệp mà Việt Nam có khả năng đảm đương được...

Ngày 01-9-1959, phát biểu tại lễ phong quân hàm cho một số cán bộ cao cấp của quân đội, Bác căn dặn: “Để xây dựng quân đội tiến lên chính quy đặng phục vụ lợi ích của Cách mạng, Chính phủ ta đã trao quân hàm cho cán bộ và chiến sỹ trong quân đội... Để lãnh đạo quân đội tiến bộ không ngừng, các đồng chí cần phải trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng và gương mẫu về mọi mặt. Dù ở cương vị nào, chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”2.

Ngày 01-9-1961, nói chuyện với Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế đang họp tại Việt Nam, Bác lấy mình làm dẫn chứng: “Tôi chỉ học hết lớp tiểu học. Vì chế độ thực dân và phong kiến đã kìm hãm việc giáo dục... Về hiểu biết phổ thông: Năm tôi 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên” để so sánh với những tiến bộ xã hội mà thế hệ thanh niên ngày nay đang được hưởng. “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã soi đường cho chúng tôi. Chúng tôi đã không sợ thực dân và phong kiến, mà hăng hái hoạt động cách mạng và cuối cùng cách mạng đã thắng lợi… Một nhiệm vụ quan trọng nữa của thanh niên trí thức là phát triển giáo dục, trước hết là xóa nạn mù chữ... Trong cuộc đấu tranh diệt giặc dốt, quân chủ lực phải là thanh niên trí thức, dựa vào lực lượng to lớn của nhân dân”3. Và trong lời kết thúc, Bác nói: “Đó là những lời tâm sự của một người thanh niên già đã có một ít kinh nghiệm, thật thà bày tỏ với các bạn thanh niên yêu quý của tôi”4.

Đã thành lệ, ngày 01-9 hàng năm, trước ngày Quốc khánh, Bác cùng các nhà lãnh đạo đến Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) đặt vòng hoa tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ. Ngày 01-9-1969, khi sức khỏe đã giảm sút nghiêm trọng, Bác vẫn nhắc gửi vòng hoa đến Đài liệt sỹ và gửi tặng hai lẵng hoa cho Đội Cảnh sát khu vực 4 quận Ba Đình và Đội Bảo đảm giao thông đường bộ I. Đó là những phần thưởng cuối cùng Bác động viên cán bộ và nhân dân.

Ngày 02-9

“Nước Việt Nam... sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Ngày 02-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, tại phiên toà xét xử lần thứ 7, cảnh sát Hồng Kông thừa nhận việc bắt Tống Văn Sơ là bất hợp pháp nhưng việc trục xuất vẫn là hợp pháp. Các luật sư tiếp tục kháng cáo để chống lại âm mưu đẩy Nguyễn Ái Quốc vào tay chính quyền thực dân Pháp.

Ngày 02-9-1945 là một ngày trọng đại của dân tộc Việt Nam. Tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) trước đông đảo đồng bào, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”5.

Ngày 02-9-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên cùng đông đảo kiều bào Việt Nam, một số bạn Pháp và Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Phôngtennơblô. Trong bài diễn văn đọc bằng tiếng Pháp, Bác nói: “Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hòa của mình. Lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh đã gắn bó ý chí của mọi người Việt Nam từ Bắc chí Nam thành một khối sức mạnh, bất kỳ nguồn gốc họ ở đâu, theo tôn giáo hay thuộc giai tầng xã hội nào. Trong buổi tối hôm nay, làm sao chúng ta lại không nghĩ tới đồng bào Nam Bộ với một tình cảm trìu mến đặc biệt. Nguyện vọng tha thiết nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam là Tổ quốc đang hồi sinh của chúng ta không bao giờ bị chia cắt và không gì chia cắt được. Mong sao tình hữu nghị giữa nước Pháp và nước Việt Nam độc lập và thống nhất trở thành sự thực!... Một tình hữu nghị như vậy giữa hai nước chỉ có lợi cho sự phồn vinh của Liên hiệp Pháp và sự bừng nở lý tưởng dân chủ trên thế giới”6.

Ngày 02-9-1947, Bác ra lời kêu gọi nhân kỷ niệm ngày Cách mạng và Quốc khánh lần đầu tiên tổ chức trong hoàn cảnh kháng chiến. Bác phân tích: “Cách mạng giải phóng của Mỹ 8 năm mới thành công. Cách mạng Pháp 5 năm. Cách mạng Nga 6 năm. Cách mạng Tàu 15 năm mới thành công. Tổ tiên ta chống ngoại xâm đời Trần 5 năm, đời Lê 10 năm mới thắng lợi... Hãy tin tưởng vào vận mệnh vẻ vang của Tổ quốc, tin tưởng vào sức đoàn kết và chiến đấu của chúng ta. Chúng ta hãy cắn răng chịu khổ, ra sức chiến đấu. Chịu khổ chiến đấu mấy năm, để đánh tan ách nô lệ hơn 80 năm vừa qua, để xây nền tự do muôn ngàn đời sắp tới, thì cũng bõ công. Tướng sỹ trước mặt trận, đồng bào ở hậu phương, ai nấy đều phải đoàn kết chặt chẽ, cố gắng làm đúng bốn chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, thì cuộc trường kỳ kháng chiến của ta nhất định vững vàng”7.

Cũng trong ngày 02-9-1947, trên báo Sự Thật, Bác viết bài “Cán bộ và Đời sống mới” đưa ra nguyên lý: “Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời”8.

Ngày 02-9-1949, trả lời phỏng vấn của một tờ báo của Thái Lan, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Bao giờ Việt Nam cũng cần thân thiện với nước Thái, và nước Thái thân thiện với Việt Nam, vì chúng ta là bà con láng giềng”9.

Ngày 02-9-1950, trong bài viết “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu” đăng trên báo Sự Thật, Bác chỉ ra “thang thuốc chữa bệnh quan liêu là: Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết. Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình. Phải làm kiểu mẫu: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”10.

Ngày 02-9-1969, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng và Nhà nước hết lòng chăm sóc, tập thể các thầy thuốc tận tình cứu chữa, nhưng vào lúc 9 giờ 47 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.

Ngày 03-9

“Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh”.

Ngày 03-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ và trình bày “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”11 gồm 6 vấn đề cấp bách hơn cả: 1. Giải quyết nạn đói bằng việc phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và đề nghị mười ngày một lần, tất cả đồng bào ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo. 2. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. 3. Chúng ta phải có Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. 4. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách: Cần, kiệm, liêm, chính. 5. Đề nghị bỏ các thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện. 6. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương giáo đoàn kết.

Cùng ngày, Chủ tịch nước ra thông cáo “về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể” yêu cầu “Gửi thơ nói trước, để tôi sắp xếp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ”12.

Ngày 03-9-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục các cuộc tiếp xúc tranh thủ hòa bình và thân thiện với nước Pháp trong giới báo chí, Quốc hội, Hội Hữu nghị Pháp - Việt và thăm Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Mariuýt Mutờ. Bác cũng trả lời Hãng thông tấn AFP: “Tôi tin tưởng ở nước Pháp mới. Hai nước Việt và Pháp có thể đi đến sự thoả thuận vì cả hai nước đều cần phải tương trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung của hai nước, cần phải đi đến một sự hiểu biết lẫn nhau càng nhanh chóng càng hay, để cùng có thể sẵn sàng bắt tay vào một công việc thiết thực”13.

Ngày 03-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Thủ tướng Ấn Độ thăm hỏi và “tỏ tình thân ái đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Ấn Độ”14 nhân việc thành phố Asam của Ấn Độ bị động đất gây nhiều thiệt hại.

Ngày 03-9-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Hội nghị chống việc Chính phủ Pháp định thử bom nguyên tử ở Xahara khẳng định: “Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa triệt để ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân châu Phi nhằm buộc Chính phủ Pháp phải bỏ việc thử vũ khí nguyên tử ở Xahara, phải tôn trọng quyền lợi của các dân tộc châu Phi được sống yên ổn và tôn trọng nền hòa bình thế giới”15.

Ngày 03-9-1960, Bác Hồ tham dự dạ hội của Thanh niên Hà Nội và các đoàn đại biểu quốc tế tham dự Đại hội Đảng lần thứ III, tổ chức tại vườn Bách Thảo. Kết thúc đêm hội, Bác đích thân cầm đũa chỉ huy dàn hợp xướng và bắt nhịp cùng mọi người cất cao bài ca “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh...”.

Ngày 03-9-1969, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc ra thông cáo đặc biệt báo tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần.

Ngày 04-9

“Cùng các nước láng giềng Đông Nam Á ăn ở hòa bình với nhau”.

Ngày 04-9-1919, trên tờ Le Populaire (Dân chúng) xuất bản tại Pari, Nguyễn Ái Quốc viết bài: “Đông Dương và Triều Tiên” đề cập một vấn đề quan trọng của thời đại sau cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất: “Thế giới sẽ chỉ có nền hòa bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó. Trong khi chờ đợi ngày đó, hiện nay họ còn là nạn nhân của con quái vật ấy, đòi hỏi một cách nghiêm khắc, nhân danh nguyên tắc của dân tộc được quyền tự quyết và họ rất xứng đáng để lưu ý tiếng nói của họ phải được lắng nghe với tình cảm đậm đà trong nhân dân các nước Châu Âu và châu Mỹ”16.

Ngày 04-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 4 thành lập “Quỹ Độc lập” với mục đích để thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia và trao cho nhà tư sản Đỗ Đình Thiện phụ trách. Chính từ Quỹ này đã có Tuần Lễ Vàng mang lại cho cách mạng một nguồn lực vô giá về tài chính và sự ủng hộ của dân chúng.

Ngày 04-9-1947, tại chiến khu, Bác tiếp ông Phạm Khắc Hòe, cựu Ngự tiền Văn phòng của Vua Bảo Đại vừa từ vùng tạm chiếm lên chiến khu tham gia kháng chiến. Hồi ức của Phạm Khắc Hoè ghi lại: Khi nghe câu trả lời rằng yếu tố quyết định ra chiến khu tham gia kháng chiến là hình ảnh và uy tín của lãnh tụ, Bác không đồng ý và nói rằng yếu tố quyết định nằm ngay trong bản thân chú. Đó là lòng yêu nước của chú.

Ngày 04-9-1949, Bác ký Sắc lệnh số 102 thành lập Hội đồng Giáo dục có nhiệm vụ giúp Bộ Quốc gia Giáo dục ấn định chính sách và kế hoạch giáo dục do Giáo sư Nguyễn Văn Huyên làm Chủ tịch với sự tham gia của nhiều nhân sỹ, trí thức tên tuổi như Tạ Quang Bửu, Trường Chinh, Trần Văn Giàu, Vũ Đình Hòe, Trần Đại Nghĩa, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Xiển, Trần Đức Thảo, Hoàng Đạo Thúy, Phạm Huy Thông, Lê Thước, Bửu Hội, Bùi Kỷ, Hoài Thanh, Đặng Phúc Thông...

Ngày 04-9-1951, Bác viết bài “Tiểu chiến” và “Đại chiến” đăng trên báo Cứu Quốc với khẳng định “Chiến tranh của Mỹ ở Triều Tiên là một cái hố không đáy” và “không nhìn thấy hy vọng thắng lợi”17. Bài báo kết luận:

 “Mang đi cướp nước người ta

Mình làm mình chết kêu mà ai thương”18.

Ngày 04-9-1954, báo Nhân Dân đăng bài đáp từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ trình quốc thư của Đại sứ Trung Quốc tổ chức tại chiến khu Việt Bắc trong đó có đoạn: “Vì quan hệ địa lý, kinh tế, văn hóa, lịch sử, v.v.. hai nước chúng ta là hai nước anh em. Nhất là từ ngày nước Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa thành lập thì mối quan hệ như môi với răng ấy càng thêm phát triển, càng thêm nồng hậu... Bây giờ hòa bình đã trở lại, nhiệm vụ của chúng tôi là: Triệt để thi hành hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Đồng thời cùng các nước láng giềng Đông - Nam Á ăn ở hòa bình với nhau, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau ra sức giữ gìn hòa bình lâu dài ở Châu Á và thế giới”19.

Ngày 04-9-1968, Bác Hồ đón các cháu dũng sỹ miền Nam ra thăm miền Bắc tại ngôi Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch.

Ngày 05-9

“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

Ngày 05-9-1945, tại Bắc bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cựu hoàng Bảo Đại vừa từ cố đô Huế ra tới Thủ đô Hà Nội, sau đó, sang ngôi nhà số 51 Trần Hưng Đạo là nơi Chính phủ sắp xếp để thăm cựu hoàng nay đã trở thành Cố vấn Vĩnh Thụy.

Cùng ngày, trước thực tế là Pháp đã thả dù một số quan chức và theo chân quân Anh để mưu xác lập lại quyền lực ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi quốc dân”, toàn văn: “Quốc dân đồng bào! Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng Minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa. Hỡi đồng bào! Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu!”20.

Ngày 05-9-1954, nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô, Bác căn dặn: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu. Mấy năm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt... Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy. Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính...”21.

Ngày 05-9-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam. Để cảm ơn sự có mặt của các đoàn đại biểu quốc tế, Bác vận câu thơ: “Quan sơn muôn dặm một nhà, Bốn phương vô sản đều là anh em!”22 . Bác khẳng định những thắng lợi của cách mạng “Đảng ta có thể tự hào là người kế tục những truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, là người mở đường cho nhân dân ta tiến lên một tương lai rực rỡ… không phải là công lao riêng của Đảng ta. Đó là công lao chung của toàn thể đồng bào ta trong cả nước. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào... Đảng ta đã thu được nhiều thắng lợi to lớn, nhưng không phải là không có sai lầm. Song, chúng ta không hề che giấu sai lầm, trái lại chúng ta đó thật thà tự phê bình và tích cực sửa chữa. Thắng lợi đó không hề làm cho chúng ta say sưa, tự mãn...”23.

Đầu tháng 9-1961, trả lời phỏng vấn của báo L’Humanité” (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, Bác nêu rõ: “Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu làm nô lệ. Điều này cũng đúng với những nhà trí thức nước chúng tôi thiết tha với nền văn hóa dân tộc. Chúng tôi không mất gì cả, mà chỉ mất xiềng xích thôi... Mặc dù có cuộc chiến tranh đã gây ra, chúng tôi vẫn luôn luôn là những người bạn của nhân dân Pháp và chúng tôi không bao giờ lầm lẫn nhân dân Pháp với bọn thực dân”24.

Khánh Linh (tổng hợp)

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 3. tr. 202.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 9, tr. 495-496.
3, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 389, 390, 391.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 3, tr. 557.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 283, 285.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 202-203.
8, 9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 208, 676.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 90.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 7.
12. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 3-4.
13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 286.
14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 91.
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 9, tr. 499.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 11.
17, 18. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 90.
19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 7, tr. 343, 344.
20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 11.
21. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 7, tr. 346-347.
22, 23, 24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 195, 197-198, 392-393.

Bài viết khác: