Ngày 25-9
“Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”.
Ngày 25-9-1924, Quốc tế Cộng sản ra quyết định “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cần đi Quảng Châu. Chi phí do Ban Phương Đông chịu”145. Quyết định này được thực hiện theo đề đạt của nhà cách mạng Việt Nam và được Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ.
Ngày 25-9-1932, Nguyễn Ái Quốc cùng Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Non (Tố Hữu) tham dự Đại hội VI Quốc tế Cộng sản họp tại Mátxcơva. Tại đây, Bác đã nói với nhà văn Xôviết Ilia Érenbua: Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc tôi.
Ngày 25-9-1942 là Rằm Trung thu, trong nhà tù của Quốc dân đảng Trung Hoa, Bác làm hai bài thơ chữ Hán cùng tựa đề “Trung thu”. Nhà thơ Nam Trân dịch ra quốc ngữ: “I. Trung thu vành vạnh mảnh gương thu/ Sáng khắp nhân gian bạc một màu/ Sum họp nhà ai ăn Tết đó/ Chẳng quên trong ngục kẻ ăn sầu”; “II. Trung thu ta cũng Tết trong tù/ Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu/ Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt/ Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu”146.
Ngày 25-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư mời Thiếu tá A.Pátti và một số khách Mỹ đến dự bữa cơm tại ngôi nhà số 8 Lê Thái Tổ. Trong bữa cơm, Bác thông báo rằng tình hình cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam khó mà tránh khỏi và tỏ ý tiếc rằng đơn vị OSS đã từng cộng tác với Việt Minh sắp phải rời khỏi Việt Nam.
Ngày 25-9-1947, Bác viết thư gửi cụ Võ Liêm Sơn, Chủ tịch "Ủy ban Trung ương mùa Đông kháng chiến giúp binh sỹ” xin được gửi một tháng lương “nhờ Cụ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc chăn áo cho chiến sỹ, gọi tỏ chút lòng thành. Đồng bào ta đã giúp nhiều lần. Lần này, mặc dầu hoàn cảnh khó khăn, nhưng tôi rất mong đồng bào cũng ra sức giúp, để cho chiến sỹ khỏi lạnh và đủ ấm áp để ra sức xung phong diệt địch”147.
Tháng 9-1948, nhận được báo cáo việc cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định có 8 người con tham gia kháng chiến trong đó có 4 người đã hy sinh, Bác Hồ viết thư khen và tặng Cụ 8 chữ: “Một nhà Trung Hiếu/ Muôn thuở thơm danh”148.
Ngày 25-9-1952, nhân Tết Trung thu, Bác gửi thư cho thiếu nhi cả nước bày tỏ: “Mục đích của Bác và Đoàn thể cùng Chính phủ là cốt xây dựng cho các cháu đời sống thái bình, tự do, sung sướng”149. Cuối thư Bác viết tặng bài thơ:
“Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh?
Tính các cháu ngoan ngoãn,
Mặt các cháu xinh xinh,
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,
Tuỳ theo sức của mình:
Để tham gia kháng chiến,
Để gìn giữ hòa bình.
Các cháu hãy xứng đáng:
Cháu Bác Hồ Chí Minh!”150.
Ngày 25-9-1954, Bác viết bài “Các lãnh tụ Trung Quốc” đăng trên báo Nhân Dân nhưng lại rút ra bài học: “Đối với Việt Nam “cần, kiệm, liêm, chính là đức tính của những người cách mạng Việt Nam phải thực hiện được""151.
Ngày 25-9-1965, Bác Hồ và Bác Tôn gửi chung một bức thư cho học sinh trường Hoàng Lệ Kha (Tây Ninh) biểu dương tuổi nhỏ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và có đoạn thơ: “Nam Bắc sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta sẽ gặp mặt trẻ già vui chung./ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu một anh hùng thiếu nhi”152.
Ngày 26-9
“Chúng ta là một dân tộc văn minh”.
Ngày 26-9-1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ nhân vụ thực dân gây hấn. Thư có đoạn: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đó gặp nạn ngoại xâm... Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”... Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước. Nước Nam độc lập muôn năm. Đồng bào Nam bộ muôn năm”153.
Cùng ngày, báo Cứu Quốc đăng bài “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích” của Bác phân tích: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời... Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi... Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”154.
Ngày 26-9-1947, báo Cứu Quốc đăng lá thư Bác Hồ gửi đồng bào xã N.L, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình khen ngợi từ tháng 5, dân cả xã đã biết chữ. Thư viết: “Có kết quả tốt đẹp đó, là nhờ các cụ phụ lão hăng hái hô hào, các vị thân sỹ hăng hái giúp đỡ, các anh em bình dân học vụ hăng hái dạy dỗ và toàn thể đồng bào hăng hái học tập”155.
Ngày 26-9-1953, Bác đến dự và nói chuyện tại lễ bế mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức. Bác nói: “Phấn đấu trong một thời đại vẻ vang, làm cán bộ của một dân tộc anh hùng, đó là một vinh dự của người trí thức, đồng thời cũng là một nhiệm vụ nặng nề... Chúng ta phải nhớ câu “chính tâm tu thân” để “trị quốc bình thiên hạ”. Chính tâm tu thân tức là cải tạo. Cải tạo cũng phải trường kỳ gian khổ, vì đó là một cuộc cách mạng trong bản thân của mỗi người...”156.
Ngày 26-9-1959, Bác Hồ đưa Tổng thống Inđônêxia Xucácnô đến thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bác đích thân dịch bài nói của khách quý với sinh viên Việt Nam: “Bác Cácnô đã nói với các cháu những gì? Nói tương lai của loài người một phần lớn là ở trong các cháu thanh niên - tức là các cháu là chủ nhân, là ông chủ, bà chủ tương lai của trái đất. Nhưng muốn cho xứng đáng với ông chủ, bà chủ thì phải làm thế nào? Không phải cứ ngồi khoanh tay sẽ là ông chủ, bà chủ mà: 1. Phải đoàn kết chặt chẽ. 2. Cố gắng học tập cho tốt. 3. Phải lao động cho tốt. 4. Vượt mọi khó khăn để mà chiến thắng, để hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại thế kỷ XX”157.
Ngày 26-9-1964, dự họp của Bộ Chính trị bàn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau sự kiện Vịnh Bắc bộ và Mỹ ném bom miền Bắc ngày 05-8-1964, Bác nhắc nhở phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình hình xấu nhất, âm mưu của Mỹ đánh phá miền Bắc là chiến lược chứ không phải là sách lược.
Ngày 27-9
“Thanh niên Hà Nội phải thành khuôn mẫu cho thanh niên cả nước”.
Ngày 27-9-1925, báo Thanh Niên xuất bản ở Quảng Châu đăng bức thư của Nguyễn Ái Quốc “Trả lời bạn nữ sinh viên X của chúng ta” trong đó, chia sẻ nhiều quan điểm về cách mạng. Thư phân tích: “Các vua quan, thư lại, thông ngôn, theo chị là những người phản cách mạng. Chị đã nhầm rồi, bạn thân mến, bởi vì một ông vua có thể suy nghĩ và biết cảm thông với những bất hạnh chưa từng thấy đang giáng xuống dân tộc của ông; vì vậy ông ta thà làm một người dân bình thường còn hơn là trị vì một dân tộc nô lệ... Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân… nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi... Điều đó chứng tỏ rằng vì quyền lợi của đàn bà con gái An Nam mà chúng ta làm cách mạng...”158.
Ngày 27-9-1945, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Bác đến dự và mở đầu bài nói: “Các anh em nếu đến đây để đợi nghe một bài diễn văn bóng bảy, hoa mỹ thì các anh em sẽ thất vọng. Những lời tôi nói với anh em sẽ chỉ rất giản dị, rất thiết thực. Tôi sẽ không khen ngợi anh em, mà chỉ chú ý vạch ra những khuyết điểm của anh em... Bây giờ, cần phải làm sao cho mất những khuyết điểm ấy. Việc cần trước nhất là làm thống nhất các tổ chức thanh niên... Nói tóm lại, phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội phải thành một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc”159.
Ngày 27-9-1946, tiếp tục bàn về “Binh pháp Tôn Tử”, trên báo Cứu Quốc, Bác viết bài “Bàn về kế hư thực”: “Muốn chiến đấu thắng lợi, bao giờ cũng phải chiếm địa vị chủ động... Kế hư thực là một kế rất thần diệu trong tất cả các binh pháp... Nói tóm lại, kế hư thực của Tôn Tử rất mầu nhiệm. Muốn đánh được thắng lợi, hành động phải bí mật, đừng để cho quân địch biết mà đề phòng. Trái lại, muốn phòng giữ chắc chắn đừng nên để lộ cơ mưu, hư thực của mình, khiến cho quân địch không biết đánh vào nơi nào, đừng nơi nào. Thi hành đúng kế hư, thực, thắng lợi sẽ cầm chắc trong tay”160.
Ngày 27-9-1947, trong thư gửi nhân Tết Trung thu, Bác Hồ “hứa với các cháu: Các bác, các chú, toàn cả đồng bào, sẽ ra sức tranh đấu, để sớm đuổi bọn thực dân phản động, để trường kỳ kháng chiến... để các cháu được ăn Tết Trung thu vui vẻ như năm kia, năm ngoái”161.
Ngày 27-9-1951, Hội nghị Trung ương lần thứ hai khóa II khai mạc. Bác tham dự Hội nghị và đóng góp những ý kiến thiết thực đối với công tác Đảng: “Điều chú ý là cán bộ xa dân vì quan liêu, không gần gũi quần chúng. Cho nên phải làm thế nào kết hợp được với quần chúng… Công tác trong vùng tạm chiếm cần phải linh hoạt, không máy móc... Học tập cả kinh nghiệm và lý luận ta đều có mặt kém... phải cố gắng, chống khuynh hướng kinh nghiệm chủ nghĩa”162.
Ngày 27-9-1954, Bác viết bài “Cái gậy và con gà” đăng trên báo Nhân Dân nhắc đến ý kiến của một người Pháp từng chứng kiến cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đã đưa ra lời nhận xét: “Mỗi người Việt Nam yêu nước đều có thể là người tuyên truyền làm cho thế giới kính trọng dân tộc ta”163.
145. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 290.
146. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 291.
147. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 124.
148. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 507.
149, 150. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 571, 572.
151. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 504.
152. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 302.
153, 154. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 47-48, 26.
155. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 216.
156. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 148.
157. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 471.
158. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 442-443.
159, 160. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 29-30, 313-315.
161. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 217.
162, 163. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 100-101, 505.
Thanh Huyền (tổng hợp)