Ngày 06-9
“Làm bạn với tất cả các nước dân chủ trên thế giới”.
Ngày 06-9-1919, Nguyễn Tất Thành được Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anbe Xaru mời đến trụ sở để đích thân kiểm tra lai lịch người đó nhận mình tên là Nguyễn Ái Quốc xuất hiện lần đầu trong “Bản Yêu sách 8 điểm của Nhân dân An Nam” thay mặt cho Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Kể từ đây, cái tên Nguyễn Ái Quốc gắn liền với nhân vật Nguyễn Tất Thành mà sau này là Hồ Chí Minh.
Tháng 9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời cuộc phỏng vấn của nhà báo Mỹ S.Eli Maysi (S. Elie Maissie) đưa ra những quan điểm: “Cuộc kháng chiến là một vấn đề sinh tử của dân tộc Việt Nam. Đó không phải là một vấn đề đảng phái. Chính phủ Việt Nam gồm một đa số các người không đảng phái và một thiểu số đại biểu các đảng ái quốc trong số đó Việt Minh chiếm con số rất nhỏ...
Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho tới khi nào giành được thống nhất và độc lập cho Tổ quốc chúng tôi”25. Đáp lại câu hỏi về “đại cương chính sách đối ngoại của nước Việt Nam”, Bác khẳng định: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”26.
Cũng vào khoảng thời gian tháng 9-1947, Bác gửi thư thăm hỏi ông Cao Triều Phát, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Cao Đài cứu quốc 12 phái hợp nhất, Hội trưởng Hội Liên hợp quốc dân Nam Bộ bằng những lời lẽ thân mật “gửi đến người bạn già ở miền Nam... Dù xa cách, Chính phủ và tôi lúc nào cũng nghĩ đến công việc của ông... Với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể quốc dân, ngày vinh quang của đất nước sẽ gần đây...”27.
Tháng 9-1949, Bác đến thăm và ghi lưu bút trên trang đầu cuốn Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư ”28.
Ngày 06-9-1967, trong thư gửi tới Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Bác viết: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta… Nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa! Chúng ta càng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa với anh em, bè bạn ta trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ đang ra sức ủng hộ chúng ta!... Với sức mạnh đại đoàn kết vô địch, chúng ta nhất định thắng lợi! Đến ngày thống nhất nước nhà, Bắc Nam sum họp thì ta vui lòng!”29.
Cùng trong tháng 9-1967, Bác gửi điện tới Đại hội anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ các Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam lần thứ hai biểu dương: “Năm 1965, Đại hội anh hùng miền Nam lần thứ nhất là Đại hội đánh thắng “chiến tranh đặc biệt” của giặc Mỹ. Đại hội anh hùng lần này là Đại hội của những người sẽ đánh thắng “chiến tranh cục bộ” của chúng... Là tinh hoa của dân tộc, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm, mưu trí, khiêm tốn, giản dị, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, khó khăn không ngại, gian khổ không sờn... Miền Nam nước ta có những anh hùng, chiến sĩ và dũng sĩ xuất sắc là vì có đường lối, chính sách đúng đắn của Mặt trận, có những tập thể anh hùng, có nhân dân miền Nam anh hùng, có dân tộc Việt Nam anh hùng”30.
Ngày 07-9
“Gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới”.
Ngày 07-9-1919, một ngày sau khi gặp Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Anbe Xaru (Albert Sarraut) tố cáo: “Ngài cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện... Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thỏa đáng...”31.
Ngày 07-9-1923, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Đội quân chống cách mạng” đăng trên tờ “La Vie Ouvrière” (Đời sống Công nhân) phân tích chính sách bắt lính thuộc địa: “Công nhân Pháp có nhiệm vụ phải hành động. Họ phải kết tình anh em với binh lính bản xứ. Họ phải làm cho binh lính bản xứ hiểu rằng cả công nhân ở chính quốc lẫn binh lính ở thuộc địa, đều cùng bị chung một bọn chủ áp bức và bóc lột, do đó, họ đều là anh em cùng một giai cấp”32.
Ngày 07-9-1945, tiếp phóng viên báo chí trong nước, Bác cho biết: “Từ khi ra đời, tôi đã thấy nước mình bị nô lệ. Không muốn sống cảnh nô lệ nữa, ngay từ thuở thiếu niên, tôi đã đấu tranh để giải phóng đất nước. Có lẽ đó là công lao duy nhất của tôi”33. Cùng ngày, tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc bộ, vị Chủ tịch nước bày tỏ: “Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: Củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới... Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, đấu tranh cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới. Cái văn hóa mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại”34.
Ngày 07-9-1948, từ chiến khu Việt Bắc, Bác gửi thư tới Giám mục Phát Diệm Lê Hữu Từ, thông báo việc quân dân ta đã đập tan cuộc tập kích của quân Pháp lên căn cứ địa kháng chiến và kết luận: “Đó là nhờ Đức Chúa phù hộ nước ta mà phạt bọn thực dân hung ác. Hai là nhờ tướng sĩ ta dũng cảm, đồng bào ta hăng hái... Sau nữa là nhờ ta đã đoán trước mưu mô của địch để đề phòng sẵn. Vẫn biết địch sẽ tấn công nhiều lần nhiều nơi nữa, ta còn phải kinh qua nhiều bước gay go nữa, nhưng với sự phù hộ của Đức Chúa, với sự cương quyết của dân và quân ta, với sự giúp đỡ của những bậc lão thành như cụ, thì sớm hoặc muộn ta cũng thắng lợi...”35.
Ngày 07-9-1953, trong bài báo Dân chủ mới đăng trên báo Cứu Quốc Bác đề cập những nội dung của “nền dân chủ mới” là: “... Trong chế độ dân chủ mới có năm loại hình kinh tế khác nhau: Kinh tế quốc doanh, hợp tác xã, cá thể, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Tư tưởng giai cấp công nhân - tư tưởng Mác - Lênin là tư tưởng chủ đạo. Đảng lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện dân chủ mới, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội...”36.
Ngày 07-9-1954, trên báo Nhân Dân đăng bài “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp” của Bác bày tỏ lòng “nhớ ơn nhân dân các nước bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đã ủng hộ ta trong những năm tháng kháng chiến. Chúng ta càng thấm thía tình hữu nghị của nhân dân Pháp đối với nhân dân ta...”37.
Ngày 08-9
“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”.
Ngày 08-9-1921, trên tờ “La Revue Communiste” (Tạp chí Cộng sản) đăng bài “Phong trào Cách mạng ở Ấn Độ” của Nguyễn Ái Quốc. Tác giả điểm lại lịch sử phong trào giải phóng của nhân dân Ấn Độ chống chính sách thuộc địa của đế quốc Anh và đặc biệt ca ngợi: “Mahátma Găngđi đã đặt viên đá đầu tiên để dựng lên thuyết bất hợp tác và bất bạo động. Đường lối đó được theo đuổi một cách thắng lợi...”38 và nhận định: “Trước làn sóng như vậy, lá cờ không bao giờ thấy mặt trời lặn có nguy cơ rơi xuống mặt trăng. Đế quốc Anh không biết xoay xở cách nào...”39 .
Ngày 08-9-1945, để tránh sự khiêu khích của quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng đang tràn vào miền Bắc nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi “thông điệp” cho Tưởng Giới Thạch cho biết: “Quân đội Trung Hoa tới Yên Bái bị một bọn cướp công kích, bọn cướp lấy danh hiệu của Việt Minh. Chính phủ lâm thời Dân chủ Cộng hoà Việt Nam đã tức khắc phái quân đến giúp đỡ quân Trung Hoa và tiễu trừ bọn cướp”40.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14 về cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Sắc lệnh quy định: Trong thời hạn hai tháng sẽ mở một cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội; tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, sẽ thành lập một Ủy ban dự thảo Hiến pháp...
Ngày 08-9-1962, nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam. “Lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí”42 , Bác đưa ra nhận xét: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Đưa tin hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng…”42. Báo chí cần khéo lợi dụng vũ khí phê bình và tự phê bình. Nhưng “phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm… Mặt khác, các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo”43.
Bác nhấn mạnh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?... Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài báo của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”44.
Cuối cùng, Bác kết luận: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng...”45.
Ngày 09-9
“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền...”.
Ngày 09-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng từ nhà của ông R.Ôbơrắc trở về Khách sạn “Royal Monceau”, nơi Chính phủ Pháp bố trí cho Người. Đây là thời điểm quyết định thành bại của cuộc Hội nghị Phôngtennơblô. Bác tiếp tục các cuộc tiếp xúc với các chính khách Pháp và thảo luận bên ngoài Hội nghị với những nhân vật có trách nhiệm của Chính phủ Pháp nhằm cứu vãn tình hình.
Ngày 09-9-1950, Bác Hồ viết “Lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng” báo tin: “Quân ta đã mở chiến dịch trên mặt trận Cao - Bắc - Lạng. Chiến dịch này rất quan trọng cho Cao - Bắc - Lạng và cho cả toàn quốc. Đồng bào ba tỉnh đã cố gắng rất nhiều trong việc chuẩn bị chiến dịch như: Góp quân lương, sửa đường sá, vận tải, chuyên chở, giúp đỡ bộ đội v.v.. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và quân đội cảm tạ đồng bào... Đồng bào hãy tiến lên làm gương kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho chiến dịch được thắng lợi”46 .
Cùng khoảng thời gian này, trên đường đi chỉ đạo Chiến dịch Biên giới, Bác ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch và tặng một bài thơ, sau đó trở thành một châm ngôn sâu sắc đối với thế hệ trẻ Việt Nam: “Khuyên Thanh niên:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”47.
Ngày 09-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam”:
“1- Bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân... 2- Bảo vệ nghề nghiệp làm ăn của nhân dân... 3- Tịch thu tài sản của giặc Pháp và bọn phản quốc... 4- Bảo vệ đền chùa, nhà thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hóa, xã hội khác... 5- Thưởng người có công, phạt người có tội... 6- Giữ gìn trật tự và trị an... 7- Nhân dân, đặc biệt là nông dân, nên tổ chức lại... 8- Bảo vệ tính mạng, tài sản của kiều dân nước ngoài...”48. Văn bản kết luận “Kỷ luật của quân đội nhân dân rất nghiêm minh, mua bán công bằng, không phạm đến một cái kim, sợi chỉ của dân...”49.
Cùng ngày, Bác đến chỉ đạo Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc, và mở đầu bằng một câu chuyện có ý nghĩa: “Hôm nay trời mưa to, suối nước lũ, khi đi đến một cái suối nước chảy mạnh, thấy bên kia có một nhóm đồng bào đang ngồi đợi nước xuống để sang, Bác nghĩ: Nếu không đi ngay, e các chú đợi mất thì giờ. Nên Bác cùng mấy chú nữa quyết tâm cởi áo quần, tay sào, tay gậy, lần sang được. Thấy Bác sang được, nhóm đồng bào kia cũng quyết tâm sang. Đó là kinh nghiệm cho các chú. Bất kỳ việc gì, to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì làm được, mà còn lôi cuốn người khác cùng quyết tâm như mình... Quyết tâm không phải nói đầu miệng mà phải tin tưởng sâu sắc... Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động. Phải có quyết tâm gây một tác phong chiến đấu anh dũng. Quyết tâm phản đối tất cả những hành động tiêu cực, lung lay, ích kỷ và báo cáo láo”50. Bác kết luận: “Các chú làm tròn nhiệm vụ thì Bác luôn luôn vui vẻ và khoẻ mạnh... khi quân đội ta mới bắt đầu thành lập, binh sĩ thì chỉ có mấy người, vũ khí thì chỉ có mấy khẩu súng quân mua lậu được. Thế mà chúng ta đã làm nên trò trống, Cách mạng Tháng Tám đã thành công. Bây giờ chúng ta quân nhiều, tướng mạnh, mọi người lại đều quyết tâm. Cho nên ta nhất định thắng lợi”51.
Ngày 10-9
“Chúng ta sáng tạo... Chúng ta tiến lên”.
Ngày 10-9-1943, Lãnh tụ Hồ Chí Minh được trả tự do, kết thúc gần 13 tháng (kể từ 29-8-1942) Người bị các thế lực quân phiệt Trung Hoa giam giữ tại 30 nhà tù thuộc 13 huyện ở Quảng Tây. Bài thơ thứ 134 nhan đề “Kết luận” cũng khép lại tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù).
Ngày 10-9-1945, tại Bắc bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức chiêu đãi mừng tướng Tiêu Văn, chỉ huy đạo quân Trung Hoa Quốc dân đảng vào Việt Nam để giải giáp quân Nhật. Cùng dự có A.Pátti người đứng đầu đơn vị tình báo Mỹ đang có mặt ở Hà Nội. Hồi ức của A.Pátti thuật lại sau khi Tiêu Văn đó ra về: Ông Hồ phàn nàn là tình hình sẽ rất khó khăn và có chiều hướng hoàn toàn xấu. Nhưng ông Hồ nói cuối cùng thì Việt Nam cũng sẽ được giải phóng khỏi người Pháp, Trung Quốc hay bất kỳ nước ngoài nào khác... Trong một phút linh cảm, ông Hồ đã nhận xét là sẽ có đổ máu trong tương lai. Nếu người Trung Quốc thực sự chống đối lại nền độc lập của Việt Nam, nhân dân ông nhất định sẽ kháng cự lại bằng vũ khí... Và nếu sự đe dọa của người Pháp trở thành hiện thực thì sẽ có cuộc chiến tranh toàn diện... Ông cho biết là sự có mặt của quân đội Trung Quốc đã làm ông phiền muộn. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh số 23 cử công dân Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) làm Cố vấn Chính phủ52.
Ngày 10-9-1950, tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới ở Cao Bằng, Bác đã phê duyệt quyết tâm của Bộ chỉ huy chọn Đông Khê làm điểm mở màn và kế hoạch tác chiến của chiến dịch đầu tiên Quân đội ta chủ động mở trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cùng ngày, tờ Sự Thật đăng bài “Chỉnh đốn Đoàn thể và Chính quyền” của Bác nêu rõ: “Người ta mỗi ngày ai cũng rửa mặt, vài hôm phải tắm giặt để giữ cho thân thể sạch sẽ, mạnh khoẻ. Người cách mạng cũng thế, trước hết là cán bộ chính quyền và Đoàn thể cách mạng, mỗi người cũng phải rửa các mặt tinh thần, tư tưởng của mình, để tẩy sạch những chứng bệnh, những khuyết điểm. Chính quyền và Đoàn thể cũng cần thường thường rửa các bộ máy của mình, để tẩy trừ những phần tử bất chính, đầu cơ, và chỉnh đốn lại cách làm việc cho gọn gàng, mau chóng”53.
Ngày 10-9-1960, bế mạc Đại hội lần thứ III của Đảng, Bác được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và cương vị Chủ tịch Đảng. Trong diễn văn Bác nói: “Đại hội lần thứ II đã đưa kháng chiến đến thắng lợi. Chắc chắn rằng, Đại hội lần thứ III này sẽ là nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà... Mười lăm năm trước đây, chỉ có 5.000 đảng viên và trong những điều kiện cực kỳ khó khăn mà Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi. Ngày nay, Đảng ta có hơn 50 vạn đồng chí, lại có những điều kiện rất thuận lợi, cho nên Đảng nhất định lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà đến thắng lợi...”54 và kết luận: “Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn cản được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”55.
Thanh Huyền (tổng hợp)
25, 26. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 219, 220.
27, 28. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 4, tr. 127, 353.
29, 30. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 12, tr. 287, 292-293.
31. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 1, tr. 71.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 202.
33. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 6.
34. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 6-7.
35. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 492.
36. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 365-366.
37. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 496.
38, 39. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 44.
40. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 12.
41, 42, 43, 44, 45. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 613, 614, 615, 616.
46. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 94.
47, 48, 49, 50. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 95, 564-567, 558-562.
51. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 558-562.
52. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 501.
53. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 4, tr. 460.
54, 55. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 205, 206.